Tuy
chưa thăm nhưng nghe tên không mấy lạ, nhưng lần đầu nghe tên chùa Ba
Đồn, tôi cứ ngớ ra. Nhiều năm trước, tôi có đến một vùng gọi là Ba Đồn
để tìm một cây đa. Ba Đồn ở đấy đúng nghĩa có 3 đồn bót của Pháp ngày
trước. Tôi đã cố tìm một vài dấu tích của địa danh này, nhưng tất cả đã
bị con người và mưa gió khỏa bằng, chỉ còn tên gọi trong dân gian. Chùa
Ba Đồn, chẳng lẽ cũng là nơi có 3 đồn lính? Hỏi qua một vài bạn ở Huế,
họ thú thật “nghe rứa chớ biết mô”. Nhưng thật có chùa Ba Đồn không,
nhiều người xác nhận có, “Chùa nớ thờ vong người bị Pháp giết trong ngày
kinh đô thất thủ năm Ất Dậu. Ông cứ lên đền Nam Giao hỏi người ta chỉ
cho”. Cổng chùa Ba Đồn Tôi
vào một quán bên đường hỏi chùa Ba Đồn, bà quán chỉ ra trước mặt: “Chú
tới ngả ba đàng nớ rẽ phải rồi theo đường Tam Thai sẽ qua chùa Ba Đồn,
không xa mô”. Ngay bên hông trái của đền Nam Giao có đường Thiên Thai,
chạy một đoạn gặp đường Tam Thai, rẽ vào chừng cây số thấy cổng chùa Ba
Đồn bên trái. Cổng chùa thật đơn giản, chỉ có hai trụ trơ vơ, bên trái
xây một trụ phụ cao chừng 2 mét, đầu trụ gác ngang bảng tên Chùa Ba Đồn.
Hai trụ chính có hai câu đối chữ Tàu:
Chinh chiến kỷ năng hồi, linh tích thiên thu bằng thử địa , Thân sơ vô dị trí, tâm hương nhất triện vấn thùy nhân . Dịch nôm của Nguyễn Quan Hà (thân hữu ở San Diego): Chinh chiến mấy ai về, ngàn thuở dấu thiêng còn khắp chốn, Xa gần đều kẻ biết, một lòng kính ngưỡng kể bao người .
Con đường từ cổng vào khá rộng, đổ bê tông, sâu hơn trăm mét. Cảnh vắng
như tờ, tôi chạy xe tuốt vào Tam Quan. Lúc này mới nghe tiếng chổi quét
sân sôt soạt bên hông chùa. Một chị từ trong nhà ngang bước ra vui vẻ
tiếp tôi. Tôi hỏi thăm về chùa, chị cho hay: “Chú hỏi bác Nghiêm, bác ấy
nắm rất rõ về lịch sử chùa”. Vừa lúc người đàn ông quét sân đi tới, sau
phần xã giao chào hỏi, tôi vào đề: - Thưa bác, trước hết bác có
thể giải thích tên chùa? Ba Đồn, thật sự tôi không hiểu, hỏi vài anh em ở
Huế họ chỉ nói chung chung. Cồn mộ Đồn 1, nằm ngay sau lưng chùa
-
Điều này sử sách có ghi, tên Ba Đồn chính là chữ đọc trại ra từ “Tam
Đàn Nghĩa Trủng”. Sau khi thống nhất đất nước (1802) qua năm 1803, bắt
đầu xây dựng Kinh thành Phú Xuân (Huế), vua Gia Long (1802-1819) cho
giải tỏa 8 ngôi làng ở bờ bắc sông Hương. Nhà cửa và mồ mả phải dời đi
nơi khác. Những mộ không có người nhận thì nhà nước cho dời lên tại vùng
rừng mà ngày nay gọi là Xóm Hành thôn Tứ Tây thuộc xã Thủy An, thành
phố Huế. Cồn mồ 8 làng ra đời. Năm Quí Hợi (1803), vua Gia Long cho dựng
bia đá (cao 1,51m, rộng 1,110m) với nội dung "Ân Tứ Hiệp Táng Vô Tự Chi
Mộ" (Vua cho hợp táng những mộ không người thờ tự). Dòng lạc khoản bên
phải đề: "Vị dĩ bách cận thành trì thiên táng tại thử" (Vì lẽ mộ cận
thành trì nên dời chôn tại đây). Lạc khoản bên trái ghi: “Tuế thứ Quý
Hợi niên tam nguyệt sơ thất nhật phụng khắc” (Kính vâng mệnh khắc ngày 7
tháng 3 năm Quý Hợi, tức là ngày 27-4-1803). Sau khi di dời mộ các nơi về từng cồn 1 - 2 - 3 thì hàng năm có làm Trai Đàn tế lễ cô hồn, ba cồn mồ ba Trai Đàn. Cồn mộ Đồn 3
- Thưa bác nghe nói chùa Ba Đồn có nhiều chuyện linh thiêng phải không bác?
