CHẾT AN LẠC TÁI SINH HOAN HỶ


Nguyên tác Anh ngữ: Peaceful Death, Joyful Rebirth của đại sư học giả Tulku Thondup Việt dịch: HT. Thích Như Điển & TT. Thích Nguyên Tạng Chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu ấn hành 2011
17/06/2011 08:47 (GMT+7)
Số lượt xem: 16690
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chương 03

CHƠN TÁNH TỐI THƯỢNG

THOÁNG THẤY TÁNH QUANG MINH

 

Nó là căn bản của tâm, trí tuệ an lạc tối thượng và sự quang minh của tâm
Chúng ta phải sửa soạn để nhận ra nó vào lúc chết, ngay cả khi không giữ được nó, chỉ riêng ký ức về quang minh, cũng làm giảm được nhiều đau khổ và vô minh.

Sau khi chúng ta ngừng thở, chơn tánh của tâm xuất hiện và chúng ta sẽ trải qua giai đoạn chơn tánh. Giai đoạn này gồm một số cơ hội quan trọng để đạt đến giải thoát, nhưng để nhận biết những cơ hội này, chúng ta cần phải thành tựu pháp tu Mật tông cao cấp như pháp Dzogpa Chenpo (Dzogchen) của Phật Giáo Tây Tạng. Như vậy những kinh nghiệm được mô tả trong chương này có thể chỉ dành cho những hành giả đã thành tựu cao. Trái lại, những người bình thường rơi vào hôn mê qua một phần của giai đoạn chơn tánh và rồi thức dậy với những ý niệm và cảm xúc thô kệch. Nếu người đọc cảm thấy chương này quá phức tạp, có thể an toàn chuyển sang chương 4.

CHƠN TÁNH CHỨNG NGHIỆM LÚC CHẾT

Đối với những hành giả đã thành tựu, giai đoạn chơn tánh tối thượng bắt đầu khi tánh quang minh căn bản, chơn tánh của tâm xuất hiện. Giai đoạn chơn tánh kết thúc với sự tan biến của linh thị hiện diện tự nhiên. Theo lời giải thích của Đại Sư Tsele rằng trong một số truyền thống, tính chất quang minh của chơn tánh được xem là một phần của tiến trình hấp hối. Nhưng trong pháp tu Dzogchen, quang minh được xem là một lộ trình riêng. Trong cuốn sách này tôi sẽ trình bày theo truyền thống Dzogchen.

Theo Mật Tông, mọi chúng sanh đều có Phật-tánh hay chơn tánh giác ngộ. Do vậy, khi tất cả những ý niệm và cảm xúc tan nhập vào sự thanh tịnh nguyên thủy vào lúc chết, thì quang minh của trí tuệ nguyên thủy chiếu tỏa ra đối với mỗi sanh linh. Dù là  tâm của côn trùng nhỏ nhất cũng sẽ trải qua kinh nghiệm này, ít nhất trong một phần giây, chơn tánh của mình, tánh quang minh, và sự hiện diện tự nhiên của chính nó, linh thị về tính chất quang minh.

Nếu chúng ta là những hành giả có nhận thức cao về bản chất tối thượng của tâm, và nếu sắp đạt đến giác ngộ, chúng ta có thể nhận ra và duy trì bản tánh tối thượng và cái thấy của nó như nó là, vào bất kỳ giai đoạn nào của thời gian này. Thí dụ khi chơn tánh xuất hiện, nếu chúng ta có thể nhận biết nó và hoàn thiện hay duy trì nhận biết này, chúng ta sẽ giải thoát và đạt giác ngộ ngay sau đó. Sự xuất hiện của linh thị về tánh quang minh tiếp theo sau đó cũng giống như vậy – như ánh sáng, âm thanh, thân tướng của các thần hiền minh hay phẫn nộ, và những cõi hạnh phúc hay đau khổ. Nếu có thể thấy chúng như những linh thị tự xuất hiện, đã xuất hiện một cách tự nhiên từ tánh quang minh, và nếu chúng ta có thể duy trì sự chứng nghiệm đó, chúng ta sẽ đạt giác ngộ. Vào bất kỳ giai đoạn nào, nhận ra sự thật và duy trì sự chứng nghiệm đó, chúng ta cũng đều đạt giác ngộ, và như vậy sẽ không cần đi xa hơn trong cõi trung ấm bardo.

Dù việc đạt đến giác ngộ trong giai đoạn chứng ngộ chơn tánh đòi hỏi trình độ tu tập Mật giáo phải cao, nhưng một sự quen thuộc đơn sơ nhất với bản chất của tâm cũng có thể giúp chúng ta trong giai đoạn này. Chúng ta có thể thoáng chứng ngộ chơn tánh. Dù sự kiện này không chuyển thành giải thoát, nhưng sức mạnh của sự thoáng thấy chơn tánh và những linh thị của mình sẽ làm giảm nhiều sự lo sợ và đau đớn của chúng ta khi chúng ta đi qua cõi trung ấm. Nó sẽ mang lại sự an lạc, tạo công đức, và đưa chúng ta đến một kiếp sau tốt đẹp hơn.

