DUY THỨC TAM THẬP TỤNG LƯỢC GIẢI


Thích Trí Châu Thanh Lương Thiền Thất - Phật Lịch 2549, 2005
22/08/2011 10:07 (GMT+7)
Số lượt xem: 210246
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

CHƯƠNG VII
SẮC PHÁP VÀ TIỀN LỤC THỨC

 

BÀI TỤNG THỨ MƯỜI LĂM

Y chỉ căn bản thức
Ngũ thức tùy duyên hiện
Hoặc câu hoặc bất câu
Như đào ba y thủy.

Dịch là:

Nương nơi thức căn bản
Năm thức hiện theo duyên
Hoặc cùng hoặc chẳng cùng
Như sóng nương nơi nước.

Căn bản thức tức là thức A lại da được ví như mảnh đất chứa đựng tất cả mọi loại hạt giống, trong đó gồm có cả hạt giống của các thức khác. Không có pháp nào hiện khởi được nếu không có hạt giống chủng tử gieo trồng nơi mảnh đất A lại da thức. Sở dĩ có ngũ thức là vì trong A lại da thức có các hạt giống thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc giác. Các hạt giống này khi đủ duyên thì chín mùi chuyển hiện ra ngũ căn và ngũ thức.

Thân người là chánh báo, cảnh giới bên ngoài là y báo. Y báo và chánh báo là những pháp có thể hình dung ra và cảm thấy được nên được xếp vào các loại pháp có sắc tướng gọi là Sắc Pháp. Sắc pháp bao gồm cả hình tướng, mầu sắc, âm thanh, hương, vị và cảm giác. Sắc pháp có 11 món gồm 5 căn và 6 trần.

Năm căn là: Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt và Thân căn. Sáu trần là: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc và Pháp.

Nhãn căn sanh ra là do hai thứ sáng tối đối đãi với nhau mà phát sinh ra cái thấy. Cái thấy muốn thấy được là phải nương vào bộ phận hay cơ quan nào đó có khả năng tiếp nhận cảnh giới bên ngoài. Do đó mà chủng tử con mắt được cấu kết lại trong A lại da thức mà chuyển hiện ra con mắt. Con mắt này do tứ đại thanh tịnh gồm đất, nước, gió và lửa làm thành. Tứ đại thanh tịnh được cái thấy huân tập, kết cấu lại làm thành con mắt này có hình như trái bồ đào.

Sở dĩ nói tứ đại thanh tịnh vì tứ đại này không thô thiển như đất, nước, gió và lửa mà ta thường nhận biết. Tứ đại này là tứ đại nhu nhuyễn, đã cấu tạo nên căn thân chánh báo này.

Tương tự như vậy, nhĩ căn được kết cấu lại do sự động và tĩnh đối đãi với nhau mà phát sinh cái nghe. Cái nghe này chuyển hiện thành sắc tướng. Sắc tướng này do tứ đại thanh tịnh được huân tập, cuộn lại thành cái tai có hình như lá sen non.

Tương tự như vậy, cái ngửi phát sinh do sự thông bít đối đãi nhau mà chuyển hiện thành cái mũi tức tỷ căn, có hình như hai ngón tay rũ xuống.

Cũng vậy, hai thứ nhạt và có vị đối đãi nhau mà phát sinh cái nếm, rồi chuyển hiện thành cái lưỡi tức thiệt căn, hình thể như mặt trăng mới khuyết.

Hai thứ ly và hợp đối đãi nhau mà phát sinh cái xúc chạm rồi chuyển hiện thành sắc tướng của thân căn, có hình như trống cơm.

Tất cả ngũ căn đó nguồn gốc đều do tứ đại thanh tịnh cấu kết và hiện ra bên ngoài nên gọi là Phù trần căn. Các căn phù trần này luôn luôn rong ruổi chạy theo Sắc, Thanh, Hương, Vị và Xúc rồi đưa các dữ kiện nhận được lên bộ óc qua trung gian các giây thần kinh. Bộ óc và các giây thần kinh đó gọi là tịnh sắc căn vì chúng nằm ẩn trong thân.

Nếu chỉ đơn độc các căn làm việc riêng rẽ thì các cảnh giới ghi nhận chỉ đơn thuần là những cảm nhận thôi chứ không thể biết chúng là gì, hình ảnh mầu sắc ra sao; các tiếng động phát ra như thế nào, dễ chịu hay không dễ chịu; hương vị ra sao, thơm hay thối, ngọt bùi hay cay đắng; hình dáng ra sao, lớn hay nhỏ, vuông hay tròn, cứng hay mềm, trơn láng hay sần sùi.

Mắt chỉ thấy các hình ảnh, mầu sắc thay đổi mà không biết đó là mầu xanh của mặt hồ phẳng lặng, là chuyển động của những làn sóng bạc đầu, là những ngọn núi nhọn cao vút hay là những cánh đồng thấp hoang vắng, là những mái chùa cong đỏ hay là những nóc nhà bằng phẳng xám xịt của khu phố chợ, là thành Càn Thát Bà xa mờ ngoài biển khơi hay là ánh dương diệm nơi sa mạc nóng cháy.

Tai chỉ phân biệt có tiếng động hay không có tiếng động mà không biết đó là tiếng kèn hay tiếng trống, tiếng gõ mõ tụng kinh hay tiếng lên đồng lên bóng, tiếng thuyết pháp của bậc thiện tri thức hay là lời phỉnh gạt của tà ma ngoại đạo, tiếng chuông chùa ban mai hay tiếng gà gáy buổi sáng, tiếng sóng biển ì ầm hay tiếng vọng về từ rừng sâu núi thẳm, tiếng nổ của bom đạn pháo kích trong thời chiến tranh hay là tiếng sấm chớp vang rền trên trời.

Mũi chỉ phân biệt có mùi hay không có mùi chứ không biết đó là mùi thơm dịu của hoa sen hay mùi hôi sình của bùn lầy, là mùi thanh tịnh của trầm hương hay mùi ô uế của rác rến, mùi thơm của phấn hoa hay mùi hôi của hành tỏi, mùi khét của củi cháy hay mùi ô nhiễm của dầu xe.

Lưỡi chỉ phân biệt có vị hay không có vị chứ không biết đó là vị ngọt của đường phèn hay vị đắng của thuốc, là vị ngon của đề hồ hay vị nhạt nhẽo của cơm dư cháo thừa.

Thân chỉ biết có đụng chạm hay không có đụng chạm chứ không phân biệt được đó là sự mềm mại của nhung lụa hay là sự ve vuốt của đôi bàn tay dịu dàng, không biết đó là cái trơn của mặt gỗ bóng láng hay là cái nhám của những tảng đá sần sùi, không biết cái nóng là do mặt trời hay do bếp lửa, không biết được cảm giác đói khát là do lâu ngày không ăn uống hay là sự thèm khát khi thấy những vật ngon của lạ.

