Để nhìn đời và để nhìn mây


Tác giả: Thích Giác Tâm
07/08/2013 19:06 (GMT+7)
Số lượt xem: 26106
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Tản văn.

Để nhìn đời và để nhìn mây. 
Tác giả: Thích Giác Tâm. 
  
  Bản điện tử Chùa Bửu Minh xuất bản tháng ngày 6.8.2013



Ghi chép chuyến đi thăm các chùa của BTS Phật giáo tỉnh Gia Lai, nhân mùa Phật đản PL: 2557


Nhắc đến những ngôi tự viện nổi tiếng tỉnh Gia Lai, chúng ta hình dung ra liền đó là chùa Minh Thành, đường Nguyễn Viết Xuân - Chùa Bửu Thẳng(tỉnh hội Phật giáo) đường Sư Vạn Hạnh - Chùa Bửu Nghiêm đường Lý Thái Tổ - Chùa Quan Âm, đường Trường Chinh - Tịnh xá Ngọc Phúc đường Phan Đình Phùng - Chùa Bảo Sơn đường Nguyễn Trãi ( các ngôi chùa vừa nêu đều nằm trong thành phố Pleiku) Chùa Bửu Minh, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh - Tịnh xá Ngọc Trung thị xã An Khê - Chùa Bửu Tịnh thị xã Ayun Pa....

 

Tỉnh Gia Lai có tất cả 82 ngôi chùa, ngoài các chùa nổi tiếng nói trên, khoảng 25 chùa thường thường bậc trung, hơn 40 chùa nhỏ, kiến trúc rất ít giống chùa, ta nhận ra vì có bảng hiệu và bên trong có thờ tượng đức Bổn Sư.

Như thường lệ mọi năm, lễ Phật đản năm nay Chư tôn đức thường trực BTS Phật giáo tỉnh chia nhau đi thăm các chùa đặt văn phòng BTS, và một số chùa tiêu biểu khó khăn trong tỉnh. Thường trực BTS chia thành 3 đoàn:

Đoàn 1: Thượng tọa Từ Vân, TT. Tâm Mãn, TT. Trí Thanh, TT. Giác Hiền đi thăm chùa Từ Quang , huyện Đức Cơ. Chùa Hồng Đức huyện Chư Prông. Chùa Linh Quang huyện Chư Pưh.

Đoàn 2: Hòa thượng Thanh Liên, TT. Quảng Châu, TT. Nguyên An, TT. Quang Phúc. Đi thăm chùa Thanh Trung huyện Đăk Đoa. Chùa Minh Châu huyện Mang Giang. Chùa Quy Sơn huyện Đak Pơ. Chùa Tân An, tịnh xá Ngọc Trung thị xã An Khê.

Đoàn 3: Hòa thượng Tâm Tường trưởng ban trị sự,  TT. Giác Duyên, ĐĐ. Giác Khánh và  tôi:  Giác Tâm đi thăm tịnh xá Phú Cường huyện Chư Sê,  chùa Bửu Thắng huyện Phú Thiện, chùa Bửu Tịnh, tịnh xá Ngọc Phú thị xã Ayun pa, và chùa Bửu Tịnh huyện Krông Pa. Cả đi lẫn về khoảng 300 km.

Các thông tin về đoàn 1 đoàn 2 chúng tôi chưa nắm được, riêng thông tin về đoàn 3  chúng tôi đi cùng do vậy nắm rất rõ. Với thói quen nghề nghiệp chúng tôi luôn quan sát,  luôn hỏi han và nhìn ngắm quê hương đạo pháp với tất cả niềm vui tự hào và nỗi buồn sâu lắng.

Điểm đến đầu tiên là tịnh xá Phú Cường do TT. Thích Giác Duyên trụ trì thuộc huyện Chư Sê. Huyện Chư Sê chùa và tịnh xá có 3 ngôi. Tịnh xá Phú Cường vừa mới thành lập nhưng cũng chỉ mới xây dựng được hai dãy nhà tăng, riêng chánh điện vẫn chưa xây dựng được. Một thân một mình với chiếc y vàng đi vân du hóa đạo khắp nơi để kết duyên Phật pháp với mọi người, với tâm nguyện rất lớn là:" mong sao đạo pháp đến được với bà con vùng sâu vùng xa, không làm được ngọn đuốc lớn để soi sáng một vùng lớn rộng cũng xin làm một ngọn đèn nhỏ soi trang sách nhỏ cho các em ".

