CƯƠNG YẾU GIỚI LUẬT


Hòa Thượng Thánh Nghiêm- Thích nữ Tuệ Đăng Dịch- Nhà xuất bản Thời Đại 2010
11/04/2011 18:13 (GMT+7)
Số lượt xem: 28149
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
CƯƠNG YẾU GIỚI LUẬT
Mục lục

Thiên thứ tư: Bát Quan Giới Trai
Chương 1: Bát Quan Giới Trai Và Nội Dung
I.   LỜI MỞ ĐẦU

Con đường học Phật là tiến từng giai đoạn, là từng lớp tiến lên. Quy y Tam bảo chỉ là bước đầu tiến vào cửa của sự tin Phật, học Phật. Ngũ giới thập thiện mới là sự mở đầu đi vào con đường học Phật. Trong luật điển thời Đức Phật tại thế, hễ thọ tam quy ắt thọ luôn cả ngũ giới. Vì thế, tam quy ngũ giới từ trên sự yêu cầu căn bản mà nói, là phân ra không được. Người đời sau chỉ thọ tam quy không thọ ngũ giới, chỉ là kế thích nghi tạm thời tiếp dẫn chúng sinh mà thôi.

Thọ tam quy ngũ giới chỉ cầu vâng làm đúng như pháp, tuyệt đối có thể bảo đảm không đọa tam đồ (súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục). Công đức của ngũ giới có thể bảo đảm sinh ở loài người, cho đến có thể sinh lên Trời thành thiên nhân.

Nhưng mục đích cuối cùng của Phật pháp là dạy người liễu sinh thoát tử, quy y Tam bảo là làm cho chúng sinh không bị đọa vào tam đồ, cũng chỉ là một kế thích nghi tạm thời của sự liễu sinh thoát tử. Trước tiên khiến cho người chẳng bị đọa, sau khi chân đứng vững vàng còn phải tiến lên một tầng và đi trên đường vào cửa liễu sinh thoát tử, Bát quan giới trai là một con đường vào cửa liễu sinh thoát tử này.

Đương nhiên, Bát quan giới trai chỉ là khởi điểm của con đường liễu sinh thoát tử, chỉ là một cái cửa lớn, chỉ là một con đường vào cửa, lên đường rồi còn có cảnh giới cao hơn chờ đợi chúng ta. Vì thế trong kinh đều nói thọ Bát quan giới trai là chúng sinh gieo trồng chánh nhân xuất thế, mà chẳng phải quả xuất thế. Nhân vì người trì ngũ giới thanh tịnh sinh lên Trời, chỉ ở trên trời, nhưng không nhất định liễu sinh thoát tử. Bát giới sinh lên Trời ,cuối cùng sẽ được kết quả Niết bàn liễu sinh thoát tử. Đây là chỗ khác nhau giữa ngũ giới sinh lên Trời và bát giới sinh lên Trời.

II.      BÁT QUAN GIỚI TRAI LÀ GÌ?

Giới, trong Phật giáo, trên đại thể, gồm có 2 loại khác nhau:

1. Tiệm thứ giới.

2.  Đốn lập giới.

Tiệm thứ giới là chỉ tam quy ngũ giới của tại gia; Sa di, Sa di ni, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni giới của xuất gia. Không thọ tam quy ngũ giới sẽ không thọ được thập giới Sa di, Sa di ni; không thọ thập giới Sa di, Sa di ni sẽ chẳng thọ được Tỳ kheo, Tỳ kheo ni giới. Trong quá trình từ Sa di ni tiến vào Tỳ kheo ni còn có lục pháp của Thức xoa ma na. Do vì cần phải tuần tự tiến lên tầng cấp cho nên gọi là Tiệm thứ giới. Hai chúng tại gia cộng thêm 5 chúng xuất gia thành ra 7 chúng đệ tử Phật, đều lấy tiệm thứ giới để được danh phận theo thứ tự.

Đốn lập giới chỉ cho Bát giới và Bồ tát giới của Kinh Phạm Võng và Kinh Anh Lạc. Hai thứ giới này là giới biệt giải thoát ở ngoài thất chúng giới. Giới này và giới kia tuy đồng là Phật giới, nhưng không thọ tam quy ngũ giới cũng có thể thọ ngay Bát giới và Bồ tát giới (Du già Bồ tát Giới vẫn là tiệm thứ giới). Như vậy, chúng ta nói hiện tại Bát giới đã chẳng phải là một thứ giới của tiệm thứ giới của thất chúng, tại sao lại đặt bát giới ở sau ngũ giới mà giảng? Nhân vì trong Bát giới bao quát toàn bộ ngũ giới và gồm phần lớn của thập giới Sa di. Vì muốn cho dễ hiểu nên tôi đặt Bát giới ở sau ngũ giới và trước thập giới.

