Tác phẩm: "CON VỀ
CÒN TRỌN NIỀM TIN". Tác giả: Thích Giác Tâm - Nhà xuất bản Phương Đông -
TP.Hồ Chí Minh, xuất bản tháng 01 năm 2012. Ấn bản giấy 368 trang, cả bìa. Khổ
13x20.5cm
Bản điện tử chia thành hai tập. Tập 1 - 30 truyện. Tập 2 -
34 truyện.
Tập 2
Riêng tặng bạn đọc www.pleikucafe.com
Tôi
biết mình đang làm gì, có nghĩa là tôi đang sống trong hiện tại, an trú
trong phút giây mầu nhiệm của hiện tại. Tôi không bị con ma quá khứ ám
ảnh đè nặng, không bị dẫn dắt vào tương lai quá sớm, viễn vông mơ tưởng.
Như vậy ít nhiều gì tôi đang có chánh niệm, đó là sự thật không nguỵ
biện chút nào.
Tôi không có bon chen , nên tôi không có chức quyền gì trong xã hội,
trong đạo giáo. Chỉ là một ông thầy tu bình thường, yêu văn chương nghệ
thuật, yêu kiến trúc, thi ca. Và tôi đã làm theo sự dẫn dắt của con tim
chánh niệm. Cả đời tôi, tôi đã hiến dâng cho đạo pháp, và rộng ra đạo
với đời không hai. Tôi đã đóng góp được gì cho xã hội với cô thân chích
ảnh ( học chữ Hán từ hồi nhỏ nên thỉnh thoảng khi viết cứ lọt từ Hán Việt vào) .
Các bạn thử một lần đến với chùa Bửu Minh, địa chỉ: Nghĩa Hưng, ChưPăh,
Gia Lai, các bạn sẽ thấy, chúng tôi làm việc như thế nào. Chúng tôi đã
lên núi tụng kinh cầu nguyện : (
http://www.daophatngaynay.com/vn/van-hoc/tuy-but/4215-Dong-song-Se-San-oi-.html)
đã xuống biển tụng kinh nguyện cầu :
(http://www.daophatngaynay.com/vn/van-hoc/tuy-but/4226-Bien-Ho-Pleiku.html) vân vân……..
Chúng tôi yên lặng hơn ba mươi năm, chỉ làm ruộng, viết lách cho riêng
mình đọc, bởi tấm lòng biết ngỏ cùng ai. Rồi cái gì đến đã đến, duyên
lành hội ngộ: Tôi xây chùa , làm phật sự, làm trang website, giao lưu
với bạn bè, tìm kiếm tri âm, kiểu Bá Nha, Tử Kỳ ấy mà.
Cái chất của một con người, thường là do di truyền. Bố tôi khi còn sinh
tiền là một con người có học, biết tiếng Pháp, biết chữ Hán, tiếng Việt
làu thông, có trí nhớ cực kỳ tốt, nhưng mà cũng ương ương gàn gàn nên
không làm quan chức gì, chỉ hớt tóc kiếm sống, nuôi vợ con. Tính Bố rất
hài hước, có lần tôi hỏi:” Con thấy bố cũng giỏi, sao không làm ông to
bà lớn? ” Bố cười trả lời: ” Con không thấy Bố ngày nào cũng đè đầu đè
cổ thiên hạ sao, còn muốn gì nữa”. Tính ít nhiều gì có giống Bố, nên tôi
cũng có một chút ương gàn, không cầu thân với ai, dầu kẻ đó là nhà văn
nổi tiếng, danh gia vọng tộc, là ông kia bà nọ.
Nhưng.
Nhưng khi gặp “
Nguyễn Quang Tuệ, gã thạc sĩ hay mày mò những điều tưởng như không
tưởng, đề xuất làm một điều gì đó về cà phê Pleiku, với cà phê Pleiku,
thì tôi ủng hộ ngay” đoạn viết nghiêng trên là của nhà văn, Văn Công
Hùng, trong tuỳ bút : “Đoản khúc cà phê”. Cùng tâm cảnh như anh VCH,
có lần anh Nguyễn Quang Tuệ nói chuyện với tôi về đêm cà phê Pleiku
2010, tổ chức vào ngày 10-04-2010 tại công viên Lý Tự Trọng thành phố
Pleiku, anh nói: “ Thầy viết cho một bài về cà phê ” , không phải dân
ghiền cà phê, nhưng tôi hưởng ứng liền. Bởi chưng lời đề nghị rất dễ
thương, một công việc văn hoá chưa có ai khuấy động từ trước đến giờ ở
Pleiku, ít ai có thể thực hiện được ngoài anh, và trên hết là tôi yêu
Pleiku, bởi sinh trưởng ở nơi phố núi này mà. Bài tuỳ bút “ Tản mạn cà
phê phố núi “ ra đời trong một buổi sáng với cơ duyên như thế.
Còn hai hôm nữa đêm café Pleiku mới diễn ra, nhưng tôi tin chắc rằng nó
sẽ thành công, vì nó được tổ chức bởi những con người yêu Pleiku nhiệt
thành, những con người muốn biến, muốn đưa thương hiệu cà phê Pleiku lên
tầm cao mới cho bàng dân thiên hạ chú ý vào.
Pleiku ngày 08-02-2010
Thích Giác Tâm