Thơ văn Lý Trần là cả một kho tàng văn học thiền để các
viện, các nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu, biên khảo với những công trình độ sộ
từ trước đến nay. Dĩ nhiên, những công sức tâm huyết và tế bào não ấy là đáng
trân trọng, là niềm tự hào cho nền văn học nước nhà. Tuy nhiên, dường như mọi
bình luận, lý giải thường rơi vào nhận thức luận hay bản thể luận - phạm trù
triết học Tây phương - có vẻ tân học, thời thượng nhưng nó như giữa mù sương lại
tung thêm một lớp mù sương nữa! Thơ thiền không những đáp ứng cho cảm quan mỹ
học, cho nhu cầu hiểu biết, tăng thêm bề dày kiến thức, vốn liếng văn học, văn
học sử trung đại – mà còn ích dụng cho người tu Phật, tu thiền nữa. Sự thật ấy
cần được nghiên cứu kỹ để bảo vệ giá trị uyên áo nội tại, mới là kho tàng tâm
linh thật sự mà tiền nhân đã để lại cho người học Phật hậu lai chúng ta.
Công trình nghiên cứu thuộc về lãnh vực
“tâm học” này có vẻ dài hơi; trong
phạm vi bài viết này, chúng ta thử khảo sát chừng 5, 7 bài theo tinh thần dẫn
lược.
Và đầu tiên là bài “Hữu không” (有空) của thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Bài đó bản Hán như sau:
作有塵沙有,為空一切空。有空如水月,勿著有空空。“Tác hữu trần sa hữu. Vi không nhất thiết
không. Hữu không như thủy nguyệt. Vật trước hữu không không”. Nó có nghĩa là:
“Khởi niệm có thì hạt bụi, hạt cát li ti cũng có. Khởi niệm không thì cả vũ trụ
này cũng không. Cái có cái không kia cũng giống như trăng trong nước. Đừng chấp
vào cái không của có và không! (Đừng lầm tưởng rằng cái có, cái không ấy là
không có)”.
Bài này có một số người đã dịch:“Có
thì có tự may may/
Không thì cả thế gian này cũng không/
Kìa xem bóng nguyệt lòng sông/ Ai hay
không có, có không là gì!”(Không rõ tác giả). Bản dịch khác:“Có thì muôn sự có/
Không thì tất cả không/ Có, không trăng đáy nước/ Đừng mắc có cùng không” (Hoà
thượng Thanh Từ).
Với hai bản dịch thì bài đầu nghiêng về thơ, bài sau
nghiêng về kệ; và gốc của nó là do có người hỏi về Phật tâm – và thiền sư đã đọc
lên 4 câu kệ ấy, nhằm khơi mở thế giới
“Phật tâm” – là cái gì luôn bị che khuất bởi khái niệm ngôn ngữ. Bài kệ này
thì các học viện, nhà chùa giảng rất kỹ. Phạm trù
“có không” ấy bàng bạc trong chư kinh, chư giáo, thiền thoại, ngữ lục...
chúng ta không cần thiết phải mang ra đây để làm chứng liệu nữa.
Hãy đi sát vào nội dung văn bản.
Xem nào! Tâm ý khởi có là nó “có”, khởi không là nó
“không”.
“Cả có cả không đều có cả” trong thế
giới tục đế, trong tương quan giữa mình và cuộc đời, khi ta biết quan sát và
chiêm nghiệm. Tôi sẽ có ví dụ cụ thể. Hôm kia có người đi ra đường bị xe va
đụng, có thương tích, chảy máu. Thế là tức quá, hắn ta giả vờ đau đớn lắm, nằm
xuống, nhờ người kêu cảnh sát lập biên bản, đòi bồi thường, viện phí...;. Và rồi
sau đó, sự việc sẽ kéo theo muôn vàn phức tạp, khổ cho mình, khổ cho người. Khi
ta đã khởi niệm có rồi - thì vô lượng cái có sẽ duyên khởi theo. Đấy là định
luật, khởi có là nó có – có cái này thì có cái kia
- có với tham sân si, phiền não. Nếu
người bị va đụng ấy là một cư sĩ có tu định, tu tuệ, có tấm lòng, biết cảm thông
– thì người ấy sẽ chánh niệm đứng dậy, xem vết thương, nó có đau thật, nhưng lại
nghĩ: “Ai cũng có lúc sơ ý, bất cẩn! Lại
nữa, biết đâu người ta đang có việc bức xúc gì đó trong gia đình, bạn bè hay
công sở nên thiếu tỉnh táo mà sinh ra chuyện. Thôi, xả đi, bỏ qua cho người ta”.
