Chương 6: Sau Khi Thọ Bồ Tát Giới
I. TRÌ PHẠM VÀ ĐẮC THẤT CỦA BỒ TÁT GIỚI
Đã thọ Bồ tát giới rồi, phải hiểu rõ vấn đề để trì phạm và đắc thất.
Chỗ bất đồng lớn nhất của Bồ tát giới là Thanh văn (Tiểu thừa) giới có
hai điểm: Một là đối tượng trì giới, hai là thời gian thọ trì.
Chương trước đã nói sơ lược, Bồ tát tuy trì một giới, công đức còn
lớn hơn Tiểu thừa trì cụ túc giới, vì mỗi giới của Bồ tát là “Vô tận
giới”. Trì một giới tức là ở trên phần của tất cả chúng sinh được công
đức trì giới cũng vô tận; vì thế, sự lớn lao của công đức thọ trì Bồ tát
giới không có pháp nào tỷ dụ được. Thế nên, Kinh Anh Lạc quyển hạ nói:
“Pháp sư hay ở trong tất cả quốc độ giáo hóa một người xuất gia thọ Bồ
tát giới, phước của Pháp sư này hơn tạo 8 vạn 4 ngàn tháp”.
Lại nói: “Người thọ giới này được vào trong số Bồ tát ở cõi chư Phật,
vượt qua cái khổ ba kiếp sinh tử” Lại nói: “Có mà phạm, còn hơn không
có không phạm. Có mà phạm gọi là Bồ tát, không có không phạm gọi là
ngọai đạo”.
Đủ biết công đức giáo hóa người khác xuất gia thọ Bồ tát giới so với
công đức tự mình thọ Bồ tát giới lại càng lớn hơn. Có người cho rằng thọ
giới cố nhiên công đức rất lớn, tội lỗi của phạm giới cũng rất lớn, chỉ
sợ thọ giới rồi mà không thể kiên trì giữ gìn cho không phạm, vì thế
không dám thọ giới, nhưng ở đây đã nói rõ: “Có mà phạm còn hơn không có
không phạm “Tại sao vậy? Đây là công đức tác dụng của Bồ tát giới, bởi
vì trì giới là giữ gìn đối với tất cả chúng sinh. Tỷ như phạm giới sát
sanh, giả sử mỗi ngày giết, lúc nào cũng giết, cũng không thể giết hết
chúng sinh; giết một chúng sinh chỉ ở trên thân một chúng sinh đắc tội.
Vì thế lại nói: “Có phạm gọi là Bồ tát, không phạm gọi là ngọai đạo. Lại
gọi Bồ tát giới là “42 pháp Hiền thánh”, nghĩa là Bồ tát của 42 ngôi
vị (30 Hiền vị thêm 12 Thánh vị ) là do thọ trì Bồ tát giới mà được. Vì
thế Kinh Hoa Nghiêm nói: “Giới là gốc Vô thượng Bồ đề”. Kinh Phạm Võng
nói: “Chúng Bồ tát nhiều như vi trần do giới này thành Chánh giác”.
Vấn đề thứ hai là thời gian thọ trì, Tiểu thừa giới có năm thứ nhân
duyên xả, mất giới thể: 1. Mạng chung (chết), 2. Hai hình (bộ sinh dục
nam nữ biến tánh), 3. Đọan thiện căn , 4. Tác pháp (đối với Tỳ kheo đồng
pháp hiểu lời nói cho đến một người tục tuyên bố xả giới), 5. Phạm giới
trọng (phạm 4 giới căn bản). Nhưng Bồ tát thì bất đồng. Bồ tát giới
không phải là “suốt đời thọ trì “mà là tận vị lai tế thọ trì, vì thế
mạng chung không xả giới. Bồ tát không cự tuyệt người tánh tội và biến
tánh, vì thế, người hai hình không mất giới. Bồ tát giới chỉ có hai
trường hợp mất giới: Một là phạm giới trọng, hai là cố ý xả Bồ đề tâm.
