CƯƠNG YẾU GIỚI LUẬT


Hòa Thượng Thánh Nghiêm- Thích nữ Tuệ Đăng Dịch- Nhà xuất bản Thời Đại 2010
11/04/2011 18:13 (GMT+7)
Số lượt xem: 28143
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
CƯƠNG YẾU GIỚI LUẬT
Mục lục

Chương 3: Nội Dung Và Sự Đồng Dị Của Tỳ Kheo Và Tỳ Kheo Ni Giới

I. CHỈ TRÌ VÀ TÁC TRÌ

Giới luật là tiếng gọi chung của hai thứ loại biệt. Nói theo nghĩa rộng, Tỳ kheo giới cũng bao quát Tỳ kheo luật. Nói theo nghĩa hẹp, giới là giới, luật là luật; trong luật có bao hàm giới, nhưng trong giới không bao hàm luật. Vì trong Tỳ ni (luật) tạng có Ba la đề mộc xoa (Biệt giải thoát giới), còn Ba la đề mộc xoa không thể nhiếp hết Tỳ ni tạng.

Nói rõ hơn một chút, Tỳ ni bao gồm cả chỉ trì và tác trì, ba la đề mộc xoa duy chỉ có chỉ trì. Vì thế trì luật bao hàm trì giới, trì giới không bao hàm trì luật. Vì trì luật là việc cộng đồng của đại chúng trong Tăng đoàn, còn trì giới là việc của mỗi cá nhân Tỳ kheo. Trì giới gọi là chỉ trì không làm ác. Trì luật gọi là tác trì vì hay làm thiện. Việc của Tăng đoàn phải do đại chúng trong Tăng đoàn cùng chung giải quyết, cùng chung suy triển, cùng chung trợ thành, vì thế cần phải hòa hợp ý kiến của đại chúng. Tổng hợp ý kiến của đại chúng hành sự tác pháp, đây là tinh thần của trì luật, gọi là tác trì.

Trong Luật tạng quy định điều văn giới tướng là giới, là chỉ trì; quy định các pháp yết ma là luật, là tác trì. Luật là giúp cho sự tiến hành của giới, luật còn là người giám đốc của sự thực hành giới. Tỷ như người muốn xuất gia trì giới, trước tiên phải cần pháp yết ma chứng minh, cấp cho tư cách và thân phận của Tỳ kheo xuất gia. Điều văn của giới, nếu trên sự thực hành gặp phải khó khăn cũng có thể dùng pháp yết ma để nghiên cứu giải quyết. Nếu như phát hiện một Tỳ kheo nào hoặc sinh hoạt của những Tỳ kheo nào vượt ra ngoài phạm vi của giới, liền phải làm yết ma cử tội, chiết phục đuổi đi, cho đến diệt tẩn (trục xuất ra ngoài Tăng đoàn). Vì thế, giới là phương thuốc phòng ngừa sự hư đốn của sinh hoạt Tỳ kheo, luật lại là phương thuốc phòng ngừa sự hư đốn của giới. Sinh hoạt của người Phật tử phải lấy giới làm chủ yếu, muốn giải thoát sinh tử cần phải trì giới. Phật giáo muốn tồn tại lâu dài với thời gian cần phải trì luật. Một Tỳ kheo chân chánh không thể không trì giới. Một Tăng đoàn có triển vọng không thể không trì luật. Nếu như Tăng đoàn không trì luật được thì Tỳ kheo trì giới cũng không được bảo hộ. Theo nội dung của Tứ Phần Luật phân phối, 250 giới của Tỳ kheo và 348 giới của Tỳ kheo ni là chỉ trì, 20 thứ Kiền độ là tác trì. Trước là giới, sau là luật; trong giới cũng có luật, trong luật cũng có giới; đây là lấy điểm trọng yếu của nó, mà phân biệt.

Trên đây là điều mà Phật giáo Trung Quốc cần phải hiểu rõ, nhưng đáng tiếc là rất ít người hiểu được điều này.

