Lời
thưa!
Đạo và Thơ là những hình ảnh gợi lên cho chúng ta,
những niềm thao thức bất tận, trong tiến trình trở về với nguồn cội. Đạo muôn
thuở vẫn là Đạo, không cần đến một hình thái nào để chuyên chở. Nhưng thi ca mà
không có Đạo thì nguồn suối tâm linh của nhân loại không thể nào dào dạt mông
mênh được.
Đạo bàng bạc khắp mọi
nơi: Chiếc lá cỏ, áng mây trời, nải chuối,
vườn cau, cội tùng…. Tất cả đều trở nên lung linh, huyễn ảo, mầu nhiệm dưới ánh
sáng của ngọn đuốc thi ca. Lá cỏ muôn thuở vẫn im lìm bên triền vắng, vườn cau
gãy đổ bao lần trong quên lãng vô tâm, nếu không có thi ca gợi nhớ đem về. Cội
Tùng trên đỉnh núi muôn triệu năm vẫn đứng
đó chơ vơ, tẻ lạnh, lịm chết, nếu không có thi nhân đem những khắc khoải, thao
thức, suy tư của mình thổi vào cho nó một sự sống bất diệt, một trăn trở vĩnh cữu.
Và, không như thế cội Tùng còn có gì để nói nữa?
Với niềm thao thức trên, trong những phút giây trở về.
Người viết đã ghi vào đây một vài ý tưởng đã từng lắng đọng sâu trong tâm thức.
Những hoài vọng sâu kín bức thiết nhất của mình, mà một thuở đã được chôn vùi
nơi cõi giới hoang vu nào đó. Bởi ý nghĩ rằng mình không có nợ duyên với văn tự,
dòng sông chữ nghĩa một thời đã ứ nghẹn bít lấp và nay, ngày lành tháng tốt, được
khai thông trôi chảy qua thi phẩm “ Dòng
sông xưa đôi bờ hoa nở đỏ”.
Xin gởi tặng đến tất cả những bạn đọc nào cùng chung
một trăn trở, thao thức như người viết.
Thích
Giác Tâm
Chùa
Bửu Minh, ngày 24/6/ Mậu Thìn (1988)