DUY THỨC TAM THẬP TỤNG LƯỢC GIẢI


Thích Trí Châu Thanh Lương Thiền Thất - Phật Lịch 2549, 2005
22/08/2011 10:07 (GMT+7)
Số lượt xem: 210251
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

DUY THỨC TAM THẬP TỤNG LƯỢC GIẢI
Thích Trí Châu
Thanh Lương Thiền Thất - Phật Lịch 2549, 2005

CHƯƠNG II
ĐẠI CƯƠNG VỀ A LẠI DA THỨC

 

Như trên đã giải thích, thế giới và chúng sanh chỉ là huyễn, đều do tâm thức chuyển biến mà biểu hiện ra. Duy Thức chia tâm thức ra làm ba phần: Sơ là Dị Thục Thức, Nhị là Tư Lương Thức và Tam là Liễu Biệt Cảnh Thức.

Trong chương này chúng ta sẽ nghiên cứu thức năng biến thứ nhất còn được gọi là Thức Sơ Năng Biến. Sơ năng biến tức là thức năng biến đầu tiên. Trong nửa cuối của bài tụng thứ hai, ngài Thế Thân viết Sơ A lại da thức, Dị thục, Nhất thiết chủng, có nghĩa là thức sơ năng biến này có ba đặc tánh và tùy theo mỗi đặc tánh mà có các tên gọi khác nhau: A lại da thức, Dị thục thức và Nhất thiết chủng thức.

A lại da là âm của tiếng Phạn Alaya, có nghĩa là cái kho mà tiếng Hán Việt gọi là tàng. Gọi thức sơ năng biến là A lại da thức là muốn nói đến cái công năng chứa đựng và tích lũy của nó. Tất cả mọi chủng tử và hiện hành đều được chứa trong A lại da thức. Các chủng tử và hiện hành này do mê vọng chuyển hiện ra, sau đó lại tự làm nhân duyên cho nhau mà chuyển biến ra muôn loại chủng tử và hiện hành khác. Các chủng tử và hiện hành này cứ như thế, như thế trùng trùng duyên khởi mà phát triển thành vô lượng, đủ loại mọi hạt giống, xấu có, tốt có và có cả loại không xấu lẫn không tốt.

Nhất thiết chủng là muốn nói đến đủ mọi hạt giống chủng tử đều được chứa đựng trong tàng thức. Các chủng tử này gồm đủ loại, sanh tử và niết bàn, mê ngộ và khổ vui. Có những chủng tử sẵn có từ thời vô thủy, có những chủng tử đang được huân tập, chuyển biến và có cả những chủng tử đã và đang bị hủy diệt. A lại da thức ví như mảnh đất trong đó đủ mọi hạt giống được vun trồng. Tất cả các pháp hiện hành trong thế gian và xuất thế gian đều có chủng tử tiềm tàng trong A lại da thức nên thức này còn được gọi là Nhất thiết chủng thức.

Dị thục là muốn nói đến sự chuyển biến và hiện khởi ra chúng sanh và quốc độ của thức sơ năng biến, đòi hỏi phải có một thời gian để các chủng tử hội đủ được các điều kiện nhân duyên để chín mùi. Các chủng tử trong A lai da thức khi thuận duyên thì hòa hợp với nhau rồi huân tập và tăng trưởng lên. Huân nghĩa là xông ướp, là hun đúc, tập là nhóm hợp lại, tỷ như trà mạn sen là trà đã được xông ướp bằng hương thơm của hoa sen, mùi trà đã hợp lại với mùi thơm của hoa sen nên trà mạn sen lúc nào cũng có hương vị của sen. Các chủng tử được huân tập là các chủng tử được xông ướp trong một thời gian nào đó để cho các đặc tính của chúng hợp lại và thẩm thấu vào nhau. Nếu ví chủng tử như hạt giống thì sự huân tập được hiểu theo nghĩa là hạt giống được luôn luôn tưới bón cho đến khi thuần thục thì nẩy mầm và tăng trưởng thành cây nhánh và hoa trái. Nếu ví như bức tranh thì sự huân tập ví như các mầu sắc cứ được tô điểm lên hình vẽ cho đến khi nó trở thành một bức tranh có mầu sắc và ý nghĩa.