II. TỲ KHEO GIỚI CÓ BAO NHIÊU?

Điều văn của Tỳ kheo giới trong các bộ Luật đều có thêm bớt, sự thêm bớt chủ yếu là những giới thuộc về oai nghi; đến điều văn của giới trọng và giới trọng bậc thứ, văn tự tuy có rộng nhiều hoặc sơ lược bất đồng, song điều lệ của giới mục đại khái tương đồng, vì thế đều nói Tỳ kheo 250 giới.

Tỳ kheo giới và Tỳ kheo ni giới thông thường phân làm ngũ thiên, thất tụ, cũng là 7 hạng tội danh của 5 thứ tội hạnh. Thật ra, 250  điều giới tướng của Tỳ kheo lại có 8 loại điều văn, 5 thứ tội hạnh, 7 hạnh tội danh, 6 thứ quả báo. Nay liệt kê trong biểu đồ như sau:

Vì những điều này là danh từ chuyên môn nên cần phải giải thích. Trên biểu đồ này có dịch âm của Phạn văn cũng có dịch nghĩa của Phạn văn, vì thế trước tiên cần phải đem âm nghĩa giới thiệu:

1. Ba la di, là dịch âm của Phạn ngữ: Pàràjika, cũng có người dịch là Ba la thi ca, nghĩa là tội khí (bỏ ra ngoài Phật pháp), là tội đoạn đầu (cắt đứt đầu), là tội thuốc không thể cứu.

2. Tăng già bà thi sa, là dịch âm của Phạn ngữ: Sanghàvasésa, dịch là tội Tăng tàn, là người bị tàn phế, là người bị tàn phế trong tịnh pháp của Tăng đoàn, tuy tàn phế mà còn có thể sám trừ để cứu.

3. Bất tịnh: Đây là không nhất định phạm tội danh của thứ tội danh nào, có thể phạm Ba la di, có thể phạm Tăng tàn, có thể phạm Ba dật đề,vì thế gọi là Bất định.

4. Ni tát kỳ ba dật đề: Đây là phức hợp ngữ của Phạn ngữ. Ni tát kỳ nghĩa là tận xả, Ba dật đề nghĩa là đọa, hợp lại gọi là Xả đọa. Đây là do giữ chứa đồ vật chẳng nên giữ, chẳng nên chứa, quên mang đồ vật chẳng nên chẳng mang, trước phải đem món đồ ấy xả cho trong Tăng, sau đó dùng phương pháp sám tội để sám hối Ba dật đề.

5. Ba dật đề, là dịch âm của Phạn ngữ: Pàyattika, lại có người dịch là Ba dật đế ca và Ba dạ đề, có nghĩa là đọa, là chỉ cho tội đọa địa ngục, vì ở đây không có vật để xả vì thế thông thường gọi là Đơn đọa.

6. Ba la đề đề xá ni, là dịch âm của Phạn ngữ: Pràtidésaniya, có người dịch là Ba la xá ni, hoặc gọi tắt là Đề xá ni, nghĩa là “Hướng bỉ hối”. Tỳ kheo có 4 điều giới đặc định, sau khi phạm phải lập tức đối diện một người khác nói rõ lỗi lầm, vì thế còn gọi là pháp Hối quá.

7. Thi sa ca la ni, là dịch âm của Phạn ngữ: Siksàkàrani, cũng có người dịch là Thức xoa ca la ni, dị danh của Đột kiết la, nghĩa là nên học hoặc phải học, vì thế thông thường gọi là Ưng đương học.

8. Diệt tránh: Ở trong Tăng đoàn có sự phân tranh, cho đến đối với một vấn đề nào đó lúc hình thành hai phái bất đồng, ý kiến đối lập, thì dùng pháp Diệt tránh để giải quyết. Sự diệt tránh trong Tăng đoàn gồm có 7 phương pháp, chỉ có trong pháp Diệt tránh mới có chế hai phái yết ma của Tăng đoàn và lấy ý kiến của phái đa số làm ý kiến quyết định.

 9. Thâu lan giá, là dịch âm của Phạn ngữ: Sthùlàayas,có thể dịch là Đại chướng thiện đạo, đại tội, thô ác, thô quá (lỗi thô), hoặc gọi là Trược trọng phạm; chủ yếu là do tội chưa thành của tội Ba la di và Tăng tàn sinh ra, nhưng cũng có độc lập sinh ra, vì thế phân ra hai loại: Tòng (Tha) sinh thâu lan giá và Độc đầu thâu lan giá; đẳng cấp khinh trọng xem ở chương thứ 5 của thiên này.

