Con về còn trọn niềm tin (Tập hai)


Tác giả: Thích Giác Tâm
16/07/2013 22:47 (GMT+7)
Số lượt xem: 106667
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tác phẩm:  "CON VỀ CÒN TRỌN NIỀM TIN". Tác giả: Thích Giác Tâm - Nhà xuất bản Phương Đông - TP.Hồ Chí Minh, xuất bản tháng 01 năm 2012. Ấn bản giấy 368 trang, cả bìa. Khổ 13x20.5cm

Bản điện tử chia thành hai tập. Tập 1 - 30 truyện. Tập 2 - 34 truyện.


Tập 2

Suy tư về vấn nạn loại Tăng ra khỏi Tam Bảo.


Chuyện năm ngoái.
 


 Mẹ dắt con trai 10 tuổi về chùa xin Sư quy y. Buổi lễ quy y Sư để ý cậu con trai có gương mặt phúc hậu yên lặng tham dự buổi lễ từ đầu đến cuối.

 Người mẹ 35 tuổi tín tâm hướng về Phật dâng trọn tấm lòng thành.

 Mẹ Vũ thị H Sư cho Pháp danh: Thường Giới

Con Đặng Vũ Q được Sư cho Pháp danh: Thường Trọng. Sau lễ quy y hai mẹ con ra ngồi dưới hàng cau chùa, mẹ dặn con: “ Q ạ ! Bố con đã mất, hôm nay con với mẹ về chùa xin Sư phụ quy y, mẹ con mình đã chính thức là đệ tử Đức Phật, là đệ tử của Sư Phụ, mẹ con mình nương tựa vào Sư Phụ mà học đạo tu tập. Kể từ hôm nay mẹ phát nguyện ăn chay trường, để cầu nguyện cho con thành danh thành nhân trong cuộc đời, biết yêu thương mọi người, biết nghĩ đến vận mệnh của Tổ quốc, không gây khổ và phá phách một ai, mẹ sẽ nấu cơm mặn cho con ăn, con đừng có gắp cá gắp thịt bỏ vào chén cơm của mẹ như mọi khi nữa”.Với đứa con 10 tuôi những lời nhắn nhủ căn dặn của chị là hơi quá tầm hiểu của biết của cháu, nhưng mà cháu vẫn hiểu, hiểu theo cách của cháu cảm nhận, cháu gật đầu và hứa với mẹ.

 

Chuyện năm nay .

 

