07/09/2010 00:23 (GMT+7)
Số lượt xem: 16108
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

LUẬT NGHI TỔNG QUÁT
VINAYA SAṄKHEPA Tỳ Kheo GIÁC GIỚI
BODHISĪLA BHIKKHU Ấn bản 2003





MỤC LỤC


Lời giới thiệu
Lời nói đầu
[01] Lễ Bố-tát (uposatha)

Cách thức (saṅgha-uposatha)

Phép vấn đáp
Thuyết phần duyên khởi
Thuyết giới triệt khai
Thuyết giới tăng tàng
Thuyết giới bất định
Thuyết giới ưng xả đối trị
Thuyết giới ưng đối trị
Thuyết giới ưng phát lộ
Thuyết giới ưng học pháp
Thuyết giới diệt tranh
Thuyết phần kết

Cách tụng giới bổn tóm tắt.
Cách thức gaṇa-uposatha.
Cách thức puggala-uposatha

[02] Lễ Tự tứ (pavāraṇā) .

Cách thức saṅghappavāraṇā
Cách thức gaṇappavāraṇā
Cách thức puggalappavāraṇā.
Phép dời ngày tự tứ

[03] Tăng sự giao y Kaṭhina.
Tăng sự kết giới Sīmā.
Tăng sự lễ tu Sa-di
Tăng sự truyền Cụ túc giới.
[04] Tăng sự gián nghị.
Tăng sự phê chuẩn chỗ xây cất.
Tăng sự cho phép rời tam y .
[05] Tăng sự trị phạt tội tăng tàng.

Xử lý tội không che giấu
Xử lý tội che giấu thời gian xác định
Xử lý tội che giấu thời gian không rõ
Xử lý tội liên tục sai phạm
Xử lý tội tổng hợp tội danh
Xử lý tội tái phạm khi đang thọ phạt

[06] Phép sám hối tội
Phép trị phạt phạm đàn
Phép gởi thoả hiệp tăng sự.
Phép nhập hạ.
Phép sử dụng y bát
Phép ký gởi y bát .

-ooOoo-

LỜI GIỚI THIỆU

Một vị Tỳ-kheo trong Phật giáo cần phải thông thạo các luật nghi, luật nghi về giới hạnh và luật nghi về tăng sự. Sự thông thạo về giới hạnh sẽ giúp cho vị Tỳ-kheo an trú trong pháp, trở thành khả kính trong giáo hội; thông thạo về tăng sự sẽ giúp cho tăng chúng giải quyết các vụ kiện trong giáo hội tăng già theo đúng tinh thần pháp luật của Ðức Phật đã ban hành. Thời nay thật khó có thể có một vị Tỳ-kheo thông hiểu và thuộc lòng giới bổn và các nghi thức tăng sự; chỉ ở các xứ đạo Phật quốc giáo thì còn có những bậc Tỳ-kheo khả kính ấy. Nên việc đúc kết và trình bày tổng quát một quyển sách luật nghi "cầm tay" để học tập và tiện mang theo, thì quả thật là cần thiết.

Trước đây, Hòa thượng Hộ tông đã soạn dịch quyển "Luật xuất gia tóm tắt", hay Hòa thượng Bửu Chơn đã soạn dịch quyển "Tứ Thanh Tịnh Giới" song ngữ Pāli-Việt ... Những quyển ấy đều rất cần thiết, tuy nhiên vẫn còn thiếu một vài luật nghi tăng sự chưa được trình bày, hoặc có trong sách này nhưng không có trong sách kia, nên khi cần xem để học thì các vị Tỳ-kheo phải tìm nhiều quyển luật và mang theo bất tiện.

Nay quyển "Luật nghi Tổng Quát" (vinaya-saṅkhepa) được Ðại Ðức Giác Giới công phu biên soạn nhằm vào việc hỗ trợ việc học tập luật nghi cho các vị Tỳ-kheo tại các trường Phật học, hoặc giúp các vị Luật Sư làm cẩm nang để ứng biến. Có thể xem đây là "tập sách đầu giường" hay "đôi tay tỳ-kheo"; rất cần thiết cho mỗi vị Tỳ-kheo mang theo bên mình để mỗi ngày mở ra học tụng cho nhuần luật nghi căn bản.

Sách trình bày có giới bổn Pāli-Việt, có các nghi thức và tuyên ngôn tăng sự, có phần nghi luật sinh hoạt cá nhân của Tỳ-kheo.

Do tính chất quan trọng của quyển sách như vậy nên tôi xin trân trọng giới thiệu quyển "Luật Nghi Tổng Quát" này đến chư Tăng.

Viết tại TP. Hồ Chí Minh ngày 27/ 03/2002
Tỳ-kheo Giác Chánh
Trưởng ban Văn hóa Phật giáo Tỉnh Ðồng Nai.

-ooOoo-

LỜI NÓI ÐẦU

Phật giáo là một Tôn giáo lớn trên thế giới, có lịch sử truyền bá lâu đời và có hệ thống Giáo lý qui mô nhất.

