Hôm ấy ông có việc đến thành Vương Xá
để thăm một người anh rể, nhưng ông anh rể không ra tận cửa trước đón
ông như mọi khi. Đến khi ông vào nhà và đi ra tận nhà sau thì thấy mọi
người đang bận rộn chuẩn bị một bữa tiệc. Hỏi ra mới biết là gia đình
người anh rể đang chuẩn bị đón tiếp Đức Phật vào ngày hôm sau. Vừa nghe
đến tiếng “Phật” là lòng ông cảm thấy một niềm hoan hỷ lạ thường, nên
ông cũng mong mỏi gặp được Phật để thấy tận mắt xem sao, mà mới vừa nghe
nói tới là lòng đã thấy an lạc như vậy, ông nao nức muốn gặp mặt Phật
càng sớm càng tốt. Ông tự nghĩ dù sao thì ngày mai Phật cũng tới đây,
rồi mình sẽ gặp thôi chứ có việc gì mà phải nôn nao? Rồi ông lên giường
ngủ, nhưng không thể nào chợp mắt.
Thế rồi nửa khuya đêm ấy, ông một mình băng rừng đi đến khu rừng
Sitavana, nơi Đức Phật đang ngự. Khi ông tới rừng Sitavana thì cũng nhằm
lúc Đức Phật đang ra tọa thiền ngoài trời, vì biết rằng ông sẽ tới. Đức
Phật gọi ông bằng tên ‘Sudatta’ và bảo ông đến gần. Trưởng giả Tu Đạt
rất lấy làm hoan hỷ khi được diện kiến Đức Phật. Và sau một thời pháp
của Thế Tôn, ông đã xin quy-y Phật, rồi sau đó cả nhà ông đều xin quy-y
với Đức Thế Tôn.
Sau đó ông thỉnh Phật sang nước Xá Vệ
hoằng hóa. Khi trở về thành Xá Vệ, ông tìm mua một thửa đất thích hợp
cho Đức Phật và Tăng đoàn.
Trưởng giả Tu-đạt trở về thành Xá-vệ lập
tức đi xem khắp nơi để tìm một địa điểm thích hợp. Ông nhận thấy trong
số các nơi đã xem qua chỉ có vườn cây của thái tử Kỳ-đà là vô cùng rộng
rãi, thoáng mát, có sông có nước, có đồi có núi, có hoa thơm cỏ lạ, cảnh
đẹp như tranh, thật là một khung cảnh vô cùng thanh tịnh, u mỹ.
Ông nghĩ, nếu được một chỗ như thế này
để xây dựng tinh xá cúng dường đức Phật, để Thế Tôn về đấy thuyết pháp
và chư tỳ-kheo an trú thì thật không có chỗ nào tốt đẹp hơn. Nhưng đây
lại là khu vườn mà thái tử Kỳ-đà yêu thích nhất, nên trưởng giả Tu-đạt
không biết phải làm cách nào để thái tử chịu nhượng lại khu vườn cây này
cho ông. Ông suy nghĩ rất nhiều và tuy biết là sẽ rất khó khăn nhưng
không còn cách nào khác hơn đành phải trực tiếp đến gặp thái tử Kỳ-đà để
khẩn khoản xin thái tử nhượng lại khu vườn ấy.
Nhưng dù ông có nói thế nào thái tử
Kỳ-đà cũng khăng khăng một mực không chấp thuận. Đến khi nghe trưởng giả
Tu-đạt nài nỉ tới lần thứ ba, thái tử cảm thấy thật khó mà cự tuyệt mãi
một người danh tiếng lừng lẫy trong cả nước như ông trưởng giả này, bèn
nghĩ kế đòi một giá bán thật cao để khiến cho trưởng giả phải thối chí.
Nghĩ sao làm vậy, thái tử bèn nói:
– Thật sự tôi không muốn nhượng khu vườn
này cho ông, nhưng thấy ông cứ nài nỉ mãi như thế, thôi thì thế này.
Tôi bằng lòng bán với điều kiện như sau: Ông hãy lấy vàng trải đầy khắp
mặt đất của khu vườn. Nếu ông đồng ý trả đủ số vàng như thế thì tôi sẽ
nhượng đất cho ông.
