17/01/2013 13:19 (GMT+7)
Số lượt xem: 158270
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Các nhà văn châu Âu ngoài phần nghiên cứu triết học ra còn đọc kinh thánh Cựu ước và Tân ước. Các nhà văn Việt Nam hôm nay, tôi để ý thấy một số anh em không coi trọng kho báu tư tưởng phương Đông mà thế giới đang tìm về bổ sung kiến thức. Và nhất là ít đi chùa, ít hiểu đạo Phật trên góc độ nhân văn.


>> Khát vọng hòa bình trong thơ Hải Như

Đọc lại thơ ông cha, tôi có một nhận xét không có một nhà thơ tên tuổi nào lại không có một đôi bài thơ của một ngôi cổ tự ký thác tâm sự với một nhà sư. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Ngô Thì Nhậm... thường giao du kết bạn với nhà sư, đã có khá nhiều bài thơ về những ngôi chùa.

Đi chùa hay nói theo cách hôm nay quan hệ với nhà chùa với giới tu hành theo đạo Phật, đã trở thành sinh hoạt thân thuộc của nhà thơ Việt các thế kỷ trước để bồi dưỡng tâm linh. Bởi, dưới mái các ngôi chùa hôm qua thường ẩn náu các nhà sư uyên bác mà không ít cũng là những nhà thơ Đi chùa là đi tìm cái thanh khí nuôi dưỡng cảm xúc cho thơ

Một lẽ nữa, các ngôi cổ tự vốn là những danh thắng u nhã tô điểm cho cảnh quan đất nước, có sức thu hút những tâm hồn tìm về cội nguồn. Một trong nhiều cội nguồn mang dấu ấn đặc thù dân tộc - ngôi chùa không chỉ là biểu tượng của đạo Phật mà còn là cửa ngõ của một dòng lịch sử tư tưởng văn hóa mang đậm nét Việt Nam.

Nhà thơ Việt khó giữ được hơi thở dân tộc nếu như chưa tắm mình vào những di sản ông cha, thơ các thiền sư thời Lý - Trần như Mãn Giác, Huyền Quang, Tuệ Trung...

Chúng ta thường băn khoăn về tính hiện đại của thơ Việt Nam. Tính hiện đại của nhà thơ nằm trong thông điệp của nhà thơ gửi cuộc đời. Lâu nay có một số người hiểu thơ nghiêng về ngôn ngữ, cách thể hiện, hình thức - thiên về cái "vỏ bọc" của nhà thơ. Có chắc những vần thơ đương đại đã hiện đại?

 



Ảnh minh họa: Chùa Keo (báo Giác Ngộ)

Đọc bài thơ Pháo đài của thi hào Nguyễn Du viết ra khi nhận chức Cai bạ (tương đương với chức Tuần phủ) tỉnh Quảng Bình sau những năm dài Trịnh Nguyễn phân tranh, tôi đã giật mình về tư tưởng nhân văn trong câu thơ chữ Hán "Nhĩ lai bất quí sát nhân công" Dịch nghĩa ra là: "Từ nay việc chém giết người không còn khuyến khích". Câu thơ viết bằng chữ Hán theo thể thơ cổ mà sao không cũ, vẫn hiện đại! Câu thơ như một tiếng reo vui của người trong cuộc, nói lên nguyện ước của dân chúng hai bờ sông Gianh phải chịu bao lầm than điêu đứng của chiến tranh.

Năm 2000, năm chuyển giao hai thế kỷ là năm quốc tế hòa bình, phổ biến văn hóa hòa bình. Chúng ta cần giới thiệu bài thơ chữ Hán Pháo đài của Nguyễn Du. Tôi tin khi bài thơ dịch ra tiếng nước ngoài sẽ chinh phục được bạn đọc về tư tưởng hiện đại của nhà thơ Việt sống cách đây trên 200 năm, cảnh báo chiến tranh khiến con người không còn nhân tính.

Cái luôn luôn thiếu của người làm thơ là trau dồi kiến thức. Để trở thành thi sĩ đâu chỉ có tâm hồn, bài thơ đầu tay (premierjet) lóe sáng. Phải tự thân rèn luyện suốt đời. Nhà thơ Mỹ Walt Whitman (1819-1892) trong bài thơ "Bài hát chính tôi" đòi hỏi mình nắm bắt "những biến cố mới nhất, những khám phá, những phát minh mới nhất, những xã hội, những tác giả cổ kim" một cách thường nhật.

