Đó là một câu thơ lạ, càng lạ hẳn đối với thơ Tiền chiến. Nhưng nếu
ai biết được những uẩn khúc của Chế Lan Viên đối với dân tộc Chiêm
Thành, thì bất quá cũng sẽ bảo họ Chế (*) có mối đồng cảm sâu sắc với
giống dân Hời. Dẫu sao thì cũng không có nhiều nhà thơ có giàn Ăng-ten
dễ bắt sóng với tần số cõi âm như thế. Nếu có, phải kể đến trước Chế Lan
Viên hơn 100 năm, khoảng cách giữa hai thế kỷ, hai thời đại, hai tâm
hồn và muôn trùng cảnh ngộ, ta dựng cả tóc gáy lên khi đọc mấy câu thơ:
“Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn
Lặn mặt trời lần thẩn tìm ra
Lôi thôi ẳm trẻ dắt già…”
Vâng ! Thơ ở đây không còn là thơ nữa, mà là Văn tế, Văn chiêu hồn,
đúng hơn là một bài kinh trong nghi lễ cúng thí, được bình dân hóa thành
thể thơ song thất lục bát, một thể thơ rất gần với dân tộc Việt, qua
tâm hồn bát ngát của Đại thi hào dân tộc: Nguyễn Du.
Hẳn không thừa khi nhắc lại nơi đây lời tán thán của Mộng Liên Đường
chủ nhân đối với Tố Như Tử: “Tố Như Tử dụng tâm chi khổ, tự sự chi thần,
tả cảnh chi công, đàm tình chi thiết, tự phi nhãn phù lục hợp, tâm quán
thiên thu vị tất hữu thử bút lực dã …”.(*)
Tôi hạ bút viết bài này khi ngoài kia trời đang mưa sùi sụt. Tôi ngồi
đây với những câu chữ của Nguyễn Du, những câu chữ có hồn (hiểu theo
đúng nghĩa đen của nó), nhưng không phải là hồn đơn bóng chiếc, mà là:
“Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc
không đầu van khóc đêm mưa”.
Hay:
“Trăm loài ma xắm nắm chung quanh”.
Tôi chợt nghĩ tới những trai đàn chẩn tế, trên cao là Tiêu Diện Đại
Vương cầm linh kỳ trợn mắt, tiếng Kinh sư xướng cao cùng tang linh mỏ
khánh, tiếng chiêng trống xập xèng, từng đoàn trẻ nhỏ nhào lên giật
bánh, không biết những oan linh hồn xiêu phách lạc có vào được trai đàn …
hưởng thọ hương hoa ? Nếu không, hãy chờ lúc hạ đàn, khi bốn bề lạnh
vắng, đọc lại “Văn Chiêu Hồn” của Nguyễn Du, hẳn cũng có kẻ hưởng phần
lợi lạc. Bởi chính Nguyễn Du đã viết:
“Kiếp phù sinh như hình bào ảnh
Có câu rằng “Vạn cảnh giai không”
Ai ai lấy Phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi …”
Chỉ có người “lấy Phật làm lòng” mới có được cái nhìn thấu thị với
tất cả chúng sanh trong mười phương lục đạo bằng chính tấm lòng Từ bi
bác ái như thế.
Nghĩ đến đây tôi chợt ngờ ngợ rằng “Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh” của
Nguyễn Du là một tác phẩm diễn Nôm từ một khoa nghi của Phật giáo ?
Đi tìm nguồn gốc văn chiêu hồn
Chưa ai biết đích xác Nguyễn Du viết bài này trong thời gian nào.
