Về lý do xây dựng động đá và những bức
tượng Phật, có truyền thuyết kể rằng: Năm 366, cao tăng Lạc Tôn Vân chu
du trên dải đất này, nhìn thấy kim quang lấp lánh trên núi, ẩn hiện
hình tượng nghìn mắt nghìn tay. Ông biết rằng đây là vùng đất Phật, bèn
đào một hang động thờ Phật ở chân vách phía Đông núi Ô Sa.
Sau này, thiền sư Pháp Lương tiếp tục công việc, xây thêm nhiều động đá khác nhau và các bức tượng Phật bên trong.
Hang động ở Đôn Hoàng được vinh danh
là thiên hạ đệ nhất động bởi sở hữu một quần thể lên tới 492 hang động
và hơn 2.400 bức tượng Phật, cùng vô vàn bức bích họa, trải dài trên
diện tích 45.000 m2.
Hơn 1.000 năm trôi qua, con đường Tơ
Lụa nay đã hoang vu, nhưng động đá vẫn giữ vẹn nguyên vẻ đẹp trong con
mắt du khách thập phương hành hương về đất Phật.
Những bức tượng nổi tiếng nhất ở Đôn
Hoàng là hai bức tượng Phật và một số tượng Bồ Tát trong động thứ 248,
là đỉnh điểm của nghệ thuật điêu khắc Trung Quốc.
Phong cách nghệ thuật của những bức
bích họa trong động Đôn Hoàng chịu ảnh hưởng của 2 phong cách bích họa
Trung Nguyên. Các bức theo phong cách Tào gia có hình Phật mặc áo cà sa
nhiều nếp gấp, vải mềm như bị ướt nước. Phong cách thứ 2 là phong cách
bích họa đời Đường, chú trọng vào quần áo, cân đai của nhân vật.
Trong động có chứa Kinh Phật với 5 vạn
bản kinh chép tay, tư liệu lịch sử, tranh lụa, tranh khắc gỗ và các tác
phẩm thư pháp, được ca tụng là “Thư viện trên vách đá”. Khối lượng
khổng lồ này đòi hỏi một phòng tranh dài 25km mới đủ để trưng bày hết,
chẳng khác gì những kì động chứa bí kíp được mô tả trong những câu
chuyện kiếm hiệp.
Hiền Trang (TH)