Chương 5: Pháp Yết Ma Và Pháp Sám Hối
I. PHÁP YẾT MA LÀ GÌ?
Yết ma là dịch âm chữ Phạn: Karma, dịch ý là “Nghiệp”, nghĩa là thọ
giới, thuyết giới, sám tội, và các thứ xử lý của Tăng sự; vì thế còn
được giải là “Biện sự” hoặc “Tác sự”. Đây thuộc về giới tác trì.
Hành Sự Sao quyển I, thượng, nói: “Minh
Liễu Luận Sớ phiên dịch Sở tác là nghiệp, cũng phiên dịch là tác sự.
Bách Luận gọi là sự, nếu tìm theo nghĩa, phiên dịch là “Biện sự”.
Huyền Ưng Âm Nghĩa quyển 14 nói: “Yết ma Trung Hoa dịch là Tác pháp biện sự”.
Nếu giải thích theo thuật ngữ hiện đại, pháp yết ma của Phật giáo là
một thứ pháp nghị sự hoặc pháp hội nghị riêng của Phật giáo. Tính trọng
yếu của pháp yết ma trong Phật giáo tương tự như tính trọng yếu của dân
quyền được kiến thiết ở bước đầu của chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung
Sơn. Không có pháp nghị sự kiện tòan chắc chắn sẽ khó sinh ra chế độ dân
chủ lý tưởng, tăng đoàn Phật giáo hoàn toàn hợp được với tinh thần dân
chủ là do công hiệu của pháp yết ma.Nội dung của chế độ dân chủ hiện đại
là dân trị, dân hữu, dân hưởng. Mục đích của pháp yết ma trong Phật
giáo là tạo thành lục chủng hòa kính: Thân hòa ở chung, miệng hòa không
tranh cãi, ý hòa đồng vui, giới hòa đồng tu, kiến hòa đồng giải, lợi hòa
đồng chia đều. Từ trên nguyên tắc mà nói: Lục hòa kính của Phật giáo là
sinh hoạt dân chủ của dân chủ tuyệt đối. Sự duy trì và bảo hộ một tinh
thần dân chủ này là trách nhiệm và công năng của pháp yết ma. Thông
thường nói: “Tăng sự, tăng đoán” cũng là lấy ý kiến và lực lượng của đại
chúng trong tăng đoàn để giải quyết các việc trong đại chúng tăng đoàn,
đoàn kết được đại chúng trong tăng đoàn là nhờ pháp yết ma, trừ khử ác
nghiệp cũng phải nhờ pháp yết ma. Chủ tể của sự thành thiện khử ác tuy
là đại chúng trong tăng đoàn, nhưng đại chúng trong Tăng đoàn thành
thiện khử ác được là nhờ pháp yết ma mà thành. Vì thế, một đoàn thể
không có hội nghị quyết chắc không phải là đoàn thể của dân chủ, một
Tăng đoàn không cử hành pháp yết ma không thể là Tăng đoàn của lục hòa
kính. Tòng lâm của Trung Quốc, thanh chúng có thể bình dầu ngã không cần
đỡ dậy, mọi việc đều có các vị chấp sự của thường trụ phụ trách. Nhìn ở
mặt thô, thì đây là vì thành tựu sự chuyên tâm tu hành của thanh chúng,
thanh chúng của tòng lâm là người an ổn, là người có phước. Song nhìn ở
một góc độ khác, tất cả sự vụ của Tăng đoàn, hoàn toàn do một thiểu số
chấp sự bao biện mà không cho thanh chúng tham dự, thậm chí chỉ do trung
ương tập quyền của phương trượng giám viện, đó là điều không phù hợp
với tinh thần lục hòa kính.
II. PHÁP YẾT MA CÓ MẤY THỨ?
Chủng loại của pháp yết ma, phân ra có 101 thứ của 3 loại lớn:
1. Đơn bạch yết ma: Hoặc gọi là Bạch nhất yết ma, nghĩa là “Xướng
ngôn”, đây là đối với việc không cần trưng cầu đồng ý, hướng về đại
chúng tuyên cáo việc thường làm, quen làm và cần phải làm, nói lên một
lần là thành. Gồm có 24 thứ.
