24/03/2013 03:45 (GMT+7)
Số lượt xem: 54106
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Cách lưu giữ, tôn tạo, trùng tu chùa Keo (Thái Bình) là một bài học đáng giá trong ứng xử với di tích ngày nay.




 Một bài học ứng xử với di tích
Tháp chuông chùa Keo đến nay vẫn cao nhất làng, không phải vì chiều cao 11,04 m không thể vượt qua, mà vì công trình này đã là một phần của cuộc sống tâm linh - Ảnh:  TTXVN

Từ trên gác chuông chùa Keo, thấy nhà trong làng nhỏ nhắn san sát nhau như những lùm nấm. Cho tới giờ, công trình nghệ thuật bằng gỗ tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thế kỷ 17 này vẫn cao nhất làng. Không phải vì chiều cao 11,04 m ấy không thể vượt qua, mà bởi trong lòng dân, tháp chuông là một phần của cuộc sống tâm linh. “Từ xưa người làng đã có quy ước như thế. Không ai xây cao hơn nhờ tự nguyện, chứ không phải bởi cấm đoán”, nữ hướng dẫn viên của di tích quốc gia đặc biệt này nói. Không chỉ gác chuông, những hạng mục khác của chùa giờ vẫn còn nguyên vẹn yếu tố gốc.

Chùa Keo Thái Bình, nhờ những tấm lòng mến di sản như thế, mà vẫn giữ được cảnh quan như nó từng thế đã hàng trăm năm. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ GS Chu Quang Trứ, trong suốt chiều dài lịch sử, việc xây dựng tôn tạo di tích nhiều lần nhờ vào những đóng góp của người hảo tâm như thế. Chẳng hạn theo bia dựng năm 1698, hồi năm 1671 mọi người trong xã phát tâm bồ đề tu sửa chùa to đẹp hơn xưa. Tháp chuông chùa Keo theo ông Trứ có thể được dựng vào dịp này. Năm 1707, khoảng 200 người dân địa phương đã góp tiền của để tu sửa chùa.

“Đợt trùng tu lớn nhất mới đây kéo dài tới 5 năm. Khi ấy do nhà nước cho tiền, Trung tâm tu bổ di tích của KTS-GS Hoàng Đạo Kính thực hiện”, ông Bùi Văn Thương, Trưởng ban Quản lý di tích chùa Keo, cho biết. Cũng theo ông Thương, việc tu bổ này đã giúp chùa giữ được những yếu tố văn hóa gốc. Cùng lúc, chùa cũng có được quy hoạch tổng thể để chờ những đợt trùng tu sau.

Bỏ tiền chứ không làm hỏng di tích

Tuy nhiên, sau cuộc “đại trùng tu” kéo dài từ 1999-2004, chùa đã không thể có thêm tiền từ ngân sách để tiếp tục tôn tạo. Cho tới gần đây, năm 2009, một doanh nghiệp mới phát tâm (bằng công sức và hiện vật, chứ không phải bằng tiền) để tiếp tục thực hiện các hạng mục mới. Nhưng tới lúc đó thì có chuyện. “Doanh nghiệp muốn chỉnh sửa chút ít phương án đã được Bộ VH-TT-DL thông qua. Chúng tôi đồng ý. Nhưng việc thi công đang thực hiện thì Sở VH-TT-DL tuýt còi. Hàng trăm mét khối bê tông phải đổ bỏ trong suốt mấy ngày”, ông Thương nhớ lại.

“Dù biết tiền cung tiến là lòng thành, đáng quý nhưng về phía sở chúng tôi kiên quyết bảo vệ di tích, bảo vệ quy hoạch di tích”, ông Bùi Đăng Việt, Chánh văn phòng Sở VH-TT-DL Thái Bình, nói. Việc đập bỏ những gì đã làm, trả lại nguyên trạng cho di tích được thực hiện cho dù nhà quản lý cũng rất xót của, cũng như không muốn mất lòng người cung tiến chùa. Sau lần cung tiến không thành đó, cho tới giờ chùa Keo cũng chưa thể có được một khoản tiền lớn tương tự để tiếp tục sửa sang. Chỉ có điều, quy hoạch của chùa giờ đã có thêm bản vẽ vùng 2. Bản vẽ do KTS Hoàng Đạo Cung đề xuất này cũng đã được Bộ VH-TT-DL phê duyệt.

“Nhà nước không thể đủ tiền để chi trả cho việc trùng tu di tích nên xã hội hóa là điều không thể tránh khỏi”, một người nhiều năm làm công tác trùng tu di tích nói. Tuy nhiên, vấn đề từ thực tế đặt ra là người ở các cơ sở thờ tự, hay chính người công đức lại không hiểu rõ di tích cần được tu sửa ra sao cho đúng khoa học, giữ gìn được văn hóa. Vụ việc năm ngoái ở chùa Trăm Gian cho thấy điều đó. Trong khi Sở VH-TT-DL Hà Nội nắm trong tay bản thiết kế đã được phê duyệt thì tiền mãi chưa về. Trái lại, sư trụ trì chùa có thể huy động tiền công đức lại hoàn toàn không hay về thiết kế trên. Nhà tu hành này thậm chí cũng không hiểu rõ luật Di sản quy định ra sao, phải làm gì nếu muốn tu bổ chùa.

Chính vì thế, rất nên khuyến cáo về việc phải có bản vẽ quy hoạch trước khi tính chuyện tu bổ, bởi nó quan trọng không kém với tiền trùng tu di tích. Và những nhà quản lý di tích phải học dần cách ứng xử với tiền cúng tiến trước khi biết mình sẽ tiêu tiền đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách cho trùng tu. Những khối bê tông bị đổ bỏ và sự nguyên vẹn của di tích cấp quốc gia chùa Keo hôm nay cho thấy rõ bài học đó.

Trinh Nguyễn


Nguon: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130323/mot-bai-hoc-ung-xu-voi-di-tich.aspx


Âm lịch

Ảnh đẹp