Nội dung của Bát quan giới trai như sau:

1.  Không sát sinh.

2.  Không trộm cướp.

3.  Không phi phạm hạnh (không dâm).

4.  Không vọng ngữ.

5.  Không uống rượu.

6.  Không đeo tràng hoa hương thơm, không xoa dầu thơm, không ca múa và biểu diễn các bộ môn nghệ thuật, không cố đến xem nghe.

7.  Không ngồi nằm trên giường lớn cao rộng.

8.  Không ăn phi thời.

Chúng ta xem qua có thể biết trong Bát giới này, trừ ba điều giới 6, 7, 8, ra, 5 điều giới trước đồng với ngũ giới, nhưng điều giới thứ ba “không tà dâm” đổi lại là “không dâm”.

T hật ra, 8 điều giới này là 9 điều giới trước của thập giới Sa di, trừ điều giới thứ 10 :”Chẳng cầm giữ vàng bạc vật báu “ra, hoàn toàn giống với Sa di giới, chỉ đem hai điều 6, 7 của Sa di giới ở đây hợp lại thành một điều giới thứ 6. Vì thế, cũng có người đem bát giới này theo Sa di giới mà phân làm 9 điều, vì trong điều giới cuối cùng: Giới “ăn phi thời” chẳng phải là giới mà là trai. Không ăn phi thời gọi là trai, quá giữa ngọ (12 giờ trưa) không ăn gọi là trì trai (trì trai chẳng phải là ăn chay), quá giữa ngọ mà ăn gọi là ăn phi thời. Bát quan giới trai cũng lấy sự trì trai này làm thể, làm chủ, làm gốc, làm trọng yếu, cho nên 8 điều trước gọi là giới, một điều sau gọi là trai. Trai có nghĩa là thanh tịnh, từ trên sự tướng nói, quá giữa ngọ mà ăn tức là tạp loạn bất định, vì thế ba đời chư Phật đều không ăn quá giữa ngọ, nhưng từ trên căn bản mà nói thì ba nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh là trai.

Chỗ khác biệt lớn nhất giữa Bát quan giới trai và Sa di thập giới là chỉ thọ trì một ngày một đêm trong sáu ngày trai, chẳng giống như Sa di giới phải thọ trì suốt đời. Vì Sa di suốt đời thọ trì thập giới nên có thể chứng quả cao nhất là A la hán. Bát quan giới trai chỉ thọ một ngày một đêm, tuy gieo trồng được chánh nhân xuất thế, nhưng chẳng thể ngay nơi thân này chứng quả A la hán. Đức Phật từ bi, nhưng vì trên đời mặc dù có rất nhiều người hy vọng tin Phật, học Phật để mong ra khỏi đường sinh tử, nhưng do những nhân duyên sai biệt bất đồng khiến cho nhiều người không có cách ra khỏi con đường sinh tử này. Có người vì chức nghiệp khiến cho họ không thể tự do quyết định phương thức sinh họat của mình nhắm đến, có người vì sự bó buộc của xã hội, có người vì sự ràng buộc của vợ, con v.v… Vì thế, người mong muốn đi trên con đường xuất thế thì rất đông, mà người đi được trên con đường xuất thế lại rất ít. Do đó, Đức Phật mở ra một con đường phương tiện để cho một người mong muốn đi trên con đường xuất thế mà không có cách đạt đến mục đích cũng có cơ hội đi qua sinh hoạt xuất thế để gieo trồng thiện căn xuất thế. Bát quan giới trai là pháp môn phương tiện rộng lớn này.

Bát quan giới trai đã là 9 điều trước của Sa di thập giới, cho nên phân mục thọ trì cũng gần với Sa di thập giới. Sinh hoạt xuất thế lấy sinh hoạt của Sa di làm cơ sở. làm mở đầu, phân mục thọ trì 9 giới trước của 10 giới cũng gần với phân mục của sinh hoạt xuất thế phải thọ trì. Bát quan giới trai là một ngày một đêm thọ trì, thọ thêm một lần là được lợi ích nhiều thêm một lần. Thông thường lấy các ngày mùng 8,14, 15, 23, và 2 ngày cuối tháng âm lịch gọi là 6 ngày trai. Trong 6 ngày này mỗi ngày đều thọ cố nhiên là tốt, nếu như vì sự hạn chế của hoàn cảnh chỉ thọ 5 ngày cho đến một ngày cũng tốt.

III. VÌ SAO CẦN PHẢI THỌ BÁT QUAN GIỚI TRAI?

Ý nghĩa đại khái, đoạn trước đã nói qua là gieo trồng thiện căn xuất thế, thọ trì Bát quan giới trai tuy chỉ một ngày một đêm, nhưng rốt cuộc ắt nhờ công đức này được đến quả Niết bàn. Tại sao Bát quan giới trai lại có đủ công đức như thế?