Không ngờ thái tử vừa nói giá như thế
thì trưởng giả Tu-đạt tỏ ra vui mừng khôn xiết, lập tức trở về huy động
người nhà lấy xe chở vàng nhanh chóng đến trải đầy khắp mặt đất chỗ khu
vườn.
Khoảng xế chiều thì toàn bộ khu đất đã
được phủ kín vàng, chi còn thiếu một khoảnh nhỏ. Thái tử Kỳ-đà nhìn thấy
ông trưởng giả có vẻ như đang trầm ngâm suy nghĩ liền đến bảo:
– Bây giờ ông đổi ý vẫn còn kịp đấy. Đất vẫn là của tôi, ông có thể lấy vàng về.
Trưởng giả Tu-đạt nói:
– Tôi chỉ đang nghĩ xem nên lấy số vàng còn thiếu này từ kho nào cho thuận tiện đó thôi.
Ban đầu thái tử Kỳ-đà vẫn tưởng có thể
làm cho trưởng giả Tu-đạt phải thối chí trước một giá bán quá cao như
thế, không ngờ ông này chẳng tiếc gì số vàng lớn, vẫn quyết tâm mua cho
bằng được khu đất. Thái tử lấy làm tò mò, liền gạn hỏi nguyên do mua
đất. Trưởng giả Tu-đạt mới thật lòng đem dự tính xây dựng tinh xá cúng
dường đức Phật và chư tăng mà nói cho thái tử nghe. Thái tử không khỏi
lấy làm cảm động trước tín tâm chân thành của vị trưởng giảTu-đạt liền
hỏi tiếp:
– Đức Phật là người như thế nào mà ông đối với ngài nhiệt tâm và thành tín đến thế?
Trưởng giả Tu-đạt liền kể lại việc mình
được gặp Phật tại thành Vương-xá và được nghe giáo pháp giải thoát của
ngài như thế nào. Thái tử nghe xong cũng sinh lòng hoan hỷ, rất mong
muốn chính bản thân mình sẽ được gặp Phật. Thái tử liền nói:
– Trưởng giả! Số vàng còn thiếu ông
không cần phải chở đến nữa, xem như tôi cúng dường số vàng ấy vào việc
xây dựng tinh xá. Ngoài ra, đất đai thì xem như bây giờ đã là của ông,
nhưng cây cỏ hoa lá trong vườn thì tôi chưa hề bán. Vậy nay tôi cũng xin
tự nguyện cúng dường tất cả cây cối trong vườn này để góp phần làm chỗ
cho đức Phật và chư tăng an trú.
Trưởng giả Tu-đạt thấy thái tử Kỳ-đà
phát khởi lòng tin như thế thì rất vui. Từ đó cả hai đều hết sức hân
hoan, cùng nhau đốc thúc việc xây dựng và chờ đợi ngày đức Phật tới.
Khi tinh xá vừa xây xong, trưởng giả
Tu-đạt lập tức nghênh thỉnh đức Phật và chư tăng về. Bởi vì tinh xá này
là do trưởng giả Cấp Cô Độc cúng dường khu đất và thái tử Kỳ-đà cúng
dường vườn cây, nên người thời bấy giờ gọi tên tinh xá này là “Kỳ thọ
Cấp Cô Độc viên”, nghĩa là vườn của ông Cấp Cô Độc, cây của thái tử
Kỳ-đà.
Danh thơm này luôn được các Sa môn tán
thán, những bằng hữu ca ngợi và muôn đời được hậu thế truyền tụng, nhắc
tên. Cấp Cô Độc (cấp dưỡng cho những người cô độc, cơ nhỡ) là danh thơm
của Phật tử Tu Đạt không chỉ ngát hương khắp toàn cõi Ấn Độ thời bấy giờ
mà dư âm của hương xưa còn vang vọng đến tận hôm nay và mãi ngàn sau
đúng như lời phật dạy :
“Không một hương hoa nào;
Bay ngược chiều gió thổi
Dầu là hoa Chiên đàn
Già la hay Mạt lỵ
Chỉ hương người đức hạnh
Bay ngược chiều gió thổi
Chỉ hương bậc Chân nhân
Biến mãn mọi phương trời”
(ĐTKVN, Tăng Chi I, chương 3, phẩm Ananda, phần Hương, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.408)
Trieu Anh Nguyen