DUY THỨC TAM THẬP TỤNG LƯỢC GIẢI


Thích Trí Châu Thanh Lương Thiền Thất - Phật Lịch 2549, 2005
22/08/2011 10:07 (GMT+7)
Số lượt xem: 210247
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

DUY THỨC TAM THẬP TỤNG LƯỢC GIẢI
Thích Trí Châu
Thanh Lương Thiền Thất - Phật Lịch 2549, 2005

CHƯƠNG VIII
DUYÊN, CẢNH VÀ LƯỢNG

 

Chương này sẽ nói sâu về các loại duyên, cảnh và lượng thường dùng trong Duy Thức Học. Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn thế nào là nhân duyên, thế nào là sở duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên, đẳng vô gián duyên; thế nào là đới chất cảnh, độc ảnh cảnh, tánh cảnh; thế nào là tự chứng phần, chứng tự chứng phần; thế nào là hiện lượng, tỷ lượng và phi lượng.

Khi khởi vọng niệâm chiếu soi là lúc gieo vào tâm thức một chủng tử mới, chủng tử này chuyển biến và hiện khởi thành đối tượng đuợc gọi là hiện hành. Các chủng tử và hiện hành cứ huân tập ra vô nơi tâm thức, khi thì là nhân chủng tử, khi thì là quả hiện hành. Chủng tử diệt thì khởi sanh hiện hành, hiện hành diệt thì khởi sanh chủng tử, những sự sanh diệt này nói thì lâu nhưng xẩy ra thì chớp nhoáng được duy thức gọi là sát na sanh diệt.

Để đưa ra một hình ảnh cụ thể về việc chủng tử sinh hiện hành và hiện hành sinh chủng tử, thiền sư Thanh Từ có nói một ví dụ trong khi thuyết giảng về kinh Hoa Nghiêm. Tỷ như ta lấy một nắm hạt giống của cây mắc cở rải trên một mảnh đất hoang. Hạt giống này sẽ sanh ra cây mắc cở. Cây mắc cở giống như những cây cỏ gai, thường thấy mọc nơi những cánh đồng hoang ở Việt Nam, lá như lá me nhưng nhỏ hơn nhiều, bình thường khi có ánh mặt trời thì lá nở xòe ra nhưng khi ta đụng vào thì lá cụp lại nên gọi là cây mắc cở. Chỉ một thời gian ngắn cây mắc cở trổ hoa rồi trở thành hạt mắc cở. Những hạt mắc cở này rơi xuống đất và chẳng bao lâu cả mảnh đất hoang nói trên biến thành một rừng cây mắc cở.

Những hạt mắc cở ví như những hạt giống chủng tử nơi A lại da thức. Hạt giống được huân tập và chuyển biến thành hiện hành ví như hạt mắc cở khi rải xuống đất thì ăn rễ, nẩy mầm rồi tăng trưởng thành ra cây mắc cở. Cây mắc cở lại trổ ra hạt mắc cở là dụ cho hiện hành sanh chủng tử. Và cứ như thế sanh diệt chuyển biến tương tục, cây mắc cở nở hoa, hoa diệt sanh ra hạt, hạt chết rớt xuống thành mầm mắc cở, mầm tăng trưởng trở thành cây mắc cở, các chuyển biến cứ như vậy như vậy chuyển biến thành cả rừng mắc cở. Các mầm mống, thân lá, hoa và hạt mắc cở đó khi thì là nhân, khi thì là quả, nói theo duy thức học thì các thứ này khi thì là chủng tử khi thì là hiện hành. Tất cả mọi sự chuyển biến nơi A lại da thức cũng tương tự như vậy.

Các chủng tử và hiện hành cứ trùng trùng duyên khởi, sanh diệt và tăng trưởng một cách tương ưng, tương duyên, tương tức và tương tục. Từ một trở thành nhiều, các chủng tử và hiện hành càng ngày càng làm các quang minh nơi tâm thức bị lưu ngại, trì trệ và thô kệch thêm. Từ đó bắt đầu một dòng nghiệp lực với tất cả những giao thoa trộn lẫn những chấp trước có không, yêu ghét, thiện ác kèm theo vô lượng những cảm ứng vi tế phức tạp làm nhân duyên cho nhau, khiến cho chân tâm thanh tịnh khi xưa bị vọng tưởng phân biệt làm vẩn đục và chuyển hiện ra căn thân và thế giới mà chúng ta đang hiện hữu.

