tư tưởng triết học, tôn giáo
tín ngưỡng, chứ không tập trung vào bất kỳ hệ ý thức nào. Không dừng lại
ở ý nghĩa phảng phất của hương vị, màu sắc tôn giáo, xuất phát từ nhiều
lý do, đặc biệt trên những trải nghiệm cuộc đời, tác giả đã để lộ Thiền
ý qua tác phẩm Chiếc lá thu phai.
Chiếc lá thu phai là một trong những sáng tác được Trịnh
Công Sơn viết vào giai đoạn nửa sau của cuộc đời, khi dâu bể, thăng trầm
đã đi qua để lại trải nghiệm sâu sắc về con người, tình yêu và số phận…
Nửa trước với niềm đam mê tột cùng cháy bỏng bên cạnh những khổ đau về
số phận đời mình đã lưu lại trên tác phẩm; còn nửa của những chiêm
nghiệm, từng trải để lại phía sau trên tư tưởng thẩm mỹ, xét con người
với tư cách của một hiện hữu tại thế. Và ở giai đoạn “trăm năm ruộng dâu
hóa biển xanh”này, hương vị cuộc đời đều chất chứa, ẩn tàng bên trong
nội dung ca từ, cũng như âm nhạc, vốn đa nghĩa của ông. Sự khế hợp của
những “tia chớp” hay “dấu ấn thiên tài” qua xúc cảm một nhạc sĩ lãng mạn
đi đến tận cùng niềm đam mê vất vưởng về số phận đời mình, đã vượt qua
biên giới mong manh của đời sống, của nghệ thuật, để lọt vào địa hạt tín
ngưỡng, xét con người với tư cách là Con người tôn giáo.
Thời kỳ Cát bụi ít nhiều mang dấu ấn của những ý tưởng sáng
tạo độc đáo sinh ra bởi phẩm tài hay“căn duyên”của người nhạc sĩ tài
danh cộng hưởng với bối cảnh chông chênh cùng lịch sử đất nước. Cảnh
“thương hải tang điền” trên non sông, đất nước này chất chồng làm thành
cảm xúc, biến vết thương của quê hương xứ sở thành vết thương trên chính
thân xác, tâm hồn mình và ông đã đi đến tận cùng thương đau qua tác
phẩm. Những trải nghiệm như bóng chiếu đổ xuống tác phẩm và hắt lên cuộc
đời tác giả của nó. Đến Chiếc lá thu phai, chủ nghĩa kinh
nghiệm hay lãng mạn với niềm đam mê cháy bỏng một thời không còn phát
tác trong bối cảnh của một tâm cảnh đã khác. Bóng tà của tuổi đời, và
bóng người của tuổi trời đã để lại, in bóng xuống đời tác phẩm. Chiếc lá thu phai bỗng dưng từ sự rục rã tự thân trở về cội nguồn, lay động những cảm thức trần thế, nhi nhiên trong cuộc đời mỗi người vốn thế.
Về đây đứng ngồi Đường xa quá ngại
Để lòng theo chút nắng bên ngoài Mùa xuân quá vội
Mười năm tắm gội
Giật mình ôi chiếc lá thu phai
…
“Chiếc lá”ấy chẳng khác nào“công án”thiền làm tác giả “hoát nhiên đại
ngộ”, buông trôi một cách tuyệt vời cho khoảnh khắc đất trời và tạo vật
hòa trộn vào nhau. Đó là xét trên phương diện ngữ nghĩa trong lời ca,
còn về tính chất âm nhạc, Chiếc lá thu phai đã phôi pha tất cả
những tính chất âm nhạc “định tính”, diệu vợi từ trước đến lúc ấy trong
đặc điểm, phong cách âm nhạc Trịnh Công Sơn. Nó không còn vẻ đượm buồn
hay tính chất đối tỷ về điệu tính thường thấy, cũng không còn đam mê
cháy bóng của tuổi trẻ hư hao, cay đắng… mà trở về với tâm thái nhẹ
nhàng, thanh thoát, hồn nhiên như mây trời, nhẹ trôi bồng bềnh sau những
mệt mỏi của một kiếp lưu đày còn tiếp diễn trong sự thảnh thơi, tiêu
dao… Tôi đã nghe không biết bao lần “Chiếc lá thu phai”, bất kể
ở giữa mênh mang đất trời hay trong quán xá đông người, dẫu người hát
có là ai, người phối khí theo phong cách nào, tính chất âm nhạc vẫn mang
một hơi hướng không đổi, buông trôi tuyệt vời! Chiếc lá thu phai
hoàn toàn đã thoát khỏi bối cảnh âm nhạc của salon, vũ trường, phòng
trà, thính phòng điển hình trong âm nhạc Trịnh Công Sơn. Không thấy tính
chất đối tỷ về điệu, tạo cao trào ở phần điệp khúc thường gặp nơi nhiều
ca khúc lãng mạn, mà nó trở về tận gốc của sự mộc mạc, hồn nhiên, trung
tính và hàm súc…
Trở về sau những dâu bể cuộc đời, những trải nghiệm vô song đi đến
tận cùng của số phận đời mình để không còn lưu luyến, vướng bận, trăn
trở bởi những mất mát đã làm nên thiền ý ở Chiếc lá thu phai.
Về thu xếp lại Ngày trong nếp ngày
Vội vàng thêm những lúc yêu người Cuồng phong cánh mỏi
Về bên núi đợi Ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay…
Nỗi trăn trở phía cuối con đường đời bể dâu loay hoay đi tìm lối về,
thiên đường cuối trời chính là đây.Tất cả nằm gọn trong chiếc lá tình cờ
hay khoảnh khắc nhìn thấu ý nghĩa cuộc đời này. Điệu kèn năm xưa không
còn âm hưởng giục giã, thôi thúc… mà trở thành tiếng ru đưa lòng người
vào cõi trời mênh mang…
Nằm nghe giữa trời Giòn vang tiếng cười
Điệu kèn ai buốt trong tôi Mùi hương phấn người Một hôm nhớ lại
Hẹn ngày sau sẽ mua vui.
Cảnh tượng giao thoa, hòa hợp giữa khoảnh khắc lung linh của đất trời
đã tạo tựu nên tuyệt phẩm trong vũ trụ, nơi mà tạo vật, thiên cảnh và
tâm cảnh thẩm thấu, giao nhau trọn vẹn. Tất cả những hội tụ nhân duyên,
thiên nhiên và con người gặp nhau trong phút ấy làm nên khế cơ cho một
tình cờ trăm năm.
Người nhạc sĩ tài hoa, ông hoàng của những bản tình ca một thời hay
về sau nữa, đã đi vào cõi vĩnh hằng, muôn thuở. Không biết dưới mấy tấc
đất kia, người nằm đó có còn làm thơ hay viết nhạc, dù chắc chắn sẽ còn
tiếp tục rục rã thân xác cho một quá trình chuyển hóa trọn vẹn vào cát
bụi ngàn năm?! •