Nhưng nếu có rất ít hay không có kinh nghiệm thiền quán, chúng ta có thể không ghi nhận được gì cả thì khi chơn tánh xuất hiện, vì có thể nó quá xa lạ, ngắn ngủi hoặc vô hình đối với chúng ta. Hay khi nhận ra nó, chúng ta có thể kinh nghiệm nó nhưng chỉ trong khoảnh khắc ngắn nhất. Như vậy, chơn tánh thoáng xuất hiện mà chúng ta không nhận ra, vì phần lớn chúng ta rơi vào vô thức. Khi tỉnh lại, chúng ta bắt đầu kinh nghiệm đủ loại linh thị, những sự xuất hiện, những âm thanh, những cảm giác – hoặc hấp dẫn và đẹp đẽ, hoặc đáng sợ và xấu xa. Nếu không đào luyện trong thiền định, chúng ta sẽ bám giữ vào cái thấy chủ thể và đối tượng của mình, thấy chúng như thật và trở nên sợ hãi hay bị chúng thu hút. Nếu như vậy, chúng ta sẽ phải trải qua trọn vẹn giai đoạn trong cõi trung ấm và sự tái sanh, đó là vận mạng của gần như tất cả chúng ta.

Đối với những hành giả đã chứng ngộ, Phật giáo Tây Tạng trình bày chi tiết những kinh nghiệm và cơ hội mà họ có thể có trong giai đoạn chơn tánh. Thứ tự diễn ra và  những kinh nghiệm này có thể khác nhau tùy từng người, như những câu chuyện mà các delog mô tả. Đại Sư Tsele nói rằng đó là vì người ta có tâm, cảm xúc, và thể chất khác nhau. Nhưng nói chung, giai đoạn chơn tánh tối thượng có hai phần chính: (1) tánh quang minh thanh tịnh của chơn tánh và (2) những linh thị quang minh hiện diện tự nhiên.

Tánh quang minh thanh tịnh của chơn tánh có bốn giai đoạn phụ:

1. Hư không hợp nhất với quang minh. Điều này cũng được gọi là sự tan nhập của "thành tựu" (hay sự tối) vào “quang minh”. Ở điểm này, hơi thở bên trong của chúng ta hoàn toàn ngừng lại, tâm và thể xác đã phân ly và tánh giác của chúng ta giống như một tia lửa bắn vào không gian. Thần thức của chúng ta đã thoát khỏi thể xác. Vào lúc đó, chúng ta chứng nghiệm tánh quang minh của chơn tánh. Đây là quang minh của pháp thân (dharmakaya). Nó là sự hợp nhất của trong sáng và tánh không, giống như bầu trời trong sáng không mây của một buổi sáng đầu mùa thu. Ngài Karma Chagme Rinpoche, một bậc đại sư của thế kỷ mười bảy nói rằng: “khi sự tối đen biến đi, thì tánh quang minh của chơn tánh sẽ xuất hiện. Nếu có thể nhận ra tánh sáng của chơn tánh đó, và có thể duy trì sự chứng ngộ đó, chúng ta sẽ đạt được giác ngộ”.

Tất cả những nhận thức của chúng về thế giới bên ngoài, những vật như đất và đá, đều tan biến. Nhưng linh thị sáng chói bên trong về chơn tánh sẽ xuất hiện. Mọi linh thị sẽ sáng chói như ánh sáng của năm trí tuệ nguyên thủy (trí pháp giới, trí như gương, trí bình đẳng, trí quán sát và trí thành tựu).

2. Quang minh tan nhập vào hợp nhất. Giai đoạn này là sự hợp nhất của tánh Không và sắc tướng. Đây là quang minh của báo thân (sambhogakaya). Chúng ta sẽ thấy những hình dạng hiện diện tự nhiên của các vị Thần phẫn nộ. Chúng ta sẽ nghe những tiếng gầm lớn của những âm thanh tự nhiên giống như sấm sét. Chúng ta sẽ chứng kiến một cơn mưa vũ khí của tia sáng và ánh sáng. Những ánh sáng của những sắc tướng sáng chói này là năng lực tự nhiên phát sanh từ sự thanh tịnh và tánh Không của tâm chúng ta. Những âm thanh là sự biểu lộ tự nhiên của tâm bản nhiên chúng ta. Nhưng nếu không biết như vậy, chúng ta có thể bất tỉnh vì sợ hãi những hình dạng và những âm thanh đó.

Thêm nữa, toàn thể vũ trụ có thể xuất hiện như một cõi ánh sáng rực rỡ, với những hình dạng ánh sáng đẹp đẽ của các vị thần hiền  hòa trong vô số vòng tròn ánh sáng năm màu. Những chuỗi ánh sáng với vô số tia sáng chiếu ra từ tim chúng ta và hòa nhập vào trái tim của các vị Thần. Sau đó tất cả các vị thần hòa nhập vào chúng ta, mà sự thật, các Ngài là những phương diện của chơn tánh giác ngộ của chính chúng ta. Chúng ta đạt đến giải thoát bằng việc nhận ra các Ngài mà không sợ hãi hay chấp thủ họ như những sự tự xuất hiện.

3. Hợp nhất tan nhập vào trí tuệ. Từ tim của chúng ta phóng ra những luồng ánh sáng màu xanh, trắng, vàng, và đỏ chồng lên nhau. Mỗi con đường giống như luồng ánh sáng này được trang trí với một vòng ánh sáng màu sắc tương ứng và lớn cỡ một tấm gương tròn cầm tay. Vòng ánh sáng này lại được trang trí với năm vòng ánh sáng nhỏ cỡ hạt đậu. Đây là ánh sáng của năm trí tuệ nguyên thủy: trí pháp giới, trí như gương, trí bình đẳng, trí quán sát và trí thành tựu. Ở bên trên, chúng ta sẽ thấy một cái lọng được làm bằng ánh sáng ngũ sắc, hay ngũ trí, giống như một lọng bằng lông chim công.

Ở điểm này, chúng ta có thể đạt được ba sự giải thoát. Khi chúng ta giải thoát được sự chấp thủ thân xác như tự ngã, chúng ta chú trọng trong chơn tánh tối thượng, và đó là sự giải thoát của thể xác vào quang minh. Khi thoát khỏi những nguyên tố thô và tế, những nhận thức của chúng ta đã được giải thoát thành quang minh đại lạc. Vì đã thoát khỏi những phiền não thô và tế, chúng ta nhận ra bản lai diện mục của giải thoát bằng việc hợp nhất với chơn tánh nội tại.

