DUY THỨC TAM THẬP TỤNG LƯỢC GIẢI


Thích Trí Châu Thanh Lương Thiền Thất - Phật Lịch 2549, 2005
22/08/2011 10:07 (GMT+7)
Số lượt xem: 205121
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

DUY THỨC TAM THẬP TỤNG LƯỢC GIẢI
Thích Trí Châu
Thanh Lương Thiền Thất - Phật Lịch 2549, 2005

CHƯƠNG III
ĐẶC TÁNH CỦA A LẠI DA THỨC

 

Đặc tánh của thức A Lại Da được Bồ tát Thế Thân tiếp tục diễn tả trong bài tụng thứ tư.

BÀI TỤNG THỨ TƯ

Thị vô phú vô ký
Xúc đẳng diệc như thị
Hằng chuyển như bộc lưu
A la hán vị xả.

Dịch là:

Tánh vô phú vô ký
Các biến hành cũng vậy
Hằng chuyển như nước dốc
A la hán thì xả.

Nghĩa là tánh của A lại da thức không bị ngăn che, không phải là thiện và cũng không phải là ác. Các tâm sở biến hành Xúc, Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư nương nơi A lại da thức cũng không bị ngăn che và cũng vô ký, như như không thiện lẫn không ác. A lại da thức sanh diệt, chuyển biến không ngừng như dòng thác lũ. Đến địa vị A la hán thì xả.

Như trên đã nói chỉ vì mê vọng nên Chân Tâm bị chiếu soi và chuyển biến ra có các chủng tử và hiện hành. Các chủng tử và hiện hành làm nhân duyên cho nhau, được huân tập xông ướp mà biến đổi thành vô lượng các chủng tử và hiện hành khác gồm đủ mọi chủng loại với đủ mọi tánh chất, hữu lậu, vô lậu hoặc trung tánh. Vô lậu là thiện, hữu lậu là ác, trung tánh là vô ký, là không thiện cũng không ác. Các chủng tử và hiện hành cứ liên miên được chiếu soi, chuyển biến rồi lại đem chứa vào trong Tàng Thức. Tàng Thức ví như một nhà kho chứa tất cả các chủng tử và hiện hành mà không phân biệt là loại gì, thiện, ác hay là vô ký. Xấu hay tốt, nhiễm hay tịnh là tánh chất riêng của các chủng tử và hiện hành chứ tánh chất của Tàng thức thì không nhiễm cũng không tịnh, xấu hay đẹp là tự ở các đồ vật trong kho chứ cái kho chứa chỉ có nhiệm vụ chứa đựng mà thôi.

Các chủng tử được gieo vào mảnh đất A lại da ví như các hình ảnh xấu đẹp, xanh vàng phản chiếu trên mặt gương sáng. Gương sáng nghĩa là gương không dính bụi, không bị ngăn che, là tượng trưng cho tánh vô phú vô ký của thức A lại da, nhận chứa tất cả các chủng tử mà không phân biệt tốt xấu, thiện ác hay nhiễm tịnh.

Suy lường, chấp trước và phân biệt giữa ta và người, tốt và xấu, yêu và ghét, có và không, lớn và nhỏ, dài và ngắn, nhơ và sạch là những hành tướng của Mạt na thức và Ý thức, là nguyên nhân gây ra phiền não, làm chướng ngại tánh giác khiến chúng sanh cứ mê mờ mà trôi lăn trong biển sanh tử.

Nếu nhân trong A lại da thức chứa nhiều chủng tử thiện thì khi đầy đủ nhân duyên chín mùi thì sẽ chuyển biến và hiện khởi ra quả báo là người hay là trời, còn ngược lại nếu chứa nhiều chủng tử bất thiện thì sẽ hiện khởi ra quả báo trong ba đường ác là súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục. Nhân thiện thì có thể được quả làm người, nhân ác thì có thể bị quả làm súc sanh. Bản thân người và bản thân súc sanh đó không có thiện và cũng không có ác. Cho nên nói A lại da thức trong nhân có thiện có ác mà quả Dị thục thì vô ký.