2. Bạch nhị yết ma: Đây là tuyên cáo một lần, rồi nói lại một lần nửa để trưng cầu sự đồng ý của đại chúng. Gồm có 47 thứ.
3. Bạch tứ yết ma: Đây là trước tiên tuyên cáo một lần, ba lần trưng
cầu đồng ý. Nếu như nhất bạch tam yết ma xong, trong đại chúng im lặng
là biểu thị không có dị nghị mà tuyên bố yết ma đúng như pháp, nghị án
thành lập nhất trí thông qua. Gồm có 30 thứ (chủng số danh mục xin tự
tham duyệt yết ma của Luật Bộ).
Tinh thần của pháp yết ma so với trình tự nghị hội của hiện đại thì
trang nghiêm và thiêng liêng hơn. Đề án nghị hội của hiện đại thông
thường là 2 phần 3 số phiếu tán thành thì được thông qua, có khi chỉ cần
có quá phân nữa là chuẩn, có khi chỉ cần hơn 3 phần 4 là chuẩn, nhưng
rất ít khi nào yêu cầu nhất trí thông qua. Trong Tăng, chỉ cần có một
người dị nghị là tăng không hòa hợp thì yết ma không thành. Chỉ có pháp
yết ma Diệt tránh là đầu phiếu (bỏ thăm) lấy đa số biểu quyết.
Nhưng trong pháp yết ma cũng có quy định: Phàm, pháp yết ma đúng như
pháp, như luật, không cho phép vô lý kình chống mà phá hoại. Nếu một
người vô lý kình chống, phá hoại yết ma đúng như pháp, như luật, thì
Tăng đoàn có thể làm pháp yết ma đối với một người ấy. Như có một tập
đoàn nhỏ 4 người trở lên kình chống làm yết ma riêng thì phạm tội phá
yết ma tăng. Vì thế, pháp yết ma của Phật giáo là một thứ pháp nghị sự
cực kỳ thiêng liêng và lại rất chu đáo tỏ tường. Tăng già Trung Quốc
ngày nay không cử hành pháp yết ma, thật là một điều đáng than tiếc.
Sự quy định của pháp yết ma là dùng để phán đoán pháp yết ma có hợp
với sự yêu cầu hay không. Sự quy định ấy phải đủ bốn điều kiện yết ma
mới thành lập được. Bốn điều kiện ấy là:
1. Pháp: Tức là bản thân của pháp yết ma phải là xuất từ trong chủng
loại của pháp yết ma. Pháp có ba loại: Tâm niệm pháp, đối thú pháp,
chúng pháp.
2. Sự: Hoặc sự của phạm tội, hoặc sự của sám hối, hoặc sự của thọ
giới, đó là những điều cần phải cử hành pháp yết ma. Sự có ba loại: Hữu
tình sự, phi tình sự, tình phi tình hợp sự.
3. Nhân: Nhân số tham sự phải được quy định trong khi cử hành pháp
yết ma nào đó, tức là số người. Người có 6 đại loại: Một người, 2 người,
4 người, 5 người, 10 người, 20 người.
4. Xứ: Cử hành yết ma cần phải có xứ sở, một xứ sở này gọi là giới.
Giới có phân làm hai đại loại: Tác pháp giới và Tự nhiên giới. Tác pháp
giới lại phân ra ba thứ: Đại giới, giới tràng, tiểu giới. Tự nhiên giới
cũng phân ra có bốn thứ: Tụ lạc (xóm làng), lan nhã, đạo hành, thủy
giới. Làm một chủng loại yết ma nào cũng điều có giới riêng dùng để quy
định.
