DUY THỨC TAM THẬP TỤNG LƯỢC GIẢI
Thích Trí Châu
Thanh Lương Thiền Thất - Phật Lịch 2549, 2005
TÌM
MỘT HƯỚNG ĐI
Pháp
môn của Phật có muôn vàn, có vô lượng cửa để đi vào,
tùy theo căn cơ của từng người mà các thiện tri thức, chư
Bồ Tát và chư Đức Phật thị hiện giúp chúng ta biết định
hướng để trở về với với căn nhà xưa, căn nhà trong sáng
tròn đầy xa xưa mà sau vô lượng những kiếp sống lang thang,
tưởng rằng đã quên hết mà nay được nhắc nhớ lại.
Ở
phạm vi của sách này tác giả muốn nhấn mạnh đến đường
lối được nói trong Duy Thức, Tùng Tướng Nhập Tánh, hay
là Nương Nơi Tam Tánh Để Trở Về Với Tam Vô Tánh.
Phải nương nơi cảnh giới này mà dùng đường lối Giới
Định Huệ để bỏ đi được những quan niệm chấp trước
sai lầm hầu đạt được Chân Như (Nương nơi Y Tha Tánh mà
bỏ đi được Biến Kế Sở Chấp Tánh thì sẽ thấy được
Viên Thành Thật Tánh). Ngoài ra chúng ta cũng nên rút kinh nghiệm
từ cuộc đời tu hành của Đức Phật để tìm giải đáp
cho những thắc mắc trên con đường tu tập, hướng đến
Giải Thoát.
Vì
vô minh mà tâm thức của con người bị vẩn đục, tâm thức
trong sáng tròn đầy khi xưa bị vọng chấp nên chứa đầy
những uế trược của tham, sân, sị; của tham đắm, đấu
tranh, chiếm hữu, chém giết và hận thù. Các hành động vô
minh, không sáng suốt này được duy thức học gọi là Biến
Kế Sở Chấp, là những chấp chước sai lầm do phân biệt
nơi tâm thức mà phát sanh. Vì Biến kế sở chấp mà con người
luôn tham đắm vào cái ta và những cái gì thuộc về ta. Ngã
và pháp là giả hợp, không có tự tánh và không thường còn
lại chấp là thật có, thường còn và bất biến. Những chấp
chước đó đã ăn sâu gốc rễ vào A lại da thức từ thuở
vô thủy nên rất khó có thể một sớm một chiều mà con
người có thể xả bỏ được. Biến kế sở chấp là động
lực làm con người si mê và tham đắm cái ta và những cái
thuộc về ta, cho rằng ta có quyền huởng mọi lạc thú và
những người chung quanh phải có nhiệm vụ giúp chúng ta thỏa
mãn mọi quyền lợi, thú vui tham đắm và dục vọng ích kỷ
của ta.
Cũng
vì tham đắm cho các quyền lợi và phụng dưỡng cái ta đó
mà con người không đếm xỉa gì đến những an nguy và đau
khổ của kẻ khác miễn là hạnh phúc và quyền lợi của
mình được bảo vệ. Vì bất lực trước thiên nhiên, họ
bám víu vào những thủ tục mê tín rất là phi lý và đôi
khi dã man tàn nhẫn ví dụ như tập tục của một số bộ
lạc chài lưới ở ven biển khi xưa, hàng năm phải làm lễ
hiến dâng những cô gái đồng trinh cho long vương thủy thần
để những vị này không làm sóng gió gây tai ương và trở
ngại cho việc chài lưới đánh cá.
Do
lòng tham đắm vào cái ta đó mà con người không thể tin vào
các điều chân thật, không thể tin vào cái gì gọi là vô
ngã, vô tự tánh và không thường còn. Họ luôn mong có một
vị thần linh để bám víu, để được ban cho những may mắn
và thuận lợi trong cuộc sống và được cứu rỗi sau khi
chết.
Bởi
thế thay vì tin vào những vị thầy đã giác ngộ dậy mình
pháp môn thanh tịnh thì họ chỉ mong có vị nào đưa hai bàn
tay ra cứu rỗi và bảo vệ họ. Họ thích quỳ lạy và cầu
xin được ban phước lành thay vì phải xa rời tất cả những
tham đắm, buông bỏ những chấp chước để tu tập giải
thoát.
Thái
tử Tất Đạt Đa đã bỏ ngôi vị kế thừa vua cha, cung điện
cùng vợ đẹp con thơ, vào nơi rừng sâu núi vắng tầm đạo,
tu trì để tìm giải pháp giúp chúng sanh thoát khỏi sự khổ
đau của Sanh Lão Bệnh Tử. Ngài đã thực hành mọi pháp môn
thiền định của ngoại đạo và sau đó phải buông bỏ chúng
vì thấy không rốt ráo. Cuối cùng ngài một mình ngồi tọa
thiền, quán chiếu dưới cội bồ đề, tự giác ngộ được
chân lý rốt ráo, thoát ly được Sanh Tử. Thế mà nhiều người
trong chúng ta vẫn nhất định không tin vào việc tu thiền
quán mà ngược lại cứ chấp chước vào thành kiến vô căn
cứ, cho rằng tu thiền có thể bị điên.
