Con về còn trọn niềm tin (Tập hai)


Tác giả: Thích Giác Tâm
16/07/2013 22:47 (GMT+7)
Số lượt xem: 105874
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tác phẩm:  "CON VỀ CÒN TRỌN NIỀM TIN". Tác giả: Thích Giác Tâm - Nhà xuất bản Phương Đông - TP.Hồ Chí Minh, xuất bản tháng 01 năm 2012. Ấn bản giấy 368 trang, cả bìa. Khổ 13x20.5cm

Bản điện tử chia thành hai tập. Tập 1 - 30 truyện. Tập 2 - 34 truyện.


Tập 2


Viết về cháu Khôi Nghĩa nhân mùa Vu Lan

Từ khi loài người có mặt ở hành tinh màu xanh này, tình mẹ con đã có mặt. Các loài có tình thức đều có tình cảm đó, nhưng rõ nét và dễ nhận diện vẫn là tình mẹ con trong cõi giới người ta. Văn chương thơ ca từ xưa đến nay không biết bao nhiêu bài viết về tình mẹ, viết hoài vẫn không hết, vẫn mới, vẫn rung cảm sâu xa. Ai đó mà biết nhớ ơn mẹ, thương mẹ từ trong tâm cảm, lời thốt ra đều rung động lòng người.

Từ khi loài người có mặt ở hành tinh màu xanh này, tình mẹ con đã có mặt. Các loài có tình thức đều có tình cảm đó, nhưng rõ nét và dễ nhận diện vẫn là tình mẹ con trong cõi giới người ta. Văn chương thơ ca từ xưa đến nay không biết bao nhiêu bài viết về tình mẹ, viết hoài vẫn không hết, vẫn mới, vẫn rung cảm sâu xa. Ai đó mà biết nhớ ơn mẹ, thương mẹ từ trong tâm cảm, lời thốt ra đều rung động lòng người. Có trường hợp lời không nói ra, chỉ trầm tư sâu lắng, vén mảnh y vàng quỳ xuống cúi lạy đống xương hỗn tạp bên đường, mà trong đó chắc có hài cốt của ông bà cha mẹ mình trong nhiều đời kiếp, luân hồi bất tận, tử tử sanh sanh. Hình ảnh của trái tim yêu thương nhân thế và biết ơn đền ơn kia chính là Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni. Hình ảnh đó mỗi khi nghĩ đến đã khiến ta rơi lệ, khơi gợi cho chúng ta biết nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục suốt hơn hai ngàn năm qua.
 
Tình mẹ vô cùng thiêng liêng, cao quý, dùng mỹ từ hữu hạn của con người diễn tả thế nào cũng không nói hết tình mẹ. Mẹ là chuối ba hương, xôi nếp một, đường mía lau, là bao la như biển thái bình, là tơ trời Đâu La Miên, là vầng thái dương vừa loé lên trong những ngày giông bão, là sợi dây của chiếc diều căng gió lộng giữa bầu trời mênh mông mênh mang……Mẹ là vậy nhưng mà đây đó (số ít) cũng có người bỏ con bơ vơ, chạy theo ảo ảnh. Làng Tiên Sơn bên kia dòng sông cạnh chùa, có ai đó bỏ cháu mới lọt lòng mẹ một hai ngày, nhau rốn còn lòng thòng máu me nơi nghĩa trang. Năm ngoái nơi bìa rừng sau chùa ai đó bỏ một cháu còn đỏ hỏn, kiến bò lên đầy cả hai mắt, may mà có người gặp đem về dưỡng nuôi…Và đây là câu chuyện của bé Khôi Nghĩa:

