Nên tụng những bộ kinh nào
Theo giáo lý đạo Phật thì tụng kinh là để cầu an và
cầu siêu. Do đó, tụng bộ kinh nào cũng được vì kinh Phật nào cũng có
tác dụng phá trừ mê mờ, khai mở tâm trí sáng suốt cho chúng sinh, nếu
chúng ta chí thành đọc tụng.
Nhưng vì căn cơ của chúng sinh không đều nên chúng
ta phải lựa những bộ kinh nào thích hợp với căn cơ và sở nguyện của mình
mà tụng đọc.
Thông thường, ở nước ta từ xuất gia cho đến tại gia
đều trì tụng những kinh như: Di Đà, Hồng Danh, Vu Lan, Phổ Môn, Dược
Sư, Địa Tạng, Kim Cang, Lăng Nghiêm, Pháp hoa...
|
Mùa Vu Lan báo hiếu, Phật tử tụng kinh Vu Lan để cầu siêu |
Tuy nhiên nhiều người lại có quan niệm chọn bộ kinh
cho thích hợp với mỗi hoàn cảnh, mỗi trường hợp để tụng như: cầu siêu
thì tụng kinh Di Đà, Vu lan... cầu an thì tụng kinh Phổ Môn, Dược Sư...
cầu sám hối thì tụng kinh Lương Hoàng Sám, Thủy Sám...
Các quan niệm chọn lựa như thế có phần hay là làm
cho tâm chuyên nhất, sẽ được hiệu nghiệm hơn. Nhưng chúng ta không nên
quên về mặt giáo lý cũng như về mặt công đức, bất luận một bộ kinh nào,
nếu chí tâm trì tụng thì kết quả đều được viên mãn như nhau.
Như thế, tụng kinh nào cũng có lợi ích nhưng điều
quan trọng nhất là phải thể nhập được những nghĩa lý trong kinh mà ứng
dụng thực hành mới có kết quả. Ngược lại, tụng kinh mà không phá trừ
kiêu mạn, thực hành hạnh khiêm cung thì mất rất nhiều công đức.
Tụng kinh ở chùa hay ở nhà tốt hơn
Theo Hòa thượng Thích Trí Giải thì mục đích tụng
kinh là một phương pháp tu nhằm ôn lại lời Phật dạy, đồng thời để ba
nghiệp được thanh tịnh và tụng kinh cũng rất có phước báu, gọi là “minh
Phật chi lý” hiểu rõ chân lý của Đức Phật dạy gì trong kinh sau đó áp
dụng tu tập theo lời dạy của Phật.
Cũng theo HT Trí Giải thì vấn đề tụng kinh ở nhà hay ở chùa cũng tốt cả. Tuy nhiên tụng kinh ở chùa sẽ có nhiều ý nghĩa hơn.
Bởi lẽ ở chùa có sự trang nghiêm, yên tịnh. Khi đọc
kinh dễ chú tâm, không bị ngoại cảnh chi phối. Nhờ vậy mà tam nghiệp
thanh tịnh, mắt chỉ đọc kinh, thân ngồi trang nghiêm và ý nghĩ lời Phật
dạy. Theo đó, sẽ làm cho Tâm Bồ Đề của việc tụng kinh không có thối
chuyển.
Khi tụng kinh ở chùa nếu có những chỗ không hiểu
thì có chư Tăng giảng giải cho hiểu hơn. Nhưng điều quan trọng nhất là
việc tụng kinh ở nhà sẽ thiếu một trong ba hình tướng Tam Bảo đó là Tăng
(ở nhà chỉ có Phật, Pháp - PV). Do đó sẽ không có ai dẫn đường chỉ lối
để mình tu hành.
Mặt khác, về chùa tụng kinh có chư Tăng, có đông
Phật tử tụng kinh trầm hùng, tác động mạnh vào tâm thức của mình, làm
cho sức mạnh tâm linh vững mạnh, cảm thấy niềm an lạc và tuyệt nhiên sẽ
không có hôn trầm, không có giải đãi.
Tụng kinh như nào cho đúng
Mục đích của việc tụng kinh là để chúng ta tìm hiểu
nghĩa lý trong kinh qua những lời Phật dạy và đem ra áp dụng hành trì
trong đời sống hằng ngày.
|
Cứ 19h tối, các chư Tăng trong chùa lên chùa tụng kinh |
Bởi những lời Phật dạy nghĩa lý rất thâm sâu vi
diệu, đọc qua một đôi lần không thể nào chúng ta hiểu rõ được. Do đó,
khi tụng kinh, chúng ta phải hết lòng thành kính. Phải có tâm tha thiết
trân quý những lời Phật dạy.
“Trước khi tụng niệm nên rửa tay, súc miệng cho
sạch sẽ và y phục phải nghiêm trang. Khi ngồi, đứng phải giữ thân cho
đoan chính. Lúc lạy hay quỳ phải giữ thân đoan nghiêm. Miệng tụng đọc âm
thanh vừa đủ nghe” - theo lời Phật dạy.
Thời khóa tụng kinh, thông thường là có hai thời cố
định. Thời khuya, thường tụng chú Lăng Nghiêm và Đại bi thập chú. Còn
buổi tối là tụng Kinh Di Đà.
Đối với phần nghi thức tụng kinh, trong mỗi quyển
kinh ở phần đầu trước khi vào phần kinh văn, đều có chỉ dẫn phần nghi
thức. Phật tử có thể y theo đó mà hành trì.
Những lời giáo hóa trong ba tạng kinh điển của Phật
đều là những lời sáng suốt do lòng từ bi và trí tuệ của Đức Phật nói
ra. Nếu chúng ta chí tâm trì tụng, sẽ được nhiều lợi ích cho mình, cho
gia đình và những người xung quanh. Đồng thời, ôn lại những lời Phật dạy
làm phương châm đời sống hàng ngày để cho chúng ta có thể sống hạnh
phúc và an lạc hơn.
(Bài viết có sử dụng tài liệu Đại tạng kinh Việt Nam)
Bùi Hiền