Thế rồi, vị cư sĩ mỉm cười, nói với người kia:
“Anh đừng lo, không sao đâu, vết thương nhẹ thôi mà. Anh hãy đi đi kẽo trể công,
trể việc!”
Đấy là trường hợp ta khởi ý không,
không có gì – không
có cái này thì không có cái kia - thì toàn bộ câu chuyện chấm dứt, phiền
não không sanh khởi cho mình cũng như cho người. Lại còn có cái đoá hoa pháp
thơm tho vừa nở trong tâm - là mình vừa thể hiện chút ít tâm xả, tâm từ, tâm bi
– và năng lương mát mẻ an an lành ấy nó lan toả ra xung quanh môi trường sống
thì cao quý và tốt đẹp biết bao nhiêu?
Qua câu chuyện ấy, ví dụ ấy, người học Phật có thể đem “thiền ý”
ấy áp dụng trong việc tu tập của mình. Khi khởi tâm hữu vi thì hữu vi cho ra
hồn, cho tới nơi tới chốn, ích dụng và lợi lạc cho cuộc đời. Khi khởi tâm vô vi
thì phải vô vi cho rốt ráo, làm cho mình không dính mắc công danh, lợi lộc và cả
bản ngã. Đây là bài kệ dạy cho chúng đồ phải nắm bắt cho được lý duyên khởi,
khởi có là nó có, khởi không là nó không
(đấy là chưa nói có và không kia cũng đều là tâm hữu vi, là duyên khởi vô ngã
tánh, là tánh không). Do vậy, coi chừng, chúng ta càng sính văn chương chữ
nghĩa chừng nào thì càng đánh mất ý thiền, ý giáo pháp bên trong chừng đó. Có
người lại còn lấy phạm trù hữu, vô của Trung triết mà bình thì lại hỏng. Lấy vật
lý lượng tử, sóng và hạt mà bình giảng cho thích hợp với khoa học lại càng trật
nữa!
Tiếp theo, câu ba đưa ra hình ảnh trăng trong nước để ví
cho cái có cái không ở trên. Cũng vậy, nói trăng có, nó “có” thật đấy. Nói trăng không, nó “không” thật đấy! Hai mặt nhị nguyên của
thực tại ấy tuỳ thuộc ý niệm, chỗ lập tri của con người. Và câu 4, là cái câu
quan trong nhất, chỉ cho người ta thấy được Phật tâm. Ai chưa hiểu ẩn ý ấy,
không bám sát ngữ nghĩa của nó – thì đều giảng giải sai lầm, nằm một phía, một
chiều cả. Đôi khi lại lấy mộng huyễn bào ảnh của kinh Kim Cang ra mà giảng – thì
sẽ không nhằm chỗ. Câu này chỉ có nghĩa đơn giản là: Do vậy, cái có và cái không
kia đều có cả
(khi khởi niệm có, khi khởi niệm không)
đừng tưởng nó là không có, đừng tưởng nó là không hoa bất thực. Chữ và nghĩa của
nó rất rõ ràng: Vật trước (chớ chấp trước)
cái có, cái không (hữu, không)
là không (không).
Và đấy cũng là vọng âm ngàn
đời từ trong kinh Phật Tự Thuyết (Udāna),
khi đề cập đến lý duyên khởi:“Do cái này có nên cái kia có/ Do cái này không nên cái kia không/ Do
cái này sinh nên cái kia sinh/ Do cái này diệt nên cái kia diệt”.
Và đức Phật còn nói:
“Ai thấy duyên khởi tức là thấy Pháp; ai thấy Pháp tức thấy Như Lai!” Thấy
Như Lai cũng là thấy “Phật tâm” theo cách nói của thiền sư Từ Đạo Hạnh vậy.
Hy vọng rằng, tất cả chúng ta cùng thấy Phật tâm để tu
tập, để lên đường đến cõi an vui vô vi sự, giác ngộ, giải thoát.
