Tản văn.
Để nhìn đời và để nhìn mây.
Tác giả: Thích Giác Tâm.
Bản điện tử Chùa Bửu Minh xuất bản
tháng ngày 6.8.2013
Tưởng nhớ Sư Bà Tâm Hoa Chùa Tâm Ấn thành phố Quy Nhơn - Bình Định
Các con thương yêu !
Thường thường tiểu sử hay chân dung của người thân , Thầy viết một đến hai ngày là xong .Riêng trường hợp của Sư Bà Tâm Hoa thì trái lại , mười mấy năm rồi Thầy viết
vẫn chưa xong . Chưa xong là bởi vì Thầy định viết mà không chịu viết , cứ ngần ngại cứ sợ các Sư Cô đệ tử của Sư Bà đọc xong cười Thầy ( đệ tử và đệ tôn của Sư Bà rất đông và nhiều người giỏi lắm ) . Ngày hôm nayThầy lục lọi giấy tờ sách vở , tình cờ tìm thấy được một tấm ảnh của Sư Bà lúc Sư Bà 18-19 tuổi .
Tấm ảnh có mặt ở cõi đời này khoảng 70 năm, ảnh đen trắng đã ố màu ,con ba đuôi gặm nhấm lỗ chỗ nhiều nơi trên tấm ảnh . Sư Bà mặc áo nhật bình màu lam có dây thắt lưng, đầu chít khăn lam, hai góc khăn chéo thắt lại sau gáy y hệt như các Ni Cô Miền Bắc bây giờ . Sư Bà ngồi kiết già bàn tay phải đặt trên lòng bàn tay trái, dáng ngồi thong dong . Gương mặt phúc hậu , đôi mắt nhìn xuống, mũi cao thẳng, miệng hơi rộng . Tóm lại là một Ni Cô có tướng hảo. Thầy mô tả hơi kỹ về Sư Bà qua bức ảnh chụp cách đây bảy mươi năm, vì đây là một kỷ niệm quý của Sư Bà cũng như con cháu trong đạo của Người còn lại được , nhờ Thầy còn cất giữ . Nhìn cách ăn mặc và chít khăn kiểu xưa của Sư Bà Thầy thấy đẹp và trang trọng hơn nhiều so với cách chít khăn của các Sư Cô ở miền trung miền nam bây giờ, cách chít khăn của các Sư Cô ở miền trung miền nam của mình là mô phỏng bắt chước các bà Sơ tây phương mới cách đây khoảng 50 năm . Bức ảnh đã lay động đã nhắc Thầy phải viết về Sư Bà, kẻo Người đi về Cõi Tịnh thình lình thì Thầy sẽ mang một món nợ đối với Người .
Hơn mười năm về trước ,Thầy có về chùa Tâm An ở Thành Phố Quy Nhơn kỵ giỗ Hoà Thượng Tịnh Khiết ( Sư Bà Y Chỉ Hoà Thượng Tịnh Khiết ) . Sư Bà có nói với Thầy :” Tôi kể lại đời tôi rồi nhờ Thầy viết dùm tiểu sử tôi, phòng khi ra đi đột xuất thì cũng có tiểu sử mà đọc cho vui “ . ĐệTử Sư Bà rất đông , nhiều vị văn chương chữ nghĩa giỏi hơn Thầy rất nhiều , Thầy không dám múa rìu qua mắt thợ , nhưng Sư bà tin tưởng thương mến nhờ mà không “ phụng mạng “ thì thiếu tình và bất kính nên Thầy nhận lời viết về cuộc đời Sư Bà. Năm đó Sư Bà còn minh mẫn nhớ rất nhiều kể lại những nét chính về cuộc đời của mình để Thầy ghi chép lại, tấm ảnh và thủ bút hai bài thơ của Sư Bà làm ngày còn trẻ Thầy còn giữ được là do Sư Bà đưa cho Thầy làm tài liệu trong dịp ấy .
Mới đây Thầy có được bản tiểu sử của Sư Bà do các Sư Cô đệ tử viết tóm tắt , rằng Sư Bà sinh tại làng Tân An Tỉnh Cần Thơ . Nhưng theo lời Sư Bà kể cho Thầy nghe thì không phải như vậy .
Sư Bà thế danh là: Nguyễn thị Diệp , Sinh năm Tân Hợi ( 1911 ) quê quán ở làng Lộ Bao, Tổng Nội Duệ , Huyện Tiên Du, Phủ Từ Sơn Tỉnh Bắc Ninh trong một gia đình tín mộ đạo Phật .