Các chủng tử khi đủ duyên thì chuyển biến ra hiện hành. Chủng tử là nhân, hiện hành là quả. Quả hiện hành này do nhân đã hội đủ các duyên nên chuyển biến và hiện khởi nên được gọi là Sở duyên. Sở duyên này lại trở thành nhân, và khi có đủ duyên mới thì chuyển biến thành một hiện hành mới. Hiện hành mới này được gọi là Sở duyên duyên của chủng tử đầu tiên. Ví dụ như cây lúa khi hội đủ các duyên như  đất đai, phân bón, mưa thuận, gió hòa, có người săn sóc nhổ các cây cỏ hoang dại thì sau một thời gian sẽ tăng trưởng chuyển biến và trổ ra những hạt lúa. Những hạt lúa này là sở duyên của cây lúa. Những hạt lúa này khi hội đủ các duyên khác như có người gặt đem về đập ra thành thóc, rồi dã ra thành gạo hay là xay ra thành bột thì những thóc đó, những gạo đó hay những bột đó gọi là sở duyên duyên của cây lúa.

Các nhân duyên khi thì thuận, khi thì nghịch.  Khi thuận thì tăng trưởng, khi nghịch thì héo tàn, khô chết. Khi thuận thì gọi là Thuận tăng thượng duyên, khi nghịch thì gọi là Nghịch tăng thượng duyên.

Các nhân duyên nơi tâm thức thì trùng trùng duyên khởi, khi thì là sở duyên, khi thì là sở duyên duyên, cứ sát na loé lên rồi chợt tắt, quay cuồng liên miên bất tận không bao giờ ngưng nghỉ. Sự liên tục miên viễn, loé lên và chợt tắt không ngưng nghỉ đó gọi là Đẳng vô gián duyên.

Các tiến trình nhân duyên nơi tâm thức cứ tiếp tục triền miên cho đến khi chín mùi thì chuyển hiện ra cái thế giới và chúng sanh chập chùng duyên khởi này. Duy thức gọi thế giới và chúng sanh đầy mê vọng, điên đảo và hạn hẹp này là cảnh giới đới chất hoặc là Đới chất cảnh. Đới có nghĩa là ngăn ngại, là bị bao lại.

Vì chân tâm bị vẩn đục nên các cảnh giới đều bị thấy một cách méo mó không còn trung thực nữa, ví như các cảnh giới bị nhìn qua một cặp kính màu, nếu đeo cặp kính mầu đỏ, cảnh giới sẽ hiện ra đỏ, nếu đeo cặp kính màu xanh thì cảnh giới sẽ hiện ra mầu xanh. Tất cả những nhận thức và phân biệt nơi tâm thức đều vì lý do này hay lý do khác bị biến đổi đi, không còn chân thật nữa được duy thức gọi là Biến kế sở chấp.

Trong cảnh giới chập chùng điên đảo này ta đã bị chìm đắm trong mê đồ ảo phố, không biết ta là ai, ta từ đâu đến và ta sẽ đi về đâu? Đâu là chân lý, và ta phải làm gì?  Thế nào là đúng, thế nào là sai?  Và cứ như thế, trăm nghìn vạn ức câu hỏi không giải đáp khiến ta chuếnh choáng, tay cầm bầu rượu lắc lư, say trong giấc mơ tiên, lảo đảo trong bản luân vũ triền miên, không biết đâu là mơ đâu là thật. Khi thì lấy giấc mơ để luận cảnh giới, khi thì lấy cảnh giới để luận giấc mơ. Trong Nam Hoa Kinh, Trang tử viết không biết ta mơ thấy thành bướm hay là bướm mơ thấy thành ta.

Vì một niệm mê vọng thôi, mà cái tâm thể uyên nguyên, bất sanh bất diệt đó bị nhiễm ô. Rồi những nhiễm ô cứ tăng trưởng, huân tập không ngưng nghỉ, tạo thành nghiệp nhân, cho đến khi đầy đủ nhân duyên thì chín mùi, cấu kết thô kệch lại và chuyển biến thành một thế giới có ngằn mé, có sanh, có diệt đới chất cảnh này. Chỉ vì một niệm bất giác mà khởi ra trùng trùng những điên đảo biến kế sở chấp, khiến cho cái tâm thể uyên nguyên này tách ra thành kiến phần và tướng phần. Kiến phần trở  thành cái ta tức là cái ngã này và  tướng phần trở thành cái thế giới tức là cái pháp này.

