11/01/2013 15:28 (GMT+7)
Số lượt xem: 59207
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chùa ở chân núi quê mình ấy, hôm mẹ đi ngang qua có nghe tiếng mõ, chắc ai về trụ trì rồi, nhưng tiếng mõ kêu bộp bộp chứ không cốc cốc… 
Tôi bất ngờ, vì nghe thoáng qua là ở xã tôi có 3 thôn, mỗi thôn một ngôi chùa, hai thôn kia thì chùa có thầy trụ trì, còn thôn tôi ở cũng có chùa gần đồi núi, nhưng trải qua chiến tranh tàn phá, sau đó thầy trụ trì bám trụ một mình với khói lửa binh đao, không ai can đảm cho con cháu làm đệ tử thầy, nên nghe truyền miệng là từ khi thầy ra đi về cõi Phật, thì ngôi chùa cũng điêu tàn dần.

 Ảnh minh họa

Lúc tôi còn nhỏ, cha mẹ không cho đi đến gần khu vực đó, vì sợ còn vướng bom đạn vết tích của chiến tranh, lâu lâu vào những mùa hè đổ lửa lại có tiếng bom xé nát bầu trời. Trong một phút bần thần tôi nói với mẹ, mẹ có biết thầy cô nào về trụ trì không?

Mẹ nói: "Bà con xóm làng khi mới nghe tin con vào chùa học Phật cũng có phản đối, nói ra nói vào “nhất ở tù, nhì đi tu”, sao lại cho con đi tu. Nhưng về sau, vì mỗi đêm thanh vắng, tiếng chuông của thôn bên kia sông văng vẳng, thì các cụ lại nhớ tiếng mõ chùa làng mình, nên nói với mẹ, sau này khuyên con về trụ trì chùa làng mình cho sớm hôm nghe tiếng chuông mõ kệ kinh. Mẹ cũng hy vọng thế, nhưng từ khi con dần xa quê hương để học tập tiếp, thì các cụ nghe tin vừa mừng vừa buồn. Mừng vì có khi con lại đóng góp sức mình cho nhiều người hơn, nhưng buồn là niềm hy vọng một ngày nào đó con về quê lại rất ít…" 

Mẹ tôi nói hơi nghẹn ngào vì biết là tôi không còn nhiều thời gian về thăm quê nhà nữa và ngày mai đây anh chị em về chúc Tết lại thiếu vắng một người con.

Cũng may là có sư cô bà con xa với bác Bảy ở làng mình, nghe nói học Đại học Phật giáo ở Huế, mới phát tâm về chùa này, nhưng chùa lâu năm hoang tàn nên chỉ còn bốn vách tường đơn sơ, mái ngói đã phai màu theo gió bụi, các bác trong làng qua chùa giúp đỡ và che chắn lại được một chỗ nghỉ cho sư cô. Còn cái chuông nhỏ thì nghe nói đâu bạn học của sư cô biết hạnh nguyện về quê của cô nên tặng một cái cũ cũ, còn mõ thì bị mưa gió làm nứt nẻ, tiếng không còn vang nữa. Cô cố gắng gõ đều nhưng chỉ được cộp cộp…

Tôi nghe xong trong lòng chạnh lại, vì biết là nhân duyên tôi không gánh vác nổi chùa quê này, dù thâm tâm vẫn muốn một ngày nào đó học xong, về sẽ được ăn cơm chính hạt gạo từ cánh đồng từng chăn bò thả diều cùng bạn bè xưa và uống nước dòng sông của thuở nào tập bơi lội… Hôm nay lại có người phát tâm về nơi ấy, tôi mừng lắm, nhưng cũng chột dạ vì phải nghĩ cách giúp tiếng mõ của chùa vang hơn nữa.

Tôi liền bàn bạc với mẹ: Hay con với mẹ hùn phước, cả nhà mình góp nhau tiền để thỉnh cái mõ cúng dường chùa, mẹ sáng mai nói với các anh em, tiền lì xì đầu năm của 4 cháu, mẹ và các anh chị giữ lại và làm việc phước thiện này, hồi hướng cháu hiền ngoan học giỏi, còn con thì con sẽ lo phần còn thiếu đó. Mẹ tôi liền đồng ý với cách làm này, nhưng hỏi lại thế con tiền đâu mà có, tôi nói mẹ yên tâm con không về quê nên được đón tết cùng... thầy Hiệu trưởng, thầy có lì xì 100 đô, rồi còn một số tiền nhỏ tiết kiệm nữa chắc đủ, mẹ đừng lo. Tôi nói để mẹ yên tâm nhưng thực ra thì tài sản bình sinh của tôi chỉ còn chừng ấy…

Ở nơi tha phương, tôi lên chùa dâng hương lễ Phật và cầu nguyện 3 ngày tết lễ cho đủ ba nghìn hồng danh Phật và số tiền nhận được đầu năm của mọi người tặng, tôi gom góp đủ thỉnh cái mõ hồi hướng đến chùa quê, để nơi Tam bảo ấy không còn cái tên “ngôi chùa mõ gõ không kêu” nữa.

Quán Như


http://kienthuc.net.vn/hanh/201301/Ngoi-chua-mo-go-khong-keu-889535/


Âm lịch

Ảnh đẹp