Thế
giới này có rất nhiều kỳ bí, nhiều điều kỳ lạ xẩy
ra ngoài sức tưởng tượng của con người. Có nhiều lời
chú nguyện hay mật chú có khả năng tiêu trừ tật ách hay
ách nạn, có nhiều linh phù hay linh ấn hoặc thủ ấn có thể
làm tâm của chúng ta trầm lại và làm cảnh giới nhiễu loạn
trong tâm được tiêu trừ. Tuy vậy chúng ta cũng đừng nên
quá mù quáng mà chấp chặt vào đó để quên đi đường lối
đã được đức Phật chỉ dậy, đó là phải giữ giới,
tu thiền và phát triển sự hiểu biết chân thật mà ta thường
gọi tắt là Giới Định và Huệ.
Cảnh
giới chúng ta là cảnh giới có đủ các loài khác nhau sống
chung lẫn lộn. Các loài này gồm cả những vị phạm thiên
và các tiên nữ ở các từng trời khác nhau, những vị bồ
tát ứng thân thị hiện, các thánh thần lành có dữ có, các
loài ma quỷ vô hình, thỉnh thoảng có thể nhập vào chúng
ta và làm chúng ta mê say những loài phù phép, khiến ta càng
ngày càng xa lánh chân lý.
Chính
vì thế trong trong các kinh đại thừa đều lập đi lập lại
nhiều lần là chỉ tin vào những kinh có thể giải nghĩa được,
chớ nên tin vào những gì không bày tỏ được chân lý, y
kinh liễu nghĩa bất y kinh bất liễu nghĩa, vì sợ với tâm
thức yếu kém chúng ta dễ bị lôi cuốn vào đường mê.
Thà
rằng không tu chứ tu mà bị cuốn hút vào đường tà của
những ma vương có khả năng thôi miên, biết được những
thầm kín trong tận đáy lòng chúng ta, dùng tà thuật để
mê hoặc thì khó có cơ tu tập theo chánh pháp. Bởi thế mà
Bát Nhã Tâm Kinh nhấn mạnh đến cái Không Tánh của mọi
hiện tượng để chúng ta không bị si mê và đắm nhiễm trong
bất kỳ cảnh giới nào, ngay cả cảnh giới không thì cũng
không được chấp chặt vào.
Trong
Thiền Tông có câu chuyện của Huệ Trung Quốc Sư (đệ
tử của Lục Tổ Huệ Năng) trong công án Đại Nhĩ Tâm Thông
như sau: Có một nhà sư Ấn Độ tên là Đại Nhĩ Tam Tạng
có phép tha tâm thông, được vua Đường Túc Tông triệu vào
cung để thi triển phép đọc được ý nghĩ người khác. Huệ
Trung Quốc Sư được thỉnh vào để thị nghiệm. Huệ Trung
hỏi, phải ông biết tha tâm thông không? Đáp, không dám. Xin
cho biết bây giờ tôi đang ở đâu? Đáp, Hòa thượng là đệ
nhất Quốc Sư mà lại tới Tây Xuyên coi đua thuyền. Hỏi
chứ bây giờ tôi đang làm gì? Đáp, đang trên cầu Thiên Tâân
coi khỉ làm trò. Xin hỏi bây giờ thì sao? Nhà sư Ấn Độ
lúng túng không trả lời được. Quốc Sư quát, đồ dã hồ
tinh chỉ có trò bịp.
Đức
Phật đã thị hiện không tin vào các cầu đảo và tán tụng
của Bà La Môn. Ngài thường tìm nơi vắng vẻ tọa thiền
và quán chiếu. Thế mà bây giờ đa số người tu Phật chỉ
thích quỳ lạy cầu xin thay vì nghiên cứu giáo lý, cầu tu
đạo Vô Thượng. Họ biết đến Quán Thế Âm Bồ Tát nhiều
hơn Phật không phải vì Quán Thế Âm Bồ Tát dậy họ từ
bi hỷ xả mà vì Quán Thế Âm Bồ Tát có nghìn tay và nghìn
mắt nghe ai cầu xin là dang tay ra cứu độ. Thậm chí có nhiều
người còn lầm lẫn gọi Quán Thế Âm bồ tát là Phật Bà.
Nói
như thế không phải là phủ nhận tất cả những thị hiện
của chư Phật và chư Bồ tát. Dù rằng biết thế giới này
là giả, là như mộng huyễn bào ảnh, chư vị ấy vẫn từ
bi thương sót và tùy theo mức độ hiểu biết, tin tưởng
và căn cơ của chúng sanh mà ứng thân thị hiện, dùng nhiều
phương tiện thiện xảo giáo hóa, để chúng ta tin tưởng
rằng không phải chỉ có thái tử Tất Đạt Đa mà chính chúng
ta cũng có thể tu hành thành Phật. Những sự thị hiện đó
là để tạo điều kiện để chúng ta có thêm tín tâm, tìm
thầy, học đạo, dũng mãnh tinh tấn tu hành cho đến khi giác
ngộ chứ không phải là để chúng ta cứ mãi ỷ lại vào
sự gia trì của chư Phật và chư bồ tát, vào những linh phù
mật ấn, vào những thần bí và kỳ ảo, cứ mãi mang tâm
cầu khẩn để được thoả mãn những tham đắm và dục vọng
của mình. Nếu chư vị ấy cứ ứng hiện mỗi khi chúng ta
cầu xin thì thế giới này làm gì còn có khổ đau.