Huân tập còn được hiểu theo nghĩa là một việc gì cứ lập đi lập lại thành thói quen, lúc đầu thì lọng cọng nhưng khi đã quen rồi thì làm không cần phải suy nghĩ. Thí dụ khi đứa bé mới tập đi thì lúc đầu cứ đứng lên đi một vài bước là ngã nhào xuống, khi quen rồi thì chạy nhẩy rất nhanh. Hay lấy thí dụ như khi mới bắt đầu tập viết chẳng hạn thì lúc đầu viết mẫu tự A cũng rất khó, khi viết quen rồi thì nhắm mắt viết cũng thành chữ, thành thơ. Lấy một ví dụ nữa như hằng ngày đi làm, ta cứ đi một con đường để đi từ nhà tới sở. Đi riết thành quen nên có ngày ta không phải đi làm nhưng nếu lơ đãng, đôi khi thay vì lái xe đến chợ ta lại lái xe đến sở làm. Hoặc như việc hút thuốc hay uống rượu chẳng hạn; ban đầu hút thuốc thì bị sặc sụa, ho và khó chịu vì khói thuốc; lúc mới bắt đầu uống rượu thì thấy đắng, uống không muốn vô; thế mà khi đã thành nghiền rồi thì thiếu điếu thuốc hay chén rượu là không thể chịu được.
Xem thế thì huân tập một việc gì là làm việc đó nhiều lần cho đến khi thuần thục thành thói quen. Sự huân tập đưa đến các thói quen khiến sự việc được tiến hành mà không cần phải suy nghĩ. Các thói quen hay là tập quán này còn gọi là tập khí, là nghiệp nhân, chúng tạo thành nghiệp lực và đưa đến nghiệp quả. Nghiệp Quả ở các ví dụ trên là những cây cối được mọc lên do sự thường xuyên tưới bón các hạt giống, là sự biết đi của đứa bé, là sự hoàn thành một bức tranh mầu sắc đẹp đẽ hay là sự nghiền uống rượu say sưa hút sách bê bối.

A Lại Da thức có khả năng tiếp nhận, duy trì và làm các hạt giống chủng tử tăng trưởng, chuyển biến dị thục cho đến khi có đầy đủ nhân duyên thuần thục chín mùi thì hiện khởi ra căn thân và thế giới.

Căn thân là quả dị thục của các chủng tử biệt nghiệp nơi mỗi chúng sanh, còn được gọi là Chánh Báo. Căn thân gồm hai phần là danh và sắc. Danh là tâm thức bao gồm cả bốn uẩn thọ, tưởng, hành và thức. Sắc là thân xác thô kệch, là sự kết hợp của tứ đại đất, nước, gió, lửa, với các lục phủ ngũ tạng và phù trần căn.

Thế giới hay là quốc độ là quả dị thục của các chủng tử cộng nghiệp nơi các chúng sanh. Thế giới là Y Báo, là nơi mà chánh báo nương tựa để sinh sống. Nếu chánh báo là người thì y báo là đất đai, nhà cửa, sông núi, cây cối, là tất cả các cảnh giới và tất cả các loài chúng sanh khác cần thiết cho sự hiện hữu và sinh tồn của con người trên trái đất này.

Tùy theo nghiệp lực mà mỗi chúng sanh đắc được một thân căn nào đó trong tam giới cửu địa.

Tam giới gồm có ba cõi: dục giới, sắc giới và vô sắc giới.

Dục giới là nơi có năm loài chúng sanh ở lẫn lộn gọi là ngũ thú tạp cư địa. Năm loài này gồm Trời, Người, Súc Sanh, Ngạ Quỷ và Địa Ngục. Ở đây chỉ nói đến năm loài thôi mà không nói đến loài A tu la vì loài này có thể hiện thân là bất cứ loài nào trong năm loài trên. A tu la là một loài rất sân và ác độc; nếu ở trên trời thì là một vị ác thần; nếu là người thì là một ác nhân như những tên sát nhân, những tướng cướp hung dữ, những cường hào ác bá, những lãnh chúa độc tài; nếu ở trong loài súc sanh thì là loài ác thú như loài lang sói, hổ báo; nếu ở loài ma quỷ  hay địa ngục thì là loài  quỷ dữ chuyên quấy phá và não hại loài khác.

Sắc giới có bốn cõi thiền là: Ly sanh hỷ lạc địa tức là cõi Sơ Thiền, Định sanh hỷ lạc địa tức là cõi Nhị Thiền, Ly hỷ diệu lạc địa tức là cõi Tam Thiền, Xả niệm thanh tịnh địa tức là cõi Tứ Thiền.

Vô sắc giới có bốn cõi là: Không vô biên xứ địa, Thức vô biên xứ địa, Vô sở hữu xứ địa và  Phi tưởng phi phi tưởng xứ địa.

