Để nhìn đời và để nhìn mây


Tác giả: Thích Giác Tâm
07/08/2013 19:06 (GMT+7)
Số lượt xem: 25634
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Để nhìn đời và để nhìn mây. 
Tác giả: Thích Giác Tâm. 
  
  Bản điện tử Chùa Bửu Minh xuất bản tháng ngày 6.8.2013





ngonngu1_thumb[1].gif


Quay về  


Nhiều năm trôi qua, chúng tôi đã vô tâm quên lãng rất nhiều. Cũng có đôi lúc nhớ đến Chân Thiện Mỹ. Song chỉ khoảnh khắc rồi thoáng qua. Vì quên nhiều hơn nhớ, nên trong làng còn có một ngôi chùa mà chúng tôi cũng chẳng mấy quan tâm.

Chùa mang hiệu Phước Sơn, do vị thầy khai sơn đặt tên, với mong ước tất cả chúng tôi cùng nỗ lực tu tập, thực  hiện điều lành để chứa nhóm phước đức to lớn như núi; vùng chúng tôi đồi núi rất nhiều, Sơn là núi, còn hàm ý đó nữa – Hai chữ Phước Sơn mang ý nghĩa thâm thuý tốt đẹp,  như vậy mà trong chúng tôi không mấy ai nhớ đến hiệu chùa. Trong lúc trà dư tửu hậu, chúng tôi có rất nhiều chuyện để bàn, để nói, hầu hết là phù phiếm. Tuyệt nhiên không ai đá động và nhắt đến chùa. Chúng tôi đã từng là Phật tử,  đã quy y Tam Bảo vậy mà…

Không phải dễ dàng gì khi nói ra sự thật, nhất là khi phơi bày sự thật không đẹp mấy cho mọi người cùng biết, chúng ta dễ đỏ mạt tía tai lắm! Chùa Phước Sơn khi mới thành lập, có Thầy trụ trì song chỉ được vài năm thì thầy tịch. Từ đó chúng tôi thờ ơ và lãng quên dần. Trong năm thỉnh thoảng có đến chùa đôi lần vào dịp lễ Phật Đản, và lễ Vu Lan- rằm tháng 7- nhưng đạo hữu chỉ lèo tèo đếm được trên đầu ngón tay. Viện lý do là chùa không có Thầy đến làm gì, đó chỉ là cái cớ nêu ra vậy thôi. Sau này chúng tôi được biết nhiều, khuôn hội không có thầy trụ trì Phật tử vẫn tự xắp xếp sinh hoạt nhịp nhàng được. Còn chư tăng năm thuở mười thì mới về thăm một lần.

Cha chung không ai khóc. Không ai thấy mình có trách nhiệm cả, trong điện phật đấng Từ Phụ ngồi trầm tư cô đơn một mình, bàn lạnh, tro tàn, khói hương chỉ còn trong nỗi nhớ. Cửa ngõ toang hoác, mục đồng và mục súc ghé vào đục mưa trú nắng, đôi khi phóng uế nữa.

Nhưng một hôm Thầy về.

Ngày đó xóm làng xôn xao, mọi người rủ nhau lên chùa thăm thầy và để nghe thầy thuyết giảng, cảm động nhất là các em thiếu nhi, phần đông đều mang hoa vườn nhà đến cúng phật, có cả hoa dại hoa rừng.

Không quen chào hỏi, nên khi về chùa gặp Thầy các em cứ trố mắt ra nhìn, bỡ ngỡ, nhưng tôi đã đọc được trong đoi mắt long lanh của các em sự kính trọng và yêu thương của các em đối với Thầy.

Sau vài lời chào hỏi xã giao, Thầy lấy tờ báo Giác Ngộ ra đọc trường hợp tái sinh của cậu bé Tenzin Osel Rinboche, người Tây Ban nha, cho moị người cùng nghe. Đoạn thầy giảng về Luân Hồi Nghiệp Báo, về Từ Bi, ba phép quy kính và năm giới cấm cần thiết cho người phật tử . Thầy hướng về phía thanh thiếu niên nhấn mạnh về giới răn thứ năm, tức là giới không uống rượu, và dẫn chứng vài trường hợp đáng tiếc đã xảy ra do tệ nạn nghiện ngập gây nên (Làng tôi trẻ em trên mười tuổi phần đông đã biết uống rượu).

Chúng tôi ai nấy đều toát mồ hôi, vì thấy mình tạo nghiệp bất thiện quá nhiều. Một ngôi làng khoảng chừng ba trăm hộ mà tới một phần ba hộ đầu tư nấu rượu. Trong đó duy nhất chỉ có một trường học cấp một eo sèo, chúng tôi vung vãi lung tung hạt giống vô minh mờ tối khắp nơi, còn góp phần đầu tư cho trí tuệ thì dè sẻn như vậy. Mảnh đất tâm hồn và trí tuệ của các em thật màu mỡ phì nhiêu mà chúng tôi không biết chọn giống gieo vào.

Bếp lửa lòng của chúng tôi đã nguội lạnh từ lâu, thầy đến khươi lên và nhúm nhen trở lại. Hôm nay lòng chúng tôi đã bớt băng giá, bớt thờ ơ vô tâm. Biết mình hiện hữu ở cõi đời này để làm gì không sống say chết mộng nữa.

Chúng tôi đã biết quay về nương tựa nơi Phật- Pháp- Tăng để sám hối ăn năn, để chuộc lại lỗi lầm một thời vong thân, quên lãng. Trên đồng ruộng, trong nông trường cao su, trên đồi cao dưới lũng thẳm của làg tôi, bà con đã râm ran nhắc đến Phật đến chùa, nhắc nhở nhau những ngày ăn chay trong tháng. Đùm bọc san sẻ cho nhau trong hoạn nạn tai ương. Chúng tôi đã biết đường đi nẻo về.

Từ nhà dưới tiếng hát con gái út tôi vọng lên:

Đường con đi, đường từ bi

Trọn đời, con nhớ khắc ghi bên lòng

Mai này nguyện ước tròn xong

Con xin trở lại cửa Không hầu thầy.

Không biết cháu học được bài hát này ở đâu, tôi gọi cháu lên ôm cháu vào lòng và nói : “Ba sẽ đưa con về thăm thầy”.


Tháng 02 năm 1992



Âm lịch

Ảnh đẹp