Trong văn bản do Đàm Quang Thiện hiệu chú có dẫn lại ý của ông Trần
Thanh Mại trên “Đông Dương tuần báo” năm 1939, rằng Nguyễn Du trước tác
bài này sau một mùa dịch khủng khiếp làm hằng triệu người chết, khắp non
sông đất nước âm khí nặng nề, và ở khắp các chùa, người ta đều lập đàn
giải thoát để cầu siêu cho hàng triệu linh hồn(*). Ông Hoàng Xuân Hãn
cho rằng có lẽ Nguyễn Du viết “Văn Chiêu Hồn” trước cả Truyện Kiều, khi
ông làm Cai bạ ở Quảng Bình (1802-1812) (Sđđ, tr.415). Không có tài liệu
nào để chứng minh Nguyễn Du diễn Nôm “Văn Chiêu Hồn” này từ một tác
phẩm của Phật giáo. Ngay cả xuất xứ của tác phẩm này, dù đã được minh
định là của Nguyễn Du nhờ phong cách, tình điệu và nhất là nhờ hợp với
chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du qua tác phẩm Truyện Kiều hay thơ chữ
Hán, song các phát hiện về bản văn này cũng chỉ nhờ 2 bản Nôm, 1 bản
khắc ván năm 1895, gọi là bản Chính Đại, được tàng trữ ở chùa Hưng Phú,
xã Hạ Lôi, huyện Vũ Giàng, tỉnh Bắc Ninh; 1 bản do cụ Lê Thước phát
hiện ở chùa Diệc (phía Bắc thành Nghệ An xưa), phiên âm và công bố năm
1924 (Sđđ, tr.409). Như vậy việc phát hiện tác phẩm này cách thời gian
viết ra nó đến gần cả trăm năm. Từ đó người ta chỉ lo chú ý đến việc
phân tích và chú giải, ít có ai nghĩ đến xuất xứ của bản văn, ngoại trừ
một số vị sư am tường nghi lễ Phật giáo, song cũng chưa có một bài khảo
cứu rạch ròi chuyện này.
Có thể ở thời đại Nguyễn Du, các khoa nghi cúng thí bằng Hán văn quá
xa lạ với quần chúng, Nguyễn Du đã vì số đông người không hiểu chữ Hán
nên diễn Nôm lại nghi thức này cho mọi người được hiểu, như đã từng diễn
Nôm tiểu thuyết Đoạn Trường Tân Thanh của Thanh Tâm Tài Nhân thành
Truyện Kiều vậy. Về giá trị nghệ thuật cũng như sự sáng tạo độc đáo của
tác phẩm ta sẽ bàn ở một phần sau, vấn đề ở đây là làm sao chứng minh
nhận định ở trên là đúng ?
Đọc lại Văn Chiêu Hồn của Nguyễn Du, tất cả gồm 184 câu thơ song thất
lục bát, ta thấy tác phẩm gồm 3 phần chính: Phần đầu giới thiệu cảnh
vật não nề thê thiết của “tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt”, hơi may lạnh
buốt, lá thu rụng vàng … Một cảnh tượng dương gian đầy u ám ấy để giới
thiệu một cõi âm nhập nhòa hồn thiêng phách lạc: “Cõi dương còn thế
huống là cõi âm …”. Phần 2 cũng là phần chính của tác phẩm, tác giả cung
chiêu tất cả 13 loại cô hồn từ anh hùng tướng soái đến những kẻ tiểu
nhi tấm bé, rồi kể hết những trường hợp hoạnh tử oan khiên của những
người đã khuất bằng tất cả sự cảm thông sâu sắc. Phần cuối của tác phẩm
là những lời nhắn nhủ đối với người cõi âm, lấy Phật làm lòng, hướng về
nẻo thiện, nương nhờ Phật lực để siêu sanh Tịnh độ. Một tác phẩm có bố
cục chặt chẽ như thế mà nói rằng Nguyễn Du chỉ mượn cõi âm để nói chuyện
cõi dương, mượn tâm sự để vẽ lên bức tranh đời sống hiện tại, đồng thời
tố cáo những cường hào ác bá theo kiểu “chủ nghĩa hiện thực phê phán”
như một vài người đã nhận định là hoàn toàn không hợp lý (*).
