10/06/2011 09:54 (GMT+7)
Số lượt xem: 23858
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

I. I. KHƯƠNG TĂNG HỘI CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

Kể từ ngày Trần Văn Giáp giới thiệu Khương Tăng Hội như một trong những nhà truyền giáo đầu tiên của đạo Phật ở nước ta, những người viết sử về sau đã tiếp tục đánh giá vị trí, vai trò cũng như những đóng góp của Khương Tăng Hội đối với lịch sử dân tộc ta không hơn không kém là một nhà truyền giáo đầu tiên[65][65]. Việc giới thiệu và đánh giá sai lầm này đã dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, mà một trong số đó là việc nghiên cứu Khương Tăng Hội đã không được tiến hành nghiêm túc để phát hiện những đóng góp của Khương Tăng Hội không những đối với lĩnh vực lịch sử Phật giáo Việt Nam, mà còn với nhiều lĩnh vực khác nữa, đặc biệt là lĩnh vực lịch sử với truyền thuyết trăm trứng và lịch sử ngôn ngữ tư tưởng và văn học Việt Nam. Ngày nay, với những thành quả nghiên cứu có được, chúng ta có thể khẳng định Khương Tăng Hội không phải là một nhà truyền giáo đầu tiên của Phật giáo ở Việt Nam, mà là một thành tựu đầu tiên của nền Phật giáo ấy, để cùng với Mâu Tử hình thành một mặt trận văn hóa phản công lại những những trận tiến công vũ bão của nền văn hóa nô dịch Trung Quốc đang xảy ra vào thời đó, và khẳng định sức sống ưu việt của nền văn hóa Việt Nam và Phật giáo Việt Nam.

Cuộc đời và sự nghiệp của Khương Tăng Hội, ta hiện biết qua hai bản tiểu sử xưa nhất, một của Tăng Hựu (445 - 518) trong Xuất Tam tạng ký tập 13 ĐTK 2145 tờ 96a29 - 97a17 và một của Huệ Hạo (496-553) trong Cao tăng truyện 1 ĐTK 2059 tờ 325a13 - 326b13. Bản của Huệ Hạo thực ra là một sao bản của bản Tăng Hựu với hai thêm thắt. Đó là việc nhét tiểu sử của Chi Khiêm ở đoạn đầu và việc ghi ảnh hưởng của Khương Tăng Hội đối với Tô Tuấn và Tôn Xước ở đoạn sau, cùng lời bình về sai sót của một số tư liệu. Việc chép thêm tiểu sử của Chi Khiêm xuất phát từ yêu cầu  ghi chép lại cuộc đời và những đóng góp to lớn của Khiêm đối với lịch sử truyền bá Phật giáo của Trung Quốc, nhưng vì Khiêm là một cư sỹ và Cao tăng truyện bản thân là một ghi chép về các cao tăng, nên không thể dành riêng ra một mục, như Tăng Hựu đã làm trong Xuất Tam tạng ký tập 13 ĐTK 2145 tờ 97b13 - c18, cho Khiêm.

Còn việc thêm chi tiết về Tô Tuấn và Tôn Xước, điều này chứng tỏ Huệ Hạo đã tham khảo nhiều sử liệu khác, mà Tăng Hựu có thể đã bỏ qua. Trong bài tựa cho Cao tăng truyện cũng như trong hai lá thư trao đổi giữa Vương Mạn Dĩnh và Huệ Hạo trong Cao tăng truyện 14 ĐTK 2059 tờ 418b5 - 423a10, Huệ Hạo đã xác định mình đã tham khảo “hơn mấy chục nhà tạp lục” (sứu kiểm tạp lục sổ thập dư gia) cùng “sử sách các triều Tấn, Tống, Tề, Lương. Ngụy sử các nhà Tần, Triệu, Yên, Lương, tạp thiên, địa lý, văn lẻ, đoạn ghi”, và hỏi thêm các bậc cổ lão tiên đạt. Cụ thể là tác phẩm của  các tác gia Pháp Tế, Pháp An, Tăng Bảo, Pháp Tấn, Tăng Du, Huyền Sướng, Tăng Hựu, Lưu Nghĩa Khánh, Vương Diệm, Lưu Tuấn, Vương Diên Tú, Chu Quân Đài, Đào Uyên Minh, Vương Cân, Tiêu Cánh Lăng vương, Khích Cảnh Hưng, Trương Hiếu Tú, Lục Minh Hà, Khương Hoằng, Đàm Tôn, Dữu Trọng Ung v.v..., mà Huệ Hạo có dịp nêu rõ tên tuổi cũng như tác phẩm.

