Lời đầu sách
Cuốn sách
này gạn lọc trí tuệ hàng ngàn năm của Phật Giáo Tây Tạng, được chuyển
tải bằng những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu đối với mọi người. Mục đích
chính yếu của tôi là trình bày những giáo lý không chỉ có tính cách chữa
trị sự đau khổ và vô minh của chúng ta về sự chết và sự hấp hối mà còn
giúp chúng ta chứng đạt mục tiêu an lạc vô thượng, không những cho đời
này mà còn cho sự chết và cõi bên kia nữa.
Đức Phật đã dạy chúng ta những cách sửa soạn bản thân cho sự chết bí ẩn
và tận dụng những trạng thái của sự chết để tu tập. Nhiều vị Thầy đã
viết sách về đề tài này. Phật Giáo Tây Tạng đã có những giáo lý chi tiết
nhất về sự chết và sau khi chết, cuốn “ Tử Thư Tây Tạng” (Bardo Thodrol)
chỉ là một trong những cuốn sách thuộc loại này. Sự thật là tất cả giáo
lý Phật Giáo đều nói về cách nhận thức và phát triển những tình trạng
của đời sống, sự chết và sự sống ở kiếp sau. Như vậy, nguồn tài liệu của
tôi cho cuốn sách này bao gồm rất nhiều văn bản khác nhau cũng như những
lời dạy trực tiếp của các bậc Thầy của tôi và những kinh nghiêm bản thân
của tôi trong khi xử lý những cái chết của các bậc đạo sư, của những
người bạn thân và của những người xa lạ.
Giáo lý trí
tuệ của Tây Tạng
Giáo
lý Phật Giáo Tây Tạng chia hành trình luân hồi của chúng ta thành bốn
giai đoạn:
1/ Giai đoạn đời sống thế gian
2/ Giai đoạn hấp hối
3/ Giai đoạn thoáng thấy chân tánh và ánh quang minh
4/ Giai đoạn trung ấm thân hay giai đoạn chuyển tiếp giữa lúc chết và
lúc tái sinh
Bốn chương
đầu sẽ trình bày tóm tắt bốn giai đoạn này. Để minh họa những chứng
nghiệm về sự chết và cõi Trung Ấm, tôi trích dẫn nhiều tài liệu của các
“delog”, tức là những
người có khả năng thẩm thấu về tâm linh tới một mức độ nào đó đã trở về
từ cõi chết và kể lại những gì họ đã trải qua, rất giống kinh nghiệm cận
tử (near death) trong những cuốn sách của người Tây Phương ngày nay. Vì
những chuyện về cõi Bardo này dài nên tôi dành trọn một chương (chương
5, những chuyện về cõi Trung Ấm) cho những lời kể về những cõi đáng sợ
hoặc những cõi phúc lạc ở bên kia cái chết.
Vào cuối giai đoạn Trung
Ấm chúng ta sẽ tái sinh về cõi nào, tại sao và như thế nào ? Chương 6 “
Tái Sinh” sẽ giải đáp những câu hỏi này và cung cấp một bản đồ giúp
chúng ta tránh tái sinh vào những cõi thấp và biết cách chọn lựa những
cõi lành để tái sinh như Cõi Cực Lạc hoặc các cõi Trời.
Cõi tịnh là những trụ xứ của
các vị Phật nguyên thủy vốn là những sự thể hiện trí tuệ và từ bi. Những
nghi thức của Phật
Giáo Tây
Tạng cho người chết và người hấp hối, thường bao gồm các pháp quán tưởng
về các vị Phật này và trụ xứ của các Ngài, vốn là nguồn ban phúc lạc và
sức mạnh tâm linh.
Trong cuốn
sách này dạy chúng ta tập trung vào vị Phật nguyên thủy và phổ quát, đó
là Phật A Di Đà, tức là Phật Vô Lượng Quang. Việc niệm danh hiệu và cầu
nguyện Phật A Di Đà sẽ giúp người chết tái sinh trong cõi Cực Lạc của
Ngài. Chương
7
nói về Phật Vô Lượng Quang và Cõi Cực Lạc, trình bày một cách sinh động
nguồn phúc lạc này, dựa theo lời mô tả trong kinh sách.
Những người
sống có vai trò rất quan trọng giúp người hấp hối và người chết đi sang
cõi bên kia. Chương
8
“cách giúp đỡ người hấp hối và người chết”, hướng dẫn việc này cho những
người thân, bạn bè và những người cần giúp đỡ khác, dù họ là tín đồ Phật
Giáo hay ngoài Phật Giáo.