Điểm dừng thứ hai là chùa Bửu Thắng huyện Phú Thiện do Sư Cô Quảng Như trụ trì, Chùa Bửu Thắng do Hòa thượng Đức Thiệu khai sơn năm 1960. Tiếp đoàn với tiếng chuông trống bát nhã trầm hùng được thỉnh lên, với vài mươi Phật tử mừng đón Thầy, với ly trà tình nghĩa, ly cà phê sữa đậm hương vị quê hương, trang trí mừng đón Phật đản sinh với tất cả tấm lòng. Bửu Thắng là ngôi chùa đẹp của huyện Phú Thiện và cả huyện cũng chỉ mới có một chùa.

Rời chùa Bửu Thắng đoàn đến huyện Ia Pa thăm chùa Bửu Thắng do ĐĐ. Đồng Tấn trụ trì, chùa do Hòa thượng Đức Thiệu khai sơn năm 1962 cả huyện cũng chỉ mới có một ngôi chùa. Chùa lợp tôn vách xây tạm bợ nằm bên bờ sông Ayun, mỗi khi mùa mưa về thì hai bên bờ sạt lỡ nặng. Đại đức Đồng Tấn đã quyên góp Phật tử xa gần mua được bốn sào đất ở địa điểm khác để dời chùa. Phật giáo là vậy tự thân của mỗi vị Tăng hành đạo theo cách riêng của mình, làm nông, làm nhang, làm tương chao, trồng cây cảnh để bán, ứng phó đạo tràng ( đi cúng) để có tiền độ nhật gìn giữ ngôi chùa mà mình đang trụ trì. Không có một tổ chức quốc tế ngoài nước giúp đỡ, không có giáo hội trong nước ủng hộ tài chánh. Cứ tự quyên góp những nhà hảo tâm, tự thân vận động, tự xây dựng tài bồi cơ sở vật chất cho Đạo, cho giáo hội. Không lệ thuộc tiền bạc ở các thế lực khác do vậy không ai có thể sai khiến bắt làm theo ý họ.

Chùa Bửu Thắng Ia Pa cách chùa Bửu Tịnh thị xã Ayun Pa 3 km, (nơi đặt văn phòng Ban Đại Diện Phật giáo Thị xã Ayun Pa) Thượng tọa Thích Trí Yên Chánh Đại Diện Phật giáoThị xã, trụ trì chùa Bửu Tịnh. Để chuẩn bị cho ngày lễ Phật đản PL. 2557 Ban Đại Diện thị xã tổ chức thật chu đáo trang nghiêm, có thiết kế vườn Lâm Tỳ Ny, lễ đài, cờ Phật tung bay phần phật trong trời gió lộng. Chùa Bửu Tịnh kiến trúc đẹp nằm bên bờ  sông pa, bên đầu cầu bến mộng, cảnh quan thơ mộng hữu tình. Mặc dù có báo trước nhưng TT. Trí Yên vì bận công tác Phật sự đột xuất đã không tiếp đoàn, ủy thác cho đệ tử là Đại đức Đức Minh đón tiếp. Xa xôi lăn lội tìm thăm nhân ngày Phật sinh mà không gặp được TT. Trí Yên các thành viên trong đoàn cũng có một chút buồn.

Buổi trưa đoàn dùng cơm tại Tịnh xá Ngọc Phú do Sư Cô Phục Liên trụ trì, tịnh xá đang thiết trí vườn Lâm Tỳ Ny trang hoàng mừng đón Phật đản sinh. Bữa cơm đạm bạc thân mật đạo tình.

Tạm biệt Tịnh xá Ngọc Phú  đoàn trực chỉ đi về huyện Krông Pa, nơi có chùa chùa Bửu Tịnh do Đại đức Như Chánh trụ trì. Từ chùa Bửu Tịnh Ayun Pa đi về chùa Bửu Tịnh huyện Krông Pa  xe chạy trên quốc lộ 25. Quốc lộ 25 dài 181 km, đây là một tuyến đường bộ Việt Nam nối Phú Yên thuộc duyên hải Nam Trung Bộ và Gia Lai thuộc Tây Nguyên. Quốc lộ 25 bắt đầu từ xã Hòa An của tỉnh Phú Yên đến thị trấn Chư Sê (Km 69-km180+810) của tỉnh Gia Lai.

Quốc lộ 25 giao với quốc lộ 14 đi Đăk Lăk tại ngã ba Chư Sê.