Điểm này chúng ta cần nên chú ý: Trọng tâm của Bát quan giới trai là lập ra phương pháp đóng chặt cửa sinh tử của chúng sinh. Tác dụng của Bát quan giới trai là do từ quan ải này mà chúng sinh chạy ra khỏi cửa sinh tử. Hai nguồn đại họa dâm dục và ăn uống là gốc của sinh tử. Nho gia nói: “Ẩm thực, sắc dục là tánh. Nguyên nhân căn bản khiến chúng sinh thành chúng sinh.” Theo quan điểm Phật pháp nói: “Ăn uống là trợ duyên tăng thượng của sinh tử, dâm dục là nguyên nhân căn bản của sinh tử.” Tất cả chúng sinh đều do chẳng đọan dâm dục, vì thế chẳng lìa sinh tử. Tất cả chúng sinh đều tham luyến các khoái lạc dâm dục, thành trợ duyên cho sự sinh tử của con cháu đời sau, tự thân cũng bị sợi dây sinh tử trói buộc. Chúng sinh có dâm dục là bẩm sinh. Sự giao tiếp của hai tánh (nam, nữ) hình thành sự dâm dục phải sau khi được no ấm. No ấm thuộc về ăn mặc, ăn so với mặc còn trọng yếu hơn. Có ăn không có mặc, có thể no cũng có thể ấm. Có mặc không có ăn, rốt cuộc phải bị đói mà chết. Vì thế, dâm là căn bản của sinh tử, ăn là trợ duyên sinh tử. Nếu vượt ra ngoài dâm dục và ăn uống, ắt đã liễu thoát sinh tử. Trong tam giới, dầu đến cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng của Vô sắc giới không còn có niệm dâm dục, nhưng cũng chẳng lìa thức thực, cho nên vẫn không ra khỏi sinh tử. Vì đã vượt ra sinh tử nên giới dâm. Vì ức chế dâm dục nên trì trai. Sinh họat xuất thế bắt đầu thực hiện từ giới dâm và trì trai. Ăn uống là trợ duyên của sinh tử. Dâm dục lại do ăn uống đầy đủ mà nổi dậy. Chính vì thế, trì trai tuy chẳng phải giới, nhưng lại là thể của giới.

Đến đây, người đọc sẽ hoài nghi nội dung của Bát quan giới trai rõ ràng có 8 điều hoặc 9 điều, tại sao chỉ nói dâm dục và trì trai mới là trọng tâm của Bát quan giới trai ?

Vì 5 giới đầu của Bát quan giới trai, trừ giới thứ ba “không tà dâm” đổi thành “không dâm”, ngoài ra đều giống ngũ giới, đủ thấy điểm trọng yếu của nó ở tại giới dâm, cho nên cùng ngũ giới bất đồng.

Đến điều thứ 6 “Không đeo tràng hoa thơm, không xoa dầu thơm, không ca múa và biểu diễn các bộ môn nghệ thuật, không cố đến xem nghe”, và điều thứ 7: “Không ngồi nằm trên giường lớn cao rộng”, mục đích cũng là gián tiếp giới dâm. Đeo hoa, xoa dầu, biểu diễn nghệ thuật, ngồi tòa báu, nằm giường lớn, bất luận tự mình làm hay thấy người khác làm, đối với người tu hành chẳng thích nghi. Đây đều là môi giới phóng túng dâm dục, cho nên các điều giới ấy vẫn thuộc vào phạm vi giới dâm.

Đến giới thứ 8 là “trì trai” thì không cần phải giải thích nữa. Chính nhân vì Bát quan giới trai là đặt nặng ở sự giới trừ và tiết chế dâm dục cùng ăn uống; vì thế trì Bát quan giới trai là gieo trồng công đức của chánh nhân xuất thế. Người thế tục tại gia muốn gieo trồng công đức của chánh nhân xuất thế phải thọ trì Bát quan giới trai. Bất luận ông đã thọ tam quy rồi cũng tốt, thọ ngũ giới rồi cũng tốt, thọ Bồ tát giới rồi cũng tốt, đều nên thọ trì Bát quan giới trai. Vì Bát quan giới trai không có xung đột với sự thọ trì tam quy ngũ giới và Bồ tát giới. Đây chỉ là một ngày một đêm thọ, hôm nay thọ đến sáng hôm sau không còn bị sự hạn chế của giới trai này nữa. Nếu như lần sau muốn thọ trì phải thọ giới lại. Đây thật là Ba la đề mộc xoa (giới Biệt giải thoát) hết sức phương tiện mà công đức rất lớn, không giống như ngũ giới thọ trì suốt đời và Bồ tát giới thọ trì đến tận đời vị lai.

IV. NỘI DUNG CỦA BÁT QUAN GIỚI TRAI

Nội dung của Bát quan giới trai, đoạn trước đã giới thiệu sơ qua rồi, nay xin giải thích thêm một chút.