Đi sâu hơn vào truyền thống Phật Giáo Tây Tạng, chương
9
“Nghi thức cho người hấp hối và người chết”, mô tả những nghi thức
truyền thống mà các vị Lạt Ma hộ niệm cho người hấp hối và người chết
trong những cộng đồng ở miền
Đông Tây Tạng, nơi tôi trưởng thành và tu tập trong tông phái :
Nyingma của Phật Giáo Tây Tạng. Chương
10
“ kết luận”,
cũng là chương cuối tổng kết của tập sách.
Một số điều
suy nghĩ riêng tư
Có thể nói
cuốn sách này là đứa con cưng của tôi, bởi vì những giáo lý mà tôi đã
trình bày ở đây rất là quý báu. Đối với một số người có thể cuốn sách
này có vẻ không giống như một tác phẩm truyền thống của văn học Tây Tạng,
vốn thường có đầy những thuật ngữ và những giả định triết lý. Đối với
người khác, cuốn sách này thiếu xót về những khám phá mà các học giả Tây
Phương xem là không thể thiếu được. Nhưng mục đích của tôi ở đây không
phải là đáp lại những điều phản đối đó, mà là làm cho cuốn sách có tính
chất thông tin này càng dễ tiếp cận càng tốt đối với tất cả độc giả, dù
là tín đồ Phật Giáo hay ngoài Phật Giáo, trong khi vẫn bảo tồn tinh túy
của những giáo lý nguyên thủy.
Tôi đã nghĩ
tới việc viết cuốn sách này với một lý do, hai mươi năm trước, khi tôi
tới Hoa Kỳ, nhiều bạn bè người Tây Phương của tôi đang cố gắng lấy văn
bằng đại học, tìm việc làm và tìm người bạn đời, nhưng bây giờ một số
những người này đang phải đối phó với bệnh tật và cái chết có vẻ đang
tới gần, và tôi cũng vậy. Lý do riêng tư này là một phần của động lực
khiến tôi viết cuốn sách này.
Là một
Phật
tử, tôi được dạy là phải học và tu tập để phát triển phẩm chất của đời
sống và cái chết của chính mình cũng như của người khác. Hai cuốn sách
trước đây của tôi : “the healing power of mind” và “Boundless healing”
chính yếu nói về việc chữa trị những điều xấu ở đời. Cuộc đời là quan
trọng và quý báu, và chúng ta phải chăm sóc nó, nhưng vì cái chết là cửa
ngõ dẫn vào vô số kiếp tương lai nên chúng ta cũng cần phải chú ý tới nó.
Như vậy cuốn sách này được biên soạn để hướng dẫn chúng ta đối diện với
cái chết với sự tự tin và đạt đến sự tái sinh hoan hỷ, cũng như giúp
người khác đạt được những điều này. Đây cũng là một loại công việc chữa
trị.
Tôi đã trải
qua thời thơ ấu tuyệt vời ở Tu Viện Dodrupchen thuộc miền
Đông Tây Tạng, học Phật Pháp dưới sự chỉ dạy của Kyala Khenpo và
các vị Thầy thông thái khác. Các vị đã hướng dẫn tôi học và tu theo các
pháp môn truyền thống lâu đời mà chính các
Ngài
đã hành trì hàng ngày. Trong khi sống cuộc đời của mình một cách trọn
vẹn, các
Ngài
vẫn luôn luôn chuẩn bị cho cái chết, nhận thức rằng cuộc đời này là phù
du, cái chết là điều chắc chắn và những gì xảy ra sau khi chết là rất
quan trọng cho tương lai. Các Ngài cũng luôn luôn vui lòng giúp đỡ người
khác phát triển đời sống và sửa soạn cho cái chết của họ.
Tu Viện Dodrupchen nơi tác giả tu tập
Là một trong
những địa điểm dân cư hoang vu nhất thế giới, tu viện của chúng tôi nằm
trong một thung lũng sâu giữa những rặng núi cao hùng vĩ. Với tâm trí
của một đứa trẻ, tôi đã nghĩ rằng Tu Viện của mình là nơi an lạc vĩnh
cửu. Tôi đã tin rằng không có một sức mạnh nào có thể đụng chạm vào sự
hiện hữu thiêng liêng của Tu viện này. Nhưng tôi đã lầm, bởi vì sức mạnh
tham lam chính trị đã biến đổi đời sống yên tĩnh của chúng tôi.