10. Đột kiết la, là dịch âm của Phạn ngữ: Duskrta, còn có người dịch là Đột sắc cơ lý đa, Đột tất kiết lật đa, Độc kha đa. Trong đây gồm có hai thứ tội danh là Ác tác của thân nghiệp và Ác thuyết của khẩu nghiệp. Đây là những sơ suất lỗi lầm nhỏ trên cử chỉ và ngôn ngữ. Phạm vi của nó rất rộng, trong giới bổn gọi là Chúng học giới.

Trong 10 thứ danh xưng của 8 loại điều văn, tội Ba la di không có pháp hối trừ, còn bản thân của pháp Diệt tránh là một thứ phương pháp giải quyết sự phân tranh. Nếu như nói giới là phương thuốc đề phòng sự hư đốn của đạo Giải thoát, thì pháp sám hối là phương thuốc làm thanh khiết của đạo Giải thoát. Chưa từng nhiễm ô hư đốn, phải nên ngăn ngừa; nhiễm ô hư đốn rồi phải lập tức xử lý làm cho thanh khiết; đây là công dụng của pháp sám hối. Nhưng không nên hiểu lầm, pháp sám hối không phải là toàn năng hoặc vạn năng. Pháp sám hối đối với 4 tội Ba la di của giới căn bản là thương mà không thể giúp, pháp sám hối đối với tánh tội (bản lai là tội) cũng không có năng lực. Pháp sám hối chỉ có thể hối trừ giới tội của sự phân giới, hoặc gọi là giá tội hoặc gọi là chế tội. Tỷ như giết súc sinh là tánh tội trong Tỳ kheo giới, không được giết súc sinh là giá tội. Tỳ kheo giết một súc sinh bị hai lớp tội, pháp sám hối chỉ có thể trừ được giá tội, tánh tội vẫn phải bị quả báo bồi thường sinh mạng. Điều này giống như một người vừa là đảng viên của một chính đảng, đồng thời lại là quan chức của chính phủ, nếu ông ta phạm pháp quốc gia, đương nhiên bị sự chế tài của kỷ luật đảng đồng thời cũng bị sự chế tài của luật pháp quốc gia. Sự chế tài của kỷ luật đảng không thay thế được cho sự chế tài của luật pháp quốc gia. Điều này đồng một lý với pháp sám hối của Phật giới, vì thế chúng ta tuyệt đối không nên cho rằng vì có pháp sám hối nên có thể mặc tình to gan lớn mật dám phạm giới. Tuy nhiên, trong Tỳ kheo giới có những điều giới đồng có cả hai tánh tội và giá tội, cũng có những điều giới chỉ có giới tội. Tánh tội ắt có giá tội, song giá tội chưa hẳn có tánh tội. Đến như, những tội nào là tội song trùng? Những tội nào là tội đơn nhất? Không phải là chỗ của sách này tường thuật. Đại khái phạm các giới dâm dục trộm cướp, sát sinh, vọng ngữ, hủy báng, đều gồm có tội song trùng của tánh tội và giá tội, phạm giới thuộc về oai nghi chỉ có một thứ giá tội.

 Đến số giới điều của Tỳ kheo giới, thông thường nói là 250 điều. Tứ Phần Luật và Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Luật đích xác điều là 250, và sự sắp xếp thiên tụ cũng giống nhau, đều là : 4 tội khí, 13 Tăng tàn, 2 pháp Bất định, 30 tội Xả đọa, 90 tội Đơn đọa, 4 pháp Hối quá, 100 pháp Ưng đương học (chúng học pháp của Căn Bản Hữu Bộ Luật hợp làm 43 điều, phân thành 100 điều), 7 pháp Diệt tránh.

Nhưng trong Ngũ Phần Luật có hơi bất đồng, cộng chung tính 259 giới: 4 tội khí, 3 Tăng tàn, 2 pháp Bất định, 30 Xả đọa, 91 Đơn đọa (so với Tứ Phần Luật thêm một điều giới khinh thầy, nhưng trong giới Bổn chỉ có 90 điều), 4 pháp Hối quá, 108 pháp Ưng đương học, 7 pháp Diệt tránh.

