Quảng Trị ơi! Tôi không thể nào quên
Địa danh của một
miền, một vùng đất nước cũng nói lên được nhiều điều, bởi lịch sử văn
hóa, tín ngưỡng tôn giáo, tập tục hình thành nên từ quá khứ đến hiện tại
của địa danh nơi đó. Địa danh Bình Định đọc lên nghe có sự chân chất
bình dân, cam phận.
Huế-Thừa Thiên, khi nghe đến thấy có thơ mộng quý phái, khi
nghèo vẫn không hèn. Nha Trang: Đài các phong lưu. Hà Nội ngàn năm văn
vật, Sài Gòn ( một thời) hòn ngọc viễn đông. Pleiku: Miền biên ải vùng
cao một thời bom đạn hãi hùng. Nghệ An: Địa linh nhân kiệt. Và Quảng
Trị: Địa danh khi đọc lên thấy chiến tranh máu lửa trong đó, nghe trầm
thống bi ai, kiêu hùng mất mát lớn nhất.
Có duyên sự tôi cùng Hòa Thượng thích Tâm Tường Trưởng BTS Phật giáo
Gia Lai đến dự lễ Pháp hội tiêu tai hộ quốc, kỳ siêu anh linh liệt sĩ
tại giòng sông Thạch Hãn, thành cổ Quảng Trị vào ngày 19 - 21 tháng 04
năm 2013. Trước khi tham dự lễ khai mạc có ghé thăm nghĩa trang trường
sơn, nhìn hàng hàng lớp lớp ngôi mộ của các liệt sĩ với tuổi đời rất trẻ
mà cảm khái cho dân tộc, cho một vùng đất nơi nào cũng có bom mìn, có
máu của các anh và đồng bào đổ xuống. Trong buổi lễ khai mạc ban tổ chức
pháp hội kỳ siêu có nhắc khái quát mùa hè đỏ lửa năm 1972 với số lượng
bom đạn được thả và bắn vào cổ thành Quảng Trị: " Thống kê cho biết trong 81 ngày đêm, Hoa Kỳ đã sử dụng: 4.958 lần/chiếc B-52 (trung
bình 60 lần/ngày đêm). 9.048 lần/chiếc máy bay phản lực các loại (trung
bình hơn 100 lần/ngày đêm), ném tổng cộng hơn 120 nghìn tấn bom đạn
(bằng 7 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima) - Hơn
950 nghìn viên đạn pháo 105mm, 55 nghìn viên đạn pháo 155 mm, 8.164
viên đạn pháo 175mm, hơn 615 nghìn viên đạn hải pháo các cỡ.
Riêng ở khu vực thị xã Quảng Trị, tổng số bom đạn mà Mỹ sử dụng trong 81 ngày đêm bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ
ném xuống Nhật bản. Có ngày số bom Mỹ ném ở Quảng Trị vượt xa số bom Mỹ
ném trên toàn miền Nam trong các năm 1968-1969. Dữ dội nhất là ngày
25/7, thị xã phải chịu 5.000 quả đạn pháo chưa kể bom từ máy bay. Thị xã
Quảng Trị với 3 km2 và vùng ven có ngày phải chịu hơn hai vạn quả đạn
đại bác cỡ lớn".
Ảnh: Pháp hội kỳ siêu anh linh Liệt Sỹ, đồng bào tử nạn
Chính từ cuộc chiến khốc liệt, tang thương chết chóc như thế
mà pháp hội kỳ siêu mới diễn ra tại quãng trường Giải Phóng bên giòng
sông Thạch Hãn.
Có lần tôi tự hỏi:" Tại sao có những miền đất, vùng đất không bao giờ
biết đến chiến tranh, luôn sống trong thanh bình; còn có những vùng đất
luôn nhận lấy thiên tai địch họa, chiến tranh dai dẳng triền miên?
Thiếu phúc đức chăng? Thiếu nhân tài tuấn kiệt để trấn giữ quê hương
yên lành chăng?". Và cũng tự trả lời:" Không! Quảng Trị không thiếu nhân
tài, không thiếu tăng tài. Quá khứ xa xưa không nói, chỉ nói thời hiện
đại Quảng Trị đã có các vị cao tăng: Đại lão Hòa Thượng Giác Nhiên, Hòa
Thượng Đôn Hậu, Hòa Thượng Hưng Dụng, Hòa Thượng Trí Thủ, Hòa Thượng
Thiện Minh, giáo Sư Lê Mạnh Thát....
Giới văn học có: Phan văn Dật, Chế Lan Viên, Hoàng Phủ Ngọc Tường (
sinh ở Huế, quê quán Triệu Hải, Quảng Trị), Lê thị Mây, Xuân Đức..."
Riêng Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tôi rất mến mộ qua những tập bút ký
tài hoa của ông: Hoa trái quanh tôi, Rất nhiều ánh lửa, Huế-di tích và
con người, Ai đã đặt tên cho dòng sông..... Ông là Tổng biên tập tạp chí
Cửa Việt và một thời dùng ngòi bút và sự lãnh đạo của mình kích hoạt
cho Quảng Trị phát triển.
Năm 1981 tôi ra Huế thọ đại giới, và có ghé Quảng Trị thăm, Quảng Trị
năm đó còn rất nghèo, ngổn ngan bom mìn, cứ vài hôm là nghe có người bị
trúng mìn chết hoặc bị thương khi đi làm ruộng hoặc khẩn hoang vỡ đất.