Nếu
chư Phật và chư Bồ Tát cứ ứng hiện cứu giúp chúng ta
mỗi khi được cầu khẩn thì còn đâu là lý nhân duyên, còn
đâu là thuyết nhân quả, còn đâu là nghiệp báo, còn đâu
là cảnh giới trùng trùng duyên khởi là những triết thuyết
tuyệt vời của đạo Phật.
Trong
kinh hẳn chúng ta không quên chính đức Phật cũng không thể
cản ngăn vua dòng Lưu Ly đem quân đến tiêu diệt người của
dòng Thích Ca. Đức Phật đã thị hiện cản ngăn vua Lưu Ly
mỗi khi vị vua này muốn kéo quân đến đánh đất nước
của mình. Thị hiện hai lần thì đức Phật cũng phải ngưng
không ngăn cản nữa để cho ân oán đâu đó được tự trang
trải. Đức Mục Kiền Liên thị hiện đem năm trăm những
người ưu tú của dòng họ Thích bỏ vào bình bát rồi ôm
bình bát nhẩy lên hư không, thế mà khi tới nơi an toàn mở
bình bát ra thì năm trăm người đó cũng đều bị đâm chết,
máu chẩy ra đầy bình bát. Ngay chính Mục Kiền Liên khi đã
làm xong Phật sự, giúp đức Phật hoằng truyền Phật Pháp,
cũng phải để cho bọn tà giáo xô đá đè chết trong ghềnh
núi, trả cái nghiệp kiếp xưa đã làm nghề đánh cá.
Ngay
chính ngài A Nan vừa là em bà con của Phật, vừa có trí thông
minh tuyệt vời, lại vừa là thị giả của Phật mà không
tinh tấn tu trì nghiêm mật thì cũng không đắc được quả
vị A la hán. Phải đợi đến kỳ kết tập kinh điển lần
thứ nhất sau khi Phật nhập diệt 100 ngày, nhờ tự gia công
quyết chí tu thiền định mới đắc được quả vị đó.
Đức
Phật cho rằng cầu đảo và tán tụng không giúp gì cho việc
giải quyết vấn đề Sanh Lão Bệnh Tử và việc làm bác ái
không phải là giải pháp cứu cánh đem lại niềm an lạc vĩnh
cữu cho chúng sanh. Không phải nói như thế là bài bác các
việc làm bác ái, từ thiện cùng những việc xây dựng chùa
chiền, nhưng vì muốn nói đến sự giải thoát rốt ráo nên
những việc này được xếp vào hàng thứ yếu. Cũng trong
tinh thần này mà tổ Bồ Đề Đạt Ma khi đến Trung Hoa đã
nói việc xây dựng chùa chiền và giúp đỡ tăng sĩ của vua
Lương Vũ Đế là không có một công đức nào cả.
Đức
Phật cũng chứng tỏ rằng tu khổ hạnh không đưa đến giải
thoát mà còn làm não loạn thân tâm nhưng chúng sanh cứ thích
đi tìm những thầy khổ hạnh mà lễ bái. Ai càng nói khổ
hạnh, càng nói nhịn đói để tu hành thì họ càng tin tưởng
và bái phục vì tin rằng tu hành như vậy mới là chân tu.
Họ chỉ thích tin theo những gì phù hợp với tri kiến của
họ, bất chấp điều tin tưởng đó có hợp lý hay không.
Họ không còn nhớ là đức Phật đã tu khổ hạnh và bị
kiệt lực bên dòng sông và sau đó đã bỏ khổ hạnh để
theo con đường trung đạo mới điều hoà được thân tâm
và đạt được đạo quả Bồ Đề.
Sở
dĩ ngài đạt được giác ngộ vì ngài đã khởi được trí
Vô Phân Biệt, xả bỏ những kiến chấp sai lầm, không còn
mù quáng dựa vào hệ thống kinh điển vệ đà và tư tưởng
khổ hạnh của Bà la môn, đã nhiễm sâu vào tâm khảm của
hầu hết mọi người thời đó.
Muốn
được giải thoát thì phải biết buông bỏ các ngã chấp
và pháp chấp mà duy thức gọi là hai thủ tùy miên tức là
hai cái năng thủ và sở thủ đã nằm kiên cố nơi tàng thức,
rất khó mà loại trừ. Vị bồ tát muốn xả bỏ được chúng
cũng phải mất ba A tăng kỳ kiếp mới phá nổi.
A tăng
kỳ kiếp đầu là từ lúc phát tâm dũng mãnh quyết tu trì
theo đạo Vô Thượng cho đến khi đắc được Sơ Địa tức
là bậc Kiến Đạo Bồ Tát. Địa vị này tương đương với
ba địa vị Tư Lương, Gia Hạnh và Thông Đạt trong Duy Thức.
Địa vị này cũng tương đương với quả vị Tu Đà Hoàn
của Thanh Văn. Ở địa vị này vị bồ tát có cái khả năng
tiêu trừ được hai tướng năng thủ và sở thủ, tự mình
tu tập Lục Độ Ba La Mật tức bố thí, trì giới, nhẫn nhục,
tinh tấn, thiền định và trí huệ cho tới khi đạt được
bậc Xuất Thế Gian Trí.