Ngoài hai bản tiểu sử vừa nêu, các kinh lục về sau, cụ thể là Chúng kinh mục lục của Pháp Kinh, Lịch đại tam bảo ký của Phí Trường Phòng, Đại đường nội điển lục của Đạo Tuyên, Khai nguyên thích giáo lục của Trí Thăng, cũng ít nhiều có ghi chép về Khương Tăng Hội, song chủ yếu là tóm tắt các tư liệu do hai bản tiểu sử vừa nói cung cấp, do thế cũng không góp thêm điều gì mới chắc chắn vào việc nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của Khương Tăng Hội. Cho nên, chúng chỉ được sử dụng như những tài liệu tham khảo thêm khi cần thiết. 

Do thế, để tiến hành nghiên cứu, chúng tôi lấy hai bản đó làm căn bản. Và vì bản của Huệ Hạo tự thân là một bản sao của bản Tăng Hựu, có tham khảo thêm tư liệu của Tôn Xước, nên chúng tôi cho dịch lại đây bản của Huệ Hạo. Đoạn nào cho in thụt vào là đoạn tăng bổ của Cao tăng truyện.

“Khương Tăng Hội, tổ tiên người Khương Cư, mấy đời ở Thiên Trúc, cha nhân buôn bán, dời đến Giao Chỉ. Hội năm hơn 10 tuổi, song thân đều mất, khi chịu tang xong, bèn xuất gia, siêng năng hết mực. Là con người rộng rãi nhã nhặn, có tầm hiểu biết, dốc chí hiếu học, rõ hiểu ba tạng, xem khắp sáu kinh, thiên văn đồ vỹ, phần lớn biết hết, giỏi việc ăn nói, lanh việc viết văn. Bấy giờ Tôn Quyền xưng đế Giang Tả, mà Phật giáo chưa lưu hành.

Trước đó có ưu bà tắc Chi Khiêm, tự Cung Minh, một tên là Việt, vốn người Nguyệt Chi, đến chơi đất Hán. Xưa đời vua Hoàn, vua Linh nhà Hán có Chi Sấm dịch ra các kinh. Có Chi Lượng, tự Kỷ Minh, đến học với Sấm. Khiêm lại thọ nghiệp với Lượng, rộng xem sách vở, không gì là không nghiên cứu kỹ càng, các nghề thế gian, phần nhiều giỏi hết, học khắp sách lạ, thông tiếng sáu nước. Ông thì nhỏ con, đen gầy, mắt trắng, con ngươi vàng, nên người thời đó nói: Mắt anh Chi vàng, thân hình tuy nhỏ, ấy túi trí khôn. Cuối đời Hán Linh đế loạn lạc, ông lánh xuống đất Ngô. Tôn Quyền nghe tiếng ông tài trí, triệu đến gặp, vui vẻ, phong làm bác sỹ, phụ đạo thái tử, cùng với người như Vi Diệu, hết sức khuông phò. Nhưng vì ông đến từ nước ngoài, nên  Ngô chí không ghi.

Khiêm nghĩ giáo pháp vĩ đại tuy lưu hành, nhưng kinh điển phần nhiều tiếng Phạn, chưa dịch ra hết, bèn nhờ giỏi tiếng Hán, gom các bản Phạn, dịch ra tiếng Hán. Từ năm đầu Hoàng Vũ (222) đến khoảng Kiến Hưng (252 - 253) nhà Ngô, ông dịch Duy Ma, Đại bát nê hoàn, Pháp cú, Thụy ứng bản khỉ v.v... gần 49 bộ kinh, gom được nghĩa thánh, lời ý đẹp nhã. Lại dựa kinh Vô Lượng Thọ và Trung bản khỉ, ông viết ba bài Phạn bối Bồ đề liên cú và chú thích kinh Liễu bản sinh tử đều lưu hành ở đời.