Đã là thơ thiền thì phải có trao gởi gì đó cho chúng đồ chứ.
Ví dụ bài “Cáo tật
thị chúng” (告疾示眾) của Mãn Giác thiền sư
dạy cho học trò:
春去百花落,春到百花開。事逐眼前過,老從頭上來。莫謂春殘花落盡,庭前昨夜一枝梅。“Xuân khứ bách hoa lạc. Xuân đáo bách hoa
khai. Sự trục nhãn tiền quá. Lão tòng đầu thượng lai. Mạc vị xuân tàn, hoa lạc
tận. Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”. Sau khi đưa đôi mắt bình thường nhìn
ngắm vạn vật trong định luật tự nhiên của đất trời, thấy
“xuân đi trăm hoa rụng, xuân đến trăm hoa nở”; ngắm nhìn chính mình
“việc đời qua trước mắt, trên đầu già đến rồi”
– ngài lại đẩy cái nhìn ấy đi xa hơn, sâu hơn, đến mùa xuân bất tử của tâm linh: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân
trước một cành mai!”
Thơ thiền là vậy.
Có vị khác nói về thiền, nhưng
mà rất kín đáo, trong đó không hề có một danh từ
Phật học nào, dường như chỉ tả cảnh suông mà thôi. Đấy là bài thơ
“Tải nguyệt minh quy” (載月明歸) của
thiền sư Đức Thành:
千尺絲綸直下垂,一波才動萬波隨。夜靜水寒魚不食,滿船空載月明歸。“Bách xích ti luân trực hạ thùy. Nhất ba tài động vạn ba tùy. Dạ tịnh thủy hàn ngư bất thực. Không thuyền mãn tải nguyệt minh
qui”. Tôi tạm dịch: “Trăm thước nhợ câu buông
thỏng xuống. Một làn sóng gợn, gợn muôn trùng.
Đêm khuya, sông lạnh khôn tăm cá. Về
chở đầy thuyền ánh nguyệt không!”
Bài thơ nói về một ông lão đi câu
cá. Ổng đứng trên vực cao cả trăm thước rồi thả nhợ câu xuống sông. Khi lưỡi câu
vừa chạm nước, nước gợn một lằn sóng nhỏ rồi sau đó, hằng chục, hàng trăm, hàng
ngàn gợn sóng tròn nối tiếp lan ra xa... Ông đứng ông quan sát và ông thấy rõ
như vậy. Đêm, khuya yên lặng, nước sông lạnh ngắt, cá không ăn mồi. Thôi, đành
vậy, về thôi! Về với chiếc thuyền không. Rồi cái chiếc thuyền không ấy chở đầy
ánh trăng và ra về! Xin thưa, có ông câu nào mà đứng trên vực sâu trăm thước,
thả sợi nhợ cả trăm thước? Ông đứng trên vực sâu mà sao khi ra về lại bằng
thuyền? Thật ra, người câu là hành giả đang tu Phật.
“Trăm thước đầu sào” là thuật ngữ thiền khi nói đến một thực tại ở cao trên
đầu khái niệm (đệ nhất nghĩa đế). Tuy
nhiên, có vị thiền sư khác, nói là trăm
thước đầu sào cũng chưa nhằm, phải là trăm thước đầu sào thêm một thước nữa (hựu nhất xích). Cũng từ thuật ngữ
bách xích ấy mà vị thiền sư này sáng
tác bài thơ trên. Và theo ý của ông, lý duyên khởi cũng như vậy, một niệm khởi
là trùng trùng duyên khởi. Hành giả phải biết tu tập thiền định, đóng hết các
căn, đừng cho cá ăn mồi nữa. Sau đó mới tu tập thiền tuệ, mới có được tuệ không,
tuệ minh, mới “về chở đầy thuyền ánh nguyệt không”. Ý
vị thiền sư này nhắn gởi là phải hạ thủ công phu mà tu tập như vậy, chứ đừng cãi
nhau ỏm tỏi, nào là “bách xich”, rồi là “hựu nhất xích”!
Thiền vị và thi vị thế đấy.