nghia_sun_014_jpg.jpg

Ảnh cháu Khôi Nghĩa khi được 15 tháng tuổi

Mùa Phật Đản ở cao nguyên là mùa mưa, năm nào cũng vậy tổ chức tuần lễ Phật Đản rất tốn công sức tiền của, nếu có làm xe hoa, lễ đài. Trong sâu xa ở cõi lòng những người con Phật luôn cầu nguyện, tối 14 sáng rằm trời đừng có mưa để cho xe hoa diễu hành, có năm trời chiều lòng người, nhưng có năm trời mưa vẫn cứ mưa, tuy vậy sức mạnh tinh thần vượt thắng tất cả , trong mưa xe hoa vẫn hân hoan diễu hành, dòng người vẫn bất tận, cha mẹ chở con cầm cờ nhỏ ngũ sắc đội mưa đi theo đoàn xe hoa cổ động reo hò cho ngày Đức Phật đản sanh. Xe hoa có nhiều mà con người tham gia cùng đoàn xe hoa quá ít, sẽ làm cho buổi lễ  tẻ nhạt, “người ngoài cười nụ người trong khóc thầm”. Cái mệt trong tuần lễ Phật Đản cũng nhiều, nhưng niềm hân hoan cũng không ít, tối rằm mọi vui buồn mệt nhọc rồi cũng trôi qua. Từ 08 giờ đến 12 giờ đêm trời mưa liên lỷ, kéo dài, khoảng 1giờ sáng trời quang mây tạnh trăng sáng vằng vặc, trong cái tĩnh lặng của đêm hè, bỗng chuông điện thoại reo, tôi ngái ngủ cầm điện thoại lên bên kia đầu giây một giọng nữ thổn thức sụt sịt :” Lạy Thầy con là một người mẹ bất hạnh, có con mà không nuôi được con vì hoàn cảnh, xin Thầy cưu mang nuôi dưỡng cháu dùm con, con để cháu trước cổng chùa, Thầy ra mau lên ẵm cháu vô chùa dùm con”. Tim tôi đập loạn xạ, run rẩy đi gọi chúng điệu trong chùa và các Phật tử làm công quả dậy ra cổng Tam Quan chùa bồng cháu vào. Lúc bấy giờ là 1giờ 30 sáng, mẹ cháu đem theo cho cháu rất nhiều quần áo tả lót, cả sữa và bình bú nữa. Nằm trên nắp giỏ bằng nhựa, nghe tiếng người cháu khóc lên, trong đêm trường tĩnh mịch của một ngôi chùa núi, bốn bề vắng vẻ tịch liêu, tiếng trẻ khóc làm tim tôi nhói đau, tôi bế cháu lên mà nước mắt lã chã , chạy vô phòng đặt cháu lên giường, cháu lại khóc thét lên, tôi vội vàng pha sữa, sữa nhiều nước ít cháu uống không được lại sựa ra, lần thứ hai nước mắt tôi lại chảy. Bên trong ngực của cháu có lá thư, nội dung cũng giống như lời lẽ nói chuyện với tôi qua điện thoại, đọc thư được biết cháu vừa đúng một tháng 3 ngày. Mẹ cháu chưa đặt tên, và tôi đã nghĩ đến cái tên đặt cho cháu sau này.
 
Làm Thầy hay làm cha mẹ ai cũng mong muốn kỳ vọng vào tương lai của con mình, đệ tử mình. Đặt tên là bày tỏ ước vọng đó, tôi đặt tên cho cháu là Nguyễn Nhân Nghĩa. Nhân: được mọi người yêu mến.Nghĩa: được mọi người trung. Nhưng khi trình báo với chính quyền địa phương, vị cán bộ công an lập biên bản trường hợp trẻ bị bỏ rơi viết chữ Nhân khó đọc quá, vị cán bộ hộ tịch đọc chữ Nhân thành chữ Khôi, khi nhận giấy khai sinh cho cháu tôi thấy chữ lót của cháu đã khác,tôi có nói về chuyện đó, vị cán bộ hộ tịch nói để làm lại. Tôi tra lại tự điển Hán Việt thấy nghĩa chữ Khôi:” Cái gì mất mà tìm lại được là Khôi, như khôi phục”. Tôi yên tâm như vậy là được rồi, Nhân Nghĩa thời nay đã mất đi, mai một nhiều lắm rồi, làm cách nào để khôi phục lại cái Nhân Nghĩa đã mất kia là một chuyện đáng làm, do vậy tên cháu bây giờ là Nguyễn Khôi Nghĩa. Cháu khuôn mặt chữ điền, vầng trán cao rộng, tai to có thuỳ châu, mắt một mí, mũi tẹt mà trống, miệng rộng và luôn cười, mỗi khi cười có hai hạt gạo bên khoé miệng. Tóm lại không đẹp mà  dễ thương, ai nói chuyện cháu cũng cười không phân biệt, bình đẳng khi ban phát nụ cười nên được nhiều Phật tử thương mến.
 
Tôi đã hiểu ra vì sao khi về già văn hào Victo Hugo, chỉ biết sống cho cháu vì cháu, và làm rất nhiều thơ cho cháu. Ông rất hạnh phúc và tự hào tuổi già của mình đã có những đứa cháu yêu quý. Tôi cũng vậy chăm sóc nuôi dưỡng cháu,  và các cô chú công quả lớn tuổi, và cả điệu chúng trong chùa ai cũng cảm thấy hạnh phúc khi được ẵm bồng, nựng nịu cháu. Chúng ta yêu trẻ là yêu cái hồn nhiên ngây thơ của chúng, khi cái tham, cái sân, cái si của chúng còn tiềm ẩn trong tàng thức chưa hiển lộ rõ ràng như khi lớn. Tổ Tỉnh Am có nói trong Văn khuyên phát tâm Bồ Đề một câu như thế này “ Nhỏ thì ngây ngô không biết gì, lớn lên tham dục liền sanh”. Ta yêu trẻ bởi vì trẻ ngây ngô, có cái cười không phân biệt, ta yêu một bậc chân tu cũng là vì lẽ ấy, tu cho giỏi cho đàng hoàng, có giới, có định, có tuệ, ta cũng có nụ cười đẹp như trẻ thơ, có nụ cười bình đẳng ban phát cho tất cả không phân biệt thân sơ.