Để chứng minh rằng Văn Chiêu Hồn của Nguyễn Du là diễn Nôm từ một
khoa nghi Phật giáo, không gì hơn là tìm hiểu chính những khoa nghi của
Phật giáo, sau đó đối chiếu và tìm những điểm tương đồng giữa hai tác
phẩm. Hiện tại chúng ta cũng không biết chính xác thời điểm ra đời của
tác phẩm, nên cũng không biết được Nguyễn Du đã sử dụng bản văn nào để
diễn Nôm. Tuy nhiên, dạng văn học chiêu hồn trong nghi lễ Phật giáo đã
xuất hiện rất sớm từ Trung Quốc, nghi thức cúng cô hồn đã có trước
Nguyễn Du hàng ngàn năm, đồng thời cách trình bày các loại cô hồn trong
Văn Chiêu Hồn cũng rất giống với khoa nghi, nên không thể xem văn chiêu
hồn hoàn toàn là sáng tạo của Tiên sinh. Ở đây cần phải nói thêm rằng dù
chứng minh đây là tác phẩm phóng tác thì cũng không hề làm giảm giá trị
tuyệt vời của tác phẩm, giống như Truyện Kiều không hề kém giá trị khi
nó được phóng tác từ một tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân.
Nghi thức cúng thí thực cô hồn vốn là một loại hành nghi của Mật
giáo. Nghi thức này đầu tiên căn cứ vào Kinh Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ
Đà-la-ni do ngài Bất Không dịch vào đời Đường, Trung Quốc. Kinh này
thuật lại việc Đức Phật dạy ngài A-nan cách thức cúng thí để thoát khỏi
khổ nạn ngạ quỷ, đồng thời tăng phước tăng thọ. Nguyên bản kinh này đầu
tiên là do ngài Thật-xoa-nan-đà dịch, ngài Bất Không chỉ dịch lại cùng
với một số kinh điển liên quan khác như Kinh Du-già Tập Yếu Cứu A-nan
Đà-la-ni Nghi Quỹ, Thí Chư Ngạ Quỷ Ẩm Thực Cập Thủy Pháp …
Đến đời Tống, các Danh tăng Trung Quốc lại hưng khởi pháp thí thực,
phần nhiều các Ngài đưa thêm những kinh điển Hiển giáo có liên quan đến
Mậït giáo vào nghi thức để tác pháp cúng dường, trì tụng chân ngôn, rồi
biên soạn ra nhiều nghi thức để lưu hành. Đến đời Nguyên, do Mật giáo
chiếm địa vị trọng yếu ở Trung Quốc, các vua quan Nguyên triều tôn sùng
Mật giáo nên pháp Du-già thí thực lại càng hưng thịnh. Đương thời cuốn
Du-già Tập Yếu Diệm Khẩu Thí Thực Nghi, 1 quyển (không rõ dịch giả) là
tác phẩm được lưu hành rộng rãi nhất. Nghi thức này chia làm 2 phần: Nửa
phần đầu tụng 35 danh hiệu Phật, “Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm Tụng” và
bài cúng dường Tam bảo; nửa phần sau là Quán Âm Định, Phá Địa Ngục chân
ngôn và bài Thí Ngạ Quỷ Thực. Hiện tại các nghi thức thí thực đều dựa
theo tác phẩm này rồi thêm bớt mà thôi.
Đến đời Minh, các nghi quỹ thí thực được dùng trong các tông phái bất
đồng. Về sau, Thiền sư Thiên Cơ dựa trên cơ sở “Du-già Diệm Khẩu Thí
Thực Khoa Nghi” san lược những phần phồn tạp, soạn thành “Tu Tập Du-già
Tập Yếu Thí Thực Đàn Nghi”, thường được gọi là “Thiên Cơ Diệm Khẩu”.
Sau, Đại sư Vân Thê Châu Hoằng lại lượt bớt và hiệu đính, soạn thành
“Du-già Tập Yếu Thí Thực Nghi Quỹ”, đồng thời có chú giải tỷ mỷ. Đến đời
Thanh, ngài Đức Cơ ở núi Bảo Hoa lại biên tập tác phẩm này thành
“Du-già Diệm Khẩu Thí Thực Yếu Tập, thường được gọi là “Hoa Sơn Diệm
Khẩu”. “Thiên Cơ Diệm Khẩu” và “Hoa Sơn Diệm Khẩu” là 2 nghi thức được
lưu hành rộng rãi vào đời Thanh. Tất cả các tác phẩm kể trên hiện đều
được xếp vào Đại Chánh Tạng hoặc Vạn Tục Tạng Kinh.