Còn nữa. Đôi khi vị thiền sư cũng
tả cảnh trời nước mây thôi – mà trao gởi tư tưởng rất sâu nhiệm. Ví dụ bài thơ
“Ngư nhàn” (漁間) của Không Lộ: 萬里清江萬里天,
一村桑柘一村煙。漁翁睡著無人喚,過午醒來雪滿船。“Vạn lý thanh giang, vạn
lý thiên. Nhất thôn tang giá nhất thôn yên. Ngư ông thuỵ trước vô nhân hoán. Quá
ngọ tình lai tuyết mãn thuyền” Tôi tạm dịch: “Trời nước xanh xanh, muôn dặm liền. Làng dâu
lạnh giá, khói đông miên. Ông chài say ngủ, không ai gọi. Trưa trợt, mây quang,
tuyết ngập thuyền!
Nữa, lại ông câu nữa! Nhưng ông câu này sao lại tự tại
vô ngại quá trời, quá đất vậy? Giữa cái cảnh mà: muôn dặm sông xanh tiếp muôn
dặm trời xanh, thôn làng lạnh giá chìm trong làn khói nửa thực, nửa hư. Giữa
trời nước mênh mông ấy, ông chài ngủ say tít trên chiếc thuyền câu, không ai lay
gọi được. Trời đã quá trưa, quang tạnh, tuyết rơi ngập thuyền... Ngủ ngon lành
quá nhỉ? Thiền sư mà sao lại nói chuyện ngủ mê dữ vậy? Thật ra, đây là điển hình
của nghệ thuật thi pháp thiền tông. Nó không nói bằng những thuật ngữ Phật học
dành cho lý trí suy nghiệm, không nói bằng tư duy khái niệm mệt mề khô rỗng - mà
nói bằng tư duy hình tượng - tức là những hình ảnh khói sương, những nét chấm
phá trời, nước, mây thủy mặc. Đây là ngôn ngữ hình tượng của những cảm xúc giác
quan. Hãy xem bức tranh ấy nói lên cái gì? Cứ cảm nhận! Ở đấy, người và vật
dường như cùng hòa với nhau làm một? Cái ta bé mọn, nhỏ nhoi với những lo âu,
phiền muộn của cuộc đời chợt như mất tích, mù tăm giữa vũ trụ bao la? Trời-đất-người đều tịnh định, hòa đồng, nhất thể? Hay là tác giả muốn khơi mở thế giới
vong ngã, vong pháp - chỉ còn sự sống vô biên thầm lặng dịch hóa đến muôn
cùng? Và ta cứ tha hồ mà lý giải!
Thơ của Trần Nhân Tông cũng vậy, ngài tức cảnh, tức sự,
tức tình như các nhà thơ trung đại khác? Có đấy! Vì cuộc đời ngài trải qua nhiều
giai đoạn: thanh thiếu niên, làm vua, hai cuộc chiến tranh Nguyên Mông, làm Thái
Thượng Hoàng rồi mới xuất gia là Hương Vân đầu-đà. Tuy nhiên ngài có căn tu từ
nhỏ nên một số bài tả cảnh, ta cũng đọc ra tứ thiền ở trong đó một cách dễ dàng.
Lại nữa, ta phải hiểu rằng, sau khi cả ba
phương Bắc, Tây, Nam gươm giáo lặng, ngài trở lại Yên Tử với cảnh tiên, tâm
Phật; đặc biệt khi tự xưng mình là Hương Vân đầu-đà, sống đời một khất sĩ khổ
hạnh rồi, thì dường như ngài không còn một chút dính mắc gì nơi trần thế nữa,
như trong bài
“Sơn phòng mạn hứng”
(山房漫興):誰縛更將求解脫,
不凡何必覓神仙。猿閑馬倦人應老,依舊雲庄一榻禪。是非念逐朝花落,名利心隨夜雨寒。花盡雨晴山寂寂,一聲啼鳥又春殘。“Thùy phọc
cánh tương cầu giải thoát. Bất phàm, hà tất mịch thần tiên. Viên nhàn mã quyện
nhân ưng lão. Y cựu vân trang nhất tháp thiền”. Tạm dịch: “Trói buộc gì đâu, tìm
giải thoát? Không phàm, hà tất kiếm thần tiên? Vượn nhàn, ngựa mỏi, người thêm
lão. Như cũ, am mây, một chõng thiền!” Còn nữa: “Thị phi niệm
trục triêu hoa lạc. Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn. Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch.