Thập Tụng Luật có 257 giới : 4 tội khí, 13 Tăng tàn, 2 pháp Bất định, 30 xả đọa, 90 Đơn đọa, 4 pháp Hối quá, 107 (Giới Bổn là 113) Ựng đương học, 7 pháp Diệt tránh.

Tăng Kỳ Luật có 218 giới: 4 tội khí 13 Tăng tàn, 2 pháp Bất định, 30 xả đọa , 92 đơn đọa, 4 pháp Hối quá, 67 Ưng đương học, 7 pháp Diệt tránh.

Giải Thoát Giới Kinh có: 4 tội khí, 13 Tăng tàn, 2 pháp Bất định, 30 Xả đọa, 90 Đơn đọa, 4 pháp Hối quá 96 Ưng đương học, 7 pháp diệt tránh, cộng chung 246 giới.

Đến như văn tự của giới bổn lại có chỗ khác nhau, như Tứ Phần Giới Bổn có đến 6 bổn do kiết tập giới pháp bất đồng. Trong bổn luật này, giới điều của Ngũ Phần Luật nhiều hơn hết, giới điều của Tăng Kỳ Luật ít hơn hết, con số sai biệt của nó phần nhiều tại trong giới oai nghi của Ưng đương học, còn 7 hạng mục kia thêm bớt rất ít. Nhưng trừ 4 tội khí và 13 Tăng tàn ra, thứ tự điều văn của các bổn sắp xếp trước sau cũng không nhất trí. Đây là do cách nhìn của người biên tập các bộ mà ra. Đến như thứ tự trước sau của Đức Phật chế giới, trừ 4 tội khí thấy nói rõ trong Tăng Kỳ Luật, ngoài ra điều nào chế trước, điều nào chế sau, ngày nay cũng không thể nào tra cứu được; thật ra, đây cũng không phải là vấn đề trọng yếu.

Tỳ kheo giới rốt cuộc có bao nhiêu điều? Đây là vấn đề rất khó giải đáp. Nhân vì trong luật chép là do sự thật đã từng phát sinh ở đương thời mà chế, hễ có một sự kiện thì có một điều giới. Ngay trong đại hội kiết tập Luật tạng (biên tập và tụng ca), căn cứ vào giới luật Ngài Ưu Ba Ly đã từng nghe và nhớ được và biên tập ra Luật tạng thành văn lưu truyền hậu thế. Về sau, trải qua sự phân chia các bộ phái của Phật giáo, Luật tạng lại phân làm 5 bộ, tông chỉ tương đồng, nhưng nội dung có sự chọn lựa lấy bỏ bất đồng. Nói tóm lại, Tỳ kheo giới chưa chắc nhất định phải có đầy đủ 250 giới điều như trong Luật tạng, nhưng cũng chưa chắc chỉ có 250 điều này, thậm chí có thể nói Tỳ kheo giới là vô lượng vô số, vì tất cả oai nghi hành trì không có điều nào không thể không nằm trong phạm vi của Tỳ kheo giới. Nhân đây cũng có người đem 250 giới gồm hết 8 vạn 4 ngàn tế hạnh, vì 4 oai nghi đi, đứng, nằm,ngồi, mỗi oai nghi bao hàm 250 giới, thành 1.000 giới, qua lại ba đời quá khứ, vị lai, hiện tại mỗi đời có 1.000 giới thành ra 3.000 giới. Đem 3.000 giới phối với 3 nghiệp của thân (sát sinh, trộm cướp, dâm dục) và 4 nghiệp của miệng (nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, ác khẩu) thành 2 vạn 1 ngàn giới. Lại phối với 4 thứ phiền não: tham sân, si và đẳng phần, thành ra 8 vạn 4 ngàn giới.

Đây là một số lý toán pháp của huyền học, trên sự thật, tuy không dùng phương pháp kế toán cố định này, nhưng điều có thể phát hiện để đem sát nhập vào Tỳ kheo giới vẫn còn rất nhiều, thật ra có thể nói số của oai nghi nhiều như cát bụi.

