DUY THỨC TAM THẬP TỤNG LƯỢC GIẢI


Thích Trí Châu Thanh Lương Thiền Thất - Phật Lịch 2549, 2005
22/08/2011 10:07 (GMT+7)
Số lượt xem: 205119
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

DUY THỨC TAM THẬP TỤNG LƯỢC GIẢI
Thích Trí Châu
Thanh Lương Thiền Thất - Phật Lịch 2549, 2005

CHƯƠNG VI

CÁC TÂM SỞ THIỆN, PHIỀN NÃO VÀ BẤT ĐỊNH

BÀI TỤNG THỨ MƯỜI MỘT

Thiện vị: Tín, Tàm, Quý
Vô tham đẳng tam căn
Cần, An, Bất phóng dật
Hành xả cập Bất hại.

Dịch là:

Thiện gồm: Tín, Tàm, Quý,
Vô tham thẩy ba căn
Cần, An, Bất phóng dật,
Hành xả và Bất hại.

Mười một món Tâm sở Thiện chỉ tương ưng với các tâm thiện. Tất cả có 11 thứ: Tín, Tàm, Quý, Vô tham, Vô sân, Vô si, Tinh tấn, Khinh an, Bất phóng dật, Hành xả và Bất hại.

Tín là tánh của sự hiểu biết và lòng tin sâu sắc vào phẩm chất và nghiệp dụng của các pháp mà vui lòng nhẫn chịu theo. Lòng tin vào các thật tế về lý và sự của các pháp hiện hữu, vào đặc tính và phẩm chất thanh tịnh của Tam bảo, vào các năng lực của thiện pháp mà khởi tâm ham muốn, dũng mãnh tu trì để vào được Thánh đạo. Do đó đối trị được tâm bất tín và giữ được tâm thanh tịnh.

Tàm là biết xấu hổ với chính mình. Do sự hiểu biết của chính mình hoặc do giáo pháp đã học được mà đem lòng tôn kính các bậc hiền thiện và ưa thích việc lành. Xấu hổ với việc làm ác, đối trị tâm không biết xấu hổ.

Quý là biết thẹn với người. Tánh của tâm sở này là khi làm việc ác hay việc gì sai quấy thì hay hổ thẹn với người, do đó mà không gần ngươi dữ và không làm việc ác, đối trị với tâm không biết thẹn và ngăn việc làm ác.

Vô tham, vô sân, vô si được gọi chung Vô tham đẳng tam căn, là ba thiện căn, là yếu tố cần thiết để phát sinh điều thiện và đối trị được ba độc tham, sân và si, là những nguồn gốc của các phiền não.

Cần là tinh tấn, chuyên cần, siêng năng đoạn các việc dữ và làm các việc lành. Nghiệp dụng của nó là đối trị sự giải đãi.

An là khinh an, là trạng thái trầm tĩnh, luôn giữ cho thân tâm được an nhàn, cởi mơ,û xa lìa những gì rắc rối, thô trược, bực bôi, khó chịu. Nghiệp dụng của nó là đối trị hôn trầm, giữ thân tâm được an vui, xa lìa các chướng ngại cho sự thiền định.

Bất phóng dật là sự phối hợp của tinh tấn với ba thiện căn vô tham, vô sân, vô si, xa rời các pháp ô nhiễm, vun trồng, bồi dưỡng và tu trì các pháp thiện trong thế gian và xuất thế gian. Nghiệp dụng của nó là đối trị sự giải đãi, buông lung và phóng túng, luôn nghiêm mật tu trì hầu đạt đạo quả.

Hành xả là không chấp trước, giữ cho tâm luôn được yên tịnh khiến được an trú nơi vô công dụng hạnh, làm mà như không làm, làm điều thiện mà không chấp trước. Nghiệp dụng của nó là đối trị sự lăng xăng trạo cử, xa lìa mọi tạp nhiễm khiến tâm được bình lặng trong trạng thái thiền định.