Sở dĩ biết được các đối tượng trần cảnh Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc là vì có các dây thần kinh chuyển những dữ kiện nhận được từ phù trần căn ở bên ngoài vào trung tâm thần kinh dọc theo đường xương sống dẫn vào não bộ tịnh sắc căn bên trong, rồi tác động lên các thức tương ưng như nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân thức.

Ý  thức lấy các dữ kiện của ngũ thức phối hợp lại rồi so sánh với các dữ kiện trong A lại da thức do Mạt na thức chuyển ra mà biết được toàn thể tánh chất của đối tượng nhận thức là gì. Đối tượng nhận thức này gọi là pháp trần.

Khi mà các đối tượng trần cảnh không còn đối diện Ngũ căn nữa mà Ý thức nhớ lại được hình ảnh đã nhận thức thì hình ảnh này được gọi là lạc tạ ảnh tử tức là cái bóng bị rớt lại mà Duy thức xếp loại là độc ảnh cảnh, cảnh duy nhất chỉ còn ghi lại trong trí nhớ.

Các hình ảnh hiện ra sai khác khi tâm thức bị tán loạn do sự hốt hoảng hay quá sợ hãi hoặc quá mong cầu như hình ảnh sóng nắng mà tưởng là ao hồ, sợi dây gai tưởng là con rắn được gọi là Độc Ảnh Cảnh vì là hình ảnh tưởng tượng trong tâm thức mà lầm nhận là đối tượng trần cảnh ở ngoài.

Các hình ảnh thật nhỏ nhiệm như vi trần được gọi là cực lược sắc, xa xôi mờ mờ ảo ảo được gọi là cực hánh sắc.

Ngoài ra còn có định quả sắc và vô biểu sắc.

Định quả sắc là hình ảnh hiện ra trong khi thiền định tỷ như ngài Nguyệt Quang đồng tử quán nước trong kinh Lăng Nghiêm. Ngài quán tánh nước trong thân không ngăn ngại lẫn nhau, từ nước bọt cho đến tất cả các thứ tân dịch như tinh huyết, đại tiện, tiểu tiện, xoay vần trong thân đều là tánh nước. Quán thấy các nước trong thân và trong các Hương Hải Thủy đều bình đẳng như nhau không sai khác. Ngài quán đến nỗi một đệ tử ở ngoài cửa sổ nhìn vào chỉ thấy đầy nước ở trong thất. Đệ tử này còn nhỏ dại không biết gì bèn lấy một miếng ngói thẩy vào cho phát ra tiếng. Sau khi xuất định ngài Nguyệt Quang thấy đau nhói trong tâm. Ta hãy nghe ngài kể sự việc tiếp sau đó cho đức Thế Tôn: Con tự suy nghĩ nay mình đã được đạo A La Hán, từ lâu không còn nhân duyên mắc bệnh được nữa, làm sao ngày hôm nay lại thấy đau trong tâm, không lẽ bị thối thất chăng. Khi ấy đệ tử của con đi đến kể lại cho con những việc như trước, con bảo nó sau này nếu thấy nước thì nên mở cửa vào phòng lấy miếng ngói trong nước ấy đi. Đệ tử vâng lời con bảo. Sau khi con nhập định, nó lại thấy nước và miếng ngói rõ ràng, nó liền mở cửa lấy miếng ngói bỏ ra ngoài. Sau khi xuất định thân thể con được trở lại như cũ.

Vô biểu sắc là một thứ sắc thể không biểu hiện ra ngoài của giới thể có công năng bảo vệ cho các tu sĩ khi đã thọ giới, phòng ngừa sự sai trái của thân và khẩu. Người thọ giới phát nguyện từ nay về sau quyết không phạm các điều tội ác, từ đó niệm niệm lúc nào cũng đều ngăn chặn không cho phạm tội ác ví như bờ đê ngăn chặn không cho nước tràn vào ruộng vườn.

Năm thức này dù nương theo A lại da thức nhưng không phải lúc nào cũng hiện khởi được. Muốn hiện khởi phải hội đủ các yếu tố nhân duyên, nên bài tụng nói Ngũ thức tùy duyên hiện.

Nhãn thức muốn hiện khởi là phải hội đủ 9 duyên. Đầu tiên phải có mắt tức nhãn căn, phải có cảnh để nhìn, cảnh muốn được mắt nhìn thấy thì phải có khoảng cách tức hư không, phải có ánh sáng và sự tác ý. Ngoài ra phải có ý thức để phân biệt đó là cảnh gì, xấu hay đẹp, mầu sắc ra sao. Nhãn thức phải nương vào Nhãn căn là sự chuyển hiện dị thục của chủng tử thấy đã được huân tập chín mùi nơi a lại da thức và mạt na thức.

Tóm lại nhãn thức muốn được hiện khởi là phải có đủ 9 Duyên là: Căn, Cảnh, Hư không, Ánh sáng, Tác Ý, Phân biệt ý tức Ý thức, Nhiễm ô ý tức Mạt na thức, Căn bản ý tức A lại da thức và Chủng tử.

Nhĩ thức phải hội đủ 8 Duyên vì không cần Ánh sáng.

Ba thức  Tỷ, thiệt và thân thức chỉ cần 7 Duyên vì không cần 2 duyên Hư không và Ánh sáng.

Ý thức chỉ cần 5 Duyên: Căn tức Mạt na thức, Cảnh, Tác Ý, Căn bản ý tức là A lại da thức và Chủng tử vì không cần  2 duyên là Hư không và Ánh sáng. Sở dĩ bỏ 2 duyên mà còn 5 duyên vì Ý thức tự nó là Phân biệt ý rồi nên không tính, Mạt na thức là căn của Ý thức nên cũng không tính. 9 duyên mà không tính 4 duyên hư không, ánh sáng, mạt na thức và phân biệt thức thì còn lại 5 duyên.

Mạt na thức cần có 3 Duyên là A lại da thức, Tác ý và Chủng tử. Ở đây A lại da thức vừa là Căn vừa là Cảnh của Mạt na thức vì Mạt na thức luôn nương nơi A lại da thức và lấy A lại da thức làm cảnh đối tượng sở duyên, mạt na thức không cần ý thức vẫn hiện khởi được vì nó là căn của ý thức.

A lại da thức thì luôn hiện khởi.