Chiều ngày 25 tháng giêng mẹ con đến chùa mang biếu Sư một chút quà với lời lẽ chân chất: “ Hôm mồng một tết con có đi chùa lễ Phật, nhưng hôm đó Phật tử đông quá ! Con chưa mừng tuổi Sư Phụ được. Hôm nay mẹ con con đến chùa lễ Phật thăm Sư Phụ, cầu chúc người có nhiều sức khoẻ để dìu dắt hướng dẫn chúng con trên bước đường tu tập. Nếu không gặp được Sư Phụ thì con làm sao hiểu được Phật pháp, làm sao buông bỏ những chuyện phù phiếm mà tu hành. Chồng chết con tưởng chừng như mất tất cả, tưởng chừng như không đứng vững ở cõi đời, nhưng duyên lành con gặp Phật gặp Sư Phụ, câu kinh tiếng kệ lời lẽ động viên của Sư Phụ và bạn đạo, con đã vượt qua đựơc khổ đau mà sống nuôi con. Hằng đêm con mở băng đĩa giảng của các Thầy các Sư Cô mà nghe, nghe xong giảng giải lại cho con trai nghe, con giảng từ từ chậm chậm cháu cũng hiểu được mỗi khi một ít, cháu thương Phật thích đi chùa và cũng rất thích ăn chay với mẹ. Con không thể nào ở mãi bên cạnh con con, con sẽ chết trước cháu và con muốn trang bị cho con con một chút vốn luyến phật pháp, một chút từ bi yêu thương , một chút trách nhiệm với cộng đồng để cháu sống. Con quý các Thầy, con quý Tăng, nếu không có Tăng ai làm đạo, ai hoá đạo, ai xây chùa, ai nuôi chúng điệu để truyền đăng Phật pháp. Con có người bạn tham gia ban hộ niệm, mỗi khi có gia đình người hấp hối thì bạn con cùng với những người trong ban hộ niệm đến liên hệ với gia đình và hộ niệm cho người sắp lâm chung. Chỉ niệm bốn chữ thôi A Di Đà Phật không phải Nam Mô A Di Đà Phật, bạn con kể lại mỗi khi ban hộ niệm của nhóm bạn con đi tới đâu, và niệm tụng cầu nguyện cho ai thì người đó được vãng sanh. Con rất nghi ngờ về chuyện dễ dàng vãng sanh như vậy. Bạn con và nhóm bạn của bạn ( Ban Hộ Niệm) nói: “ gia đình nào mà mời họ thì sẽ không được mời các Thầy ( Tăng, Ny) chỉ có họ lo đám từ đầu đến cuối, sau đám tang: Tuần sơ thất, tuần tam thất, chung thất chỉ có đạo tràng BHN đến với gia đình. Con rất lo Sư Phụ ạ ! Con lo nếu tình trạng này kéo dài, nếu BHN kiểu này mà nhân rộng thì nguy cơ Tăng Bảo không còn. Con mới biết đạo, nhưng con luôn lo lắng cho đạo pháp, bởi vì tối nào con cũng vô các trang mạng Phật giáo để đọc tin đọc bài tìm hiểu giáo lý. Niềm ưu tư của con có được là cũng từ nơi những bài viết chấn hưng Phật giáo của các Thầy các Cư Sĩ, con đã bắt đầu lao vô lãnh vực này để tìm hiểu. Con vô google tìm hiểu con có biết năm xưa ( trước 1975) Cư Sĩ Đoàn Trung Còn một nhà Phật học lỗi lạc, vì bất mãn một số các Thầy ( Tăng ) ông đã bằng uy tín và tài giỏi của mình lập nên Tịnh Độ Cư Sĩ Việt Nam (không có Tăng hiện diện trong tổ chức này). Cư Sĩ Chánh Trí  Mai thọ Truyền, cũng là một nhà Phật học lỗi lạc, cũng bất mãn một số các vị Tăng cũng đã từng phát ngôn: “ Tôi chỉ Quy Y Phật Bảo, Quy Y Pháp Bảo, không cần Quy Y Tăng Bảo. Ông đã lập nên chùa Xá Lợi, thành lập Hội Phật Học Nam Việt do ông quản lý, ông cũng không cần Tăng Bảo. Nhưng rồi thương ghét cũng cứ luân hồi lòng vòng, Chùa Xá Lợi do ông sáng lập, không còn cư sĩ quản lý nữa mà đã giao lại cho Chư Tăng quản lý điều hành.

Bạch Sư Phụ ! Con có người bạn ở Đắc Lắc, tu học tại chùa Khải Đoan cũng có kể cho con nghe về Ban Hộ Niệm tương tợ như ở Gia Lai, cũng đi niệm Phật hộ niệm cho người chết, cũng tuyên bố ai được họ hộ niệm thì đều được vãng sanh, và quan trọng nhất vẫn là loại Tăng ra, không cần Tăng. Trong số các vị trong BHN hầu hết đều có quy y, có pháp danh, nhưng khi tham gia BHN niệm Phật bốn chữ (A Di Đà Phật) thì không còn gắn bó với chùa nữa thậm chí đối lập.