Từ giới thứ nhất đến giới thứ năm (trừ giới dâm ra không hoàn toàn tương đồng với ngũ giới), chúng tôi không giải thích nữa, độc giả nên xem lại chương thứ nhất của thiên Ngũ giới Thập thiện, giả sử một điều giới dâm, ở trong đây đã có đề cập đến “Sáu ngày trai của mỗi tháng không được hành dâm”. Nhưng người chỉ trì ngũ giới mà không trì Bát quan giới trai, tuy nói 6 ngày trai không được hành dâm, nhưng nếu có hành chánh dâm của vợ chồng cũng không kể là phạm giới. Trong điều thứ 30 của khinh cấu tội trong Kinh Phạm Võng Bồ tát Giới cũng có quy định như vầy: “Vì hàng bạch y làm mai mối cho nam nữ giao hội dâm sắc gây thành ác nghiệp kiết phược. Sáu ngày trai trong mỗi tháng, ba tháng trường trai (tháng giêng, tháng năm, tháng chín) trong mỗi năm, làm việc sát sinh, trộm cướp, phá trai  phạm giới , Phật tử này phạm khinh cấu tội. Đây là nói người thọ Phạm Võng Bồ tát giới rồi cũng phải trong 6 ngày trai của mỗi tháng và ba tháng trường trai của mỗi năm đều chẳng được có những hành vi sát sinh, trộm cướp, dâm dục, ăn phi thời. Bằng không thì giống như người thọ Bát quan giới trai, thành tội phạm giới. Điều này ở trong Kinh Phạm Võng Giới gọi là Bất kính hảo thời giới, tuy chẳng phạm giới song cũng chẳng phải là việc tốt. Trong Bát giới, nếu như phạm Bất kính hảo thời giới thành phạm giới, đây là chỗ bất đồng với ngũ giới.

Đồng thời, giới “không dâm” của Bát giới còn có yêu cầu tiến lên một tầng nữa, như trong Kinh Phật Thuyết Trai nói: Một ngày một đêm gìn giữ tâm như Chân Nhân (Như Lai), không có ý dâm, chẳng nhớ nghĩ đến việc phòng thất (ân ái), tu trì phạm hạnh, chẳng làm tà dục, tâm không tham sắc, như giới thanh tịnh, nhất tâm tu tập”. Điều trọng yếu nhất ở đây là phải giống như Phật, tuy chỉ một ngày một đêm cũng được hy vọng giữ phạm hạnh thanh tịnh như vị Tỳ kheo trăm tuổi, thân chẳng phạm dâm hạnh, miệng chẳng nói lời dâm, tâm chẳng khởi ý dâm. Trong một ngày một đêm này hoàn toàn phải tự mong sống được với thân tâm ly dục xuất thế. Hễ khởi một niệm dâm dục hiện tiền, hoặc giả nhớ lại cảnh dâm quá khứ, hoặc giả tưởng tượng lạc thú dâm dục vị lai đều kể là trai chẳng thanh tịnh. Điều này so với “Bất kính hảo thời giới” của Bồ tát giới lại nghiêm khắc hơn nhiều. Nhưng Bồ tát phải trì lục trai, cho nên trong Ưu bà tắc Giới Kinh có quy định trì lục trai giới.

Bây giờ bắt đầu trì giới thứ 6, chúng ta phân ra từng điều để nghiên cứu:

Điều thứ 6: Không đeo tràng hoa thơm, không xoa dầu thơm, không ca múa biểu diễn các bộ môn và cố đến xem nghe.  

Bát quan giới trai đặt nặng ở chỗ dạy người xuất ly thế gian, gieo trồng chánh nhân xuất thế, vì thế từ trên sự tướng, chúng ta thấy nó thuộc pháp môn Tiểu thừa, tự cầu giải thoát sinh tử (nhưng nên không khinh thị Tiểu thừa, vì nếu không có hạnh Tiểu thừa làm nền tảng, hạnh Đại thừa không làm sao thực hiện). Tự mình không tự chủ được đối với sinh tử, mà nói:”Ta chẳng vào địa ngục, ai vào địa ngục ?”. Những người nói như vậy đồng phạm tội đọa địa ngục, chớ chẳng phải thừa nguyện cứu địa ngục. Phải biết, người có năng lực tự chủ mạnh mẽ mới có được phạm vi hóa độ sâu rộng. Cho nên cũng không nên nói: “Vì tiếp dẫn chúng sinh, Bồ tát Nhất sinh Bổ xứ cũng dùng tràng hoa anh lạc để làm trang nghiêm”. Phải biết, tiếp dẫn chúng sinh là một chuyện, cầu liễu sinh tử lại là một chuyện.