Thân Phụ tên : Nguyễn văn Liễu , nghề nghiệp hương chức , biết chữ Hán chữ Nôm và chữ Quốc ngữ , tính tình chơn chất thiệt thà , không bao giờ làm mắc lòng hàng xóm. Cụ ông mất năm 51 tuổi . Thân Mẫu tên : Đào thị Lớn , nghề nghiệp buôn bán dệt vải, mất năm 72 tuổi . Ong Bà sinh được 11 người con , nhưng hữu sinh vô dưỡng chỉ còn lại có 3 người : Sư Bà , người anh thứ hai và một người em út .
Năm Sư bà 9 tuổi tức là năm Kỷ mùi ( 1919 ) gia đình vào Sài Gòn lập nghiệp được một thời gian rồi dời nhà xuống Tỉnh Cần Thơ sinh sống . Sinh trưởng trong gia đình mộ đạo, nên đức tin được nuôi dưỡng mỗi ngày mỗi lớn mạnh . Vào năm Đinh mão ( 1927 ) vừa tròn 17 tuổi được song thân đồng ý Sư Bà xin xuất gia với Hoà Thượng Thái Ba ở chùa Phước Long, thuộc Cái Tàu Hạ-Sa Đéc.Ngài Thái Ba ban cho Pháp Danh là :Giác Liên tự là Diệu Huệ .
Đôi nét về Hoà Thượng Thái Ba :
Còn gọi ngài là Hoà Thượng Tôn Minh, huý là Đạt Quang, hiệu là Huệ Định , khai sơn chùa Báo An nhưng trụ trì chùa Phước Long . Ngài thân hình nhỏ nhắn xương xẩu , sóng mũi cao , hai mắt sáng , giọng nói trong thanh . Thâm uyên phật pháp , suốt đời không bao giờ đi xe kéo , khi tịch ngồi mà hoá thọ 76 tuổi .
Sau khi được Hoà Thượng Bổn Sư thế độ , Sư Bà phát nguyện trì tụng Chú Đại Bi từ 3 giờ sáng đến 11 giờ trưa mới nghỉ. Chiều từ 2 giờ đến 9 giờ đêm .Hơn một năm Sư bà đã tụng được 3 tạng ( một tạng là 6000 biến ) .
- Một tạng là để đền ơn Thầy Tổ
- Một tạng là để đền ơn lục thân quyến thuộc .
- Một tạng là để cầu tu cho được trọn đời
Thời gian trì tụng chú Đại Bi là ở tại chùa Báo An thị xã Cần Thơ .
Năm Mậu Thìn ( I928 ) Với ý chí cầu tiến khát khao học hỏi phật pháp, Sư Bà đã xin Hoà Thượng Bổn Sư ra Huế tu học . Lớp học gia giáo của Ni Bộ đầu tiên được mở tạm tại chùa Từ Đàm do Sư Cụ Trừng Ninh, hiệu Diệu Hương làm Giám Đốc ( khi chưa xuất gia là người thiếp thứ 7 của vua Thành Thái ) .
Học tại chùa Từ Đàm một thời gian ngắn , lớp học được dời qua Ni Viện Diệu Đức . Ban Giáo Thọ trước sau gồm có các Ôn : Mật Hiển , Trí Thủ , Mật Nguyện , Mật Thể .
Năm Canh Ngọ ( 1930 ) Sư Bà được 20 tuổi, thọ giới Sa Di và xin Y Chỉ với Hoà Thượng Tịnh Khiết ( Hoà Thượng Tịnh Khiết là Đức Tăng Thống đệ nhất của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam T.N ) . Hoà Thượng đặt pháp danh cho Sư Bà là Tâm Hoa, tự Diệu Liên, Hiệu Thiền Dung .Lúc bấy giờ Hoà Thượng Bổn Sư của Sư Bà đã tịch .
Những năm tháng đó các lớp gia giáo phật pháp , không có lớp nào mở dạy được lâu vì nhiều lý do , nhưng cơ bản nhất vẫn là kinh tế khó khăn . Ni Viện Diệu Đức giáo dưỡng Ni Chúng được môt thời gian ngắn rồi đem Ni Chúng vào Sa Đéc tòng học tại trường gia giáo do Bà Ba Sàng xây dựng và cung cấp lương thực ( nhờ buôn bán hột sàng mà trở nên giàu có nên gọi là Bà Ba Sàng ) Lớp học này Ni Chúng gần cả trăm .