Trong cả ba cõi có chín địa nên có danh từ Tam Giới Cửu Địa. Tam Giới Cửu Địa còn được gọi là Tam Giới Lục Đạo, ý nói trong tam giới có sáu loài chúng sanh gồm có trời, người, a tu la, súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục.

Trong quá khứ các hạt giống chủng tử sẵn có trong A lại da thức duyên với thế giới trần cảnh bên ngoài cùng với các hành tướng của các uẩn Thọ, Tưởng, Hành, Thức bổ xung cho nhau, tăng trưởng rồi chuyển biến và hiện khởi ra Chánh Báo và Y Báo của kiếp hiện tại. Căn thân và Thế giới của chúng ta bây giờ là quả dị thục của các nghiệp nhân đã tạo trong quá khứ. Các chủng tử câu sanh (các chủng tử vốn sẵn có từ trước) và các chủng tử hiện tại lại tiếp tục làm nhân duyên cho nhau để rồi chuyển biến thành một Chánh Báo và Y Báo mới trong đời vị lai.

Ta hãy nghiên cứu bài tụng thứ ba của Bồ tát Thế Thân nói về đặc tính của Tàng thức sơ năng biến này.

BÀI TỤNG THỨ BA

Bất khả tri chấp thọ,
Xứ liễu. Thường dữ Xúc,
Tác Ý, Thọ, Tưởng, Tư.
Tương ưng duy xả thọ.

Dịch là:

Không thể biết thọ thân
Xứ nào. Thường cùng Xúc,
Tác Ý, Thọ, Tưởng, Tư.
Chỉ tương ưng xả thọ.

Các sự huân tập và chuyển biến trong A lại da thức thì thật tiềm ẩn và vi tế nên người chưa đắc đạo không thể biết được sẽ thọ thân làm loài gì và ở trong quốc độ nào. Dựa trên lý nhân duyên, nghiệp báo và nhân quả ta sẽ biết một cách đại khái rằng nếu muốn thọ lại thân người thì phải giữ ngũ giới, nếu muốn thọ thân trời thì phải giữ thập thiện. Thọ thân người và trời ra sao, làm thân trưởng giả hay bần hàn, làm người giỏi giang hay ngu xuẩn, làm vị trời cõi nào, cõi dục giới, sắc giới hay vô sắc giới thì cũng rất khó mà biết chính xác, chỉ biết càng thọ trì nghiêm mật, càng tạo nhiều phước báu thì cảnh giới càng cao hơn.

Tiện đây cũng nên nói sơ lược về ngũ giới và thập thiện vì cũng có một số đông còn chưa thọ tam quy ngũ giới.

Tam quy là tam quy y, quy y là nương tựa, tam là ba. Tam quy y cũng gọi là quy y tam bảo là nương tựa vào ba nơi tôn quý Phật, Pháp, Tăng để tu trì. Nương tựa vào Phật là vị đã giác ngộ và chỉ dậy cho chúng ta đường lối tu hành để được giải thoát. Nương tựa vào Pháp là thực hành đường lối Phật đã chỉ dậy. Nương tựa vào Tăng, là đoàn thể những người đã bỏ được đời sống thế tục, quyết tâm tu hạnh giải thoát. Dưới đây là các câu tụng Tam quy dựa theo thiền sư Nhất Hạnh:

Con về nương tựa Phật, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.
Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết.
Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức.

Ngũ giới là năm giới cho hàng Phật tử nương theo đó mà tránh vi phạm. Năm giới đó là: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không nghiện ngập.
Khi xưa thời Phật chỉ nói không uống rượu nên hàng tăng lữ nhiều khi nương vào đó để tha hồ hút sách và cờ bạc.

Giới cấm là cái căn bản tiêu chuẩn đặt ra cho chúng ta nương theo mà không vi phạm. Nếu vi phạm thì phải thọ nhận quả báo. Muốn thọ lại thân người, muốn được có một đời sống an vui, bớt phiền não thì hãy ráng mà tự giữ gìn. Quả báo nhãn tiền thì đừng có trách ai. Thiền sư Thanh Từ nói bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả. Hàng phàm phu chúng ta chỉ thích hưởng thu, chừng nào tai họa đến thì la làng, cầu xin khắp nơi mà đâu biết rằng gieo nhân nào thì thọ quả đó. Phật là bậc đại trí và đại bi chỉ cho chúng ta những việc không được làm để có thể đắc được đạo quả, chúng ta không giữ gìn thì còn than khóc và cầu xin làm gì. Chính ngay đức Phật cũng phải trả quả báo, chính ngài cũng phải bị đau đầu ba ngày ba đêm vì trong kiếp quá khứ đã đập vào đầu con cá ba lần, ngay dòng họ của ngài cũng bị dòng Lưu Ly giết sạch dù rằng có Mục Kiền Liên dùng thần thông bảo vệ cũng vô ích.

