Ngày
rằm tháng giêng đã trở thành một ngày hội lễ của dân tộc, chính câu tục ngữ
này “ Lễ Phật quanh năm không bằng đi rằm
tháng giêng”đã đóng góp một phần không nhỏ cho ngày rằm đầu năm trở thành
ngày lễ hội lớn.
Vì sao “ Lễ Phật quanh
năm không bằng đi rằm tháng giêng”. Đó là lời động viên của chư Tổ Sư Phật
giáo, của Tổ tiên ông cha chúng ta về ngày lễ hội này. Xuân, Hạ, Thu, Đông bốn
mùa thì ngày rằm tháng giêng là ngày rằm đầu xuân. Mệt mỏi, ưu tư lo lắng,
tranh chấp hơn thua, phiền não đầy ắp của một năm cũ. Năm mới bắt đầu phải được
nghỉ ngơi, phải được thư giản, phải được du xuân vãn cảnh, mà không vãn cảnh
đâu bằng vãn cảnh chùa. Vừa có trời mây non nước hữu tình, vừa có câu kinh
tiếng mõ, vừa có lá sớ đội trên đầu dâng lời cầu nguyện, ước nguyện cho một năm
mới. Không ước nguyện, không cầu nguyện thì lấy đâu mà hành động, mà không hành
động lấy gì thành tựu (hành động đây là
hành động trong nghiệp lành). Phải tội, lễ hội rằm tháng giêng đây đó đã có vấn đề, đã không còn
đẹp bởi cúng sao, giải hạn, bói chân gà, xem xăm quẻ, bán sách tử vi, bói toán,
băng đĩa có nội dung phản cảm đầy dẫy sân chùa…..
Phật
giáo là một tôn giáo không có giáo
quyền, nên rất khó trở thành một giáo hội trên nói dưới nghe. Bởi chưng Sư Tăng
mỗi người tự kiếm sống, nuôi sống chính mình. Sư Tăng không có lương như một
vài tôn giáo khác. Do vậy ngày đầu năm là những ngày Phật tử (những người cảm tình với đạo Phật, số này
rất nhiều) đến chùa vãn cảnh du xuân đông đảo. Bày tỏ tấm lòng của mình
không gì hơn là bỏ tiền vào thùng (hòm)
công đức, để Sư Tăng có tiền mà sống, mà trùng tu chùa chiền, giữ gìn mối đạo.
Sự tiếp nối mạng mạch của đạo làm Tăng, Ni ai cũng nghĩ đến, do vậy phải nuôi
chúng điệu. Xây dựng trùng tu chùa ai cũng phải lo. Tất cả mọi việc đều cần đến
tiền thì mới giải quyết được. Quần chúng Phật tử (bao gồm cả những người cảm tình đạo Phật) thì luôn lo lắng những
bất trắc bất ngờ trong cuộc sống, tâm luôn âu lo hãi sợ, tìm về chùa nương tựa.
Thì một số chùa đã không che chở an ủi giảng giải cho họ bằng tinh thần nỗ lực
tự tu, tích phước tạo nhân lành để chuyển hoá nghiệp quả xấu ác tự thân. Lại
chìu theo ý họ, chìu theo niềm tin tín ngưỡng dân gian của họ, bàn luận về ba
năm tam tai, sao thái bạch, la hầu, kế đô…. Và rồi cúng sao giải hạn, vô tình
Tăng sĩ Phật giáo đã làm thay công việc của các đạo sĩ đạo Lão. Chúng ta đã
không làm cho đạo Phật thăng hoa mà làm cho đạo Phật đi xuống, lu mờ, mê tín (chính điều này dẫn đến hiểm hoạ cải đạo).
Chùa
được gọi thiền môn, thiền lâm, do vậy rất cần sự tĩnh lặng, dù cho đang tổ chức
lễ hội. Chú ý đến hội nhiều thì sẽ ồn ào, mất trật tự, an ninh dẫn đến trường
hợp dẫm đạp chết người…. Còn chú ý đến lễ nhiều thì buổi lễ sẽ trang nghiêm
tịch lặng. Chúng ta rất cần đến một khoảng lặng nội tâm, ngay trong gia đình,
trong cơ quan, trong tôn giáo. Không có khoảng lặng cần thiết này chúng ta
không còn sáng tạo, tâm trí sẽ không sáng, mù mờ trong công việc, trong nhận
thức, trong hành động…..
Có
một Phật tử hỏi một Thiền sư rằng: “Thiền là gì” ?
Câu
trả lời của Thiền sư: “Thiền là không ồn”
Chúng
ta tổ chức lễ hội quá ồn do vậy hội lễ mất đi nhiều ý nghĩa, chỉ chú ý đến hình
thức mà xao lãng nội dung, không hướng tín đồ có niềm tin chân chánh. Tu là gì?