4. Trí tuệ tan nhập vào trạng thái trí giả hiện diện tự nhiên. Ở giai đoạn này, linh thị về những trí tuệ gồm bốn luồng ánh sáng hòa nhập vào những ánh sáng giống như cái lọng bên trên. Rồi những hình ảnh biểu tượng sau đây xuất hiện như hình phản chiếu trong gương: Chúng ta cảm thấy như mình đang trông thấy sự xuất hiện của pháp thân, vốn là sự thanh tịnh nguyên thủy, giống như bầu trời không mây trong không gian bên trên. Ở phía dưới, chúng ta thấy những cõi tịnh độ của báo thân, sự thành tựu tự nhiên được tượng trưng bằng những hình ảnh các vị thần hiền hòa và phẫn nộ. Ở dưới nữa, chúng ta thấy những cõi tịnh độ của hóa thân trong nhiều hình biểu hiện khác nhau. Ở dưới cùng, chúng ta thấy sáu cõi luân hồi bất tịnh. Vì tất cả đều xuất hiện tự nhiên và hiện diện một cách bình đẳng, và vì tất cả xuất hiện trong tánh từ bi vốn là năng lực toàn giác, nên không có sự phân biệt giữa sinh tử và Niết bàn. Vào lúc này, chúng ta cũng có thể chứng nghiệm nhiều loại trí tuệ Phật, thí dụ như trí tuệ biết trước mọi việc. Sau cùng, tất cả những linh thị thành tựu tự nhiên đó tan nhập vào chơn tánh, giống như ánh sáng của một khối pha lê tan nhập vào chính khối pha lê đó.

Ở giai đoạn này, cần phải dùng hai công cụ thiền then chốt. Thứ nhất, chúng ta phải nhận ra chơn tánh, tính chất nguyên thủy của tâm, như thể gặp lại người bạn cũ. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ chứng ngộ thật tánh của mọi vật. Chúng ta sẽ vượt lên trên hai ý niệm "có” và “không” và sẽ đắc Phật quả (Buddhahood), trạng thái giải thoát trọn vẹn.

Trong giai đoạn thứ hai của sự chứng ngộ chơn tánh tối thượng, những linh thị quang minh hiện diện tự nhiên, chúng ta phải nhận ra những linh thị về những hình dạng và âm thanh khác nhau, là những năng lượng hiện diện tự nhiên của tâm giác ngộ chính mình. Rồi những linh thị sẽ xuất hiện như ngũ trí hiện diện tự nhiên và những  đồ hình cõi Phật (Buddha-mandala), bất khả phân với tự tâm giác ngộ. Nhưng nếu chúng ta thấy hình ánh sáng và những âm thanh, là những vật đối tượng phân cách với tâm của mình thì như vậy sự chấp thủ của chúng ta vào tự tánh của những cái thấy với những khái niệm nhị nguyên sẽ làm cho những linh thị đó xuất hiện như những hiện tượng khác nhau của những nhận thức thô kệch và những cảm xúc phiền não, cũng như của cõi vật chất. Chúng ta có thể bất tỉnh vì sợ hoặc bị chúng thu hút. Như vậy chúng trở thành nhiên liệu cho những kiếp luân hồi nhiều thêm nữa. Đại Sư Liên Hoa Sanh đã khai thị:

Khi giai đoạn của chơn tánh tối thượng xuất hiện,
Hãy buông bỏ mọi hãi hùng và kinh sợ,
Mà nhận ra tất cả những sự kiện chỉ là sự tự xuất hiện của chơn tánh tối thượng.

Đại Sư Jigmed Lingpa khai thị:

Nếu con phân tích trạng thái chơn tánh
Sẽ thấy có nhiều phương diện để phân tích.
Nhưng nếu con chỉ phân tích bản thân người phân tích,
Sẽ không thấy có gì cả.
Và hãy buông bỏ cả ý niệm “không hiện hữu”.
Đây là trạng thái giải thoát trọn vẹn.

Đại Sư Longchen Rabjam khai thị:

Qua năng lực của chơn tánh
Đất, nước, lửa, và gió tan nhập vào cõi không 
Rồi cõi không tan nhập vào quang minh.
Lúc đó, sáu giác quan và chơn tánh tan nhập vào cõi chơn không.
Tâm sẽ phân ly với thể xác
Chơn tánh sẽ thoát khỏi hiện tượng.
Pháp thân thanh tịnh không vọng niệm sẽ xuất hiện.
Lúc đó, nếu con có thể nhận ra những trạng thái thiền định mà con đang chứng nghiệm,
Thì sẽ được giải thoát trong một khoảnh khắc mà không bị chướng ngại
Đó là đắc pháp thân thanh tịnh.

Còn nếu con không chứng ngộ sự xuất hiện của pháp thân
Thì những linh thị quang minh và chơn tánh sẽ xuất hiện
Không gian sẽ tràn đầy âm thanh, ánh sáng, và tia sáng cũng như hình ảnh của các vị thần hiền hòa và phẫn nộ.
Nếu con có thể nhận ra chúng là những hình ảnh tự xuất hiện
Con sẽ đạt được giải thoát và giác ngộ.
Do vậy, cần phải biết mọi sắc tướng đó là tự xuất hiện từ tâm giác ngộ của con.
Do chứng ngộ bản tánh của chúng mà con sẽ đạt được Phật quả.

