HÌNH TƯỢNG CON NGƯỜI THÂM NGỘ TRIẾT LÝ PHẬT GIÁO
QUA MỘT SỐ BÀI THƠ THIỀN LÝ - TRẦN
HOÀNG TRỌNG TÂM
Có người cho rằng: “Ở đâu có Thơ là ở đó có Đạo và ngược lại”. Thơ và Đạo có duyên với nhau, có lẽ từ thuở “nhật nguyệt chưa phân chung thuỷ”.
Thơ và Đạo hỗ tương phát triển, tạo nên những nét đẹp kỳ thú mà nhẹ
nhàng thanh thoát, góp phần cải tạo nhân tâm, xây dựng xã hội, tạo đà
phát triển sơn hà xã tắc. Điều đó được thể hiện thật sự rõ nét qua hai
triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam: Thời đại Lý –
Trần.
Lý
– Trần là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử quốc gia phong
kiến tự chủ Đại Việt với những chiến công hiển hách chống ngoại xâm bảo
vệ non sông gấm vóc. Đây là thời kỳ có nhiều thành tựu nhất về cả chính
trị, xã hội, văn hoá, kinh tế.
Giai đoạn này đã xuất hiện dòng văn học viết đầu tiên, mở đầu cho dòng văn học viết Việt Nam: văn học Lý – Trần. Đây là “giai đoạn văn học rất bề thế, tầm cỡ, phần nào tương ứng và tiêu biểu cho một thời đại thịnh trị huy hoàng của dân tộc”[1].
Không những thế, hình ảnh về con người, thiên nhiên, sông núi trong thơ
văn giai đoạn này như những bức tranh sống động. Vừa mang tính dân tộc
sâu sắc vừa chứa đựng tinh thần tôn giáo đậm đà . Trong đó, thơ Thiền là
thể loại văn học nổi trội, cả về số lượng lẫn nội dung. Thơ Thiền thời
Lý không những thể hiện sự sinh động trong đời sống tâm linh mà còn khắc
hoạ thật sâu sắc hình tượng con người, thiên nhiên, ... và tất cả.
Những rung cảm, những khoảnh khắc dao động trong tâm hồn của các nhà sư –
thi sĩ trước cuộc sống đều rất nhạy bén và đầy xúc cảm. Nhẹ nhàng,
thanh thoát và những cảm nhận rất đỗi tinh tế, các thi sĩ đã thể hiện sự
thẩm thấu, thấm nhuần tư tưởng và thâm ngộ triết lý đạo Phật.
Lực
lượng sáng tác trong thời kỳ này chủ yếu là các Thiền sư, nếu không
muốn nói là tất cả. Một phần nhỏ nho sĩ bấy giờ có sáng tác chút ít thì
cũng lại ảnh hưởng Phật giáo khá nặng. Hai tác giả đời Lý mà ta còn được
biết là Đoàn Văn Khâm, Thượng Thư bộ công và Mai Công Bật, Viên ngoại
lang bộ Binh cũng đều chan chứa mùi Thiền[2].
Điều đó cho thấy Phật giáo và văn chương thời Lý gắn chặt với nhau
không thể tách rời, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá dân tộc.
Phật
giáo thời Lý cũng giúp những nhà cầm quyền có lòng vị tha, độ lượng
khoan dung, thương dân như con đỏ, đó chính là kết quả mà giáo lý Phật
đà hun đúc nên. Sử gia Hoàng Xuân Hãn cũng rất khách quan khi nhận định
rằng: “Sau các đời Vua hung hãn Đinh, Lê, ta thấy xuất hiện những kẻ
cầm quyền có độ lượng khoan hồng, những người giúp việc ít tham lam,
phản bạn. Đời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta.
Đó chính là nhờ ảnh hưởng của đạo Phật”.[3]
Tư
tưởng, triết lý Phật giáo đã ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tinh thần
và khả năng tư duy của con người thời này. Con người là yếu tố đầu tiên
và hình ảnh chủ đạo trong thơ ca, không chỉ thời Lý, thể hiện hình ảnh
con người thế nào chính là quan niệm của tác giả. Trong thơ Thiền, hình
tượng con người được khám phá đầy bất ngờ và thú vị qua những bức tranh
về cuộc sống, một mặt hồ phẳng lặng, một tiếng chuông chùa ngân vọng sớm
hôm, một cảnh làng quê thanh bình với tiếng chim lảnh lót và ong bướm
chập chờn, một câu nói hóm hỉnh khôi hài, ... Khung cảnh đầy thi vị!
Tánh
không, phá chấp, vô ý, vô ngôn ... là tinh thần chủ đạo trong thơ Thiền
đời Lý. Con người thời Lý không những thể hiện được sự thao thức sống
và sống có ích, lợi lạc cho tha nhân mà còn chứng tỏ được quan điểm, lập
trường và khẳng định hướng đi của mình là tiến bộ, đúng đắn và tích
cực.
I. Bối cảnh xã hội:
1.Lịch sử dân tộc:
Vào
những năm cuối thế kỷ XI, vua Lê Long Đỉnh (Lê Ngoạ Triều) bạo ngược
ngu muội, đã chết sau 4 năm trị vì. Lúc bấy giờ tình hình đất nước hết
sức nguy ngập, ngoại xâm nội chiến vô cùng rối ren. Thiền sư Vạn Hạnh,
Thiền sư Đa Bảo và mưu sĩ Đào Cam Mộc cùng quần thần đã ra tay xoay
chuyển tình thế, đưa Lý Công Uẩn lên ngôi lấy hiệu là Lý Thái Tổ, xây
dựng nên một triều đại thái bình, huy hoàng chưa từng có trong lịch sử
phong kiến. “Triều đại nhà Lý không những là một triều đại oanh liệt
nhất trong lịch sử Việt Nam về chiến công, về chính trị vương đạo, về
nghệ thuật, văn hoá nói chung, mà còn là triều đại ý thức dân tộc sáng
tỏ mạnh mẽ nhất nữa. Trước sau có tám ông vua kế nghiệp lâu dài hai trăm
năm mà không có ông vua nào thất đức, đều là vua hiền cả”[4].
2.Văn học Phật giáo:
Như
chúng ta đã biết, vào thời Lý, Phật giáo phát triển đến cực thịnh và
được tôn làm quốc giáo. Đây chính là nền tảng cho văn học phát triển.