Tánh chất của Tâm sở biến hành Xúc, Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư thì giống như tánh chất của Tâm vương mà chúng nương vào nên tánh chất Xúc, Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư tương ưng với thức A lại da cũng vô phú vô ký.

Tất cả các chủng tử tốt hoặc xấu đều được gieo vào mảnh đất A lại da trong trạng thái tiềm ẩn. Các chủng tử này được huân tập, chuyển biến, tương sanh, tương duyên, tương diệt liên tục. Sự chuyển biến này xẩy ra liên tục và tức thời, chớp nhoáng và liên tiếp, cái này diệt thì cái kia sanh, tương tức tương tục liên miên bất tận nên nói là Sát Na Sanh Diệt.

Sát Na Sanh Diệt đó ví như một ngọn lửa cháy. Ngọn lửa tưởng như liên tục nhưng thực ra là do sự liên tiếp cháy sáng và chợp tắt của tim đèn khi có sự tiếp xúc giữa mồi lửa, tim đèn và dầu. Mồi lửa này tắt làm phát sinh ngọn lửa kế tiếp và ngọn lửa này lại làm mồi  cho ngọn lửa sau này khi nó tắt đi, ngọn lửa cứ tiếp tục cháy cho đến khi không còn tim đèn  hoặc không còn dầu hay là khi có ngọn gió mạnh thổi tới làm tắt lửa mồi. Sự sanh diệt liên tiếp đó cũng được ví như những khối nước liên tục chuyển động trong dòng thác lũ, khối nước này đổ qua thì có khối nước khác đổ tới, tiếp nối liên tục không ngưng nghỉ, nên nói hằng chuyển như bộc lưu. Nói không thể nào tắm được hai lần trên một dòng sông là có ý nói nước sông luôn lưu chuyển, dòng nước này chẩy qua thì dòng nưóc khác chẩy tới, dòng nước cũ không thể chẩy trở lại nơi mà nó đã chẩy qua.

Sự sanh diệt triền miên đó cũng ví như những đợt sóng dạt dào trên biển cả, cứ đợt sóng này đẩy đợt sóng kia, đợt sóng mới đẩy đợt sóng cũ, sóng cũ diệt thì sóng mới sanh. Gió vọng tưởng thổi sóng dạt dào trên biển cả, các ngọn sóng liên tiếp nhồi lên rồi lặn xuống không ngưng nghỉ, ngọn sóng này diệt thì ngọn sóng mới khởi sanh. Xin lập lại bài kệ của đức Phật nói trong kinh Lăng Già Tâm Ấn:

Ví như sóng biển cả
Đây do gió mạnh thổi
Sóng to vỗ biển rộng
Không có khi đoạn dứt
Biển Tàng thức thường trụ
Gió cảnh giới nổi dậy
Lớp lớp các sóng thức
Ào ạt mà chuyển sanh.

Các chủng tử và hiện hành trong A lại da thức đều được huân tập và chuyển biến một cách tiềm ẩn, âm thầm trở thành vô lượng các chủng loại với đủ mọi tánh chất. Các tánh chất này  gồm cả hữu lậu, vô lậu lẫn vô ký.

Lậu nghĩa là rỉ chẩy, rơi rớt như thùng nước bị lủng, như nhà bị dột. Hữu Lậu có nghĩa tâm bị phiền não và các pháp nhiễm ô làm cho phân tán liên tục.

Ngược với pháp hữu lậu là các pháp Vô Lậu thanh tịnh. Khi tu tập các pháp Ba La Mật thì các chủng tử vô lậu được huân tập, tăng trưởng, phát sinh ra hiện hành. Các hiện hành được huân tập trở vào thức A lại da thành các chủng tử vô lậu mới. Tùy theo tánh chất của các chủng tử vô lậu mới này mà chủng tử hữu lậu tiềm ẩn sẵn có nơi tàng thức bị suy thoái và tiêu diệt hoặc các chủng tử vô lậu sẵn có trong đó được tăng trưởng và phát sanh thêm. Nếu tiếp tục huân tập các pháp vô lậu thanh tịnh tới một lúc mà tất cả các chủng tử và hiện hành hữu lậu hoàn toàn bị triệt tiêu thì lúc đó hành giả đã đạt được quả vị A la hán nếu là hàng Thanh văn, tu theo Tiểu thừa; còn nếu tu theo Đại thừa thì đó là bậc Bồ tát đệ bát địa.