Đại Sư Longchen Rabjam ghi nhận:

Một hành giả đạt giải thoát ngay trong kiếp này
Phân giải nguyên tố đất vào nước, nước vào lửa, lửa vào gió, gió vào thần thức, và thần thức vào quang minh;
Rồi hợp nhất với trí tuệ và chơn không
Hành giả đạt trạng thái nguyên thủy thường trực
Vì lợi ích của chúng sanh, giống như một giấc mộng, với trí tuệ và hai thân Phật (pháp thân và hai sắc thân kia).
Hành giả sẽ xuất hiện trước chúng sanh như những hoạt động Phật sự để cứu độ họ.

Một người hỗ trợ là người giúp chúng ta trải qua giai đoạn chơn tánh có thể nhắc chúng ta nhớ về những pháp tu tập của mình, nếu chúng ta là những hành giả của Mật giáo. Đại Sư Chagme Rinpoche viết:

Người hỗ trợ nên gọi ngay bên tai
và lập lại ba lần, nói:
"Quang minh chơn tánh đã xuất hiện
vậy hãy an trụ trong thiền quán.
Sự thể hiện của Chư Phật
Vị Thầy và chơn tánh của bạn đã trở thành một
Bây giờ hãy nhìn vào tâm của mình
Tánh không của nó là vị Thầy, tức pháp thân
Tánh trong sáng của nó là vị Thầy, tức báo thân
Sự xuất hiện của những thứ khác nhau là vị Thầy tức hóa thân".

Người hỗ trợ cũng có thể giải thích những linh thị về chơn tánh, Đại Sư Chagme Rinpoche viết:

Bốn hướng, trung ương, trên, và dưới tràn đầy ánh sáng, tia sáng, và những quả cầu ánh sáng.
Bầu trời tràn đầy những vị thần hiền hòa
Tỏa hào quang,  ánh sáng rực rỡ, vinh quang và huy hoàng.
Từ tim của những vị Thần những con đường của năm trí tuệ
Với những tia sáng lóe lên chạm vào tim con.
Cùng những ánh sáng này cũng có những con đường đến sáu cõi luân hồi.
Cũng bằng ánh sáng năm màu nhưng không sáng chói.
Khi con trông thấy chúng, nhưng đừng đi theo con đường của sáu cõi.
Hãy đi theo năm con đường sáng chói của năm trí tuệ.
Hãy thành kính nguyện cầu chư Phật của ngũ bộ Phật.
Sau đó, những vị Thần bảo hộ của riêng mình, các Thiên nữ (Dakini), các vị hộ pháp cũng sẽ xuất hiện
Với tám trang phục nghĩa địa và chín hình dạng
Với âm nhạc, tiếng hô sấm sét HUNG và PHAT,
Làm rung chuyển cả thế gian,
Đến để đón rước đi qua giai đoạn chuyển tiếp.

Đừng sợ họ, mà hãy xem các Ngài như những vị Thần bảo hộ của con.
Các Ngài sẽ đưa con đến những cõi trời thanh tịnh.
Sau đó, những vị Thần phẫn nộ uống-máu
Sẽ đến đón tiếp con đi qua giai đoạn chuyển tiếp.
Các vị này rất đáng sợ và dữ dằn, không dám nhìn
Tiếng gầm HUNG và PHAT giống như hàng ngàn tiếng sấm sét cùng lúc.
Tất cả bầu trời, hư không, và thế gian sẽ tràn đầy những Thần phẫn nộ này.
La hét " Giết, giết" và "Đánh, đánh", các vị phát ra những vũ khí tia sáng.
Các vị bao vây con như vây bắt một phạm nhân, và con sẽ không thể thoát.
Nhưng các vị không phải đến từ nơi nào khác.
Các vị là những vị Thần của chính thân con.
Đừng hoảng sợ họ
Nhận lầm những thế lực đón tiếp mình là những kẻ thù.
Ở vào giai đoạn quan trọng này
Đừng chạy trốn mà hãy phát lòng sùng kính đến các Ngài.

Trong cả hai tiến trình hấp hối và sự xuất hiện chơn tánh tối thượng, chúng ta chứng nghiệm nhiều loại ánh sáng và hiện tượng khác nhau. Những người đã giác ngộ thấy và cảm nhận chúng ở một mức độ vô phân biệt chứ không theo lối nhận thức chủ thể- đối tượng. Họ có thể trông thấy và kinh nghiệm hàng trăm thứ cùng lúc, nhưng không nhất thiết phải thông qua mắt và tai của mình mà với toàn thể, với mọi thứ sinh động ở trước tánh giác của họ. Mọi sắc tướng đều an lạc, nhất như, và là chơn không, dù có hình dạng hiền hòa hay phẫn nộ. Không có sự phân biệt giữa tốt xấu, giữa cái này với cái kia, giữa thương hay ghét, giữa đau đớn và hứng khởi. Ngược lại, càng chứng ngộ cao người ta càng thấy trọn vẹn những sự vật cùng lúc. Còn phần lớn người bình thường thì kinh nghiệm những sự vật với tâm giới hạn, mê lầm, đau đớn, và sợ hãi trong giai đoạn hấp hối này.

Độ dài thời gian mà người bình thường chứng kiến những linh thị khác nhau của chơn tánh tối thượng, nếu có thì hoàn toàn tùy thuộc vào trình độ và kinh nghiệm thiền quán của họ. Đại Sư Tsele viết cuốn “Giải Thoát Bằng Sự Nghe”(sách này có chỗ gọi là Tử Thư Tây Tạng, Tibetan Book of the Death) và những sách khác nói về người hấp hối thấy ngũ bộ Phật như Đức Phật A Súc (Akshobya) với đoàn tùy tùng trong đêm thứ nhất (hay tuần đầu tiên sau khi chết) và Phật Bảo Sanh (Ratnasambhava) trong đêm thứ hai (hay tuần). Nhiều người chấp nhận điều này như chu kỳ ngày và đêm thông thường. Nhưng thật ra, sự trông thấy được các vị Phật này là một phần của sự thể nhập thiền định, và người bình thường sẽ chỉ thấy hình ảnh này trong một khoảnh khắc.”