Bốn điều kiện này tôi hợp lại đưa ra một thí dụ. Tỷ như thọ giới: Bản
thân của thọ giới là sự, nghi thức truyền giới là pháp, Hòa thượng là A
xà lê, tham dự là nhân (người), giới tràng thọ giới là xứ. Nói về số
người tham gia yết ma gồm có 6 loại:
1. Một người: Đây là Tâm niệm pháp, tỷ như Tỳ kheo tâm niệm tự trách,
sám trừ lở phạm tội Đột kiết la. Thật ra, trường hợp này chưa nhập vào
pháp yết ma.
2. Hai người: Đây là Đối thú pháp, một Tỳ kheo đối với một Tỳ kheo
thanh tịnh khác nhau làm, như sám trừ tội Ba dật đề. Nói một cách nghiêm
khắc thì trường hợp này cũng chưa nhập vào pháp yết ma.
3. Bốn người: Trừ không thể xuất tội tăng tàn thọ giới, biên địa thọ
giới tự tứ ra, tất cả yết ma đều có thể bốn người thành tựu.
4. Năm người: Đây là số người tối thiểu của tự tứ yết ma và biên địa
thọ giới yết ma. Trừ không thể xuất tội Tăng tàn và thọ giới ra, tất cả
yết ma đều có năm người thành tựu.
5. Mười người: Trừ không thể xuất tội Tăng tàn ra, tất cả yết ma đều
có thể thành tựu, chủ yếu là số người cần thiết để truyền giới Cụ túc.
6. Hai mươi người: Đây là số người tối thiểu để xuất tội Tăng tàn, và là số người có thể thành tựu tất cả yết ma.
Nhưng, phần tử được tham gia yết ma, trong Tỳ kheo tăng phải là Tỳ
kheo thanh tịnh. Tỳ kheo phạm mà chưa sám trừ, không đủ số cũng không
được tham dự. Tỳ kheo ni, Thức xoa ma na ni,Sa di ni, cho đến tất cả
người tục, dù không đủ số, cũng không được tham gia. Yết ma của Tỳ kheo
ni, Tỳ kheo cũng không được tham dự.
Nhưng hai bộ Tăng Ni đều riêng có ba thứ yết ma tương đối thực hành:
1. Tỳ kheo có thể vì Ni chúng làm thọ giới yết ma, Ma na đỏa (Ni phạm
tội Tăng tàn, làm 35 điều Tùy chúng ý) yết ma, xuất tội (Tăng tàn) yết
ma.
2. Tỳ kheo ni có thể làm ba pháp yết ma đối với Tỳ kheo là không lễ
bái, không cùng nói chuyện, không kính sợ. Giả như Tỳ kheo vô lý xúc não
Tỳ kheo ni, Tỳ kheo ni có thể dùng ba pháp yết ma này đối phó Tỳ kheo.
Chỗ bất đồng là: Tỳ kheo vì Tỳ kheo ni làm ba thứ yết ma, Tỳ kheo ni
phải hiện diện trước Tỳ kheo; Tỳ kheo ni vì Tỳ kheo làm ba thứ yết ma,
Tỳ kheo không cần phải hiện diện trước Tỳ kheo ni.
III. PHÁP SÁM HỐI
Đại thừa giới chưa đến Phật quả, không thể tuyệt đối không phạm,
không thể tuyệt đối thanh tịnh. Tiểu thừa giới chưa đến quả A la hán,
không thể tuyệt đối thanh tịnh. Vì thế, phàm là Phật giới, trừ tội trọng
ra, đều có phương pháp hối tội. Đây là phương tiện từ bi của Phật, nếu
như tất cả giới chỉ có pháp phạm mà không có pháp hối thì không có một
chúng sinh nào có khả năng học Phật, thành Phật.
Hai chữ Sám hối, Thiên Thai Chỉ Quán quyển 7 giải thích: “Sám là
trình bày tội ác đã làm, hối là sửa đổi lỗi trước, từ nay về sau không
làm nữa”. Trên thực tế, bốn ý của Sám hối cùng với sự giải thích trên có
chút thêm bớt. Vì hai chữ Sám hối là hợp dịch âm nghĩa của Phạn ngữ:
Ksamayati, dịch âm là Sám ma, dịch nghĩa là Hối quá, hợp thành Sám hối.
