10/06/2011 09:54 (GMT+7)
Số lượt xem: 23902
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

B BẢN DỊCH LÝ HOẶC LUẬN

Lý hoặc của Mâu Tử, một thuyết nói

Truyện Thái thú quận Thương Ngô Mâu Tử Bác.

Mâu Tử đã học kinh truyện, sách chư tử không kể lớn nhỏ, không gì là không ham. Tuy không ưa binh pháp, nhưng cũng vẫn đọc. Tuy đọc sách thần tiên bất tử, dẹp đi không tin, cho là dối trá. Lúc ấy sau khi Linh đế băng (189), thiên hạ nhiễu loạn, chỉ Giao Châu tạm yên. Dị nhân phương Bắc kéo nhau đến ở, phần nhiều thực hành thuật thần tiên tịch cốc trường sinh. Người bây giờ có nhiều học giả. Mâu Tử thường đem ngũ kinh gạn hỏi. Đạo gia thuật sỹ không ai dám đáp, ví ông với Mạnh Kha chống Dương Chu, Mạc Địch.

Trước lúc ấy, Mâu Tử dắt mẹ lánh nạn Giao Châu. Năm 26 tuổi về Thương Ngô lấy vợ. Thái thú nghe tiếng có họ, đến thăm mời ra làm quan. Bấy giờ tuổi mới trưởng thành, chí chuyên học vấn, lại thấy đời loạn, không có ý làm quan, nên bèn không đến. Lúc ấy châu quận nghi nhau, cách trở không thông. Thái thú thấy ông học rộng, biết nhiều, nhờ đi “trí kỉnh” Kinh Châu. Mâu Tử nghĩ tước lộc dễ nhượng, sứ mệnh khó từ, ông mới sửa soạn ra đi. Gặp lúc châu mục trọng văn đãi sĩ, bổ làm quan. Ông lại cáo bệnh không đến. Em châu mục làm thái thú Dự Chương bị trung lang tướng Trức Dung giết. Bấy giờ châu mục sai kỵ đô úy Lưu Ngạn đem quân đi đánh song sợ cõi ngoài nghi nhau, quân không được tiến. Châu mục mới mời Mâu Tử, nói: “Em tôi bị nghịch tặc ám hại. Nỗi đau cốt nhục uất phát tim gan, phải sai Lưu đô úy đi, song sợ cõi ngoài nghi kỵ, người đi không thông. Ông văn võ gồm đủ, có tài chuyên đối, nay muốn giúp nhau, mượn đường Linh Lăng, Quế Dương để làm thông lộ, thế  nào?”

Mâu Tử đáp: “Chịu ơn nhờ nghĩa, đãi ngộ lâu ngày. Liệt sĩ quên mình, hẹn tất phải đi!” Bèn sửa soạn lên đường, gặp lúc mẹ mất đột ngột, bèn không đi được. Lâu sau đó, ông rút lui, nghĩ rằng: “Vì do thông giỏi, được giao sứ mệnh. Đời nay nhiễu nhương, chẳng phải lúc làm rõ mình”. Bèn thở dài, nói: “Lão Tử dứt thánh bỏ trí sửa thân giữ chân. Vạn vật không ngăn chí ông, thiên hạ không đổi niềm vui của ông, thiên tử không được bầy tôi, chư hầu không được kết bạn, nên có thể là quý”. Từ đó dốc chí vào đạo Phật, gồm ngẫm Lão Tử năm ngàn chữ, ngậm huyền diệu làm rượu ngon, xem ngũ kinh làm đàn sáo. Bọn thế tục nhiều kẻ cho là không phải, vì đã phản bội ngũ kinh, để đi về đạo khác. Muốn cãi thì không phải đạo, muốn im thì không được. Bèn lấy bút mực, gọi dẫn lời thánh hiền để chứng giải, đặt tên là Mâu Tử lý hoặc.

(1). Có người hỏi: - Phật từ đâu sinh ra? Có tổ tiên và làng nước gì không? Đã làm được gì, giống loại người nào?

Mâu Tử đáp: - Giàu thay câu hỏi! Xin đem dốt nát nói qua điểm chính.