Khi đọc về ánh sáng trong những văn bản mô tả sau khi chết này, có thể nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ, “Ồ, đúng, những ánh sáng này phải là những luồng ánh sáng hay những hiện tượng giống ánh sáng mặt trời từ nơi nào đó.” Nhưng trong nhận biết thật sự, chúng ta không nhận thức ánh sáng này như những vật đối tượng của nhãn thức hay như những hiện tượng được sinh ra từ một nguồn nào đó hay đến từ một nơi nào khác. Mà ánh sáng đó là sự trong sáng và quang minh, cũng là sự an tĩnh, hạnh phúc, cực lạc, chơn không, nhất như, và trí tuệ. Chúng ta là ánh sáng, và ánh sáng là chúng ta: tất cả là một. Đây là sự hợp nhất của trí tuệ tự nhiên, vốn là quang minh của chơn tánh tối hậu và những linh thị quang minh tự xuất hiện của trí tuệ. Vậy ánh sáng này cũng được gọi là ánh sáng trí tuệ (wisdom-light). Mức độ trong sáng, an tĩnh, chơn không, và toàn giác của ánh sáng trí tuệ mà chúng ta chứng nghiệm tùy thuộc vào mức độ thiện nghiệp ở quá khứ và mức độ chứng ngộ của mình. Nguyên tắc này chính là nền móng của giáo lý Phật Giáo về những khái niệm như bất nhị, ánh sáng tự nhiên, ánh sáng-trí tuệ, sự trong sáng, sự tự xuất hiện, sự xuất hiện tự nhiên, sự hiện diện tự nhiên, tự-hiện diện, tự xuất hiện, Đức Phật và cõi tịnh, trạng thái vô sanh, và trạng thái giác ngộ trọn vẹn.

Tất cả chúng ta đều có tiềm năng trở nên giác ngộ trong giai đoạn chơn tánh nếu có thể nhận ra, làm cho hoàn hảo, và duy trì chơn tánh của thanh tịnh nguyên thủy, tức là sự hợp nhất của thật tánh chơn không và những sắc tướng xuất hiện tự nhiên, ánh sáng nội tại. Nhưng, để đạt được chứng ngộ như vậy, chúng ta phải đạt được nó ngay trong cuộc sống bằng pháp tu thiền quán. Vậy ngay lúc này, khi chúng ta còn sống, phải sửa soạn cho cuộc hành trình vĩ đại của mình.

Những lời kể của Delog về tiến trình chơn tánh

Trong những lời tự kể về sự hấp hối và sự chết của mình, nhiều delog đã không nói đến những chứng nghiệm về chơn tánh của họ. Không rõ đó là do họ không nhận ra nó vì họ đã không đủ kinh nghiệm thiền quán hay họ đã quyết định không nói đến nó vì những kinh nghiệm như vậy chỉ có ý nghĩa đối với những hành giả đã thành tựu cao. Những lời kể sau đây là những ngoại lệ. Họ có đề cập đến sự chứng nghiệm chơn tánh, nhưng thay vì đạt giác ngộ, các delog này đều tiếp tục trải qua giai đoạn chuyển tiếp trung ấm thân. Có lẽ họ không thể duy trì trạng thái chơn tánh vì sự chứng ngộ của họ chưa được hoàn hảo, hoặc có thể họ tự ý đi vào bardo để giúp đỡ người khác ở nơi đó. Điều đáng chú ý là những lời kể này khác nhau trong chi tiết, và như vậy có nghĩa là những người kể lại không chỉ đơn giản lập lại những gì mà mình đã học được từ người khác. Điều này cho thấy rằng dù là một hành giả cũng sẽ không nhất thiết trông thấy và nhận ra mọi thứ đúng như đã được mô tả trong những giáo lý.

Ánh sáng hiện diện tự nhiên: Kinh nghiệm của bà Lingza Chokyi

Trong phần đầu lời kể của Chokyi mà chúng ta đã đọc ở chương 2, bà đã trải qua những kinh nghiệm về sự phân giải và rồi bước vào một trạng thái mà ở trong đó bà không ghi nhớ được điều gì cả. Khi ra khỏi trạng thái đó, bà trông thấy ánh sáng năm màu có hình dạng một cái mũ trên đầu của mình. Từ giữa ánh sáng đó, những ánh sáng màu đỏ tỏa ra. Ở cuối mỗi tia sáng có một sinh linh có thân người đầu thú, mỗi vị mặc một kiểu trang phục riêng. Mắt họ mở to như mặt trời và mặt trăng. Họ vung đủ thứ vũ khí và la như sấm, “Đánh! Đánh! Giết! Giết!” Chokyi hoàn toàn hoảng sợ.

Đến chỗ này, bà nhớ lại một vị lama đã dạy mình: “Ánh sáng mà con sẽ trông thấy là những ánh sáng tự xuất hiện, những ánh sáng hiện diện tự nhiên của chính con. Những tia sáng là những tia sáng tự xuất hiện.Hình ảnh là hình ảnh tự có. Âm thanh là âm thanh tự sanh. Tất cả là sự tự chiếu tỏa của chính tâm con.” Bà nghĩ, “Vậy là chúng không có thật!” ngay lúc đó chúng đều biến mất. Và bà không còn sợ hãi nữa.