Phạm giới trọng có hai lọai: Một là phá trọng giới, là do thượng phẩm
phiền não triền phạm (như cố ý giết người), hai là ô trọng giới, là do
trung phẩm phiền não triền phạm (như lầm giết người, không cố ý mà ngộ
sát). Phá trọng giới thì mất Bồ tát giới, ô trọng giới còn có thể y pháp
sám hối. Nói về thượng phẩm phiền não triền phạm, trong Luận Du già
nói: “Nếu Bồ tát hủy phạm bốn pháp tha thắng xứ, luôn luôn hiện hành,
không biết hổ thẹn, lại còn rất ưa thích, cho đó là công đức, phải biết
đây gọi là thượng phẩm triền phạm”. Cố xả bỏ đại Bồ đề tâm tức là tuyên
bố với người khác rằng: Tôi không làm Bồ tát nữa hoặc không tin có Bồ
tát hạnh, hoặc cho rằng Đại thừa không hay bằng Tiểu thừa và không học
pháp Đại thừa cho đến không tin Phật pháp mà tin ngọai đạo. Đây đều
thành nhân duyên xả Bồ tát giới.
Ưu bà tắc Giới Kinh quyển 7 nói : “Xả giới có 6 lọai: 1. Lúc đọan
thiện căn, 2. Lúc được 2 căn nam nữ, 3. Lúc xả thọ mạng (chết ), 4. Lúc
thọ ác giới (như phát thệ làm chức nghiệp hung thủ), 5. Lúc xả giới, 6.
Lúc xả thân Dục giới”. Nhưng chúng ta đã nói qua, Ưu bà tắc giới không
thể xem là Bồ tát giới, vì thế nó có một cách nói riêng biệt.
Trên thực tế, Kinh Anh Lạc nói : “Bồ tát giới là có phạm không mất”.
Sau khi đã thọ Bồ tát giới, đời đời cho đến thành Phật đều vĩnh viễn
theo nhau, bởi vì giới thể là một thứ vô lậu sắc pháp (thể vật chất),
không hình trạng, không biểu tượng. Sau khi nó được huân trên bản tánh
lý thể của chúng ta, chỉ có thể bị ngăn che chứ không thể bị thất lạc.
Nói phạm giới trọng thì mất giới là nói vì bị ngăn che của pháp ác mà
mất đi công năng của giới thể, chứ không phải là giới thể trên bản tánh
lý thể của chúng ta bị thất lạc, đây là điều cần phải hiểu rõ. Vì thế,
Kinh Phạm Võng cho người phạm mười giới trọng ở trước tượng Phật sám hối
tội lỗi, thấy hảo tướng được thọ giới lại. Kinh Anh Lạc nói thẳng: Mười
giới trọng có phạm, không có sám hối, nhưng được cho thọ lại”. Du già
cũng nói: “Từ thượng phẩm triền phạm pháp tha thắng xứ như trên, mất
giới luật nghi, phải thọ lại”. Ở đây sở dĩ bảo “thọ lại” là nhờ sức
Phật, Bồ tát bên ngoài dẫn phát giới thể đã được huân từ trước khiến cho
khôi phục lại công năng của giới lực mà thôi.
Chính vì Bồ tát giới là tận vị lai tế thọ trì, nên sau khi chuyển
sinh, đa số chúng sinh tuy không nhớ được mình đã tận thọ giới, dù công
năng của giới đã ẩn mất, nhưng giới thể ấy vẫn tồn tại trong tánh thể,
vì thế vẫn có thể gặp duyên mà “tăng ích thọ giới” (thọ giới nữa). Nếu
như chuyển sinh mà không có duyên thọ lại cho đến cũng không nhớ mình đã
từng thọ, công năng của giới thể này vẫn sẽ có cơ hội hiển hiện, chỗ
gọi là thiện căn, thì đây cũng chính là một thứ thiện căn.