Điểm nổi bật nhất của văn học giai đoạn này là ý thức tự hào dân tộc, ý
chí quật cường và khẳng định chủ quyền đất nước. Tất cả đều mang đậm sắc
thái của Thiền tông Phật giáo, với những tư tưởng, triết lý về con
người và vũ trụ. Qua thơ văn, chúng ta dễ dàng nhận ra con người thời kỳ
này có một cách nhìn hoàn toàn mới về cuộc đời, một lối sống với đầy đủ
chất liệu mang đậm tính nhân văn. Phật giáo đã đóng vai trò rất quan
trọng trong việc xây dựng con người và xã hội với đời sống lành mạnh. Và
hơn thế nữa, “nhà chùa thời này không quay lưng với cuộc đời, không
thoát ly hiện thực mà tham gia đắc lực vào những hoạt động xã hội.
Nhiều nhà Sư là chỗ dựa cho nhà vua. Họ có vai trò quan trọng trong
triều đình và sáng tác của họ cũng ít tính chất vô hư, thơ văn của họ
thường hồn nhiên, sôi nổi, lạc quan yêu đời, ngay cả những trang chữ họ
thuyết giảng giáo lý nhà Phật”[5].
Nền
văn học Việt Nam trong giai đoạn này là những kho tàng quý giá, tác
phẩm của các Thiền sư đã mở ra một cách nhìn hoàn toàn mới mẽ, một lối
sống đầy chất liệu nhân bản, đích thực, chính chất liệu này đã thấm
nhuần vào dòng tâm thức của đông đảo quần chúng nhân dân.
Những tuyệt phẩm như Cáo Tật Thị Chúng (Mãn Giác), Ngư Nhàn (Dương Không Lộ), Thị Đệ Tử
(Vạn Hạnh), ... đã gửi gắm những quan điểm triết học, nhân sinh quan và
cái nhìn tinh tế, mỹ lệ về xã hội nói chung và con người đương đại nói
riêng. Vũ trụ, vạn vật trong đó có con người vốn cùng một bản thể mà ra,
mọi chúng sinh đều đầy đủ tính giác, sáng suốt, hồn nhiên. Họ đã khéo
léo chuyển tải sự lạc quan, yêu đời, sống thong dong tự tại vào những
trang thơ hồn nhiên trong sáng.
II. Định nghĩa Thiền, Thơ & thơ Thiền:
Thiền
là gì? Thơ là gì mà dễ làm cho người ta bối rối đến thế khi phân tích,
so sánh? Để trả lời nó, chúng ta không thể không tìm hiểu những mảng
liên quan đến Thiền, Thơ và thơ Thiền.
1. Thiền:
Đạo Phật xuất hiện ở đời chỉ vì mục đích duy nhất là “khai thị chúng sanh nhập Phật chi tri kiến”.
Đích đến thì chỉ có một nhưng đường đi thì muôn vàn. Thiền đạo là một
trong những con đường tắt, gần, rộng rãi và thoáng đạt. Thiền học là
tinh hoa của giáo lý Phật đà, là đỉnh cao của triết học, là cảm hứng
siêu thoát, là thông điệp của mùa xuân vĩnh cửu, là triết lý hành động
giữa cõi vô thường, có – không, sanh - diệt.
Nói
một cách bóng bẩy, Thiền là nghệ thuật sống, là tinh hoa của minh triết
đông phương, là vầng trăng soi sáng giữa miền u tịch; đánh thức vô
minh, vọng lầm để tao ngộ với quê hương sơ thỉ. Thiền thuộc về lãnh vực
của tâm năng trực giác, là chỗ mà lý thuyết tuyệt lộ, là ngôn ngữ vô
ngôn của cố quận thuở ý tưởng và khái niệm chưa sinh ra đời.
Nói
tóm, Thiền là cách sống để được giải thoát! Thơ là tinh hoa của ngôn
ngữ, làm cho con chữ lấp lánh nhiều sắc màu, ý tưởng; lung linh đa chiều
tư duy và cảm xúc. Thơ là sự suy tưởng của triết lý thất bật, là giấc
mơ tại thế, là cánh chim ước vọng bay vào giấc mơ riêng tư cô đơn nhưng
lại xa rộng khôn cùng. Thơ thuộc về những tế bào nhạy bén của con tim và
khối óc. Đó là những cảm xúc dạt dào, rung cảm, những khoảng khắc dao
động của tâm hồn.
2. Thơ Thiền:
Có người nói rằng Thơ rất gần với Thiền.
Thơ vi vút trong không gian thẩm mỹ ước lệ; Thiền thênh thang trong cõi tĩnh mặc, trong sáng và vô duy.
Thơ
Thiền là các bài kệ, là thơ bao gồm cả kệ và thơ, nêu lên một triết lý,
một quan niệm Thiền hay một bài học Thiền nào đó, hoặc vừa ảnh hưởng
Thiền vừa mang rung động thi ca có tính trần thế. Thơ Thiền là thơ của
các nhà sư và của cả những người không tu hành nhưng am hiểu, yêu thích
triết lý Phật giáo, bày tỏ trực tiếp hoặc gián tiếp triết lý, cảm xúc
hay tâm lý Thiền.[6]
Thơ Thiền có thể chia làm hai loại:
Một, thiên về triết lý (tán, tụng, ngộ, giải) chiếm khoảng 94%
Hai, thiên về trữ tình, mang tư tưởng, cảm xúc Thiền chiếm khoảng 6%
Nhà
nghiên cứu Nguyễn Duy Hinh đã mạnh dạn chia thơ Thiền ra làm 3 loại:
Một, các thể loại kệ tụng cổ, thuần tuý giáo lý tu hành thuộc phạm trù
kinh và luận. Hai, những áng văn chương chỉ ảnh hưởng của Phật giáo,
thoát khỏi kệ, mang những rung động của thi ca, nó đứng giữa Thơ và Kệ.
Ba, những tác phẩm có thuật ngữ Phật giáo song không mang nội hàm giáo
nghĩa Phật giáo.
Vì
thế, thơ Thiền nhìn chung bao hàm một nghĩa tương đối rộng, có tính
chất mở. Nếu muốn phân biệt rõ ràng giữa thơ Thiền và thơ mang tính
Thiền hay thơ dùng thuật ngữ Phật giáo thì cần phải đi sâu tìm hiểu và
phân tích kỹ để có cái nhìn đúng đắn hơn.
III. Sự dung hợp giữa thơ và Thiền:
Thơ
và Thiền không chung dòng, chung nhánh mà còn có vẻ như xa lạ với nhau,
có sự khác biệt giữa giấc mộng miên man, đa sự và ngôn ngữ tỉnh thức,
giác ngộ. Thiền thuộc phạm trù tôn giáo, thơ thuộc mảng văn học trữ
tình. Mục đích của Thiền là chứng ngộ Chân như Pháp tánh, trong khi đó
thơ là để bày tỏ tình cảm con người, những ưu tư khắc khoải. Thơ là sản
phẩm của thời cuộc, phản ánh nhiều mặt của cuộc sống. Trong khi đó Thiền
là cuộc sống, là suối nguồn tuôn trào những dòng sinh lực nuôi dưỡng
cuộc đời. Do đó, sắc thái nổi trội của Thiền là dung hoà, tuỳ thuận mà
không phê bình chống đối, kén chọn như thơ.