Còn Thập Thiện là gì? Thập thiện là mười điều thiện, mười điều thiện đó là không làm mười điều ác. Mười điều ác gọi là Thập Ác. Những ai muốn thọ thân trời thì đừng phạm mười điều ác này: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt (nói hai đầu, nói lời ly gián), ác khẩu (nói lời thô lỗ, độc ác), uế ngữ (nói lời nhơ nhớp, dâm dục), tham dục, sân tức (nóng giận, bực tức), Tà kiến (không tin nhân quả, không tin chánh pháp).

Không thể biết rõ ràng các chủng tử được gieo vào Alại da thức như thế nào, chúng kết hợp với các chủng tử có sẵn ở đó ra sao, chúng tăng trưởng và chuyển biến như thế nào, khi nào sẽ chín mùi và sẽ thọ nhận cái thân loài nào và ở quốc độ nào, nên nói Bất khả tri chấp thọ xứ liễu. Chấp là bám víu vào, thọ là sự thọ nhận một thân căn (chánh báo), xứ là nơi chốn mà thân căn nương vào để sinh sống tức là y báo, liễu là sự phân biệt, nhận biết.

Như trên đã nói, những hoạt động và chuyển biến nơi tâm thức thì rất vi tế và phức tạp nên không thể biết tường tận hành tướng của chúng ra sao. Khoa học cũng chỉ nghiên cứu được phần nào thôi. Sự nghiên cứu đó phần lớn ở trong phạm trù sắc tướng và hiện tượng chứ khó mà đi sâu được vào hai phương diện tâm linh và siêu hình.

Còn cảnh giới y báo thì thật vô biên. Nội cái hư không này thôi, ta cũng không đo lường đuợc ngằn mé của nó. Làm sao có thể tưởng tượng ra được trái đất to tướng nặng nề này lại có thể quay lơ lửng trong hư không. Không những thế mà ngoài trái đất này còn có bất khả thuyết số các hành tinh khác to gấp vô số lần trái đất, cũng lơ lửng và quay cuồng trong các quỹ đạo riêng với vận tốc nhanh hoặc chậm gấp vô số lần so với sự quay của trái đất. Khoa học chỉ nghiên cứu các hiện tượng, đặt ra các giả thuyết và định đề để tìm ra các cơ cấu, các định lý, các nguyên tắc, các hằng số và các định luật chi phối các hiện tượng đó nhưng không thể nào cắt nghĩa được cái cội nguồn rốt ráo của mọi hiện tượng.

Những khái niệm, những giải thích về nhân quả, về nghiệp báo, về nhân duyên của A lại da thức đều là những cảnh giới bất khả tư nghì mà chư Phật trong tam thế mười phương đã thể chứng được khi các ngài chứng đắc được vô thượng chánh đẳng chánh giác. Cảnh giới bất khả tư nghì này không thể dùng tri kiến và học thức thường tình mà nghĩ bàn được, nó chỉ có thể trực nhận được khi đạt đến cảnh giới chân như bằng các phương pháp tu trì như Lục Độ Vạn Hạnh tức Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tiến, Thiền định và Trí huệ.

Chân Như tuyệt đối hay là Chân Không Diệu Hữu đó chỉ có thể đạt đến bằng công năng tu trì và thiền quán nhằm loại bỏ tất cả các tập nhiễm có từ vô thủy, từ thô đến tế để đưa tâm thức trở về cái bản thể thanh tịnh uyên nguyên của nó. Chỉ khi ấy ta mới nhận chân ra cái cảnh giới như thị, không thể nghĩ bàn mà chư Phật trong tam thế mười phương đã chứng đắc.

Khi đã có được khái niệm về chân tâm và khi đã thật sự tin rằng bản tánh của mình vốn là Phật, vốn là Giác Ngộ, vốn là Chân Như thì hãy ngưng những kiến chấp thường tình, những hý luận và tranh cãi. Hãy tinh tấn tu hành, giữ giới, tu thiền, hành từ bi, tập hỷ xả đúng như chánh pháp của đức Thích Ca và chư Tổ đề ra trong các kinh, luật và luận. Chỉ khi ấy Trí Huệ Bát Nhã mới phát sinh và Từ Bi Chân Thực mới nẩy nở.