A tăng
kỳ kiếp thứ hai là từ bậc Bồ Tát Nhị Địa trở lên
đến Thất Địa tức là từ Ly Cấu Địa đến Viễn Hành
Địa. Địa vị này tương đương với địa vị tu tập trong
Duy Thức. Địa vị này cũng tương đương với quả Tư Đà
Hàm và A Na Hàm của Thanh Văn.
A tăng
kỳ kiếp thứ ba, những vị Bồ Tát Đệ Bát Địa tức Bất
Động Địa hay là những vị A La Hán của Thanh Văn đã hồi
đầu theo Đại Thừa tiếp tục tu trì, đạt được cái diệu
dụng bất khả tư nghì của Vô Phân Biệt Trí tức là đạt
đến bậc Đẳng Giác và Diệu Giác, tương đương với địa
vị cứu cánh trong Duy Thức. Tới địa vị Đẳng Giác, vị
bồ tát vẫn còn một chút câu sanh phiền não chướng và sở
tri chướng ẩn tàng và chỉ mới thật sự xả bỏ cả hai
chướng này khi khởi Kim Cang Dụ Định đắc được quả vị
Diệu Giác tức là thành Phật, chuyển Phiền Não Chướng thành
Đại Niết Bàn và Sở Tri Chướng thành Đại Bồ Đề.
Xin
nhắc lại từ Bồ Tát Sơ Địa lên đến quả vị Diệu Giác
tức quả vị Phật có mười hai bậc thứ lớp như sau: Sơ
Địa tức Hoan Hỷ Địa, Nhị Địa tức Ly Cấu Địa, Tam
Địa tức Phát Quang Địa, Tứ Địa tức là Diệm Huệ Địa,
Ngũ Địa tức là Nan Thắng Địa, Lục Địa tức là Hiện
Tiền Địa, Thất Địa tức là Viễn Hành Địa, Bát Địa
tức là Bất Động Địa, Cửu Địa tức là Thiện Huệ Địa,
Thập Địa tức là Pháp Vân Địa, rồi tới Bồ Tát bậc
Đẳng Giác và Quả vị Phật tức Diệu Giác.
Nói
thì phải mất ba A tăng kỳ và phải trải qua nhiều thứ lớp
để chứng đắc chứ thật sự thời gian lẫn quả vị đều
như huyễn. Vị bồ tát từ bậc Kiến Đạo trở lên đã xa
rời chấp có và chấp không, phát tâm kiên cố quyết hướng
đến đạo quả Vô thượng nên coi việc tu thiền định và
quán tưởng là việc thường tình như ăn cơm và uống nước.
Vị đó không còn để tâm đến vấn đề thời gian cùng vấn
đề chứng đắc hay không chứng đắc.
Tiếp
theo đây hãy thử ôn lại cuộc đời tu trì của đức Phật
(dựa theo tác phẩm Đường Xưa Mây Trắng của Thiền Sư Nhất
Hạnh) để thấu rõ phương pháp tu hành của ngài hầu lấy
đó làm ngọn đuốc soi đường.
Đức
Phật Thích Ca Mâu Ni đã chứng Vô Thượng Giác từ vô lượng
kiếp. Vì có thệ nguyện sẽ làm vị Giác Ngộ ở cõi ta bà
này để giáo hóa chúng sinh mà ngài đã ứng thân đản sanh
làm thái tử của dòng Cồ Đàm ở Ấn Độ vào năm 624 trước
tây lịch.
Từ
khi còn nhỏ thái tử Cồ Đàm đã rất thông minh. Môn nào
học cũng giỏi, từ đọc, viết, vẽ, âm nhạc, võ nghệ và
thể thao, thứ nào cũng siêu xuất, làm kinh ngạc các thầy
dậy.
Khi
còn nhỏ, được đi dự lễ cầy ruộng cùng vua cha, thái tử
chỉ thích ngồi tĩnh toạ dưới gốc cây. Ngồi dưới gốc
cây, thái tử thấy các con giun bị lưỡi cầy xấn ngang nằm
quằn quại trên các luống cầy, rồi có các con chim nhỏ đáp
xuống mổ những con giun này mà ăn, rồi lại thấy có con
chim lớn bay xà xuống quắp con chim nhỏ bay đi. Thái tử ngồi
chiêm nghiệm những điều đã chứng kiến và nhận ra rằng
cầu đảo và tán tụng cũng không giúp gì cho những con giun
và con chim bị nạn kia.
Khi
lớn lên, thái tử chỉ thích gần gũi và học hỏi nơi những
vị Sa môn tu khổ hạnh, là những tu sĩ đã cắt đứt tất
cả những ràng buộc phiền não của cuộc sống thường tình,
không thích những việc cúng tế và cầu đảo, và chỉ thích
ở nơi thanh vắng tu cầu giải thoát.