Ở Việt Nam, không rõ nghi thức Thí thực này được truyền vào từ lúc
nào. Nhưng theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang thì từ đời
Trần, nghi thức cúng cô hồn cũng rất thịnh hành. Song song với các kinh
sách của thiền phái Yên Tử, các nghi quỹ thí thực cũng được lưu hành
rộng rãi. Câu chuyện Tam tổ Huyền Quang đăng đàn chẩn tế và có sự linh
nghiệm trước mặt vua quan cũng đã chứng minh điều đó. Hiện chúng tôi
đang có trong tay một bản “Mông Sơn Khoa” do hiệu Phúc Nguyên khắc bản
(không rõ năm nào) mà tương truyền là tác phẩm này từng được Tam tổ
Huyền Quang dự soạn(*). Không rõ Nguyễn Du đã được đọc tác phẩm này chưa
?
Nghi thức Chẩn Tế cô hồn ở Việt Nam hiện tại gồm có 3 loại: Đại khoa,
Trung khoa và Tiểu khoa nghi. Bản Đại khoa mà chúng tôi hiện có là
“Diệm Khẩu Du-già Tập Yếu Thí Thực Khoa Nghi”, gọi là “Thiên Hòa Tự Tàng
Bản” do Tỳ-kheo Tánh Tình phụng khắc vào mùa Phật đản năm Minh Mạng thứ
2 (tức năm Tân Tỵ, 1821). Nếu so với thời điểm Nguyễn Du viết văn Chiêu
Hồn (khoảng 1808-1812 hoặc sau nữa) thì bản văn này khắc sau không lâu,
điều đó chứng tỏ nghi quỹ này đã có ở Việt Nam cùng hoặc trước thời
Nguyễn Du. Trong bản này có khắc lại lời tựa của chính ngài Vân Thê Châu
Hoằng viết vào niên hiệu Vạn Lịch thứ 34 (1607). Đối chiếu toàn văn tác
phẩm này với tác phẩm của ngài Châu Hoằng trong Tục Tạng Kinh quyển 59
thì đúng là 1 bản. Chúng tôi còn có trong tay 2 bản Trung khoa, 1 là
“Sắc Tứ Báo Quốc Tự Tàng Bản”, do công chúa An Thường cùng một số hoàng
thân triều Nguyễn mộ khắc vào năm Mậu Tý niên hiệu Đồng Khánh ( ) có
sự chứng minh của Hòa thượng Hải Thuận Lương Duyên; bản thứ 2 là Giác
Viên Tự Mộng Sơn tàng bản, được Giáo thọ Minh Khiêm Hoằng Ân (1856-1914)
chứng minh khắc tại chùa Giác Viên (trong khuôn viên Đầm Sen, Tp. HCM
hiện nay). Trung khoa chỉ là phần lược của Đại khoa. Nội dung khoa nghi
này đều có hai phần: Đàn thượng và Đàn hạ. Đàn thượng là các nghi thức
nhập đàn, ấn chú, chân ngôn; đàn hạ chính là phần thỉnh Thập loại cô
hồn. Nói là Thập loại, kỳ thực thỉnh đến 13 loại và một số loại cô hồn
được thỉnh chung. Nội dung văn Chiêu Hồn của Nguyễn Du thì đại đồng tiểu
dị với phần Đàn hạ này. Chúng ta thử đối chiếu sơ lược hai phần này để
xem chúng giống và khác nhau như thế nào.
Về điểm giống nhau, khoa nghi thỉnh 13 loại cô hồn, tác phẩm của
Nguyễn Du tuy nói “Văn tế thập loại cô hồn”, kỳ thực cũng kể đến 13
loại. Ngoài 13 loại được thỉnh riêng, cả hai tác phẩm còn thỉnh chung
nhiều loại khác nữa. Khó mà có thể tin được sự sáng tác của Nguyễn Du
lại ngẫu nhiên trùng hợp một cách khít khao với một tác phẩm khoa nghi
đương thời đã lưu hành như thế. Còn sự khác nhau của 2 tác phẩm, có thể
nói nằm ở thứ tự của các loại. Ta thử so sánh.
Mười ba loại của khoa nghi là:
1.Hoàng vương đế bá.