Tuy
nhiên, dòng tâm thức của con người làm thơ, mới – cũ, xưa – nay có sự
tương giao, có cùng tư tưởng là lý Thiền. Cuộc đời không phẳng lì như
chiếc gương soi mà nhiều mặt, lắm quan điểm, quanh co khúc khuỷu. Thơ
đến với đời để chỉ cho người ta thấy cái đẹp, thi vị của cuộc đời. Thơ
cảm thông, yêu thương đời nhưng vì thiếu sự hiểu biết về đời nên đôi lúc
đồng nghĩa với thương hại. Bởi thế, Thiền bổ sung vào điểm thiếu sót đó
của thơ. Thiền khách quan, trung thực, thấy cuộc đời mong manh như bóng
nước, và vẻ đẹp đích thực của Thiền là ở đây.
Thơ
cũng như cung đàn, có nhiều tầng bậc và âm vực khác nhau, tuỳ theo sự
đánh giá của mỗi người. Thiền cũng vậy. Thiền và Thơ gặp nhau ở cung bậc
cao nhất của chúng. Cũng có thể có người cho rằng, cung bậc của thơ
thấp hơn của Thiền ở một mức độ nhất định nào đó. Thơ có thể thua kém
Thiền ở mức độ nhạy bén, khách quan, song nếu đó là một bài thơ hay xuất
hiện trong một phút giây ngất ngây thì tư duy không cần phải gọt giũa,
chọn lựa.
Thiền
& Thơ tồn tại và bằng lòng dung hợp, bổ trợ cho nhau. Thơ không
tuyên bố vị nghệ thuật, Thiền không tuyên bố vị nhân sinh. Chúng quên tự
thân, chỉ có cái đẹp là tồn tại mãi mãi và đây là lẽ sống của cuộc đời.
IV. Triết lý Phật giáo là gì?
1. Triết lý Duyên khởi duyên sinh:
Theo Phật giáo, vạn vật duyên khởi duyên sinh, cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không
và ngược lại, không có một vật nào riêng biệt mà tồn tại được. Chúng
phải nương vào nhau mới thành vật này hay vật khác, đó là duyên sinh hay
trùng trùng duyên khởi.
Chư pháp tùng duyên sanh
Diệc tùng nhân duyên diệt
Tôn
giả đại trí Xá Lợi Phất cũng nhờ nghe được chân lý này mà ngộ đạo.
Không những thế, chư Phật ba đời cũng chứng quả Vô thượng bằng định luật
này.
Khi
con người thâm ngộ định luật này thì đồng thời họ cũng nhận thức được
rằng thân mạng con người nói riêng và vạn hữu nói chung là vô ngã. Các
pháp hữu vi từ duyên mà sanh ra thì khi hết duyên, thiếu duyên cũng đồng
nghĩa với sự huỷ hoại.
2. Triết lý Vô ngã:
Con
người tồn tại được là nhờ kết hợp từ nhiều yếu tố thế nên nó vốn không
có cái ngã thường hằng, không có “ngã” thì “ngã sở” cũng trống không.
Đạo Phật đứng giữa cuộc đời nhìn lại tự tánh của mỗi chúng sanh để đi
đến cái Chân như bất tận. Nghĩa là thấy đúng như thật là sự thật, thấy
tất cả pháp đều do duyên sinh, không có gì chắc thật. Người và mình, cả
hai đều “không”. Đạo Phật với tinh hoa là Thiền học có cái nhìn thực tại
tối hậu, nhấn mạnh về tính cách vô ngã của con người. Phật giáo nói
chung và Thiền tông nói riêng có chủ trương phá bỏ kiến chấp (ngã chấp
và pháp chấp) vạn vật là thường của chúng sanh.
Vô ngã là bản chất của vạn vật, là chân lý muôn thuở của cuộc đời.
3. Triết lý Vô thường:
Vô thường là định luật chi phối tất cả sự vật.
Đức
Phật dạy: “Tất cả những gì trong thế gian đã là biến đổi, hư hoại, đều
là vô thường”. Vạn vật hiện hữu quanh ta luôn thay đổi, biến chuyển từ
trạng thái này sang trạng thái khác. Định luật vô thường tồn tại theo
một quy luật gồm bốn yếu tố: thành, trụ, hoại, không. Sinh ra, lớn lên,
suy yếu và cuối cùng là tan rã. Tất cả sự vật trong vũ trụ từ hạt bụi
mảy may nhỏ bé đến những hành tinh lớn trong ngân hà vũ trụ đều phải
tuân theo bốn giai đoạn ấy cả, thế nên gọi đó là vô thường.
Vô thường có 3: Thân vô thường, Tâm vô thường, Hoàn cảnh vô thường.
Vô
thường của đạo Phật không bi quan yếm thế, không gieo rắc vào lòng
người những quan niệm chán đời thối chí. Mà đây chính là sự thật về cuộc
đời. Đạo Phật nói vô thường vì muốn chỉ rõ mặt trái của cuộc đời, bài
trừ những mê lầm và ngăn chặn con người không chạy theo vật dục. Nếu
hiểu được lý vô thường thì chúng ta sẽ có một phương thuốc thần diệu để
đối trị căn bệnh tham ái, mê mờ.
Mặt
khác, đạo Phật nói vô thường để đả phá cái chấp thường còn của thế
gian. Đến khi chúng sanh ngộ được lẽ vô thường thì đó chính là lẽ chơn
thường bất biến.
V. Hình tượng con người thâm ngộ triết lý Phật giáo qua thơ Thiền thời Lý:
1. Con người vật chất:
Con người được xem là động vật bậc cao, có tư duy, có ngôn ngữ, cũng được xem là tối linh trong vạn loại.
Con
người nói chung đều mong muốn bản thân mình trẻ mãi không già, luôn vui
vẻ hạnh phúc mà không hề chờ đợi đau khổ muộn phiền. Làm sao để không
già, không bệnh, không khổ và không chết? Những mong ước như thế cứ canh
cánh bên lòng khiến con người giữa trần ai mãi hoài đi tìm lời giải
đáp. Người ta cứ ước vọng xa xôi mà không quay trở về với tự tánh chân
tâm, không tự bằng lòng với những gì đang có, không tìm được “an lạc
trong hiện tại”. Ngày ngày rong ruổi giữa giòng đời biến động, đêm đêm
vọng tưởng trong giấc mộng miên man.