Ngược lại, trong 250 điều giới này lại có biết bao điều giới không phổ biến, không thích ứng được với mọi thời mọi nơi. Thật ra, ngay trong Đại Luật, Đột kiết la rất nhiều, mỗi một điều giới đều gồm có Đột kiết la, cho đến ở trong một điều giới có mấy thứ Đột kiết la. Trong Giới Bổn nêu ra Đột kiết la của Ưng đương học bất quá là liệt kê những điều lớn mà thôi; ngoài ra, Đột kiết la chưa xuất hiện trong luật còn rất nhiều.

III. SỰ ĐỒNG DỊ CỦA TỲ KHEO GIỚI VÀ TỲ KHEO NI GIỚI

Đã giảng qua số điều giới của Tỳ kheo, bây giờ giảng đến Tỳ kheo ni giới. Đoạn trên đã nói đại bộ phận của Tỳ kheo ni giới bổn đồng với Tỳ kheo giới, nhưng vì sinh lý và tâm lý của người nữ và người nam có chút bất đồng nên có những điều giới Tỳ kheo không thích ứng với Tỳ kheo ni và Tỳ kheo ni cũng không thể không có những quy định đặc thù cho họ. Vì thế, Tỳ kheo và Tỳ kheo ni giới đã có đồng, cũng có khác.

Thông thường nói Tỳ kheo ni 500 giới, đây là một con số ước lượng. Thật ra, điều văn trong 5 bộ luật bổn đều không đủ 500 giới, song căn cứ vào trạng huống và nhu cầu thực tế đâu phải chỉ có 500 giới?

Tỳ kheo ni giới của Tứ Phần Luật gồm có 348 điều: 8 tội khí (4 giới trước đồng với Tỳ kheo), 17 Tăng tàn (trong đó có 7 giới đồng với Tỳ kheo), 30 Xả đọa (trong đó có 18 giới đồng với Tỳ kheo), 178 Đơn đọa(trong đó có 69 giới đồng với Tỳ kheo), 8 pháp Hối quá (hoàn toàn khác Tỳ kheo), 100 pháp Ưng đương học (2 giới đi lắc thân và tiểu tiện trên rau cỏ tươi, đối với Tỳ kheo phạm Đột kiết la, Ni thì phạm Ba dật đề, ngoài ra hoàn toàn đồng nhau), 7 pháp Diệt tránh (hoàn toàn đồng với Tỳ kheo). Tính chung, đồng với Tỳ kheo giới 198 điều, khác Tỳ kheo giới 150 điều.

Tỳ kheo ni giới của Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Luật gồm có 354 điều: 8 tội khí, 20 Tăng tàn, 33 Xả đọa, 180 Đơn đọa, 11 pháp Hối quá, 95 pháp Ưng đương học, 7 pháp Diệt tránh. Sự đồng dị của nó với Tỳ kheo giới đại khái cũng gần như Tứ Phần Luật và có chút thêm bớt.

Tỳ kheo ni giới của Ngũ Phần Luật gồm có 377 giới (trong Giới Bổn liệt kê 381 điều): 8 tội khi ( 4 giới trước đồng với Tỳ kheo)17 Tăng tàn ( trong đó có 5 giới đồng với Tỳ kheo), 30 Xả đọa ( trong đó có 18 giới đồng với Tỳ kheo), 207 Đơn đọa (Giới Bổn liệt kê 210, trong đó có 68 giới đồng Tỳ kheo),8 pháp Hối quá hoàn toàn khác Tỳ kheo, 100 pháp Ưng đương học (đại tiểu tiện trên rau cỏ tươi, Ni phạm Ba dật đề, ngoài ra đều đồng với Tỳ kheo), 7 pháp Diệt tránh ( hoàn toàn đồng Tỳ kheo). Tính chung đồng với Tỳ kheo 210 giới, khác với Tỳ kheo 176 giới.

Tỳ kheo ni giới của Thập Tụng Luật gồm có 354 điều: 8 tội khí (4 giới trước đồng Tỳ kheo), 17 Tăng tàn (có 7 giới đồng Tỳ kheo), 30 Xả đọa ( có 19 giới đồng Tỳ kheo), 178 Đơn đọa (có 71 giới đồng Tỳ kheo), 8 pháp Hối quá (hoàn toàn khác Tỳ kheo), 106 pháp Ưng đương học, 7 pháp Diệt tránh.