2.Anh hùng tướng soái.
3.Quan văn.
4.Văn nhân.
5.Người xuất gia.
6.Đạo sĩ.
7.Thương nhân.
8.Chiến sĩ.
9.Sản phụ.
10. Di địch.
11. Cung phi.
12. Cái bang.
13. Thập loại cô hồn.
Mười ba loại của văn tế là:
1.Vương giả.
2.Công nương.
3.Quan văn.
4.Quan võ.
5.Thương nhân.
6.Trí thức.
7.Ngư phủ.
8.Nông dân.
9.Chiến sĩ.
10.Kỷ nữ.
11. Hành khất.
12. Tù nhân.
13. Tiểu nhi.
So sánh hai tác phẩm thì chúng ta thấy rõ ràng 13 loại cô hồn có phần
tương đồng, khác chăng là ở quan niệm sắp xếp trước sau. Đặc biệt là ở
tác phẩm của Nguyễn Du, tác giả không kể đến người xuất gia (Tỳ-kheo,
Tỳ-kheo-ni) như ở trong khoa nghi, phải chăng Nguyễn Du cho rằng những
người xuất trần thượng sĩ thì sau khi chết sẽ được tiêu dao thoát tục,
không còn bị đọa làm cô hồn ? Đây cũng là một điều đặc biệt nói lên thái
độ của Nguyễn Du dành cho hàng xuất gia. Theo chú giải của ngài Vân Thê
Châu Hoằng thì hàng xuất gia nếu hiện đời không liễu sanh thoát tử vẫn
có thể bị đọa làm cô hồn, nên vẫn được thỉnh trong khoa nghi. Còn Nguyễn
Du, có lẽ tâm hồn ông dành cho những người đau khổ, quằn quại, cô đơn,
kể cả hạng Hoàng vương đế bá, còn hàng xuất gia thì không. Có người cho
rằng có thể khi Nguyễn Du đọc khoa nghi, ông không hiểu các thành ngữ
dành cho hạng xuất gia như: “Hoàng hoa thúy trúc, không đàm bí mật chơn
thuyên; Bạch cổ lê nô, đồ diễn khổ không diệu đạo” … nên đã bỏ qua không
kể hạng này. Tôi e rằng như thế có phần võ đoán, bởi lẽ kiến thức uyên
thâm về Phật học của Nguyễn Du mà không hiểu mấy câu trên là vô lý.
Điểm thứ hai, mà cũng là điều dễ hiểu, ngôn ngữ trong khoa nghi là
ngôn ngữ cung đình, các tầng lớp được kể trong khoa nghi rất đặc trưng
và ước lệ, còn trong tác phẩm của Nguyễn Du thì rất cụ thể và gần gũi,
sát với thực tế, hiện trạng người Việt đương thời. Nguyễn Du đã Việt hóa
khoa nghi bằng thái độ và tâm hồn của mình. Đây là điểm sáng tạo độc
đáo.
Bằng sự so sánh và dẫn chứng ở trên, chúng tôi kết luận rằng Nguyễn
Du đã diễn Nôm khoa nghi thí thực của Phật giáo thành văn Chiêu Hồn chứ
không phải là một sáng tác.
Giá trị nghệ thuật và chủ nghĩa nhân đạo trong văn chiêu hồn
Vì khuôn khổ của bài viết, chúng tôi sẽ không đề cập đến quan điểm
tín ngưỡng cũng như tác dụng tôn giáo của tác phẩm. Chúng tôi chỉ xin sơ
lược về nghệ thuật sáng tạo và chủ nghĩa nhân đạo của tác phẩm mà thôi.
Trước hết để độc giả tiện theo dõi phần đối chiếu, chúng tôi xin giới
thiệu một tác phẩm dịch Nôm nổi tiếng khoa nghi thí thực của Hòa thượng
Bích Liên (Trí Hải, 1876 - 1950). Đây là một bản dịch rất hay, ngôn
ngữ quý phái và rất sát với chánh văn. Từ đây về sau, chúng tôi sẽ dùng
bản này để so sánh thay vì phải dùng chánh văn bằng chữ Hán khó hiểu.