Kinh Pháp Hoa nói Phật ra đời chỉ vì một đại sự nhân duyên là muốn cho chúng sanh hội nhập Tri Kiến Phật. Cái tri kiến mà không lời nói và văn từ nào có thể diễn tả được. Có nói đến đâu, bàn cãi, tranh luận đến đâu đi nữa thì cũng chỉ tốn thì giờ vô ích và chẳng giải quyết được gì. Tất cả chỉ là một trò hý luận mà thôi. Chính vì thế mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong bốn mươi chín năm hành đạo đã tuyên bố là chưa hề nói một lời nào. Cũng trong chiều hướng này mà tổ Bồ Đề Đạt Ma đã đến Trung Hoa để nói lên cái yếu chỉ của Thiền Tông là Giáo ngoại biệt truyền, Bất lập văn tự, Trực chỉ chân tâm, Kiến tánh thành Phật, tức là phương pháp trao truyền đặc biệt, siêu việt trên các giáo lý, không dựa vào lời nói, đi thẳng vào tâm, thấy tánh thành Phật.

Thường dữ Xúc, Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư có nghĩa là A lại da thức thường tương ưng với Xúc, Tác Ý, Thọ, Tưởng, Tư là 5 Tâm Sở Biến Hành. Năm tâm sở biến hành này là năm pháp trong năm mươi mốt pháp của Tâm Sở Hữu Pháp.

Tất cả các pháp tuy nhiều nhưng gom lại chỉ có 100 thứ và được phân chia thành năm loại: 8 món Tâm Vương, 51 món Tâm Sở Hữu Pháp, 11 món Sắc Pháp, 24 món Bất Tương Ưng Hành Pháp và 6 món Vô Vi Pháp. Bài kệ bốn câu tóm lược 100 pháp như sau:

Sắc pháp thập nhứt, Tâm pháp bát
Ngũ thập nhứt cá Tâm sở pháp
Nhị thập tứ chủng Bất tương ưng
Lục cá Vô vi thành bá pháp.

Dịch là:

Sắc pháp mười một, Tâm pháp tám
Năm mươi mốt món Tâm sở pháp
Hai mươi bốn món Bất tương ưng
Sáu món  Vô vi thành trăm pháp.

Bồ tát Thế Thân trong Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận có viết như sau:

Nhứt thiết pháp giả, lược hữu ngũ chủng
Nhứt giả Tâm pháp
Nhị giả Tâm sở hữu pháp
Tam giả Sắc pháp
Tứ giả Tâm bất tương ưng hành pháp
Ngũ giả Vô vi pháp.

Dịch là:

Tất cả các pháp có năm loại:
Thứ nhất là Tâm pháp,
Nhì là Tâm sở hữu pháp,
Ba là Sắc pháp,
Tư là Bất tương ưng hành pháp,
Năm là Vô vi pháp.

Chữ Pháp trong Bách Pháp Minh Môn Luận này không phải đồng như nghĩa chữ Pháp trong Ngã và Pháp nói ở bài tụng thứ nhất nhưng cũng chẳng phải khác vì nó bao gồm cả ngã lẫn pháp đó. Pháp ở đây là tất cả các sự vật hữu hình hoặc vô hình và tất cả các trạng thái tâm linh nào mà ta có thể khái niệm được. Nói như thế có nghĩa là cả phi pháp cũng là pháp. Chúng sanh và phi chúng sanh, ngã và vô ngã, có và không, tất cả các hiện hữu và không hiện hữu cũng là pháp vì khi ta có khái niệm về cái có là ta đã có khái niệm về cái ngược lại là cái không. Lông rùa, sừng thỏ, hoa đốm, trăng đáy nước, hoa trong gương, thành Càn Thát Bà, đứa con của Thạch nữ, cùng tất cả những gì biểu trưng cho sự không có thật cũng là Pháp.

Pháp là những gì có khuôn khổ riêng mà ta có thể nhận biết hoặc khái niệm được. Tiếng Hán giải nghĩa Pháp là Nhậm trì tự tánh quỹ sinh vật giải, dịch là những gì có cái tánh chất và khuôn khổ riêng mà dựa vào đó ta có thể nhận biết hay khái niệm ra được. Chữ  tự tánh trong câu nhậm trì tự tánh, quỹ sinh vật giải phải được hiểu theo nghĩa thông thường là đặc tính của một vật, của một sự việc, của một vấn đề mà khi nói đến là ta có khái niệm về sự vật hoặc vấn đề ấy chứ không phải là Tự Tánh Chân Thật hay là Chân Như mà kinh Phật thường nói đến.