Trong tám thức trên, A lại da thức và Mạt na thức thường hiện khởi và có khả năng dẫn dắt quả báo đời sau nên gọi xếp loại là hằng hành. A lại da thức ví như cái kho chứa đủ mọi hạt giống. Tất cả mọi hạt giống chủng tử và hiện hành đều được chứa vào trong đó mà không phân biệt là tốt hay là xấu. Tùy theo sự chiếu soi, so đo và chấp trước của Mạt na thức mà các hạt giống đó sanh diệt, tăng trưởng và chuyển biến. Sự chiếu soi và chấp trước của Mạt na thức làm cho A lại da thức càng ngày càng nhiễm ô nên mạt na thức còn được gọi là thức nhiễm ô hằng hành.

Sáu thức trước thì tùy theo duyên, khi thì hiện khởi, khi thì không hiện khởi, khi thì chung, khi thì riêng nên được xếp loại là bất hằng hành.

Trong bài tụng bồ tát Thế Thân viết Hoặc câu hoặc bất câu là ý muốn nói cái tánh chất bất hằng hành này, khi thì hiện khởi, khi thì không hiện khởi, tùy theo có hội đủ các duyên cần thiết hay không. Thức nào đòi hỏi nhiều điều kiện duyên cần thiết để hiện khởi thì càng khó sanh khởi. Do đó mà Tiền Ngũ thức sanh khởi thì ít và không sanh khởi thì nhiều. Khi đủ duyên sanh khởi thì hoặc các thức này có thể sanh khởi riêng rẽ hoặc là cùng sanh khởi, cho nên nói hoặc cùng hoặc chẳng cùng.

Thí dụ hằng ngày ta vẫn lái xe ngang qua một vườn hoa nhưng nếu không để ý thì ta cũng không biết được con đường mình hằng đi qua đó có một vườn hoa tuyệt đẹp. Chỉ cần thiếu một duyên là Tác Ý thì nhãn thức không nhận biết được cái vườn hoa này, mặc dù nó nằm sờ sờ ra đó. Nếu để ý thì ta thấy quả là một vườn hoa hồng tuyệt đẹp. Và hôm nào đẹp trời và có gió thổi hiu hiu thì ta còn ngửi được mùi thơm của muôn hoa hòa với tiếng chim hót gần đó. Trong thí dụ này thì có sự hiện khởi của nhãn thức với cảnh đẹp của bầu trời và vườn hoa, có sự hiện khởi của thân thức với cảm giác gió hiu hiu thổi, có sự hiện khởi của tỷ thức và nhĩ thức với mùi thơm của muôn hoa và tiếng chim hót, hẳn đã nói rõ sự hiện khởi và không hiện khởi, sự đồng thời và không đồng thời hiện khởi của năm chuyển thức trước.

Tất cả những hiện khởi của năm thức nương nơi A lại da thức cũng ví như sóng nương nơi nước, do theo duyên có gió nhiều ít mà nổi lên ào ạt hay nhẹ nhàng nên bài tụng nói Như đào ba y thủy.

Thức thứ sáu tức Ý thức vì đòi hỏi ít duyên nên luôn luôn hiện khởi trừ khi sanh ở Vô Tưởng Thiên của cõi Sắc, khi nhập Vô Tưởng Định hay Diệt Thọ Tưởng Định, khi ngủ say mà không mộng mị hay khi bị chết ngất. Dưới đây là bài tụng thứ mười sáu trong Tam Thập Tụng của bồ tát Thế Thân.

BÀI TỤNG THỨ MƯỜI SÁU

Ý thức thường hiện khởi
Trừ sanh Vô Tưởng thiên
Cập Vô Tâm nhị định
Thùy miên dữ muộn tuyệt.

Dịch là:

Ý thức thường hiện khởi
Trừ sanh trời Vô Tưởng
Và hai định Vô Tâm
Ngủ say và chết ngất.

Năm trường hợp mà Ý thức không hiện khởi là Sanh cõi trời Vô Tưởng, nhập hai định Vô Tâm là Vô Tưởng Định và Diệt Tận Định (hay là Diệt thọ tưởng định), Ngủ Say không mộng mị và Chết Ngất.

Cõi trời Vô tưởng là cõi trời ở đó mọi tư tưởng đều đã được diệt. Người tu định lấy sự hủy diệt tư tưởng làm chính thì sau khi chết sẽ được tái sinh lên cõi trời Vô Tưởng thuộc Sắc Giới. Cõi trời này được đặt tên như vậy vì ở đó các Thức Bất Hằng Hành (sáu thức trước) đều đã đoạn do sự lấy việc diệt tưởng làm chính. Vì thế sáu chuyển thức đều không hiện khởi ở cõi trời Vô tưởng.

Hai định vô tâm gồm có Vô Tưởng Định và Diệt Tận Định.  Hai định này gọi là Định Vô Tâm vì không có sự hiện khởi của sáu thức trước.
Vô tưởng định lấy sự diệt tưởng làm chính.
Diệt tận định là cái định diệt được cả thọ lẫn tưởng còn gọi là Diệt thọ tưởng định.
Ở trong các định này thì sáu thức tâm vương và tâm sở  đều không hiện khởi.
Thùy miên và muộn tuyệt là trạng thái ngủ say và ngất sỉu (chết ngất) quá trầm trọng khiến sáu thức trước không còn hoạt động được nữa. Đó là trạng thái ngủ quá mê mệt không có một chút mộng mị gì cả mà ta thường nói ngủ say như chết và trạng thái đau đớn hoặc bị kích động quá trầm trọng khiến sáu thức trước không thể hoạt động phối hợp với thân được nữa như trường hợp bị tai nạn đau đớn quá sức, cười hoặc khóc quá độ, bị cảm sốt nặng, vân vân,...

Cả ba thức năng biến A Lại Da thức, Mạt Na Thức và Tiền Lục Thức cùng các Tâm Sở của các thức đó đều là chuyển biến của Chân Tâm. Vì vô minh chấp trước nên Chân Tâm chuyển biến thành Tâm Thức và phân ra thành Kiến phần và Tướng phần.

Kiến phần là Năng phân biệt vì nó nhận ra Tướng phần. Tướng phần là Sở phân biệt vì nó là đối tượng của Kiến phần. Ngoài Kiến phần và Tướng phần thì không có gì hiện hữu. Cả Kiến phần lẫn Tướng phần đều không có thật vì chỉ là chuyển biến của Tâm thức mà thôi.

Bồ tát Thế Thân đã diễn tả ý trên trong bài tụng thứ mười bẩy trong Duy Thức Tam Thập Tụng:

BÀI TỤNG THỨ MƯỜI BẨY

Thị chư thức chuyển biến
Phân biệt, sở phân biệt
Do thử, bỉ giai vô
Cố nhất thiết Duy Thức.

Dịch là:

Tất cả thức chuyển biến
Phân biệt, bị phân biệt
Do kia, đây đều không
Nên tất cả Duy Thức.