Bởi nghe công trạng giáo hóa của Phật, tích chứa đạo đức, hàng ngàn ức đời, không sao ghi chép. Nhưng khi sắp thành Phật, thì sinh ở Thiên Trúc, mượn hình nơi vợ vua Bạch Tĩnh. Bà ngủ ngày, mộng thấy cưỡi voi trắng, thân có sáu ngà, hớn hở thích thú, bèn xúc cảm mà có thai. Đến tháng tư mồng tám, Phật theo sườn bên phải của mẹ mà sinh, đặt chân xuống đất, đi bảy bước giơ tay phải lên, nói: “Trên trời dưới trời không có gì hơn Ta!”. Bấy giờ trời đất rung mạnh, trong cung sáng ngời. Hôm ấy, người ở cung vua cũng sinh ra một đứa con trong tầu ngựa trắng, cũng cho ngựa con bú; đầy tớ tên Xa Nặc, ngựa tên là Kiền Trắc. Vua thường sai theo thái tử. Thái tử có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, mình cao trượng sáu, thân đều sắc vàng, đỉnh đầu có nhục kế, má như sư tử, lưỡi che được mặt, tay có ngàn xoáy, cổ sáng chiếu vạn dặm. Đấy là nói qua tướng Phật. Năm mười bảy tuổi, vua cha bắt lấy công chúa nước láng giềng làm vợ. Thái tử ngồi thì dời chỗ, nằm thì riêng giường. Đạo trời rộng sáng mà âm dương thông đồng. Bà có mang con trai, sáu năm mới sinh. Vua cha trân quí thái tử, dựng cho cung điện kỹ nữ, đồ chơi châu báu, đều bày trước mắt. Thái tử không ham thú vui ở đời, muốn giữ đạo đức. Năm 19 tuổi, ngày tám tháng tư, nửa đêm gọi Xa Nặc đóng yên Kiền Trắc vượt thành. Quỉ thần nâng đỡ, bay ra khỏi cung. Hôm sau bỗng nhiên không biết ở đâu. Vua cùng quan dân thảy đều sụt sùi, đuổi tới cánh đồng. Vua bảo: “Khi chưa có con, cha cầu xin Thần, nay đã có con, như ngọc như trân, nên nối ngôi tước, chứ bỏ đi đâu?”

Thái tử tâu: “Muôn vật vô thường, có rồi phải mất. Nay muốn học đạo, độ thoát mười phương”.

Vua biết thái tử đã kiên quyết, bèn đứng lên về. Thái tử đi thẳng, suy tư về đạo, sáu năm thì thành Phật. Sở dĩ Ngài sinh vào tháng tư mùa hạ, đó là lúc không nóng không lạnh, cây cỏ đơm hoa, cởi áo lông chồn, mặc áo thưa mỏng, là tiết trung lữ vậy. Sở dĩ Phật sinh ở Thiên Trúc là chỗ trung hòa trong trời đất vậy. Kinh do Phật viết gồm đến 12 bộ hợp tám ức bốn ngàn vạn quyển. Quyển lớn vạn lời trở xuống, quyển nhỏ ngàn lời trở lên. Phật dạy thiên hạ, cứu vớt giải thoát nhân dân. Nhân ngày 15 tháng 2 nhập tịch mà đi. Kinh điển và giới luật tiếp tục tồn tại, noi theo mà làm, cũng đạt vô vi, phúc đến đời sau. Kẻ giữ năm giới, một tháng sáu ngày trai; ngày trai giới thì chuyên tâm vào một ý, hối lỗi mà tự đổi mới. Sa môn giữ 250 giới, hàng ngày trai giới, Giới ấy không phải cho ưu bà tắc được nghe vậy. Oai nghi đi đứng cùng điển lễ ngày xưa không khác. Suốt ngày thâu đêm giảng đạo tụng kinh, không tham dự việc đời.

Lão Tử nói: “Đức lớn chứa dung, chỉ đạo theo về”. Ý đó là vậy.

(2) Hỏi: Sao chính gọi là Phật? Phật có nghĩa gì?