Đầu tác phẩm này có bài tán, được xem như phần dẫn nhập:
“Dấu người thập loại biết là đâu
Hồn phách mơ màng trải mấy thu
Cồn biển nghinh ngang bầu thế giới
Những mồ vô chủ thấy mà đau”.
Thay vì nói thẳng vào cõi âm, văn chiêu hồn của Nguyễn Du bắt đầu bằng một buổi chiều thu ảm đạm ở cõi dương:
“Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt
Toát hơi may lạnh buốt xương khô” …
Sau khi dẫn từ cõi dương vào cõi âm, kể về Thập loại chúng sanh …
“Hồn đơn phách chiếc … không nơi nương tựa … Hồn mồ côi …”, tác giả cảm
thán:
“Còn chi ai khá ai hèn
Còn chi mà nói kẻ hiền người ngu”.
Lời cảm thán vừa bi đát, vừa toát lên được cái ngậm ngùi tang thương
của một kiếp người. Phải chăng đó cũng là lời cảnh tỉnh cho bất cứ ai
còn tham danh đoạt lợi để phải gánh chịu những kết cuộc bi thảm như
những oan hồn mà Tố Như Tử đã chiêu triệu phía sau.
Khi cảm thán những kẻ Hoàng vương đế bá, khoa nghi ghi: “Ôi thôi ! Đỗ
quyên kêu trót tàn canh, máu hồng nhuộm mãi trên cành đào hoa. Trước
sau vương bá những là, hồn hương xin chứng tiệc hoa sẵn sàng”. Đầy trang
trọng với những điển cố xưa, khoa nghi nặng chất cung đình và chất Tàu,
cái chất mà các nhà sư Việt Nam vẫn còn ảnh hưởng nặng nề. Nguyễn Du
thì cụ thể hơn:
“Bỗng phút đâu tro bay ngói dở
Khôn đem mình làm đứa thất phu
Cả giàu sang nặng oán thù
Máu tươi lai láng xương khô rụng rời”.
Hay thuyết giáo một cách đầy cả quyết:
“Cho hay thành bại là cơ
Ma oan hồn biết bao giờ cho tan”.
Khi triệu thỉnh anh hùng tướng soái, khoa nghi viết: “Ôi thôi ! Ngựa
nhà chiến tướng vắng không, hoa hèn cỏ nội mấy vòng buồn thiu …”. Nguyễn
Du viết:
“ … Bơ vơ góc bể chân trời
Nắm xương vô chủ biết vùi nơi đâu
Trời xâm xẩm mưa gào gió thét
Khí âm ngưng mờ mịt trước sau
Năm năm xương trắng dãi dầu
Nào đâu điếu tế nào đâu chưng thường” …
Tác giả có vẻ như thấu được nỗi khổ của oan hồn người chết, cảm được
nỗi đau của họ như chính nỗi đau của mình. Khi nói về hạng trí phú hay
kẻ rắp cầu chữ Quý, Nguyễn Du viết:
“Sống thì tiền chảy bạc dòng
Thác không đem được một đồng nào đi
Khóc ma mướn thương gì hàng xóm
Hòm gỗ đa bó đóm đưa đêm …”
Hay:
“Vội vàng liệm sấp chôn nghiêng
Anh em: thiên hạ, láng giềng: người dưng”.
Hơn ai hết, Nguyễn Du đã ý thức rõ luật vô thường của nhà Phật. Có lẽ
chứng kiến bao bi kịch thời Lê Mạt, tác giả đã đem từng khúc ruột quặn
đau của mình làm bút, trích từng giọt lệ rớm máu của mình làm mực, viết
nên một tình tự nồng nàn da diết, nỗi lòng Tố Như hay tiếng ngậm hờn
thiên cổ kiếp sống phù du ? Ai đó trong cõi mang mang trường dạ hẳn đã
nghe ra niềm cảm thông buốt lạnh tồn sinh, rưng rưng kiếp số và thổn
thức nhân tình. Chưa bao giờ trong thi ca Việt Nam lại ngậm ngùi đến
thế.