Chân Tâm bị chiếu soi chuyển biến thành Kiến phần và Tướng phần. Các thức Tâm Vương và Tâm Sở đều là chuyển biến của Kiến phần và Tướng phần. Các thức Tâm Vương và Tâm Sở tiếp tục chuyển biến, cứ hết phân biệt rồi lại bị phân biệt, trùng trùng duyên khởi mà chuyển hiện thành Ngã và Pháp.

Tất cả những phân biệt và bị phân biệt đó đều là không vì đều là sự chuyển hiện nơi tâm thức. Các pháp đều do tâm mà biến hiện ra, nhất thiết pháp duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Không có gì hiện hữu ngoài tâm thức nên nói tất cả đều duy thức. Trong kinh thường nói là tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức cũng là ý nghĩa của câu Cố nhất thiết duy thức.

Hãy nghe Bồ tát Hạnh Lâm thừa oai đức của Phật nói kệ tại hội Hoa Nghiêm:

Tâm như nhà họa sư
Hay vẽ những thế gian
Ngũ uẩn từ tâm sanh
Không pháp gì chẳng tạo
....................
Nếu người muốn rõ biết
Tất cả Phật ba đời
Phải quán pháp giới tánh
Tất cả Duy Tâm Tạo.

Tất cả các pháp bao gồm thân tâm và thế giới đều từ tâm sanh. Không gì là không do tâm tạo ra nên các pháp được ví như những hình ảnh do nhà họa sư vẽ ra. Tất cả đều là huyễn, đều không thật. Nếu như muốn biết tánh chân thật, không sanh, không diệt, vượt ngoài không gian và thời gian thì phải luôn luôn quán tất cả các pháp đều do tâm sanh.

Loài người là biểu hiện của một loại chúng sanh có đầy đủ muôn loại hạt giống tiềm ẩn sẵn sàng để phát triển, có một khả năng nhận biết và có thể quyết định điều muốn làm và không muốn làm. Con người đã biểu hiện được cái lý Duy Thức, cái lý Nhất Thiết Pháp Duy Tâm Tạo, một cách cụ thể.

Bởi sự mong muốn tìm hiểu và chế ngự thiên nhiên mà con người đã tiến bộ từ một đời sống man khai, bộ lạc đến một đời sống khoa học tân tiến ngay nay. Với sự quyết tâm và mong muốn, con người đã một phần chế ngự được thiên nhiên, đã chế tạo những phương tiện chuyên chở cực kỳ mau chóng từ nưóc này sang nước khác, từ đại lục này sang đại lục khác. Không những thế mà con người còn chế tạo được những vệ tinh thám hiểm không gian, đã đáp xuống Nguyệt cầu; chế tạo được những viễn vọng kính nhìn xa cả triệu triệu năm ánh sánh để thấy được thế giới vũ trụ bao la với hằng tỷ tinh tú và hành tinh, thấy được ngoài dẫy ngân hà này có dẫy ngân hà khác, ngoài vũ trụ này có vũ trụ khác; chế tạo được những kính siêu hiển vi để nghiên cứu những vật chất, những tế bào và những vi khuẩn nhỏ nhiệm vi tế; phát minh ra được hệ thống điện toán cùng mạng lưới thông tin giao lưu khiến lưu trữ được hằng tỷ tỷ dữ kiện, liên lạc và trao đổi tin tức với tất cả các nơi trên thế giới, giữa các vệ tinh ngoài vũ trụ trong không đầy một tích tắc; thấy được những điểm tương đồng cũng như những dị biệt của các chủng loài trong các cõi nước và thế giới khác nhau; thấy được những chuyển động muôn hình vạn trạng cực kỳ mau lẹ mà lại chu biến lưu thông không ngăn ngại của các tinh cầu.

Quả thật những gì Thế Tôn nói khi xưa thật khó hiểu, nay đều đã được kiểm chứng. Chẳng hạn như Thế tôn đã nói trong bát nước có vô lượng chúng sanh, ngày nay ta đã biết trong bát nước có vô số vi khuẩn; Thế tôn nói tất cả tam thiên đại thiên thế giới đều chứa trong một hạt cải thì bây giờ với khả năng vi tính chúng ta có thể chứa cả tỷ tỷ dữ kiện vào trong một con chip nhỏ.

Những sự hiểu biết và phát minh vĩ đại đó chỉ do hướng ngoại tìm cầu. Chỉ hướng ngoại tìm cầu mà đạt được những thành quả như vậy. Thì nếu một người đủ tín tâm xoay ngược vào tự tánh, xuyên qua năm làn mây mờ của ngũ ấm sắc, thọ, tưởng, hành, thức, đi sâu vào biển tâm thức, phá vỡ được những phiền não vô minh có từ vô thủy thì chắc rằng sự đột biến bùng nổ sẽ dẫn tới một cảnh giới mới vô cùng vĩ đại. Một cảnh giới mà không một lời nói và văn tự nào có thể diễn tả được, một cảnh giới phi thời gian và phi không gian, một cảnh giới của vô lượng quang và vô lượng thọ bất khả tư nghì. Đó là cảnh giới vô biên giới, vô ngằn mé và bất sanh bất diệt của Chân Không Diệu Minh, của Chơn Tâm Thường Trú, của Bổn Nguyên Phật Tánh, của Pháp Thân Thanh Tịnh, của Như Lai Tạng Trang Nghiêm,v.v...

Muốn trở về với Chân Tánh Bổn Nguyên Thanh Tịnh thì phải nương vào Thân Xác Thô Kệch này, là hiện tướng của vô lượng những quang minh đã bị lưu ngại cô động lại. Phải dựa vào Năm Giác Quan Thô Phù của nó gồm Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân để quan sát và cảm nhận các cảnh giới Trần Cảnh bên ngoài mà ý thức được rằng các đối tượng trần cảnh này chỉ là cảnh không thật có, không có tự tánh, chỉ nương nhau mà hiện hữu và không thường còn. Phải trở về với kinh điển để học hỏi những điều thâm sâu bất khả tư nghì của bậc Giác Ngộ Toàn Chân Toàn Giác. Thấy rõ các cảnh giới đều do Y Tha Khởi, bởi cái này có nên cái kia có, bởi cái này sinh nên cái kia sinh, bởi cái này không nên cái kia không, bởi cái này diệt nên cái kia diệt. Biết được tất cả đều nương nhau mà giả lập, không thường còn, đều biến chuyển theo luật nhân quả và lý nhân duyên. Nhờ hiểu biết như vậy mà tinh tấn tu trì, giữ gìn giới hạnh, thực hành thiền quán, xa rời những Biến Kế Sở Chấp của chấp ngã và chấp pháp, xa rời những chướng ngại của phiền não và của tri kiến thường tình, trở về được cái Viên Thành Thật tức là cái chân thật bất sinh bất diệt của Bản Tánh Chân Như.