image007_resize.jpg

Chuyện đáng lo là ở chỗ đó, bên ngoài nhìn vô thì thấy họ vẫn mặc áo tràng lam, vẫn chuông vẫn mõ, vẫn niệm Phật A Di Đà ( tuy có bốn chữ). Nhưng bên trong, đường lối là đối lập hẳn với Tăng Bảo, tìm cách loại Tăng giống như Cư Sĩ Đoàn Trung Còn và Cư Sĩ Mai Thọ Truyền năm xưa. Trong nhận thức của một số người chưa biết rõ nội tình thì thấy mời BHN tiện lợi và không tốn kém, dễ mời. Bởi mời Sư Tăng thì phải công đức phải tạ ( không công đức không tạ lấy đâu tu sửa chùa chiền, nuôi chúng điệu ăn học, tiếp nối phật pháp tương lai)còn mời họ không phải thù lao,tạ tiền, miễn sao để cho họ trọn quyền quyết định đám tang, có trường hợp biểu gia đình ký sẵn vào giấy cam kết, hoặc là tờ di chúc của cha hoặc mẹ để lại căn dặn con cháu phải mời ban hộ niệm  (BHN).

Thời gian gần đây trên các trang mạng Phật giáo, rộ lên những tin tức về chuyện cải đạo, đó là một nỗi lo lớn. Bên trong đạo tràng niệm Phật tự phát là BHN, ban trị sự Phật giáo của mỗi tỉnh không quản lý được, nở rộ khắp nơi. Nhìn bên ngoài thì thấy có đạo tràng niệm Phật đi hộ niệm khắp nơi, nhiệt tình, không nhận tiền, không ăn cơm nhà tang chủ nữa, nói tóm lại chỉ có giúp và giúp không đòi hỏi gì hơn, miễn sao tang chủ, trai chủ không đến chùa, không mời Sư Tăng, không liên hệ đến Sư Tăng,  Cách này còn đáng lo đáng sợ hơn nhiều so với chuyện cải đạo tín đồ Phật giáo công khai mà các tôn giáo khác đang thực hiện khắp mọi miền đất nước mà mọi người đều nhìn thấy.

Bạch Sư Phụ !  BHN kiểu này nở rộ khắp nơi, nhiều tỉnh thành HỌ đã và đang sinh hoạt với mục đích là loại Tăng Bảo, không hiểu các Hoà Thượng, Thượng Toạ lãnh đạo GHPGVN đã rõ chưa ? Các Hoà Thượng, Thượng Toạ lãnh đạo các Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh thành đã rõ chưa? Các Ngài có kêu gọi các BHN tự phát đó về răn nhắc họ nên tham gia vào đạo tràng niệm Phật của từng chùa cùng tu cùng học, dưới sự lãnh đạo của Ban Trị Sự thì lợi ích hơn nhiều, hơn là tự phát theo kiểu đó dẫn đến nội bộ phân hoá tan rã, và nguy nhất là Tam Bảo chỉ còn nhị bảo, vì Tăng Bảo đã loại trừ.

Đầu năm, thưa Sư Phụ chuyện không vui như vậy con cũng áy náy, nhưng là một Phật tử mang ơn Phật mang ơn Tăng rất nhiều con không thể làm thinh. Chuyện con vừa kể Sư Phụ có rõ chưa ạ !

Sư mỉm cười gượng, vầng trán hằn thêm nếp ưu tư trả lời:

“Sư Phụ có hiểu có rõ nhưng chưa nói ra được, vì BHN tự phát đang đi hộ niệm cho người chết, mặc áo tràng lam, có chuông, có mõ, có Phật A Di Đà, lại không lấy tiền thù lao, không đòi hỏi gì hết. Chỉ có loại Tăng ra khỏi Tam Bảo thôi, mà không có gì làm bằng chứng thì làm sao nói họ được”. Sáu chữ A Di Đà Phật với bốn chữ A Di Đà Phật vậy mà trùng trùng cách biệt. Xưa nay lục tự Di Đà thì Phật giáo bình yên, còn tứ tự Di Đà thì gây xáo trộn trọng nội bộ Phật giáo. Nam Mô là cung kính, mất Nam Mô, Tăng Bảo loại  trừ. Phật giáo Việt Nam hết nạn nọ đến tai kia. Hiểm nạn từ bên ngoài, hiểm hoạ từ bên trong.