Nhưng Kinh Anh Lạc nói: “Giới thể của Bồ tát phàm thánh, đều lấy tâm
thể, thế nên tâm tận thì giới cũng tận, tâm vô tận thì giới cũng vô
tận”. Có người thấy thế bèn cho rằng: Giới thể là tâm pháp (tinh thần)
mà không phải sắc pháp (vật chất). Sự thật không phải vậy, nói tâm tận
và vô tận là chỉ bồ đề tâm, xả Bồ đề tâm là tâm tận, công năng giới thể
cũng tận; phát đại Bồ đề tâm là tâm vô tận, công năng giới thể cũng vô
tận . Cho nên tôi cho rằng: Phá trọng giới là giới thể của ta bị ngăn
che, xả bỏ Bồ đề nguyện mới là đem vô lậu sắc pháp của giới thể xóa mất
II. PHÁP HỐI QUÁ CỦA BỒ TÁT
Phạm trọng giới, Kinh Anh Lạc nói: “Có phạm, không có hối” là không
thể hối quá. Điều giới khinh thứ 41 của Kinh Phạm Võng nói: “Nếu phạm 10
giới trọng phải dạy sám hối: ở trước hình tượng Phật Bồ tát ngày đêm 6
thời tụng 10 giới trọng, 48 giới khinh, siêng năng khó nhọc, lễ lạy tam
thế ngàn Phật cầu được thấy hảo tướng. Nếu 7 ngày, 14 ngày, 21 ngày cho
đến 1 năm phải thấy hảo tướng. Hảo tướng là thấy Phật đến xoa đầu, thấy
ánh sáng, thấy bông hoa, các tướng lạ bèn đươc diệt tội”. Về Phạm giới
khinh thì Kinh Phạm Võng nói: “Nếu phạm 48 giới khinh, đối thú sám hối tội diệt”.
Phương pháp sám hối giới trọng chỉ thấy một thứ như thế. Sám hối giới
khinh, Phạm Võng chỉ nói: “Đối thú sám”. Anh Lạc cũng chỉ nói: “Được
cho đối thú sám hối diệt tội” Còn làm thế nào để đối thú sám hối? Điều
văn của Du già Giới Bổn có nói như sau:
“Nếu có vi phạm, phải đúng như pháp mau mau hối trừ để được thanh tịnh trở lại.
Như vậy, tất cả điều Bồ tát vi phạm phải biết đều thuộc về ác
tác, phải hướng về Bổ đặc già la (hữu tình chúng sinh) có năng lực, dùng
lời nói biểu đạt được nghĩa, hay giác, hay thọ Đại thừa, Tiểu thừa mà
phát lồ sám hối diệt tội.
Nếu trung phẩm triền phạm pháp tha thắng xứ như trên, phải đối
trước ba Bổ đặc già la, hoặc nhiều hơn số đó, phải làm như pháp phát lồ
trừ ác, trước phải thuật lại việc đã phạm, và bạch như vầy :”Trưởng lão!
Chuyên chí”; hoặc nói: “Đại đức! Con tên là…vi việt pháp Bồ tát Tỳ nại
đa, như pháp thuật lại sự việc phạm tội ác tác. “Ngòai ra, như pháp Bí
sô phát lồ sám hối diệt tội ác tác, cũng phải nói như vậy.
Nếu hạ phẩm triền phạm pháp tha thắng xứ như trên và những sự vi
phạm khác phải phát lồ trước một Bồ đặc già la, pháp sám hối cũng giống
như trước
Nếu không tùy thuận Bổ đặc già la để phát lồ hối trừ tội đã phạm,
bây giờ Bồ tát đem tâm ý ưa thích thanh tịnh , khởi tâm tự thệ: Tôi sẽ
quyết định phòng giữ đương lai không phạm lại nữa. Như vậy đối với tội
phạm, được thanh tịnh trở lại”.
Căn cứ vào sự thuyết minh này và bộ Bồ tát Giới Thọ Tùy Cương Yếu Biểu của Đại sư Hoằng Nhất, pháp hối quá của Bồ tát có thể liệt vào biểu đồ như sau:
Bất luận giới trọng hay giới khinh, phạm giới đều có hai tội căn bản
và phương tiện bất đồng. Căn bản là tội đã tọai, còn phương tiện là
chuẩn bị hoặc tiến hành phạm giới mà chưa hòan thành sự thật phạm giới.