 

BÀI TỤNG THỨ MƯỜI LĂM

Y chỉ căn bản thức
Ngũ thức tùy duyên hiện
Hoặc câu hoặc bất câu
Như đào ba y thủy.

Dịch là:

Nương nơi thức căn bản
Năm thức hiện theo duyên
Hoặc cùng hoặc chẳng cùng
Như sóng nương nơi nước.

Căn bản thức tức là thức A lại da được ví như mảnh đất chứa đựng tất cả mọi loại hạt giống, trong đó gồm có cả hạt giống của các thức khác. Không có pháp nào hiện khởi được nếu không có hạt giống chủng tử gieo trồng nơi mảnh đất A lại da thức. Sở dĩ có ngũ thức là vì trong A lại da thức có các hạt giống thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc giác. Các hạt giống này khi đủ duyên thì chín mùi chuyển hiện ra ngũ căn và ngũ thức.

Thân người là chánh báo, cảnh giới bên ngoài là y báo. Y báo và chánh báo là những pháp có thể hình dung ra và cảm thấy được nên được xếp vào các loại pháp có sắc tướng gọi là Sắc Pháp. Sắc pháp bao gồm cả hình tướng, mầu sắc, âm thanh, hương, vị và cảm giác. Sắc pháp có 11 món gồm 5 căn và 6 trần.

Năm căn là: Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt và Thân căn. Sáu trần là: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc và Pháp.

Nhãn căn sanh ra là do hai thứ sáng tối đối đãi với nhau mà phát sinh ra cái thấy. Cái thấy muốn thấy được là phải nương vào bộ phận hay cơ quan nào đó có khả năng tiếp nhận cảnh giới bên ngoài. Do đó mà chủng tử con mắt được cấu kết lại trong A lại da thức mà chuyển hiện ra con mắt. Con mắt này do tứ đại thanh tịnh gồm đất, nước, gió và lửa làm thành. Tứ đại thanh tịnh được cái thấy huân tập, kết cấu lại làm thành con mắt này có hình như trái bồ đào.

Sở dĩ nói tứ đại thanh tịnh vì tứ đại này không thô thiển như đất, nước, gió và lửa mà ta thường nhận biết. Tứ đại này là tứ đại nhu nhuyễn, đã cấu tạo nên căn thân chánh báo này.

Tương tự như vậy, nhĩ căn được kết cấu lại do sự động và tĩnh đối đãi với nhau mà phát sinh cái nghe. Cái nghe này chuyển hiện thành sắc tướng. Sắc tướng này do tứ đại thanh tịnh được huân tập, cuộn lại thành cái tai có hình như lá sen non.

Tương tự như vậy, cái ngửi phát sinh do sự thông bít đối đãi nhau mà chuyển hiện thành cái mũi tức tỷ căn, có hình như hai ngón tay rũ xuống.

Cũng vậy, hai thứ nhạt và có vị đối đãi nhau mà phát sinh cái nếm, rồi chuyển hiện thành cái lưỡi tức thiệt căn, hình thể như mặt trăng mới khuyết.

Hai thứ ly và hợp đối đãi nhau mà phát sinh cái xúc chạm rồi chuyển hiện thành sắc tướng của thân căn, có hình như trống cơm.

Tất cả ngũ căn đó nguồn gốc đều do tứ đại thanh tịnh cấu kết và hiện ra bên ngoài nên gọi là Phù trần căn. Các căn phù trần này luôn luôn rong ruổi chạy theo Sắc, Thanh, Hương, Vị và Xúc rồi đưa các dữ kiện nhận được lên bộ óc qua trung gian các giây thần kinh. Bộ óc và các giây thần kinh đó gọi là tịnh sắc căn vì chúng nằm ẩn trong thân.

Nếu chỉ đơn độc các căn làm việc riêng rẽ thì các cảnh giới ghi nhận chỉ đơn thuần là những cảm nhận thôi chứ không thể biết chúng là gì, hình ảnh mầu sắc ra sao; các tiếng động phát ra như thế nào, dễ chịu hay không dễ chịu; hương vị ra sao, thơm hay thối, ngọt bùi hay cay đắng; hình dáng ra sao, lớn hay nhỏ, vuông hay tròn, cứng hay mềm, trơn láng hay sần sùi.

Mắt chỉ thấy các hình ảnh, mầu sắc thay đổi mà không biết đó là mầu xanh của mặt hồ phẳng lặng, là chuyển động của những làn sóng bạc đầu, là những ngọn núi nhọn cao vút hay là những cánh đồng thấp hoang vắng, là những mái chùa cong đỏ hay là những nóc nhà bằng phẳng xám xịt của khu phố chợ, là thành Càn Thát Bà xa mờ ngoài biển khơi hay là ánh dương diệm nơi sa mạc nóng cháy.

Tai chỉ phân biệt có tiếng động hay không có tiếng động mà không biết đó là tiếng kèn hay tiếng trống, tiếng gõ mõ tụng kinh hay tiếng lên đồng lên bóng, tiếng thuyết pháp của bậc thiện tri thức hay là lời phỉnh gạt của tà ma ngoại đạo, tiếng chuông chùa ban mai hay tiếng gà gáy buổi sáng, tiếng sóng biển ì ầm hay tiếng vọng về từ rừng sâu núi thẳm, tiếng nổ của bom đạn pháo kích trong thời chiến tranh hay là tiếng sấm chớp vang rền trên trời.

Mũi chỉ phân biệt có mùi hay không có mùi chứ không biết đó là mùi thơm dịu của hoa sen hay mùi hôi sình của bùn lầy, là mùi thanh tịnh của trầm hương hay mùi ô uế của rác rến, mùi thơm của phấn hoa hay mùi hôi của hành tỏi, mùi khét của củi cháy hay mùi ô nhiễm của dầu xe.

Lưỡi chỉ phân biệt có vị hay không có vị chứ không biết đó là vị ngọt của đường phèn hay vị đắng của thuốc, là vị ngon của đề hồ hay vị nhạt nhẽo của cơm dư cháo thừa.

Thân chỉ biết có đụng chạm hay không có đụng chạm chứ không phân biệt được đó là sự mềm mại của nhung lụa hay là sự ve vuốt của đôi bàn tay dịu dàng, không biết đó là cái trơn của mặt gỗ bóng láng hay là cái nhám của những tảng đá sần sùi, không biết cái nóng là do mặt trời hay do bếp lửa, không biết được cảm giác đói khát là do lâu ngày không ăn uống hay là sự thèm khát khi thấy những vật ngon của lạ.