Ở quả vị này tàng thức chỉ chứa toàn các chủng tử vô lậu. Các hạt giống hữu lậu của phiền não, nghiệp báo luân hồi sanh tử không còn nữa, A lại da thức chuyển đổi thành Bạch tịnh thức. Bạch tịnh thức còn được gọi là vô cấu thức. Khi này thức thứ tám không còn được gọi là thức A lại da nữa vì không còn chứa các chủng tử hữu lậu nên bài tụng nói A la hán vị xả.  Xả tức là xả hết các hữu lậu chứ không phải là không còn thức A lại da nữa. Thức A lại da lúc này được gọi là Bạch tịnh thức hay là Vô cấu thức. Tùy theo tính chất nhiễm hay tịnh mà thức này có các tên gọi khác nhau chứ không phải là thức này đoạn diệt và thức khác sanh vì nếu đoạn diệt thì không thể nào duy trì sự tiếp nối của căn thân, thế giới và các hành tướng của nghiệp được.

Tuy nói là tới địa vị A la hán thì các chủng tử hữu lậu làm chướng ngại chân tâm bị hủy diệt nhưng thật ra hãy còn những chủng tử hữu lậu vi tế câu sanh nằm tiềm ẩn trong thức thứ tám này. Chỉ khi nào các vị A la hán hồi đầu theo đại thừa và các vị Bồ tát đệ bát địa tiếp tục tiến tu pháp tối thắng vô phân biệt trí, được gọi là Thắng Pháp Không Quán, vượt khỏi bậc Bồ tát Thập địa đến bậc Đẳng Giác, khởi Kim Cang Dụ Định đạt được tới Phật Quả thì thức thứ tám này mới gột rửa được tất cả các vô lậu thậm thâm vi tế và chuyển thành Đai Viên Cảnh Trí. Quả vị này là Quả Vị Chuyển Y khi thức chuyển thành trí, là quả vị mà thức đã chuyển trở lại được với cái thể thanh tịnh của Chân Tâm, ví như mặt gương sáng chiếu soi vạn tượng một cách chân thật như thị bất khả tư nghì.

Khi còn giữ các chủng tử hữu lậu thì thức  A lại da chỉ tương ưng với năm món tâm sở biến hành mà thôi. Khi ấy A lại da thức không tương ưng với 5 món Tâm sở biệt cảnh Dục, Thắng giải, Niệm, Định, Huệ vì Dục chỉ mong muốn những việc của nó muốn còn A lại da thức thì không mong muốn; Thắng giải thì rành rẽ những việc đã quyết định còn A lại da thức thì chỉ là nơi chứa đựng, dung nạp chứ không phải là nơi quyết định; Niệm thì nhớ lại những việc đã qua còn thứ A lại da thì chỉ chứa nhóm thôi chứ không ghi nhớ; Định thì khiến cho Tâm chuyên chú vào một cảnh còn A lại da thức thì sát na sanh diệt tương tục không chuyên vào cảnh nào cả; Huệ thì biết rốt ráo mọi việc còn thức A lại da thì không phân biệt chọn lựa bất cứ việc gì.

Thức A lại da thì trong nhơn có thiện có ác mà quả thì dị thục vô ký nên cũng không tương ưng với 11 món Thiện tâm sở cùng 6 món Căn bản phiền não và 20 món Tùy phiền não. Còn 4 món Bất định tâm sở Hối, Miên, Tầm và Tứ thì lại gián đoạn nên cũng không tương ưng với A lại da thức.

Khi chuyển thức thành trí thì nó tương ưng với 21 món tâm sở gồm 5 món biến hành, 5 món biệt cảnh và 11 món thiện. Để ôn tập, các món này được liệt kê như sau:
5 món biến hành: Xúc, Tác Ý, Thọ, Tưởng, Tư.
5 món biệt cảnh: Dục, Thắng Giải, Niệm, Định, Huệ.
11 món thiện: Tín, Tàm, Quý, Vô tham, Vô sân, Vô si, Tinh tấn, Khinh an, Bất phóng dật, Hành xả, Bất hại.

