13/06/2013 18:30 (GMT+7)
Số lượt xem: 85215
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

(PGVN) Lý thuyết về kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông nói chung thì có rất nhiều, ai cũng thể tìm kiếm, tham khảo qua sách báo, tài liệu qua Internet. Ở phạm vi bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ một số kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông Phật giáo thông qua phân tích các ví dụ.

1. Kỹ năng khai thác đề tài và góc độ tiếp cận đề tài:

Đối với các hoạt động phật sự, từ thiện, các nghi lễ Phật giáo. Cách thức truyền thông theo lối mòn, thiếu sáng tạo. Đa số bài viết chỉ đơn thuần là cung cấp đầy đủ thông tin, mà không tính được hiệu quả truyền thông của nó. Thay vì đưa ra lý thuyết về nghiệp vụ, chúng tôi sẽ phân tích ví dụ cụ thể để bổ khuyết cho vấn đề tồn đọng này.

Ví dụ: chùa A tổ chức cho các phật tử đi cúng dường 10 trường hạ. Một bài viết theo lối mòn là: mô tả chuyến đi, thành phần tham gia, thời gian, địa điểm, một số hoạt động chính. 

Đa số các website Phật giáo truyền thông theo cách này. Một sự kiện Phật giáo mà chỉ khai thác được một bài viết thì gọi là “lãng phí sự kiện truyền thông”. Người làm truyền thông đưa ra bài viết cốt lõi như thế là đúng, song có thể tiếp tục khai thác đề tài ở góc độ khác. 

Các ví dụ sau đây khai thác chùm đề tài của sự kiện ấy:

- Bài viết về sự chuẩn bị của nhà chùa và các phật tử? vật lực, tài chính như thế nào? các chi tiết nhỏ nhất cũng không bỏ qua, như cúng dường vật dụng cá nhân bàn chải, khăn mặt cho quý thầy, cô.v.v…

- Bài viết khai thác nhân vật đặc biệt trong đoàn đi cúng dường trường hạ: một bà cụ có dáng vóc nhanh nhẹn, nụ cười đôn hậu, là phật tử lớn tuổi nhất, đã bao nhiêu năm được đi cúng dường trường hạ? Vị cư sĩ ấy có kinh nghiệm như thế nào khi tham gia hoạt động mùa An cư Kiết hạ?  

- Bài viết khai thác nhân vật là một mạnh thường quân, vị ấy lo toan, vất vả cùng Thầy trụ trì như thế nào? Vị ấy có kinh nghiệm gì để tổ chức một chuyến đi đầy ý nghĩa cho mọi người? 

- Bài viết khai thác nhân vật là cô gái trẻ lần đầu tiên được đi cúng dường trường hạ, cô ấy có cảm xúc, suy nghĩ gì? Vì nhân duyên gì mà cô ấy tham gia chuyến đi này?

- Bài viết về Thầy trụ trì chùa A. Nếu các nội dung hoạt động đã khai thác rồi, thì bài viết này lại tiếp cận Thầy trụ trì ở góc độ: ý nghĩa cúng dường mùa an cư kiết hạ; hoặc truyền thống an cư kiết hạ có nguồn gốc như thế nào..

Trên đây là những ví dụ để thấy rằng: một sự kiện Phật giáo diễn ra, hoặc chương trình phật sự của một ngôi chùa nhưng chúng ta có thể khai thác nhiều vấn đề, và tiếp cận đề tài theo nhiều cách. 
 Ảnh mang tính chất minh họa

Nếu có nhiều bài viết, chùm đề tài về một sự kiện, chương trình Phật giáo thì chúng ta có thể gửi, đăng tải trên nhiều báo, website khác nhau. Điều đó cũng tạo hiệu ứng tốt cho việc truyền thông, cung cấp thông tin và nội dung phong phú để bạn đọc không nhàm chán. 

Nếu sự kiện ấy chỉ được viết một bài cốt lõi, đầy đủ thông tin, đăng tải trên một nơi, sau đó các website khác copy về, thông tin tràn lan, thì mới chỉ là số lượng, chưa chắc hiệu quả truyền thông đã cao.