Đã giữ âm lại thêm vào nghĩa.
Kim Quang Minh Kinh Văn Cú Ký quển 3: hai chữ Sám hối là cùng nêu lên hai âm. Phạn ngữ Sám ma, Trung Hoa gọi là Hối quá”.
Nam Sơn Giới Sớ quyển 1, hạ: “Sám hối, hối là tiếng Trung Hoa, sám là
nói tắt của tiếng Ấn Độ, như tiếng Phạn vốn nói là Sám ma”.
Nam Hải Ký Quy Truyện quyển 2: “Cựu dịch là Sám hối, không quan hệ
đến thuyết tội. Vì sao? Sám ma là âm tiếng Ấn Độ, nghĩa là tự phải nhẫn;
Hối là chữ Trung Hoa nghĩa là truy hối; không có can hệ gì với nhau”.
Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Da quyển 15, chú thích: “Nói
sám ma, Trung Hoa định nghĩa là: Xin tha thứ, xin cho sửa lỗi, đối diện
xin lỗi. Nếu lỡ phạm người hiện diện, muốn xin người hoan hỷ, đều nói
sám; bất luận lớn nhỏ đều đồng như thế. Nếu hối tội gọi là A bát đề xá
na (Apati-désanà), A bát để là tội, đề xá na là thuyết, đáng lẽ dịch là
thuyết tội. Nói sám hối, sám là tiếng Ấn Độ, hối là Tiếng Trung hoa,
chẳng phải xin tha thứ tội, cũng chẳng phải là thuyết tội, thật là khó
phân biệt rõ”.
Nói theo nguyên ý, sám ma (xin dung thứ) cùng A bát để đề xá na
(thuyết tội) không thể hỗn hợp giải thích, cũng không thể hỗn hợp ứng
dụng, nhưng ở Trung Quốc đã đem giới hạn của hai thứ này hỗn hợp lại một
khối. Vì thế, nói đến sám tội cũng hàm có hối tội, nói đến hối tội cũng
hàm có sám tội. Như tác pháp sám, thủ tướng sám, vô sanh sám đã được
gọi là ba thứ hối pháp, cũng có thể gọi là ba thứ sám pháp.
Nhưng trong luật phần nhiều dùng pháp hối tội đại biểu cho hai chữ sám hối.
Pháp sám tội, trên thực tế cũng là một pháp yết ma. Pháp yết ma 101
thứ, địa phận thiết yếu không ra ngoài hai loại lớn là thành thiện và
khử ác: Tỷ như thọ giới, thuyết giới, tự tứ, kiết tịnh địa, thọ y ca hy
na, phân tọa cụv.v… đều là yết ma thành thiện. Lại như Khổ thiết, Khu
tẩn, Biệt trụ, Ma na đỏa, hướng bạch y sám hối (Tỳ kheo vô lý xúc não
bạch y phải ở trong Tăng bạch nhị yết ma, do một Tỳ kheo khác làm bạn
đồng đi qua chỗ của bạch y sám hối), cử tội Tỳ kheo…, đều là yết ma khử
ác.
Pháp sám hối gồm có ba thứ và có thể hợp thành hai loại theo biểu đồ như sau:
Tác pháp sám diệt được giới tội mà không diệt được phiền não tánh
tội. Thủ tướng sám diệt được phiền não tánh tội nhưng không diệt được vô
minh chướng ngại trung đạo quán. Vô sanh sám diệt được vô thỉ vô minh.
Tác pháp sám là pháp hối tội của Tỳ kheo và Tỳ kheo ni mà chương này cần
phải giới thiệu, là tác pháp y theo sự quy định mà thuyết tội, hối tội.
