Để nhìn đời và để nhìn mây


Tác giả: Thích Giác Tâm
07/08/2013 19:06 (GMT+7)
Số lượt xem: 25607
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Tản văn.

Để nhìn đời và để nhìn mây. 
Tác giả: Thích Giác Tâm. 
  
  Bản điện tử Chùa Bửu Minh xuất bản tháng ngày 6.8.2013



images.jpg


QUÊ MẸ 


I

Thiên hạ thường hay nhắc câu: “Quả đất tròn…” mỗi khi tao ngộ. Mà cũng tròn thật. Chết mất thì thôi, chứ nếu sống thì trở ngăn cách mấy cũng có ngày gặp lại. 
So với dòng tời gian vô tận thì mười lăm năm chỉ là khoảnh khắc nhỏ. Nhưng so với đời sống ngắn ngủi của một kiếp người thì thời hạn đó không phải là không nhiều. Mà nếu là biệt ly thì thời gian được đo bằng thước đo tâm lý. Tôi cũng nằm trong trường hợp đó. 

Tôi có một người cháu tên H xa quê hương từ năm mười lăm tuổi. Sống ở xứ người mười lăm năm. Nay đột nhiên về cùng với đứa con gái chín tuổi, tên cháu là Ka Thy. Bố cháu là người Việt Nam, nhưng chuyến về thăm này không về được. Ka Thy giống mẹ như đúc sởn sơ như một nụ hồng trong nắng sớm, trong sáng như pha lê. Giọng nói trong veo như tiếng chim hoạ mi hót lúc bình minh. Trầm ấm lờ lợ miền sông Hương núi Ngự nữa ( vì mẹ Ka Thy gốc Huế). Cháu nói tiếng Việt không giỏi lắm, nên nhiều khi cháu nói thiếu chủ từ, trông trổng, nhưng tôi lại không thấy thiếu lễ phép. Mỗi lần nghe cháu nói, tôi cứ trố mắt ra nhìn chiếc miệng xinh xắn bé nhỏ kia, với cõi lòng sung sướng lạ thường và phập phồng lo sợ chia xa. 


II 


Chiếc xe hoa kỳ màu trắng ngà, lao vun vút trên quốc lộ mười bốn quãng  đường Pleiku - Kon tum. Xa xa về phía trước mặt là ngọn núi Ngọc Linh, mờ mờ ẩn hiện trong làn mưa. Lần đầu tiên trong đời ông thầy tu núi là tôi,  được ngồi trên chiếc xe hoa kỳ đời mới, sang trọng bóng lộn như gương. Tôi nghe nhịp tim mình đập có phần rối loạn không bình thường,và dường như trong lòng tôi có cảm giác xấu hổ và thiếu “đồng sự” với những người dân quê khổ đau, khi nhìn lướt qua trên đường.

Này đây là em bé khoảng chừng mười lăm, mười sáu tuổi nhưng đẹt câm, đội chiếc nón mê sùm sụp trên đầu, như một tai nấm. Gánh hai ràng bánh tráng cao gần bằng em, đội mưa lầm lũi đi. Và kia nữa là những cô thôn nữ, vác những tấm ván dài hơn 3m, nặng oằn. Áo quần lam lũ đang trên đường về nhà, ướt như chuột lụt. Tôi biết đây là con em của những người làm gỗ, thay cha, anh chuyển gỗ từ trên núi về. Đồi núi mỗi ngày mỗi trơ trụi, nguồn nước mỗi ngày mỗi cạn khô, biết vậy nhưng đành chịu, vì luật sinh tồn mà. Cứ phải giải nquyết cái ăn cái mặc trước đã còn ngày mai ra sao hãy tính sau. 

Những người có nước da màu sẫm đang mang gùi măng kia là người Thượng, bộ tộc ít người của Việt Nam mình . Về phía bên trái là những con bò, đang vô tư gặm cỏ và cái con đang bay phía trước xe là con gà. 

