Con về còn trọn niềm tin (Tập hai)


Tác giả: Thích Giác Tâm
16/07/2013 22:47 (GMT+7)
Số lượt xem: 106111
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tác phẩm:  "CON VỀ CÒN TRỌN NIỀM TIN". Tác giả: Thích Giác Tâm - Nhà xuất bản Phương Đông - TP.Hồ Chí Minh, xuất bản tháng 01 năm 2012. Ấn bản giấy 368 trang, cả bìa. Khổ 13x20.5cm

Bản điện tử chia thành hai tập. Tập 1 - 30 truyện. Tập 2 - 34 truyện.


Tập 2


Lời ngỏ


Lưu dân của các Tỉnh Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên khốn khó đi lên Pleiku – Gia Lai làm phu đồn điền chè Biển Hồ cho người Pháp, kể từ đó ( năm 1936 ) ngôi chùa Bửu Minh cũng có mặt để vỗ về an ủi bà con nghèo khổ, sống trong giai đoạn đầy sơn lam chướng khí.

Chức năng của ngôi chùa là vậy, luôn gần gủi quần chúng nghèo khổ để trợ duyên cho những lúc bất hạnh nhất của kiếp người, chính vì thế mà hơn hai ngàn năm qua ngôi chùa còn hiện hữu.

Ngôi chùa là văn hoá gốc, ngôi chùa còn là văn hoá còn, văn hoá còn là góp phần làm cho đất nước phồn vinh vững bền mãi mãi. Chùa Bửu Minh đã hai lần trùng tu để tạ ơn đất nước, tạ ơn mọi loài chúng sanh cây cỏ, đất đá. Lần đại trùng tu này là một cách tạ ơn lớn, làm trang website “ chuabuuminh.vn “  cũng là cách nhớ ơn các vị tiền bối đã khai sơn phá thạch trong buổi đầu để hình thành ngôi chùa nhỏ bé trong xóm Cỏ May, và cũng là lời tạ ơn đến mười phương Phật tử, các nhà hảo tâm đã hiến cúng tịnh tài, vật liệu để ngôi chùa hoàn thành. Có nhỏ mới có lớn, có xưa mới có nay, có sơ sài tranh lá của ngày xưa, mới có bê tôn cốt thép hoành tráng, mỹ lệ  của ngày hôm nay.

Ấp ủ nhiều năm mới hình thành được trang web, do vậy bài vở sưu tầm để đọc, nhiều khi quên mất xuất xứ. Nên khi dùng bài vở cũ  nhập liệu  cho nội dung trang web mới đã không biết được xuất xứ, kính mong chư thiện hữu trí thức xa gần lượng thứ.

Để cho trang nhà “ chuabuuminh.vn “ làm tròn được chức năng đem giáo lý từ bi trí tuệ của Đức Phật đến với mọi chúng sinh hữu duyên, kính mong Chư tôn đức, chư thiện hữu trí thức trong và ngoài nước, bố thí ,cúng dường cho trang nhà những bài viết, những bài sưu tầm có giá trị thực tiễn, văn chương là để tải Đạo. Và lời sau cuối, xin được cảm ơn các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhiếp ảnh gia….cùng công ty thiết kế website Sacomtec  đã trợ duyên kỹ thuật và bài vở, tư liệu cho website “ chuabuuminh.vn “ ra mắt chung vui với cuộc đời này. 

Thích Giác Tâm

.............................


Giới thiệu sách: "Con về còn trọn niềm tin" ( hay chuyện của "Một thầy tu bình thường")

Nhà báo: Phương Duyên

Cầm trên tay cuốn tạp văn: "Con về còn trọn niềm tin" vừa mới in xong của Thượng tọa Giác Tâm, trụ trì chùa Bửu Minh (xã Nghĩa Hưng, Chư Pah) tôi không khỏi bất ngờ. Có lẽ thầy là nhà sư nhập thế tích cực nhất mà tôi từng biết. Trước đây, nhà sư này làm người ta ngạc nhiên khi biết thầy có đến 2 máy tính để làm việc,

1 máy để bàn, 1 laptop; thầy còn là một blogger có hạng và cũng là người lập ra trang web của chùa Bửu Minh với thông tin hết sức phong phú. Giờ thì “trình làng” cuốn tạp văn dày dặn với 60 bài viết thâm thúy về Đạo và Đời.  