Quốc lộ 25 song song với dòng sông pa, quốc lộ tới đâu giòng sông chảy theo tới đó như đôi bạn. Mùa xuân năm 1975, quốc lộ này là chứng nhân cho sự biệt ly kẻ còn người mất, xe chạy trên xác người, giòng sông nghẹn xác người, núi non là mồ chôn con dân nước Việt bởi bom đạn chiến tranh,  đói và khát, một bi đông nước đổi một lượng vàng. Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm, những cây cầu gãy năm xưa nay đã lành lặn kiên cố, giòng sông nước chảy thanh bình, rừng xanh hơn, núi đẹp hơn và con đường đã được rút ngắn, bởi đang được nâng cấp tu bổ.

Chùa Bửu Tịnh Krông Pa, cách thành phố Pleiku 140 km, nhưng chỉ cách thành phố Tuy Hòa tỉnh Phú Yên có 80 km. Đại đức Như Chánh thường đi về thành phố Tuy Hòa mua sắm vật dụng cho chùa, ít đi về hướng Pleiku - Gia Lai. Cả huyện cũng chỉ có một ngôi chùa, một Tăng. Tại thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa trước năm 1975 có một ngôi chùa hiệu Bửu Quang do Hòa thượng Thích Đức Thiệu khai sơn, nhưng sau năm 1975 đã không còn tồn tại. Vị trí của chùa Bửu Quang, bây giờ là Trường Mẫu Giáo thị trấn Phú Túc.

Tỉnh Gia Lai đất rộng người thưa, Phật giáo có mặt tại tỉnh Gia Lai khoảng trên dưới 100 năm, các chùa tập trung hầu hết ở thành phố Pleiku. Các huyện lỵ mỗi nơi chỉ có từ một đến hai chùa. Tăng Ni người địa phương Gia Lai đi tu học thành đạt non một trăm người, nhưng không về Gia Lai, không dấn thân hoằng pháp, không chịu được gian khổ, chỉ tìm đến các tỉnh khác lưu trú có điều kiện sống tốt hơn. Giáo hội cũng chẳng biết cách nào khác hơn để gìn giữ số lượng Tăng Ny học hành thành đạt này ra hoằng đạo ở vùng sâu vùng xa tỉnh Gia Lai. Phật giáo đã lơ là trong công tác truyền đạo cho đồng bào dân tộc thiểu số,  các tôn giáo khác lặn lội vào nơi sâu thẳm để truyền đạo, ăn chung ở chung với người đồng bào dân tộc, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ muốn gì, thích gì và cho tặng, cho rất ít nhưng biết cách cho và luôn gần gũi nên gặt hái rất nhiều tín đồ. Với cách thụ động không chịu dấn thân hoằng pháp  của Tăng Ny, thì chỉ  trong vòng vài mươi năm nữa: " Bừng con mắt dậy thấy mình tay không". Huyện Kông Chro có một tăng sĩ Phật giáo du học ở Trung Quốc có bằng Tiến sĩ giáo dục  đó là Tiến sĩ Thích Giác Nhường, nhưng không trụ lại ở quê hương mình, đã bỏ quê hương mình đi làm đạo ở tỉnh Đắc Nông. Huyện Kông Chro và huyện K' Bang của tỉnh Gia Lai chưa có chùa Phật giáo, ban trị sự Phật giáo Gia Lai các nhiệm kỳ trước đã bỏ trắng hai huyện này.

Phật giáo từ xưa đến nay là vậy, được chăng hay chớ  làm đạo không  phương  pháp, không lo xa , không quản lý điều phối được Tăng Ny, mạnh ai nấy làm tự phát, do vậy hướng phát triển cho Phật giáo trong tương lai rất khó thành tựu.

Ước mong các nhà hảo tâm trong nước, ngoài nước vì đạo pháp dân tộc, cùng có cái nhìn lo xa cho đạo pháp giúp cho BTS Phật giáo nhiệm kỳ 2012 - 2017 tỉnh Gia Lai chúng tôi mua được đất ở các vùng sâu vùng xa, hoặc có đất sẵn hiến tặng và từng bước chúng tôi sẽ thành lập Niệm Phật đường, Tịnh xá, Chùa để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho bà con Phật tử. Một nhu cầu tâm linh thiết yếu không thể thiếu trong sinh hoạt của kiếp người.

Phật đản Phật lịch 2557

Chùa Bửu Minh Gia Lai

Thích Giác Tâm

-----------------------



Âm lịch

Ảnh đẹp