Thân ánh sáng không thân xác: Kinh nghiệm của Dagpo Trashi Namgyal

Trong lời kể ở chương 2, Dagpo thấy xuất hiện trạng thái quang minh, trong sáng giống như bầu trời không mây. Nếu ông nhận ra nó thì đây đã là sự đạt được Phật quả. Sự tự tại giống như bầu trời không có một vật gì là pháp thân. Trạng thái quang minh thanh tịnh là báo thân. Năm cảm xúc phiền não đã xuất hiện như năm trí tuệ. Rồi ông còn chứng nghiệm đại lạc viên mãn đến mức bầu trời không thể dung chứa hết.

Nhưng tâm của Dagpo bị mê muội, và ông thấy ánh sáng như những vật đối tượng. Ông trông thấy đủ loại ánh sáng trắng, vàng, đỏ và xanh. Thân xác của ông không còn như trước nữa, mà trở thành thân ánh sáng vô thân. Tất cả đều hoan hỷ và chuyển động nhanh. Ông có thể đi đến bất cứ nơi nào mình muốn chỉ cần nghĩ tới nơi đó là được.

Năm loại ánh sáng xuất hiện với ông. Ánh sáng ở bên phải ông có màu trắng, bên trái có màu tối. Ánh sáng ở phía trước màu vàng. Bất kỳ ông đi đến đâu ánh sáng đều theo đến đó.

Rồi ông trông thấy một ngôi nhà và đi vào trong rồi ngồi xuống. Nhà có chín lối vào, gồm bảy cửa với một cửa đi lên và một cửa đi xuống. Ông vừa nghĩ và vừa sợ hãi “Đây chắc là thể xác của chính mình.” Sau đó ông làm phép chuyển di thần thức phowa và hét lên âm HIK! Tức khắc ông ra khỏi thể xác của mình và đi vào cõi tịnh độ.

Linh thị về chơn tánh: kinh nghiệm của Đại Sư Tsophu Dorlo

Ở cuối lời kể của Ngài trong chương 2, Đại Sư Tsophu Dorlo đã đi vào trạng thái tối đen. Kế đó thần thức của Ngài tan nhập vào quang minh và Ngài chứng nghiệm một hỷ lạc nội tại. Rồi quang minh của đường đạo và quang minh của chơn tánh, còn được gọi như quang minh của Mẹ và con, hợp lại thành một. Ngài an trụ trong trí tuệ nguyên thủy một thời gian dài.

Trong khoảng thời gian đó những linh thị của chơn tánh xuất hiện tự nhiên với Ngài. Tất cả mọi nhận thức trở nên có hình dạng các vị Phật và ánh sáng.

Không gian trở thành ánh sáng màu xanh. Ở giữa và bốn hướng, Đại Sư Dorlo thấy những linh thị về năm bộ phái Phật cùng với những cõi tịnh độ của các Ngài. Chư Phật được các Bồ tát đệ tử hộ tống, những vị Thần canh cửa, sáu vị Phật và nhiều Thiên nữ cũng như các vị Thầy. Ngài cũng có những linh thị về năm bộ phái Phật phẫn nộ với các đệ tử. Cuối cùng những linh ảnh của chơn tánh chấm dứt.

Trong bào thai của thân ánh sáng: kinh nghiệm của Samten Chotso

Năm mười chín tuổi Samten Chotso đã chứng nghiệm tinh chất trắng và đỏ của cơ thể tụ lại ở tim và thần thức của cô nằm ở giữa hai tinh chất đó. Tức khắc xuất hiện trí tuệ giúp cô thoát khỏi khoái cảm nhục dục. Vì cô nhận ra và an trụ trong trí tuệ này không xao động nên sự vô minh của cô được giải trừ.

Cô cảm thấy mình đã đạt được trạng thái của Đức Phật Vô Lượng Quang (Buddha of Infinite Light). Rồi cô chứng nghiệm quang minh giống như bầu trời không mây. Cô viết: “Nếu nhận ra tánh quang minh này, người ta sẽ đạt đến giác ngộ. Nhưng đáng buồn thay vì không ai nhận ra nó, nên họ phải còn bị kẹt trong vòng luân hồi.”

Ngay lúc đó thân xác của cô trở thành thân ánh sáng.  Mọi sắc tướng trở thành một khối ánh sáng năm màu. Cô cảm thấy mình đang ở trong bào thai của thân ánh sáng. Có chín cửa sổ trên thân thể, từ dưới lên trên.

Kế đó cô nghe tiếng của Đại Sư Liên Hoa Sanh (Guru Padmasambhava) đang niệm thần chú của Ngài. Từ “cửa sổ trên đỉnh đầu (chỗ hở trên sọ), những tia sáng màu trắng chiếu xuống. Cô kể lại "Tại đó tôi thấy Đại Sư Liên Hoa Sanh ở giữa ánh sáng”.

Những lời hướng dẫn dành cho người hộ niệm: kinh nghiệm của Changchub Seng-ge

Làm thế nào có thể giúp đỡ người khác đi qua giai đoạn chơn tánh tối thượng ? Chúng ta có thể tham khảo những lời kể của Đại Sư Changchub, trong đó có những lời khuyên từng bước một. Ngài nói rằng khi hơi thở bên trong của người hấp hối đã ngừng lại và người đó đã bắt đầu thấy tánh quang minh của chơn không và những linh thị quang minh của chơn tánh tối thượng, người hộ niệm nên nói với người hấp hối như sau:

Đối với một hành giả đã thành tựu, hãy nói:“Ông/Bà (hay tên), xin hãy an trụ trong thiền định của bạn không xao lãng. Giờ chết đã tới với bạn. Xin đừng dao động khỏi trạng thái thiền của bạn. Bây giờ hãy quán sát tâm bạn. Tâm bạn có bất kỳ hình dạng, hay màu sắc nào không? Tâm bạn không có hình dạng, màu sắc và không có gì để bám víu. Chơn tánh đó là sự hợp nhất của quang minh và tánh Không. Xin hãy giữ chánh niệm trong sự hợp nhất đó. Tất cả những âm thanh mà bạn nghe là âm thanh tự phát sanh. Tất cả những ánh sáng mà bạn thấy là ánh sáng tự hiện hữu. Tất cả những tia sáng bạn chứng kiến là tia sáng tự xuất hiện. Xin đừng nên sợ hay khó chịu vì những âm thanh, ánh sáng và những tia sáng đó. Hãy an trụ trong thiền quán không xao động”.