Tu là nhìn lại mình, nhìn lại tham lam, sân hận, si mê của mình. Quay đầu nhìn
lại quán chiếu tu tập chuyển hoá những đam mê dục vọng đang vây bủa chúng ta
từng giờ từng phút, từng sát na. Chứ không phải tu là rờ đầu gối La Hán mòn
nhẵn, bẻ tay La Hán về nhà kỷ niệm, lấy tiền xoa vào chuông để có tài lộc, chen
lấn nghẹt thở để mua cho được lá ấn mà thăng quan tiến chức, có lộc…(Chùa Bửu Minh, lễ rằm tháng giêng có phát
lộc cho Phật tử bằng những gói xôi đậu, xôi vừng, giảng cho Phật tử hiểu rõ về
giá trị của hạt nếp hạt đậu, với tất cả lòng tín thành dâng cúng Phật, sau đó
phát lộc, kèm theo bài thơ):
Đất
trời kết tụ nắm xôi,
Dâng
lên cúng Phật chào mời đầu xuân.
Lộc
là yêu mến tha nhân,
Nhường
cơm sẻ áo dành phần cho nhau.
Chúng
ta đã thấy rất rõ rằng trình độ tu tập, hướng về tâm linh của Phật tử, của quần
chúng cảm tình đạo Phật đã xuống cấp trầm trọng. Chúng ta phải mạnh dạn can đảm
thấy điều đó mà vực đạo Phật lên, bắt đầu từ những lễ hội.
Chùa
Bửu Minh có cách thu hút mọi người đến chùa lễ Phật đầu năm không bằng con
đường sao hạn….. Kính chia sẻ đến quý huynh đệ đồng tu. Đây là bài giảng đầu
năm (tóm tắt):
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu ni Phật
( Xin đại chúng hoan hỷ tắt nguồn điện
thoại di động để cho khoá lễ được trang nghiêm)
Trước
khi nghe bài pháp thoại đầu năm xin đại chúng ngồi ngay thẳng, theo dõi hơi thở
vào, hơi thở ra của mình và lắng nghe tiếng chuông gia trì được thỉnh lên:
Nghe chuông phiền não tan mây khói,
Ý lặng thân an miệng mỉm cười.
Hơi thở nương chuông về chánh niệm,
Vườn tâm hoa tuệ nở xinh tươi.
Kính
thưa đại chúng !
Khi
mang thân phận làm người, kiếp người tất cả chúng ta đều thấy đời là bể khổ.
Đức Phật Thích Ca không nêu ra thông điệp đời là bể khổ, thì cuộc đời vẫn thế,
khổ đau tràn ngập nhân gian. Chính niềm đau nỗi khổ trong kiếp người mà ta ý
thức được chuyện tu hành. Uớc vọng đầu xuân của quý vị là năm mới mình và gia
đình mình được bình an khoẻ mạnh, gặp nhiều may mắn. Không chỉ quý vị mà tất cả
chúng ta trong cõi nhân sinh đều ao ước khát khao như thế !
Nhìn
lại năm cũ trong quý vị sẽ thấy rất nhiều người còn sát hại cúng tế, cầu bình
an cho gia đình mình. Trong các vị đang ngồi đây dâng sớ cầu an, rằm tháng
giêng có người vẫn còn cúng gà trên bàn thờ. Tu theo Phật là phải có lòng từ
bi, không có lòng bi mẫn xót thương đồng loại chúng sinh thì không phải là đệ
tử Phật.
Trong
các vị ngồi đây, ngồi trong Đại Hùng Bảo Điện này, đang ao ước khấn nguyện năm
mới Đức Phật ban bình an cho gia đình mình. Nhưng có nhiều vị trong nhà chưa
thờ Phật, chỉ bốc bát hương thờ thổ công, ông địa, thần tài. Phật là đấng chí
tôn cao cả đầy đủ phước trí, từ bi, quý hiếm như hoa linh thoại (mấy ngàn năm mới nở một lần).
Là
một Đức Phật lịch sử, người đã bỏ vương vị cao sang là thái tử, là hoàng đế
tương lai, vương triều lộng lẫy, vợ đẹp con thơ, dấn thân tu tập khổ hạnh để
tìm ra chân lý đạo, chuyển thông điệp cứu khổ ban vui đến với mọi loài chúng
sinh, Đó là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Chân
lý mà Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni tìm ra đó là nỗi khổ niềm đau của chúng sinh,
nguyên nhân gây ra khổ đau, phương pháp diệt trừ khổ đau, và sự an lạc giải
thoát có được khi chấm dứt khổ đau. Sự luân hồi là một trong những giáo lý
chính mà Đức Phật tìm ra: Con người chết không hết, không phải trở thành tro
bụi, trở về với hư vô. Mà tái sinh chuyển kiếp lại với nhiều dạng khác nhau:
Trời, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la…..