Bất hại là không làm tổn hại đến các chúng sanh khác. Bản chất của nó là vô sân. Không sân hận nên không làm cho các chúng sanh khác đau khổ hay bị tổn hại. Vô sân và bất hại là hiển thị của Từ và Bi, sự cứu khổ và ban vui đến mọi người, lòng vị tha và thương xót khiến đem lại an vui và không làm tổn hại đến các loài chúng sanh khác.

BÀI TỤNG THỨ MƯỜI HAI

Phiền não vị: Tham, Sân
Si, Mạn, Nghi, Ác kiến
Tùy phiền não vị: Phẫn
Hận, Phú, Não, Tật, Xan

Dịch là:

Phiền não gồm: Tham, Sân,
Si, Mạn, Nghi, Ác kiến.
Tùy phiền não gồm: Phẫn,
Hận, Phú, Não, Tật, Xan.

Các phiền não thuộc về Ác nghiệp được chia làm 2 loại là Căn bản phiền não và Tùy phiền não.

Căn bản phiền não gồm 6 món là Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi và Ác kiến. Tùy phiền não gồm 20 món được chia làm 3 thứ là 10 thứ Tiểu tùy, 2 thứ Trung tùy và 8 thứ Đại tùy.

Tham là tham lam, đắm nhiễm, muốn thủ đắc những gì ưa thích như tiền bạc, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống và ngủ nghỉ (tài, sắc, danh, thực, thùy thuộc ngũ dục). Nghiệp dụng của nó là chướng ngại tánh Vô tham, là nguyên nhân của khổ đau, khiến bị lôi cuốn trong sanh tử luân hồi.

Sân là tánh khó chịu, bực mình, ghét giận những gì không vừa ý, khởi sinh nóng giận và khổ đau khi gặp những chướng ngại. Nghiệp dụng của nó là làm chướng ngại tánh Vô sân và khởi lên các ác nghiệp gây khổ não cho chúng sanh khác khiến chìm đắm trong tam giới.

Si là tánh vô minh mê muội đối với mọi sự lý, không phân biệt được đúng sai, phải quấy. Nhiệp dụng của nó là làm chướng ngại tánh Vô si, là nguyên nhân khởi sinh tánh nghi ngờ, tà kiến cùng các căn bản phiền não khác, khiến cho mê mờ ngụp lặn trong tam giới lục đạo.

Mạn là tánh cao ngạo, luôn thấy mình hơn người khác. Nghiệp dụng của nó là làm chướng ngại tánh không ngã mạn, khiến không được khiêm tốn với người khác, là nguyên nhân của khổ đau, sanh tử luân hồi. Tánh này sẽ đoạn được khi tu tập đến địa vị Kiến Đạo.

Nghi là tánh do dự không quyết định và không phân biệt rõ ràng các nguyên tắc và đạo lý. Nghiệp dụng của nó là nghi ngờ các thiện pháp khiến các pháp này không thể sanh khởi được.

Ác kiến là những nhận định và xét đoán nhiễm ô và sai lầm đối với các đạo lý và nguyên tắc, là những sự hiểu biết không chơn chánh. Nghiệp dụng của nó là làm chướng ngại các thiện pháp và chân đế, chiêu cảm sự khổ đau trong sanh tử luân hồi. Ác kiến này lại được chia làm 5 loại:
- Thân kiến là chấp các uẩn cho là ngã và ngã sở.
- Biên kiến là chấp đoạn, chấp thuờng gây chướng ngại cho con đường trung đạo.
- Tà kiến là kiến chấp sai lầm, không nhận ra được luật nhân quả và sự thật của mọi sự việc. Thí dụ như mê tín dị đoan.
- Kiến thủ là chấp các tà kiến, biên kiến và thân kiến là đúng. Không chịu sửa đổi và không chấp nhận sự thật.
- Giới cấm thủ là chấp vào các giới cấm sai lầm do tà kiến khiến chịu đựng khổ đau vô ích. Như mù quáng thực hành những giới cấm của tà đạo.

Do các Căn bản phiền não trên mà phát sanh 20 thứ Tùy phiền não được nói đến ở hai câu cuối của bài tụng thứ 12, ở bài tụng thứ 13 và ở hai câu đầu của bài tụng thứ 14, sẽ được bàn đến ở đoạn sau.

