Pleiku ngày 1 tháng 6 năm 2000.
Các con yêu quý của Thầy!
Quê mẹ của các con, và cũng là quê của Thầy nữa, hiện giờ là mùa mưa. (Không biết quê Ba của các con ở Nha Trang mùa này mưa hay nắng?).
Trong ba tháng mùa mưa
từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy, theo tập tục nhà Phật Thầy không ra ngoài, ở
yên tĩnh tu, chỉ sinh hoạt trong khuôn viên chùa. Đang là mùa mưa, nhưng sáng
nay trời không mưa mà còn nắng ấm nữa. Ngồi trong nhà Tăng viết thư cho các
con, nhìn ra sau vườn Thầy thấy các hàng bồ ngót đọt non đâm ra xanh dờn. Vườn
chè xung quanh chùa búp mơn mởn, xa xa là dãy núi Tiên Sơn, khí đá tỏa lên mờ mờ
trông như một bức tranh thủy mặc.
Trước mặt Thầy là tấm ảnh
Thầy đang làm lễ truyền giới cho bốn người đệ tử nhỏ của Thầy dưới Kim Thân Phật
Tổ trên đồi Trại Thủy Nha Trang. Cũng tại nơi này năm 1973 Thầy đã thọ giới Sa
Di để trở thành sư chú.
Pháp danh Thầy đặt cho
các con bắt đầu bằng chữ Thường, dấu hiệu cho biết các con thuộc về thế hệ thứ
42 tông Lâm Tế. Thầy suy nghĩ thật lâu để đặt tên cho các con. Đứa lớn nhất Thầy
thấy con nói hơi nhanh giống mẹ, đi đứng làm việc cũng nhanh nữa nên Thầy đặt
là Thường Nghiêm. Mong muốn con nghiêm trang chững chạc trở lại.
Đứa thứ hai Thầy đặt là
Thường Tánh. Tánh là tên khác của Tâm, Thường Tánh cũng có nghĩa là Tâm bình
thường (bình thường tâm thị đạo).
Tâm bình thường là đạo,
hiếu kính cha mẹ luôn nhớ đến cội nguồn và tìm hiểu nền văn hóa Việt Nam, giữ đức
tin trong mọi hoàn cảnh và nổ lực học cho thành tài để mai này về nước phục vụ
tổ quốc quê hương.
Tâm đó là tâm bình thường,
đạo được thể hiện nơi tâm bình thường đó, khỏi phải đi xuất gia như quý Thầy,
quý Sư Cô.
Đứa thứ ba Thầy đặt là
Thường Hạnh, mong muốn có phẩm hạnh, nết na, thùy mị dịu dàng, một trong bốn đức
(Công, Dung, Ngôn, Hạnh) của người
con gái phương Đông Việt Nam.
Đứa Út Thầy thấy con hiếu
động ưa nói chuyện nhiều, Thầy đặt tên là Thường Định, mong con tâm được an định,
đừng vọng động lăng xăng nhiều mà khổ.
Các con thương!
Hôm làm lễ Quy y cho
các con, không có thời gian nhiều nên Thầy không giảng rõ từng Pháp danh các
con hiểu. Hôm nay thì rõ rồi đấy! Thầy mong các con luôn nhớ đến Pháp danh, cái
tên từ nơi gia đình tâm linh của mình mà có. Người phương Đông chúng ta rất
quan trọng khi đặt tên cho con, cho cháu. Thầy rất kỳ vọng ở tương lai các con
nên Thầy đã để tâm nhiều khi đặt. Khi ngồi chơi thỉnh thoảng các con cũng nên
viết tên mình trên giấy, với chánh niệm thật sâu sắc các con sẽ thấy có Phật,
có Tổ, có Thầy trong những cái tên đó. Nguồn sinh mệnh của đạo pháp trải dài hơn
25 thế kỷ qua không biết bao nhiêu là thế hệ và được các con tiếp nối, Thầy rất
hạnh phúc, rất tự hào được các con theo dấu chân Phật, chân Thầy. Thầy cảm ơn
Ba, Mẹ các con đã khéo nuôi dưỡng các con cả vể thể chất lẫn tinh thần, nhìn
các con ngồi đọc say mê truyện cổ Phật giáo, lạy Phật, chắp tay, xá chào khoan
thai thảnh thơi nhẹ nhàng. Thầy vô cùng xúc động, sung sướng.