Khi chưa giác ngộ thì ta không thể nào tin được đó là hai khía cạnh của tâm thức, người bình thường chỉ thấy tâm ở trong ta và thuộc về ta, thế giới và mọi loài là những vật thể bên ngoài, không phải là ta và cũng không phải trong tâm. Ta có thể là sở hữu chủ của một cõi nước, một làng xã, một số đền đàì, dinh thự, một vài nhánh sông, một vài bãi biển, v.v..., nhưng những vật sở hữu này không phải là ta và rõ ràng chúng ở ngoài  tâm của ta.

Thật ra ta và thế giới không phải là một nhưng cũng không phải là hai. Nếu là một thì sao không gọi ta là thế giới, và nếu là hai thì tại sao ta và thế giới không thể hiện hữu tách rời khỏi nhau. Nếu tách ta ra ngoài thế giới thì làm sao ta biết có thế giới. Và nếu thế giới không có ta thì thế giới chỉ như lông rùa, sừng thỏ. Ta và thế giới ví như mặt trái và mặt phải của đồng tiền. Mặt trái và mặt phải không thể hiện hữu tách biệt khỏi đồng tiền và cả hai mặt trái phải này đều có đồng một thể, thể vàng hay thể đồng của đồng tiền. Ta và thế giới này cũng vậy thôi. Ta và thế giới tức là ngã và pháp chẳng phải khác, chẳng phải là chẳng khác và đều chung một bản thể, đó là tâm thức, một trạng thái vẩn đục của chân tâm.

Như trên đã nói, chỉ vì mê vọng mà tâm thể uyên nguyên bị chia thành kiến phần và tướng phần. Kiến phần là phần năng thấy và tướng phần là phần bị thấy tức là sở thấy. Khi ta thấy được đối tượng là ta biết được ta đang thấy. Cái biết được ta đang thấy đó duy thức gọi là Tự chứng phần.

Nếu tu thiền quán, quán chiếu ngược vào tự tâm, phá tan những mê vọng của phiền não chướng và sở tri chướng, thâm nhập được tự chứng phần, tiếp tục tu trì phá trừ được các mây mù ngăn che của ngũ ấm, sống được trong tánh giác, có được một sự hiểu biết chân thật, sẽ thấu suốt được cái tự chứng phần, đó là sự Chứng tự chứng phần, biết được nơi nương dựa của Tự Chứng Phần. Và cứ đi ngược mãi đến khi phá hết những mê vọng thì ta trở về được cái chân tâm bản hữu thường còn bất biến. Khi ấy mọi sự nhận biết đều là nhận biết chân thực, cái tánh chất chân thực đó đưọc duy thức gọi là Hiện lượng; mọi đối tượng đều được thấy như thị, chân thực không bị biến kế sở chấp. Cảnh giới chân thật này được duy thức gọi là Tánh cảnh. Tánh là chân thực, và cảnh là sở kiến, là đối tượng cuả nhận thức.

Đới chất cảnh được dệt nên bởi trùng trùng những mê vọng do tâm thức bị vọng niệm chuyển biến màø khởi hiện ra. Thế giới mà chúng ta đang hiện hữu là một cảnh giới đới chất. Con người sống trong cảnh giới này luôn luôn phân biệt và so sánh, rồi đưa ra những giả thuyết để đánh giá, biện minh và đặt tên cho mọi sự thể. Vì nương vào sự so sánh và phân biệt nên sự nhân xét và đặt tên này thuộc về Tỷ lượng. Tỷ là so sánh, lượng là đánh giá.

Cảnh tượng có thể hiện ra trong ý thức vì liên tưởng, hồi tưởng hay tưởng tượng, được gọi là Độc ảnh cảnh tức là cảnh giới nương vào sự tưởng nhớ lại nơi tâm thức.

Cũng có khi vì quá sợ hãi hoặc quá ao ước mà hình ảnh được thấy bị méo mó, khác hẳn với hình ảnh thật của nó. Thí dụ đang lo lắng và sợ hãi khi đi lạc trong rừng ta có thể nhận lầm sợi dây gai thành con rắn. Hoặc khi đang quá khát nước trong sa mạc, ta có thể nhận lầm ánh nắng phản chiếu ở đàng trước là hồ nước. Sự quá sợ hãi hay quá mong muốn này khiến chủng tử được lấy ra ở A lại da thức không được chính xác. Thay vì hình ảnh được đưa lên ý căn để so sánh là sợi dây hay là ánh nắng thì lại là con rắn và hồ nước. Tất cả những tánh chất của nhận thức này không thuộc về hiện lượng và cũng không thuộc về tỷ lượng được duy thức đánh gía là Phi lượng.