A! Xe cán con gà rồi. Giật mình vì tiếng la thất thanh của Ka Thy, hai ông cháu cùng nhìn ra phía sau xe, một chú gà ngắn số đang giãy chết. Ka Thy càm ràm trong miệng: “Sao lại cán con gà , tội nghiệp! Đừng cán con gà nữa nghe chú” ! Người tài xế mỉm cười gật đầu nói: “Chú đã cố tránh rồi nhưng tại số nó vậy”. Ở Việt Nam ảnh hưởng thuyết nghiệp của nhà Phật, nên mọi người thường hay dùng từ số mạng, để an ủi nhau trong lúc gặp tai ương hoạn nạn. Tôi ôm cháu vào lòng và thầm nghĩ : “ Tấm lòng của Ka Thy thật là nhân hậu, giống hệt mẹ. Và gương mặt như nụ hồng đây, nếu như trời Phật không ban cho trí tuệ và lòng nhân ái, thì sự có mặt của cháu chắc làm rối rắm thêm cho cuộc đời này không ít”. Chiếc xe hãm phanh đột ngột để tránh ổ gà. Mọi người đều chúi đầu về phía trước,  sau giây phút sửa lại tư thế H bắt đầu tâm sự: Lúc còn ở bên đó cháu có ý định,  khi về nước sẽ đi thăm một số danh lam thắng cảnh trong nước, nhưng khi về tới đây rồi cháu đã thay đổi ý định đó. Vì thấy tốn kém nhiều, vả lại bà con thân tộc còn khổ quá! Cháu muốn chia sẻ những khổ đau bất hạnh của bà con, trong khả năng có thể được của cháu. Nên tạm thời gác lại chuyện tham quan đây đó, mặc dù trong thâm tâm, cháu rất thích. Về đây cháu mất ngủ liên tiếp, trằn trọc thâu đêm. Từng gương mặt của người thân cứ chập chờn ẩn hiện, xanh xao, vàng võ, và dường như già đi rất nhiều so với tuổi tác. Hôm qua dạo chợ Pleiku cháu thấy một em bé và một người lớn, tranh nhau đồ phế liệu vứt bỏ, mà cãi cọ suýt đưa đến đánh nhau. 

Qua hình ảnh đó cháu ưu tư nhiều về quê hương đất nước, buồn đến chảy nước mắt. Còn Ka Thy nữa, cháu đã chuẩn bị tư tưởng cho nó trước, từ lúc còn ở bên đó. Thường kể cho nó nghe về quê mẹ Việt Nam, cách ăn uống, đi đứng, nếp sinh hoạt , làng xã ra sao và nhấn mạnh cho cháu hiểu rằng: Rất khác xa với Mỹ, thiếu thốn mọi mặt. Mọi nhu yếu phục vụ cho nếp sinh hoạt thường ngày rất đơn sơ giản dị. Nếu con chịu được mẹ mới đưa con về nước thăm. Tuy nhiên chú nghĩ thử coi làm sao Ka Thy có thể hình dung ra được quê mẹ Việt Nam như thế này, như thế kia và nhất là có tính hiếu động thích đi đây đi đó nữa, Ka Thy trả lời : “Không sao đâu mẹ, con chịu được hết mà”. Thế nhưng khi về đây Ka Thy như lạc vào một thế giới xa lạ nào đó, chứ không phải quê hương mình. Ka Thy đặt rất nhiều câu hỏi vô tư hồn nhiên, mà cháu không thể nào trả lời được: “Mẹ ơi, sao ở đây kỳ quá! Người lớn sao đứng tiểu giữa đường phố, bên mình đâu có vậy”.… Sự so sánh khập khiểng của Ka Thy và hai tiếng Ở ĐÂY- BÊN MÌNH, khiến cho cháu đau nhói ở vùng ngực. Ka Thy ơi! Trong trái tim con Ở ĐÂY và BÊN MÌNH, con chọn nơi nào làm quê hương? 

Chuyến về thăm quê nhà lần này, mục đích của cháu là để giới thiệu cho Ka Thy rõ được và yêu mến cội nguồn của mình. Nhưng mà cháu thấy khó quá! Ka Thy sinh bên Mỹ, tám tiếng đồng hồ trong ngày đi học ở trường Mỹ, chúng bạn hầu hết là Mỹ, sinh hoạt vui đùa, cảm nghĩ đều khuôn đúc một mẫu số chung là USA, Ka Thy làm sao khác đi được, vả lại thời gian tụi cháu dành cho Ka Thy quá ít. Làm việc như cái máy, thì giờ quý như vàng, luôn luôn tranh thủ. Luôn luôn nhìn đồng hồ, cứ bị tương lai cuốn hút về phía trước, và luôn rảo bước như người bị ma đuổi. Cứ cái đà như vậy tụi cháu dễ đánh mất mình lắm!