Đeo vòng hoa là vòng trang sức làm đẹp ở Ấn Độ, dùng hoa thơm kết thành mão hoa, xỏ thành vòng hoa, dây hoa, hoặc dùng vàng bạc châu báu kết dính lại, đội lên đầu, đeo trước ngực, mang trên vai cho đến đeo lòng thòng trên thân hoặc trên hoặc dưới. Như ngày nay nói dây chuyền, vòng đeo cổ, bông tai, kẹp tóc, đồ trang điểm trên nón, trâm cài tóc, vòng đeo tay, cà rá, hột xoàn, nhẫn… của người nữ; đồng hồ đeo tay, nhẫn vàng, vật trang sức đeo trên cổ của người nam, đều đồng một tính chất với vòng hoa thơm. Vì thế, Nam truyền Tiểu thừa, Tỳ kheo và Sa di không đeo đồng hồ tay nguyên nhân là do đây. Hiện nay, các nơi theo Phật giáo Đại thừa, Tỳ kheo đi ra nước ngoài được đón tiếp và được quàng vòng hoa theo thể thức Hạ Uy Di lên cổ, đây là việc không phù hợp với người xuất gia. Theo nghĩa rộng, “không đeo tràng hoa thơm” ở đây bao quát cả nghĩa không mặc y phục hoa lệ cao quý và màu sắc tươi đẹp, điều này cần phải chú ý. Người xuất gia mặc cà sa (y hoại sắc) là việc của suốt đời. Người tại gia trong 6 ngày Trai trì Bát quan giới trai cũng nên mặc y phục mộc mạc. Vào thời Đức Phật, có một bà quyền uy có tiền tài địa vị lớn lao tên là Tỳ Xá Khư Mẫu. Có một lần bà đi bái kiến Đức Phật, đi đến gần cửa Tịnh xá Kỳ Viên, bà mới nhớ ra những đồ trang sức trên thân đều là vòng hoa anh lạc chiếu sáng ngời.Bà biết rằng đi bái kiến Đức Phật không nên như thế, nhưng trở về nhà cởi đồ trang sức cũng không tiện, bà liền tùy tiện cởi vòng hoa anh lạc bỏ dưới gốc cây trong tịnh xá, mộc mạc không trang sức đi bái kiến Đức Phật. Do đây đủ thấy đệ tử vì cung kính Đức Phật, nên chẳng dám trang sức xinh đẹp đến bái kiến Ngài. Chúng ta vì liễu thoát sinh tử mà thọ Bát quan giới trai, không nên trang sức đẹp đẽ vậy.

Dùng dầu thơm xoa thân vốn cũng là tập tục ở Ấn Độ. Xứ Ấn Độ thuộc miền nhiệt đới, da cần phải luôn luôn trơn ướt, vì thế người có tiền bất luận là nam hay nữ đều có thói quen xoa dầu. Cho nên xoa dầu cũng là làm cho thanh khiết. Tỳ kheo và Tỳ kheo ni vốn không được phép xoa dầu, nhưng khi bệnh Phật cũng cho xoa dầu, điều này thường thấy ở trong luật, cho nên biết dùng dầu xoa thân là việc bình thường. Nhưng người thế tục, hơn nữa là người có tiền đều dùng dầu có chất trơn thượng đẳng. Người đã sống cuộc đời xuất gia chẳng nên dùng chất thơm (hương liệu) xoa thân. Ngày nay trên thị trường có bán nước hoa, xà bông thơm, phấn thơm, son thơm, sáp thơm, dầu thơm, ở ngay ngày thọ Bát quan giới trai tất cả những thứ đó chẳng nên sử dụng (nếu như Tỳ kheo, Tỳ kheo ni dùng chất thơm xoa thân, ấy là hiện tượng trì giới không thanh tịnh) Hai điểm kể trên người nam so với người nữ dễ trì hơn. Tâm lý thích đẹp của người nữ là do bẩm sinh, nhưng chẳng nghe nói:”Người nữ trang điểm cho đẹp là vì muốn cho người nam yêu mình”. Người nữ làm đẹp dung mạo của mình là vì cầu sự ái mộ và quan tâm của người nam, trong đó có ý khêu gợi dẫn dụ dâm dục bên trong, vì thế Đức Phật dạy hàng đệ tử tại gia trong ngày thọ Bát quan giới trai phải buông bỏ toàn bộ những thứ ấy. Nếu nói vì lý do giao tế và thù tạc mà không bỏ được, thì ông cứ lựa ngày không có giao tế và thù tạc mà thọ Bát quan giới trai, chớ không nên thọ rồi lại phạm, bởi công đức thọ giới đã lớn, mà tội phạm giới còn lớn hơn.

Vì thế người tại gia ở nước Thái Lan gọi 6 ngày trai là ngày “Phật nhật thọ bát quan giới trai”. Một ngày một đêm ấy họ chẳng về nhà, ban đêm quấn y ngủ ở bốn phía Phật điện (xem Thái Tăng An Cư Ký của Pháp sư Tịnh Hải).

Đối với sự vận dụng chất thơm (hương liệu), trong luật cũng chỉ dạy bôi ở trong Phật điện, bôi ở trong Tăng phòng, hoặc vì trong phòng có mùi hôi thúi cũng có thể xông đốt các loại hương thơm. Như bệnh mắt, bệnh ghẻ, thầy thuốc ra toa bảo phải dùng chất thơm làm thuốc và nếu chẳng dùng chất thơm thì không trị lành bệnh được thì mới có thể dùng. Ngày này gần như rất ít dùng chất thơm thoa ghẻ, cho nên cũng không cần thiết khai giới này.