Ban Giám Đốc gồm có các vị : On Mật Hiển , Sư Cụ Kim Huê , Thầy Hải An pháp tự Diệu Tịnh ( ni ) .Lớp học duy trì được 3 tháng . Sau dời lên chùa Vạn An ( Sa Đéc ) học tiếp 9 tháng . Rồi chuyển Ni Chúng qua chùa Linh Phước của Bà Bang Biện học đươc 1 năm . Chùa Linh Phước ở Cai Khoa-Sa Đéc , năm học này do Bà Bang Biện cung cấp lương thực .
Ban Giáo Thọ dạy tại chùa Linh Phước gồm có các vị :
Hoà Thượng Chánh Quang , Hoà Thượng Huyền Cơ , Sư Cụ Diệu Tịnh-Hải An , thời gian sau bổ sung thêm Hoà Thượng Giác Tâm. Đồng học với Sư Bà trong thời điểm đó gồm có các Sư Bà : Bảo Quang , Viên Minh , Huyền Học , Huyền Tông , Từ Nguyên , Hải Huệ , Huyền Phương .
Năm Ất Hợi ( 1935 ) Sư Bà về ở tại chùa Sanh Liên , Bình Định ( ngôi chùa này do Hoà Thượng Tịnh Liên sáng lập, sau đó cúng lại cho Sư Bà ) . Năm Bính Tý ( 1936 ) Sư Bà theo học lớp phật pháp mở tại chùa Hải Đức, Nha Trang . Lớp học này do Hoà Thượng Giác Phong (Bích Không ) phụ trách .
Học Tăng gồm có các Hoà Thượng : H.T Kế Châu , Bình Chánh , Bích Nguyên , Thiện Thừa , Viên Minh , Viên Nguyện .
Học Ni thì có : Sư Bà Huyền Học, Tâm Đăng …Học được một năm .
Năm Mậu Dần ( 1938 ) Sư Bà chính thức nhận chức Trú Trì chùa Sanh Liên , ở An Nhơn , Bình Định .
Năm Canh Thìn ( 1940 ) Sư Bà thọ giới Tỳ Kheo tại Giới Đàn mở tại Phan Thiết .Giới Đàn này do các vị sau đây truyền giới :
Ngài Phổ Thiên làm Đường Đầu Hoà Thượng .
Hoà Thượng Trí Thủ làm Yết Ma A Xà Lê .
Hoà Thượng Mật Nguyện làm Giáo Thọ A Xà Lê .
Cùng thọ Giới Đàn này có các Sư Bà : Huyền Tông , Huyền Học , Tâm Đăng , Huyền Căn , Huyền Giáo , Huyền Huệ .
Từ năm 1945-1954 Sư Bà ở chùa Sanh Liên dạy dỗ đồ chúng, cùng đệ tử dệt vải , làm nông tự túc sống . Trong thời gian 9 năm kháng chiến Sư Bà trùng tu chùa Sanh Liên trở lại , nguyên lợp tranh vách đất .
Năm Giáp Ngọ ( 1954 ) Sư Bà có ở chùa Diệu An , Phan Rang một năm .Rất say mê giáo lý Viên Dung vô ngại của Kinh Hoa Nghiêm nên thời gian này Sư Bà để tâm nghiên cứu và hành trì Kinh Hoa Nghiêm ( trước đó Sư Bà rất thích tư tưởng của bộ Kinh Lăng Già Tâm An , có lẽ đặt hiệu chùa Tâm An là để nhớ lại bộ Kinh mà mình mến mộ ) . Mùa hạ năm At Mùi ( 1955 ) Sư Bà an cư tại Đà Lạt ( có lẽ tại chùa Linh Phong ) .
Tháng 7 năm 1955 Sư bà về Qui Nhơn xây dựng chùa Tâm Ấn , đến năm 1956 thì hoàn thành . Chùa Tâm Ấn trước đó ở gần nhà ga xe lửa Qui Nhơn .
Năm 1961-1962 với lòng thương lớn Sư Bà đã vận động quyên góp xây dựng Cô Ký Nhi Viện , nhân nuôi dưỡng các cháu mồ côi , vô thừa nhận . duy trì đến năm 1975 . Cùng năm 1962 Sư Bà trùng tu chùa Sanh Liên một lần nữa.