Bấy giờ đất Ngô mới nhiễm giáo pháp vĩ đại, phong hóa  chưa tròn, Tăng Hội muốn khiến đạo nổi Giang Tả, dựng nên chùa nước[66][66] liền chống gậy đông du, vào năm Xích Ô thứ 10 (247), mới đến Kiến Nghiệp, xây cất nhà tranh, dựng tượng hành đạo. Lúc ấy nước Ngô vì mới thấy sa môn, trông dáng mà chưa kịp hiểu đạo, nên nghi là lập dị. Có ty tâu lên: “Có người Hồ nhập cảnh, tự xưng sa môn, mặt mày áo quần chẳng thường, việc nên kiểm xét”. Quyền nói: “Xưa Hán Minh đế mộng thấy thần, hiệu gọi là Phật. Kẻ kia thờ phụng, há chẳng là di phong của đạo ấy ư?”. Bèn cho gọi Hội đến hỏi: "Có gì linh nghiệm?". Hội nói: “Như lai qua đời, thoắt hơn nghìn năm, để lại xá lợi, thần diệu khôn sánh. Xưa vua A Dục dựng tháp đến tám vạn bốn ngàn ngôi. Phàm việc dựng xây chùa tháp là nhằm để làm rõ phong hoá  còn sót lại ấy”. Quyền cho là khoa đản, bảo Hội: “Nếu có được xá lợi, ta sẽ dựng tháp, nhược bằng dối trá thì nước có phép thường”. Hội hẹn bảy ngày. Bèn gọi người theo mình nói: “Đạo pháp hưng phế, chính ở một việc này. Nay nếu không chí thành, sau hối sao kịp”. Rồi cùng chay tịnh ở tịnh thất, lấy bình đầy để trên bàn, đốt hương lạy xin. Hạn bảy ngày hết, mà vắng vẻ không ứng. Bèn lại xin thêm bảy ngày nữa, cũng lại như thế. Quyền nói: “Đó thật là dối trá”. Sắp định kết tội thì Hội xin thêm bảy ngày nữa. Quyền lại đặc biệt đồng ý. Hội bảo đồ đệ mình: "Khổng Tử có nói: "Vua Văn đã chết, văn không có đây ư!" Phép thiêng phải giáng, mà chúng ta không cảm được thì sao mượn được phép vua, nên hẹn phải thề chết".

Đến chiều ngày thứ bảy cuối cùng vẫn không thấy gì, không ai là không run sợ. Khi tới canh năm, bỗng nghe có tiếng loảng xoảng trong bình. Hội tự đến xem, quả được xá lợi. Sáng hôm sau đem trình cho Quyền. Cả triều tụ xem thấy tia sáng ngũ sắc rọi sáng trên miệng bình. Quyền tự tay cầm bình đổ ra mâm đồng, xá lợi lăn tới đâu thì mâm đồng vỡ nát. Quyền hết sức kinh ngạc, đứng lên nói: "Điềm lành hiếm có". Hội tới nói: "Oai thần xá lợi, há chỉ tia sáng thôi sao? Hãy đem đốt đi, lửa không làm cháy. Chày vồ kim cương đánh không thể nát". Quyền sai làm thử. Hội lại thề: "Mây pháp mới phủ, dân đen nhờ ơn, nguyện thêm dấu thần, để rộng tỏ uy thiêng". Bèn đem đặt xá lợi trên đe sắt, sai lực sỹ đánh. Thế mà đe chày đều vỡ, xá lợi không sao. Quyền rất thán phục, nhân đó dựng tháp. Vì mới có chùa Phật, nên gọi là chùa Kiến Sơ. Chỗ đất ấy gọi là xóm Phật. Do thế, đạo pháp ở Giang Tả mới thịnh.