Thái
tử kết hôn với một công chúa của nước láng giềng. Công
chúa rất xinh đẹp và dịu hiền, rất tâm đầu ý hiệp với
Thái tử. Ngoài cuộc sống thảnh thơi, thăm viếng những nơi
phong cảnh hữu tình và săn sóc cơm nước cho chồng, công
chúa còn rất thích làm việc xã hội, giúp đỡ các người
già cả, nghèo khó cùng các trẻ em tật nguyền. Tuy sống cuộc
sống hạnh phúc nhưng Thái tử vẫn ray rức với những u uẩn
trong nội tâm, những mong muốn tìm một giải pháp tâm linh
mà việc làm xã hội như công chúa đang làm thì không phải
ai cũng đủ phương tiện làm và đó chỉ là giải pháp tạm
thời chứ không phải là giải pháp rốt ráo để xóa bỏ
những bất công của xã hội, không phải là cứu cánh cho
việc giải thoát khỏi Sanh, Lão, Bệnh, Tử và đem lại niềm
an lạc vĩnh cữu cho tâm hồn. Ngài thường chia sẻ sự bế
tắc này với công chúa. Công chúa cũng cảm thấy như vậy
và ngầm hiểu một ngày nào đó thái tử sẽ ra đi để tầm
đạo.
Khi
công chúa sanh được La Hầu La thì thái tử lên đường tầm
đạo và tu trì với những vị sa môn khổ hạnh nổi tiếng
đương thời. Trong gần 6 năm tu trì với các vị Bà la môn,
thái tử đã đạt tới các quả vị Không Vô Biên Xứ, Thức
Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.
Không
Vô Biên Xứ Định là cái định mà tâm của hành giả đồng
nhất với không gian vô biên và sau khi hành giả bỏ sắc thân
này thì sẽ được sanh lên cõi trời Không Vô Biên Xứ của
Vô Sắc Giới.
Thức
Vô Biên Xứ Định là cái định trong đó hành giả thấy được
tâm thức mình trong mọi hiện tượng của vũ trụ và sau khi
hành giả bỏ sắc thân này thì sẽ được sanh lên cõi trời
Thức Vô Biên Xứ của Vô Sắc Giới.
Vô
Sở Hữu Xứ Định là cái định trong đó hành giả thấy
không có cảnh giới nào thật sự hiện hữu như chúng ta thường
tưởng và sau khi hành giả bỏ sắc thân này thì sẽ được
sanh lên cõi trời Vô Sở Hữu Xứ của Vô Sắc Giới.
Phi
Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định là cái định cao nhất, trong
bốn thứ định ngoại đạo. Trong định này tâm thức của
hành giả rất là tịch tĩnh, các ý niệm về hữu và vô đều
được loại trừ, là cái trạng thái chẳng phải tưởng và
cũng chẳng phải không tưởng. Khi bỏ sắc thân thì hành giả
sẽ được sanh lên cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ
là cõi trời cao nhất mà thường được gọi là cõi trời
Hữu Đảnh của Vô Sắc Giới.
Thái
tử thấy dù đạt được tới các định này thì cũng không
giải quyết được những khổ đau đã dằn vặt tâm hồn
ngài và cũng không giải quyết được vấn đề Sinh, Lão,
Bệnh,Tử. Vì thế ngài quyết định phải tự hạ thủ công
phu để tự tìm ra giải pháp cho những dằn vặt đó.
Ngài
tìm đến những nơi rừng sâu, những hang động hoang vắng,
những bãi tha ma bỏ hoang, quyết dùng khổ hạnh để chế
ngự thân tâm. Mỗi ngày chỉ ăn một chút trái cây hay một
vài hạt tùng kiếm được trong rừng, có nhiều khi nhịn đói
mà vẫn thực hành không ngưng nghỉ tất cả các môn thiền
định. Tuy đã chế ngự xác thân đến cùng cực, thân thể
tiều tụy chỉ còn da bọc xương mà sự thiền định cũng
không đem lại một sự an lạc nào cả và sự khổ não càng
tăng trưởng. Ngài cứ tiếp tục tu ép xác như thế cho đến
khi kiệt sức nằm bất tỉnh bên bờ sông.
Sau
đó nhờ cháo và sữa của cô gái chăn dê đổ vào miệng
mà ngài được tỉnh táo trở lại. Từ đó ngài quyết định
không tu khổ hạnh nữa và dời về một khu rừng gần bờ
sông, ngày ngày thiền hành trong rừng, tọa thiền dưới cội
bồ đề và tắm ở dòng sông gần đó. Còn ăn uống thì có
khi cô bé chăn dê hay chú bé chăn trâu hoặc các em trong thôn
xóm gần đó đem đồ ăn cùng sữa đến cúng dường, có khi
ngài đi khất thực nơi thôn làng quanh đó.
Ngài
từ từ ôn lại những kinh nghiệm đã trải qua, quán sát tất
cả mọi sự việc với một tâm hồn trong sáng, buông bỏ
tất cả các tri kiến đã huân tập từ thuở ấu thơ, xả
bỏ những chấp chước vào hệ thống kinh điển Vệ Đà của
Bà La Môn, một hệ thống tôn thờ bản ngã, đầy mê tín
và chủ trương khổ hạnh. Nhờ đó mà ngài thật sự thâm
nhập vào mọi cảnh giới, không thấy sự phân chia giữa ta
và người, giữa ta và ngoại cảnh, ngài thấy mình như hòa
tan vào mọi cảnh giới, ngài nhìn trong một hạt bụi là cả
một vũ trụ và cả vũ trụ bao la này gom lại cũng không khác
hạt bụi, ngài là vũ trụ và vũ trụ là ngài.