Nói chi đến cảnh “chinh chinh biến loạn sông nghiêng, mờ mờ hồn bướm
ly miền dương quan …” (khoa nghi), nói chi đến những “Lụa hồng bảy thước
đề tên, đất vàng một cụm lấp nền văn chương”, hay “Mưa chiều khói lạnh
thước reo, lá thu gió thổi dập dìu …(?) bay” … (khoa nghi); đã nói rằng
“Còn chi ai khá ai hèn” rồi thì:
“Thịnh mãn lắm oán thù càng lắm
Trăm loài ma xắm nắm xung quanh”.
Đã nói rằng “còn chi mà nói kẻ hiền người ngu” thì:
“Lập lòe ngọn lửa ma trơi
Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương”.
Ở đây chúng ta gặp lại nghệ thuật sử dụng từ ngữ của thiên tài Nguyễn
Du. Ông rất tinh xảo khi dùng từ láy cụ thể để đặc tả từng loại cô hồn.
Kẻ tính đường kiêu hãnh thì “lạc loài nheo nhóc”, hàng cung phi thì
“Hồn ngẩn ngơ bãi cói nghìn sim”, những kẻ mũ cao áo rộng thì “thất thểu
dọc ngang”, những kẻ bày binh bố trận thì “bơ vơ góc bể chân trời” …
Cũng như Truyện Kiều, ở đây Nguyễn Du đã dùng rất nhiều các loại tiểu
đối để vẽ nên cái trùng điệp của nỗi khổ và cô đơn. Những cặp đối luôn
làm câu thơ cứ triền miên chìm trong sự bi đát đến tận cùng: Ngàn lau
nhuốm bạc / lá ngô rụng vàng; Máu tươi lai láng / xương khô rụng rời. Có
khi dùng các cặp đối song song ngay trong một ý: “Hồn xiêu phách lạc”,
“hồn đường phách sá”, “trâm gãy bình rơi”, “thịt nát máu trôi” … Tất cả
nghệ thuật dùng chữ đã làm toàn thể tác phẩm toát lên một vẻ tang thương
đến khốc liệt, ngậm ngùi đến thống thiết mà chỉ có người cảm được thế
giới ấy một cách sâu sắc, đầy lòng từ bi mới viết nên được những vần
điệu làm kinh động hồn ta đến thế, những câu chữ mà Xuân Diệu từng nói:
“có thể làm gãy lưng các nhà nghiên cứu”. Thử đọc một câu Nguyễn Du viết
về người lao động:
“Cũng có kẻ đi về buôn bán
Đòn gánh tre chín dạn hai vai”.
Hai chữ “chín dạn” cho thấy Nguyễn Du có sức cảm thông với người lao
động, chính tác giả cũng quặn đau, nát vai chín thịt như người gánh gánh
mới dùng được một chữ đắc địa như thế.
Khác hẳn cách dùng chữ quý phái trong khoa nghi, một thứ văn học được
hòa âm cùng tang linh mỏ khánh và giọng tán tụng đặc thù của Kinh sư
thỉnh triệu, tác phẩm của Nguyễn Du có vẻ thích hợp hơn với lối đọc âm
thầm lặng lẽ trước huyệt mộ thi phần hay giữa “bãi cói nghìn sim”. Tuy
nói chiêu hồn người chết, mà cũng khóc than cho số phận những người đang
sống bị khổ đau dằn vặt. Khi kể về hạng kỷ nữ, Nguyễn Du viết:
“Cũng có kẻ lỡ làng một tiết
Liều tuổi xanh bán nguyệt buôn hoa
Ngẩn ngơ khi trở về già
Ai chồng con nấy biết là cậy ai”.
Thương thay chân yếu tay mềm
Càng năm càng héo càng đêm càng dàu”. ….
So với khoa nghi, Nguyễn Du đã không thỉnh các bậc “xuất trần phi
tích”, nhưng lại kể thêm một hạng cô hồn, mà theo chúng tôi, nội chừng
ấy cũng đã nói hết lên chủ nghĩa nhân đạo hay nói khác hơn là lòng Từ bi
của Tiên sinh họ Nguyễn, đó là những hài nhi yểu mạng. Trong thẩm cùng
cõi mịt mờ tăm tối, Nguyễn Du đã nghe ra tiếng khóc u ơ của những bé thơ
với nỗi lòng tha thiết. Thật là cảm động khi đọc những câu:
“Kìa những kẻ tiểu nhi tấm bé
Lỗi giờ sanh lìa mẹ lìa cha
Lấy ai bồng bế vào ra
U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng”.