Thủ tướng sám tức là như trong Phạm Võng Bồ tát Giới Bổn nói: “Phải dạy
sám hối, ở trước hình tượng Phật, Bồt tát ngày đêm sáu thời tụng 10
giới trọng, 48 giới khinh, khẩn thiết lễ tam thế ngàn Phật, được thấy
hảo tướng”. “Hảo tướng là thấy Phật đến xoa đảnh, thấy ánh sáng, thấy
bông hoa, các thứ tướng lạ, liền được diệt tội”. Hai pháp hối tội này
đều là dùng sự thông đạt thành mục đích hối tội, vì thế gọi là sự sám.
Vô sanh sám là chánh tâm ngồi ngay thẳng, thầm quán vạn pháp “Không,
Như” mà lại tức tục, trung đạo hiện tiền, mở Phật nhãn, phá vô minh. Một
sám pháp này nếu tu hành tối thiểu là từ cảnh giới Sơ địa trở lên. Vì
thế, Thủ tướng sám đã khó quán thành công, Vô sanh sám càng khó quán
thành công hơn. Thủ tướng sám và Vô sanh sám là pháp sám phổ thông của
Hóa giáo, là thông dụng của Đại thừa, Tiểu thừa, cũng thông dụng cho cả
hai chúng tăng tục. Tác pháp là sám pháp của thế giáo, là hạn cuộc nơi
Tiểu thừa, chủ yếu đối với Tăng Ni, phụ đối với người tục. Nếu chỉ y
theo sám pháp tội của Hóa giáo, tuy diệt tánh tội mà giới tội vẫn còn.
Nếu chỉ y theo sám pháp sám tội của thế giáo, giới tội hiện tiền tuy
diệt nhưng nghiệp đạo tánh tội từ vô thỉ đến nay vẫn còn. Vì thế, tốt
nhất là hỗ tương ứng dụng cả ba thứ sám pháp: Thủ tướng, Tác pháp, Vô
sanh; hiện tại chúng tôi muốn nói chính là Tác pháp sám, đây cũng là một
pháp sám tội dễ được thành công nhất. Nay xin giới thiệu về Tác pháp
sám.
Tỳ kheo và Tỳ kheo ni giới gồm có 6 thứ tội danh. Bởi vì tội Ba la di
không thể dùng Tác pháp sám để hối trừ, vì thế tội danh năng hối chỉ có
5 thứ. Nhưng lại không phải là phương thức một thứ tội danh đối với một
thứ hối tội, mà trong đó có một thứ tội danh phải dùng 2 thứ cho đến 5
thứ phương thức hối trừ. Hiện tại liệt kê theo biểu đồ như sau:
Tội Ba la di, vốn chỉ có pháp phạm mà không có pháp hối, nhưng người
lần thứ nhất phạm căn bản giới dâm, lập tức phát lồ, hướng Tăng đoàn lập
tức tự thú tự bạch thống thiết cải hối, tuy mất giới Tỳ kheo và cũng
mất thân phận Tỳ kheo mà không bị diệt tẩn. Sau khi ở trong 20 vị Tăng
cầu hối, phải thọ trì 35 việc, thành Dự học Tỳ kheo (Thập Tụng Luật gọi
là Dự học Sa di), suốt đời ở dưới Tỳ kheo thanh tịnh và trên tất cả Sa
di, suốt đời mất hết tất cả Tăng quyền, không được tham gia bất cứ pháp
yết ma nào, suốt đời hầu hạ phục dịch đại chúng Tỳ kheo.