Đối tượng của hối tội, tốt nhất là chúng Bồ tát thanh tịnh đồng pháp;
nếu không có Bồ tát đối với Tiểu thừa Tỳ kheo sám hối cũng đươc. Sám
pháp phân làm ba lọai :Một là đối với 4 người (Du già giới Bổn nói 3 người )hoặc 4 người trở lên sám. Hai là đối với
một người sám. Ba là tự trách tâm sám .Những lời tác bạch đối với 4
người sám và 1 người sám đồng. Vì thế, lời tác bạch sám hối phân làm hai
lọai: một là đối với người bạch sám, hai là tự một mình bạch sám.
1. Sám pháp đối người
Lúc sám phải đủ oai nghi, quỳ gối chấp tay bạch với người thọ sám:
Chư Đại đức nhất tâm niệm, con là…cố (nói tên giới đã phạm) phạm Ba
la di tội.Nay hướng Đại đức phát lồ sám hối không dám làm nữa, xin Đại
đức ức niệm cho con (nói 3 lần).
Sám hối chủ hoặc người thọ sám quở ttrách rằng: “Tự trách tâm ông, sinh nhàm lìa”.
Người sám đáp: Xin vâng.
2. Sám pháp trách tâm
Người sám phải đủ oai nghi, sinh tâm hổ thẹn, đối với chính mình tự
bạch: “Con là…..cố (nói tên giới đã phạm) phạm Ba la di, khinh phương
tiện (hoặc khinh cấu tội), con nay trách tâm hối quá”. (nói 1 lần).
Nếu có phạm giới phải tùy phạm tùy hối. Nếu như việc gấp hoặc số
người không đủ, ở mỗi nửa tháng thuyết giới Bố tát cần phải sám hối cho
thanh tịnh. Bằng không, có phạm bất tịnh mà nghe thuyết giới bèn thành
tội phú tàng. (che giấu).
Thiện Giới Kinh nói: “Nếu Tỳ kheo phạm Ba dật đề không thẹn, không
hối, nghe Bồ tát giới đắc tội Thâu lan giá. Nếu phạm Thâu lan giá không
thẹn, không hối, nghe Bồ tát giới thì đắc tội Tăng tàn.
Nếu phạm Tăng tàn, không thẹn không hối, nghe Bồ tát giới thì đắc tội
Ba la di. Đây là duyên cớ Bồ tát phú tàng, tội nặng hơn bổn tội. Đây là
một lệ của Bồ tát giới nặng hơn Thanh văn giới, và đây cũng là một sự
kiện mà người thọ Bồ tát giới không thể không biết.
III. THUYẾT GIỚI BỐ TÁT CỦA BỒ TÁT
Cuối đời Minh, Luật sư Hoằng Tán trong Phạm Võng Lược Sớ nói:
“Bồ tát không có pháp yết ma, lúc Bồ tát thọ giới cũng không có yết
ma” Lại nói: “Bồ tát thuyết giới không gọi là thuyết giới yết ma, chỉ
gọi là thuyết giới Bố tát”. Lại nói: “Người có tội chưa sám và người
chưa thọ Bồ tát giới đều không cho cùng làm Bố tát”.
Pháp yết ma là một thứ pháp nghị sự riêng có của Thanh văn tăng, cũng
là một thứ quỹ tắc Tăng đòan trụ trì, Phât pháp trụ thế. Bồ tát có
trách nhiệm hóa độ thế gian, có trách nhiệm hộ trì Phật pháp mà ít có
trách nhiệm chủ trì Phật giáo. Nếu như Bồ tát Tỳ kheo thì vẫn lấy thân
phận Tỳ kheo trụ trì Phật giáo, chứ không phải thân phận Bồ tát trụ trì
Phật giáo
Bố tát là dịch âm của Phạn ngữ: Posadha, có nghĩa là thanh tịnh tam
nghiệp và trưởng dưỡng công đức còn có nghĩa là Tịnh trụ. Thuyết giới
nửa tháng một lần Đại thừa, Tiểu thừa giống nhau, nhưng Tiểu thừa gọi là
Yết ma, Đại thừa gọi là Bố tát.