Vâng ! Bấy nhiêu cũng đủ nói lên giá trị của tác phẩm không tiền khoáng hậu này.
Trở lại vấn đề Văn bản học, như chúng tôi đã giới thiệu một bản khoa
nghi miền Bắc, khoa nghi này văn thỉnh ngắn gọn nhưng đầy đủ, và văn
thỉnh dù là Hán văn vẫn thoát khỏi cách dùng điển cố quá nhiều của người
Trung Hoa. Phải chăng Nguyễn Du cũng đã từng được đọc tác phẩm này, rồi
kết hợp với chính khoa nghi Trung Quốc để chiêu thỉnh những âm hồn của
hoàn toàn người Việt ? Tôi không muốn nói đến tính tự chủ, độc lập trong
tư duy văn hóa dân tộc của Tiên sinh, tôi chỉ muốn nói đến tính sáng
tạo và hiện thực hóa tác phẩm, một kỷ năng bậc thầy của “linh hồn văn
học Việt Nam”.
Đọc một tác phẩm viết về cô hồn, nhưng ta không hề thấy ma quái, rùng
rợn như một số tác phẩm khác, mặc dù tác giả đã dùng nhiều hình tượng
rất ma quái, đó cũng là chỗ lạ lùng của tác phẩm này. Có khi người ta
cũng nói đến ma, nhưng nói ma để đặc tả một không gian, một cảnh vật,
hay muốn nói đến một cái gì khác đằng sau cảnh ấy. Như khi Thúc Tề viết
“Trăng mơ”:
“Nhịp cầu Bạch Hổ mấy bóng ma
Biến mất vì nghe giục tiếng gà”.
Mượn cái động để tả cái vô hình vô ảnh như thế quả là đạt, nhưng đọc hai câu tiếp thì ta lại quên mất bóng ma kia:
“Trăng tỉnh giấc mơ lười biếng dậy
Động lòng lệ liễu giọt sương sa”.
Có khi người ta viết về cảnh ma quái với trí tưởng tượng rùng rợn, chỉ làm cho ta sợ hãi chứ không thương:
“Rồi lấy ra một mảnh xương rợn trắng
Nuốt bao lòng huyết đẫm khí tanh hôi
Tìm những “miếng trần gian” trong tủy cạn
Rồi say sưa vang cất tiếng reo cười”.
(Chế Lan Viên).
Còn Nguyễn Du nói đến cảnh ma mà ta lại ngậm ngùi, thương cảm, có khi
người đọc có thể nghe ra một triết lý nào đó. Giấc mộng hoàng vương đế
bá hay khát vọng trường sinh rồi thì cũng tan tành sương khói, mọi bọt
bèo ảo ảnh bồng bềnh trên mặt bể hiện tượng, rồi ra cũng sẽ bị đánh chìm
trong quên lãng nghìn đời:
“Thương thay cũng một kiếp người
Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan”.
Hay:
“Mỗi người một nghiệp khác nhau
Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ” …
Tôi đã từng thấy vài nhà sư dùng Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh để thỉnh
cô hồn trong khi cúng thí. Một tác phẩm văn học, một bài thơ mà được
dùng như kinh điển, có thể nói là độc nhất vô nhị. Mùa Vu Lan lại đến,
mùa báo hiếu của người con đất Việt. Hiếu từ không phải chỉ riêng đối
với cha mẹ, mà là với tất cả chúng sanh. Đọc văn Chiêu hồn của Nguyễn
Du, chúng ta đã cùng Tố Như Tử tụng đọc lại những lời chỉ dạy của Đức
Phật với tất cả tâm hạnh của một Phật tử, lấy Tứ hoằng thệ nguyện làm
mục đích bước đi trên lộ trình Bồ-tát đạo thiêng liêng.
Mùa Vu Lan năm Canh Thìn
TNH.
Trích: Tập san Suối Nguồn số 07