Tội Tăng tàn có thể hối trừ, song cần phải ở trong 20 vị Tỳ kheo
thanh tịnh xuất tội. Tỳ kheo Ni phải ở trong hai bộ Tăng và Ni tăng và
Tỳ kheo tăng mỗi bộ 20 người xuất tội. Tỳ kheo phạm Tăng tàn nếu phú
tàng (che dấu) một ngày, phải làm yết ma 6 đêm Ma na đỏa, hành pháp Biệt
trụ, trong thời gian này bị tước đoạt tất cả Tăng quyền, tùy thuận đại
chúng, phục dịch đại chúng, hành 35 việc. Sáu đêm hoàn tất, được ở trong
20 vị Tỳ kheo tăng thanh tịnh xuất tội Tăng tàn rồi trở lại thành Tỳ
kheo thanh tịnh. Tỳ kheo ni phạm Tăng tàn, trước tiên làm nửa tháng Ma
na đỏa, sau đó mới hướng vào trong hai bộ Tăng mỗi bộ 20 người để xuất
tội. Đây là vì sự tiện lợi của mỗi nửa tháng Bồ tát, không đến nửa
tháng, bất tiện qua trong Tỳ kheo tăng cầu hối xuất tội, vì thế cần phải
nửa tháng Ma na đỏa.
Theo sự quy định này, hiện thời ở Trung Quốc đã không cử hành yết ma,
phạm tội Tăng tàn cũng không làm sao sám trừ. Về sám hối tội Tăng tàn,
không thể nói một cách đại khái như nhau được. Căn Bản Tát Bà Đa Bộ Luật
Nhiếp quyển 4 nói: “Có sáu loại người phạm tội chúng giáo (tức Tăng
tàn) đối trước một Bí sô thuyết trừ tội ấy được gọi là thanh tịnh.
1. Người trì khắpKinh tạng.
2. Người trì khắp Luật tạng.
3. Người trì khắp Luận tạng.
4. Người tánh rất hổ thẹn, nếu nói lỗi của người ấy, người ấy ôm lòng hổ thẹn đến chết.
5. Bậc Thượng tọa già nhất trong chúng.
6. Người có đại phước đức”.
Hành Sự Sao quyển 4 nói: “Có 6 loại người phạm tội Tăng tàn được tâm niệm hối:
1. Thượng tọa phạm Tăng tàn, e bị mọi người sinh khinh mạn.
Phật dạy: Nếu nhất tâm sinh niệm: Từ nay về sau không làm nửa, liền được
thanh tịnh.
2. Bậc đại đức được nhiều người quen biết.
3. Người nhiều hổ thẹn, nếu bắt làm pháp ở trong 20 vị tăng xuất tội, người ấy thà xả giới.
4. Bệnh nặng không thể quỳ, không có sức lực để sám.
5. Trụ xứ không đủ 20 vị Tỳ kheo thanh tịnh, lúc đi qua nơi khác cầu hối tội, dọc đường bị giặc hại mà chết.
6. Chúng không thanh tịnh, qua nơi khác cầu chúng thanh tịnh hối tội, dọc đường gặp giặc hại mà chết.
Sáu loại người này, Phật nói: “Nhất tâm sinh niệm, sám hối đúng như pháp là người được sinh lên trời”.
Người xuất gia ở Trung Quốc ngày nay, nếu đoàn thể sinh hoạt trên 20
người, tốt nhất là dùng pháp yết ma để hối trừ tội Tăng tàn. Nếu như số
người không đủ, không có cách nào cử hành pháp yết ma đúng như luật, thì
cũng nên theo pháp đối một người sám hối hoặc dùng pháp tâm niệm, hối
trừ tội Tăng tàn. Trên thực tế, Tăng Ni Trung Quốc đã không biết dùng
pháp yết ma để hối tội.