Chị em cháu lúc nào cũng nghĩ về nguồn cội, nghĩ về nền văn hoá 4000 năm. Nghĩ về tiếng chuông chùa, những câu ca dao thấm đượm tình quê, cánh cò trắng, đồng lúa xanh, dòng sông bến nứơc, cây khế, cây chanh. Tuy nhiên từ nghĩ tưởng đến thực hiện trọn vẹn ước mơ không dễ dàng gì. Tụi cháu đã hết sức cố gắng, thế nhưng kết quả chẳng là bao. 

H còn muốn tâm sự với tôi nhiều nữa, nhưng xe đã đến cầu Dak Bla. Bên kia cầu là thị xã Kon Tum, chiếc cầu mới đang thi công, xe đi qua chiếc cầu cũ thật chậm. Nhìn dòng sông chảy ngược về hướng Tây ( do vị thế đặc biệt nên nước chảy in tuồng như ngược) đây đó rác rến cây khô trôi lềnh bềnh, có cả những cụm bèo hoa tim tím lờ lững trôi nữa. Bất giác tôi ngâm khe khẻ mấy câu thơ : “ Rồi con nước chảy về Đông /Phương trời viễn mộng vẫn nồng hương cau/ Con đi phố núi nhạt màu/ Ta nhìn hoa rụng bên cầu tử sinh…” 


III 

Chùa HT, thuộc thị xã Kon Tum, do sư huynh tôi trụ trì. Lúc còn ở quê nhà H có quen thân với sư huynh , bởi do tình cảm đó tôi đưa mẹ con H lên viếng chùa và thăm sư huynh. 
Vào điện Phật, nhìn thấy tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay được phục chế trở lại từ nguyên bản ở chùa Bút Tháp tỉnh Bắc Ninh, một kiệt tác điêu khắc cổ Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới. 
Ka Thy ngạc nhiên hỏi mẹ: “Sao cô này nhiều tay quá vậy mẹ? Và tại sao trong lòng mỗi bàn tay đều có một con mắt?”

 H nhờ tôi trả lời dùm, tôi suy nghĩ rất lung cố tìm cách giải thích sao cho Ka Thy dễ hiểu. Tôi nói: “ Đây là tượng Phật Bà Quan Âm, tượng trưng cho lòng thương, cũng như mẹ H thương cháu vậy. Còn bàn tay tượng trưng cho hành động, làm việc. Còn con mắt trong lòng bàn tay là tượng trưng cho sự hiểu biết. Tóm lại khi có hiểu biết rồi thì tình thương sẽ đến, lúc đó ta hành động ít có sai lầm và không gây khổ đau cho mình cho người”.

Và thấy hơi quá tầm hiểu biết của cháu, tôi cố tìm cách giải thích thêm cho cháu rõ: 
-  Ka Thy đã có lần nào đau răng chưa? 
-  Dạ có ! cháu trả lời .
-  Vì sao cháu đau răng? 
-  Do ăn chất ngọt vào buổi tối mà không chải răng, cho nên bị sâu ăn răng. 
-  Ai nói cho cháu biết được điều đó? 
-  Dạ cô giáo và mẹ H cháu nữa. 
-  Khi đã hiểu được như thế rồi, thì cháu hành động sẽ đúng. Cháu không thể quên chải răng sau khi ăn ngọt. Răng cháu nhờ vậy sẽ không bị sâu và cháu không còn khóc la đau đớn vì bị răng đau hành hạ nữa. Mà cháu hiểu được điều đó là nhờ cô giáo và mẹ H chỉ dạy. Như vậy mẹ H và cô giáo cũng là Phật Bà Quan Âm. Cháu phải thương và luôn quý kính hai người. Ka Thy gật đầu tỏ ý hiểu. 

Đến buổi cơm trưa, mọi người đều chắp tay xá trước khi ăn. Ka Thy ngạc nhiên hỏi: 
-  Mẹ ơi! Sao mình phải lạy thức ăn? 
H hướng về tôi cầu cứu. Tôi nhìn Ka Thy và hỏi: 
-  Mẹ H đã dạy cháu câu ca dao này chưa ? “ Ai ơi bưng bát cơm đầy - Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần” 
-  Dạ chưa ! Cháu trả lời . 
-  Ở Việt Nam mình người làm ruộng rất cực nhọc: Cày cấy, làm cỏ, vãi phân, cắt gặt, dầm mưa dãi nắng, lại bị đĩa cắn nữa, mới có được hạt gạo cho mình ăn, cho nên trước khi ăn phải chắp tay tưởng nhớ những người làm ra hạt gạo đó, chớ không phải chắp tay lạy thức ăn. 

