Tưởng niệm Cố Trưởng lão Hòa Thượng Thích Thiện Nhơn
( 1931-2013 )
Trong
một thời gian ngắn, Phật giáo Việt Nam đã mất đi năm cây đại thụ của
Phật giáo: Trưởng lão Hòa Thượng Thích Thanh Bích, Phó Pháp chủ GHPGVN -
Hòa Thượng Thích Đắc Pháp - TBTS Phật giáo tỉnh Vĩnh Long . HT. Thích
Giác Viên - TBTS Phật giáo thành phố Đà Nẵng . HT. Thích Chơn Thành -
TBTS Phật giáo tỉnh Bình Thuận. HT. Thích Giác Dũng - Thành viên HĐCM,
chứng minh BTS Phật giáo tỉnh Đăk Lăk và nay:
( ảnh được chụp tại quán cơm chay Khải Tường - Hà Nội, do Phật tử Nhài cung cấp cho BBT chuabuuminh.vn)
Hòa Thượng Thích Thiện Nhơn, Ủy viên
Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN,
Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định. Ủy viên Ủy Ban MTTQVN tỉnh
Bình Định, Viện chủ Tổ đình Thiên Đức, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Hòa Thượng thế danh : Hồ Thanh Tùng, sinh năm 1931 (Tân mùi). Hạ lạp 63 năm. Trụ thế 83 năm.
Tôi có cơ duyên gần gũi Hòa Thượng trong
nhiều giai đoạn: Trước năm 1975 Hòa Thượng làm chánh đại diện Phật giáo
tỉnh Pleiku, Kon Tum và Quảng Ngãi. Thời gian Ngài ở Chùa Tỉnh hội Phật
giáo Pleiku (chùa Bửu Thắng) tôi cũng có ở chung với Ngài,
Ngài ít khi có mặt ở chùa Bửu Thắng, bởi phật sự đa đoan, Ngài đi như
chim bay bốn phương trời, thoạt đến thoạt đi. Sáng Pleiku, trưa Kon Tum,
tối Quảng Ngãi....Uy đức của Ngài tăng chúng kính nể nép phục không dám
gần, riêng tôi thì Ngài rất thương, thường xoa đầu và cười hiền. Thuở
còn làm điệu tôi luôn nhớ đến Ngài bởi chút kỷ niệm được xoa đầu và nụ
cười hiền dành cho mình.
Sau một thời gian tôi không ở chùa Bửu
Thắng Pleiku nữa, Sư Phụ Từ Hương gởi đi học Nha Trang, Phan Thiết, mỗi
nơi tích cóp cho mình một chút kiến thức thế gian, một chút kiến thức
phật học. Phần Ngài, Ngài vẫn luôn giong ruỗi hoằng hóa Phật pháp theo
cách riêng của minh. Với Ngài hình như không có kẻ thù, ai cũng là bạn,
giúp được thì giúp không phân biệt bên này bên kia, rất nhiều người đã
thoát chết đoàn tụ với gia đình nhờ sự chở che bảo bọc của Ngài.
Trong chiến tranh vệ quốc, giành lại nền
độc lập tự do cho dân tộc, hai miền Nam Bắc Việt Nam đã có rất nhiều
trường hợp con ở Nam cha ở Bắc, anh ở Bắc em ở Nam, vợ ở Nam chồng ở Bắc
với hai chính thể khác nhau. Với cách làm đạo của Ngài, Ngài đã thân
cận chính quyền trước 1975, chính nhờ sự thân cận đó mà Ngài đã giúp cho
nhiều người thoát chết vì tội yêu nước, giải phóng dân tộc, trong đó có
anh Ba Sơn.
Bởi chính điều đó cho nên sau 1975 Ngài
cũng giống như Tô Đông Pha bị biếm trích nơi núi rừng hoang vắng. Thời
gian này những người mang ơn Ngài cũng ít ai đến thăm viếng, chỉ còn có
mẹ già luôn nhớ đến con tìm thăm chia sẻ đắng cay ngọt bùi. Ngày mẹ Ngài
mất tôi có về Bình Định thăm và phúng viếng câu liễng với bài thơ ngắn:
Chiều nay mây trắng vương vương tóc,
Nhớ đến mẹ già quá lao lung.
