Ngôi chùa nghìn tuổi nằm trên mảnh đất Thái Nguyên, nơi phát hiện nhiều
dấu tích của người Việt cổ, có tên là Tiên Lữ - nơi được liệt vào danh
sách 100 ngôi chùa tiêu biểu nhất Việt Nam.
Huyền thoại chùa Tiên
Ngôi
chùa cổ kỳ bí với đặc trưng mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp bây giờ
không chỉ đơn thuần là nơi để nhân dân địa phương sinh hoạt tín
ngưỡng mà còn là nơi khách thập phương đến tham quan vãn cảnh, lễ
Phật cầu tài, cầu lộc, cầu phúc, cầu duyên.
Nơi đây xưa kia còn là nơi tu hành của
nhiều bậc sư tổ như Sư cụ Tâm Lai, Sư ông Chính, Sư ông Đức, Sư cụ
Đàm Hinh. Họ đều là những nhà sư đã có công lao lớn trong việc tu tạo
bảo tồn chùa chiền phụng sự đạo pháp, phát triển Phật giáo tỉnh Thái
Nguyên và vùng Việt Bắc nói chung. Với bề dày lịch sử, di tích Thắng
cảnh Chùa Hang - Kim Sơn Tự đẹp vào hàng bậc nhất vùng Việt Bắc đã
được Bộ Văn hoá Thông tin (cũ) cấp bằng công nhận Di tích Lịch sử
Thắng cảnh cấp Quốc gia.
|
Sở dĩ chùa được đặt tên Tiên Lữ là bởi huyền thoại xưa kể rằng: Nơi
đây thường có các vị Tiên xuống dạo chơi, đánh cờ, tắm mát ở giếng Mắt
Rồng quanh năm có dòng nước mát lạnh từ núi chảy ra. Xưa kia nơi đây
còn được gọi là Động Tiên Lữ.
Sách "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi thế kỷ XV ghi núi đá nơi đây là núi
Hoá Trung. Còn sách "Đại Nam nhất thống chí" triều nhà Nguyễn viết
rằng: Núi đá Hoá Trung (hay còn gọi là Núi Nghiên) ở cách huyện lỵ Đồng
Hỷ chừng 20 dặm về phía Tây Bắc, trong động có nhiều cột đá lớn, phía
trước và sau đều có cửa, người ta nhân động làm chùa. Sách "An Nam nhất
thống chí" ghi nơi đây là núi Long Tuyền bởi trong lòng hang có suối
Long Tuyền chảy ngầm về hướng Tây Nam. Cách chùa hơn 500m có một ngách
phun lên thành một vũng to tròn sâu quanh năm nước tràn đầy trong mát,
có nhiều cá bơi lội tung tăng. Sách xưa còn chép rằng, núi Long Tuyền
rộng lớn có thể chứa được hơn 300 người, trong động thờ Phật Tổ Thích
Ca và các đức Phật khác. Đó cũng chính là giếng Mắt Rồng còn lưu truyền
đến ngày nay.
Chùa Tiên Lữ có tên chữ là Kim Sơn Tự, bây giờ dân gian thường gọi
nôm na là Chùa Hang (bởi chùa nằm trong hang núi) thuộc thị trấn Chùa
Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Vùng đất cổ xưa này có địa thế
độc đáo với 3 ngọn núi đá lớn độc lập ngay trên vùng đất bằng phẳng.
Ngọn giữa có tên Huyền Vũ cao to vững chãi, hai bên là hai ngọn Thanh
Long - Bạch Hổ vươn cao uy nghi.
Ba ngọn núi đứng kề nối nhau bởi yên ngựa chạy dài 1.000m, có diện
tích chân núi 2,7 ha. Nhìn từ phía Tây thì thấy rõ 3 ngọn xếp hình tay
ngai uy nghi bề thế, trầm mặc nhìn xuống dòng sông Cầu hiền hoà thơ
mộng uốn quanh. Trên núi có nhiều bãi đá lô nhô hòn đứng, hòn nằm, tất
cả đều rộng phẳng như bàn cờ, có hòn chồng lên nhau tạo thế nghiêng ngả
chênh vênh nổi bật giữa vùng đất bằng phẳng.
Nơi đây còn có vô số khe ngách, nhũ đá hình thù kỳ quái. Leo lên đỉnh
ngọn núi Huyền Vũ, người ta nhìn thấy dòng Sông Cầu chảy xuôi về Nam
rồi uốn lượn sang Đông Nam qua cầu Gia Bẩy tới Bến Tượng, tương truyền
là bến tắm voi của tướng Dương Tự Minh thời nhà Lý. Phía Bắc ngôi chùa
cổ có Núi Voi chầu vọng về Chùa. Phía Đông Bắc cách 200m có đồi Hổ phục
canh giữ cổng chùa.
Thơ cổ trên vách đá
Tương truyền "Chùa Hang - Kim Sơn Tự" có từ thời nhà Lý do Nguyên Phi
Ỷ Lan cho xây dựng nhân một chuyến kinh lý Thái Nguyên qua vãn cảnh
cùng với Động Linh Sơn.Thấy phong cảnh hữu tình, núi non kỳ vĩ, hang
động rộng lớn, bà cho lấy hang dựng chùa thờ Phật.