Năm 1964 đến nay Sư Bà là vị Ni Trưởng đại diện cho Ni Bộ Tỉnh Bình Định .
Năm 1967 ,tại xã An Mỹ, thị xã Pleiku , Tỉnh Gia Lai có hai Phật tử là Mai Lực và Trần thị Hạnh hiến cúng cho Sư Bà đất vườn và một ngôi nhà thờ nhỏ của giòng tộc . Sư Bà đã nhận và tái thiết thành ngôi chùa đặt tên là An Thạnh .
Năm 1967 Sư Bà Như Huệ ( Quản viện chùa Từ Nghiêm, Sài Gòn ) hướng dẫn phái đoàn Chư Ni sang hành hương các nước Phật Giáo á đông như Nhật Bổn , Đài Loan , Hồng Kông để tìm hiểu thêm về Đạo Phật ở các xứ này . Sư Bà có cùng tháp tùng trong chuyến hành hương này .
Năm 1973, Hoà Thượng Thanh Từ viện chủ Tu Viện Chơn Không ở Vũng Tàu , mở khoá tu học Thiền ,khôi phục lại tinh thần Thiền Tông Việt Nam. Theo khoá trình mỗi tháng một tuần lễ . Sư bà đã xin vào khoá tu này để tìm hiểu và thực hành Thiền ( thời gian khoảng hai năm )
Giai đoạn tham học này, Sư Bà cảm nhận yếu chỉ của Thiền Tông một cách rất sâu sắc. Kinh điển trước đây học ở Ni Viện Diệu Đức- Huế và Thích Nữ Học Đường ( trường Gia Giáo ) ở Sa Đéc có chỗ còn mập mờ chưa nắm hết những ý thú sâu nhiệm. Qua khoá tu này Sư Bà đã hiểu được huyền nghĩa uyên áo của Kinh Điển.
Năm 1982 , tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn say mê tìm hiểu giáo lý Thiền Tông . Sư Bà vào Sài Gòn tham học Thiền với Thiền Sư Duy Lực chùa Từ An . Thiền Sư Duy Lực người gốc Hoa là điệt tôn của ngài Lai Quả. Ngài Lai Quả đồng thời với Ngài Hư Vân, là danh tăng lỗi lạc của Trung Quốc cận đại.
Phái Thiền này tu theo phương pháp tham công án .
Mặc dù rất ham học hỏi nghiên cứu Thiền Tông , song trong thời khoá hằng ngày Sư Bà vẫn áp dụng pháp môn niệm phật, vì Sư Bà nhận biết nếu giây phút hiện tại mà sống có chánh niệm,thì Tịnh Độ chính trong giây phút hiện tiền , chứ không cách đây mười muôn ức cõi Phật gì hết.Do vậy Sư Bà luôn dung hợp giáo lý Thiền Tịnh ,trong tu tập cũng như hướng dẫn đệ tử hằng ngày .
Đệ Tử xuất gia và tại gia mỗi ngày mỗi đông, mà chùa Tâm Ấn xây dựng năm 1956 tại đường Tăng Bạt Hổ Thành Phố Qui Nhơn cũng đã xuống cấp và nhỏ hẹp so với nhu cầu sinh hoạt, nên vào năm 1995 Sư Bà đã quyết định trùng tu lại để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng quần chúng và tạo thêm cảnh quan cho quê hương đất nước . Lần trùng tu này chùa Tâm Ấn trở thành một danh lam của Tỉnh Bình Định .
Vì muốn có người Truyền Đăng Tục Diệm, thắp sáng ngọn đuốc chánh pháp, nên Sư Bà rất quan tâm tổ chức Giới Đàn . Sư Bà làm Chủ Đàn , Đường Đầu Hoà Thượng, Yết Ma, Giáo Thọ A Xà Lê, cho các Giới Đàn….
Vào những năm ? . . . . . . . .. . . . . . . .. . . . ở . .. … .. .. . . . . . . . . . . . . . . . .. . . .
Sư Bà có nhiều điểm hơi khác thường : Khi mới sinh ra thì đầu có chỏm tóc như các Điệu, lớn lên thì vóc dáng có tướng nam, Ý chí thì sắc đá kiên định, không bao giờ bỏ cuộc nửa chừng .