Ka Thy biết tôi thương cháu, do đó cũng thích gần gũi và hay hỏi những gì thắc mắc. Ăn cơm xong hai ông cháu ngồi trên phản gõ chuyện trò.

-        Sao ở đây chỉ có giường cứng không hả ông? Cháu nằm đau cái lưng.  Vừa nói, vừa xoa xoa cái lưng trông rất “dễ ghét”. Cháu có tám cái hoa tay này, Ka Thy xòe tay ra và chỉ cho tôi thấy. Cháu đếm: “Một cái hoa tay này, hai cái hoa tay này…”  Đoạn xoè nguyên cả bàn tay ra nói: “Ông xem chỉ tay cho cháu đi”. Không biết ai chỉ cho Ka Thy mà cháu cũng biết đường trí  đạo. Ka Thy nói với tôi: “Con đường học của cháu ngắn, chắc là cháu học dở”. Tôi vỗ về cháu và nói: “Cháu yên trí đi, cháu ngoan và thông minh lắm! Sau này cháu sẽ như dì K, cậu D… Cháu sẽ làm Bác Sĩ giúp ích cho đời và chữa bệnh cho ông nữa”.

Cháu biểu tôi kể chuyện sự tích núi mẹ bồng con và chuyện cậu bé thần đồng chết dọc đường chôn ở Cà Ná - Phan Thiết. Tôi kể đầu Ngô mình Sở chắp vá lung tung hết. Cháu giảy nảy và nói: “Dì Ng, kể cho cháu nghe khác mà, để cháu kể lại cho ông nghe”. Tôi lắng nghe và nhìn chăm chăm vào gương mặt phúc hậu của cháu và đột nhiên cháu ngừng kể chỉ vào mũi mình nói: “Hai cái mụt ruồi”. Cháu có hai cái mụt ruồi nhỏ xíu ở hai bên cánh mũi. Đoạn tiếp tục câu chuyện, tôi phì cười trước cung cách kể chuyện như vậy. Một già một trẻ nói chuyện với nhau như cóc nhảy, đang nói chuyện này nhảy sang chuyện khác.

-        Tôi hỏi: “Cháu về Việt Nam thấy sao?”

-         “Dơ và hôi” Ka Thy trả lời. Rồi cháu tiếp: “Cháu về Việt Nam mười lăm ngày rồi mà đi cầu có ba lần thôi, cháu ghê quá!” Tôi giật mình về điều nhận xét vô tư hồn nhiên của cháu và cũng thoáng buồn, mặc dù biết đó là sự thật. Chung đụng tiếp xúc gần gũi với nhau, trong cái thiếu thốn bầy hầy quen rồi, chúng ta ít quan tâm đến chuyện dơ sạch. Nhưng có sống ở một xứ xở văn minh tiên tiến nào đó rồi, khi về lại quê nhà mới thấy hết cái nghèo khó, thiếu thốn mất vệ sinh của xứ sở mình. Điều đó do hoàn cảnh kinh tế cũng có, mà do sự thiếu ý thức của mỗi người cũng có. Và tôi đã hiểu được vì sao cháu Ka Thy lại thốt lên lời nhận xét hết sức hiện thực như vậy. Bởi vì cháu sinh trưởng và lớn lên ở một đất nước văn minh, trình độ dân trí cao và luật pháp vô cùng khe khắt đối với những ai vi phạm luật. Hơn nữa thời gian về Việt Nam, cháu sống ở Pleiku rất nhiều ngày, với lại phố núi hiện nay đang là mùa mưa dầm, xứ sở nắng bụi mưa bùn mà! Đất đỏ bazan cộng với những cơn mưa triền miên dai dẳng, tạo nên một chất bùn sền sệt màu nâu đen trông phát khiếp. Đường xá trong thị xã thì lồi lõm ổ gà và đây đó nơi nào cũng có thể thấy rác. Tôi nghe H kể Ka Thy không dám ra đường và đi đâu cũng có người cõng.