Tỳ kheo ni giới của Tăng Kỳ Luật gồm có 290 điều: 8 tội khí, 19 Tăng tàn, 30 Xả đọa, 141 Đơn đọa, 8 pháp Hối quá, 77 pháp Ưng đương học, 7 pháp Diệt tránh.

Giải Thoát Giới Kinh chỉ có một quyển, trong đó chỉ có Tỳ kheo giới, không có Tỳ kheo ni giới. Nhưng trong Ni giới của 5 quyển luật nêu ra cũng lấy số điều giới của Ngũ Phần Luật nhiều hơn hết, số điều giới của Tăng Kỳ Luật ít hơn hết. Nhưng tối đa chỉ có 377 điều, chỗ gọi Tỳ kheo ni 500 giới bất quá là con số ước lược đại khái mà thôi!

Hành Sự Sao quyển 1, trung, căn cứ Luận Minh Liễu nói: “Bốn vạn hai ngàn phước hằng hà sa chảy”, có nghĩa là giới có 4 vạn 2 ngàn. Nhưng cũng đem hai bộ Tăng Ni chia riêng ra theo thống kê: “Tỳ kheo giới ước lược 250, bậc trung thì có 3 ngàn oai nghi, 6 vạn tế hạnh, rộng nhiều thì vô lượng. Tỳ kheo ni giới 348 giới, bậc trung thì 8 vạn oai nghi, 12 vạn tế hạnh, rộng nhiều cũng vô lượng”. Đây đều là pháp thống kê theo số lý huyền học, trên thực tế cũng chưa hẳn cố định như thế.

Ba la di và Tăng già bà thi sa của Tỳ kheo giới, trong các bộ luật đều đồng là 4 tội khí, 13 Tăng tàn, Tỳ kheo ni giới từ Tăng già bà thi sa, các bộ luật bổn có chỗ bất đồng. Tứ Phần Luật là 17 Tăng tàn, Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Luật là 20 Tăng tàn, Ngũ Phần Luật cũng là 17 Tăng tàn. Tăng Kỳ Luật có 19 Tăng tàn. Đây là chỗ bất đồng của Tỳ kheo và Tỳ kheo ni giới.

Tỳ kheo giới cộng phân ngũ thiện, thất tụ; Tỳ kheo ni giới không có pháp bất định; chỉ có ngũ thiên, lục tụ. Đây là chỗ bất đồng của hai bộ: Tỳ kheo cùng người nữ, thân xúc chạm nhau bất luận là lớn nhỏ, chết sống, bất luận phần trên thân phần dưới thân, hễ cố ý để thịt da xúc chạm nhau đều phạm Tăng tàn. Tỳ kheo ni cùng người nam thân xúc chạm nhau phải là người thành niên biết rõ đối với mình có tâm nhiễm ô, từ đầu gối trở lên, từ mắt trở xuống; cổ tay trở lên, cố ý xúc phạm, phạm tội Ba la di. Đây là chỗ bất đồng của hai bộ.

Tỳ kheo biết Tỳ kheo kia có tội thô ác như 4 tội khí, 13 Tăng tàn, mà vì người kia che dấu không cử tội phạm Ba dật đề. Tỳ kheo ni biết Tỳ kheo ni kia phạm Ba la di không tự trình bày, chẳng ở trước Tăng đoàn cử tội thì phạm Ba la di. Đây là chỗ bất đồng của hai bộ.

Tỳ kheo cố chọc âm (như ngày nay người ta nói là thủ dâm) xuất tinh, phạm tội Tăng già bà thi sa, Tỳ kheo ni cố chọc âm xuất tinh (là chỉ cho chất nước nhờn ở trong âm đạo. Người nữ khởi niệm dâm, làm việc dâm, âm đạo bị vật xúc chạm đều có hiện tượng chảy nước. Luận Tát Bà Đa quyển 3 nói: “Người nữ xuất tinh không dễ như người nam”), phạm tội Ba dật đề. Ngũ Phần Luật quyển 12 nói: “Tỳ kheo ni lấy tay vỗ âm hộ, phạm Ba dật đề; chảy đồ bất tịnh, phạm Thâu lan giá. Tăng Kỳ Luật quyển 40 cũng nói: Tỳ kheo ni dùng nước tống vào âm đạo, dùng vật đút vào âm đạo vì thỏa dục, phạm Thâu lan giá, xuất tinh cũng phạm Thâu lan giá. Đây là chỗ bất đồng của hai bộ (chú ý: Người nam thủ dâm quá nhiều sẽ thành bệnh lao, hoặc thần kinh suy nhược, di tinh. Người nữ chọc âm quá nhiều sẽ sinh bệnh bạch đái, bướu tử cung, sa tử cung, kinh nguyệt không đều).