Đại Sư Kyabje Dodrupchen Rinpoche (bên trái)
Truyền thống
đời sống tu hành của chúng tôi ở Tu Viện đột ngột chấm dứt, và chúng tôi
bắt buộc phải chạy trốn, dưới sự hướng dẫn của Kyabje Dodrupchen
Rinpoche, một trong những vị Thầy cao cả của Tu Viện và là người có trí
tuệ tự nhiên đặc biệt,
một số ít chúng tôi trốn đến Ấn Độ như những người tỵ nạn sau khi
vượt qua xứ tuyết Tây Tạng,
một hành trình dài gần hai ngàn cây số.
Khi phải
chịu đau khổ về tâm trí và thể xác do những tranh chấp và bạo động chính
trị, quân sự hay xã hội, người ta thường bắt lỗi hay buộc tội người khác.
Điều này làm cho người
ta hài lòng và cảm thấy mình được biện minh, nhưng Phật Giáo dạy rằng
tất cả những đau khổ của cuộc đời đều là những hậu quả của những hành
động bất thiện mà chúng ta đã tạo ra trong quá khứ, vì vậy nếu chỉ bắt
lỗi người khác thì sẽ không làm cho sự việc tốt đẹp hơn. Đây không phải
là thói tự buộc tội mình, sự giận ghét chính mình thay vì tìm hiểu
nguyên nhân thật, mà là chịu trách nhiệm về đời sống của mình để lèo lái
cuộc đời đúng hướng trong hành trình luân hồi của chúng ta.
Ở Ấn Độ,
giống như nhiều người tỵ nạn khác, tôi đã được người dân Ấn Độ giúp đỡ
một cách tử tế và chia sẻ bất cứ cái gì họ có. Sự tiếp đãi này là một
nghĩa cử lớn để chúng tôi ghi nhớ cho đến tận hôm nay, sau hơn bốn mươi
năm. Sự tự do tín ngưỡng đã có ý nghĩa đặc biệt an ủi những người đau
khổ trong tâm hồn.
Sau những
năm tháng nỗ lực, tôi đã tự điều chỉnh để thích ứng với nền văn hóa đa
dạng và những giá trị của thế giới mới. Tâm trí của những người trẻ tuổi
cũng như những vết thương thể xác của họ, dễ hồi phục nếu họ muốn. Vì
vậy tôi vẫn sống khỏe mạnh mà không có những hư hại lâu dài nào.
Tôi rất biết ơn và trân trọng vì đã sống ở Ấn Độ trong hai mươi năm như
một người tỵ nạn và rồi như một giáo sư đại học. Sau đó hơn hai mươi bốn
năm ở Hoa Kỳ đã giúp tôi nghiên cứu và viết về giáo lý Phật Giáo với
những tiện nghi hiện đại. Tất cả những cơ hội lớn nhỏ trong thế giới tự
do không chỉ làm phong phú đời sống hàng ngày của tôi mà còn làm sâu
rộng thêm hành trình tâm linh của tôi nữa.
Tuy nhiên
những cám dỗ của thế giới hiện đại lại quá nhiều và quá mạnh khó để
chống lại. Ngày tháng trôi qua nhanh như tia chớp, trước khi tôi có thể
nhận ra điều gì đang xảy ra hay nắm lấy cơ hội đạt được nó. Rất nhiều cơ
hội bằng vàng của cuộc đời quý báu này đã đi qua, không bao giờ gặp lại
nữa. Nhưng mỗi giai đoạn của cuộc đời là một thách thức quan trọng, và
mỗi
khoảnh
khắc quý báu là một nguồn phúc lạc đích thực. Tôi cũng đã có thể giữ lại
được nhiều thành quả lao động quý báu và sự cống hiến của mình cho tương
lai, chỉ vì đã được giúp đỡ một cách tử tế từ các vị Thầy và các bè bạn
của tôi.
Trong cuốn
sách này tôi ghi nhận những giáo lý trí tuệ thâm diệu mà tôi đã được dạy
ở Tây Tạng cũng như những gì mà tôi đã học được qua những sự kiện đau
đớn mà mình đã trải qua. Nhưng nếu không có đời sống ở thế giới bên
ngoài Tây Tạng, với sự phong phú về vật chất và kiến thức đa dạng cũng
như nỗ lực của đời sống đó chống lại những cám dỗ, thì cuốn sách này đã
không bao giờ thành hình. Tôi hy vọng cuốn sách sẽ trở thành ánh sáng
hướng dẫn hành trình đến cõi bí ẩn của tôi cũng như hướng dẫn nhiều
người khác nếu họ chấp nhận.