Sở dĩ biết được các đối tượng trần cảnh Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc là vì có các dây thần kinh chuyển những dữ kiện nhận được từ phù trần căn ở bên ngoài vào trung tâm thần kinh dọc theo đường xương sống dẫn vào não bộ tịnh sắc căn bên trong, rồi tác động lên các thức tương ưng như nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân thức.

Ý  thức lấy các dữ kiện của ngũ thức phối hợp lại rồi so sánh với các dữ kiện trong A lại da thức do Mạt na thức chuyển ra mà biết được toàn thể tánh chất của đối tượng nhận thức là gì. Đối tượng nhận thức này gọi là pháp trần.

Khi mà các đối tượng trần cảnh không còn đối diện Ngũ căn nữa mà Ý thức nhớ lại được hình ảnh đã nhận thức thì hình ảnh này được gọi là lạc tạ ảnh tử tức là cái bóng bị rớt lại mà Duy thức xếp loại là độc ảnh cảnh, cảnh duy nhất chỉ còn ghi lại trong trí nhớ.

Các hình ảnh hiện ra sai khác khi tâm thức bị tán loạn do sự hốt hoảng hay quá sợ hãi hoặc quá mong cầu như hình ảnh sóng nắng mà tưởng là ao hồ, sợi dây gai tưởng là con rắn được gọi là Độc Ảnh Cảnh vì là hình ảnh tưởng tượng trong tâm thức mà lầm nhận là đối tượng trần cảnh ở ngoài.

Các hình ảnh thật nhỏ nhiệm như vi trần được gọi là cực lược sắc, xa xôi mờ mờ ảo ảo được gọi là cực hánh sắc.

Ngoài ra còn có định quả sắc và vô biểu sắc.

Định quả sắc là hình ảnh hiện ra trong khi thiền định tỷ như ngài Nguyệt Quang đồng tử quán nước trong kinh Lăng Nghiêm. Ngài quán tánh nước trong thân không ngăn ngại lẫn nhau, từ nước bọt cho đến tất cả các thứ tân dịch như tinh huyết, đại tiện, tiểu tiện, xoay vần trong thân đều là tánh nước. Quán thấy các nước trong thân và trong các Hương Hải Thủy đều bình đẳng như nhau không sai khác. Ngài quán đến nỗi một đệ tử ở ngoài cửa sổ nhìn vào chỉ thấy đầy nước ở trong thất. Đệ tử này còn nhỏ dại không biết gì bèn lấy một miếng ngói thẩy vào cho phát ra tiếng. Sau khi xuất định ngài Nguyệt Quang thấy đau nhói trong tâm. Ta hãy nghe ngài kể sự việc tiếp sau đó cho đức Thế Tôn: Con tự suy nghĩ nay mình đã được đạo A La Hán, từ lâu không còn nhân duyên mắc bệnh được nữa, làm sao ngày hôm nay lại thấy đau trong tâm, không lẽ bị thối thất chăng. Khi ấy đệ tử của con đi đến kể lại cho con những việc như trước, con bảo nó sau này nếu thấy nước thì nên mở cửa vào phòng lấy miếng ngói trong nước ấy đi. Đệ tử vâng lời con bảo. Sau khi con nhập định, nó lại thấy nước và miếng ngói rõ ràng, nó liền mở cửa lấy miếng ngói bỏ ra ngoài. Sau khi xuất định thân thể con được trở lại như cũ.

Vô biểu sắc là một thứ sắc thể không biểu hiện ra ngoài của giới thể có công năng bảo vệ cho các tu sĩ khi đã thọ giới, phòng ngừa sự sai trái của thân và khẩu. Người thọ giới phát nguyện từ nay về sau quyết không phạm các điều tội ác, từ đó niệm niệm lúc nào cũng đều ngăn chặn không cho phạm tội ác ví như bờ đê ngăn chặn không cho nước tràn vào ruộng vườn.

Năm thức này dù nương theo A lại da thức nhưng không phải lúc nào cũng hiện khởi được. Muốn hiện khởi phải hội đủ các yếu tố nhân duyên, nên bài tụng nói Ngũ thức tùy duyên hiện.

Nhãn thức muốn hiện khởi là phải hội đủ 9 duyên. Đầu tiên phải có mắt tức nhãn căn, phải có cảnh để nhìn, cảnh muốn được mắt nhìn thấy thì phải có khoảng cách tức hư không, phải có ánh sáng và sự tác ý. Ngoài ra phải có ý thức để phân biệt đó là cảnh gì, xấu hay đẹp, mầu sắc ra sao. Nhãn thức phải nương vào Nhãn căn là sự chuyển hiện dị thục của chủng tử thấy đã được huân tập chín mùi nơi a lại da thức và mạt na thức.

Tóm lại nhãn thức muốn được hiện khởi là phải có đủ 9 Duyên là: Căn, Cảnh, Hư không, Ánh sáng, Tác Ý, Phân biệt ý tức Ý thức, Nhiễm ô ý tức Mạt na thức, Căn bản ý tức A lại da thức và Chủng tử.

Nhĩ thức phải hội đủ 8 Duyên vì không cần Ánh sáng.

Ba thức  Tỷ, thiệt và thân thức chỉ cần 7 Duyên vì không cần 2 duyên Hư không và Ánh sáng.

Ý thức chỉ cần 5 Duyên: Căn tức Mạt na thức, Cảnh, Tác Ý, Căn bản ý tức là A lại da thức và Chủng tử vì không cần  2 duyên là Hư không và Ánh sáng. Sở dĩ bỏ 2 duyên mà còn 5 duyên vì Ý thức tự nó là Phân biệt ý rồi nên không tính, Mạt na thức là căn của Ý thức nên cũng không tính. 9 duyên mà không tính 4 duyên hư không, ánh sáng, mạt na thức và phân biệt thức thì còn lại 5 duyên.

Mạt na thức cần có 3 Duyên là A lại da thức, Tác ý và Chủng tử. Ở đây A lại da thức vừa là Căn vừa là Cảnh của Mạt na thức vì Mạt na thức luôn nương nơi A lại da thức và lấy A lại da thức làm cảnh đối tượng sở duyên, mạt na thức không cần ý thức vẫn hiện khởi được vì nó là căn của ý thức.

A lại da thức thì luôn hiện khởi.

Trong tám thức trên, A lại da thức và Mạt na thức thường hiện khởi và có khả năng dẫn dắt quả báo đời sau nên gọi xếp loại là hằng hành. A lại da thức ví như cái kho chứa đủ mọi hạt giống. Tất cả mọi hạt giống chủng tử và hiện hành đều được chứa vào trong đó mà không phân biệt là tốt hay là xấu. Tùy theo sự chiếu soi, so đo và chấp trước của Mạt na thức mà các hạt giống đó sanh diệt, tăng trưởng và chuyển biến. Sự chiếu soi và chấp trước của Mạt na thức làm cho A lại da thức càng ngày càng nhiễm ô nên mạt na thức còn được gọi là thức nhiễm ô hằng hành.