BÀI TỤNG THỨ MƯỜI BA VÀ MƯỜI BỐN

Cuống, Siễm dữ Hại, Kiêu
Vô tàm cập Vô quý
Trạo cử dữ Hôn trầm
Bất tín tinh Giải đãi
Phóng dật cập Thất niệm
Tán loạn, Bất chánh tri
Bất định vị: Hối, Miên
Tầm, Tứ nhị các nhị.

Dịch là:

Dối, Nịnh và Hại, Kiêu
Vô tàm và Vô quý
Trạo cử với Hôn trầm
Không tin cùng Giải đãi
Phóng dật và Không nhớ
Tán loạn, Không chánh tri
Bất định gồm: Hối, Miên
Tầm, Tứ hai đều hai.

Hai câu kệ sau của bài tụng thứ mười hai

Tùy phiền não vị: Phẫn
Hận, Phú, Não, Tật, Xan

đi chung với bài tụng thứ mười ba và mười bốn ở trên liệt kê 20 món Tùy phiền não.

Tùy phiền não gồm có 20 món, chia ra làm 10 món tiểu tùy: Phẫn, Hận, Phú, Não, Tật, Xan, Cuống, Siễm, Hại, Kiêu; 2 món trung tùy: Vô Tàm, Vô Quý; 8 món đại tùy:  Trạo Cử, Hôn Trầm, Bất Tín, Giải Đãi, Phóng Dật, Thất Niệm, Tán Loạn và Bất Chánh Tri.

10 món tiểu tùy:

Phẫn là tánh hay tức giận khi gặp điều không vừa ý hoặc khi có ai làm trái ý mình. Tất cả những lời nói, ý kiến hay hành động của người khác không hạp với ý mình đều có thể làm mình phiền lòng và giận ghét. Tánh chất của nó là làm chướng ngại tánh Vô sân. Tánh chất của Phẫn là do Sân mà ra.
Hận là sự tiếp nối của Phẫn, là sự kéo dài của sự giận dữ khiến không quên được những việc không làm vừa ý mình. Nó làm chướng ngại sự buông xả. Vì không buông xả được nên luôn cảm thấy khổ đau và phiền não. Tánh chất của Hận cũng do Sân mà ra.
Phú là tánh hay che dấu những điều xấu hay ác đã làm của mình vì sợ mất quyền lợi hay danh dự và thể diện. Nó làm chướng ngại tâm ngay thẳng, không che dấu và khiến cho luôn luôn bị bức rức, không an tâm. Tánh này do Tham mà ra.
Não nghĩa là não loạn do Phẫn, Hận sanh ra, dễ nổi cơn nóng giận, thịnh nộ khiến có những lời nói thô bạo và hành động tàn ác. Nó làm chướng ngại tánh không não loạn. Tánh này cũng do Sân mà ra.
Tật nghĩa là tật đố, đố kỵ, không muốn thấy ai hơn mình. Luôn chạy theo danh lợi, ghen ghét khi thấy người khác thành công hay làm gì hay hơn mình. Nó chướng ngại tâm không tật đố và khiến luôn ưu phiền vì lúc nào cũng muốn hơn người khác. Tánh tật đố là do Tham và Sân sanh ra.
Xan là tánh bỏn xẻn, xan tham, không san xẻ và giúp đỡ ai. Tham lam, luôn giấu giếm, bòn góp tài vật. Nó chướng ngại tánh không xan và lòng từ thiện. Tánh này do Tham mà sanh ra.
Cuống nghĩa là dối trá, là tánh hay dối gạt, lừa dối để được lợi dưỡng cả về danh lẫn tài. nó làm trở ngại tánh ngay thẳng. Tánh này do Tham và Si sanh ra làm cho cuộc sống bị suy đồi, không còn lương thiện. Người luôn dối trá thì luôn tìm kế để nói dối nên tâm không được an nhiên.
Siễm là tánh a dua, nịnh hót, nói quanh co để làm vừa lòng hoặc để tán dương người khác hầu đem lợi dưỡng cho mình. Tánh này chướng ngại tánh thành thật, không nịnh hót và làm cho không thể học hỏi và nghe lời chỉ dậy của người khác. Tánh này do Tham và Si gây ra.
Hại là tánh hay hại người khác. Không có lòng từ bi và bác ái, luôn có lòng ác độc, đố kỵ và có ý muốn hãm hại người khác. Tánh này làm chướng ngại tánh Vô hại. Tánh này do Sân mà ra.
Kiêu là coi mình hơn người khác. Tánh này làm trở ngại tánh khiêm nhường, nhường nhịn. Tánh này do Tham ái mà ra.