Con
người sống giữa cuộc đời với những cảnh ngộ khác nhau. Kẻ giàu người
hèn, kẻ buồn người vui. Chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh một bác nông
phu với con trâu già lầm lũi từng bước cày giữa ruộng đồng, một bà lão
với chiếc nón rách tả tơi ngửa đôi bàn tay gân guốc xin bát cơm lót dạ.
Cũng không khó để tìm ra một kẻ vung tiền nhậu nhẹt rượu chè, ăn chơi
trác táng. Cũng có những kẻ đấu tranh trên thương trường, mong chiếm
được phần hơn, dùng tất cả âm mưu và thủ đoạn để triệt hạ đối phương,
hòng tranh danh lợi. Tất cả chỉ vì miếng cơm manh áo, thoả mãn bản thân.
Nhưng nào ngờ, đó cũng chính là giềng mối đưa đến cái hoạ cho mai hậu.
Khác
với thế tục phàm nhân, bậc thâm ngộ giáo lý Phật đà mặc nhiên trong
sương gió. Ngày ngày luận đàm diệu nghĩa tánh chơn; đêm đêm tĩnh toạ
nhàn du Thiền định. Sắc – tài chẳng khác giấc chiêm bao; danh – lợi như
là cơn gió thoảng. Thân thanh thản, an nhàn, không quái ngại; Tâm tự tại
bất biến với tuỳ duyên. Các vị Thiền sư – thi sĩ đã mở rộng lòng mình,
hoà quyện với thiên nhiên, tham gia cùng thế cuộc. Luôn sống thức tỉnh
và không hãi sợ trước những nghịch cảnh của cuộc đời.
Sống,
chiến đấu để bảo vệ non sông. Sống, cứu giúp những mảnh đời ngang trái.
Dù ở trạng thái nào thì con người cứ vẫn phải sống. Tuy nhiên sống như
thế nào mới không uổng phí đời người mới là điều đáng quan tâm. Mối quan
tâm chung của con người là “Cơm, áo, gạo, tiền”, làm sao để có
được hạnh phúc, ...? Nỗi lo đó được giải đáp một cách triệt để khi con
người bắt gặp được giáo nghĩa Phật đà. Từ đó, tạo tiền đề cho việc phát
triển nhân tâm, xây dựng một xã hội thanh bình, an lạc.
2. Con người tinh thần:
a) Tinh thần vô uý:
Nhờ
thấm nhuần tư tưởng triết lý Phật giáo mà đa số các tác giả thơ Thiền
đều có chung quan niệm về con người, về sự hiện hữu – sinh diệt của đời
người. Thân người được cấu thành và tồn tại bởi nhờ tứ đại và ngũ uẩn,
nó duyên sinh, vô ngã. Sự biến đổi vô thường là bản chất của cuộc sống
con người với đầy đủ các giai đoạn sống, từ tuổi bập bẹ thuở ấu thơ,
trưởng thành rồi già yếu và chết đi để tiếp tục một cuộc đời mới, một
kiếp sống mới. Chẳng thế mà có người cho rằng, thân con người ta sống ở
đời và chết đi trong đời cũng như chiếc áo, cũ tất phải thay, không có
gì phải hoang mang, sợ hãi.
Điều
này đã được các Thiền sư nhắc đến như một lời cảnh giác đối với những
người đang sống trong giòng đời biến diệt. Thiền sư Vạn Hạnh, đã dạy đệ
tử mà chẳng khác nào một lời tâm sự:
身如電影有還無
萬木春榮秋又枯
任運盛衰無怖畏
盛衰如露草頭鋪
Âm:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thạnh suy vô bố uý
Thạnh suy như lộ thảo đầu phô.
Dịch:
“Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối xuân tươi thu não nùng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông”
(Vạn Hạnh – 218)[7]
Thân
người được Thiền sư ví với những hình ảnh mong manh, dễ đổi thay như
ánh chớp trong chiều tà hoang phế, như giọt sương long lanh trên đầu
ngọn cỏ buổi sớm mai. Bốn mùa tám tiết, vạn vật biến chuyển không ngừng,
xuân qua hoa lá xanh tươi tốt, thu đến lá hoa cũng rụng rời.
Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối xuân tươi thu não nùng
Vạn
Hạnh Thiền sư đã bảo hoà được cái vẻ đẹp của cuộc sống thể nhập. Thân
ngũ uẩn giả hợp, như sương mai, như ánh chớp, có đấy rồi không đấy, rất
vô thường. Thêm nữa, Thiền sư nhắc đến cái vòng tuần hoàn của thế gian,
xuân vinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàn. Tuy bề ngoài có lúc tươi, lúc
héo, lúc xuống, lúc lên như sóng nước vô hạn tràn đầy vũ trụ. Đây là tư
tưởng lạc quan yêu đời thể hiện tinh thần vô uý và tin vào nhịp điệu vận
hành biến động liên tục nên không lo sợ sự biến đổi lên xuống của cuộc
đời.
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Việc
gì phải sợ hãi? Người tỉnh thức là người biết mình đang sống giữa cuộc
đời biến chuyển, biết rằng mình ngày một già đi theo năm tháng thời
gian. Không chấp trước vào đâu nên thông suốt, vô niệm, quân bình, thông
hiểu cuộc đời này tuy có thăng trầm nhưng nhờ có nó mà vẻ đẹp cuộc sống
có giá trị cao hơn cả. Biết được như vậy là nhờ hiểu đạo Phật, con
người thời Lý không hề sợ hãi khi phải đối mặt với sanh – tử, hợp – tan.
Từ đó, giúp họ có một lối sống tích cực, mạnh mẽ, cứng rắn, góp phần
xây dựng quốc gia giàu đẹp. Con người hiện hữu hôm nay và biết rằng ta
sống cho hôm nay, không màng đến quá khứ, tương lai mà ảo vọng đảo điên.
Thu đến, xuân đi âu cũng là lẽ thường của tự nhiên.
Biết thời gian của hôm nay
Xuân xưa thu cũ ai hay biết gì
(Thiền Lão – 27)
Một
cái nhìn thầm lặng nhưng hùng tráng, đơn sơ mà trác tuyệt của các vị
Thiền sư, các tác giả thâm ngộ triết lý đạo Phật. Đó không những thỉnh
thoảng xuất thần trong vài phút mà đã xuất thần hàng ngày, hàng tháng,
hàng năm. Không những đã thoát mình ra khỏi tù túng của thế giới hiện
tượng mà còn nhập được với cái toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ của muôn
thuở. Họ không lý luận để nhìn thấy lẽ vô thường của cuộc đời mà đã nhìn
thấy như thật, rõ ràng nhưng một cọng một là hai. Từ đó, họ sống một
cuộc sống tự tại.