Mặt khác, sáng tạo truyền thông còn ở cách chuyển tải nội dung. Trong đó, một câu chuyện có bối cảnh hoạt động trong không gian, thời gian nhất định, có nhân vật, có cảm xúc nhân vật, thì sẽ thu hút bạn đọc. Áp dụng phương pháp “câu chuyện” để hiệu quả truyền thông tốt hơn, điều này đã được khoa học truyền thông nghiên cứu. Giới phóng viên gọi là “câu chuyện báo chí”. 

Từ xa xưa, kinh Phật luôn được ghi lại cả bối cảnh diễn ra, nơi chốn mà đức Phật nói pháp; đức Phật nói Pháp cho ai nghe. Chúng ta hãy mở các cuốn kinh Phật giáo nguyên thuỷ, mở đầu bài Kinh luôn đầy đủ phần giới thiệu bối cảnh và lý do để đức Phật nói Pháp, đối tượng nghe Pháp là ai? Thành phần nghe Pháp gồm những nhân vật nào? Trong quá trình nói Pháp, sau mỗi ý, đức Phật thường lặp lại, gọi tên nhân vật nghe Pháp, ví dụ “Này Xá Lợi Phất!” Như vậy, xuyên suốt bài kinh có bối cảnh, có nhân vật.

Nói tóm lại, cách truyền thông “câu chuyện” có nhân vật, có bối cảnh có hiệu quả tốt, phù hợp với số đông. Những người phật tử làm truyền thông nên trau dồi cách kỹ năng kể câu chuyện đạo lý.

2. Kỹ năng truyền thông tinh tế:

Bây giờ chúng tôi đưa ra một ví dụ khác, để thấy rằng, truyền thông Phật giáo đòi hỏi phải trung thực, không tiểu xảo nghệ thuật, nhưng cũng phải tinh tế. Ví dụ sau đây về sự truyền thông tinh tế:

Ví dụ: một nhóm thanh niên xông vào đánh Thầy trụ trì ở ngôi chùa B. Họ chiếm đoạt tài sản, chiếm quyền sở hữu 3 ha đất nhà chùa. Thầy trụ trì đã nộp đơn kiện lên chính quyền xã nhưng chính quyền im lặng. Sau đó Thầy trụ trì đã nộp đơn kiện lên huyện, công an đã vào cuộc điều tra.

Nếu người làm truyền thông Phật giáo kể lại diễn biến câu chuyện như trên, thì đó là cách truyền thông đúng, nhưng thiếu tinh tế. Cách truyền thông nay cũng giống như báo, mạng và các trang báo ngoài xã hội.

Tại sao phải tinh tế, có những chi tiết cần nói đúng, trung thực, nhưng nếu bất lợi cho hình ảnh người xuất gia thì chúng ta phải gia giảm, làm mờ thông tin. Đây không phải là sự dối trá, mà là sự khéo léo cung cấp thông tin. Ở ví dụ trên, có chi tiết “Thầy trụ trì đã nộp đơn kiện cấp xã, cấp huyện”, như thế hình ảnh một người xuất gia đâm lao theo kiện cáo, vướng vào pháp lý là loại thông tin nhạy cảm. 

Bạn thử hình dung mâu thuẫn này: một bên là bạn phải viết đúng sự thật, trung thực; và một bên là thông tin gây ảnh hưởng đến hình ảnh tốt đẹp của người xuất gia. Làm thế nào để truyền thông trung dung hơn? Bài toán truyền thống tinh tế là bạn phải tháo gỡ nút mâu thuẫn này.

Chúng ta xin đưa ra một cách truyền thông tinh tế cho trường hợp này: Bạn hãy tìm tuyến nhân vật phụ thay cho nhân vật chính! Nghĩa là, bạn nên tìm một cư sĩ thân cận với Thầy trụ trì, người mà nắm bắt rõ diễn biến ở chùa, việc kiện cáo… bạn khai thác thông tin từ vị cư sĩ thay thế cho Thầy trụ trì. Như vậy, chúng ta vẫn cung cấp thông tin trung thực về diễn biến câu chuyện! Cách truyền thông tinh tế sẽ tạo cảm giác cho bạn đọc theo hướng có lợi, thậm chí bạn đọc có thể nghĩ: vị cư sĩ này được uỷ quyền lo việc kiện cáo, đòi quyền lợi cho nhà chùa. 