Rồi sau đó hãy trì tụng những bài kinh cầu nguyện sự gia hộ của chư Phật và chư Tổ sư. Sự hướng dẫn và những lời cầu nguyện này sẽ giúp cho hành giả hấp hối đạt được giác ngộ.

Với hành giả bình thường hãy nói, “Này bạn (hay tên của người hấp hối) có thể bạn đang trải qua kinh nghiệm căn nhà sụp đổ. Nhưng không phải vậy. Nó là dấu hiệu của hơi thở bên trong của bạn ngừng lại và tâm đang tách rời thể xác. Ngay khi thần thức ra khỏi thể xác, bạn sẽ thấy ánh sáng năm màu ở xung quanh mình. Đừng hoảng sợ vì ánh sáng này. Nếu bạn nhận ra chúng, chúng là năm ánh sáng của năm bộ phái Phật. Nếu bạn không nhận ra chúng thì chúng là ánh sáng của Tử Thần. Vì thế đừng nên sợ hãi".

“Xin hãy lắng nghe cẩn thận. Trong những ánh sáng bạn sẽ trông thấy, có năm loại ánh sáng. Ở giữa ánh sáng xanh, sự si mê của bạn sẽ xuất hiện trong hình dạng Người Đầu Gấu (Bear Headed Person). Đừng sợ người này, mà hãy tôn kính, vì đó là Đại Nhật Như Lai (Vairochana Buddha). Xin hãy nhận ra Ngài như vậy".

“Lại nữa, ở giữa ánh sáng trắng, tánh sân hận của bạn sẽ xuất hiện trong hình dạng Người Đầu Rắn (Serpent-Headed Person). Xin đừng ghét người này, vì đó là Phật Kim Cương Tát Đỏa (Vajrasattva Buddha). Xin hãy nhận ra Ngài như vậy".

Lại nữa, ở giữa ánh sáng vàng, sự ngạo mạn của bạn sẽ xuất hiện trong hình dạng Người Đầu Cọp (Tiger Headed Person). Xin đừng hoảng sợ vị ấy. Vì đó là Phật Bảo Sanh (Ratnasambhava Buddha). Xin hãy phát tâm tôn kính Ngài".

Lại nữa, ở giữa ánh sáng đỏ, tính tham dục và chấp thủ của bạn sẽ xuất hiện trong hình dạng Người Đầu Đại Bàng (Eagle Headed Person). Đừng sợ người đó. Ngài là Phật Vô Lượng Quang (Buddha of Infinite Light). Xin hãy phát tâm tôn kính Ngài".

Lại nữa, ở giữa ánh sáng màu lục, tánh ganh tị của bạn sẽ xuất hiện trong dạng Người Đầu Khỉ (Monkey Headed Person). Ngài là Phật Bất Không Thành Tựu (Amogasiddhi Buddha). Xin hãy nhận ra Ngài như vậy".

Đó là năm ánh sáng của năm vị Phật. Nếu bạn sợ chúng, chúng sẽ trở thành những con đường dẫn đến những cõi thấp. Xin đừng hoảng sợ chúng hay chạy trốn".

“Này người con của gia đình tốt! Bạn có thể cảm thấy mình phải chọn con đường hẹp thay vì con đường ánh sáng, nhưng xin đừng đi theo con đường đó. Con đường đó sẽ dẫn bạn tái sanh vào địa ngục. Bạn cũng có thể thấy một dòng sông tro nóng, nó sẽ đưa bạn tái sanh vào loài quỷ đói. Bạn có thể thấy một đầm lầy, nó sẽ đưa bạn tái sanh vào loài cầm thú. Bạn có thể thấy một khoảng hở đưa đến một con đường giống như cái ống đồng đầy mùi thức ăn, con đường này dẫn bạn tái sanh vào loài người. Bạn có thể thấy con đường đầy dẫy những vũ khí sáng loáng, nó sẽ dẫn bạn tái sanh vào cõi bán thần A Tu La. Bạn cũng có thể thấy con đường với nhiều cổng và những bánh xe có vũ khí sắc bén , con đường sẽ dẫn bạn tái sanh vào cõi các vị Thần. Xin đừng đi theo những con đường này, mà hãy đi lên kinh mạch trung ương giữa của cơ thể của bạn qua lỗ mở rộng trên đỉnh đầu.  Phía trên đầu bạn là Đức Phật Kim Cương Trì (Vajradhara Buddha).”

Khi thực hiện công việc hộ niệm, bạn nên thiền quán về sự hợp nhất tâm bạn với tâm của người hấp hối. Rồi bạn hét lớn âm PHAT nhiều lần, hòa nhập tâm hợp nhất vào tâm trí tuệ của Phật Kim Cương Trì. Rồi quán niệm hợp nhất với Phật Kim Cương Trì. Hãy an trụ trong trạng thái thiền quán đó càng lâu càng tốt và nhiều lần. Lúc kết thúc, hãy trì tụng những bài sám nguyện.

