05/03/2012 18:13 (GMT+7)
Số lượt xem: 61970
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Cũng như giao tiếp ngoài xã hội, trong đạo Phật cũng có sự phân chia cấp bậc để thuận lợi và phù hợp trong công cuộc truyền bá giáo pháp.


Danh xưng đối với người xuất gia

Một người tuổi đời dưới 20 phát tâm xuất gia, hay do gia đình đem gửi gắm vào cửa chùa, thường được gọi là chú tiểu, hay điệu. Thời gian sau, vị này được thọ 10 giới, gọi là Sa di (nam) hay Sa di ni (nữ), hoặc Chú (nam) hay Ni cô (nữ).

 

Tùy theo người xuất gia, tại gia hay tuổi tác và sự tu tập sẽ có cách gọi khác nhau trong Phật giáo

 

Khi tuổi đời dưới 14, vị này được giao việc đuổi các con quạ quấy rầy khu vực tu thiền định của các vị tu sĩ lớn tuổi hơn, cho nên gọi là “khu ô sa di” (sa di đuổi quạ).

Đến năm được ít nhất là 20 tuổi đời vị này được thọ giới cụ túc, tức là 250 giới tỳ kheo (nam) hay 348 giới tỳ kheo ni (nữ) và được gọi là Thầy (nam) hay Sư cô (nữ).

Ngoài ra đối với nữ trước khi thọ giới tỳ kheo ni, vị Sa di ni còn thọ thêm 6 chúng học giới trong thời gian 2 năm, được gọi là Thức xoa ma na ni. Cấp này chỉ có bên ni, bên tăng không có.

Ngoài ra danh xưng theo hiến chương của giáo hội Phật giáo cũng có quy định. Năm 20 tuổi đời, vị xuất gia thọ giới tỳ kheo được gọi là Đại Đức. Năm 40 tuổi đời, vị tỳ kheo được 20 tuổi đạo, được gọi là Thượng Tọa. Năm 60 tuổi đời, vị tỳ kheo được 40 tuổi đạo, được gọi là Hòa Thượng.

Còn đối với bên nữ (ni bộ), năm 20 tuổi đời, vị nữ xuất gia thụ giới tỳ kheo ni được gọi là Sư cô. Năm 40 tuổi đời, vị tỳ kheo ni được 20 tuổi đạo, được gọi là Ni sư. Năm 60 tuổi đời, vị tỳ kheo ni được 40 tuổi đạo, được gọi là Sư bà (bây giờ gọi là Ni trưởng).

Đối với các bậc Hòa Thượng mang trọng trách điều hành các cơ sở giáo hội Phật giáo trung ương cũng như địa phương, hay các Đại tùng lâm, Phật học viện, Tu viện, thường là các vị trên 80 tuổi đời, được tôn xưng là Đại Lão Hòa Thượng hay Trưởng Lão Hòa Thượng.

Xưng hô giữa các vị xuất gia và cư sĩ tại gia

Giữa các vị xuất gia, thường xưng con (hay xưng pháp danh, pháp hiệu) và gọi vị kia là Thầy (hoặc gọi cấp bậc hay chức vụ vị đó đảm trách). Bên tăng cũng như bên ni, đều gọi sư phụ bằng Thầy (hay Sư phụ, Tôn sư, Ân sư).

 

Trong Phật giáo quan trọng nhất là tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong tu tập vì thế có các danh xưng như đạo hữu, pháp hữu...

 

Các vị xuất gia cùng tông môn, cùng sư phụ, thường gọi nhau là Sư huynh, Sư đệ, Sư tỷ, Sư muội, và gọi các vị ngang vai vế với Sư phụ là Sư thúc, Sư bá. Có nơi dịch ra tiếng Việt, gọi nhau bằng Sư anh, Sư chị, Sư em.

Ngoài đời có các danh xưng: bạn hữu, hiền hữu, hội hữu, chiến hữu. Trong đạo Phật có các danh xưng: đạo hữu (bạn cùng theo đạo), pháp hữu (bạn cùng tu theo giáo pháp). Các danh xưng: tín hữu (bạn cùng tín ngưỡng, cùng đức tin), tâm hữu (bạn cùng tâm, đồng lòng) không thấy được dùng trong đạo Phật.

Khi tiếp xúc với chư tăng ni, quí vị cư sĩ Phật tử tại gia (kể cả thân quyến của chư tăng ni) thường đơn giản gọi bằng Thầy hay Cô và thường xưng là con (trong tinh thần Phật pháp, người thọ ít giới tôn kính người thọ nhiều giới hơn, chứ không phải tính tuổi tác người con theo nghĩa thế gian).

Có những vị cư sĩ tại gia cao tuổi xưng tôi hay chúng tôi với vị tăng ni trẻ để tránh ngại ngùng cho cả hai bên. Khi qui y Tam bảo thọ ngũ giới (5 giới - PV), mỗi vị cư sĩ Phật Tử tại gia có một vị Thầy truyền giới cho mình. Vị ấy được gọi là Thầy Bổn sư. Cả gia đình có thể cùng chung một vị Thầy Bổn sư, tất cả các thế hệ cùng gọi vị ấy bằng Thầy.

Theo giáo phái khất sĩ, nam tu sĩ được gọi chung là Sư và nữ tu sĩ được gọi chung là Ni. Còn nam tông chỉ có Sư, không có hay chưa có Ni.

Cách xưng hô giữa người xuất gia và gia đình

Khi tiếp xúc với cư sĩ Phật tử tại gia, kể cả người thân trong gia quyến, chư tăng ni thường xưng là tôi hay chúng tôi (hay xưng pháp danh, pháp hiệu, hoặc bần tăng, bần ni), cũng có khi chư tăng ni xưng là Thầy hay Cô và gọi quí vị là đạo hữu, hay quí đạo hữu.

 

Người xuất gia với người thân trong gia đình khi xưng hô phải kính trọng lẫn nhau.

 

Cũng có khi chư tăng ni gọi quí vị tại gia bằng pháp danh, có kèm theo (hay không kèm theo) tiếng xưng hô của thế gian. Cũng có khi chư tăng ni gọi quí vị tại gia là “quí Phật tử”. Chỗ này không sai, nhưng có chút không ổn, bởi vì xuất gia hay tại gia đều cùng là Phật tử, chứ không riêng tại gia là Phật tử mà thôi.

Việc một Phật tử xuất gia (tăng ni) ít tuổi gọi một Phật tử tại gia nhiều tuổi bằng “con” thực là không thích đáng, không nên. Không nên gọi như vậy, tránh sự tổn đức.

Trong các trường hợp tiếp xúc riêng, tùy thuận theo đời, không có tính cách chính thức, không có tính cách thuyết giảng, chư tăng ni có thể gọi các vị cư sĩ Phật tử tại gia, kể cả người thân trong gia quyến, một cách trân trọng, tùy theo tuổi tác, quan hệ, như cách xưng hô xã giao người đời thường dùng hằng ngày.


Hoài Lương/


Âm lịch

Ảnh đẹp