Phật Giáo ảnh hưởng rất mạnh trong quần chúng, nhất là ở các nước Châu Á, và đặc biệt là Phật Giáo có số lượng Tăng sĩ đông đảo.

Tăng sĩ Phật giáo sinh hoạt theo tập thể giáo hội, được lập thành theo từng xứ sở quốc gia. Thế nhưng, mặc dù ở mỗi quốc độ có phong tục tập quán khác nhau, các Tăng sĩ Phật giáo, nói riêng Tăng sĩ Phật giáo Theravāda hay Phật giáo Nam tông, vẫn giữ được sự hòa hợp đồng nhất với nhau trong cách sinh hoạt cộng đồng Tăng sĩ mỗi khi các vị hợp lại từ các đất nước dân tộc. Ðiều đó chính nhờ truyền thống Giới luật (Vinaya); chính Giới luật đồng nhất đã tạo sự hài hòa và sự cảm thông giữa những vị Tăng sĩ sắc tộc khác nhau, quốc độ khác nhau.

Phật giáo có Tam Tạng Giáo Lý (Tipiṭaka) đồ sộ; Trong đó Tạng Luật (Vinayapiṭaka) giữ vai trò cội rễ của giáo pháp, gồm có năm bộ luật: luật Đại phân tích (mahāvibhaṅga), luật Tỳ Kheo ni phân tích (bhikkhu-nīvibhaṅga), luật đại phẩm (mahāvagga), luật tiểu phẩm (cullavagga), và bộ luật phụ thuộc (parivāra).

Hai bộ luật đầu giải thích chi tiết các học giới (sikkhāpada) của hai phái Tăng (Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni), hai bộ luật kế lại dẫn giải những nghi thức tăng sự (saṅghakamma), và bộ luật cuối cùng thì thống kê tổng hợp cả về giới và luật của 4 bộ kia. Các vị Tỳ-kheo trong Phật giáo cần phải học tập thông suốt Giới luật, gồm các học giới cấm chế và các phép tắc sinh hoạt trong đời sống tu sĩ, cá nhân và cộng đồng. Có như thế giáo hội Tăng già (Saṅgha) mới được tốt đẹp và có sức mạnh đoàn kết.

Quyển Luật Nghi Tổng Quát này không nêu đầy đủ những chi tiết về Giới và Luật; mà chỉ là trình bày tóm lược những nghi thức cần thiết để áp dụng trong những Tăng sự và phận sự thông thường.

Mục đích của chúng tôi khi soạn quyển Luật nghi Tổng Quát này là để dùng học tập các luật nghi ứng dụng cho gọn nhanh khỏi phải tra cứu khi cần; lại có thể làm cẩm nang cho các vị Luật sư mang theo bên mình.

Thoạt đầu chúng tôi chỉ soạn và ghi nguyên văn Pāli thôi, nhưng về sau được sự khích lệ và gợi ý của các bậc Trưởng lão, các bậc Trí thức, khuyên nên dịch soạn song ngữ để dễ phổ biến trong Giáo hội Tăng già. Vì vậy chúng tôi mới dịch các văn bản Pāli ra tiếng Việt, đồng thời cũng giải thích tóm tắt các sự kiện Tăng sự.

Quyển luật này, đã gọi là Luật Nghi Tổng Quát và là đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thường xảy ra, do đó chúng tôi chỉ soạn dịch các Luật nghi thông thường mà thôi, như là: Lễ phát lồ, lễ tự tứ, phép nhập hạ, phép sám hối tội, phép trị phạt Tăng tàng, sự gián nghị, sự phê chuẩn xây cất, phép kết giới Sīmā, phép thọ y Kaṭhina, phép truyền giới cụ túc, phép sử dụng y bát, ký gởi y bát, đưa lời thỏa thuận, sự cho phép rời tam y ...

Sự sắp xếp tiêu đề luật trong quyển luật nghi này, chúng tôi cũng có dụng ý chớ không phải không có; trước nhất là chúng tôi dựa theo sự xếp đặt tăng sự trong Luật tạng Mahāvagga Cullavagga, kế đến là chúng tôi chủ ý muốn trình bày từ tăng sự (sinh hoạt tăng hội) đến phận sự (sinh hoạt cá nhân).

Với công đức biên soạn quyển Luật Nghi này, chúng tôi xin phát nguyện cho được đắc quả vô lậu giải thoát với tứ tuệ đạt thông trong tương lai.

Xin thành tâm hồi hướng phước này đến chư thiên hộ pháp, các bậc hữu ân cha mẹ thầy tổ, cùng các thiện hữu trí đã động viên khích lệ chúng tôi hoàn thành công việc dịch soạn quyển sách.

Với tâm thành phát nguyện.

Mùa an cư 2529 (TL 1986)
Tỳ-kheo Giác Giới
Chùa Siêu Lý, Vĩnh Long

-ooOoo-


Source: http://www.buddhanet.ne


Âm lịch

Ảnh đẹp