Chùa được xây bằng vật liệu hiện
đại là bê tông cốt thép, mà vẫn mang dáng dấp cổ kính, hài hoà với
đường nét chung của cố đô và được đánh giá là một thể nghiệm thành công
của ý tưởng kiến trúc. Tôn thờ vẻ đẹp thiên nhiên, một bức tranh phong
cảnh nhân tạo ngay bên toà Phật điện gọi là Thanh tâm viên. Tên gọi như
cảnh trí, cho ta một không gian tĩnh tâm bởi màu xanh bình yên của cỏ và
dăm ba gốc dương liễu cổ kính. Mái Lương Đình đỏ thấp thoáng sau mấy
gốc sứ, gốc đại và thiên tuế tuổi tác gần thế kỷ soi bóng xuống mặt hồ
Hàm Nguyệt Trì. Không gian cây xanh làm mềm mại thêm các đường nét kiến
trúc của hành lang, mái ngói với các kèo cột, xuyên xà của toàn bộ khối
nhà bê tông sắc cánh dán, tinh vi như gỗ thực. Mái đao, hai đầu nóc,
quyết trang trí và hồi văn cách điệu những nét mạnh, sắc.
Những
bức phù điêu đắp lộng biểu tượng tứ linh long, lân, quy, phượng với hai
gam màu xanh lam, trắng mang đậm nét văn hoá cung đình Huế. Bên phải
Phật điện là một kiến trúc thu hút sự chú ý của khách thập phương là Yên
Hà Các, với lối kiến trúc ít nhiều mang phong cách xứ phù tang. Những
giỏ phong lan luôn được chăm sóc và thay đổi mỗi ngày hoa nở, được chọn
trong 500 giỏ phong lan quý nuôi trồng ở vườn dưới sân chùa. Môi trường
cỏ cây được chăm sóc kỹ lưỡng, từ những chú tiểu nhỏ cũng tham gia cho
khung cảnh chùa luôn có màu xanh hoa lá, Yên Hà Các với những đường nét
kiến trúc uyển chuyển, nhẹ nhàng nằm giữa những quy hoạch tiểu cảnh sân
vườn đầy thẩm mỹ, cho du khách thập phương và Phật tử một môi trường
sinh thái an lành và nhiều mỹ cảm của một chốn hành thiền không mấy xa
Huế.
Chùa Huyền Không I
|
Ngôi chùa Huyền Không thứ hai trên đất
Phú Xuân là Huyền Không sơn thượng - là nẻo về chốn thảo am một vùng bán
sơn địa có tên gọi thật lạ: vùng Chằm. Con đường lên núi Hòn Vượn trong
sơn phận xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, cách nay bốn năm còn xa ngái và
hiu quạnh. Rừng đi mãi thành đường dẫu còn ghập ghềnh trắc trở, thì 7
cây số đường rừng đủ thêm phong vị cho chuyến đi thảo dã đến với thiên
nhiên và vãn cảnh chùa. Tới vùng chân núi có độ cao 309m so với mực nước
biển. Mọc lên cao dần cả một rừng thông được trồng 5-6 vạn cây nên gọi
là vạn tùng sơn. Là một vùng rừng 56ha do Nhà nước giao đất giao rừng từ
năm 1989 cho nhà chùa.
Trung tâm sơn lũng mở ra Tả thanh long là
một triền đồi thoai thoải, Hữu bạch hổ là một dãy núi cao liền khối với
núi mẹ, um tùm cây rừng nguyên sinh đang phục hồi. Hướng Tây Nam có một
mỏm núi với cây cổ thụ mọc cheo leo trên đá là Độc thụ sơn. Dưới gốc
cây cổ thụ là bức tượng đá nổi tiếng của Viện sĩ Thống tấn Nghệ thuật
Pháp, cố Hoạ sĩ nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị đã tạc, gửi tặng chùa một
dáng ưu tư của thiền sư trong bóng núi mây ngàn. Những am cốc ẩn cư nằm
rải rác sâu trong rừng, quanh quanh trên triền núi. Ngược dòng lịch sử:
Nhiều chùa Huế vốn là tổ Đình, nguồn mạch luân lưu những dòng chảy Phật
giáo thiền tông. Giờ đây trên núi này gần 20 vị sư và chúng điệu là tăng
sinh Phật học viện Huyền Không, chọn cho mình cuộc sống tịch liêu, tu
luyện và trọn vẹn với thiên nhiên. Khiêm nhường về tầm vóc và sự bề thế
Phật điện của Huyền Không sơn thượng gần gũi với nhân gian, và cả một
không gian thiên nhiên xung quanh xanh màu lá được chăm sóc bởi bàn tay
con người.