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn”. Tạm dịch: “Phải, trái, niệm rơi hoa buổi sớm. Lợi, danh lòng lạnh
trận mưa đêm. Hoa tàn, mưa tạnh, non yên tĩnh. Còn tiễn xuân tàn, một tiếng
chim!” Thấy chưa? Ý
niệm về chuyện phải trái nó rơi theo hoa buổi sớm rơi. Cái tâm về lợi danh nó
lạnh ngắt giống như trận mưa lạnh ngắt đêm rồi! Và ngay chính cái rơi, cái lạnh
ấy cũng không còn nữa, nó rụng, nó tạnh hết rồi, chỉ còn non yên tĩnh mà thôi.
Cái non yên tĩnh ấy, các bậc thức giả có nghe không, có một tiếng chim
vừa hót lên, nó đang tiễn xuân đấy! Thật là tuyệt! Kín đáo, ý vị, thi vị, thiền
vị đến thế là cùng!
Một bài khác,
bài Xuân cảnh (春景):楊柳花深鳥語遲 -
畫堂簷影暮雲飛 - 客來不問人間事 -
共倚欄杆看翠微.“Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì. Hoạ đường thiềm ảnh mộ vân phi. Khách
lai bất vấn nhân gian sự. Cộng ỷ lan can khán thuý vi”.
Tạm dịch: “Chim hót khoan thai khóm liễu
hoa. Bóng thềm nhà vẽ mây chiều qua. Việc đời, khách đến thôi đừng hỏi. Cùng tựa
lan can ngắm biếc xa!” Hai câu đầu là tả cảnh một chiều mùa xuân, có tiếng
chim khoan thai hót lên trong khóm dương liễu. Bóng mây chiều đang bay lướt qua
bên thềm ngôi nhà vẽ. Khách đến thăm, trong khung cảnh tâm và vật thanh bình,
yên ả ấy, đừng nên hỏi gì về việc đời nữa, hãy cùng tựa ở nơi lan can này mà
ngắm cảnh trời xanh, mây xanh và non nước đều xanh (thuý vi)... Không những việc đời không buồn hỏi - mà cả trăm việc, ngàn việc cũng
như thế: “Muôn việc nước xuôi nước. Trăm năm lòng hỏi lòng” như trong bài Đăng Bảo Đài sơn (登寶臺山):
地寂臺逾古,時來春未深。雲山相遠近,花徑半晴陰。萬事水流水,百年心語心
倚欄橫玉笛 ,
明月滿胸襟 - “Ðịa tịch đài du cổ.
Thời lai xuân vị thâm. Vân sơn tương
viễn cận. Hoa kính bán tình âm. Vạn sự thủy lưu thủy. Bách niên tâm dữ tâm.
Ỷ lan hoành ngọc địch. Minh nguyệt mãn hung khâm”. Tạm dịch: “Đất vắng đài thêm cổ.
Xuân sang chửa thắm nồng. Xa,
gần mây núi quyện. Im, nắng ngõ hoa lồng. Muôn việc nước xuôi nước.
Trăm năm lòng hỏi lòng. Tựa lan
nâng sáo ngọc. Đầy ngực ánh
trăng trong”. Rõ ràng là người tu thiền hãy nên quán việc đời, quán cảnh, quán muôn việc, quán
pháp vô thường, vô ngã, trôi chảy, dịch hóa, dịch biến; quán tâm, nghe tâm, lắng
nghe tâm, quán thế âm, tâm ngữ tâm mà thôi! Không có đâu hiển ngữ rạch ròi như
hai câu thơ ấy - cho nên xin ai đó đừng nói về cảm quan thế sự trong thơ ngài mà
có tội! Người ta nói, sai một ly đi một dặm; nhưng ở đây chỉ một sợi tơ, sợi tóc
là đã cách biệt muôn trùng! Còn lạc quan, yêu đời?