Chúng tôi có đôi lúc cũng buồn cười, nghĩ về tương lai đạo pháp luôn có những suy tưởng viễn vông. Ngồi một mình có đôi lúc tôi mơ màng nghĩ đến chuyện đời xưa. Ngày xưa đất nước chúng ta có vua Lý Thái Tổ ( Lý Công Uẩn ) là một vị minh quân hết lòng vì dân vì nước, thương yêu dân như con ruột của mình. Vì sao được như vậy ? Bởi vì chú bé Lý Công Uẩn cũng được mẹ bỏ trước cổng chùa, được Thiền sư Lý Khánh Văn nhận làm con nuôi, và sau này lớn khôn được Thiền Sư Vạn Hạnh dạy dỗ, hấp thụ tinh thần từ bi khoan hoà của Đạo Phật nên khi lớn lên, lịch sử sang trang làm vua mà yêu dân như con đẻ của mình. Thiền Sư Ô Sào ( Ô là quạ, Sào là tổ ) một cao tăng, sống vào đời Đường Trung Quốc, cũng được mẹ bỏ trong tổ quạ trước chùa, tu hành nghiêm túc sau này trở thành một Thiền Sư lừng lẫy trong lịch sử Thiền Tông Trung Quốc. Ngài có một giai thoại:”Dấu ấn tuổi thơ được mẹ bỏ trong tổ quạ trước chùa, nên sau này làm Thiền Sư ngài luôn ngồi Thiền trên cây ( chỗ ngồi Thiền trên cây Ngài làm giống như một tổ quạ ) có lần thi sĩ Bạch Cư Dị đi ngang qua ngước mặt hỏi Ngài:” Bạch Sư ! Bí quyết của Phật Pháp là gì?” Ngài trả lời:”Các điều ác không làm – Các điều thiện  luôn thực hiện – Tự làm trong sạch tâm mình – Đó chính là lời Chư Phật dạy” Thi Sĩ Bạch Cư Dị tỏ ý không vui:” Câu Ngài vừa trả lời tôi trẻ lên ba cũng thuộc”. Thiền Sư Ô Sào cười nói tiếp:” Trẻ lên ba học thuộc nhưng ông già 80 tuổi vẫn không làm được” .
 
Lịch sử là một dòng chảy bất tận không dừng, không ai biết được ai  sau này sẽ làm nên lịch sử. Khéo nuôi dưỡng đào tạo, cọng với âm đức của cha mẹ của người nuôi dưỡng, vụng cũng thành khéo, thông minh trung bình cũng có thể làm nên. Chủ quan, phó mặc không tin nhân quả tội phúc trong khi nuôi dưỡng con, có khi khéo trở thành vụng, thông tuệ trở thành kẻ phá hoại, nặng gánh cho gia đình và xã hội. Ở bầu thì tròn ở ống thì dài, gần mực thì đen gần đèn thì sáng cũng từ ý nghĩa đó.
 
Vô thường đến đi, ai kịp hẹn ai. Tôi nay đã hơn tuổi ngũ thập tri thiên mạng. Đời người chỉ trong một hơi thở như lời Đức Phật dạy, hơi thở dừng lại trong tích tắc sát na, đã qua đời khác. Nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu viết những dòng chữ này để tặng cho những ai diễm phúc còn mẹ, và cũng nhớ đến mẹ cháu, một người mẹ bất hạnh, không được ẵm bồng nâng niu con, nghe hơi thở thơm mùi sữa của con, được nhìn thấy con cười, được dỗ dành khi con khóc. Chúng tôi không trách móc, chỉ cố hiểu để thương, trong chúng ta có nhiều người lâm vào trường hợp bỏ thì  thương vương thì tội, và luôn tâm niệm sau này cháu lớn khôn, kể về mẹ cháu bằng những lời lẽ thương mến cảm thông nhất. Và riêng tôi ngộ nhỡ vô thường đến bất kỳ, rất mong cháu Nguyễn Khôi Nghĩa được chư vị hữu tâm nuôi giáo dục cháu, biết đâu chuyện đời xưa được lập lại, hi hi.

Mùa Vu Lan, Phật Lịch 2554 – dl 2009
Chùa Bửu Minh, Gia Lai
Thích Giác Tâm


Âm lịch

Ảnh đẹp