Do
vậy những năm tháng ở cuộc đời này, nếu có một chút duyên lành biết Phật gặp
đạo như các vị mà không tiếp tục tu hành thì uổng phí một kiếp người. Không tu
hành chuẩn bị cho cái chết, khi chết làm sao an lành tái sinh cảnh giới tốt đẹp
được.
Trong
các vị có người một năm đến chùa trong dịp tết, trong dịp rằm tháng giêng, sau
đó vì công ăn chuyện làm, vì bao thứ lo toan, vì chưa có tín tâm, quý vị không
đến chùa nữa. Một năm chúng ta vì chồng vì vợ vì con tạo biết bao nhiêu ác
nghiệp, từ nơi miệng, nơi thân, nơi ý. Đến chùa có một buổi sáng đầu năm để cầu
an lành cho mình cho gia đình mình trọn năm, làm sao an lành được. Muốn được an
lành các vị phải nỗ lực tự tu, tạo duyên cho chồng, cho vợ, cho con biết Phật,
biết đạo cùng nhau tu tập. Chỉ có cùng nhau tu tập cả gia đình mới mong chuyển
hoá, giải trừ những hạn vận, nghiệp xấu trong năm. Chúng tôi có một phương pháp
diệt trừ khổ đau hữu hiệu, xin chia sẻ với tất cả quý vị, với đại chúng:
-
Quý vị nào chưa
thờ Phật, xin thỉnh Phật về nhà thờ. Sáng tối thắp trên bàn Phật nén nhang,
cúng Phật bằng hoa hương trái cây, đừng cúng mặn. Sáng tối nhắc nhở con cháu lễ
Phật, niệm Phật.
-
Mối tháng ít nhất
là đi lễ chùa hai ngày, là ngày rằm ngày mồng một, tập ăn chay vào những ngày
đi chùa.
-
Thêm bước nữa là cả gia đình phát tâm quy y Tam Bảo giữ
gìn năm giới cấm: Không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu.
Cả
gia đình dốc lòng tu tập nghiêm chỉnh đàng hoàng, thì chắc chắn trong năm sẽ
được bình yên an lành.
Có
người hỏi chúng tôi: Tại sao lễ hội rằm tháng giêng lại đông hơn ngày rằm tháng
tư là ngày sinh của Phật? Nhiều năm sinh hoạt với Phật tử tôi đã có được câu
trả lời: Bởi rằm tháng giêng là ngày cầu an (nhiều
nơi dâng sao giải hạn) là ngày cầu tiêu tai nạn cho riêng mỗi gia đình, do
vậy phải đến chùa mới làm lễ được. Còn ngày rằm tháng tư Phật Đản là ngày sinh
của Phật, nếu chưa hiểu đạo nhiều, chưa có niềm tin sâu sắc thì ngày Phật Đản sinh
hình như không quan trọng, về chùa dự lễ hoặc không dự lễ cũng được.
Bởi
vậy cho nên, hôm nay nhân ngày rằm tháng giêng, ngày lễ hội đầu năm hơn ngàn
Phật tử tham dự, chúng tôi xin nhắc với quý vị luôn nhớ cho là ngày rằm tháng
tư là ngày sinh của Đức Phật, là ngày lễ Phật Đản, là con Phật, đệ tử Phật
chúng ta luôn nhắc nhau rủ nhau về chùa tham dự lễ đông đủ để nói lên rằng
chúng ta luôn thương nhớ Phật như con thơ thương nhớ mẹ hiền. Chúng ta luôn
tưởng nhớ, tôn kính, báo ơn Đức Phật:
Hội tháng giêng nhớ tháng tư,
Ngày sinh của Phật lòng từ vô biên.
Năm châu bốn biển khắp miền,
Về chùa dự lễ thiêng liêng một ngày.
Kính chúc quý Phật tử, toàn
thể quý vị năm mới tâm bồ đề vững chắc, chí tu học vững bền, cùng nhau tinh tấn
tu hành giữ gìn đạo pháp.
Rằm tháng giêng năm Tân Mão-2011
Thích Giác Tâm
---------------
Hình ảnh Lễ rằm tháng giêng năm Tân Mão 2011
tại chùa Bửu Minh, Chư păh, Gia Lai.
Đường đến chùa
Toàn cảnh chùa
Bãi đậu xe
Chánh điện
Khóa lễ cầu an đầu năm
Thiền hành
Phóng sinh
Xôi cúng Phật
Phát xôi lộc
Cau trong vườn chùa, Phật tử xin lộc
Các cháu lễ phật
Cháu Khôi Nghĩa bỏ công đức