Quý Phật tử niệm bốn tiếng Di Đà, quý vị đang là đệ tử Phật, có pháp danh nữa, đã từng quy y, ai quy y cho các vị nếu không phải Tăng, các vị ngồi quy y trong chánh điện trong chùa, mà chùa xây cất được là từ những đồng tiền hỷ cúng của phật tử khi mời chư tăng đến nhà hộ niệm, hiếu sự, các vị làm thay việc của quý chư tăng hết, phật pháp sẽ không còn tồn tại ở thế gian. Các vị vãng sinh về nước cực lạc hết, nhìn xuống trần gian này chỉ còn tín đồ các đạo khác, không còn Phật tử nữa các vị có vui không? Các vị có yên lòng sáng đi hái hoa  trên con đường dát vàng dâng cúng Phật, rồi thanh thản ngồi nghe Phật thuyết pháp, tiếp tục tu hành. Còn thế hệ con cháu chúng tôi Tăng Bảo không còn, các Cao Tăng Tòng Lâm Thạch Trụ không còn, không còn Tăng để cất chùa, nuôi chúng điệu, không còn Tăng để giảng giải, dịch kinh viết sách, tổ chức khoá tu, truyền giới dạy dỗ tu hành, chúng tôi biết nương tựa vào đâu? Các vị thì đã vãng sanh hết rồi, con cháu các vị có khi lại rẽ sang tín ngưỡng khác. Hạt giống Phật pháp truyền thừa từ xưa đến nay đều  từ Tăng qua Tăng, chứ Cư Sĩ như các vị không thể thay thể  vai trò đó được, cha mẹ trong BHN khi chết rồi thì có truyền lại BHN cho con cho cháu tiếp nối? Các vị là con Phật các vị nỡ lòng nào để cho Phật pháp lụi tàn bằng cách làm Phật sự vì tự ái, vì sự không cân nhắc lợi hại của mình.

 

Trong kinh Pháp Hoa Đức Phật có dạy: “ Tam giới bất an do như hoả trạch -  Cõi Dục giới , Sắc giới, vô sắc giới không yên ổn chút nào giống như đang ở trong lò lửa” Không cần nói đến Tam giới, chỉ cần nói đến cõi này thôi, cõi người ta này thôi thì đã thấy như đang ở trong nhà lửa. Lửa cháy bùng lên ai cũng thấy ngọn lửa, thì chữa cháy rất dễ, còn lửa cháy mà không thấy ngọn lửa, âm ỉ cháy, âm thầm cháy, cháy khéo léo để mọi người không nhận ra là lửa đang cháy thì nguy hại khôn cùng. Vì không thấy lửa bùng lên thì hơi đâu mà chữa. Nhưng kết cục cháy nào cũng là cháy, hệ quả là đống tro tàn. Cá nhân tôi nếu các vị trong BHN mà cùng ngồi xuống cho chúng tôi giáp mặt, chúng tôi lạy các vị vạn lạy, như năm xưa khi thọ giới lớn về tôi lạy bộ kinh Vạn Phật để trả ơn Tam Bảo, trả ơn giới sư đã truyền giới cho tôi tu hành. Tôi lạy các vị và kêu lên thống thiết rằng: “ Các vị đừng bỏ công ăn việc làm, đừng bỏ công việc gia đình, đừng tránh né đưa đón con đi học, đừng xao lãng trách nhiệm làm vợ, làm cha để dành hết thời giờ cho BHN tự phát, để cầu cho người chết được vãng sanh (mà có thật vãng sanh không?)mà đạo pháp thì  lụi tàn, Tăng Bảo không còn ở thế gian. Ngoại đạo tung hoành truyền đạo giữa chốn không người.Kết thúc bài này bằng cách bắt chước cách niệm Phật của các cụ bà, cụ ông miền bắc cả ngàn năm nay: “ Con niệm Nam Mô A Di Đà Phật”.

 

Thích Giác Tâm


Âm lịch

Ảnh đẹp