Ngôi chùa cổ nằm lọt thỏm trong lòng núi. Ảnh: TG
Hiện nay trên cửa tam quan còn có 3 chữ Hán lớn từ xưa giữ lại đề
"Kim Sơn Tự". Vào chùa qua cửa tam quan, tiếp lên tầng hai là gác
chuông tám mái. Qua sân chùa chừng 8m là tới cửa chùa, trên cửa có ba
chữ Hán lớn "Tiên Lữ Động", hai bên có đôi câu đối bằng chữ Hán từ cổ
xưa còn lại. Vào cửa chùa, hai bên trái phải có hai tượng hộ pháp
Khuyến thiện - Trừng ác cưỡi voi cưỡi hổ uy nghi linh thiêng. Càng vào
sâu, hang càng rộng dần, trên vòm hang nhũ đá lô xô gối nhau, phía dưới
là vô số cột đá lớn sừng sững chống lên vòm hang như những trụ chống
trời. Quanh vách hang, nhiều nhũ đá nhô ra thành bệ thờ và thành nhiều
hình thù kỳ lạ. Nhân đó, người ta dựa thế đá và tạc thành các ông bụt
ốc, cầu vồng, chó ngao...
Ngôi chùa cổ trong lòng núi còn có nhiều đường ngóc ngách kỳ bí như
đường lên trời cao chót vót, ngoằn nghoèo ít người dám leo. Đường xuống
âm phủ thì tối đen như mực, âm u giữa lòng núi, ném đá chẳng thấy
tiếng vọng. Hang tối sâu thẳm không ai dám xuống càng khiến nơi đây trở
nên thâm u kỳ bí.
Trong ngôi chùa cổ bây giờ vẫn còn lưu giữ được một số tượng Phật,
một số đồ cúng lễ là những di vật cổ giúp cho việc khảo cứu. Đại đức
Thích Nguyên Thanh (trụ trì chùa Hang) cho biết, hiện còn có một bát
hương bằng đồng từ thời Lê với họa tiết rồng uốn lượn tinh xảo. Đặc
biệt, xung quanh hang cũng còn nhiều bia văn khắc trên vách đá là những
bút tích lưu đề có niên đại từ thời Lê Sơ đến hậu Nguyễn ca ngợi cảnh
đẹp "Chùa Hang - Kim Sơn Tự". Trong đó, có bài thơ tứ niên đại Hồng Đức
1497; bút tích của Tiến sĩ Thượng thư Vũ Quỳnh năm 1478; bút tích của
danh sĩ Đặng Nghiêm, của Giải nguyên Cao Bá Quát năm 1831. Những bài thơ
khắc trên vách núi trải qua sự bào mòn của thời gian, đến nay vẫn còn
nguyên vẹn trên vách đá như chứng tích cổ xưa của ngôi chùa giữa vùng
đất cổ xưa của người Việt.
Hàng trăm cột lim tu tạo chùa cổ
Núi Chùa Hang, động Tiên Lữ có thế phong thuỷ đẹp, là một vùng tụ
thuỷ - sinh khí, là chốn địa linh với cảnh quan tĩnh lặng thơ mộng kỳ
thú tựa bồng lai. Núi Chùa Hang, động Tiên Lữ kỳ bí linh thiêng với
những hang sâu hun hút, tối đen như mực không ai dám bước chân tới,
càng tạo thêm phần cổ xưa cho ngôi chùa.
Đại đức Thích Nguyên Thanh đang chỉ vào bài thơ cổ khắc trên đá.
Nhưng qua thời gian, chiến tranh tàn phá ngôi chùa cổ đã bị biến dạng
phần nào, diện tích chùa rộng lớn xưa bị lấn chiếm không nhỏ. Một dự
án tu bổ, tạo dựng di tích ngôi chùa cổ đã được thông qua trên diện
tích 8,2 ha. Đại đức Thích Nguyên Thanh cho biết: "Lễ khởi công đặt đá
tu tạo lại chùa được tổ chức vào đúng thời khắc đặc biệt: 11 giờ 11
phút, ngày 11/11/ 2011. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã tham dự lễ
đặt đá tu tạo chùa. Công trình có 3 giai đoạn, giai đoạn 1 gồm 5 hạng
mục là Tam quan, gác chuông, gác trống, tam bảo và nhà thờ tổ. Giai đoạn
2 tập trung giải phóng mặt bằng. Giai đoạn 3 hoàn thiện nốt các công
trình như nội viện, tăng xá, trung tâm từ thiện xã hội. Trong đó, trung
tâm từ thiện xã hội là nơi đặc biệt quan trọng, bởi không chỉ hướng về
đạo Phật mà còn phải có nơi để phật tử tu tập, nơi hành thiện giúp đỡ
những người khốn khó".
Công trình xây dựng, tu tạo dự án ngôi chùa cổ tạo điều kiện có nơi
tu tập cho người dân, phật tử hiện đang được các đội thợ lành nghề từ
Ninh Bình khẩn trương thi công. Một gác chuông hiện đã được dựng hoàn
tất. Ông Trần Đức Lăng (phụ trách đội thi công) cho biết: "Để hoàn
thành dự án xây dựng chùa Hang, tổng cộng có tới hàng trăm cây cột lớn
nhỏ. Trong đó, lớn nhất là 12 cây cột lim cao 7,5 mét, đường kính 60cm,
trị giá mỗi cây cột như thế khoảng gần 100 triệu đồng. Ngoài ra có 30
cột lim cao 5,5 mét, đường kính 50cm; 46 cột cao 3,5 mét, đường kính 40
cm".
Như vậy, không lâu nữa nơi đây sẽ có một trung tâm sinh hoạt Phật
giáo lớn, nơi mà người dân và phật tử khắp nơi có thể tu tập, hành
thiện. "Tâm nguyện lớn nhất của tôi khi lập dự án này là xây dựng để có
nơi cho người dân, phật tử tu tập, hành thiện, hoằng pháp. Việc tu tập
quan trọng hơn nhiều so với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng cũng
phải có cơ sở hạ tầng thì mới có nơi, có điều kiện để tu tập cho bà
con", Đại đức Thích Nguyên Thanh chia sẻ.
Theo Hạnh Vân - GĐ&XH