Thân như tường vách đã lung lay
Lật đật người đời những xót thay
(Viên Chiếu – 44)
Đúng
vậy, thân con người khác nào bóng nước, cũng tợ sương mai, nó mỏng manh
và lung lay yếu đuối, tựa hồ như muốn sụp đổ bất cứ lúc nào. Thế mà ai
hay? Ai biết? Chỉ có những người thâm ngộ giáo lý Phật đà mới có thể vô bố uý
trước sự quay cuồng điên loạn của cuộc đời. Tác giả cảm thấy đau xót
cho những kẻ quên đi sự thật vô thường của bản thân để rồi sống quờ
quạng, bon chen, dật dờ trong màn sương mờ ảo của nghiệp báo luân hồi.
Thật đáng thương! Đáng thương cho những người chưa một lần đánh động ý
thức để thấy rõ hơn cái thân mình đang sở hữu. Có gì phải sợ hãi, đau
khổ khi “Thân là nguồn sinh diệt”? Có đó, rồi mất đó.
Vốn từ không tịch, ảo thân sinh
Như ở trong gương hiện bóng hình
Hình bóng vẫn rằng “không” hết thảy
Ảo thân, tướng thật, chứng rành rành”
(Kiều Bản Tịnh – 104)
Ta
từ đâu đến và sẽ đi về đâu? Có phải chăng từ chỗ trống không lặng lẽ mà
sinh ra? Và cuối cùng sẽ trở về với cảnh giới tịch mặc đó? Nhưng, có gì
phải nghi vấn, truy tìm nguồn gốc để rồi phải đớn đau, sầu khổ. Hãy
chiêm ngưỡng vẻ đẹp ước lệ của thiên nhiên để thấy được lẽ mầu nhiệm của
thực tại. Ngoài kia, một giọt sương lấp lánh trong ánh bình minh của
buổi ban mai, trong vắt như hạt minh châu đang ngự trị lung linh trên
ngọn cỏ non xanh mướt.
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông
Thật tuyệt vời!
Thạnh
suy, suy thạnh của cuộc đời diễn ra như tuồng huyễn hoá. Con người sống
vật vờ trong sự xoay chuyển không ngừng của thời gian. Có có, không
không, những phạm trù đối đãi khiến thế nhân ưu sầu miên viễn. Nhận thức
được điều đó thì cảnh mây chiều phủ núi cao cũng là diệu cảnh.
“Ví người hiểu lẽ không phân biệt
Núi phủ mây chiều, cây cỏ tươi”
(Bảo Giám – 94)
Bài
thơ nói lên thái độ sống của một người thông rõ pháp Phật và bất cứ ai
hiểu đạo Phật cũng có cùng thái độ sống như rứa. Rất tích cực dấn bước
vào giòng chảy vô thường của cuộc đời để độ sanh. Sống như vậy, như
thiền sư Vạn Hạnh là hiểu đạo Phật và ngược lại, hiểu đạo Phật là sống
như vậy: tỉnh táo trước vô thường để tích cực cứu thế mà không phải yếm
thế.
b) Tinh thần phóng khoáng thảnh thơi, vô sự:
Không
phân biệt ngã – nhân, bỉ – thử, sống phóng khoáng mà không phóng túng.
Những áng thơ đời Lý thật bình dị nhưng đã toát lên được cái lý Như Thị
chân tâm Phật tánh. Vì vô minh nên con người khởi lên vọng chấp tìm cầu
đuổi bắt cái hình bóng “mờ mờ nhân ảnh”, chẳng khác nào “đang yên tự tìm
nguy”, chỉ cần dừng lại vọng niệm thì “trăng gió làm gì được”. Tuy
nhiên, không phải ai cũng ngộ được lý này.
Thiên
nhiên là nguồn mạch sống của nhân loại, nó cũng không ngoại lệ đối với
những người thâm ngộ giáo lý nhà Phật. Hình ảnh ông chài say sưa giấc
nồng, quá trưa tỉnh dậy thấy đời thật đáng yêu, khung cảnh, thanh âm mát
rượi cả một vùng trời. Thiền sư Dương Không Lộ đã cho thấy tư thái ung
dung tự tại, không bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc đời.
萬里青江萬里天
一村桑柘一村煙
漁翁睡著無人喚
過午醒來雪滿船
Âm:
Vạn lý thanh giang vạn lý thiên
Nhất thôn tang giá, nhất thôn yên
Ngư ông thuỵ trước vô nhân hoán
Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền.
Dịch:
Trời xanh nước biếc muôn trùng
Một thôn sương khói một vùng dâu đay
Ông chài ngủ tít ai lay
Quá trưa tỉnh dậy tuyết bay đầy thuyền
(Không Lộ - 72)
Một khoảnh trời trong in trên giòng nước biếc, một vùng dâu xanh ngát, từ xa xa, khói nhà ai lơ lửng bay ngút đến trời xanh.
Trời xanh nước biếc muôn trùng
Một thôn sương khói một vùng dâu đay
Hình ảnh thật yên bình!
Tác
giả đã thể hiện phong thái thong dong, sống hết mình trong hiện tại,
không chút lo lắng, ưu phiền trước những nghịch cảnh chông gai, tránh xa
những bận bịu lo toan trong cuộc sống. Họ sống vô vi nên có được sự an
nhàn tự tại.
Vô vi cư khoáng dã
Tiêu dao tự tại nhân.
(Hiện Quang – 130)
Con
người vui thú cùng thiên nhiên, chỉ với một chiếc gậy trúc, một tấm áo
tơi, tự tại tiêu dao cùng mây nước, trò chuyện với trăng sao.
Chống gậy non cao rũ bụi đời
Nằm trong mộng huyễn ngắm mây trôi.
(Đoàn Văn Khâm – 56)
Bên
giòng sông thơ mộng, bên khóm trúc vi vu, họ biết tuỳ theo cảm hứng để
hưởng lạc, thưởng ngoạn thiên nhiên. Khi đói thì ăn, khi mệt thì nghỉ,
cuộc sống thật an lạc xiết bao.
Hứng lên xách gậy dạo đường quê
Mệt mỏi buông rèm khểnh chỏng tre.
(Viên Chiếu – 43)
Một
con người thảnh thơi vô sự, là người sống nhưng không quên tính chất
huyễn ảo của sự vật hiện tượng. Một Thiền sư – thi sĩ vừa siêu việt, vừa
hiện thực trong đời sống của mình, không lưu luyến, không vấn vương. Là
những người đạt đạo, họ biết rằng chánh pháp còn phải bỏ, huống hồ phi
pháp, nếu còn lưu luyến và cái thật thì cái thật sẽ trói buộc ta. Vì thế
mà Thiền sư – thi sĩ sẽ buông tất cả như hình ảnh ông chài vô tư trong
giấc nồng.