Có thế chăng? Tôi đã đọc đi đọc lại hằng chục lần về thơ ngài nhưng chẳng
thấy chỗ nào là lạc quan, yêu đời cả. Lạc quan, yêu đời là tốt ư? Nó có tốt hơn
nhìn đúng chân tướng của sự vật, của muôn pháp không? Phật ôi! Có lạc thì phải
có bi, có yêu thì phải có ghét! Đức đại sĩ của chúng ta sao lại còn phải khòm
lưng, cúi đầu trong cái tròng nhị nguyên khốn khổ, tầm thường và tục lụy ấy? Xin
thưa, thơ ngài chẳng lạc quan mà cũng chẳng bi quan, đa phần là nói thực, thấy
thực, nghe thực, nghĩ thực - thực cảnh, thực tâm - nhưng cái thực cảnh, thực tâm
ấy đã được chắt lọc qua cảm xúc tinh tế của nghệ thuật, của thiền tâm rồi!
Ta hãy chịu khó nghe thêm một vài, như bài “Lạng
Châu vãn cảnh” (諒州晚 景):古寺淒涼秋靄外 -
漁船蕭瑟暮鐘初 -
水明山靜白鷗過
風定雲閒紅樹疏.“Cổ tự thê lương thu ái
ngoại. Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ. Thủy minh sơn tĩnh bạch âu quá. Phong
định vân nhàn hồng thụ sơ”. Tạm dịch:
“Khói
thu, lạnh lẽo mái chùa xưa. Hiu quạnh, câu thuyền chuông vẳng đưa. Nước sáng,
non yên, âu trắng lượn. Mây nhàn, gió lặng, đỏ cây thưa”.
Chúng ta để ý,
ngoài cái thấy thực, nghe thực, chúng còn: Nước sáng, non yên, gió
lặng, mây nhàn...
thì sẽ hiểu được cái tâm, cái trí và dụng ý của tác giả. Ở đây, thi sĩ đã sử
dụng tu từ mà nhẹ nhàng và trong vắt: sáng là tuệ;
yên, lặng là định; nhàn là tâm! Thế đấy, thực là thơ thiền thì không cần
sử dụng ngôn ngữ kinh điển khô khan hoặc khái niệm trừu tượng của lý trí vọng
thức đa sự!
Một bài khác nữa. Bài
Nguyệt. (月):半窗燈影滿床書,露滴秋庭夜氣虛。睡起砧聲無覓處,木樨花上月來初.“Bán song đăng ảnh mãn
sàng thư. Lộ trích thu đình dạ khí hư. Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ. Mộc tê
hoa thượng nguyệt lai sơ”. Tạm dịch: “Đèn
soi nửa cửa, sách đầy giường. Khí lạnh sân thu rỏ giọt sương. Thức dậy, mơ hồ
chày đập áo. Trên cành hoa mộc, ánh trăng vương”. Hai câu đầu là thực, tả thực, một nét phác
thảo chắt lọc cảnh. Câu ba là âm thanh ở xa vọng lại, đã đi vào tâm. Câu bốn,
nhờ tuệ, nhờ định
mà chụp bắt ngay được cái tinh tế của thực tại hiện tiền: trên cành hoa mộc
ánh trăng vừa lên! Tác giả không cần nói đương xứ tức chân như Đại Niệm Xứ,
như Vipassanā mà vẫn chụp bắt được cái đang là, cái như thị!
Thêm một bài
nữa, bài “Thiên Trường vãn vọng” (天長晚望):村後村前淡似煙 -
半無半有夕陽邊 -
牧童笛裡歸牛盡 -
白鷺雙雙飛下田.“Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên. Bán vô, bán hữu tịch dương biên. Mục
đồng địch lý quy ngưu tận. Bạch lộ song song phi hạ điền”. Tạm dịch: “Xóm trước, làng sau tựa khói
lồng. Bóng chiều nửa có, nửa dường không. Đi trong tiếng sáo, trâu về hết. Cò
trắng từng đôi liệng xuống đồng” [1].