Mâu Tử đáp: - Phật là hiệu thụy vậy, như gọi ba vua thần, năm đế thánh. Phật là nguyên tổ của đạo đức, đầu mối của thần minh. Nói Phật nghĩa là giác, biến hóa nhanh chóng, phân thân tán thể, hoặc còn hoặc mất, nhỏ được lớn đươ

c, tròn được vuông được, già được trẻ được, ẩn được hiện được, đạp lửa không bỏng, đi dao không đau, ở dơ không bẩn, gặp họa không mắc, muốn đi thì bay, ngồi thì lóe sáng, nên gọi là Phật vậy.

(3) Hỏi: - Sao gọi là Đạo? Đạo ấy giống như cái gì?

Mâu Tử đáp: - Đạo là nói dắt dẫn vậy, dắt dẫn người đến chỗ vô vi. Dắt không có đàng trước, dẫn không có đàng sau. Giơ lên không có trên, đè xuống không có dưới. Nhìn không có hình, nghe không có tiếng. Bốn phương là lớn, nó vượt ra ngoài, tơ hào là nhỏ, nó lọt vào trong. Vì thế gọi Đạo.

(4) Hỏi: - Khổng Tử lấy ngũ kinh làm đạo giáo, có thể cầm mà đọc, nói mà làm. Nay ông nói Đạo hư vô nhanh chóng không thấy được ý, không chỉ được việc, sao khác với lời của thánh nhân thế?

Mâu Tử đáp: - Không thể lấy tập quen làm trọng, ít thấy làm khinh, mê ở vật ngoài mà hỏng ở trong lòng. Xây sự nghiệp không bỏ đạo đức cũng như so dây đàn không bỏ cung thương. Đạo trời khuôn theo bốn mùa, đạo người khuôn theo năm thường. Lão Tử viết: “Có vật hỗn thành, sinh trước trời đất, có thể làm mẹ thiên hạ. Ta không biết tên nó, gượng đặt chữ gọi là Đạo”. Đạo làm ra muôn vật, ở nhà có thể dùng thờ cha mẹ, làm chủ nước có thể dùng trị dân, đứng một mình có thể dùng sửa thân. Noi theo mà làm thì đầy cả trời đất, bỏ mà không dùng thì mất mà không dời. Ông không hiểu được, có chi là lạ?

(5) Hỏi: - Kìa thật lắm thì không hoa mỹ, văn hay thì không điểm tô, lời gọn mà đạt ý là đẹp, việc ít mà hiểu được là sáng. Cho nên châu ngọc ít mà quí, ngói gạch nhiều mà khinh. Thánh nhân chế ra bảy bộ kinh, chẳng qua ba vạn lời mà mọi việc đầy đủ. Nay kinh Phật, quyển số kể đến vạn, lời đếm tới triệu, không phải sức một người có thể kham nổi. Tôi cho là phiền phức mà không thiết yếu.

Mâu Tử đáp: - Sông biển sở dĩ khác với kênh rạch là vì chúng sâu rộng. Ngũ nhạc sở dĩ khác với gò đống là vì chúng cao. Nếu cao không khỏi núi đồi thì dê què dầy xéo ngọn đỉnh, sâu không hơn ngòi rạch thì trẻ con bơi tắm giữa dòng. Kỳ lân không ở trong vườn cảnh, cá kình nuốt thuyền không bơi ở khe nước vài tầm sâu. Mổ con trai ba tất tìm hạt châu minh nguyệt, dò cái tổ gai bưởi tìm chim non phượng hoàng, ắt khó mà được. Tại sao? Nhỏ không chứa được lớn vậy. Kinh Phật trước nói sự việc hàng ức năm lại dạy yếu lý của muôn đời. Thái tổ chưa nổi, thái thỉ chưa sinh, trời đất mới dựng, nhỏ không thể nắm, bé không thể vào, thì Phật đã bao trùm bên ngoài sự rộng lớn, đã chia chẻ sự bé nhỏ bên trong, chẳng chi là không ghi chép. Cho nên, kinh quyển kể hàng vạn, lời đếm hàng ức, càng nhiều càng đủ, càng lắm càng giàu. Có chi là không thiết yếu? Tuy một người không kham nổi, ví như đến sông uống nước, uống no tự đủ, đâu còn biết chỗ thừa ư?