Thâu lan giá là một thứ tội phức tạp hơn hết. Hành Sự Sao quyển 1,
trung, nói: “Một tụ Thâu lan giá, tội thông cả chánh và tòng, thể gồm cả
khinh trọng. Luật nêu 7 tụ mà 6 tụ đều hàm Thâu lan giá”. Đây là nói
Thâu lan giá chia làm hai môn chánh và tòng: Chánh gọi là Độc đầu Thâu
lan giá, Tòng gọi là Tòng sinh Thâu lan giá. Độc đầu là đơn độc thành
lập. Tòng sinh là phụ thuộc vào 6 tụ kia mà thành lập, tội chưa thành
của 6 tụ kia đều gọi là Tòng sinh Thâu lan giá. Trong 7 tụ, trừ 2 pháp
Bất định không định phạm tội nên không có Thâu lan giá, 6 tụ kia đều có
Thâu lan giá. Nhưng chánh có trọng cũng có khinh, tòng sinh cũng có
trọng có khinh. Tòng sinh Thâu lan giá tuy trùm khắp 6 tụ, nhưng vẫn chủ
yếu là Ba la di của thiên đầu và Tăng tàn của thiên thứ hai. Nhưng bất
luận chánh tòng đều có thể phân làm ba phẩm: thượng, trung, hạ. Hiện tại
đem số người đối hối của ba phẩm chánh tòng liệt kê biểu đồ như sau:
Biểu đồ này là do tham khảo từ các luật bổn nêu ra, chính xác hay
không chờ hỏi bậc cao minh, vì trong các bộ luật đối với vấn đề này đều
có ý kiến khác nhau, thật khó tìm sự hoàn hảo nhất trí.
Phẩm vị phân pháp của Tòng sinh Thâu lan giá là căn cứ vào trình độ
của tội chưa tội mà định: Tỷ như hành dâm là phải hai thân giao hợp với
nhau mới thành tội Ba la di của thiên đầu; nếu khởi thân chuẩn bị hành
dâm liền đình chỉ, là viễn phương tiện của thiên đầu, thành hạ phẩm tội.
Nếu đã dùng tay vuốt ve đối phương chuẩn bị cởi y phục hành dâm rồi
đình chỉ, là thứ phương tiện của thiên đầu, thành trung phẩm tội. Nếu đã
cỡi áo trong hai thân chạm nhau, nam căn sắp nhập vào nữ căn, lúc chưa
nhập liền đình chỉ, là cận phương tiện của thiên đầu, thành thượng phẩm
tội. Ba phẩm thượng, trung, hạ của tội Tăng tàn chưa tội có thể so với
trên mà biết được, ở đây không cần nêu ra.
Đến Thâu lan giá của tự tánh chánh tội, hoặc Độc đầu Thâu lan giá cũng phân làm ba phẩm: thượng, trung, hạ; nội dung như sau:
- Thượng phẩm độc đầu: Trộm 4 tiền, giết phi nhân (quỷ thân biến hóa
thành người), trộm đồ vật của phi nhân trị giá 5 tiền trở lên, ở phi đạo
(trừ âm đạo, đại tiện đạo và miệng ra, các bộ phận khác trên thân thể)
hành dâm.
- Trung phẩm độc đầu: phá yết ma tăng, trộm 3 tiền trở lên, chạm xúc
người hai hình và huỳnh môn; cùng với tóc, móng của người nữ chạm xúc;
cùng với người nữ, một người có y phục, một người không y phục chạm xúc;
làm cho người khác chảy đồ bất tịnh (thủ dâm).
- Hạ phẩm độc đầu: Chứa lược dùng chảy tóc, cạo lông ba chỗ (nách và
đại tiểu tiện), dùng dầu tô thoa láng âm hộ, trần truồng đi, chứa bát
bằng gỗ, mặc y ngoại đạo.
Sám tội Ba dật đề thông thường đối với một vị Tỳ kheo (Tỳ kheo ni)
thanh tịnh thuyết tội, hối lỗi, tùy phạm có thể tùy hối. Nếu không có
phương tiện nên đợi lúc nửa tháng thuyết giới sám hối.
Pháp hối quá là tùy phạm tùy hối, đối trước một người nói một lần liền được hối quá.
Pháp hối tội là Đột kiết la và Ba dật đề giống nhau. Nếu lỡ phạm tội
Đột kiết la, tự trách tâm thống thiết, hối cải tội liền trừ diệt.
Còn có một điều quy định rất quan trọng là Tỳ kheo và Tỳ kheo ni
không được nói tội ác của mình đã phạm với nhau đế sám hối. Căn Bản
Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Luật Tạp Sự quyển 32: “Phật nói Bí sô không
được nói tội của mình với Bí sô ni, phải đối trước bí sô thanh tịnh đồng
kiến giải phát lồ thuyết đối”.