Khảo sát văn bản, đúng là một khung cảnh yên ả thanh
bình của một ngôi làng quê trong cảnh hoàng hôn, xóm trước làng sau đều chìm
trong lớp sương mờ, và bóng chiều lúc ấy nửa dường như có nửa dường như không –
vì nó nhạt nhòa, nó lẫn trong khói, trong sương, không phân biệt ranh giới rõ
ràng. Đấy chính là cái nhìn như thực, tả thực - chứ không phải như ai đó hơi áp
đặt gán cho câu thơ này là muốn hoà đồng vào đại ngã của vũ trụ, hoặc là cái ta
chìm mất giữa thiên nhiên! Chính do suy lý, do tư duy lý tính của các nhà nghiên
cứu xen vào – đã đánh mất cái hồn thiền bình dị, trong sáng, như thực của văn
bản. Còn về tư tưởng, nếu Trần Nhân Tông muốn gởi gắm giáo pháp của mình thì ta
phải nghiên cứu chính ngữ lục, thơ và phú của ngài - về cái bán hữu bán vô ấy -
chứ không thể giải thích hữu vô theo quan niệm của triết sử Trung Quốc. Hữu và
vô, có và không, sắc và không – theo Phật giáo là hai mặt của thực tại; nói có
là ý niệm của con người, nói không cũng là ý niệm của con người. Thực tại, nó
luôn là cái đang là, là thế giới của tánh không, còn hữu và vô là ý niệm của tư
duy lý tính! Ai có nghiên cứu Kim Cương bát-nhã sẽ
“thấy ra” điều tôi nói. Và chính vua Trần Nhân Tông đã có một tuyên ngôn bất
hủ về cái có cái không ấy; ngài đã lấy chày Kim Cương đập vỡ, đập cho tan tành
cái chấp hữu chấp không ấy trong bài kệ “hữu cú, vô cú”: “Có có không
không . Giây khô cây ngã .Thầy tu áo vá . Đau não điên đầu.../ Có có không không. Lập tông lập chỉ.
Đập ngói, xoi rùa. Leo núi, lội sông/ Có có không không. Chẳng có chẳng
không...” Đại lược, chỉ hai chữ này thôi, trong Phật giáo là cả một
kho tàng đồ sộ cả ngàn năm nay kể từ khi có mặt kinh Kim Cương bát nhã, có Trung
quán luận của ngài Long thọ - được thiết lập từ duyên khởi vô ngã tính của
Nikāya. Không những bỏ hữu, bỏ vô mà còn tháo tung cả tám chữ
[2]
- ý Trần Nhân Tông còn nói như vậy nữa.
Trở lại với bài thơ, nơi cái
bóng chiều “tịch dương biên” ấy, nói
có cũng trật, nói không cũng không phải – nên tôi cho câu dịch là “ bóng chiều nửa có nửa dường không” – là vọng âm ngàn đời của thực
tại vô ngã tính. Sang câu ba bốn, cũng là cảnh thực, tả thực: Đàn trâu
trở về nhà theo với tiếng sáo của lũ mục đồng! Cò trắng từng đôi liệng xuống
đồng. Đúng là hình ảnh của các làng quê Việt Nam, nhất là những đồng bằng Bắc
bộ, tại thôn Thiên Trường. Nhưng tại sao, trâu ra về trong tiếng sao mà lại “quy ngưu tận?” Lý ra là phải “đang đi” chứ? Vì nó đang còn “địch lý”, trong tiếng sáo? Tại chỗ này,
không biết sao, mà tôi cứ nghĩ là vua Trần Nhân Tông cố ý gởi gắm tứ thiền trong
10 bức tranh chăn trâu, nơi bức tranh thứ sáu là cỡi trâu về nhà
(kỵ ngưu quy gia), có tiếng sáo đưa tiễn ráng chiều.
Khi mà “kỵ ngưu quy gia” rồi thì sau đó là quên
trâu còn người (vong ngưu tồn nhân), người trâu đều quên
(nhân ngưu câu vong), trở về nguồn cội
(phản bổn hoàn nguyên), thõng tay vào chợ (nhập triền thùy thủ). Trần Nhân Tông lúc ấy chỉ đưa ra hình ảnh cõi
trâu về nhà cùng với tiếng sáo, bức thứ sáu - là thấy rõ mình đã chăn giữ được
cái tâm của mình trên đường về nhà rồi. Thì ở đâu cũng giống nhau, đạo và đời
không còn biên cách, thành thị và sơn lâm đâu phải là vấn đề nữa - như trong bài
phú, hội thứ nhât: “Mình ngồi thành thị/
Nết dụng sơn lâm/ Muôn nghiệp lặng, an
nhàn thể tính/ Nửa ngày rồi, tự tại
thân tâm”. Có lẽ đúng như vậy chăng?