Ca múa và biểu diễn các bộ môn nghệ thuật, nói theo pháp thế gian là vui chơi, con người đối với sự vui chơi không thể thiếu được. Loài người từ thời Thượng cổ đã có ca hát và nhảy múa giản đơn. Vì sự vui chơi là một thứ sản vật làm quân bình sinh hoạt của loài người, cho nên từ xưa đến nay các dân tộc trên thế giới đều coi trọng sự vui chơi. Nhưng phạm vi của sự vui chơi rất rộng, có thiện và bất thiện. Vì thế, xã hội hiện nay cần đề xướng sự vui chơi chính đáng mà hạn chế sự vui chơi không chính đáng. Sự vui chơi có ích cho thân tâm con người là chính, là thiện; có hại cho thân tâm con người là tà, là ác. Cho nên cổ Thánh tiên Hiền ở Trung Quốc phải chế lễ làm nhạc :”Lễ là dưỡng vậy”. Mục đích của lễ là để bồi dưỡng tánh trung chính, hòa bình cho quốc dân, là vì phát dương nhân tính, đề cao nhân cách mà thiết lập. ”Nhạc là vui vậy, vui thì an, an ắt lâu dài”. Mục đích của nhạc là để hỗ trợ đào luyện tính hòa bình an lạc cho quốc dân, là vì trên dưới hòa kính, lớn nhỏ hòa thuận, làng xóm hòa thân nên thiết lập. Thật ra hai môn lễ nhạc dùng xen lẫn nhau mới có thể sinh ra hiệu quả kính thuận, hòa lạc. Có nhạc có lễ thì tuy nhạc mà không đi vào dâm lọan. Có lễ có nhạc thì tuy lễ mà không kẹt vào cứng nhắc. Nhân đây, giá trị của sự vui chơi có thể đạt thành mục đích cải thiện dân tộc. Như thế, tại sao Phật giáo chúng ta lại dạy người “không ca múa và biểu diễn các bộ môn nghệ thuật”?

Lý do là vì hướng về xuất thế. Đã hướng về xuất thế thì không còn tâm tình gì để hưởng thụ sự vui chơi của thế gian. Thái độ của người xuất thế không để cho tâm thuận với thế tục hoành hành, bằng không thì cũng chẳng thành thái độ của người xuất thế. Đã cầu xuất thế, không nên lại đem lý do rộng độ chúng sinh ra để tùy thuận thế tục. Nếu chưa chứng nhập Thánh quả, Thánh vị, chỉ khóac lác nói tùy thuận thế tục rộng độ chúng sinh thì ông sẽ bị thế tục cuốn trôi. Trôi xuôi theo dòng thế tục đó là sự thật, còn việc rộng độ chúng sinh quyết chắc là khó làm đến. Vì thế trong Du già Bồ tát giới, Bồ tát vì độ chúng sinh có thể khai mở 7 chi tội, tuy phạm giới mà vẫn có công đức, song văn có quy định rõ: “Bồ tát xuất gia vì hộ trì Thanh văn khiến cho lời răng dạy của Phật không bị hoại diệt”. Luận Nhiếp Đại Thừa nói: “Bồ tát Địa thượng, (từ Sơ địa trở lên) vì độ chúng sinh có thể khai thập ác, tuy phạm thập ác nhưng vẫn nhiều công đức”. Trong Căn Bản Tạp Sự quyển 38 nói: “Đức Phật vì muốn độ nhạc thần Càn thác bà Vương Thiện Ái, Ngài cũng đi lên Trời tấu đàn không hầu lưu ly ngàn dây”. Bát quan giới trai đã là giới xuất thế (bản chất giống như giới xuất gia). Chúng ta đã chẳng phải là Thánh vị Bồ tát Địa thượng, vì cầu giải thoát sinh tử, thì  ngày trì trai không ca múa và biểu diễn các bộ môn nghệ thuật, không hưởng thú vui thanh sắc, ai nói là không nên?

Đương nhiên, Đức Phật cũng không ngăn cấm sự ca múa và biểu diễn các môn nghệ thuật của đệ tử tại gia. Vì cúng dường Tam bảo, người thế tục có thể ca múa để phụng hiến, điều này ở trong Kinh điển Đại thừa, Tiểu thừa đều có ghi chép. Chỉ lấy sự tán dương công đức Tam bảo làm điều kiện tiên quyết bằng không thì chẳng được diễn tấu trước Tam bảo. Người thời này Phật hóa điện ảnh, Phật hóa ca khúc, Phật hóa hý kịch để hoằng dương Phật pháp, tuy chẳng trái với Phật chế, nhưng người xuất gia quyết không nên tham dự diễn xuất. Nếu trong tự viện, do người thế tục trình diễn ca múa thuộc về tán dương công đức Tam bảo và lúc trình diễn dành riêng cho người xuất gia xem thì Đức Phật cho xem. Nếu đến nơi rạp để xem ca múa và biểu diễn các bộ môn nghệ thuật, đức Phật tuyệt đối ngăn cấm. Các lý do như sau:

1.  Sự ca múa ở rạp hát tốt xấu không đồng, người lấy sự vui chơi làm thương nghiệp, vì giá vé vào cửa mà diễn xuất theo thị hiếu tình ái thấp hèn là điều rất bình thường.