Ở đây mặc dù có sự hoạt động của nhãn căn, nhưng hình ảnh thấy lại không phải hình ảnh thật sự thấy ở cảnh giới đới chất bên ngoài mà là hình ảnh lấy từ A lại da thức chuyển đến Mạt na thức do sự quá hoảng hốt hay do sự quá mong cầu khiến cho Ý thức lầm nhận. Các hình ảnh nhận biết sai lầm này không phải là Đới chất cảnh nữa mà là Độc ảnh cảnh.

Các Độc ảnh cảnh dựa trên những hình ảnh đã được thấy trong cảnh giới đới chất, chẳng hạn như hình ảnh dây gai bị nhận lầm là con rắn, hình ảnh sóng nắng thấy lầm là hồ nước v.v  được gọi là Hữu chất độc ảnh cảnh vì do những hình ảnh dây gai, con rắn, sóng nắng, hồ nuớc đã từng thấy qua nên mới có sự nẩy sinh vọng tưởng sai lầm.

Các Độc ảnh cảnh có thể khác hẳn những gì ta đã kinh nghiệm, chưa thấy trong cảnh giới đới chất. Các hình ảnh này có thể thật lộng lẫy đẹp đẽ, thật thanh tịnh trang nghiêm như những cung điện cùng tiên trời trong cảnh giới thần tiên và cảnh giới ở cõi Tịnh Độ, hoặc thật kinh sợ như những cảnh giới ở địa ngục. Tất cả các cảnh giới này là do sự tưởng tượng nơi tâm thức, được gọi là Vô chất độc ảnh cảnh.

Chỉ khi nào đạt được Chân Như, trở lại được với cái Chân Không Diệu Hữu bổn lai, chuyển được Thức thành Trí, A lại da thức chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí thì sự vật mới hiện ra một cách như thị, hiện ra một cách mà không lời nói và ngôn từ nào có thể diễn tả được. Nơi đây, mọi nhận biết mới thật là chân hiện lượng. Và hình ảnh nào được nhận biết cũng đều là chân thật, đều là tánh cảnh.

Duy Thức học tạm coi cái sát na đầu tiên mà ngũ căn tiếp xúc với đối tượng trần cảnh khi chưa có sự phân biệt của ý thức là một sự chiếu soi thuộc về hiện luợng. Các hình ảnh tiếp nhận được bởi ngũ căn được ngũ thức đưa thẳng vào A lại da thức mà không qua sự phân biệt của ý thức. Hình ảnh đó được coi như chưa bị bóp méo, một hình ảnh trung thực, một tánh cảnh. Tánh cảnh này xẩy ra chớp nhoáng trong vô thức nên ý thức không thể nhận biết được, các hình ảnh được trực tiếp đưa thẳng vào A lại da thức.

Khi đã thấy có thế giới và chúng sanh thì tánh chất của bất cứ một cái thấy nào cũng xuyên qua nhiều lớp mây mờ của vọng thức nên tánh chất của nhận thức chỉ có thể là Tợ hiện lượng. Tợ hiện lượng có thể là Tỷ lượng hay là Phi lượng.

Ví dụ khi một bông hoa vừa tiếp xúc với nhãn căn, hình ảnh của nó được đưa thẳng vào A lại da thức, trước khi tâm thức nhận biết nó là cái gì, mầu sắc và mùi vị ra sao, thì hình ảnh đó thuộc về tánh cảnh, tánh chất của nó thì như thị, chân thật mà Duy thức gọi là hiện lượng.

Tánh chất của hình ảnh này sẽ mất đi sự chân thực và không được gọi là hiện lượng nữa khi ta biết nó là bông hoa hồng, khi ta biết nó đẹp hay xấu. Khi biết là bông hoa hồng và bông hoa này mầu vàng và đẹp là đã có sự so sánh trong tâm thức rồi nên tánh chất của cái thấy này là tỷ lượng. Hình ảnh bông hoa đó được đưa vào A lại da thức, xuyên qua ý căn (mạt na thức) và được ý thức so sánh với những chủng tử hoa tương tự được lấy ra từ kho tàng A lại da thức. Do đó ý thức mới biết cái được thấy là hoa hồng mầu vàng và rất đẹp.