IV

Ka Thy thương! Ông chỉ buồn chút xíu vậy thôi. Bởi vì cháu đang nghĩ về điều gì thì chỉ nói về điều ấy. Vả chăng đó cũng là sự thật mà. Tuy nhiên, cháu ơi! Quê mình vẫn còn nhiều cái tinh sạch như : Chùa Một Cột, Chùa Linh Mụ, dòng sông Hương, Biển Hồ Pleiku, nước xanh biêng biếc bốn mùa… Và một số các em con nhà nghèo nữa, mặc áo quần vá chằng vá đụp nhưng sạch sẽ thơm tho đến trường. Tuy vậy nhưng vẫn đoạt được những giải thưởng cao nhất trong những cuộc thi quốc tế. Mai mốt cháu về bên đó, cháu nên kể lại cho những đứa bạn Mỹ của cháu nghe về những cái đẹp của quê hương mình, như là: Tiếng chuông chùa, dòng sông con đò, cánh cò trắng bay lượn chao nghiêng  trên cánh đồng lúa xanh rờn bao la bát ngát, chú mục đồng ngồi vắt vẻo trên lưng trâu đang gặm bắp nướng… Và cố nhiên cháu có thể kể về những cái “tệ” cái “dơ” ở quê nhà nữa . Mà ở phương trời nào không có cái tệ cái dơ.

H ơi! Đêm rồi chú cũng mất ngủ, vì nghĩ bâng quơ và cũng có nghĩ về hai mẹ con cháu nữa.Chú hiểu ra được vì sao gương mặt cháu phảng phất buồn, trong những ngày về thăm quê mẹ, sau mười mấy năm luân lạc xứ người. Có phải nỗi niềm làm mẹ, ưu tư day dứt về những lời nói và nhận xét của Ka Thy, vai trò làm em, làm chị, làm con cháu trong gia đình là duyên cớ? Chú biết nhiều lúc H rất phân vân khó xử, phải xử sự làm sao đây cho vẹn toàn tình nghĩa. Mỗi lần về thăm là mỗi lần thắt chặt sợi dây tình cảm, chứ chẳng lẽ mỗi lần về lại cố hương, lại sứt mẻ nghĩa tình ở nơi người này, người khác sao. Ô hay! làm người khó. Chí lý thay lời nói của đức thánh Khổng Tử.
Chú nghĩ cuộc đời này nó hư hư, thực thực làm sao ấy. Nếu là hư thì làm sao chú cháu mình còn gặp lại nhau. Còn thực thì tại sao mai này phải chia xa biền biệt. Viết tới đây chú lại nhớ đến câu nói của cháu Ka Thy vô cùng: “Mẹ ơi! Mình còn có dịp nào để gặp lại nhau như thế này nữa không hở mẹ?” Trong bữa cơm của chùa HT - Kon Tum.

Mười lăm năm H mới về thăm quê mẹ một lần, rồi giả dụ mười lăm năm nữa cháu mới về thăm lần nữa thì biết ra sao? Chú có còn không hay đã ô hô, trở về với đất mẹ rồi. Riêng cháu Ka Thy đừng nên nuông chìu cháu lắm! Nhớ lại lời H kể rằng Ka Thy không dám đi ra đường vì sợ dơ. Phải bắt các chị, các dì cõng, chú có suy nghĩ có thể là Ka Thy sợ dơ, và cũng có thể là H sợ dơ thay cháu. Nếu vậy cũng không sao.Bởi vì khi yêu thương chủ thể rất trân trọng, giữ gìn và mong muốn cho đối tượng luôn luôn trong sạch tinh khiết từ thể xác đến tâm hồn. Nhưng mà đêm hôm qua chú có ghi lại một vài dòng tâm tư, mai mốt H đọc cho Ka Thy nghe.

“Hãy tập cho con đi bằng hai bàn chân con, đừng sợ con lấm đất quê hương. Cho con được nhìn tận mặt, gương mặt nào là mặt thật của quê hương. Đừng dấu diếm con điều gì cả. Mẹ ơi! Con biết quê nhà còn nhiều khốn khó, và cho con được cúi đầu hôn đất mẹ. Xin mẹ tôi luyện cho con đôi bàn chân bé bỏng này, mòn chai trước đá sỏi cuộc đời. Có vậy con mới mong sau này trụ vững! Quê hương ơi về thăm thoáng chốc rồi rời xa, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, con vẫn còn có tình quê để nhớ”.

Và để làm quà cho hai mẹ con cháu trước khi lên đường, chú xin tặng một bài thơ nhỏ:

Và cũng chỉ là mộng mị thôi ,
Niềm vui tao ngộ thoảng qua rồi.
Đêm qua loáng thoáng trong tiềm thức,
Chim cõi nào về hót trong tôi.



Pleiku ngày 27 tháng 8 năm1989

Thích Giác Tâm





Âm lịch

Ảnh đẹp