Đọc Con về còn trọn niềm tin có thể thấy những trăn trở không ngừng về Phật pháp, qua đó từng lời răn dạy rất gần gũi của nhà Phật cũng được chuyển tải chân tình. Nguồn sáng vĩnh hằng, Mùa xuân nói chuyện với tay, với mắt, với tai, Tu để làm gì?, Tiếng chuông xứ Huế, Hạnh phúc đơn sơ, Cái biết muôn loài, Con cá mở mắt… là những tản văn đọng lại trong lòng độc giả rất nhiều suy ngẫm, dù đó là một Phật tử thuần thành hay chỉ là người đọc đơn thuần. Cái cách nhìn lại mình và tự vấn của tác giả thật độc đáo: “Mắt ơi, một năm nhìn lại mắt thấy gì? Phật pháp có hưng thịnh không? Cái phát triển bằng hình thức mà mắt thấy đó có thật sự đáng mừng không, hay chỉ là hư ảo thoáng chốc rồi chìm vào mênh mông, mênh mông…” (Mùa xuân nói chuyện với tay, với mắt, với tai). Nhiều người cũng sẽ giật mình khi đọc những dòng trong Giác Tâm suy ngẫm: “Con chó khi bị thương tìm chỗ vắng ẩn nấp liếm vết thương và tịnh dưỡng cho vết thương mau lành. Còn con người, khi bị tâm bệnh, phần đông không chịu kịp để cho vết thương lành sẹo, luôn bới móc cho lở lói thêm ra”. Vậy nên, đọc tập tản văn này, lòng người sẽ lắng lại để nhận ra một cách sống tích cực nhất: Sống chậm, và sống thật trọn vẹn với hiện tại, đúng như triết lý xuyên suốt của nhà Phật: “An trú trong hiện tại/Hạnh phúc mãi bên ta”.

Mặt khác, nhà sư nhập thế này cũng rất Đời với những tản văn viết về chính cuộc sống quanh mình cùng biết bao hỷ-nộ-ái-ố. Đó là nét lãng đãng trong Biển Hồ Pleiku, Dòng Sê San ơi, Tản mạn cà phê phố núi… hay những góc nhìn tinh tế về nhiều vấn đề thời sự trong cuộc sống hiện đại với Tan nát từ những điệu nhảy, Chuyện cái máy ảnh, Con chó xóm trại mộ… Những tâm sự về cha, mẹ trong các bài viết Ba, Hạc trắng xa khơi cũng giúp người đọc hiểu thêm tình cảm sâu xa, đẹp đẽ về gia đình của nhà sư thông tuệ này. Độc giả còn tìm thấy ở đó (và học được ở đó) lòng bao dung của đức Phật trước lỗi lầm của người đời khi đọc những dòng viết về một đứa trẻ bị bỏ rơi trước cổng chùa và được chùa nuôi nấng: “Nhân mùa Vu Lan báo hiếu viết những dòng chữ này để tặng cho những ai diễm phúc còn mẹ, và cũng nhớ đến mẹ cháu, một người mẹ bất hạnh, không được ẵm bồng nâng niu con, nghe hơi thở thơm mùi sữa của con, được nhìn thấy con cười, được dỗ dành khi con khóc. Chúng tôi không trách móc, chỉ cố hiểu để thương… Và luôn tâm niệm sau này khi cháu lớn khôn sẽ kể về mẹ cháu bằng những lời lẽ thương mến cảm thông nhất…” (Viết về cháu Khôi Nghĩa nhân mùa Vu Lan).

Thượng tọa Thích Giác Tâm từng tự nhận: “Tôi chỉ là một ông thầy tu bình thường, yêu văn chương, nghệ thuật, yêu kiến trúc, thi ca”. Nhưng vượt lên trên sự “bình thường” ấy là sự say mê sẻ chia cùng nhân thế tình yêu sâu sắc với Đạo, với chính cuộc sống quanh mình… 

P.D


Âm lịch

Ảnh đẹp