21/06/2013 21:39 (GMT+7)
Số lượt xem: 90301
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

(PGVN) Việc hiểu rõ quy luật tâm lý – năm ấm sẽ giúp cho người làm truyền thông Phật giáo phân tích bạn đọc, phân loại nhóm trình độ tâm linh để nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của cá nhân và nhóm xã hội với các báo điện tử, website Phật giáo thì phân loại nhóm bạn đọc theo tiêu chí nào? Trong giới hạn hiểu biết, chúng tôi xin gợi mở cách tiếp cận vấn đề thông qua phân tích cấu trúc bản ngã, thứ lớp của năm ấm




Khoa học truyền thông đã đưa ra phương pháp phân tích người đọc, phân loại nhóm theo tiêu chí cụ thể; lập bảng ma trận để phân tích người đọc. Tuy nhiên, khoa học truyền thông vẫn chưa giải quyết rốt ráo được vấn đề.

Hiện nay, ranh giới giữa các nhóm xã hội ngày càng mong manh vì cá nhân thay đổi sở thích và giá trị sống với gia tốc lớn. Do đó việc nắm bắt tâm lý, nhu cầu, thị hiếu là rất khó trong thời đại bùng nổ thông tin. 

Ở cấp độ sâu sắc hơn, Tâm lý Phật giáo khác với Tâm lý học của phương Tây, vì đã khai thác được cấu trúc bản ngã, năm ấm (ngũ uẩn) của con người, nên giải quyết được tận gốc rễ vấn đề. 
                                                                                Hình ảnh chỉ mang tính minh họa
1. Phân tích bạn đọc theo tiêu chí nào?

Khi người viết biết đặt mình vào vị trí của bạn đọc thì nội dung truyền thông sẽ hiệu quả hơn. Nếu không phải là bậc thượng căn thì việc biết căn cơ của người khác là rất khó. Tuy nhiên, một cách tương đối, chúng ta có thể vận dụng, phân tích, dự đoán căn cơ của cá nhân hay nhóm xã hội. Gồm ba gói dữ kiện: 

(1) Sở thích, giá trị sống, tâm tư tình cảm, cảm xúc, cá tính.

(2) Trình độ văn hoá, học vấn, học hàm, học vị, nghề nghiệp, địa vị xã hội, thu nhập, tài sản.

(3) Đạo đức, lương tâm, tinh thần vị tha, bao dung, tính nhân văn trong quan điểm sống.

Việc nắm bắt, phân tích được các gói dữ kiện trên, có khi một cử nhân chuyên ngành tâm lý, xã hội trải qua 4 năm học cũng chưa chắc làm được. Nhưng chúng ta may mắn vì đã được đức Phật trao cho chìa khoá vi tế, đó là NĂM ẤM (NGŨ UẨN). Chúng ta có thể ngộ chưa sâu về năm ấm, nhưng có thể học và nắm bắt quy luật tâm lý, cấu trúc bản ngã con người. 

Việc hiểu rõ quy luật tâm lý – năm ấm sẽ giúp cho người làm truyền thông Phật giáo phân tích bạn đọc, phân loại nhóm trình độ tâm linh để nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của cá nhân và nhóm xã hội.

2. Người làm truyền thông thực hành sâu sắc và vi tế

Một người cầm bút nên biết mình có điểm yếu, điểm mạnh gì? khả năng tư duy và văn phong của mình phục vụ được đối tượng tầng lớp nào trong xã hội? “Biết mình biết người trăm trận trăm thắng”, Tâm lý học phương Tây có phương pháp nội quan, nghĩa là trải nghiệm cảm xúc, nhận diện và gọi tên cảm xúc để quan sát nội tâm, nhưng Tâm lý học Phương Tây chưa giải mã được vùng VÔ THỨC của con người. 

Phương pháp nội quan của Tâm lý Phật giáo ưu việt hơn, đã giúp con người khám phá, đi sâu vào vùng vô thức, để làm chủ bản thân. Phật giáo có nhiều pháp môn dạy quán chiếu thân và tâm, để thấu hiểu chính mình. Ở mức căn bản nhất mà ai cũng có thể thực hành, đó là: Luôn nhận biết tâm mình còn loạn động; Luôn nhận biết thân mình là vô thường, biến đổi; Luôn nhận biết hơi thở vào – ra rõ ràng.

Nếu ai tu tập quán chiếu thân, tâm thì người ấy sẽ có thêm kỹ năng đánh giá bản thân sâu sắc, vi tế. Ở đây, chúng tôi xin gợi mở vấn đề ứng dụng phân tích quy luật tâm lý - năm ấm. 

Khi một người có khả năng quán chiếu và nhận biết năm ấm (gồm có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) ở mức độ như thế nào, thì người ấy sẽ hiểu được căn cơ của người khác ở mức tương ứng hoặc cạn hơn; Nghĩa là người sâu sắc, vi tế hơn thì sẽ thấu hiểu được người cạn hơn. 

Như vậy, người làm truyền thông Phật giáo phải có công phu tu tập quán chiếu thân và tâm, thực hành sống sâu sắc và vi tế. Gọi là tự lực. Từ kinh nghiệm quán chiếu Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức thì mới có thể đem áp dụng vào việc phân tích ba gói dữ kiện, nhằm phân tích bạn đọc, dự đoán căn cơ của đối tượng hoằng pháp.