Sống trong kiếp người,
niềm vui thì ít mà nỗi khổ quá nhiều. Riêng các con có nhiều duyên phước nên mới
có Ba, Mẹ như vậy, hướng các con đi vào con đường Chân Thiện Mỹ. Có một gia
đình huyết thống đầm ấm cả nhà thương nhau, có một gia đình tâm linh thầy, bạn
hết lòng thương mến nâng đỡ. Hôm trước Thầy có gửi cho các con bốn tượng Thầy
trò Đường Tăng, các con có thích không? Chơi chung với nhau đừng có tranh giành
nghen! Ở Việt Nam hiện giờ đài truyền hình Gia Lai cũng đang chiếu phim Tây Du
Ký, Thầy cũng có coi, vui quá chừng vui! Bởi vì trong phim có anh chàng Tôn
Hành Giả, Giả Hành Tôn nghịch ngợm quậy phá như khỉ. Viết tới đây Thầy nhớ lời
của Thường Tánh quá: “Mua một tượng Phật chung cho bốn đứa tụi con được rồi, đừng
mua mỗi đứa một tượng mà tốn tiền”, vừa nói vừa khèo nhẹ vào tay Thầy. Thường
Tánh còn nhỏ xíu mà đã có cái tính “biết đủ” và biết xót tiền của người khác,
khiến Thầy cảm động lắm!
Thầy trò ta tuy nghìn
trùng xa cách, nhưng lúc nào Thầy cũng thấy dường như các con bên cạnh, đầy ắp
kỷ niệm, đụng đến là kỷ niệm xôn xao thức dậy liền. Nhớ lại hôm cả gia đình đi
một vòng Nha Trang, không khí sao mà ấm cúng thân thương quá đỗi. Hình ảnh khiến
cho Thầy nhiều cảm xúc nhất trong đời là tối hôm đó sau khi làm lễ truyền Tam
quy, Ngũ giới cho các con trên đồi Trại Thủy, các con mời Thầy ngồi rồi quì xuống
lạy thưa: “Bạch Thầy chúng con có duyên
phước lớn, được làm con của Ba, Mẹ, được Thầy nhận làm đệ tử. Trước lúc đi xa
chúng con không biết nói gì hơn, cầu chúc Thầy ở lại được nhiều sức khỏe để dìu
dắt chúng con trên con đường tu học sau này. Và chúng con có một chút quà nhỏ,
kính dâng lên Thầy, mong Thầy nhận cho chúng con vui”. Tác bạch xong rồi
các con lạy Thầy ba lạy.
Nghe nói các con đã lớn,
mập khỏe hơn xưa nhiều. Nhưng trong ký ức tâm tưởng của Thầy, các con vẫn còn
nhỏ xíu, ốm nhom với hàm răng cái ra, cái vô xiên vẹo, tuy vậy nhưng các con đứa
nào cũng rất thông minh ham đọc, hiểu nhiều. Thầy thương nhất là điểm đó, hiểu
biết nhiều thì tốt nhưng đừng lý luận tranh nhau hơn thua nghe chưa.
Trở lại chuyện tính
tình của Thường Tánh, tuy còn nhỏ nhưng đã biết quan tâm đến người khác, không
mong cầu, ước ao, đòi hỏi. Nếu chỉ nói về Thường Tánh thôi thì Thường Nghiêm,
Thường Định, thường Hạnh sẽ so bì. Nhân đây Thầy nói, mỗi lần tiếp xúc với Phật
tử nhỏ nào nói chuyện nhanh nhanh như bắp rang, tính tình hời hợt là Thầy nhớ đến
Thường Nghiêm, nói tiếng trong veo như chim sơn ca hót là nhớ đến Thường Hạnh,
vốn từ phong phú nói câu nào ra câu đó là Thường Định
Mỗi lần nhìn lại tấm ảnh
mấy Thầy trò chụp chung ở tu viện Giác Hải - Vạn Giã - Vạn Ninh niềm vui tràn
ngập tâm hồn Thầy. Đúng là Thầy trò thương nhau, bốn đứa nắm hai cánh tay Thầy
xiết chặt, quấn quýt và luôn bu quanh Thầy, còn lấy mũ len của Thầy đội nữa
trông mới ngồ ngộ làm sao.
Còn lâu lắm các con mới
trở về quê mẹ Pleiku, lúc bấy giờ các con đã trưởng thành hết, còn Thầy chắc đã
già lắm rồi. Không biết các con có còn nhớ đến Thầy và chịu về thăm không nữa?
Nhưng riêng Thầy, Thầy không bao giờ quên được các con, những đứa con tinh thần
được Thầy sinh ra dưới Kim Thân Phật Tổ, nơi miền thùy dương cát trắng, phong cảnh
thơ mộng hữu tình.
Thầy
của các con