Nghĩ đến tình đời nên con khóc,
Nguyện mẹ tiêu dao chốn vô cùng.
Quan hệ với bốn phương trời, giúp đỡ rất
nhiều người thoát án chết, nhưng đến khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn cô
độc, chỉ còn có mẹ.
Trong thời gian biếm trích Ngài vẫn luôn
cười tự tại, vẫn giảng đạo vẫn làm lễ Quy y cho những người bạn hữu
duyên cùng cảnh ngộ. Hết thời gian biếm trích Ngài về lại chùa Pháp Hải
Quy Nhơn hoằng đạo. Thời gian Ngài ở chùa Pháp Hải tôi có về thăm một
lần, chứng kiến cảnh Ngài kéo xe cải tiến chở các vật dụng sinh hoạt
chùa in tựa một lão nông mà rơi nước mắt. Đời Ngài thăng trầm in hệt
tướng công Nguyễn Công Trứ, khi thì làm Thượng thư, khi thì làm lính
trơn.
Đời Ngài không có bỉ thử, bên này bên
kia. Đối tượng Ngài phụng sự giúp đỡ là chúng sinh, Tổ quốc Ngài phụng
sự là Việt Nam, và cũng giống như Đại lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ từng
nói: " Những gì chúng tôi làm cho Phật giáo cũng có nghĩa là làm cho dân tộc, những gì chúng tôi làm cho dân tộc cũng có nghĩa là làm cho Phật giáo".
Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Định thành lập, với tâm nguyện
phụng sự đạo pháp dân tộc Ngài được cung thỉnh chức vụ Trưởng ban trị sự
hai nhiệm kỳ, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Ủy viên
Hội đồng Trị sự GHPGVN.....
Thời gian này Ngài là Viện chủ Tổ đình
Thiên Đức xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Tuy là Viện
chủ, Ngài để lại Tổ đình cho đệ tử chăm sóc, tiếp tục vân du hoằng hóa
bốn phương, khắp các tỉnh thành nơi nào cũng có dấu chân Ngài để lại:
Huế, Sài gòn, Hà Nội, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông, Đăk Lăk,
Phú Yên, Ninh Bình.... Hoa Kỳ, Úc, Myanmar.... Đến nơi nào Ngài cũng cứ
nói chuyện đời xưa, chuyện đời nay, chuyện hài thấm đẫm thiền vị, cười
ra nước mắt, và cuối cùng vẫn khuyên mọi người Quy y Tam Bảo. Trong thời
gian đi hoằng hóa, nơi nào có đàn tràng kỳ siêu Liệt Sĩ, đồng bào tử
nạn là Ngài luôn có mặt chứng minh. Thương anh linh những người trai trẻ
hy sinh thân mình cho nền độc lập dân tộc, Ngài chú nguyện khai thị với
tất cả tấm lòng bi mẫn nhất. Vẫn luôn nhắc anh linh các liệt sĩ hãy
buông bỏ hình hài đừng cố chấp bám víu những vật ngoài thân, mà phát tâm
Quy Y Tam Bảo để sớm siêu thoát vãng sinh về cảnh giới an lành.
Những lần được may mắn gần gũi Hòa
Thượng tôi đã ghi nhớ rất nhiều về những câu chuyện kể của Ngài, chuyện
đời chuyện đạo, chuyện u mặc nghe xong cứ tủm tỉm mà cười. Nhất là những
chuyện, những kỷ niệm về các vị cao tăng cùng thời với Ngài: Như Hòa
Thượng Trí Quang, Hòa Thượng Thiện Siêu, Hòa Thượng Đức Nghiệp, Hòa
Thượng Thiện Bình, Hòa Thượng Tâm Giác, Hòa Thượng Thanh Long ....