2.    ÔÛ rạp hát người đến xem gồm có nam nữ lẫn lộn đủ hạng người.

3.  Sinh hoạt của người xuất gia phải lấy nhiếp tâm nhàn tịnh làm chức nghiệp và chí nguyện phải lấy thiền định, tụng kinh, thính pháp làm việc chính yếu.

4.  Người xuất gia phục sức hình dạng khác với người thế tục dễ bị người thế tục chú ý, chê bai.

Với bốn lý do này, người tu hành có nên đi vào rạp hát không? Người thọ Bát quan giới trai có thể không quan hệ đến điểm thứ tư song rất mật thiết quan hệ với ba điểm trước. Nhưng tôi xem thấy Pháp sư Tịnh Hải nói về sinh hoạt của các thầy Tỳ kheo nước Thái Lan, họ có thể xem truyền hình, có thể nghe ca hát trong máy thâu âm. Căn cứ vào Phật chế, truyền hình cho họ xem phải có quan hệ đến tiết mục giáo hóa của Phật giáo, họ nghe ca hát trong máy thâu âm, cũng phải là ca hát để tán tụng Tam bảo. Nước Thái thật tình như thế nào? Tôi chẳng được biết.

Liên quan đến nội dung của “Ca múa và biểu diễn các bộ môn nghệ thuật”, giới khinh cấu thứ 33 của Phạm Võng Bồ tát Giới nói “Chẳng được đi xem hát, nghe nhạc, chơi cờ, đánh bạc, đá cầu, đá bóng v.v…cho đến bói xủ”.

Đại sư Ngẫu Ích trong Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu chú thích rằng:”Xướng khúc ngâm thơ gọi là ca, tay chân nhảy múa gọi là vũ. Thổi tiêu, đàn cầm, chơi cờ, đánh bạc, nghề thuốc, nghề bói, xem sao, bắn tên, đua ngựa, đánh kiếm đều gọi là xướng kỵ (biểu diễn các bộ môn nghệ thuật)”.

Từ đó có thể rõ nội dung của không ca múa và biểu diễn các bộ môn nghệ thuật là bao quát, tất cả ca múa và biểu diễn các bộ môn nghệ thuật chẳng cố đến xem nghe là nói chỉ cần không có ý đi xem, đi nghe; nếu như ca múa và biểu diễn các bộ môn nghệ thuật đi ngang qua trước mắt thì không phạm giới. Nhưng chẳng được nhân vì ngẫu nhiên ca múa và biểu diễn các bộ môn nghệ thuật đi ngang qua trước mắt lại dừng chân xem nghe hoặc đi theo xem nghe. Ở đây phải chú ý là cũng không được đi xem cảnh náo nhiệt ở đầu đường hoặc trong hẻm.

Điều thứ 7: Không được ngồi nằm trên giường lớn cao rộng.

Chữ giường (sàng) dùng trong luật, người Trung Quốc có thể không hiểu rõ. Vì giường của người Trung Quốc là chuyên dùng để nằm ngủ, còn ở Tây Vực (Ấn Độ) nghĩa của chữ giường rất rộng, dùng để ngồi cũng gọi là giường. Giường có lớn, nhỏ, cao, thấp, bất đồng, có cái cao lớn đến nỗi phải nhờ người khiêng, có cái thấp nhỏ chỉ cầm dùng một tay cũng dời đi chỗ khác được. Do đó, giường có thể hai người cho đến vài người dùng ngồi nằm, có giường chỉ có ngồi mà không nằm được. Cho nên chữ sàng (giường) và chữ tòa trong kinh Phật thường dùng chung, như nói thân làm sàng tòa khắp đại thiên thế giới. Trong kinh thường nói Đức Phật “trải tòa ngồi” nhưng cũng có chỗ nói “trải tòa nằm” như trong Tỳ Nại Da quyển 4: “Bây giờ Đức Thế Tôn xếp làm tư cái y Bích ưu đa tăng (y thất điều) trải trên giường (tòa), dùng y Tăng già lê (y cửu) gối đầu, nằm nghiêng bên hông phải trên tòa sư tử, hai chân duỗi thẳng chồng lên nhau”. Lại như “tòa sàng đại điển” của Đạt Lai Lạt ma và Ban Thiền Lạt ma ở Tây Tạng thật ra cũng là “thăng tòa đại điển”, gọi là “kim sàng” cũng tức là bảo tòa.