Sáu thức trước thì tùy theo duyên, khi thì hiện khởi, khi thì không hiện khởi, khi thì chung, khi thì riêng nên được xếp loại là bất hằng hành.

Trong bài tụng bồ tát Thế Thân viết Hoặc câu hoặc bất câu là ý muốn nói cái tánh chất bất hằng hành này, khi thì hiện khởi, khi thì không hiện khởi, tùy theo có hội đủ các duyên cần thiết hay không. Thức nào đòi hỏi nhiều điều kiện duyên cần thiết để hiện khởi thì càng khó sanh khởi. Do đó mà Tiền Ngũ thức sanh khởi thì ít và không sanh khởi thì nhiều. Khi đủ duyên sanh khởi thì hoặc các thức này có thể sanh khởi riêng rẽ hoặc là cùng sanh khởi, cho nên nói hoặc cùng hoặc chẳng cùng.

Thí dụ hằng ngày ta vẫn lái xe ngang qua một vườn hoa nhưng nếu không để ý thì ta cũng không biết được con đường mình hằng đi qua đó có một vườn hoa tuyệt đẹp. Chỉ cần thiếu một duyên là Tác Ý thì nhãn thức không nhận biết được cái vườn hoa này, mặc dù nó nằm sờ sờ ra đó. Nếu để ý thì ta thấy quả là một vườn hoa hồng tuyệt đẹp. Và hôm nào đẹp trời và có gió thổi hiu hiu thì ta còn ngửi được mùi thơm của muôn hoa hòa với tiếng chim hót gần đó. Trong thí dụ này thì có sự hiện khởi của nhãn thức với cảnh đẹp của bầu trời và vườn hoa, có sự hiện khởi của thân thức với cảm giác gió hiu hiu thổi, có sự hiện khởi của tỷ thức và nhĩ thức với mùi thơm của muôn hoa và tiếng chim hót, hẳn đã nói rõ sự hiện khởi và không hiện khởi, sự đồng thời và không đồng thời hiện khởi của năm chuyển thức trước.

Tất cả những hiện khởi của năm thức nương nơi A lại da thức cũng ví như sóng nương nơi nước, do theo duyên có gió nhiều ít mà nổi lên ào ạt hay nhẹ nhàng nên bài tụng nói Như đào ba y thủy.

Thức thứ sáu tức Ý thức vì đòi hỏi ít duyên nên luôn luôn hiện khởi trừ khi sanh ở Vô Tưởng Thiên của cõi Sắc, khi nhập Vô Tưởng Định hay Diệt Thọ Tưởng Định, khi ngủ say mà không mộng mị hay khi bị chết ngất. Dưới đây là bài tụng thứ mười sáu trong Tam Thập Tụng của bồ tát Thế Thân.

BÀI TỤNG THỨ MƯỜI SÁU

Ý thức thường hiện khởi
Trừ sanh Vô Tưởng thiên
Cập Vô Tâm nhị định
Thùy miên dữ muộn tuyệt.

Dịch là:

Ý thức thường hiện khởi
Trừ sanh trời Vô Tưởng
Và hai định Vô Tâm
Ngủ say và chết ngất.

Năm trường hợp mà Ý thức không hiện khởi là Sanh cõi trời Vô Tưởng, nhập hai định Vô Tâm là Vô Tưởng Định và Diệt Tận Định (hay là Diệt thọ tưởng định), Ngủ Say không mộng mị và Chết Ngất.

Cõi trời Vô tưởng là cõi trời ở đó mọi tư tưởng đều đã được diệt. Người tu định lấy sự hủy diệt tư tưởng làm chính thì sau khi chết sẽ được tái sinh lên cõi trời Vô Tưởng thuộc Sắc Giới. Cõi trời này được đặt tên như vậy vì ở đó các Thức Bất Hằng Hành (sáu thức trước) đều đã đoạn do sự lấy việc diệt tưởng làm chính. Vì thế sáu chuyển thức đều không hiện khởi ở cõi trời Vô tưởng.

Hai định vô tâm gồm có Vô Tưởng Định và Diệt Tận Định.  Hai định này gọi là Định Vô Tâm vì không có sự hiện khởi của sáu thức trước.
Vô tưởng định lấy sự diệt tưởng làm chính.
Diệt tận định là cái định diệt được cả thọ lẫn tưởng còn gọi là Diệt thọ tưởng định.
Ở trong các định này thì sáu thức tâm vương và tâm sở  đều không hiện khởi.
Thùy miên và muộn tuyệt là trạng thái ngủ say và ngất sỉu (chết ngất) quá trầm trọng khiến sáu thức trước không còn hoạt động được nữa. Đó là trạng thái ngủ quá mê mệt không có một chút mộng mị gì cả mà ta thường nói ngủ say như chết và trạng thái đau đớn hoặc bị kích động quá trầm trọng khiến sáu thức trước không thể hoạt động phối hợp với thân được nữa như trường hợp bị tai nạn đau đớn quá sức, cười hoặc khóc quá độ, bị cảm sốt nặng, vân vân,...

Cả ba thức năng biến A Lại Da thức, Mạt Na Thức và Tiền Lục Thức cùng các Tâm Sở của các thức đó đều là chuyển biến của Chân Tâm. Vì vô minh chấp trước nên Chân Tâm chuyển biến thành Tâm Thức và phân ra thành Kiến phần và Tướng phần.

Kiến phần là Năng phân biệt vì nó nhận ra Tướng phần. Tướng phần là Sở phân biệt vì nó là đối tượng của Kiến phần. Ngoài Kiến phần và Tướng phần thì không có gì hiện hữu. Cả Kiến phần lẫn Tướng phần đều không có thật vì chỉ là chuyển biến của Tâm thức mà thôi.

Bồ tát Thế Thân đã diễn tả ý trên trong bài tụng thứ mười bẩy trong Duy Thức Tam Thập Tụng:

BÀI TỤNG THỨ MƯỜI BẨY

Thị chư thức chuyển biến
Phân biệt, sở phân biệt
Do thử, bỉ giai vô
Cố nhất thiết Duy Thức.

Dịch là:

Tất cả thức chuyển biến
Phân biệt, bị phân biệt
Do kia, đây đều không
Nên tất cả Duy Thức.