Ngài Hộ Pháp Bồ tát viết trong Thành Duy Thức Luận như sau:

Ở địa vị vô lậu, A lại da thức nhiếp thuộc thiện tánh, tương ưng với 21 tâm sở là 5 món biến hành, 5 món biệt cảnh và 11 món thiện vì:
thường tương ưng với nhất thiết tâm, tức là đi cùng với tất cả mọi tâm thức (Biến hành)
thường ưa chứng tri cảnh sở quán, tức muốn biết tất cả các đối tượng (Dục)
thường ẩn nhập kiên trì nơi cảnh sở quán, tức biết rõ các đối tượng (Thắng giải)
thường nhớ rõ cảnh đã trải qua (Niệm)
không lúc nào không có định tâm (Định)
thường quyết trạch hết thẩy pháp, hiểu rõ các pháp (Huệ)
có lòng tin cực tịnh nên tương ưng 11 thiện pháp.

Vì không ô nhiễm nên không tương ưng các món căn bản và tùy phiền não. Vì không quyết định và hành động nên không tương ưng với các món tâm sở bất định hối, miên, tầm và tứ.
Chỉ tương ưng với xả thọ vì hành tướng của nó thuần trực giác và tiềm ẩn. Ở địa vị này A lại da thức chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí và lấy tất cả pháp làm cảnh sở duyên.

Nếu phân chia ra thì có vô lượng pháp môn để tu trì trên tiến trình đưa đến cảnh giới Chân Như nhưng tất cả các pháp đó đều nằm trong ba pháp căn bản là Giới, Định và Huệ. Thí dụ như Lục Độ Vạn Hạnh gồm Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí huệ mà bố thí, trì giới, nhẫn nhục và tinh tiến đều nằm trong Giới.

Khi hành giả tu hành đến mức độ mình luôn luôn sống với giới luật thì đâu còn giới gì mà trì. Mà nếu không có giới để trì thì làm gì có người trì giới vì trì giới là việc luôn luôn và lúc nào cũng làm cả rồi thì danh từ trì giới đâu có lý do hiện hữu, trì giới được nói đến vì có sự phạm giới mà đã luôn luôn sống trong giới luật thì làm gì có sự phạm giới.

Cũng vậy khi hành giả sống hoàn toàn trong cảnh giới bố thí, thấy người đau khổ thì bố thí, cần ăn cho ăn, cần uống cho uống, cần thuốc cho thuốc, cần lời an ủi cho lời an ủi, cần pháp cho pháp. Bố thí cho đến không người bố thí và cũng không có kẻ được bố thí. Bố thí như vậy thì làm sao các ác nghiệp khởi lên được. Làm sao các món căn bản phiền não có thể khởi lên được. Chỉ bố thí thôi thì đâu có nghĩ đến lấy gì của ai mà tham nổi lên được, không mong ai làm gì cho mình nên sân cũng không nổi lên được, chỉ bố thí mà không nghĩ đến của bố thí, người nhận bố thí và người bố thí thì làm sao kiêu, mạn và ác kiến nổi lên được. Và khi đã bố thí như vậy thì hành giả đã là người có tín tâm vô lượng vô biên thì làm sao nói hành giả đó còn si mê cho được. Chỉ bố thí, bố thí và bố thí thì làm sao hổ thẹn với mình, làm gì có việc gì xấu phải che dấu người, làm gì có các món Vô tàm và Vô quý là các món trung tùy thuộc Tùy phiền não. Cho đến mười món tiểu tùy trong Tùy phiền não như là phẫn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, siễm, hại, kiêu cũng không thể tương ưng được.

Tương tự như vậy khi hành giả luôn luôn có chánh niệm trong khi ăn, uống, đi, đứng, nằm, ngồi tức là luôn luôn sống trong cảnh giới chân thật (tức là có định và tuệ) thì tám món đại tùy trong Tùy phiền não như trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri và bốn món Tâm sở bất định như hối, miên, tầm, tứ làm sao mà hiện hữu được. Và dĩ nhiên luôn luôn tương ưng với mười một món thiện là tín, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si, tinh tấn, khinh an, bất phóng dật, hành xả và bất hại.