2 món trung tùy:

Vô tàm là tánh không biết hổ thẹn với chính mình về những việc xấu, ác, bất thiện đã làm. Nghiệp dụng của Vô tàm là làm chướng ngại tánh biết hổ thẹn với chính mình, làm tăng trưởng các điều ác.
Vô quý là tánh không đếm xỉa đến người khác, không biết hổ thẹn với mọi người xung quanh về những việc ác và bất thiện đã làm. Nghiệp dụng của tánh này là chướng ngại tánh biết hổ thẹn đối với tha nhân về những việc làm bất thiện của mình khiến coi thường những người tốt và tăng trưởng các bất thiện pháp.

8 món đại tùy:

Trạo cử là tánh chao đảo, không trầm tĩnh và không giữ tâm được tĩnh lặng. Chướng ngại cho việc hành xả, khinh an và tu chỉ tức là không thể định tâm được.
Hôn trầm là tánh hay mệt mỏi, không chú tâm được vào một vấn đề gì. Không hòa hợp được thân tâm để quán sát và suy tư về một vấn đề gì. Thân tâm luôn trọng trược, nặng nề, chướng ngại cho sự khinh an, việc tu quán và sự phát triển trí huệ. Tánh này do Si sanh ra.
Bất tín là tánh không tin vào các pháp lành, tâm bị ô nhiễm không tin ở khả năng của mình và phẩm chất của các pháp chân thật. Vì không tin vào các pháp chân thật nên  thường hay lười biếng, giải đãi, không tu trì và không mong cầu giải thoát. Nghiệp dụng của nó là chướng ngại tâm thanh tịnh và sự tinh tấn.
Giải đãi là tánh lười biếng, không chịu tu trì các pháp thiện để xa rời nhiễm ô.  Nghiệp lực của nó là chướng ngại tánh tinh tấn, không lo đoạn ác tu thiện khiến tăng trưởng tánh nhiễm ô.
Phóng dật là tánh phóng túng và buông lung. Không làm việc gì được cẩn thận và không để ý đến công việc đang làm khiến không thể đoạn được việc ác và trở ngại cho những việc lành. Nghiệp dụng là làm chướng ngại tánh Bất phóng dật, làm tăng trưởng việc ác và tiêu trừ việc thiện. Tánh này do giải đãi và tham, sân, si sanh ra vì khiến không ngăn ngừa được việc ô nhiễm và không tu tập được pháp thanh tịnh.
Thất niệm là tánh hay quên, không nhớ các việc đã trải qua tức các cảnh đã duyên. Nghiệp lực của nó là chướng ngại Chánh niệm và đưa đến Tán loạn.
Tán loạn làm cho tâm bị rối loạn, không nhất tâm được vào một việc gì, cứ hết duyên cảnh này rồi duyên cảnh khác. Nghiệp dụng của nó là làm chướng ngại chánh định và khởi sanh các ác huệ nghĩa là không có trí huệ chân chính.
Bất chánh tri là không hiểu rõ cảnh sở quán, nhiều khi hiểu sai đi khiến trở ngại cho việc hiểu biết đúng. Nghiệp dụng của nó là chướng ngại chánh tri và là nguyên do cho sự phạm các việc ác, các giới cấm.

Bây giờ hãy bàn đến Bốn món Bất Định Tâm Sở là Hối, Miên, Tầm và Tứ ở hai câu cuối của bài tụng thứ 14:

Bất định vị: Hối, Miên
Tầm, Tứ nhị các nhị.