Đến khi Tôn Hạo cầm quyền, chính sách hà khắc bạo ngược, phá bỏ dâm từ. Đến cửa chùa Phật, cũng muốn hủy phá. Hạo nói: "Nó do đâu mà nổi lên? Nếu lời dạy nó chân chính, cùng hợp với sách vở thánh hiền thì nên giữ theo thờ đạo đó. Nếu nó không thật, thì đốt phá hết"[67][67]. Quần thần đều nói: “Uy lực của Phật không giống các thần. Khương Hội cảm thụy, thái hoàng dựng chùa. Nay nếu khinh suất phá đi, sợ sau hối hận”. Hạo sai Trương Dục đến chùa hỏi Hội. Dục vốn có tài ăn nói, hỏi vặn tung hoành. Hội truy câu tìm chữ, lời lẽ phóng ra. Từ sáng tới tối, Dục không thể bẻ được. Khi về, Hội đưa đến ngõ. Lúc ấy cạnh chùa có dâm từ, Dục hỏi: “Sự giáo hóa sâu mầu đã thịnh, sao còn để đám đó ở bên mà không bỏ đi”. Hội đáp: “Tiếng sét vỡ núi, kẻ điếc không nghe, thì không phải tiếng nó nhỏ. Khi đã thông thì muôn dặm đáp lại, còn nếu ách tắc, gan mật (gần mà vẫn xa như) Sở Việt”.

Dục về khen: “Hội tài ba sáng suốt, chẳng phải thần lượng được, xin bệ hạ xem xét lấy”. Hạo đại hội triều thần, đem ngựa xe đón Hội. Khi Hội đã ngồi, Hạo hỏi: “Phật giáo dạy rõ thiện ác báo ứng, có phải thế không?” Hội đáp: “Hễ chúa sáng dùng hiếu từ dạy đời, thì chim đỏ bay đến và sao người già hiện ra, dùng nhân đức nuôi vật thì suối ngọt chảy và mầm tốt mọc. Lành đã có điềm, thì ác cũng thế. Cho nên, làm ác nơi kín thì quỉ bắt giết đi, làm ác nơi rõ thì người bắt giết đi. Dịch nói: ‘Chứa lành vui còn’. Thi khen: ‘Cầu phước không sai”. Tuy là cách ngôn của sách nho, cũng là minh huấn của Phật giáo”. Hạo nói: “Nếu vậy, thì Chu Khổng đã rõ, còn dùng gì đến Phật giáo?” Hội đáp: “Lời nói của Chu Khổng bày sơ dấu gần. Còn lời dạy của Thích Ca thì đầy đủ tới chỗ u vi. Cho nên, làm ác thì có địa ngục khổ mãi, tu thiện thì có thiên đường sướng luôn. Đem điều đó ra làm rõ việc khuyến thiện ngăn ác, là không vĩ đại ư !” Hạo bấy giờ không có câu gì để bắt bẻ lời Hội. Hạo tuy nghe chính pháp, mà tính hôn bạo, không thắng được sự hà ngược. Sau sai lính túc vệ vào hậu cung làm vườn, đào đất được một tượng vàng đứng cao mấy thước, đem trình Hạo. Hạo sai đem để chỗ bất tịnh, lấy nước dơ tưới lên, cùng quần thần cười, cho đó là vui[68][68]. Trong khoảnh khắc, cả mình sưng to, chỗ kín càng đau, gào kêu tới trời. Thái sử bốc quẻ nói: “Phạm phải một vị thần lớn”. Bèn cầu đảo các miếu vẫn không thuyên giảm. Thể nữ, trước có người theo đạo Phật, nhân đó hỏi: “Bệ hạ đã đến chùa Phật cầu phước chưa?”. Hạo ngẩng đầu hỏi: "Phật là thần lớn ư?"[69][69]. Thể nữ thưa: "Phật là thần lớn". Lòng Hạo hiểu ra, nói hết ý mình. Thể nữ liền nghênh tượng đặt trên điện vua, lấy nước thơm rửa qua mấy chục lần, rồi đốt hương sám hối. Hạo cúi đầu trên gối, tự kể tội mình, khoảnh khắc bớt đau, sai sứ đến chùa, hỏi thăm nhà sư, mời Hội thuyết pháp.