Chân Tâm bị chiếu soi chuyển biến thành Kiến phần và Tướng phần. Các thức Tâm Vương và Tâm Sở đều là chuyển biến của Kiến phần và Tướng phần. Các thức Tâm Vương và Tâm Sở tiếp tục chuyển biến, cứ hết phân biệt rồi lại bị phân biệt, trùng trùng duyên khởi mà chuyển hiện thành Ngã và Pháp.

Tất cả những phân biệt và bị phân biệt đó đều là không vì đều là sự chuyển hiện nơi tâm thức. Các pháp đều do tâm mà biến hiện ra, nhất thiết pháp duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Không có gì hiện hữu ngoài tâm thức nên nói tất cả đều duy thức. Trong kinh thường nói là tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức cũng là ý nghĩa của câu Cố nhất thiết duy thức.

Hãy nghe Bồ tát Hạnh Lâm thừa oai đức của Phật nói kệ tại hội Hoa Nghiêm:

Tâm như nhà họa sư
Hay vẽ những thế gian
Ngũ uẩn từ tâm sanh
Không pháp gì chẳng tạo
....................
Nếu người muốn rõ biết
Tất cả Phật ba đời
Phải quán pháp giới tánh
Tất cả Duy Tâm Tạo.

Tất cả các pháp bao gồm thân tâm và thế giới đều từ tâm sanh. Không gì là không do tâm tạo ra nên các pháp được ví như những hình ảnh do nhà họa sư vẽ ra. Tất cả đều là huyễn, đều không thật. Nếu như muốn biết tánh chân thật, không sanh, không diệt, vượt ngoài không gian và thời gian thì phải luôn luôn quán tất cả các pháp đều do tâm sanh.

Loài người là biểu hiện của một loại chúng sanh có đầy đủ muôn loại hạt giống tiềm ẩn sẵn sàng để phát triển, có một khả năng nhận biết và có thể quyết định điều muốn làm và không muốn làm. Con người đã biểu hiện được cái lý Duy Thức, cái lý Nhất Thiết Pháp Duy Tâm Tạo, một cách cụ thể.

Bởi sự mong muốn tìm hiểu và chế ngự thiên nhiên mà con người đã tiến bộ từ một đời sống man khai, bộ lạc đến một đời sống khoa học tân tiến ngay nay. Với sự quyết tâm và mong muốn, con người đã một phần chế ngự được thiên nhiên, đã chế tạo những phương tiện chuyên chở cực kỳ mau chóng từ nưóc này sang nước khác, từ đại lục này sang đại lục khác. Không những thế mà con người còn chế tạo được những vệ tinh thám hiểm không gian, đã đáp xuống Nguyệt cầu; chế tạo được những viễn vọng kính nhìn xa cả triệu triệu năm ánh sánh để thấy được thế giới vũ trụ bao la với hằng tỷ tinh tú và hành tinh, thấy được ngoài dẫy ngân hà này có dẫy ngân hà khác, ngoài vũ trụ này có vũ trụ khác; chế tạo được những kính siêu hiển vi để nghiên cứu những vật chất, những tế bào và những vi khuẩn nhỏ nhiệm vi tế; phát minh ra được hệ thống điện toán cùng mạng lưới thông tin giao lưu khiến lưu trữ được hằng tỷ tỷ dữ kiện, liên lạc và trao đổi tin tức với tất cả các nơi trên thế giới, giữa các vệ tinh ngoài vũ trụ trong không đầy một tích tắc; thấy được những điểm tương đồng cũng như những dị biệt của các chủng loài trong các cõi nước và thế giới khác nhau; thấy được những chuyển động muôn hình vạn trạng cực kỳ mau lẹ mà lại chu biến lưu thông không ngăn ngại của các tinh cầu.

Quả thật những gì Thế Tôn nói khi xưa thật khó hiểu, nay đều đã được kiểm chứng. Chẳng hạn như Thế tôn đã nói trong bát nước có vô lượng chúng sanh, ngày nay ta đã biết trong bát nước có vô số vi khuẩn; Thế tôn nói tất cả tam thiên đại thiên thế giới đều chứa trong một hạt cải thì bây giờ với khả năng vi tính chúng ta có thể chứa cả tỷ tỷ dữ kiện vào trong một con chip nhỏ.

Những sự hiểu biết và phát minh vĩ đại đó chỉ do hướng ngoại tìm cầu. Chỉ hướng ngoại tìm cầu mà đạt được những thành quả như vậy. Thì nếu một người đủ tín tâm xoay ngược vào tự tánh, xuyên qua năm làn mây mờ của ngũ ấm sắc, thọ, tưởng, hành, thức, đi sâu vào biển tâm thức, phá vỡ được những phiền não vô minh có từ vô thủy thì chắc rằng sự đột biến bùng nổ sẽ dẫn tới một cảnh giới mới vô cùng vĩ đại. Một cảnh giới mà không một lời nói và văn tự nào có thể diễn tả được, một cảnh giới phi thời gian và phi không gian, một cảnh giới của vô lượng quang và vô lượng thọ bất khả tư nghì. Đó là cảnh giới vô biên giới, vô ngằn mé và bất sanh bất diệt của Chân Không Diệu Minh, của Chơn Tâm Thường Trú, của Bổn Nguyên Phật Tánh, của Pháp Thân Thanh Tịnh, của Như Lai Tạng Trang Nghiêm,v.v...

Muốn trở về với Chân Tánh Bổn Nguyên Thanh Tịnh thì phải nương vào Thân Xác Thô Kệch này, là hiện tướng của vô lượng những quang minh đã bị lưu ngại cô động lại. Phải dựa vào Năm Giác Quan Thô Phù của nó gồm Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân để quan sát và cảm nhận các cảnh giới Trần Cảnh bên ngoài mà ý thức được rằng các đối tượng trần cảnh này chỉ là cảnh không thật có, không có tự tánh, chỉ nương nhau mà hiện hữu và không thường còn. Phải trở về với kinh điển để học hỏi những điều thâm sâu bất khả tư nghì của bậc Giác Ngộ Toàn Chân Toàn Giác. Thấy rõ các cảnh giới đều do Y Tha Khởi, bởi cái này có nên cái kia có, bởi cái này sinh nên cái kia sinh, bởi cái này không nên cái kia không, bởi cái này diệt nên cái kia diệt. Biết được tất cả đều nương nhau mà giả lập, không thường còn, đều biến chuyển theo luật nhân quả và lý nhân duyên. Nhờ hiểu biết như vậy mà tinh tấn tu trì, giữ gìn giới hạnh, thực hành thiền quán, xa rời những Biến Kế Sở Chấp của chấp ngã và chấp pháp, xa rời những chướng ngại của phiền não và của tri kiến thường tình, trở về được cái Viên Thành Thật tức là cái chân thật bất sinh bất diệt của Bản Tánh Chân Như.


Âm lịch

Ảnh đẹp