- Đúng, sau năm 75, một số thanh niên đi làm thủy lợi, tối ở lại cắm
trại ngủ trên bãi Đồn 1, nửa đêm họ thấy có người đến đuổi. Các thanh
niên này không đi, hôm sau đi làm, người gãy tay, người gãy chân, người
bị sốt phải nghỉ việc. Đêm sau lại có người đến đuổi nữa, họ sợ quá,
phải chạy vào chùa xin bà mẹ của ông Đinh (người giữ chùa, đời thứ hai)
cho ngủ tạm. chánh điện chùa Ba Đồn
Sau
khi giải thích về gốc tích chùa Ba Đồn, bác thủ từ đưa tôi vào xem
trong nội điện chùa. Tòa nội điện có năm gian hai chái. Bác Nghiêm giải
thích cách thờ tự và đọc cho tôi ghi các câu đối trong chùa. Gian giữa
thờ Phật, trên cao có tượng Thích Ca, có hoành phi 4 chữ: Từ Bi Vô
Lượng, xuống có tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế, bên phải có Nam Tào, trái
Bắc Đẩu. Có 4 câu đối, hai câu ngoài:
Diệu Pháp nan lường, chúng sanh qui đầu khể thử Oai linh bất tận toàn nhơn trần hội tường chiêm.
Hai câu bên trong:
Nhứt tộc khởi sùng từ vạn tải linh hồn quân túc tụ Thập phương đồng hiệp tự ức niên tán phách hiển tinh thần Sau
bàn thờ Phật là bàn thờ Hội Đồng các Quan có bài vị: Hàn Lâm Pháp Hội.
Các gian kế bên phải thờ: Hương linh anh hùng tuẫn tiết - Thờ Cô hồn –
Thờ Hương linh bổn tự. Các gian kế bên trái thờ: Nam nữ nạn vong – Thờ Phưởng hồn (vong hư sẩy) – Thờ Hương linh các Phổ hội.
Trước sân chánh điện có bàn thờ ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát, và ngài
Tiêu Diện Đạo Sĩ. Tiếp là tam quan chùa, bốn trụ có bốn câu đối chữ Tàu,
hai câu hai trụ giữa:
Nam quốc trương ngưng vạn hộ thiên gia hàng phú thọ Thiền môn đại khởi cửu u thập loại tận siêu thăng
Hai câu hai trụ ngoài:
Hắc hải ba đào tuyền nhượng nan mai chung cổ hận Bạch dương phong vũ anh hồn trường ngự đại từ tâm
Sau lưng chùa có nhà bia “Ân Tứ Hiệp Táng Vô Tự Chi Mộ”. Điều đặc biệt,
trên các Đồn (cồn mồ) chỉ mọc độc nhất một loài cỏ chỉ. Một vị cư sĩ
làm Phật sự ở vùng này lâu năm giải thích rằng: Các vong linh ở dưới
đất, chỉ cho loại cỏ chỉ mọc lên để giữ đất chứ không cho mọc bất cứ một
loại cây gì khác. Hiện tại các Đồn đã bị xâm lấn xây cất một số lăng mộ
bất hợp pháp, chính quyền Huế đã có công văn chỉ đạo ngăn chặn nhưng
chưa giải quyết dứt điểm. Chùa
Ba Đồn tuy ít người biết tới, nhưng với dân làng lại là ngôi chùa linh
hiển, một di tích lạ có mười cồn mộ hợp táng lớn nhất nước. Chùa Ba Đồn
nằm sau lưng núi Bân (nơi Hoàng Đế Quang Trung lên ngôi năm 1788) và gần
Đàn Nam Giao của triều Nguyễn. Nếu có qui hoạch hợp lý thì chùa Ba Đồn
kết hợp với Núi Bân - Đàn Nam Giao, thành một quần thể di tích, một khu
du lịch hấp dẫn khách. Viếng thăm chùa Ba Đồn không chỉ thuần là vãn
cảnh mà còn hiểu sâu hơn về lịch sử nước nhà qua bao nhiêu thời chống
ngoại xâm, vạn vạn anh hồn tử sĩ đã hy sinh yên nghỉ nơi này. * Bài & ảnh: Trần Công Nhung |