Hội liền theo vào, Hạo hỏi hết nguyên do của tội phước. Hội bèn trình bày cặn kẽ, lời rất tinh yếu. Hạo vốn có tài hiểu biết, hớn hở rất vui, nhân đó xin xem giới luật của sa môn. Hội cho giới văn cấm bí, không thể khinh truyền, nên lấy một trăm ba mươi lăm nguyện của kinh Bản nghiệp chia ra làm 250 điều, đi đứng nằm ngồi, đều cầu nguyện cho chúng sinh. Hạo đọc thấy lời nguyện thương rộng khắp, càng thêm lòng lành, liền đến Hội thọ năm giới. Mười ngày bệnh lành. Hạo bèn ở chỗ Hội trú sửa sang làm đẹp thêm, ra lịnh cho tôn thất, không ai là không phụng thờ[70][70].

Hội ở triều Ngô, giảng nói chính pháp, nhưng tính Hạo hung cạn, không hiểu nghĩa mầu, nên chỉ mô tả việc gần báo ứng, để mở lòng Hạo. Hội ở chùa Kiến Sơ, dịch các kinh, đó là  A Nan niệm di, Kính diện vương, Sát vi vương, Phạm hoàng. Lại dịch các kinh Tiểu phẩm, Lục độ tập, Tạp thí dụ, cũng khéo được thể kinh, lời ý chính xác. Lại truyền bài Nê hoàn bối, réo rắt trầm buồn, làm mẫu mực cho một thời đại. Lại chú thích ba kinh An ban thủ ý, Pháp kính và Đạo thọ, cùng viết lời tựa cho các kinh ấy, lời lẽ vừa đẹp, ý chỉ vi diệu, cũng thấy ở đời.

Đến tháng 4 năm Thiên Kỷ thứ tư (280), Hạo hàng nhà Tấn. Tháng 9 Hội mắc bệnh rồi mất. Năm ấy là năm Thái Khương thứ nhất nhà Tấn. 

Đến khoảng năm Hàm Hòa (326) vua Tấn Thành đế, Tô Tuấn làm loạn, đốt tháp do Hội dựng. Tư Không Hà Sung lại sửa dựng lại. Bình tây tướng quân Triệu Dụ, mấy đời không thờ Phật, ngạo mạn Tam bảo, đến chùa đó, gọi các sư nói: “Từ lâu nghe nói tháp này nhiều lần phóng ra ánh sáng, hư đản dị thường, nên chưa thể tin. Nếu được tự mình thấy thì chả phải bàn luận gì nữa”. Mới nói xong, tháp liền phóng ra ánh sáng ngũ sắc, rọi tỏ cả chùa. Dụ ngạc nhiên rởn tóc gáy, do thế mà tin kính, nên ở phía đông chùa, lại dựng thêm một tháp nhỏ, ấy xa là do thần cảm của đấng Đại thánh, và gần là do sức của Khương Hội. Cho nên, vẽ hình tượng Hội, truyền cho đến nay. Tôn Xước làm bài tán cho bức tranh nói:

Ông Hội hiu hắt

Thật bậc linh chất

Lòng không cận lụy

Tình có dư dật

Đêm tối này dạy

Đám tội kia vớt

Lừng lững đi xa

Cao vời nổi bật

Có ký nói Tôn Hạo đập thử xá lợi, cho không phải việc của Quyền. Tôi xét Hạo khi sắp phá chùa, quần thần đều đáp: “Khương Hội cảm thụy, Thái hoàng lập chùa”. thì biết việc cảm xá lợi xưa là phải ở vào thời Tôn Quyền. Cho nên, truyện ký của một số nhà đều nói: "Tôn Quyền cảm Xá lợi ở cung Ngô". Sau đó mới thử sự thần nghiệm. Có người mới đem gán cho Hạo vậy.


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp