Để nhìn đời và để nhìn mây


Tác giả: Thích Giác Tâm
07/08/2013 19:06 (GMT+7)
Số lượt xem: 26200
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Tản văn.

Để nhìn đời và để nhìn mây. 
Tác giả: Thích Giác Tâm. 
  
  Bản điện tử Chùa Bửu Minh xuất bản tháng ngày 6.8.2013



HOA SEN.jpg


Cháu Phấn !


          Sáng nay mưa nhiều mịt mù khắp nẻo , nhớ đến con Ông Cậu ngồi viết về con . Đứa cháu mà Ông cậu thương mến nhất , thương từ ngày con còn lẩm đẩm tập đi , thoắt một cái mà 26 năm trôi qua . Gần 10  năm rồi Ông Cậu không viết thư cho con , còn con thì Tết nào cũng có thiệp chúc tết với những dòng chữ tình cảm chúc mừng thăm hỏi Ông . Thiệp Xuân năm 2002  con viết cho Ông : “Thêm một xuân mới,thêm một tuổi mới và nhiều niềm vui mới. Con kính chúc Ông sức khoẻ dồi dào, thêm nhiều niềm say mê nơi cửa Phật và ngày càng nhiều Phật tử được Ông cậu dẫn dắt hướng theo con đường  của Phật. Con luôn luôn cầu Đức Phật ban cho Ông thật nhiều tuổi thọ để con cùng toàn thể Phật tử có thể chiêm ngưỡng những văn hoa mới lạ từ ngôi chùa Bửu Minh. Những truyện, thơ hay, những bài giảng về mùa báo hiếu,về đạo Phật.Thật  nhiều, thật nhiều những điều hay ý đẹp mà Ông ban cho chúng con. Đây  không phải là những lời nói trau chuốt cho Ông vui , mà là những dòng chữ chân thật xuất phát từ trong tim con” .


      Tính chân thật của con, Ông đã nhận thấy từ ngày con còn nhỏ xíu , Ông rất hạnh phúc khi đọc những dòng chữ viết trong thiệp chúc tết của con . Ông chưa làm được gì nhiều cho đạo pháp hết, thương Phật, nhớ đến ơn đức của Phật cố gắng làm phật sự  trong khả năng của mình để tỏ lòng với Ngài, thế thôi .


      Ba con hiền lành nhưng chưa có duyên với Phật. Lòng  mộ đạo, tính cởi mở dễ tha thứ, bố thí cúng dường, lời nói luôn có hậu ở nơi con chính là từ nơi Mẹ con truyền sang . Trong các cháu con là đứa cháu hiểu và thương Ông nhất, Ông cháu xa nhau ngút ngàn, Pleiku - Sài Gòn đi trọn ngày xe chất lượng cao mới tới, vậy mà những khi Ông đau nặng đều có con thăm viếng , bồi dưỡng thuốc men . Còn Ông thì dở tệ chưa giúp được gì cho con trong lúc khó khăn. Chỉ có những ngày con còn nhỏ Ông đưa con đi nha sĩ khám răng, mua cho chút quà không đáng giá, một lần  dẫn đi thăm các chùa ở Long Hải - Vũng Tàu , Tây Ninh, tình cảm Ông dành cho con chỉ  chừng đó thôi không có nhiều nhõi gì hết .


      Nhớ lại  cách đây mấy năm con từ Sài Gòn ra thăm Ông và dự lễ Vu Lan, sức khoẻ Ông kém mà ngày lễ lớn rất nhiều việc phải lo, nên Ông mệt căng thẳng hay nổi cáu. Hôm đó không biết con đã làm gì để Ông tức bực la mắng con. Con nhiều tình cảm, lại dễ xúc động cọng với bệnh tim nữa, con đã ngất xỉu. Ông hết hồn hết vía, sai Phật tử cạo gió thoa dầu, kêu ba hồn chín vía để cho con tỉnh lại, rồi con cũng tỉnh . Ông tưởng sau lần ngất xỉu đó con sẽ giận và quên Ông. Nhưng lòng con đâu có vậy con nói: “Con không giận Ông đâu, nhưng Ông đừng có nóng nảy như  vậy nữa, Ông sẽ mất Phật tử hết đó”.


      Ba mẹ con giàu có rất sớm, rồi suy sụp cũng rất nhanh . Từ ngày suy sụp thì thuyên chuyển nhiều nơi : Pleiku, Quảng Ngãi, Suối Nghệ, Sài Gòn. Con sinh ra trong giai đoạn gia đình suy sụp , nên tuổi thơ cũng rất thiếu thốn , cố gắng xoay xuở lắm con mới học xong đại học. Tìm được việc làm lương chẳng là bao, lại phải chi tiêu cho cả gia đình, đất Sài Gòn gạo châu củi quế nên chẳng thấm vào đâu cả, nhưng nếu không có con kê vai gánh vác thì gia đình sẽ khó khăn gấp bội. Có phải vì lo toan cho  gia đình mà con chưa nghĩ đến chuyện riêng tư .


      Năm xưa hai  Ông cháu đến chùa Dược Sư ở đường Lê Quang Định Gò Vấp thỉnh kinh. Ông thì xem kinh sách để thỉnh, còn cháu thì chọn áo tràng màu khói hương để mua. Thấy con mua áo để đi lễ chùa Ông mừng lắm! Ông trả tiền áo con nhất định không chịu, con nói: “Ông đi tu làm gì có tiền con không nhận đâu, để cho con”. Con là vậy: Quan hệ với bạn bè với mọi người con luôn chịu phần thua thiệt, luôn dành trả tiền trong những lần ăn uống, vui chơi mua sắm với bè bạn, và cả với Ông nữa . Thương con có lần Ông mong ước con đi tu làm Ni Cô , nhưng rồi thấy có nhiều trở ngại quá, con không thể nào đi tu  được Ông tự an ủi: “ Cháu nó tốt như một Ni Cô hiền thục rồi, thôi khỏi cần xuất gia cũng được”.


      Giòng họ bên nội con đông, còn bên ngoại chỉ còn có vài người: Ông Cậu Ba, Bà Dì Tư, Ông Cậu và Bà Dì Hạnh. Tất cả đã lớn tuổi, gần đất xa trời hết rồi. Ngày còn  sống Ba của Ông Cậu có nói: “ Giòng họ mình hữu sinh mà vô dưỡng, nên con cháu ít quá!”. Có phải vì  không mấy lăm người bà con  mà mẹ con và các con rất quý bà con phía ngoại (thường thường cái gì hiếm thì quý)


      Cuộc đời của Mẹ Ông, Ông đã viết từ lâu qua truyện ngắn Hạc Trắng Xa Khơi, mới đây Ông có viết thêm chân dung của Ba Ông và Bà Ngoại, để nhớ về người thân của mình nhân Mùa Báo Hiếu. Và hôm nay viết về con, một người cháu đã dạy cho Ông bài học nghĩa tình .


Mùa Vu Lan Phật Lịch 2546 - (2002)                                         


             Thích Giác Tâm


                     


Âm lịch

Ảnh đẹp