Tỳ kheo ăn ngũ tân như tỏi…phạm tội Đột kiết la, Tỳ kheo ni phạm Ba dật đề. Đây là chỗ bất đồng của hai bộ.

Tỳ kheo dùng hương xoa chà thân, phạm tội Đột kiết la, tỳ kheo ni phạm Ba dật đề. Đây là chỗ bất đồng của hai bộ.

Tỳ kheo đi lắc thân phạm tội Đột kiết la. Tỳ kheo ni phạm tội Ba dật đề. Đây là chỗ bất đồng của hai bộ.

Những chỗ đồng dị tương tợ như thế còn rất nhiều, còn có biết bao nhiêu điều chế riêng cho mỗi bộ của 2 bộ Tăng Ni, ở đây không thể nêu ra hết.

Chỗ bất đồng lớn hơn hết của Tỳ kheo ni giới là Bát kỉnh pháp. Bát kỉnh pháp là pháp Tỳ kheo ni xuất hiện sớm hơn hết; bà Đại Ái Đạo cùng 500 phụ nữ dòng họ Thích xuất gia là tiếp thọ Bát kỉnh pháp của Phật chế mà thành Tỳ kheo ni. Về sau tuy có 500 điều Tỳ kheo ni giới, Tỳ kheo ni ngoài việc thọ 500 giới còn phải trì Bát kỉnh pháp và lấy Bát kỉnh pháp làm giới trọng tâm của Tỳ kheo ni giới. Tứ Phần Luật gọi là Bát kỉnh pháp là tám pháp không được vượt qua, lại có người gọi là tám pháp không được vượt qua, lại có người gọi là tám pháp không được vi phạm. Đây là pháp Tỳ kheo ni không được không trì, cũng không thể không trì. Nay đem Bát kỉnh pháp ghi trong Tứ Phần Luật Tỳ Kheo ni Kiền Độ, sao lục như sau:

1.       Tuy là Tỳ kheo ni trăm tuổi, thấy Tỳ kheo mới thọ giới phải đứng dậy đón rước lễ bái và trải tòa sạch sẽ mời ngồi. Pháp này phải tôn trọng, cung kính, tán thán, suốt đời không được vượt qua.

2. Tỳ kheo ni không nên mạ lỵ, quở trách Tỳ kheo, không nên nói lời phỉ báng là phá giới, phá kiến, phá oai nghi. Pháp này phải tôn trọng, cung kính, tán thán, suốt đời không được vượt qua.

3. Tỳ kheo ni không nên cử tội, tác ức niệm, tác tự ngôn cho Tỳ kheo, không nên ngăn người khác tìm tội, ngăn thuyết giới, ngăn tự tự. Tỳ kheo ni không được quở Tỳ kheo, Tỳ kheo được quở Tỳ kheo ni. Pháp này phải tôn trọng, cung kính, tán thán, suốt đời không được vượt qua.

4. Thức xoa ma na học giới rồi, đến Tỳ kheo Tăng xin thọ đại giới. Pháp này phải tôn trọng, cung kính, tán thán, suốt đời không được vượt qua.

5. Tỳ kheo ni phạm tội Tăng tàn, phải ở trong 2 bộ Tăng nửa tháng hành ma na đỏa (nghĩa là ý hỷ, hoặc duyệt chúng). Pháp này phải tôn trọng, cung kính, tán thán, suốt đời không được vượt qua.

6. Tỳ kheo ni mỗi nửa tháng phải cầu xin Tỳ kheo mà kiết hạ an cư. Pháp này phải tôn trọng, cung kính, tán thán, suốt đời không được vượt qua.

