(PGVN) Thời mạt pháp, chúng sinh rất khó tiếp nhận Phật pháp, khế cơ là yếu tố được đưa lên hàng đầu. Nếu người hoằng pháp nắm bắt được căn cơ thì sẽ đưa ra bài thuốc phù hợp, giúp cho người tiếp nhận thông tin biết lắng nghe và tâm phục, khẩu phục.
Những người giỏi nghề báo chí, truyền thông xã hội là bởi họ có trí tuệ, họ được hưởng phúc thế gian, phúc còn thì còn làm được nghề, phúc hết thì hết nghề. Riêng đối với người làm
nghề báo, truyền thông Phật giáo, đặc biệt là hoằng pháp thì đòi hỏi phải có trí huệ và phúc xuất thế gian, phải tiết kiệm phúc thay vì hưởng phúc. Làm được nghề vốn đã khó, giữ được nghề lại khó hơn. Làm gì để sự nghiệp được bền vững?
Bài viết này chia sẻ năm vấn đề vi tế trong công việc truyền thông Phật giáo:
Thứ nhất, nghề truyền thông là một nghề có nhiều áp lực tâm lý, đòi hỏi cường độ làm việc nhiều. Do đó, ý chí ngày càng tăng trưởng. Trong tâm lý Phật giáo có đưa ra hai loại ý chí:
(1) Một loại ý chí là anh em sinh đôi với bản ngã; nghĩa là càng làm việc nhiều thì bản ngã càng tăng; Loại ý chí này hoạt động mạnh ở tưởng ấm; Làm việc nhiều với loại ý chí này dễ bị căng thẳng, stress.
(2) Ý chí vi diệu, phát sinh từ sâu thẳm trong hành ấm và thức ấm; Làm việc nhiều với loại ý chí vi diệu này mà bản ngã không tăng; Loại ý chí vi diệu có phúc vô lậu trợ duyên; dễ dàng tiếp nhận được tha lực; Làm việc nhiều với ý chí vi diệu mà sức khỏe dẻo dai, ít căng thẳng, do thân và tâm được điều hòa cân bằng.
Như thế, rất nhiều người làm truyền thông mà không hay biết mình đang sử dụng loại ý chí nào? Nếu người làm truyền thông Phật giáo thực hành sống sâu sắc, vi tế; quán chiếu thân – tâm; chiêm nghiệm năm ấm thì dần dần sẽ phát sinh loại ý chí vi diệu.
Thứ hai, lẽ thường tâm lý con người sẽ khởi tâm tự hào về những việc tốt đẹp mà mình đã làm được. Người làm truyền thông Phật giáo nên lưu ý điều vi tế trong năm ấm: Cái gọi là tâm tự hào là anh em sinh đôi với tâm kiêu mạn. Sẽ đến lúc ranh giới giữa tâm tự hào và tâm kiêu mạn rất mong manh. Một khi tâm kiêm mạn khởi lên là nhiễm ô, phiền trược kéo đến; hao tổn thiện căn; thất thoát phúc lành. Do đó, người làm truyền thông Phật giáo không nên chấp công, tự hào, phải cảnh giác với bản ngã vi tế của chính mình.
Thứ ba, sẽ có những lúc mà người làm truyền thông cảm thấy mình làm việc bền bỉ, hoàn thành khối lượng cộng việc lớn, đáng ngạc nhiên, công việc thuận duyên, trôi chảy, có nhiều sáng tạo… thì nên giữ tâm khiêm hạ bằng cách tác ý “mình được Phật, Bồ Tát gia hộ hoặc Chư thiên gia hộ để cùng tiến tu, chứ sức mình không thể làm được như thế!”
Thứ tư, sám hối! Dù công việc hoàn thành thì người phật tử làm truyền thông cũng nên sám hối thường xuyên. Bởi mình chưa thể biết những sản phẩm truyền thông của mình có đúng với vị Pháp hay không?
Thứ năm, nếu bạn trẻ yêu thích nghề báo chí - truyền thông Phật giáo, nhưng chưa đủ duyên, đủ phúc để làm thì có thể phát nguyện với Phật “xin Phật gia hộ cho con được làm nghề báo chí - truyền thông Phật giáo”; đồng thời phải hứa với Phật “con nguyện xin hứa không hưởng phúc báo do nghề nghiệp truyền thông mang đến; con nguyện tinh tấn diệt trừ bản ngã theo đúng con đường chánh pháp”.
Hãy nuôi dưỡng ước mơ của mình theo nguyên lý: Đức là gốc sinh ra Phúc; Cội phúc sinh ra trí tuệ, sức khoẻ, tài lộc… Vì thế, hãy lấy chữ Đức làm nền tảng để phát nguyện với Phật.
Phật pháp là thuốc, vì vậy đức Phật có đưa ra giới cấm đối với người xuất gia là "không tuỳ tiện nói Pháp". Nếu nói Pháp mà không hiểu được căn cơ của người nghe thì sẽ không có hiệu quả, thậm chí người nghe cảm thấy khó tin, khó chịu, họ muốn phản bác, chê bai... Do đó người nghe không khởi được niềm tin với Tam Bảo. Như thế, người nói pháp tuỳ tiện sẽ gây tổn phúc cho tha nhân và cho chính mình.
Người hoằng pháp giỏi là người biết vận dụng, kết hợp khế cơ - khế lý - khế thời, nhằm mang lại lợi ích tối đa cho người tiếp nhận thông tin.
Trong đó:
- Khế cơ là căn cơ, là trình độ tư duy, trình độ tâm linh và đạo đức của đối tượng tiếp nhận thông tin;
- Khế lý là chân lý, là giáo pháp của Như Lai;
- Khế thời là thời đại, là thời điểm cuộc sống liên quan đến thời gian và không gian, liên quan đến hoàn cảnh sống của đối tượng tiếp nhận thông tin.
Thời
mạt pháp, chúng sinh rất khó tiếp nhận Phật Pháp, khế cơ là yếu tố được đưa lên hàng đầu. Nếu người hoằng pháp nắm bắt được căn cơ thì sẽ đưa ra bài thuốc phù hợp, giúp cho người tiếp nhận thông tin biết lắng nghe và tâm phục, khẩu phục.
Hy vọng qua xêri bài viết về kỹ năng, kinh nghiệm truyền thông Phật giáo, sẽ “kích hoạt” được nhiều bạn trẻ dấn thân với nghề báo chí - truyền thông Phật giáo.
Nếu có duyên, chúng tôi sẽ ấn hành “Cẩm nang
truyền thông Phật giáo” để các bạn trẻ tham khảo.
Nam mô Hoan Hỷ tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.
TIN, BÀI LIÊN QUAN:Bạch Tầm Xuân
Nguon: http://phatgiao.org.vn/y-kien/201306/Phan-6-Nhung-dieu-vi-te-trong-truyen-thong-Phat-giao-11222/