Dịch là:

Bất định gồm: hối, miên
Tầm, tứ hai đều hai

4 món bất định tâm sở gồm có Hối, Miên, Tầm và Tứ. Cả hai loại Hối Miên và Tầm Tứ đều không nhất thiết là thiện hay là ác, có khi là thiện, có khi là ác nên luận chủ nhấn mạnh là nhị các nhị. Chúng cũng không nhất thiết phải tương ưng với tất cả các thức tâm vương như năm tâm sở biến hành Xúc, Tác ý, Thọ, Tưởng và Tư. Chúng cũng không nhất định ở một cảnh nào mà duyên như năm tâm sở biệt cảnh Dục, Thắng giải, Niệm, Định và Huệ. Vì vậy chúng được gọi là Bất Định Tâm Sở.

Hối là hối tiếc những việc ác hay việc thiện đã làm, là cảm giác sanh ra do tánh không thích những việc làm ác hay là do tánh không thích việc làm thiện. Nếu hối tiếc những việc ác đã làm thì hối này thuộc về thiện pháp, nếu ngược lại chỉ hối những việc thiện đã làm thì hối này thuộc về bất thiện pháp. Nghiệp dụng của nó là làm chướng ngại việc giữ tâm được an nhiên tức là chướng ngại việc tu chỉ.
Miên là tánh làm cho thân bị mệt mỏi, tâm bị chướng ngại, không chú tâm được. Khi đang làm việc gì, hoặc là khi làm xong việc gì rồi dù là thiện hay ác mà cứ suy nghĩ, tính toán liên miên, không biết phải làm gì, không nên làm gì, hoặc là hối tiếc những việc đã làm, cứ ấm ức suy nghĩ tới lui mãi, tinh thần dễ bị mệt mỏi. Nghiệp dụng của nó là làm chướng ngại việc tu quán khiến không làm chủ được thân tâm.
Tầøm là luôn luôn chạy theo cảnh, hết theo đuổi tìm hiểu việc này đến tìm kiếm việc khác.
Tứ là suy nghĩ sâu, theo dõi, truy cập chi tiết vào việc đã theo đuổi và tìm kiếm lúc đầu. Tứ là sự theo đuổi, dò xét và tìm hiểu các cảnh một cách sâu xa và tế nhị còn Tầøm thì theo đuổi và tìm kiếm có tánh chất hời hợt và thô thiển hơn.

Thí dụ, nếu thấy một cô gái đẹp thì khởi niệm muốn biết tên tuổi của cô ta. Đó là bắt đầu của sự truy tầm. Sau đó bỏ công theo dõi để biết thêm về gia thế của cô đó, cô ấy ở đâu, bao nhiêu tuổi, con cái của ai, học trường nào, sở thích của cô ta, v.v.. thì đó là tiến trình của Tứ.

Nếu theo đuổi, tìm kiếm và suy nghĩ tính toán về các việc thiện thì hai Tầm và Tứ này thuộc về thiện pháp, nếu ngược lại chỉ thích tính toán và theo đuổi những việc có hại cho người khác thì hai pháp này thuộc về bất thiện pháp. Thí dụ, được người thân dắt đi chùa, từ đó khởi tâm tìm hiểu về sinh hoạt của chùa, tìm hiểu giáo lý Phật đà, khởi tín tâm, tìm cách thân cận và học hỏi nơi các vị tu sĩ và thiện tri thức trong Phật giáo thì đó là sự Tầm Tứ hướng về Thiện pháp. Còn như theo dõi tìm hiểu rõ về sinh hoạt của một người giầu có nào đó với mục đích làm một kế hoạch để tống tiền thì sự Tầm và Tứ này thuộc về Bất Thiện pháp.

Tóm lại hai cặp Hối Miên và Tầm Tứ này tùy theo cái dụng của chúng mà có thiện và có ác chứ không nhất định phải là ác hay là thiện nên bài tụng nói nhị các nhị nghĩa là hai đều hai, hai đều hai cả hai pháp này đều có cả hai tánh thiện và ác, không nhất thiết là thiện cũng không nhất thiết là ác, cặp tâm sở này khi thì là thiện khi thì là ác tùy theo mục đích, nghiệp dụng của chúng. Do đó chúng được xếp loại là Bất Định Tâm Sở.


Âm lịch

Ảnh đẹp