Sau khi rõ được nghĩa chữ sàng, chúng ta có thể giải thích là “giường lớn cao rộng”. Đại sư Ngẫu Ích trong Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu chú thích rằng: “Giường chân cao 6 thước 4 tấc (tàu), lúc ngồi chân phải chấm đất, quá lượng này gọi là cao. Chỉ có thể cho thân nghiêng qua nghiêng lại, nếu quá lượng này gọi là rộng. Đã cao lại rộng gọi là lớn”.

Đầy là căn cứ điều 84 của Pháp Đơn Tuỳ trong Tứ Phần Tỳ kheo giới mà ra.

Chỉ có hưởng thụ vật chất đạm bạc mới có thể đề cao lãnh vực tinh thần. Chỉ có sinh hoạt vật chất giản đơn mới có thể dũng mãnh tinh tấn nơi đạo nghiệp. Đã hướng về cảnh giới xuất thế, tự nên buông bỏ sự tham đắm của cảm quan. Vật dụng nuôi thân càng tốt đẹp, chúng ta càng bị nó chi phối, thậm chí còn tha thiết yêu thích giữ gìn nó hơn đạo tâm của mình. Vật dụng nuôi thân càng cao quý, tâm chúng ta càng vì nó mà sinh ra kiêu căn ngã mạn. Một khi tâm kiêu căn ngã mạn xuất hiện, đạo tâm chạy mất không còn tung tích. Vì thế, Ngài Quốc sư Ngộ Đạt đời Đường, nhân thọ toà báu trầm hương, một niệm tâm danh lợi nổi dậy mà phải chịu quả báo ghẻ mặt người.

Lại nói, trên giường chạm trổ sơn vẽ, màn trướng lụa là, gối thêu, mền gấm… đều kể là cao quý. Nều lại thêm giường rộng rãi cao lớn, thử hỏi thứ đó đối với người tu hành có thích hợp không? Một người ngủ trên chiếc giường vừa đẹp vừa lớn như thế thì có những phản ứng tâm lý nào, cũng có thể tự suy nghĩ biết.

Người tại gia ngày thọ Bát quan giới trai, nam nữ vợ chồng phải ngủ riêng giường, riêng phòng. Nếu trong nhà chỉ có cái giường đôi to lớn, không có giường nhỏ cho một người nằm, phải sắm cái giường nhỏ một người nằm để chuẩn bị cho 6 ngày trai.

Năm chúng xuất gia đối với điều này còn có quy định chặt chẽ hơn, ở đây không nêu ra.

Điều 8: Không ăn phi thời.

Đoạn trước đã nói một điều quá giữa ngọ không ăn rất quan trọng trong Bát quan giới trai và cũng là điều chủ yếu. Thọ Bát quan giới trai mà chẳng trì “không ăn phi thời” thì chẳng thể vì người thế tục làm Bát giới A xà lê (sư). Người chẳng suốt đời trì “không ăn phi thời” thì không được làm Bát giới A xà lê truyền Bát quan giới trai cho người thế tục, và cũng chẳng được làm Hoà thượng Sa di giới cho đến Hoà thượng Tỳ kheo giới. Sa di chẳng trì “không ăn phi thời” chẳng được thọ Tỳ kheo giới, đây là điều rất nghiêm chính.

Ở Ấn Độ vào thời đức Phật tại thế, ngoại đạo Bà la môn đều trì “không ăn phi thời”.

Xá Lợi Phất vấn, Đức Phật nói các Bà la môn không ăn phi thời, ngoại đạo Phạm Chí cũng không tà thực. Sau giữa ngọ không ăn, thân tâm đều được nhẹ nhàng sảng khoái, tạp tưởng vọng niệm cũng được giảm bớt.

Không ăn phi thời là nói qua sau giữa ngày, trừ uống nước ra, không được ăn vật gì nữa. Người thế tục không quen sau giữa ngày không ăn, đến chiều tối bị đói khó chịu mà thêm phiền não, thậm chí thành ra bệnh đau bao tử. Về điểm này tôi xin khuyên: Nếu vạn bất đắc dĩ, bạn có thể ăn đường cho đỡ đói, có thể uống nước trái cây, nhưng trước tiên phải lóng trong hoặc lược cho sạch cặn, không được ăn cái của trái cây. Nếu bạn chịu đựng nổi, một tháng chỉ có sáu ngày, vì sao chẳng dũng cảm chịu đựng một phen! Như nói dinh dưởng chẳng đủ, ấy là quá lo xa, quân nhân Trung Quốc lúc ở Đại Lục mỗi ngày chỉ ăn hai bữa, cũng chưa thấy ai chết đói. Nói đến tình hình và lý do của vấn đề này một cách rõ ràng kỹ lưỡng, tôi có viết một thiên “Quy chế ăn uống của Phật giáo” trong quyển Phật giáo Chế Độ và Sinh hoạt (từ trang 106-150) độc giả có thể tham khảo.


Âm lịch

Ảnh đẹp