Hôm đó Thầy có hỏi Sư Bà :
Trong kinh Phật hay nói đến đàn bà nghiệp chướng rất nặng khó tu , cho nên trong giới nữ tu ai cũng muốn tu tập hết đời này khi tái sinh được chuyển thân nữ thành thân nam. Còn riêng Sư Bà thì sao ?
Cả một đời tu tập hành đạo , lo lắng cho Phật Pháp, cho Ni chúng . Khi mãn duyên ở cõi Ta Bà, Sư Bà có muốn vãng sanh cõi Cực Lạc hay không ? Có muốn đổi thân nữ thành nam để dễ tu tập và hành đạo như một số đông trong Ni giới mong ước hay không ?
Sư Bà trả lời : “ Cuộc đời tu tập hành đạo của tôi nếu có được chút công đức , phước đức gì , thì tôi xin Phật cho tôi kiếp sau được trở lại làm thân nữ để tu tập và dìu dắt Ni chúng tiếp . Bởi vì có làm thân nữ mới hiểu thấu được niềm đau nỗi khổ của giới nữ mà độ họ hiệu quả hơn” .
Viết và kể về cuộc đời của Sư Bà cho các con nghe mà không đưa bài thơ này vào trang tiểu sử lỡ thất lạc đi thì uổng lắm ! Đó là một bài thơ Sư Bà làm năm người 21 tuổi . Bài thơ như một bài tuyên ngôn và Sư Bà đã thực hiện được toàn vẹn bài tuyên ngôn đó cho đến cuối đời .
Nam mô chư Phật chứng cho lòng
Bể khổ thuyền từ nguyện lướt xông
Rán sức đánh tan đoàn chướng thuỷ
Ra tay dằn dẹp đám cuồng phong
Nguyện đưa ni chúng lên bờ giác
Thệ dắt nữ lưu khỏi bụi hồng
Tòng bá há nài cơn tuyết đổ
Vào sinh ra tử cũng như không.
Không ai nghĩ rằng 92 năm trước nơi vùng Kinh Bắc ( trung tâm Phật Giáo Luy Lâu của những kỷ nguyên đầu tây lịch ) một cô bé mới sinh ra trên đầu có ba chỏm tóc trái đào , hơi lạ so với các cháu bé gái khác một chút. Chính cái lạ đó để 92 năm sau trở thành một chứng nhân của thế kỷ , trở thành một cây đại thụ Bồ Đề của Phật Giáo toả bóng mát che chở cho rất nhiều chúng sinh hữu duyên .Một hạt Bồ Đề năm xưa của vùng quan họ Bắc Ninh đã nhân trồng ra thành nhiều cây Bồ Đề trong nước :Long Thành- Đồng Nai , Bà Rịa- Vũng Tàu , Sài Gòn , Pleiku –Gia Lai, Bình Định-Quy Nhơn , và cả ở nước ngoài nữa.
Nhìn lại sự nghiệp một đời tu của Sư Bà để lại, Thầy trò chúng ta hết sức kinh ngạc thán phục : Một chùa Tâm An kiến trúc mỹ thuật , nguy nga . Một chùa Sanh Liên lặng lẽ giáo dưỡng Ni chúng. Một chùa An Thạnh thầm lặng nhưng đóng góp đạo đức vô hành; một chùa Bửu Sơn đóng góp rất lớn cho ngành từ thiện Phật giáo Gia Lai ......
Vĩ đại thay cao cả thay tấm lòng của một bậc Đại Trượng Phu dưới hình hài của người nữ . Thân tứ đại của Sư Bà tuy không còn hiện hữu ở cõi đời nữa, nhưng Pháp Thân của Sư Bà thì bất sanh bất diệt. Trong gia đình tâm linh Sư Bà đã sanh con cháu quá nhiều , muôn đời tiếp nối.
Với đại nguyện mang thân nữ trở lại cõi Ta Bà hoá độ Ni giới ( và cho tất cả chúng ta nữa ) các giới Cận sự nam, Cận sự nữ ,đệ tử của Sư Bàbằng tuệ giác của nhà Phật hãy cẩn trọng thai giáo và khi sinh ra hãy nuôi dưỡng , un đúc đức tin tạo duyên cho các cháu phát triển hạt giống Bồ Đề. Bởi vì biết đâu trong các cháu bé thân thương đó có Sư Bà của chúng ta.
Chùa Bửu Minh-Gia Lai
Mùa An Cư Phật Lịch 2546
Thích Giác Tâm Biên Soạn