Bên cạnh đó, chúng ta vẫn có thể xây dựng hình ảnh thiện cảm về Thầy trụ trì trong vụ này.  Ví dụ bạn phỏng vấn Thầy trụ trì, khai thác ở góc độ: Nguyên nhân xảy ra vụ việc? Thầy bị hành hung như thế nào? Tại sao thầy nhẫn chịu đám côn đồ ấy?

Như vậy là truyền thông tinh tế giúp bạn xoay chuyển từ hướng bất lợi sang có lợi. Nghệ thuật truyền thông Phật giáo đòi hỏi tính trung thực, những cũng cần phải tế nhị, tinh tế.

3. Kỹ năng xử lý khủng hoảng thông tin:

Thế nào là khủng hoảng thông tin? Khi một nguồn tin, dư luận, báo chí phản ánh một vấn đề nào đó liên quan đến Phật giáo. Thông tin sai lệch, hoặc thông tin chính xác nhưng bất lợi cho Phật giáo thì đều gọi là khủng hoảng thông tin. 

“Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”, nhiều tăng, ni, phật tử sẽ chọn cách im lặng để đối phó với khủng hoảng thông tin. Nhưng truyền thông xã hội, nhất là báo lá cải thì tận dụng tối đã mọi dư luận để giật tít, câu bài. 

Nếu công chúng hiểu nhầm về một ngôi chùa, nghĩ sai, nghĩ xấu về người xuất gia đều là tổn phúc, mất duyên lành của công chúng. Do đó, người làm truyền thông Phật giáo là người nắm bắt thông tin nóng hổi, kịp thời phát hiện khủng hoảng thông tin, nhanh chóng có nghiệp vụ truyền thông để cải chính thông tin sai lệch, hoặc cung cấp thông tin tốt hơn, giúp dư luận nhận thông tin chính xác hơn. 

Ví dụ 1: Bộ ảnh “Thoát” bị dư luận báo mạng, diễn đàn, công chúng hiểu nhầm nhân vật trong ảnh là nhà sư, chụp ảnh nghệ thuật kiểu độc chiêu. 

Trường hợp này là thông tin sai lệch, tạo dư luận xấu. Biện pháp xử lý khủng hoảng thông tin của tình huống này khá dễ dàng: 

- Đưa ra loạt bài truyền thông nhằm làm sáng tỏ nhân vật trong ảnh không phải là người xuất gia; 

- Cung cấp thông tin rõ ràng về nhân vật trong ảnh; 

- Phỏng vấn người đại diện Ban Văn hoá Giáo hội về vấn đề này.

Ví dụ 2: Ca sĩ ĐVH khoá môi nhà sư A trên sân khấu. 

Trường hợp này là thông tin chính xác, tạo dư luận xấu. Biện pháp xử lý khủng hoảng thông tin cho tình huống này khó hơn: 

- Phân tích hành vi, chủ động khoá môi của ca sĩ ĐVH.

- Tìm hiểu cơ sở tự viện nơi nhà sư A tu học. Phỏng vấn vị tăng có trách nhiệm, tìm hiểu về đạo hạnh, tu học của sư A; phỏng vấn về biện pháp quản chúng, cụ thể là đối với sư A sau sự vụ này?

Qua hai ví dụ trên, những người làm truyền thông Phật giáo nên lưu ý: Khi có khủng hoảng thông tin, những người làm truyền thông Phật cần phải hạn chế việc copy, dẫn nguồn của báo đời. Bởi vì việc chuyển tải nội dung của báo đời chỉ làm tăng thêm dư luận xã hội, tăng thông khủng hoảng thông tin. Lợi bất cập hại!

Đối với việc xử lý khủng hoảng thông tin, chúng tôi khuyến cáo các website Phật giáo của chùa, các blog của tăng, ni, phật tử không nên tự ý xử lý nghiệp vụ này. Nghĩa là các website chính thức của TW Giáo hội, trang Phật giáo chính thống như phatgiao.org.vn, báo Giác Ngộ đứng ra xử lý khủng hoảng thông tin.

Làm như thế để tránh sự chồng chéo thông tin nhiều chiều. Việc xử lý khủng hoảng thông tin được hiệu quả khi nguồn thông tin đưa ra công chúng là nhất quán.


Bạch Tầm Xuân

Âm lịch

Ảnh đẹp