Kinh Phạm Võng nói: “Phật bảo các Bồ tát rằng: Nay ta cứ mỗi nửa
tháng tự tụng giới pháp chư Phật, các ông và tất cả Bồ tát phát tâm cũng
tụng”. Lại nói: “Nếu người thọ Bồ tát giới không tụng giới này thì
không phải là Bồ tát, không phải chủng tử Phật”.Điều giới khinh thứ 37
của Phạm Võng cũng nói: “Nếu ngày Bố tát, tân học Bồ tát mỗi nửa tháng
Bố tát, lúc tụng 10 giới trọng 48 giới khinh phải ở trước hình tượng
Phật, Bồ tát, một người Bố tát, một người tụng; nếu hai người, ba người
cho đến trăm ngàn người cũng một người tụng. Người tụng ngồi cao, người
nghe ngồi thấp”. Điều giới khinh thứ 38 lại nói: “Phải ngồi thứ tự đúng
như pháp, người thọ giới trước ngồi trước, người thọ giới sau ngồi sau”.
Đây là nói tân học Bồ tát phải nửa tháng Bố tát, vì sám tội để thanh
tịnh tam nghiệp, nhờ tụng giới mà trưởng dưỡng công đức. Nhưng đối với
sự tụng giới không hạn cuộc nửa tháng một lần, có thể mỗi ngày tụng cho
đến luôn luôn tụng, tối thiểu là nửa tháng tụng một lần, nếu không tụng
thì “Không phải là Bồ tát, chẳng phải là chủng tử Phật”.
Veà pháp Bố tát của Bồ tát giới, đại khái đồng với thuyết giới yết ma
của Thanh văn. Nếu đông người, vị Đương trị đánh bảng họp chúng, Duy na
kiểm điểm số người, rồi bảo người chưa phát tâm Bồ tát, chưa thọ Bồ tát
giới ra. Kế đó thỉnh Thượng tọa dâng hương, lên tòa .Kế tiếp hỏi có
phạm, không phạm .có hối, không hối, rồi thỉnh người tụng rành rẽ, âm
thanh rõ ràng lên tòa cao tụng giới. Nghi tiết đầy đủ có thể tham khảo
pháp Bố tát ghi trong Thiên Thai Bố tát Giới Sớ quyển hạ của ngài Minh Khoáng. Nếu như một
người tụng, Bồ tát xuất gia phải đắp 3 y cà-sa cửu điều, thất điều, ngũ
điều. Sau khi ở trước Phật dâng hương lễ bái xong, quỳ gối trước Phật
để tụng, hoặc ngồi tụng , đây là việc rất dễ làm.
Đối với vấn đề tụng giới của Bồ tát Tỳ kheo và Bồ tát tại gia, trong
Giới Sớ của Ngài Nghĩa Tịch có nói: “Bồ tát Tăng Ni nửa tháng phải hai
bên Bố tát tụng hai bổn Đại, Tiểu; không tụng phạm tội khinh cấu, Bồ tát
tại gia nếu trong nhà có tịnh thất nửa tháng phải tự tụng. Nếu không có
tịnh thất, mà trong 1 do tuần (10 km đến 15 km) có tự viện, tịnh xá làm
Bồ tát Bố tát phải qua nghe, nếu không đi nghe, phạm khinh cấu .Nếu
trong nhà huyên náo và trong 1 do tuần không có Bồ tát Bố tát tập hội
thì không phạm”.
Thiên này viết đến đây là kết thúc, do tài hèn sức kém, tuy viết hơn 4
vạn chữ mà vẫn chưa trình bày được hết nội dung của Bồ tát giới. Chúng
tôi chỉ mong độc giả đọc xong thiên này có một khái niệm tổng quát về Bồ
tát giới.
Ở Trung Quốc chú sớ nhiều đời nghiên cứu về Bồ tát giới phần đông lấy
Phạm Võng Kinh Giới Bổn làm chủ yếu, hiện còn Phạm Võng Chú Sớ trong
Đại Chánh Tạng và Tục Tạng chữ Vạn có ước chừng 20 loại, độc giả nếu thích có thể căn cứ vào kết cấu bố cục của thiên sách này chỉ dẫn để tự nghiên cứu thêm.
CƯƠNG YẾU GIỚI LUẬT
Hòa Thượng Thánh Nghiêm
Thích nữ Tuệ Đăng Dịch
Nhà xuất bản Thời Đại 2010