Cùng với hàng ngàn tăng ni, phật tử, người dân và du khách, tham dự
lễ hội Quán Thế Âm năm nay còn có Tăng đoàn Tu viện Namgyal- Dharamsala
(Ấn Độ) gồm 5 người. Đoàn sẽ đăng đàn, thuyết pháp với chủ đề “Kim
Cang Thừa - lịch sử và phát triển”, “Đại bi Quán Thế Âm và hình tượng
Tara trong Kim Cang Thừa”… tại lễ hội Quán Thế Âm 2012. Đồng thời viếng
thăm một số chùa và địa điểm văn hóa, lịch sử ở Đà Nẵng.
Lễ khai mạc lễ hội Quán Thế
Âm đã diễn ra trang trọng với sự chứng kiến của lãnh đạo chính quyền,
Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng và quận Ngũ Hành Sơn cùng các bậc chư
tôn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Đà Nẵng. Ngay trong ngày khai
mạc, lễ hội đã diễn ra nhiều hoạt động như khai mạc thi ảnh du lịch và
thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, hội hô hát bài chòi khu V và lễ tế xuân cầu
Quốc thái dân an.
Tái hiện hình tượng Đức Quán Thế Âm tại lễ hội Quán Thế Âm 2012 - Ảnh: HC
|
Tăng đoàn Tu viện Namgyal- Dharamsala (Ấn Độ) tham dự lễ hội Quán Thế Âm 2012 - Ảnh: HC
|
Ngày 10/3, sẽ diễn ra Đàn lễ truyền Quán đảnh Quán
Thế Âm, Pháp đàn Quán Thế Âm, lễ gia trì tôn tượng, bảo tháp, Kinh tạng
kim cang thừa, hội thi kéo co và các chương trình nghệ thuật, hoa
đăng. Ngày 11/3. lễ vía Đức Phật Bồ Tát Quán Thế Âm - nghi lễ quan
trọng nhất tại lễ hội Quán Thế Âm sẽ chính thức diễn ra cùng với hội
đua thuyền truyền thống, giao lưu thơ nhạc…
|
Các bậc bô lão quận Ngũ Hành Sơn đến với lễ hội Quán Thế Âm 2012 - Ảnh: HC
|
Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức lần đầu tiên năm
1960 nhân khánh thành tượng Đức Bồ tát Quan Thế Âm ở động Hoa Nghiêm
(thuộc ngọn Thủy Sơn của danh thắng Ngũ Hành Sơn). Năm 1991, lễ hội này
được khôi phục và đến năm 2000 thì được công nhận là một trong 15 lễ
hội cấp quốc gia.
|
Các nữ Phật tử dâng hoa đăng hình cánh sen lên Đức Quán Thế Âm - Ảnh: HC
|
Cứ mỗi độ xuân về, Ngũ Hành
Sơn lại rộn ràng đón mừng lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức ngày càng
quy mô, phong phú hơn. Không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa tôn giáo, lễ
hội Quán Thế Âm còn đi sâu vào tự tình dân tộc, góp phần phục hồi và
phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam; là lời cầu nguyện quốc
thái dân an, mưa thuận gió hòa; là dịp để mọi người, mọi giới chan hòa
trong không khí hội hè, soi mình vào lịch sử, văn hóa, truyền thống dân
tộc để ngày một sống đẹp hơn.
|
Đông đảo Phật tử, người dân và du khách đến với lễ hội Quán Thế Âm 2012 - Ảnh: HC
|
Ngăn chặn bán chim, cá phóng sinh tại lễ hội Quán Thế Âm
Ngày 5/3, ông Lê Hoàng Đức,
Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) kiêm Trưởng BTC lễ hội cấp
quốc gia Quán Thế Âm 2012 cho hay, lễ hội sẽ được tổ chức từ ngày 9 -
11/3 (tức 17, 18 và 19/2 Âm lịch) tại chùa Quán Thế Âm thuộc khu danh
thắng Ngũ Hành Sơn).
Hiện các công tác chuẩn bị
cho lễ hội đã cơ bản hoàn tất. Để đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, văn
minh và tạo ấn tượng tốt cho du khách, lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn đã
chỉ đạo các đơn vị hữu quan tập trung đảm bảo an ninh trật tự, có kế
hoạch chốt chặn, hướng dẫn các loại xe lưu thông, không để ùn tắc giao
thông trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội.
Đồng thời tập trung kiểm
tra, xử lý nghiêm các hành vi bán hàng rong, bán chim, cá phóng sinh,
lang thang xin ăn dọc hai bên tuyến đường Sư Vạn Hạnh, trước cổng chính
và trong khuôn viên chùa Quan Âm. Kiểm tra, quản lý người hành nghề
quay phim, chụp ảnh, kkông để phát tán, buôn bán các loại phim ảnh,
sách báo liên quan đến lễ hội nếu chưa được BTC đồng ý. Tăng cường dọn
vệ sinh môi trường, thu gom rác thải; kiểm tra, xử lý đối với các điểm
giữ xe thu phí vượt mức quy định.
Đông đảo tín đồ Phật tử, người dân và du khách đến với lễ hội Quán Thế Âm (Đà Nẵng) - Ảnh: HC
Ông Lê Hoàng Đức cũng cho
hay, tại lễ hội Quán Thế Âm 2012, phần lễ sẽ bao gồm các hoạt động
chính mang màu sắc lễ nghi Phật giáo như lễ tế xuân cầu quốc thái dân
an, lễ thuyết giảng đạo pháp, lễ truyền Quán đảnh Quán Thế Âm, lễ gia
trì tôn tượng bảo tháp và kinh tạng Kim cang thừa...
Đặc biệt quan trọng là lễ
vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ diễn ra vào sáng 19/2 Âm lịch. Đây là
buổi lễ luôn được hàng ngàn chư tăng, đạo hữu, quan khách, đồng bào và
du khách tháp tùng mang theo lời cầu nguyện đất nước phát triển và phồn
vinh, mọi người được khỏe mạnh, hạnh phúc và ấm no.
Phần hội sẽ có nhiều hoạt
động phong phú và sôi nổi như biểu diễn trống hội, thả hoa đăng trên
sông Cổ Cò, giao lưu thơ nhạc và đặc san lễ hội, hô hát bài chòi, thi
kéo co, đua thuyền truyền thống Đà Nẵng - Quảng Nam, thi ảnh về danh
thắng Ngũ Hành Sơn, thi viết liễn đối về chùa đá Ngọc Thạch, phát động
cuộc thi vẽ tranh về 18 vị thiền sư Việt Nam.…
Lễ hội Quán Thế Âm được tổ
chức lần đầu tiên năm 1960 nhân khánh thành tượng Đức Bồ tát Quan Thế
Âm ở động Hoa Nghiêm (thuộc ngọn Thủy Sơn của danh thắng Ngũ Hành Sơn).
Năm 1991, lễ hội này được khôi phục lại và đến năm 2000 thì được công
nhận là một trong 15 lễ hội cấp quốc gia.
Theo Hải Châu - Infonet