Đáng phàn nàn
là bài thơ “Thiên Trường vãn vọng” này, người ta chỉ phân tích ngữ pháp,
câu trúc, hiệu ứng nghệ thuật, đối tượng thẩm mỹ hoặc xem đấy là một bức tranh
thanh bình yên ả của một làng quê hạnh phúc, ấm no; là nặng nghĩa nặng tình với
quê hương đất nước... Có vị giáo sư lại giảng rất hay rằng: bài thơ đã tạo dựng
bức tranh nông thôn Việt Nam thấm đẫm tình đời, tình người bằng nhãn quan của
một thiền giả thi nhân. Thơ Trần Nhân Tông vừa thể hiện tâm thức đạt tới cảnh
giới diệu ngộ của Thiền phái Trúc Lâm, vừa thể hiện tâm hồn khát khao hòa nhập
vào thiên nhiên, vào cuộc sống đời thường và gởi gắm vào đó những triết lý bình
dị mà sâu xa... Khi bình thì bình tuyệt vời như thế, nhưng vị giáo sư không cho
ai biết “thể hiện tâm thức đạt tới cảnh giới diệu ngộ của Thiền phái Trúc
Lâm” ở chỗ nào? Và“thể hiện tâm hồn khát khao hòa nhập với thiên nhiên”
có đúng với tinh yếu thiền không? Và “triết lý bình dị và sâu xa” là ở
chỗ nào trong mấy câu thơ ấy? Lại không nghe nói! Và qua bài thơ ấy, thiền nằm ở
đâu, tư tưởng Phật học, giáo pháp nằm ở đâu? Cũng không nghe ai trả lời!
Tóm lại, bài viết này chỉ là khuyết giải, vụng bàn một
số thơ của các vị thiền sư, nó chưa tới nơi tới chốn, hoặc giả sẽ mắc phải một
số sai lầm nào đó do căn bệnh chủ quan của lý trí vọng thức – xin chư vị thức
giả, trí giả thông cảm cho. Ở đây tôi chỉ muốn xác định rõ ràng, để một số người
chưa có cơ hội đi sâu vào nền văn học thiền dễ tưởng lầm hễ cứ tả cảnh, di tích,
lịch sử Yên Tử là coi như đấy là thơ thiền non thiêng Yên Tử.
Tất cả chỉ là thiện ý. Mỹ học thiền nó không chỉ dừng
lại ở nơi tâm, nơi đạo, nơi các giá trị đức lý dung thường; đôi khi có một số
bài thơ thiền - nó ẩn, nó chìm, nó ở cao, ở xa, cô đơn và lạnh lẽo ngoài không
gian tâm thức nhị nguyên. Nó bội lý như tiếng vỗ của một bàn tay. Nó dám cả gan
nuốt lưỡi mà nói một câu chân đế vậy! Và những ý tưởng vừa hình thành trong đầu
óc tôi nó cũng đã “sinh diệt diệc dĩ, tịch
diệt hiện tiền” rồi!
Huyền Không Sơn Thượng
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Chú thích:
1- Trần Lê
Văn dịch: “Thôn trước thôn sau nhạt khói
lồng. Bóng chiều nửa có nửa hư không. Đi trong tiếng sáo trâu về hết. Cò trắng
song song liệng xuống đồng”.
Ngô Tất Tố dịch: “Trước xóm sau thôn tựa
khói lồng. Bóng chiều man mác có dường không. Mục đồng sáo vẳng trâu về hết.
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng”.
Bài của Trần Lê Văn, câu hai, không nói được cái bán vô, bán hữu rất
quan trọng của câu thơ. Bài của Ngô Tất Tố thì câu hai hỏng cái “man mác”, và câu ba, “mục đồng sáo vẳng” không sát ý văn bản –
vì mục đồng “địch lý” (trong
tiếng sáo). Tuy nhiên, nhờ hai bản này mà có bản dịch của tôi.
2- Là tám chữ: sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc. Đây là bài kệ lấy trong
kinh Niết-bàn, Hán tạng. Trong
kinh Niết-bàn của Dīgha Nikāya cũng có câu:
“Uppajjtvā nirujjhanti, tesaṃ
vūpasamo sukho”. Có nghĩa,
sinh rồi diêt (có sanh ắt có diệt),
tịch diệt - sự vắng lặng của các hành - mới là vui, vui giải thoát.