Một
buổi chiều ngài ngồi tọa thiền dưới cội bồ đề, ngắm
nhìn những lá bồ đề hình trái tim lung lay trước gió, những
cụm mây trắng bay qua, ngài thấy trong lòng lâng lâng, ngài
thấy ngài là chiếc lá, ngài là cụm mây và chiếc lá cùng
cụm mây và cả vũ trụ này cũng là ngài. Tất cả đều không
thường còn và chuyển biến.
Mới
ngày nào ngài còn là thái tử bé nhỏ ngồi dưới tàng cây,
nghe tụng kinh vệ đà, thấy những con giun bị xắn ngang bởi
những lưỡi cầy của các bác nông phu, những xâu xé của
những loài chim dành giựt thân xác của các con giun xấu số
này. Mà bây giờ lại là sa môn không có quyền thế, không
có sở hữu, ngồi thiền tọa dưới cội bồ đề.
Cụm
mây vừa thấy kia đã bay qua, những lá bồ đề hình trái
tim với chóp lá kéo dài ra như thể cái đuôi dài dễ thương
kia rồi cũng tàn tạ và bay theo chiều gió. Không có gì là
thường còn, không có gì có tự tánh riêng biệt, mọi sự
đều nương nhau mà hiện hữu, mọi sự đều là sự hòa hợp
của tứ đại, của đất nước gió lửa, của hư không và
tất cả đều là chuyển hiện nơi tâm thức. Một lát nữa
đây mặt trời sẽ lặn xuống và bóng tối sẽ bao trùm. Mặt
trời lặn không phải là mặt trời không hiện hữu mà là
mặt trời bị che khuất thôi. Mặt trời vẫn hiện hữu và
chiếu sáng ở nơi khác. Bóng tối sẽ hiện ra đó không phải
là sẽ hiện ra mà thật sự bóng tối luôn luôn hiện hữu.
Bóng tối vẫn đầy khắp cả hư không mà vì bị mặt trời
chiếu soi nên không biểu hiện ra được. Ánh sáng và bóng
tối nương nhau mà hiển lộ. Không có ánh sáng thì làm sao
biết được bóng tối và nếu không có bóng tối làm sao biết
được ánh sáng. Và cả ánh sáng lẫn bóng tối đó đều
chỉ là những chuyển hiện nơi tâm thức. Chỉ vì vô minh
mà Chân Tâm bị che lấp và chuyển biến hiện khởi ra chứ
mọi sự đều như huyễn, đều không thật có ví như hư không
vốn thanh tịnh, trong sáng mà vì nhậm mắt mà thấy có hoa
đốm.
Bóng
tối xuống dần, niềm cô đơn và sự sợ hãi từ từ dâng
lên trong tâm thức. Những hình ảnh ma quái kinh sợ tợ như
hiện ra trước mắt, những khao khát, những ao ước cùng những
thèm muốn dâng trào, quay cuồng trong tâm thức. Ngài quán chiếu
thật thâm sâu và thấy đó chỉ là huyễn ảo, không có thật
thể. Thực chứng được như vậy thì mọi sợ hãi, khát khao
và ham muốn liền ngay đó tan biến. Mọi sự đều hiện ra
rồi lại biến đi mà thật sự thì cũng không có gì sanh và
cũng không có gì diệt, mọi sự đều không từ đâu đến
và cũng chả đi về đâu. Tất cả đều sát na sanh diệt,
làm nhân duyên cho nhau mà hiện khởi.
Ngài
Cồ Đàm ngước nhìn bầu trời đen kịt, vài tia chớp hiện
lên bầu trời, ngài mỉm miệng cười, biết rõ giây phút
mong chờ sắp đến. Bấy giờ là đầu canh một, sấm chớp
thình lình nổi lên và mưa trút xuống xối xả. Trong cảnh
mưa gió bão bùng đó ngài thấy rõ sự sinh diệt của mọi
loài chúng sanh, cả hữu tình lẫn vô tình, ngài thấy rõ cả
vô lượng kiếp của quá khứ và vị lai của chính mình và
trực nhận sự sanh thành và hủy diệt của muôn loài. Sự
thấu rõ đó là Túc Mạng Minh và Thiên Nhãn Minh.
Mưa
vẫn tiếp tục rơi xối xả và ngài Cồ Đàm tiếp tục quán
chiếu miên mật, ngài thấy các pháp trùng trùng duyên khởi,
pháp này làm duyên cho pháp kia, sanh diệt tương tục mà Chân
Tâm thì luôn thanh tịnh, lặng lẽ chiếu soi, như không có
gì làm lay động được. Các pháp trùng trùng duyên khởi đó
ví như những đợt sóng ào ạt trên mặt biển và thể thanh
tịnh của Chân Tâm ví như nước biển ở dưới sâu, không
chuyển động. Ngài thấy rõ chỉ vì vô minh và chấp chước
mà vô lượng các phiền não sanh khởi. Nếu biết rõ tất
cả đều là như huyễn và không tự tánh thì các phiền não
tự nhiên sẽ bị tiêu trừ. Đó là sự chứng đắc Lậu Tận
Minh. Rồi cũng ngay đó ngài chứng được Thiên Nhĩ Minh, Tha
Tâm Minh và Thần Túc Minh.