Trạng thái cực lạc: Kinh nghiệm của bà Dawa Drolma

Dawa Drolma kể lại chứng nghiệm chơn tánh của mình trong hai dòng. Bà nói: “kết quả là tâm của tôi hòa nhập vào trạng thái cực lạc, vốn là chơn tánh tối thượng, không có ý tưởng gì cả, giống như bầu trời.” Nói cách khác, giống như bầu trời không ô nhiễm, chơn tánh không có vọng tưởng hay cảm xúc nào. Đây phải là kinh nghiệm của quang minh chơn tánh. Rồi bà nói, “Một năng lực vô lượng của trạng thái quang minh chơn tánh đó xuất hiện tự nhiên trong hình thức hoàn toàn phô diễn”. Đây phải là kinh nghiệm về linh thị quang minh.

Rồi bà Dawa Drolma  có cảm giác giống như đang đi lên một không gian mờ ảo, nhanh như một con kên kên bay lên bầu trời.

Cảm giác u buồn: kinh nghiệm của Karma Wangdzin

Bà Karma đã chết được bảy ngày. Câu chuyện delog của bà có tính triết lý nhiều hơn chuyện của một số người khác. Chuyện này giải thích rằng những linh thị và những cảm giác đáng sợ chỉ là những cảm nhận phản chiếu tâm bất an của con người. Như chúng ta sẽ thấy trong những lời kể của bà về cõi trung ấm ở chương 5, bà mô tả chi tiết một nơi mà ở đó người ta đang đợi tới phiên mình để được phán xét.

Bà Karma nghe tiếng một người đàn bà gọi mình: “Karma Wangdzin ơi!” Karma Wangdzin là Pháp danh của một vị Thầy ban cho bà, nhưng mọi người đều gọi bà là Lhawang Putri, tên mà Mẹ của bà đã đặt cho. Tuy nhiên vào lúc này, bà được gọi bằng Pháp danh của mình. Tiếng nói đó tiếp tục,  “Này Karma Wangdzin, bây giờ bà đã đến với thế giới mới. Sự vô thường của đời người, kinh nghiệm về cái chết đã diễn ra với bà. Bà đã không nhận biết được như vậy hay sao ? Xin đừng bám víu vào thân xác hư ảo của mình nữa. Hãy nâng tâm trí của mình hướng lên trạng thái chơn tánh tối thượng.”

Nghĩ rằng, “Mình đã chết rồi”, bà Karma nhìn lên trên. Bà trông thấy ở phía trên mình một lỗ hổng với ánh sáng chiếu qua, giống như bà đang ở trong một cái bình và nhìn thấy một lỗ trên đỉnh bình. Chỉ nhìn thấy lỗ hổng đó, bà tức khắc thoát khỏi nơi tối tăm qua lỗ hổng mà không cần phải nghĩ đến việc đi lên hay chui ra. Bà cảm thấy mình thoát ra khỏi một cái hang được bao quanh bởi cây cối. Thật ra, bà đã ra khỏi chỗ hở ở sọ trên đỉnh đầu, có những sợi tóc xung quanh lỗ hở mà bà đã không nhận ra điều đó.

Trên bầu trời khoảng sáu tấc trên “cái hang”, bà thấy có một quả cầu ánh sáng trắng ở bên trong những ánh sáng nhiều màu, giống như những cái đốm trên một cái lông chim công. Từ đó, những tia sáng tỏa ra khắp nơi. Ngay khi trông thấy nó, một cảm giác cô đơn, u buồn đi qua tâm trí của bà.

Tiềm năng vi diệu của chúng ta

Chơn tánh tối thượng là nền móng của tâm trí của mỗi người chúng ta. Nhưng phần lớn chúng ta không biết tới sự vinh quang đó, đừng nói gì đến khả năng hợp nhất với nó sau khi chết. Tôi hy vọng rằng chương này đã cho chúng ta thấy một chút tiềm năng vi diệu của chúng ta chứng ngộ chơn tánh vào lúc chết nếu chúng ta ra sức thiền quán về chơn tánh của tâm. Những người đã đạt thành tựu được mô tả ở đây đều bắt đầu tu tập như những người bình thường giống chúng ta. Rồi họ dành hết cuộc đời của mình để tham thiền nhập định và duy trì sự chứng ngộ chơn tánh tối thượng.

Tuy nhiên, việc hành thiền một chút cũng sẽ ích lợi cho chúng ta rất nhiều khi chúng ta qua đời. Giống như những lớp võ được bốc đi khi chúng ta chết hay nhập vào những trạng thái tâm thức sâu xa, kết quả của công trình hành thiền sẽ hiển lộ với chúng ta.

Một phụ nữ Tây Phương là Pema Odzer, đã tu tập theo Đạo Phật chỉ trong vài năm khi phải vào bệnh viện để được giải phẩu. Hồi còn nhỏ, những lúc hạnh phúc nhất của bà là đi xe ngựa chạy dọc theo con đường làng quê với ông nội của mình. Sau khi ông nội qua đời, bà vẫn luôn tưởng tượng rằng khi minh chết, ông nội sẽ gặp mình trên chiếc xe ngựa. Khi bà sửa soạn đi gặp ông nội của mình thì Đức Phật xuất hiện. Ngài đi tới đi lui ngang qua con đường và khuyên ngăn đừng đến với ông nội, Đức Phật khuyến khích bà giữ hơi thở. Bà làm theo lời Ngài và bà đã khỏe mạnh cho đến ngày nay. Điều đáng nói là kinh nghiệm thiền quán của bà đã hiển lộ dù cho đến lúc đó bà chỉ có thời gian ngắn để hành thiền.

Vậy điều quan trọng là chúng ta thiền quán về chơn tánh của tâm càng nhiều càng tốt trong khi vẫn còn sống trên thế gian này.


Âm lịch

Ảnh đẹp