7. Tỳ kheo ni không nên ở chỗ không có Tỳ kheo mà kiết hạ an cư. Pháp này phải tôn trọng, cung kính, tán thán, suốt đời không được vượt qua.

8. Tỳ kheo ni tăng an cư xong phải qua trong Tăng cầu 3 việc tự tứ, Tỳ kheo Tăng đối với Ni tùng hạ thấy, nghe, nghi (tội hạnh được biết từ ba tình hình thấy, nghe, nghi này đâu có thể tùy ý nói ra, gọi là Tam sự tự tứ). Pháp này phải tôn trọng, cung kính, tán thán, suốt đời không được vượt qua.

Trên thực tế, Tỳ kheo ni Trung Quốc ngày nay, dẫu cho người có đạo tâm lắm đi nữa cũng chỉ trì được hai ba điều trong Bát kỉnh pháp mà thôi. Ngoài ra đều là có quan hệ đến vấn đề của pháp yết ma hoặc pháp tác trì, vốn không làm sao tuân hành đúng như luật, do vì Bát kỉnh pháp trên Phật giáo sử Trung Quốc đến nay còn không tìm ra căn cứ xác thật của sự thực hành đúng như luật.

Thức xoa ma ni Trung Quốc dường như chưa từng có. Mỗi nửa tháng qua trong Tỳ kheo Tăng cầu giáo thọ, ngay từ đời Đường, Luật sư Nam Sơn Đạo Tuyên cũng đã nói: “Trong thời gần đây, phần nhiều chỉ thực hành pháp lược, bởi do pháp quảng bậc Thượng tọa có đức khó đủ”. Ni xin Tỳ kheo giáo thọ có hai phương pháp quảng và lược. Pháp quảng là sau khi nhận lời Tỳ kheo ni tăng thỉnh, trong Tỳ kheo tăng phải sai một vị Thượng tọa có đức sang chùa Ni giáo giới. Pháp lược là Ni tăng sai người đến thỉnh, trong Tỳ kheo Tăng chỉ nói: “Trong chúng đây không có người giáo hóa Ni, Ni chỉ tự cẩn thận chớ phóng dật”. Nói một lần là như thế, Ni đáp: “Y giáo phụng hành”, kế là xong pháp lược. Đời Đường đã chưa thực hành pháp quảng, đến đời Tống, Luật sư Linh Chi Nguyên Chiếu nói: “Ngày nay hai pháp quảng lược đều bỏ, chỉ có thể nghe biết, dùng để tương lai học tập thôi”.

Đến như Tỳ kheo Ni phải ở trong hai bộ tăng Tỳ kheo và Tỳ kheo Ni xuất tội Tăng tàn, nhân vì Tỳ kheo Ni Trung Quốc thọ Cụ túc giới luôn luôn đều trực tiếp từ trong một bộ tăngTỳ kheo cầu, thì trong 2 bộ tăng xuất tội Tăng tàn đương nhiên sẽ là điều không thể thấy. Kiết hạ, an cư và giải hạ, tự tứ ngày nay ở Đài Loan đã có Đại Đức tiến hành, song đáng tiếc là Tỳ kheo và Tỳ kheo ni đồng an cư tại một chùa, đồng tại một chùa tác pháp vẫn không phải là điều luật chế chấp thuận? Tỳ kheo Ni không được ở chỗ không có Tỳ kheo an cư, nhưng cũng không được cùng Tỳ kheo đồng ở một chùa an cư mà là ở gần chỗ Tỳ kheo an cư, đó là để tiện cho mỗi nửa tháng qua trong Tỳ kheo Tăng thỉnh người giáo thọ. Do đây kiểm thảo lại, các chị em Tỳ kheo Ni có đại tâm, phát đại nguyện có cảm tưởng thế nào? Cứ để nó hỗn loạn như thế, hay là ngẩng đầu lên nỗ lực chấn hưng? Điều này có quan hệ với mạng mạch của Phật giáo; lại là sự nghiệp lớn và vấn đề lớn có quan hệ đến tiền đồ của chị em Tỳ kheo Ni nữa!


Âm lịch

Ảnh đẹp