Mưa
bắt đầu nhẹ dần, gió bớt thổi, mây đen từ từ tan biến.
Sao mai hiện ra lấp lánh, chói sáng trên bầu trời, hình như
muốn mừng vui cùng Bậc Đại Giác Ngộ. Bấy giờ là cuối
canh ba tức gần 5 giờ sáng. Ngài Cồ Đàm mở cặp mắt tươi
sáng nhìn ngôi sao mai lung linh trên bầu trời, sung sướng và
reo vang trong tâm: Lạ thay mọi chúng sanh đều có hạt giống
của Giác Ngộ. Vì vô minh mê lầm mà phải trầm luân khổ
đau lặn hụp trong sanh tử luân hồi. Ta là bậc đã Giác Ngộ
và chúng sanh rồi cũng sẽ Giác Ngộ như ta. Khi ấy Ngài được
31 tuổi.
Trong
thời gian đầu mới thành đạo này, khi Ứng thân tọa thiền
dưới cội bồ đề, Pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật đã nói
về cái thế giới trùng trùng duyên khởi của vô lượng vô
số các cõi nước mà Phật đã chứng được cho các long thiên
và các vị Đại Bồ Tát. Đó là Cảnh giới bất khả tư
nghì dung thông vô ngại mà chỉ có bậc Đại Bồ Tát mới
lãnh hội được. Cảnh giới đó là cảnh giới Hoa Tạng Tỳ
Lô Tánh Hải nói trong kinh Hoa Nghiêm. Cảnh giới này là cảnh
giới dung thông vô ngại, thời gian dung thông thời gian, không
gian dung thông không gian, thời gian dung thông không gian và không
gian dung thông thời gian. Một dung thông tất cả và tất cả
dung thông một.
Tất
cả nguyên lý và cảnh giới đó đã được Bồ Tát Long Thọ
cho lưu truyền lại trong bộ Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm
Kinh, gọi tắt là Hoa Nghiêm Kinh.
Theo
kinh Hoa Nghiêm thì tất cả các pháp trong vũ trụ chỉ là huyễn
hóa do mê hoặc, vọng tưởng và nghiệp duyên hình thành. Tất
cả vạn pháp và pháp giới đều từ tâm sanh. Tâm bao trùm
tất cả pháp giới, tất cả pháp giới nằm trọn trong Tâm.
Tất cả vũ trụ và vạn pháp đều nằm gọn trong một hạt
cải và một hạt cải có thể thâu nhiếp tất cả vũ trụ
và vạn pháp.
Ta
hãy đọc một đoạn trong kinh Hoa Nghiêm diễn tả cảnh giới
bất khả tư nghì, cảnh giới mà bất cứ một vị giác ngộ
nào cũng thể chứng như thế, cảnh giới như huyễn, giải
thoát và oai lực:
Khắp
hết mười phương các cõi nước
Mỗi
đầu lông đủ rõ ba đời
Phật
cùng quốc độ vô số lượng
Tôi
khắp tu hành trải trần kiếp
Trong
một niệm tôi thấy ba đời
Tất
cả các đấng Nhân Sư Tử
Cũng
thường vào cảnh giới Phật
Như
Huyễn, Giải thoát và Oai lực.
Vì
trình độ tâm thức của chúng sanh lúc bấy giờ chưa thể
thâm nhập vào cái pháp tối vi diệu mà Phật đã thể nghiệm
nên đức Thế Tôn phải dùng phương tiện thiện xảo, tùy
theo căn cơ của chúng sanh mà giảng dậy để từ từ thứ
lớp nâng tâm thức của chúng sanh lên hầu có thể hội nhập
vào Tri Kiến Phật như kinh Pháp Hoa đã nói: Phật ra đời
vì một đại sự nhân duyên là đưa tâm thức chúng sanh hội
nhập tri kiến Phật.
Thời
gian rao giảng giáo lý của Phật đựợc chia ra làm 5 thời
kỳ:
1.
Thời kỳ Hoa Nghiêm Kinh còn gọi là Đại Thừa Trung Quán 21
ngày.
2.
Thời kỳ kinh A Hàm hay là Tứ Diệu Đế còn gọi là Tiểu
Thừa
Hữu Quán 12 năm.
3.
Thời kỳ kinh Phương Đẳng còn gọi là Quyền Thừa 8 năm.
4.
Thời kỳ kinh Bát Nhã còn gọi là Đại Thừa Không Quán 21
năm.
5.
Thời kỳ kinh Pháp Hoa và Niết Bàn còn gọi là Đại Thừa
Trung Quán 8 năm.
Trong
năm thời kỳ giảng pháp ta thấy lúc đầu Phật thuyết Đại
Thừa Trung Quán. Sau đó ngài giảng thấp xuống, chỉ giảng
về các pháp hữu vi, nói Tứ Diệu Đế tức nói về sự khổ
đau, nguyên nhân của những khổ đau, sự chấm dứt khổ đau
và phương pháp diệt trừ khổ đau. Rồi ngài từ từ giảng
cao lên, nói về Thập Nhị Nhân Duyên, nói về Quyền Thừa
vừa quán Hữu vừa quán Không, rồi nói về Đại Thừa Không
Quán, để rồi sau rốt trở về pháp tối thượng ban dầu
tức là Đại Thừa Trung Quán tức là nói về pháp giới như
huyễn chẳng phải có chẳng phải không.