Vì vô minh nên khởi vọng niệm. Vì có vọng niệm nên phát sinh kiến phần và tướng phần. Các kiến phần và tướng phần luân phiên huân tập thành chủng tử và hiện hành. Các chủng tử và hiện hành trùng trùng duyên khởi, tương sanh tương duyên tạo nên nghiệp nhân và đến khi chín mùi thì chuyển hiện thành nghiệp quả, là căn thân mới trong một quốc độ mới. Cùng cộng nghiệp thì chúng sanh có chung loài thọ mạng và sống chung trong cùng một quốc độ.

Cùng cộng nghiệp, cùng loại thọ mạng và cùng sống chung trong một quốc độ mà mỗi chúng sanh lại có một cuộc sống tâm linh và vật chất khác biệt nhau vì mỗi chúng sanh đều có những nghiệp riêng gọi là biệt nghiệp. Vì những biệt nghiệp này mà mỗi chúng sanh có những quả báo khác nhau. Ví dụ cùng thọ mạng làm người chẳng hạn, con người có những nghiệp báo khác nhau nên có những môi trường sinh sống, những suy nghĩ, những tin tưởng, những mục đích, những lý tưởng, những lựa chọn và những hành động khác nhau. Chính vì những khác biệt về tâm ly, sinh và vật lý đó mà đức Thế Tôn đã phải tùy theo trình độ, căn cơ của mỗi hạng người mà phương tiện chỉ bày ra những pháp môn phù hợp hầu nâng tâm thức của chúng ta lên để có thể từ từ hội nhập được vào tri kiến của Phật.

Người thượng căn thì ngay đó giác ngộ được chân tâm, người trung căn và hạ căn thì phải thứ lớp tiệm tu. Tu trì thì có mau có chậm nhưng khi giác ngộ được chân tánh thì đồng một thể chân như. Hãy nghe tổ Hoàng Bá nói trong Truyền Tâm Pháp Yếu:

Phật cùng chúng sanh một tâm không khác. Tỷ như hư không, không tạp loạn, không hư hoại. Như vầng nhật lớn chiếu khắp thiên hạ; khi mặt trời lên, chiếu sáng khắp nơi, hư không chưa từng sáng. Lúc mặt trời lặn, u tối khắp nơi, hư không chưa từng tối. Cảnh sáng tối tự tranh nhau, còn tính của hư không thì rỗng rang không thay đổi. Tâm của Phật và tâm của chúng sanh cũng như vậy. Nếu quán Phật mà thấy cái tướng thanh tịnh, quang minh, giải thoát và nếu quán chúng sanh mà thấy cái tướng ô nhiễm, ám muội, sanh tử thì với kiến giải như thế, trải qua hằng hà sa số kiếp vẫn không đạt được chứng quả Bồ đề. Đấy là vì chấp sắc tướng vậy.
Chỉ có tâm này thôi, ngoài ra không có một chút mảy may pháp gì có thể đạt được. Tức Tâm là Phật.
Tâm đó là tâm vô tâm. Xa rời mọi tướng, chúng sanh và chư Phật đều không khác. Chỉ cần được vô tâm thời đấy là cứu cánh. Người học Đạo nếu không ngay đó mà được cái vô tâm thì tu hành kiếp kiếp, rốt cũng không thành Đạo, bị công hạnh tu tập của tam thừa trói buộc không thể giải thoát được.
Chứng được tâm này thì có mau có chậm. Có kẻ mới nghe pháp liền được vô tâm. Có kẻ đến thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng mới được vô tâm. Lại có kẻ đến hàng thập địa mới được vô tâm. Dù mau dù chậm, hễ cứ được vô tâm là an trụ ở đó chứ chẳng còn gì để tu, để chứng nữa. Thật chẳng có gì sở đắc. Sự thực như vậy, quả không hư dối.