“Ông chài ngủ tít ai lay”
Sống
thảnh thơi vô sự kiểu như thế gần giống với tư tưởng của Lão – Trang.
Nó có vài điểm cộng thông với chủ trương vô vi, phóng nhiệm hay tuyệt
thánh khí trí của Lão giáo. Cũng có thể xem con người thảnh thơi vô sự
này là những người vô tâm vô ý như một số nhà nghiên cứu đã đề xuất. Mẫu
người này hiện lên với một phong thái thong dong như là kết quả của sự
chứng ngộ chân lý Thiền. Hình ảnh ông chài ngủ đến quá trưa mà không ai
lay chính là hình ảnh tĩnh mà động, chứng tỏ đã thoát ra khỏi sự ràng
buộc về ngoại cảnh, không còn vướng bận như một nhân sinh thường tình.
Khái niệm về không gian thời gian cũng không còn ý nghĩa đối với họ.
“Quá trưa tỉnh dậy tuyết bay đầy thuyền”
Sau
khi thâm ngộ triết lý Phật giáo, nhà sư – thi sĩ như thể nhập chân lý
chiếu diệu thả muôn phương, họ chỉ còn việc sống hồn nhiên với thực tại
mầu nhiệm. Danh lợi, quyền hạng, tiền bạc, vật chất... không còn ý nghĩa
trong đời sống của họ. Qua đó, chúng ta có thể thấy các Thiền sư– thi
sĩ đã vượt lên trên đời sống thường tình của thế nhân mặc dù họ vẫn hít
thở, vẫn ăn cơm mặc áo như bao con người bình thường khác. Con người ấy
vừa bình dị vô tâm, vừa xuất thế nhiệm mầu và dường như có sự đối lập
với người nhập thế đầy nhiệt huyết.
c) Tinh thần phá chấp:
Đức
Phật dạy: “Tâm Phật, chúng sanh cả hai đều không sai khác và bình đẳng
trong bình đẳng”. Pháp Phật bình đẳng, không phân biệt cao thấp, song
chúng sanh có tánh sai biệt nên mê mờ, điên đảo. Tính phá chấp triệt để
trong thơ Thiền khẳng định tư tưởng, cách sống của các Thiền sư – thi
sĩ, không muốn bị gượng ép gò bó giữa hai thái cực: có – không; thường -
đoạn; hay - dở; tốt - xấu, ...
作有塵沙有
為空一切空
有空如水月
勿著有空空
Âm:
Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu không như thuỷ nguyệt
Vật trước hữu không không.
Dịch:
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Vầng trăng vằng vặc in sông
Chắc gì có có, không không mơ màng
(Đạo Hạnh – 62)
Cặp phạm trù “sắc – không” của các nhà thơ thời Lý chỉ rõ hai khuynh hướng đối lập cội nguồn.
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không.
“Có
– không”, lý tánh Bát Nhã hiện hữu trong từng câu thơ, thể hiện sắc
thái của những con người đã thấu triệt được mọi cái “Có – Không”, tự tại
an vui giữa cuộc đời. Hãy theo chân các bậc tiền bối đi vào cảnh giới
có – không, còn - mất, sống - chết ngay cả hiện tiền lẫn lúc từ bỏ sắc
thân giả huyễn.
Bát Nhã thực vô tông
Người không mình cũng không
Phật trước hay sau nữa
Pháp tánh vốn tương đồng.
(Lý Thái Tông – 29)
Đúng
vậy, ánh sáng của trí tuệ thật không có nguồn gốc, thân người tạm bợ
tồn tại trong mỗi sát na, thì có gì phải phân bỉ - thử? Ngã , nhân, chúng sanh, thọ giả là cái chi chi? Chư Phật ba đời cùng chúng sanh Phật tánh tương đồng, không cao - thấp, Thánh không tăng, phàm không giảm. “Bản Tánh Chân Như”
như vầng trăng Lăng Già vắng lặng, như thuyền Bát Nhã vượt trùng khơi.
Tuy con mắt phàm tục không nhìn thấy nhưng nó vẫn hiện hữu khi con mắt
trí tuệ bừng sáng, pháp tánh chân như tự hiển bày. Đây là cái nhìn của
trí tuệ giải thoát và cũng chính là con đường thể nhập lý tánh Bát Nhã
chân không của đạo Phật. Nếu ngộ được lẽ huyền diệu của Chân Không thì
đó chính là Diệu Hữu. Trong cái tịch tĩnh vắng lặng đó ta nhìn thấy được
vạn pháp vốn “không tính” rốt ráo, lìa xa tất cả mọi ý niệm về “hữu”,
“vô”. Lìa xa cả ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng,
xả bỏ tất cả vọng tưởng phân biệt.
Lặng như vầng nguyệt núi Lăng Già
Hư tựa con thuyền vượt sóng ra
Biết cả lẽ “không” và lẽ “có”
Lại dùng “tam muội” hiểu sâu xa.
(Huệ Sinh – 36)
Còn
“có” và “không” là còn mê muội, là không hiểu được pháp tánh bản thể
nhiệm mầu trong mỗi chúng sanh. Khi con người đạt đến trạng thái thật sự
vắng lặng thì nó có khả năng dung chứa tất cả “hữu”, “vô” hay cả trí
tuệ Bát Nhã. Không phải chỉ các vị Thiền sư, mà ngay cả người phụ nữ
trong chế độ phong kiến cũng thâm ngộ rất sâu giáo lý Phật đà và có cái
nhìn khách quan, “thể nhập” diệu nghĩa sắc – không:
Sắc là không, không tức sắc
Không là sắc, sắc tức không
Sắc không đều chẳng quản
Mới khế hợp chân tông
(Ỷ Lan – 68)
Thiền
nói riêng và đạo Phật nói chung đã hướng con người thời Lý đến với một
phương trời tự do, với một tinh thần vô chấp. Vạn hữu vô ngã, đó là chân
lý mà chỉ riêng đạo Phật mới có tư tưởng này. Mục đích chính là đạt
được cái tâm trống không, vắng lặng. Nhị biên phân biệt chính là sợi dây
vô hình tự trói buộc mình, cũng là động cơ thúc đẩy con người phải phấn
đấu. Nhưng có người đã khẳng định “cầu Phật, cầu Thiền” để cầu giải
thoát sinh tử là việc làm lầm lạc, là hành động của ma.