32 năm ra thăm lại, thăm Thành phố Đông Hà, thăm thị xã Quảng Trị, thăm
huyện Triệu Phong, Vĩnh Linh.... Quảng Trị vẫn còn nghèo, người dân vẫn
còn cơ cực, so với các tỉnh thành ít chiến tranh ! Tôi có hỏi thăm một
số người ở đây họ cho biết có những doanh nghiệp từ tỉnh khác đến Quảng
Trị đầu tư làm ăn lớn nhưng không thành đạt, cuối cùng rồi bỏ đi. Một
vùng đất mà chết chóc kinh hoàng, nên mới có đại lộ Kinh Hoàng, Hiện
nay, tỉnh Quảng Trị có 72 nghĩa trang với hơn 54.000 liệt sỹ có quê quán
từ khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã nằm xuống mảnh đất này vì sự
nghiệp giải phóng dân tộc. Rất nhiều phần mộ liệt sỹ vô danh nơi đây
vẫn chưa tìm ra tên, tuổi, quê quán. Một vùng đất, miền đất mà nơi nào
cũng có nghĩa trang, cũng có người chết đây đó rải rác, vùng đất đó sẽ
có rất nhiều âm khí, trong cấm kỵ của phong thủy cất nhà trong nghĩa
trang và gần nghĩa trang là điều tối kỵ, bởi âm khí của các vùng chết
chóc này sẽ ngăn cản sự phát triển thịnh vượng cho gia chủ.
Theo nhà Phật muốn hóa giải âm khí, những tủi hờn hận uất của người
mất không có gì quý bằng lập đàn tràng kỳ siêu, đem năng lượng phật pháp
chú nguyện cầu nguyện cho các hương linh liệt sĩ đồng bào tử nạn, nhờ
Phật lực gia trì mà sớm siêu thoát. Qua tìm hiểu chúng tôi biết được
hằng năm tại tỉnh Quảng Trị có khoảng 10-20 đoàn Phật giáo từ nơi khác
đến Quảng Trị để cầu siêu cho anh linh các liệt sĩ và đồng bào tử nạn.
Buổi lễ kỳ siêu và cầu quốc thái dân an lần này, tại Thị xã Quảng Trị
nơi an nghỉ của hàng vạn chiến sĩ đã ngã xuống trong chiến tranh tại
chiến trường Thành Cổ và dòng sông Thạch Hãn, do Thượng tọa Thích Tiến
Đạt Uỷ viên Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo
Việt Nam, Phó ban trị sự kiêm chánh thư kí Thành hội Phật giáo Hà Nội,
Phó Viện trưởng học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, kết hợp cùng Ban
trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Trị đồng tổ chức, với sự tham dự của các
chư tôn đức ban chứng minh, ban trị sự các tỉnh thành, cùng sự hiện
diện của ông Nguyễn Đức Chính - PCT Thường trực UBND Tỉnh, các sở, ban
ngành, lãnh đạo thị xã Quảng Trị và hơn 3.000 tăng ni, phật tử trong
khắp mọi miền của đất nước.
Thực hiện nghi lễ chính thức cho Pháp hội kỳ siêu do Đạo tràng Tịnh
độ của chùa Từ Ân do Thượng Tọa Thích Tiến Đạt và Cư Sĩ Minh Châu phụ
trách hướng dẫn. Đạo tràng Tịnh độ của TT. Thích Tiến Đạt là một đạo
tràng tiêu biểu ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, từ cách niệm tụng cho đến
sắc phục của các cư sĩ Phật tử có nét đặc trưng riêng biệt không hòa
lẫn với các đạo tràng ở miền trung miền nam. Chúng tôi có cảm nhận được ở
Pháp hội kỳ siêu lần này là có một nặng lượng nhất định tỏa chiếu ra từ
sự tu tập của các hành giả Phật tử: Thành tâm, nghiêm cẩn, quý trong ba
ngôi Tam Bảo và hết lòng với hương linh chiến sĩ liệt sĩ, đồng bào tử
nạn, ngã xuống vì độc lập tự do cho dân tộc, trên mảnh đất Quảng Trị nói
riêng, và Tổ quốc Việt Nam nói chung.
Hòa Thượng Thích Thiện Tấn khi ban đạo từ có phát biểu:" Quảng Trị
với Huế gần sát bên nhau. Huế có rất nhiều cái để khoe với mọi người
trong và ngoài nước, đền đài thành quách của vua chúa để lại, dấu ấn thơ
mộng của một vương triều còn để lại qua cách ăn cách mặc, cách sinh
hoạt đời thường, lễ nghi.... Chùa tháp còn nguyên vẹn và luôn được trùng
tu. Còn Quảng Trị chúng tôi không có gì để khoe cả. Nhắc tới các địa
danh nổi tiếng là rùng mình kinh hãi chết chóc: Khe Sanh, Tà Cơn, Làng
Vây, Lao Bảo, Nghĩa Trang Đường 9 -Trường Sơn, Cửa Tùng, Vĩnh Linh, Gio
Linh, Thạch Hãn....Hòa Thượng mong các vị lãnh đạo hết lòng lo lắng cho
Quảng Trị phát triển, mong Quảng Trị có những công trình lớn du lịch tâm
linh như Tượng Phật Bà Quan Âm ở bán đảo Sơn Trà, Tượng Phật Thích Ca
lớn ở khu du lịch Bà Nà (Đà Nẵng ). Những ngày ở Quảng Trị chúng tôi ngộ
ra một điều:" Cái mất ở nơi này lại là cái được ở nơi kia. Sự hy sinh
của thế hệ này lại là mạch sống trường tồn cho thế hệ kế tiếp". Và rồi
những cái chết kiêu hùng vì đại nghĩa dân tộc vẫn không bao giờ mất hẳn,
bởi vì tên của các anh trở thành tên đất nước: Việt Nam.
Chùa Bửu Minh, Pleiku
Ngày 30 tháng tư năm 2013
Thích Giác Tâm