3. Ứng dụng quy luật tâm lý - năm ấm để dự đoán căn cơ

Thế giới bí ẩn, khó hiểu nhất chính là “lòng người”, vì nó biến đổi khó lường. Một người chưa hiểu được tâm hồn của chính mình, thì người đó hay bị ngộ nhận về bản thân; ngộ nhận về cái tôi, về sở thích, về sự hiểu biết, tư duy của mình.

Khi người làm truyền thông thực hiện một đề tài, dự án thì trước hết phải khoanh vùng đối tượng truyền thông? Họ là ai? Họ như thế nào? Họ thiếu hụt, khủng hoảng điều gì? Họ có thể tiếp nhận vấn đề gì..? Do đó, cần phân loại theo 3 nhóm gói dữ kiện để phân tích tâm lý - năm ấm, từ đó làm căn cứ dự đoán căn cơ.

Tâm lý Phật giáo là một hệ thống giáo dục biện chứng giữa thân và tâm. Phật giáo không phải là duy tâm. Đức Phật dạy rằng, thân và tâm có mối liên hệ chặt chẽ với nhau; những vấn đề của tâm sẽ tác động vào thân, và ngược lại các vấn đề của thân gây ảnh hưởng đến tâm. 

Thông qua hành vi, cử chỉ, thái độ là có thể bộc lộ tâm lý, tính cách. Ví dụ: những người từng trải như doanh nhân, những người làm lãnh đạo thì chỉ cần nhìn bề ngoài, hình tướng là có thể “đọc vị” người khác. Hoặc một người sống tinh tế, tư duy sâu sắc thì dễ dàng nhận biết tâm lý của người phàm phu, sống bản năng. 

Ngày nay, khoa học về nội tiết tố, ADN, nhóm máu, tâm sinh lý con người có nhiều thông số để phân tích tội phạm, dự đoán xu hướng tính cách, sở thích, lối sống của con người.. Như vậy, từ yếu tố của thân (sắc) là có thể phân tích, dự đoán về tâm (thọ, tưởng, hành, thức).

Một thiền sư đã dạy chúng tôi về quy luật tâm lý - năm ấm, xin chia sẻ đôi điều. Về cơ bản, con người có hai loại bản năng gốc nằm sâu thẳm trong tâm thức, và hoạt động mạnh nhất. Những người bị hai loại bản năng này chi phối mạnh mẽ thuộc nhóm hạ căn, phàm phu. 

- Bản năng sinh tồn: con người tìm mọi cách để xoay sở, mưu sinh cuộc sống, nhằm đáp ứng nhu cầu của thân mạng (sắc). Sắc là thân mạng, hình dáng, hình thức.

- Bản năng hưởng thụ: đi tìm cảm giác, hệ thống thần kinh thúc đẩy nhu cầu khoái cảm. Trong bản năng hưởng thụ có loại bản năng tình dục là hoạt động mạnh mẽ nhất.

Con người dù ở bất cứ nơi nào, đẳng cấp nào thì cũng xoay quanh hai vấn đề vui - buồn Suốt cuộc đời, họ sống xoay quanh cái trục vui - buồn ấy. Họ mưu sinh cuộc sống, hay tìm một nghìn lẻ một giá trị sống, trải nghiệm sở thích cũng là nhằm giải quyết vấn đề vui - buồn. Một số ít bị mắc bệnh lãnh cảm, không vui, không buồn. Một số ít vượt lên khổ, vui thế gian để tìm đến an lạc.

Cảm nhận vui - buồn chính là hoạt động trong thọ ấm. Khi một người phàm phu thấy vui thì biết là mình đang vui, thấy buồn thì biết là mình đang buồn. Còn một người tinh tế, sâu sắc hơn thì sẽ nhìn thấy 3 trong 1, nghĩa là trong cảm xúc vui - buồn có 3 giai đoạn xảy ra rất nhanh:

- Điều kiện phát sinh ra cảm thọ vui, buồn.
- Cảm thọ với những vui, buồn.
- Phản ứng yêu, ghét (do đã cảm thọ vui, buồn).

Trong đó, điều kiện phát sinh cảm thọ do tiếp xúc ngoại cảnh bên ngoài; và do nội tâm bên trong. Gọi là điều kiện tiếp xúc trong 12 nhân duyên.

Mặt khác, theo thứ lớp từ cạn vào sâu trong năm ấm (sắc – thọ - tưởng – hành – thức), nếu ai có khả năng tư duy sâu thêm một chút, vượt qua sắc ấm và thọ ấm, thì hai loại bản năng gốc hoạt động yếu đi; nhưng tưởng ấm hoạt động mạnh hơn, người đó có nhu cầu về tư duy mạnh mẽ. Nhóm người có sở thích tao nhã, lối sống lành mạnh, coi trọng giá trị tinh thần hơn vật chất là do tưởng ấm hoạt động mạnh hơn sắc ấm và thọ ấm. Thậm chí họ còn phát huy được tính sáng tạo.

Nói tóm lại, việc hiểu rõ quy luật tâm lý của năm ấm sẽ giúp cho việc phân tích mối liên hệ biện chứng giữa thân xác và tâm hồn; giúp cho con người hiểu về chính mình; đồng thời còn là kim chỉ nam để phân tích bạn đọc, đối tượng hoằng pháp. 

Bạch Tầm Xuân

Âm lịch

Ảnh đẹp