Thoát tịch diệt xong bàn tịch diệt
Sau vô sinh hãy nói vô sinh
Làm trai lập chí xông trời thẳm
Theo gót Như Lai luống nhọc mình
(Quảng Nghiêm – 114)
Tất
cả mọi khổ đau đều do con người vọng tâm phân biệt, chấp trước. Với
tinh thần phá chấp, không bước theo lối mòn tư duy, tư tưởng triết lý
của đạo Phật đã hướng con người thời Lý đến với một khoảng không gian
bao la tự do, thoát khỏi mọi lệ thuộc của quy ước, nguyên tắc, giáo
điều. Khi con người không còn vướng mắc hay lệ thuộc thì những chuyện
sống – chết, thịnh – suy, ..., sẽ nhẹ tựa hồng mao, họ sẽ biết chấp nhận
nó và sống an lạc trong vòng xoáy vô cùng của sum la vạn tượng. Hết
thảy đều huyễn hoá như trăng in bóng nước, như núi phủ mây chiều, có đó
rồi mất đó.
Vầng trăng vằng vặc in sông
Chắc gì có có, không không mơ màng.
Và
cuối cùng, một pháp là muôn pháp, cũng chẳng phải có cũng chẳng phải
không. Nếu hiểu được như thế thì Phật và chúng sanh không khác.
Pháp tướng vốn như không có pháp
Mơ màng như có lại như không
Pháp này ví có người am hiểu
Thế tục, Như Lai một chữ đồng.
(Huệ Sinh – 37)
d) Tinh thần vô ý:
Thơ
Thiền cũng đã cho thấy tình thần vô ý đã ăn sâu vào tiềm thức của con
người thời Lý. Hình ảnh đó được thể hiện qua hình tượng thiên nhiên: một
dòng nước chảy, một khóm mây bay, thuận theo lẽ tự nhiên mà chẳng cần
đắn đo suy nghĩ.
Nước chảy xuống đồi không cố ý
Mây ra khỏi núi vẫn vô tâm
Thuận
lẽ tự nhiên, với tâm bình đẳng vô phân biệt, con người thâm ngộ triết
lý đạo Phật sẽ không rơi vào con đường lầm lạc. Đạo không đâu xa mà ở
ngay trước mắt, quay trở lại với bản thể chân tâm, chớ vẫn vơ như “tâm
viên ý mã”. Đạo vốn dĩ đã hiện hữu trong thực tại nhiệm mầu.
Đạo không hình bóng
Trước mắt, đâu xa
Tìm tự lòng ta
Chớ tìm chốn khác
Dẫu mà tìm được
Chẳng phải là chân
Dù có được “chân”
Chân là gì vậy?
(Nguyện Học – 99)
Thiền
sư Nguyện Học đã hiểu rằng: Đạo vốn không có ảnh tượng, mà do ý niệm
con người sinh ra. Nếu “vô ý” thì vạn pháp thế gian đều là Phật pháp,
nếu tìm cầu giải thoát giác ngộ ngoài pháp thế gian là điều không thể
chẳng khác nào bôn ba truy đuổi hoa đốm hư không, hoài công tốn sức tìm
cầu “lông rùa sừng thỏ”.
Xuân sang? Ừ thì Xuân cứ sang, hoa cứ nở, và ong bướm cứ chập chờn bay. Mặc ý. Bận lòng chi.
Xuân sang hoa bướm khéo quen thì
Bướm liệng hoa cười vẫn đúng kỳ
Nên biết bướm hoa đều huyễn ảo
Thây hoa, mặc bướm, để lòng chi!
(Giác Hải – 83)
e) Tinh thần vô ngôn:
Đức
Từ phụ Thích Ca Mâu Ni trước khi tịch diệt, đã nói rằng: “cả cuộc đời
hoằng dương hoá độ chúng sanh, ta không hề nói một lời nào”. Trên pháp
hội Linh Sơn, ngài Ca Diếp cũng lãnh hội được yếu chỉ Thiền Tông bằng
hình ảnh “niêm hoa vi tiếu”. Đây là tinh thần vô ngôn của Phật giáo và
chính tinh thần này ảnh hưởng cực kỳ sâu sắc đến con người thời Lý. Vì
thân người là hữu hạn nên không thể hiện được chân lý vô cùng, lặng yên
không nói mà bày tỏ được tất cả, “dĩ tâm truyền tâm” là phương châm được
đề cao tuyệt đối, ngôn ngữ chỉ là phương tiện, như “ngón tay chỉ mặt
trăng” mà thôi. Cái trực cảm, giao cảm không cần thông qua ngôn ngữ, lý
trí. Họ đề cao sự tự tu, tự chứng bằng sự trải nghiệm của tự thân chứ
không nương tựa và kẻ khác. Họ quan niệm “Im lặng và bình tĩnh. Quên hết
ngôn ngữ. Trạm nhiên hiện tiền...”. Một vị Thiền sư đã từng cười trước
những kẻ tu Thiền cực đoan. Trước phong cảnh mùa trong sáng, hồn nhiên
lại muốn làm thơ, làm kệ để lại cho đời.
Thu về hơi mát, dạ lâng lâng
Tử Kiến tài cao vịnh dưới trăng
Sao lại truyền tâm bằng mách bảo?
Si độn! Cười chết bọn Thiền tăng.
(Tịnh Giới - 124)
Con
người vô ngôn đúng nghĩa được thể hiện rõ ràng như thế. Con người vô
ngôn đạt đạo ở trạng thái tĩnh lặng, đạt đến đỉnh cao của sự hợp nhất.
Con người vô ngôn sẽ có cái nhìn Như Thật xuyên suốt cả thời gian, không
gian, sự, lý, tánh, tướng. Đó là cái nhìn “chánh kiến”, họ đạt đạo ngay
khi còn tại trần. Vô niệm vô ngôn chính là đặc tính “Cư trần bất nhiễm
trần”.
Mình ngọc vang đưa tiếng ảo huyền
Ở trong vẫn lộ tấm lòng Thiền
(Trí Huyền – 60)
Con
người vô niệm, vô ngôn hay vô ngã đều giải phóng tuyệt đối con người
với mọi ràng buộc với ngoại cảnh và với chính bản thân mình.
Không
chỉ thế, con người thời Lý còn thâm ngộ được triết lý Duyên khởi duyên
sinh, triết lý Vô thường vô ngã. Thân người giả hợp, mượn tạm 5 yếu tố
(sắc thọ tưởng hành thức) để hình thành. Sắc uẩn là cơ thể con người,
nhờ 4 đại (đất nước gió lửa) mà hiện hữu. Bốn đại hoà hợp thì khoẻ mạnh,
xung khắc thời suy yếu. Lại phải nhờ vào các yếu tố: tri giác, nhận
thức, ý chí, tình cảm... mà sống. Sự biến đổi vô thường là bản chất của
cuộc đời. Thấu triệt được như thế nên Thiền sư Hứa Đại Xả đã tâm tình:
Tứ xà cùng hợp vốn nguyên không
Ngũ uẩn non cao chẳng có dòng
Chân tính sáng thiêng không vướng mắc
Niết bàn, sinh tử mặc lao lung
(Hứa Đại Xả - 109)
Biết được thân con người huyễn hoá như thế nên Thiền sư – thi sĩ đã bộc lộ tâm tư:
Sắc thân và diệu thể
Chẳng hợp chẳng lìa xa
Kẻ nào toan tách biệt
Lò lửa một cành hoa.