Tám thức tâm vương gồm có Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức, Mạt na thức và A lại da thức. Tám món tâm thức này rất thù thắng, tự tại và tự chủ ví như những vị vua nên gọi là Tâm vương. Có vua thì phải có cận thần là những vị quan dưới quyền để sai khiến, để thi hành mệnh lệnh, là những thuộc quyền. Cũng vậy, có Tâm vương nên phải có những sở hữu của Tâm vương gọi là Tâm sở hữu hay là Tâm sở. Tâm vương và Tâm sở có những liên quan rất mật thiết cũng như những sự liên quan giữa vua và các vị cận thần. Tâm sở luôn luôn thi hành lệnh của Tâm vương và ngược lại Tâm vương cũng bị ảnh hưởng bởi Tâm sở. Đôi khi Tâm vương còn bị Tâm sở chi phối, lôi cuốn hoặc tiếm quyền.

Giáo sư Nghiêm Xuân Hồng trong Lăng Nghiêm Ảnh Hiện cho rằng Tâm vương là các thức năng biến và các món Tâm sở là trạng thái lục dục của chúng sanh, là những trạng thái tâm lý sở biến của các Tâm vương. Cho nên Tâm sở không phải là một với Tâm vương nhưng cũng không phải là khác vì cả hai đều do thức biến cả. Nếu ví các thức Tâm vương như những dây đàn thì các Tâm sở là những nhịp điệu rung động của dây đàn, khiến phát ra những âm ba lúc khoan lúc nhặt, lúc trầm lúc bổng, lúc vui lúc buồn.

Tâm vương và Tâm sở hợp với nhau và làm hiện ra sắc pháp. Các món Bất Tương Ưng Hành Pháp là các món sai khác, không phải tâm pháp mà cũng không phải sắc pháp. Các món Tâm vương, Tâm sở, Sắc pháp và Bất tương ưng hành pháp đều là pháp hữu vi. Do các pháp Hữu vi được diệt mà pháp Vô vi được hiển bày ra. Tuy phân biệt ra có pháp Hữu vi và Vô vi nhưng tất cả đều gọi là pháp và đều do tâm biến hiện.

Tàng thức thường được ví như là mặt đất, Mạt Na thức là rễ cây luôn bám víu vào mặt đất, Ý thức được ví như thân cây và Tiền ngũ thức ví như những nhánh chính mọc ra từ thân cây.

Vì 5 pháp Tâm sở biến hành Xúc, Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư nằm trong 51 món Tâm Sở Hữu Pháp nên trước hết xin liệt kê 51 món này để làm quen với danh từ và sau đó sẽ đi sâu vào chi tiết của 5 món tâm sở biến hành này.

Năm mươi mốt món Tâm Sở Hữu Pháp được chia làm sáu loại như sau:

5 món Tâm sở Biến Hành gồm có Xúc, Tác Ý, Thọ, Tưởng, Tư.
5 món Tâm Sở Biệt Cảnh gồm có Dục, Thắng giải, Niệm, Định, Huệ.
11 món Thiện gồm có Tín, Tàm, Quý, Vô tham, Vô sân, Vô si, Tinh tấn, Khinh an, Bất phóng dật, Hành xả, Bất hại.
6 món Căn Bản Phiền Não gồm có Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác kiến.
5 món Tùy Phiền Não gồm có 10 món Tiểu Tùy, 2 món Trung Tùy và 8 món Đại Tùy. Tiểu Tùy gồm có Phẫn, Hận, Phú, Não, Tật, Xan, Cuống, Siễm, Hại, Kiêu. Trung Tùy gồm có Vô tàm, Vô quý.  Đại Tùy gồm có Trạo cử, Hôn trầm, Bất tín, Giải đãi, Phóng dật, Thất niệm, Tán loạn, Bất chánh tri.

4 món Tâm Sở Bất Định gồm có Hối, Miên, Tầm, Tứ.