Lại nói: “Bí sô ni không nên đến bên Bí sô phát lồ phải ở bên Bí sô
ni thuyết tội”. Đến như Tỳ kheo ni phạm tội Tăng tàn phải ở trong hai bộ
tăng xuất tội; ở trước Tỳ kheo Tăng, chỉ xuất tội mà không phải phát lồ
thuyết tội”.
Các pháp yết ma và các pháp sám tội đều có nghi thức nhất định và lời
tác bạch nhất định, vì giới hạn của tạp sách nên không thể biên chép
lại đầy đủ.
Ở đây đem các loại địa ngục và số năm bị đọa do tội phạm giới ghi lại như sau:
1. Tội Ba la di: Đọa địa ngục Diệm Nhiệt 92 vạn 1 ngàn 6 trăm vạn năm.
2. Tội Tăng tàn: Đọa địa ngục Đại Hào Khiếu 23 vạn lẻ 4 trăm vạn năm.
3. Tội Thâu lan giá: Đọa địa ngục Hào Khiếu 5 vạn 7 ngàn 6 trăm vạn năm.
4. Tội Ba dật đề: Đọa địa ngục Chúng Hợp 1 vạn 4 ngàn 4 trăm vạn năm.
5. Tội Đề xá ni (Hối quá pháp): Đọa địa ngục Hắc Thằng 3 ngàn 6 trăm vạn năm.
6. Tội Đột kiết la: Đọa địa ngục Đẳng Hoạt 9 trăm vạn năm.
Đương nhiên các loại địa ngục này là nhất định, song số năm đọa địa
ngục không nhất định, số năm ghi ra ở đây cũng chỉ là đại khái mà thôi.
Nhân vì đồng là một thứ tội danh lại có rất nhiều cấp bậc của tội
nghiệp, tỷ như Thâu lan giá phân có ba phẩm thượng , trung, hạ; pháp hối
tội có 5 phương thức, nếu như không hối thì số năm cảm thọ tội báo
đương nhiên cũng không nhất định.
Thiên này đến đây đã xong, đọc giả nếu muốn hiểu sâu xin mời tự
nghiên cứu các bộ Quảng Luật. Nếu không nghiên cứu Quảng Luật, tôi xin
giới thiệu 4 bộ sách luật: Trùng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu của Đại sư
Ngẫu Ích, Tứ Phần Luật Tỳ kheo Giới Tướng Biểu Ký của Đại sư Hoằng Nhất,
Tứ Phần Luật Tỳ kheo ni Giới Tướng Biểu Ký của Tỳ kheo ni Thắng Vũ, Tứ
Phần Tỳ kheo ni Giới Bổn Chú Giải của Tỳ kheo ni Phật Oánh. Tỳ kheo tốt
nhất nên xem cả bốn bộ; Tỳ kheo ni nên xem 2 bộ sau, ít nhất cũng xem 1
bộ sau chót, vì Ni sư Phật Oánh là bác si y khoa nên đối với phương diện
vệ sinh về sinh lý của Ni chúng có sự hướng dẫn tận tường. Chị em Ni
chúng của Phật giáo, nếu như đồng trinh xuất gia, đối với vấn đề vệ sinh
sinh lý phần nhiều không hiểu, có người bệnh, mắc cỡ không đến y sĩ
điều trị. Vì thế, tôi chủ trương người xuất gia nam nữ đều phải hiểu về
vệ sinh sinh lý học. Vấn đề sinh lý không phải là bí mật, chỉ có người
cho rằng cấu tạo của sinh lý là bí mật, nên đối với vấn đề sinh lý mới
càng cảm thấy quyến rũ làm mê người mà đến nỗi thành bệnh cho đến tạo
thành tội ác. Do đó, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni cần xem bộ Tứ Phần Luật Tỳ kheo
ni Giới Bổn Chú Giải của Tỳ kheo ni Phật Oánh biên soạn.