(Âu Đạo Huệ - 97)
Sắc
thân (thân) và diệu thể (tâm) ấy vốn là một, chẳng phải hai. Diệu thể
là bản tánh trong trắng, chất phác hồn nhiên thường xuyên hiện hữu trong
mỗi con người, nó trường tồn bất diệt trong hợp thân sinh diệt. Nói
khác đi, là tinh thần vượt lên trên những bận bịu lo toan, bon chen vất
vả của trần đời.
Ngộ được vạn vật duyên khởi duyên sinh nên cũng biết nó vô thường vô ngã. Thân này hợp để mà tan, thành rồi sẽ hoại.
Sinh lão bệnh tử
Lẽ thường tự nhiên
(Diệu Nhân – 59)
Thật
vậy, sống chết là lẽ tự nhiên. Có sanh ắt phải có tử. Sanh và tử chỉ
đơn giản là hai mặt của một thực tại. Biết được như vậy nên các Thiền sư
– thi sĩ thong thả dạo chơi trên đường đời khổ luỵ. Để rồi hoà mình vào
cây cỏ thiên nhiên.
Sông núi trước chùa, chính là hình ảnh chân thực của Người.
(Đoàn Văn Khâm – 57).
NHẬN ĐỊNH
Ra
đời trong hoàn cảnh lịch sử hào hùng bởi những chiến công hiển hách,
thơ Thiền thời Lý đã xây dựng thành công những quan niệm, những hình
tượng con người độc đáo, phi thường, khác hẳn các thời đại khác.
Dòng
văn học Thiền tông thế kỷ X - XIV, mà tiêu biểu là thơ Thiền đời Lý đã
khắc hoạ rất rõ nét hình tượng con người thâm ngộ triết lý Phật giáo.
Hình tượng ấy mang đầy đủ phẩm chất hào hùng của dân tộc Đại Việt, đồng
thời thể hiện rõ cái nhìn tích cực hơn với cuộc đời. Họ không những tỏ
ra có sức sống mãnh liệt sống hết mình trong hiện tại mà đôi khi còn trở
nên rất lý tưởng: phá chấp triệt để, tự do tuyệt đối, không phân bỉ
thử, thảnh thơi vô sự... Con người thâm ngộ triết lý Phật giáo đã gần
như phản ánh đầy đủ qua các tác phẩm thời Lý. Các quan niệm ấy đóng góp
nhất định vào việc tôn vinh, ca ngợi con người Việt Nam bất khuất, kiên
cường trong chiến tranh chống giặc thù; đoàn kết nhân ái trong việc xây
dựng đất nước; độc lập, tự tin, sáng tạo luôn cầu tiến, tích cực hoàn
thiện bản thân trong đời sống cá nhân.
Qua
phân tích, chúng ta có thể thấy rằng, thơ Thiền đời Lý có xu hướng
hướng con người hoà nhập với vũ trụ. Một con người mang được tất cả sức
mạnh, một con người tự do, hoàn toàn giải thoát những ràng buộc trong
thế giới hữu hạn của trần thế.
Với
chủ trương phá chấp, tinh thần vô uý, vô ý, vô niệm, vô ngôn ... các
Thiền sư – thi sĩ thời Lý đã nêu ra những phương tiện nhằm tiến tới mục
đích duy nhất của đạo Phật là:“khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật chi trikiến”.
Họ thể hiện sự tự tin mạnh mẽ vào bản thân, vào cuộc sống. Họ muốn thể
hiện năng lực sống của tự thân, thể hiện cái “Xung Thiên Chí” chứ không
nên “dẫm lại vết mòn của Như Lai”. Tóm lại, Thiền tông là trường phái đề
cao sự tự lực, luôn đả kích sự tìm cầu tha lực, cổ vũ khả năng độc lập
sáng tạo của con người. Hình ảnh tiêu biểu và chủ đạo trong thơ Thiền
giai đoạn này chính là sự phóng khoáng, sự tự do tự tại, tự lực, tự tin
mãnh liệt của con người.
Tóm lại, với sứ mệnh cao cả, các Thiền sư – thi sĩ đã đem Đạo vào đời
để phụng sự dân tộc, đem lại hạnh phúc cho con người và an bình cho xã
hội. Góp phần xây dựng nền văn hoá dân tộc thêm huy hoàng rạng rỡ. Thực
hiện phương châm “phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”. Phật giáo
đã ảnh hưởng rất sâu rộng đến quần chúng nhân dân, mang tư tưởng nhập
thế để hoá độ vạn linh, thể hiện qua hình tượng con người thâm ngộ triết
lý Phật giáo. Đó là hình ảnh con người thanh thoát, thong dong, mặc cho
dòng đời xoay chuyển đổi thay mà tâm hành luôn vững chãi. Họ xả thân vì
thế cuộc, vui vầy cùng hoa bướm thiên nhiên, sáng vào triều giúp vua
trị nước, chiều lên điện bái sám công phu.
Thơ
Thiền thời Lý thể hiện tâm hồn con người thoát tục trong phàm tục, lạc
quan, yêu đời, vượt lên trên chấp ngã thường tình, hoà mình vào đại thể
thường hằng bất biến. Đại thể đó công nhận hùng lực vô biên của con
người trong một thời đại. Thời đại đó đã nâng cánh cho Thơ và Đạo, làm
sáng tỏ lên một thời đại hào hùng, oanh liệt./.
H.T. T
[1]Nguyễn Công Lý, Bản sắc dân tộc trong văn học Thiền tông thời Lý – Trần, Nxb Văn hoá thông tin, 1997, tr. 9.
[2]Kiều Thu Hoạch, Tìm hiểu thơ văn của các nhà sư Lý – Trần, TCVH số 6, 1965.
[3] Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, Nxb Văn học Hà Nội, 1995.
[4] Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử TTVN, tập III, Nxb Tp.Hồ Chí Minh, 1992, tr. 203
[5] Bùi Duy Tân, Giáo trình văn học Việt Nam, Nxb Giáo Dục, 1997, tr.34
[6] Nguyễn Phạm Hùng, Vận dụng quan điểm thể loại vào việc nghiên cứu văn học VIỆT NAM thời Lý Trần
[7] (Vạn Hạnh – 218): tên tác giả và số thứ tự bài được dẫn từ Thơ văn Lý Trần, tập 1, Viện Văn học, do Nguyễn Huệ Chi chủ biên, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1977. Các trích dẫn sau đều có nghĩa như trên.