Năm món Tâm Sở Biến Hành Xúc, Tác Ý, Thọ, Tưởng và Tư luôn luôn có mặt trên mọi tiến trình diễn biến của tâm thức. Chúng xuyên qua thời gian bao gồm cả quá khứ, hiện tại và vị lai. Chúng chu biến khắp không gian, có mặt trong tất cả các giới và địa. Chúng tiếp xúc với tất cả các tâm vương cùng tâm sở và thông cả ba tánh: thiện, ác và vô ký (tánh lành, tánh dữ và tánh không lành không dữ). Chính vì thế mà tâm sở này gọi là biến hành. Biến là chu biến, phổ biến, hành là hoạt động, là tác động.

Tâm sở biến hành thứ nhất là xúc. Xúc là tiếp xúc, là sự tiếp giáp giữa căn, trần và thức. Tâm sở này là chỗ nương tựa của các tâm sở Thọ, Tưởng và Tư là các hành tướng của thức, nghĩa là khi có sự tiếp xúc giữa Căn và Trần thì có sự phân biệt, có sự thọ nhận, nghĩ đến và suy tư về đối tượng được tiếp xúc, nói khác đi là có sự hoạt động của Thức. Ba thứ Căn, Trần và Thức cùng nhau tùy thuận; Xúc nương ba thứ đó mà phát sanh khiến ba thứ đó được hòa hợp. Ba thứ Căn, Trần và Thức có công năng tương ưng nhau mà khởi sanh ra các sự thay đổi biến khác. Xúc tương ưng với sự thay đổi biến khác đó mà khởi lên. Tánh của Xúc là khiến cho Tâm vương và Tâm sở cùng tiếp xúc cảnh.

Tâm sở biến hành thứ hai là tác ý. Tác ý là móng khởi cái ý. Nó làm phát động các chủng tử của tâm vương và tâm sở tức là nó đánh thức các chủng tử làm cho sanh khởi. Công dụng của nó là hướng tâm duyên đến cảnh. Nếu nhận thức chưa phát khởi, nó làm cho phát khởi; nếu nhận thức đã phát khởi, nó khiến cho nhận thức tập trung vào đối tượng.

Tâm sở biến hành thứ ba là thọ. Thọ là sự lãnh nhận, lãnh nạp các cảnh thuận, nghịch hoặc không thuận nghịch. Cảnh giới của Thọ là lấy sự lãnh nạp làm tướng. Công dụng của nó là khởi lên sự ưa thích, sự không ưa thích hay là sự không cả hai.

Tâm sở biến hành thứ tư là tưởng. Tưởng là nhớ tưởng. Tánh của tâm sở này là nhớ lại, hình dung lại, có khái niệm về ảnh tượng của cảnh vật. Cảnh giới của nó là lấy sự thu nhận cảnh tượng làm tướng. Công dụng của nó là thiết lập danh ngôn, đặt ra những danh từ để biểu hiện các cảnh tượng.

Tâm sở biến hành thứ năm là tư. Tư là suy nghĩ, so đo. Tánh của tâm sở này làm cho tâm suy nghĩ  tạo tác. Công dụng của nó là khiến tâm quyết định hành động, hoặc làm lành, làm dữ hay không làm lành hoặc dữ.

Hãy thử nghiên cứu tác dụng của các Tâm Sở Biến Hành xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư trong câu chuyện có thật về chàng Diễn Nhã Đạt Đa trong thành Thất La Phiệt mà Phật nói trong kinh Lăng Nghiêm. Câu chuyện kể rằng một hôm anh Diễn Nhã Đạt Đa lấy gương soi mặt bỗng nhiên ưa cái đầu trong gương cùng lông mày con mắt có thể thấy được rồi giận trách cái đầu mình sao lại không nhìn thấy mặt mày rồi cho mình là yêu quái mà phát cuồng bỏ chạy.

Do đâu mà Diễn Nhã Đạt Đa bỗng ưa cái đầu trong gương cùng lông mày con mắt? Là vì tác dụng của xúc khi con mắt của anh ta tiếp xúc với hình ảnh trong gương khiến anh khởi cái tác ý  ngắm nhìn.

Do đâu mà Diễn Nhã Đạt Đa phát cuồng bỏ chạy? Là vì chàng ta thọ nhận cảm giác ưa thích cái đầu cùng con mắt và lông mày trong gương, rồi khởi ra cái tưởng, rồi suy tư cho rằng mình không có đầu, cho rằng mình là yêu quái, mà có hành động phát cuồng bỏ chạy.