Tôi tự thấy mình chưa khám phá được bao nhiêu tư tưởng nhân bản giàu có ở thơ ông cha. Lâu lâu, tôi lại "trò chuyện" với người xưa, được người xưa tiếp sức, tôi tìm đến ngôi cổ tự. Với tôi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Ngô Thì Nhậm... cũng là ngôi "cổ tự" của thi đàn dân tộc. Cái cầu nối giúp chúng ta hòa nhập đồng hành với các dòng thơ nhân loại bước vào thế kỷ mới...

Tuần Việt Nam xin giới thiệu một số bài thơ của nhà thơ Hải Như

* THỬ ĐỊNH NGHĨA THƠ

Thơ là gì?

Thơ là cái ai làm cũng được

Nhưng... không hay

Vì người làm không rung động cũng làm

Không có gì để nói

Hoặc nói những điều thiên hạ nói lâu rồi

Nói cạn rồi

Lại ngỡ là mới...

 

Thơ là gì?

Thơ là cái chỉ làm khi rung động

Tự mình bức xúc đòi làm

Nghệ thuật ngôn từ

Nói điều của riêng mình của chính mình

Về niềm vui

Về nỗi buồn

Về cái đẹp

Về kiếp người...

Không giống không lẫn với ai

Tạo cho mình một vũ trụ riêng

Từ cái tứ xuất thần

Cộng với giọng tự nhiên không cầu kỳ văn vẻ

Thơ là con đẻ

Của người làm thơ - không yêu cầu khiêm tốn.

Dám là mình cả đúng và sai!

(Hà Nội - Sài Gòn tháng 5/1993)

 

* NỖI BUỒN HOA BẤT TỬ

Khao khát vĩnh hằng con người đặt tên cho ta

Hoa Bất tử

Ta không muốn tự huyễn hoặc mình

Làm gì có cõi trường sinh

Như mọi loài hoa ta ao ước được sống tận cùng

hương sắc đời hoa

Để rồi hóa thân

Không nuối tiếc

Buồn sao - con người không nhìn thẳng kiếp

phù sinh.

 

* HÀ NỘI 80

Ta lại trở về thăm Hà Nội của ta

Ơi đất thánh của những ngày lửa đạn

Những năm tháng lòng tin không mảy may nứt

rạn

Dưới hầm sâu vẫn thắp sáng mai đời

Thủa ấy chưa xa người tỏa ấm tình người

Ta không thẹn với những ngày đã sống

Nhớ mãi buổi em tìm gặp đưa tay ta nắm

Nắm tay rồi ta bỗng lặng quay đi

Giữa những tháng năm-ai-cũng-gầy-đi

Riêng mình khác là can vào tội lỗi

Hà Nội sáng làm sao ngay giữa lòng phố tối

Tháng năm xưa ai cũng đẹp lên nhiều

Ta lại đi trên đường cũ Tình yêu

Tên ta đặt đường Nguyễn Du - hoa Sữa

Hà Nội ơi - hương không còn nồng nữa

Trong chiến tranh hương hoa Sữa thơm nồng

Có phải vì muốn tặng những cuộc chia ly hoa

Sữa ngát hơn không

Ối thủa ấy lên đường những ai không trở lại?

Vườn Văn Miếu vẫn tỏa hương hoa Đại

Hương của nghìn xưa gửi lại nghìn sau

Ta muốn hỏi hương những mối tình đầu

Dưới gốc Đại thề non có còn chung thủy?

Và Hồ Gươm vẫn trầm tư suy nghĩ

Về cuộc đời. Về năm tháng. Tình yêu

Đi giữa Hà Nội 80 - ta không giấu - buồn nhiều

Lòng khắc khoải với riêng mình câu hỏi

Xe lịch sử vào khúc quanh có phải?

Để rồi ta lại thao thức trả lời ta

Nhớ em vô cùng - nhớ cặp mắt buồn xa

Với Hà Nội mang nặng tình sau trước

 

Đi trên đường Hà Nội khuya nghĩ về đất nước

Nghĩ về em - Hà Nội tháng năm này...

(Hà Nội, đầu thập niên 80)

http://tuanvietnam.net/thu-thang-long/2013-01-14-nha-tho-cac-ngoi-co-tu-va-tinh-hien-dai


Âm lịch

Ảnh đẹp