Như
vậy ta thấy đức Phật đã bỏ ra cả cuộc đời mới nói
được điều không thể nói. Trước hết Phật phải trang
bị cho chúng sanh cái biết về pháp hữu vi, nói rõ các hiện
tướng của pháp giới rồi từ từ ngài nói cái đó cũng
không thật, để rồi mới nói được cái Không Tánh của
vạn pháp ở thời kỳ Bát Nhã. Rồi sau rốt Phật mới thuyết
giảng về Trung Quán là pháp tối thượng để đạt quả Vô
Thượng, theo đó các pháp chỉ là huyễn, chẳng phải có cũng
chẳng phải không có.
Điều
Phật muốn chúng sanh làm là tu tập Giới, Định và Huệ để
thâm nhập vào cái chân thật của vạn pháp, thực chứng được
Tự Tánh Chân Như vô khứ vô lai, bất sanh bất diệt mà không
ngôn từ nào có thể diễn tả đầy đủ được. Những lời
nói của đức Phật cốt là để chúng ta khởi được lòng
tin dũng mãnh mà quyết chí phát nguyện tu hành cho đến khi
thành Chánh Quả, đạt được Giải Thoát chứ không phải
để chúng ta đem ra bàn cãi và hý luận xuông. Chính vì lẽ
đó mà đức Phật đã nói rằng trong 49 năm hành đạo, Phật
chưa từng nói một lời nào.
Lời
nói của Phật hay là kinh điển của Phật ví như ngón tay
để chỉ mặt trăng, thấy được mặt trăng rồi thì phải
bỏ ngón tay vì nếu cứ ngắm ngón tay thì không thấy được
mặt trăng.
Mặt
trăng ví như Chân Tâm, luôn trong sáng nhưng vì bị mây che
nên nhiều khi ta không thấy được. Cũng vậy Chân Tâm luôn
thanh tịnh và hiện hữu nhưng vì mê vọng mà Chân Tâm bị
che lấp. Chỉ có theo con đường Phật đã chỉ dậy mới dẹp
tan được những mê vọng đó. Đó là con đường của Giới,
Định và Huệ. Phải lấy giới hạnh làm tư lương để giữ
tâm thanh tịnh, tu thiền không ngưng nghỉ cho đến khi đạt
được Trí Huệ Bát Nhã, đồng với trí huệ của Phật.
Lời
của Phật là lời của ngưòi đi trước hướng dẫn người
đi sau để đi tới Giác Ngộ. Chúng ta phải thực hành theo
lời chỉ dậy đó, chứ không phải cứ tối ngày mê mờ lẩm
bẩm những lời nói đó mà không chịu tu trì, khiến mãi đắm
chìm trong sanh tử luân hồi ví như người sống bên dòng sông
mà lại chết vì khát nước.
Để
kết thúc xin viết ra đây bài Thiền Ca của Bạch Ẩn Thiền
Sư, một thiền sư nổi tiếng của xứ Phù Tang Nhật Bản.
Tự
tánh chúng sanh vốn là Phật, như băng với nước
Ngoài
nước không có băng, ngoài chúng sanh tìm đâu có Phật?
Đạo
kề bên mà chẳng biết, tìm kiếm xa vời đáng thương
Như
sống bên sông nước, khô cổ gào xin vì khát nước
Như
con một vị trưởng giả, lang thang giữa phường nghèo khó
Mà
luân hồi trong sáu nẻo, lạc trong hắc đạo vô minh
Đến
bao giờ mới thoát ly khỏi sanh tử?
Pháp
môn Tọa Thiền của Đại Thừa, thật không đủ lời để
tán thán
Những
pháp hạnh cao quý đều bắt nguồn ở Tọa Thiền
Cho
dù chỉ một lần Tọa Thiền cũng đủ tiêu trừ mọi ác nghiệp
Nào
thấy đâu hắc đạo nữa vì Quốc Độ Thanh Tịnh ở ngay
đây
Cho
dù chỉ một lần hoan hỷ lắng nghe sự thật này
Với
hết lòng tôn kính và tán thán
Là
đã được muôn vàn phước báu.
Với
những người tự mình thức tỉnh
Chứng
đắc được Chân Như Tự Tánh
Tự
Tánh tức Không Tự Tánh
Là
đã thoát khỏi điên đảo vô minh
Thấy
được sự đồng nhất giữa Nhân và Quả
Đường
Đạo không phải là hai mà cũng không phải là ba
Sắc
cũng như Vô Sắc
Tới
lui như chưa bao giờ động
Niệm
cũng như Vô Niệm
Đang
múa ca như đang nghe Pháp
Trời
Tam Muội lồng lộng vô biên
Trăng
Trí Huệ sáng ngời viên mãn
Đây
là lúc ta thiếu gì đâu
Niết
Bàn Thanh Tịnh ngay đây
Thế
giới này là thế giới Liên Hoa
Và
thân này là Pháp Thân của Phật.
Hết
SÁCH
BIẾU KHÔNG BÁN
Mọi
chi tiết xin liên lạc về:
Thích
Trí Châu
PO
Box 1522
Westminster,
CA 92684, USA