Những lời
khen về tập sách của các tác giả khác:
"Đây là một quyển sách
quý của Tulku Thondrup, một bản hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ và từ bi về
hành trình qua đời sống, lúc hấp hối, chết và bên kia cái chết. Vẫn rất
dễ hiểu và chính xác như thường lệ, Ngài cung cấp sự hiểu biết về thế
giới hiện đại một cách sâu xa và hiền hòa của mình đối với giáo lý cổ
truyền của Phật Giáo. Tham khảo rất nhiều nguồn tài liệu, gồm cả những
chứng nghiệm cận tử của người Tây Tạng, Ngài cho thấy đời sống, sự chết
và sự tái sinh đều tùy thuộc vào tâm trí của mỗi người. Bằng cách làm
theo những lời hướng dẫn ở đây, bất cứ người nào trong chúng ta cũng có
thể học được cách chuyển hóa, không chỉ đời sống của mình, không chỉ sự
hấp hối và sự chết của mình, mà còn cả những kiếp tương lai của mình và
cả tương lai của loài người".
Sogyal Rinpoche, tác giả của " Tạng Thư Sống Chết" (The Tibetan Book of
Living & Dying).
" Bản tính của người Tây Tạng
là vui
vẻ, đó là vì họ đã được học những giáo lý về đời sống và sự chết”,
Tulku Thondrup đã mở kho tàng tri thức rộng lớn này một cách rõ ràng,
đơn giản, và mạnh mẽ cho người đọc ngày nay"
Sakyong Mipham
Rinpoche
Tác giả sách " Turning the Mind into an Ally"
"
Từ sự phong phú của truyền thống PG Tây Tạng và từ kinh nghiệm sâu xa
của mình như một hành giả và đạo sư, Tulku Thondrup rọi sáng những bí
mật của sự chết và sự tái sinh trong cuốn sách mới được đón chào nồng
nhiệt nhất này. Ngài giải
thích đầy đủ và rõ ràng mỗi giai đoạn của tiến trình dẫn từ kiếp
này đến kiếp sau, minh họa chúng với những câu chuyện của “delog”, tức
là những người có khả năng thẩm thấu về tâm linh tới một mức độ nào đó
đã trở về từ cõi chết và kể lại những gì họ đã trải qua. Cuốn sách này
có một phần giá trị nói về việc chăm sóc và hỗ trợ những người đang đi
tới cái chết, và gồm cả những pháp hành
Thiền và những nghi thức có thể được dùng để giúp đỡ người hấp
hối và người chết, và sẽ có ích lợi lớn cho nhiều người. Điều quan trọng
nhất là ở mỗi đoạn, Tulku Thondrup trình bày những phương pháp thực hành
tu tập tâm trí, sửa soạn cho cuộc hành trình mà cuối cùng tất cả chúng
ta sẽ phải trải qua”.
Framcesca Fremantle
Tác giả sách " Emptiness: Understanding the Tibetan Book of the Dead"
Đôi nét về tác giả:
Đại Sư Tulku Thondrup Rinpoche sinh ra ở miền
Đông Tây Tạng, tu học ở Tu Viện Dodrupchen danh tiếng, là một vị
Thầy và một tác giả có uy tín. Năm 1958, Ngài đến định cư ở Ấn Độ và dạy
ở các trường đại học Ấn Độ trong nhiều năm. Ngài đến Hoa Kỳ năm 1980 như
là một học giả giảng dạy tại Đại Học Harvard. Trong hai mươi năm qua,
Ngài sống ở Cambridge, tiểu bang Massachusetts, dịch thuật và viết sách
về Phật Giáo Tây Tạng, đặc biệt là giáo lý của tông phái Nyingma (một
trong 4 tông phái chính của PG Tây Tạng), với sự bảo trợ của Buddhaya
Foundation. Trong số những quyển sách của Ngài, cuốn “ The Healing power
of mind” đã được xuất bản bằng mười bảy thứ tiếng, và cuốn “ Boundless
healing” đã dịch và xuất bản mười hai ngôn ngữ khác nhau.