Sự tinh tế của người Huế trong quy hoạch kiến trúc sân
vườn luôn tôn thiên nhiên lên làm chủ thể. Hoa cỏ đủ loại với hương
thơm phảng phất xa gần của nhiều loại thảo mộc quý được đưa về trồng ở
đây. Những giò phong lan bên những chậu cây cảnh, cội mai già, tùng bách
bên cỏ giả rêu phong khoe vẻ đẹp tao nhã hoang sơ. Dường như ở đây với
sự hiện hữu của muôn loài, để đến với Huyền Không là đến với cái vĩnh
hằng của sự sống và tìm thấy sự bằng an thanh tịnh của lòng mình. Trong
cái không khí ấm áp thân quen vốn là nét riêng ở chùa Huế, các thiền sư
không chỉ là người giữ chùa mà đang giữ lấy "hồn chùa". Bạn có thể đến
đây đàm đạo với các thầy về hội họa, học nhiếp ảnh và chia sẻ những bài
thơ mới.
Chùa Huyền Không II
|
Thượng toạ Giới Đức đã có nhiều đóng góp
trong kho tàng văn học nước nhà. Sau những buổi đàm đạo về văn chương
thơ phú với các học giả Huế, những tác phẩm văn thơ của ông đã được đăng
ở nhiều báo, tạp chí sông Hương. Ngoài những sách về Đạo phật, ông đã
xuất bản nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn. Bên cạnh đó thượng toạ còn
được kể đến như một người tiên phong viết thư Pháp chữ Việt trong sách
"sự kỳ diệu của chữ viết Việt Nam hiện đại", nghệ thuật thư pháp của ta
bắt đầu từ chữ Hán nôm đã có từ lâu đời, phát triển ở khắp Bắc - Trung -
Nam. Trên đất Huế, có lẽ do nhu cầu tình cảm của những người làm thơ
tiếng phổ thông, muốn thể hiện những bài thơ của mình bay bướm và phóng
khoáng nên thư pháp tiếng Việt đã ra đời. Đó là một cách biểu hiện, một
kiểu chơi chữ Việt độc đáo. Và ở Am Mây Tía chùa Huyền Không, bên cạnh
những buổi bình thơ, còn là những buổi thảo thư pháp của các hoa bút nổi
tiếng miền Hương ngự.
Thượng toạ Giới Đức cùng các nhà thư pháp ở
Huế đã tham gia rất nhiều các cuộc triển lãm thư pháp trong Nam ngoài
Bắc, đóng góp vào sắc thái văn hoá đặc sắc qua những cuộc triển lãm và
viết thư pháp Hán Việt. Thượng toạ Thích Phước Thành là một trong những
người viết thư pháp chữ Hán nổi tiếng nhất ở nước ta. Với nét chữ thảo
như bay thầy đã từng được triển lãm thư pháp trên toàn quốc và ở Pháp, ở
Đức. Với các thế thư pháp là chân thư, hành thư, thảo thư, triện thư và
hoạ thư, đủ nói lên phong cách các nét bút, qua cái tâm để nói được cái
hồn của chữ. Chữ dưới bàn tay phóng bút tài hoa, mẫn cảm mà thành một
tác phẩm nghệ thuật thực thụ, có ẩn chứa ý tứ: trông chữ thấy hình,
trông hình thấy chữ. Thế mới có câu rằng: nhất chữ, nhì tranh, tam sành,
tứ kiểng, đủ nói lên thư pháp được trân trọng trong kho tàng văn hoá
dân tộc.
Và cửa thiền Huyền Không ngoài tôn giáo, ngoài chốn thảo
an vãn cảnh, còn là một góc nhân văn của xứ Huế mộng mơ. Ai lên chùa là
gặp ngay ở triền núi dọc con đường vào - những tấm đá khắc chữ bằng thư
pháp - đã phôi pha màu thời gian, cho ta nhiều suy ngẫm và triết lý, ở
đấy bằng thơ bằng chữ, qua cảnh qua tình, mà thấy đạo thấy đời.
N.T