Hoặc lấy một câu chuyện ngắm hoa làm thí dụ. Thí dụ hằng ngày tôi đều đi bách bộ ngang qua một vườn đào nhưng vì không có gì đặc biệt đập vào con mắt nên tôi không biết rằng mình đi ngang một vườn đào. Khi mùa xuân đến, hoa đào nở rực rỡ đập vào mắt tôi, do sự tiếp xúc đó mà tôi mới biết có sự hiện hữu của vườn đào đẹp đẽ này. Vì hoa đào nở mình mới chú ý đến và nhận ra sự hiện hữu của hoa đào và cảm thấy thích thú. Về nhà tưởng nhớ lại thì thấy hoa đào quả là đẹp, rồi suy tư  ước muốn có một vài cây đào ở trước sân nhà để được ngắm nhìn hoa nở khi xuân về, vì thế mà tôi quyết định phải mua vài ba cây đào về trồng ở trước sân.

Những diễn trình tâm lý xẩy ra trong trường hợp ngắm hoa này phát khởi do sự hòa hợp giữa nhãn căn cùng hoa trần cảnh và nhãn thức mà sinh ra các sự chú ý, thích thú, tưởng nhớ và ao ước là những tác động biến hành của các Tâm sở Xúc, Tác Ý, Thọ, Tưởng và Tư.

Ở thí dụ ngắm hoa này, nhân nhãn căn, nhãn thức hợp với trần cảnh hoa đào mà Xúc phát sanh, khơi động hình ảnh hoa đào đã có trong A lại da, đưa hình ảnh này vào ý căn tức thức Mạt na. Tác động này gây nên sự chú ý (Tác ý) nơi Ý thức. Ý thức dựa vào khái niệm về hoa đào đã có trong A lại da thức mà biết được hình ảnh đang thấy là hoa đào và khởi phân biệt, thấy có đẹp, có vui, có thích và có ý muốn trở lại ngắm hoa nữa hoặc có ý định trồng một vài cây đào ở trước nhà.

Hình ảnh hoa đào cùng những cảm thọ mới này lại được huân tập trở lại vào A lại da thức dưới dạng một chủng tử mới tiềm ẩn và tô đậm thêm một lớp vọng nữa vào chủng tử hoa đào đã có ở trong A lại da thức.

Trường hợp chưa bao giờ thấy hoa đào thì hình ảnh hoa đào được đưa vào trong A lại da thức trong sát na đầu tiên ngay khi căn tiếp xúc với trần lúc mà ý thức chưa khởi phân biệt, được coi là một đối tượng chân thật mà danh từ duy thức gọi là một Tánh Cảnh. Sau đó là sự chấp ngã của mạt na, sự phân biệt của tiền lục thức cùng các tâm sở biến hành xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư. Ở đây tâm sở biến hành tưởng tác động lên Ý thức, khởi nên sự tìm tòi một danh từ để đặt tên cho hình ảnh mới được thấy này.

Tác động của Xúc, Tác ý, Thọ. Tưởng và Tư ở các thí dụ trên là tác động của 5 tâm sở biến hành tương ưng với Liễu Biệt Cảnh Thức khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần giúp ta có khái niệm về các hoạt động của các tâm sở biến hành này.

Năm tâm sở biến hành Xúc, Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư tương ưng với A lại da thức thì khác với các tâm sở biến hành nơi tiền lục thức vì mỗi một tâm vương có các tâm sở biến hành riêng rẽ ví như những vị vua của mỗi quốc gia có các quần thần riêng. Tác động của chúng rất vi tế, chúng tác động lên các chủng tử tiềm ẩn sẵn có nơi A lại da, làm các chủng tử này tăng trưởng hoặc chuyển biến khác đi.

Năm tâm sở biến hành nơi Alại da thức thì luôn đi kề với thức này, chúng phát hiện ngay những tâm sở biến hành nào vừa móng khởi nơi Mạt na thức và Liễu biệt cảnh thức và đưa các dữ kiện này vào A lại da thức. A lại da thức là cái kho chứa, nhận tất cả các dữ kiện này như những chủng tử mới mà không khởi phân biệt tốt hay xấu. Vì thế mà câu thứ tư trong bài tụng thứ ba nói nó chỉ Tương ưng duy xả thọ. Thọ ở đây là sự cảm thọ. Có ba loại: thọ vui hay là lạc thọ là cảm giác khi gặp cảnh thuận hay khi được khen thưởng, thọ buồn tức khổ thọ khị gặp cảnh nghịch hay là khi bị chê trách, không vui không buồn tức xả thọ như khi gặp cảnh bình thường, không được khen cũng không bị chê.


Âm lịch

Ảnh đẹp