Trong kinh Lăng Nghiêm có nói đến 57 thứ lớp mà hành giả phải trải qua. từ Càn Huệ Địa tiến dần lên đến các quả vị Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Tứ Gia Hạnh, rồi đến mười hai quả vị sau cùng là Thập Địa, Đẳng Giác và Diệu Giác. Có nơi chỉ liệt kê 52 quả vị vì không nhắc địa vị đầu tiên là Càn Huệ Địa và bốn thứ gia hạnh..

Không bắt buộc phải theo các thứ lớp đó mới đến quả vị sau cùng là Diệu Giác, một vị bồ tát ở bất cứ địa vị nào cũng có thể ngay đó bừng nở Tâm thức và ngộ nhập được quả vị viên mãn sau cùng, thấy được Thật Tánh Chân Như, thấy được cái Như Huyễn Tam Muội, thấy được cái Chân Minh Diệu Không. Nơi đó không có người tu và pháp tu, không có Phật và chúng sanh, không có người đắc và pháp để đắc. Tất cả như hòa vào một, một là tất cả và tất cả là một. Pháp giới trùng trùng điệp điệp hiện ra trên đầu một sợi tóc, một sợi tóc bao trùm cả tam thiên đại thiên thế giới. Tất cả đều từ cái Chân không Diệu Hữu, tức Thể Tánh Chân Như, tức Biển Tỳ Lô Tánh Hải, tức Biển Diệu Tâm bất khả tư nghì chuyển biến ra.

Còn tu tập theo thứ lớp thông thường thì mười quả vị sau cùng của hàng Thập Địa Bồ Tát trước khi đến quả vị Đẳng Giác và Diệu Giác là: Hoan Hỷ Địa, Ly Cấu Địa, Phát Quang Địa, Diệm Huệ Địa, Cực Nan Thắng Địa, Hiện Tiền Địa, Viễn Hành Địa, Bất Động Địa, Thiện Huệ Địa và Pháp Vân Địa.

Hàng bồ tát khi đến đệ bát địa thì không còn hai món phiền não chướng và sở tri chướng nữa; các việc làm đã dứt, không còn hiện khởi tâm thế gian nữa, ngay cả tâm Phật, tâm Bồ tát và tâm Niết bàn cũng không hiện khởi vì là bậc Xuất Thế Gian Vô Sở Đắc Trí. Quả vị này gọi là Bất Động Địa tương đương với quả vị A la hán của hàng Thanh văn.

Khi đến bậc này thức thứ tám xả cái tên A lại da thức vì không còn phiền não vô minh che lấp, không có các chủng tử hữu lậu để huân tập nữa. Không còn vật để chứa thì đâu cần kho để chấp chứa nên các tên gọi là kho chứa, là tàng thức hay là a lại da thức không còn tồn tại nữa, khi ấy A lại da thức chuyển thành Bạch Tịnh Thức hay là Vô Cấu Thức.

Trong Bách Pháp Quy Củ Tụng có kệ rằng:

Bất động địa tiền tài xả tạng
Kim cang đạo hậu Dị thục không
Đại viên vô cấu đồng thời phát
Phổ chiếu thập phương trần sát trung.

Dịch là:

Đến Bất động địa bỏ tên Tàng
Chứng Kim cang đạo, không Dị thục
Gương trí không nhơ đồng thời phát
Khắp chiếu mười phương vô số cõi.

Có nghĩa là khi đến đệ bát địa thì thức thứ tám không còn có tên là Tàng thức hay A lại da thức nữa mà chỉ gọi là Dị thục thức. Khi đến địa vị Đẳng Giác tức là chứng được Kim Cang Đạo thì tên Dị thục cũng không còn nữa vì không còn câu sanh pháp chấp và không còn cảm thọ về sanh tử nên không còn nhận nghiệp quả dị thục nữa. Khi ấy các chủng tử vô lậu, cấu nhiễm đã hết, thức này chuyển thành trí thanh tịnh chiếu khắp mười phương các cõi nhiều như vi trần nên gọi là Đại Viên Cảnh Trí. Lúc này vị Bồ tát có thể tùy duyên hóa hiện khắp pháp giới hoằng pháp hóa độ chúng sanh.


Âm lịch

Ảnh đẹp