“Vài mươi năm trước thì ta chưa có,
Vài mươi năm sau có cũng hoàn không,
Cuộc đời có có không không,
Chỉ còn đọng lại tấm lòng quê hương”.
Với Hòa thượng: Quê hương và Đạo pháp là
trên hết. Với Quê hương không nơi nào trên trái đất mà gần gũi thân
thương như Tổ quốc Việt Nam, do vậy tuy có đủ điều kiện để định cư ở
nước ngoài Hòa thượng vẫn không đi. Với Đạo pháp mọi chức danh cũng chỉ
là phương tiện để thuận duyên hành đạo. Khi thì làm Thư ký Phật giáo cứu
quốc Liên khu 5. Khi thì làm Chánh đại diện Phật giáo các tỉnh Pleiku,
Kon Tum, Quảng Ngãi. Khi thì Trưởng ban trị sự PG tỉnh Bình Định -
thành viên HĐCM Phật giáo Việt Nam. Ngài cũng thích nghe nhạc Trịnh Công
Sơn và tâm đắc lời nhạc:" Nhìn tôi lên cao, nhìn tôi xuống thấp". Quan
trọng là biết nhìn, tất cả quyền chức thế gian hay trong đạo cũng chỉ là
phương tiện để đạt mục đích là phụng sự, phụng sự cho đời cho đạo. Nắm
giữ cũng tự tại và buông cũng tự tại, cũng mỉm cười được như nụ cười của
Ngài. Ngài có nụ cười rất đẹp và hỷ xả. Chúng ta hãy nhìn chân dung
Ngài với nụ cười trầm lặng và luôn thường trực trên môi, và có phải đây
là chân dung cao tăng Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại ?
Năm ngoái đi dự một Đại lễ tại Hà Nội
tôi ở cùng phòng với Hòa Thượng, tối hôm đó Thầy trò uống nước trà trò
chuyện có cả Phật tử Vinh, Phật tử Nhài, Phật tử Vinh rất có khả năng
văn học nói với tôi: " Trí nhớ của Hòa Thượng như một bộ sử thi, con
với thầy sắp xếp thời gian về ở bên cạnh Hòa Thượng để Hòa Thượng kể và
ghi chép lại những câu chuyện về quá khứ, hiện tại, của Phật giáo trước
và sau năm 1975, mà trong chính sử không thể nào ghi chép hết được, và
nếu được sẽ viết thay hồi ký cho Hòa Thượng". Cứ nghĩ rẳng Hòa
Thượng còn khỏe còn sống lâu, từ từ rồi thực hiện. Nhưng rồi vô thường
đến, Ngài mỉm cười ra đi, ra đi mang theo tất cả biên niên sử của thời
đại. Tiếc thay cho Phật giáo Việt Nam mất đi một Tòng lâm thạch trụ, Tổ
quốc Việt Nam mất đi một công dân suốt đời hy sinh vì dân tộc. Với tấm
gương nghị lực vô biên cả đời không chùng bước trước nguy nan thử thách,
với cách tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên của Ngài trong cách
hành đạo, chúng con nguyện nối bước học hỏi, đi theo hạnh nguyện của
Ngài.
Với tất cả tấm lòng kính yêu thương tiếc, con kính viếng Giác linh Hòa Thượng một bài thơ nhỏ:
Cứ vậy sống cứ vậy thương trầm tĩnh.
Thản nhiên cười nhìn cuộc thế hợp tan.
Lặng lẽ thở với thời gian Không Tính.
Đóa hoa sen bừng nở gợi mơ màng.
Cầu nguyện Giác linh Hòa Thượng Cao đăng Phật Quốc, hội nhập Ta Bà hóa độ chúng sinh.
--------------------
Đệ tử: Thích Giác Tâm
Chùa Bửu Minh, Gia Lai.
Ngày 12 tháng 03 năm Quý Tỵ