Nhiều khi tánh chất nhận thức biến đổi vì một sự sợ hãi hoặc mong cầu quá độ, lục căn và lục thức bị che phủ thêm một lớp mây dầy vọng thức thì tánh chất của nhận thức sẽ không chính xác nữa, cảm nhận không đúng và so sánh cũng không đúng. Tánh chất của nhận thức không là hiện lượng và tỷ lượng nữa nên được xếp loại là phi lượng.

Hình ảnh dây gai bị nhận lầm là con rắn và hình ảnh sóng nắng bị nhận lầm là hồ nước nói ở trên được coi là độc ảnh cảnh. Ở đây mặc dầu có sự hoạt động của nhãn căn nhưng vì quá sợ hãi hoặc quá mong cầu nên dữ kiện do nhãn căn đưa vào ý thức không phải là hình ảnh của sợi dây mà làø hình ảnh con rắn do mạt na thức lấy từ a lại da thức chuyển đến ý thức.

Hình ảnh thành Càn Thát Bà là một thí dụ về độc ảnh cảnh. Ban mai đánh thuyền ra biển về hướng rạng đông, nơi mặt trời đang mọc lên, thấy ở nơi chân trời xa hiện lên một thành phố tráng lệ huy hoàng. Thành phố này tan biến khi mặt trời xuất hiện và bấy giờ ta mới biết mê thành ảo phố Càn Thát Bà đó chỉ là ảo tưởng nơi tâm thức, do ánh sáng, hơi nước và các sự phản chiếu hòa hợp tạo ra. Hình ảnh thành phố này không đích thực là hình ảnh được thấy nơi nhãn căn mà chỉ là hình ảnh sai lầm do ý căn đưa lên.

Trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật nói về Độc Ảnh Cảnh này lúc ngài diễn tả cảnh ngủ mê nghe tiếng chầy giã gạo mà mộng là tiếng trống như sau: Như có người ngủ say trên giường gối, trong lúc người kia đang ngủ, trong nhà có người giã gạo, lầm cho là tiếng gì khác, hoặc cho là đánh trống, hoặc là dóng chuông. Tức ngay khi trong mộng, người ấy tự lấy làm lạ sao tiếng chuông lại vang lên giống như là tiếng cây tiếng đá. Khi ấy chợt tỉnh dậy biết là tiếng chầy giã gạo thì người ấy bảo người trong nhà, chính khi tôi chiêm bao lầm tiếng chầy này cho là tiếng chuông, tiếng trống trong chùa.

Trong trường hợp trên vì mê ngủ nên cảm giác do nhĩ căn nhận được chỉ có tánh chất mơ hồ và tiếng động được Ý thức phân biệt là tiếng động sai lầm do A lại da thức đưa lên Ý căn.

Tất cả tánh chất phức tạp của duyên, cảnh và lượng nêu trên chỉ nhằm đưa ra một vài đặc tính căn bản của nhận thức nơi tâm thức. Nếu cứ tiếp tục chia chẻ ra nữa thì ta cũng có thể tạo ra một rừng những danh từ, những khái niệm, định nghĩa và tỷ dụ. Những sự phân chia và những thí dụ đưa ra chỉ có tánh chất tương đối cốt để làm sáng tỏ phần nào các tánh chất phức tạp của nhận thức để ta có một khái niệm về một số danh từ dùng trong Duy Thức Học mà thôi. Vì thế chúng ta cũng đừng nên chấp vào đó để tránh trở ngại cho việc nghiên cứu và tu tập.

Một lần nữa cần nhấn mạnh rằng tất cả những ngôn từ và hình ảnh, tất cả những gì ta có thể hình dung ra được, thấy được, tưởng tượng ra được, hiện ra trong khi tỉnh và khi mê chỉ là biểu hiện của tâm thức và là như huyễn. Tánh cách chân thực của nó chỉ được nhận ra khi Thức chuyển thành Trí, khi A lại da thức chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí. Khi ấy các đối tượng sẽ hiện ra như thị như hình ảnh hiện trên mặt gương sáng.

Hãy đọc một vài câu kệ trong kinh Hoa Nghiêm:

Tất cả đều như huyễn
Huyễn làm hình nam nữ
Và voi, ngựa, trâu, dê
Nhà, cửa, núi, suối, ao
Vườn, rừng cùng bông trái
Vật huyễn không tri giác
Cũng không có trụ xứ
Rốt ráo tướng tịch diệt
Chỉ theo phân biệt hiện
Bồ tát được như vậy
Thấy khắp các thế gian
Tất cả pháp hữu, vô
Thấu rõ đều như huyễn.


Âm lịch

Ảnh đẹp