(6) Hỏi: - Kinh Phật nhiều quá, muốn được chỗ thiết yếu mà bỏ điều thừa, nói thẳng vào chỗ thiết thực mà trừ bỏ điều hoa mỹ.

Mâu Tử đáp: - Không được! Kìa trời trăng, đều sáng, mỗi có chỗ chiếu; hai mươi tám vì sao, mỗi ngôi có chỗ chủ của nó. Trăm vị thuốc đều sinh ra, mỗi vị có chỗ chữa của nó. Lông chồn chống lạnh, vải thưa ngăn nóng, xe thuyền khác đường, đều để người đi, Khổng Tử không cho năm kinh là đủ, lại viết Xuân thu, Hiếu kinh là muốn mở rộng đạo thuật, thỏa mãn lòng người vậy. Kinh Phật tuy nhiều, đều qui về một mối, cũng như bảy kinh tuy khác, việc quí đạo đức nhân nghĩa cũng là một. Đạo hiếu sở dĩ nói nhiều là tùy người làm mà dạy bảo. Như Tử Trương, Tử Du đều hỏi về chữ hiếu, mà Trọng Ni đáp mỗi người một khác, ấy vì đánh vào sở đoản của họ, Có chi phải bỏ đi đâu?

(7) Hỏi: - Đạo Phật rất cao, rất lớn, sao Nghiêu, Thuấn, Châu, Khổng không học, trong bảy kinh không thấy nói đến? Ông đã ham Thi, Thư, thích Lễ, Nhạc, sao lại chuộng đạo Phật, ưa thuật khác? Phải chăng nó có thể vượt qua kinh truyện, đẹp hơn sự nghiệp của thánh nhân chăng? Thiết nghĩ vì chúng tôi, ông không làm thế.

Mâu Tử đáp: - Sách không là lời Khổng Khâu. Thuốc không là phương Biển Thước. Điều hợp nghĩa thì theo, thuốc khỏi bệnh là tốt. Người quân tử rộng nhận tất cả điều thiện để giúp cho thân. Tử Cống hỏi: “Phu tử thường có thầy nào?”  (Đáp): “Nghiêu thờ Doãn Thọ, Thuấn thờ Vụ Thành, Đán học Lã Vọng, Khưu học Lão Đam”. Những điều ấy cũng đều không thấy ở bảy kinh. Bốn vị thầy trên tuy là thánh, so với Phật thì khác gì hươu trắng với kỳ lân, chim én với phượng hoàng. Nghiêu, Thuấn, Châu, Khổng còn phải học. Huống thân Phật tướng tốt, sức thần biến hóa khó sánh, thì làm sao có thể bỏ mà không học? Sự việc có nghĩa lý trong ngũ kinh, hoặc có chỗ thiếu, nên không thấy ghi chép về Phật, thì có gì đáng lấy làm lạ?

(8) Hỏi: - Bảo Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, sao mà khác người đến thế? E rằng đấy là lời bùi tai, mà không phải sự thật.

Mâu Tử đáp: - Tục ngữ nói: Thấy ít, lạ nhiều. Nhìn con lạc đà bảo là ngựa gù lưng. Nghiêu mi tám sắc, Thuấn mắt hai tròng, Cao Dao mỏ quạ. Văn vương bốn vú, Vũ tai ba lỗ, Chu Công lưng gù, Phục Hy mũi rồng, Trọng Ni đầu bằng, Lão Tử trán gồ, mắt xếch, mũi có hai sống, tay cầm mười xoáy, chân đạp mười xoáy, như thế chẳng khác người  sao? Tướng tốt của Phật có chi đáng để nghi ngờ?

(9) Hỏi: - Hiếu kinh nói: “Thân thể, tóc da nhận từ cha mẹ không dám hủy thương” - Tăng Tử lúc sắp mất, bảo: “Kéo tay ra, duỗi chân ra!” Nay sa môn cắt tóc, sao trái với lời dạy của thánh nhân, không hợp với đạo người con hiếu. Ông thường ưa luận phải trái, bàn thẳng cong, mà đi ngược điều thiện hay sao?

Mâu Tử đáp: - Kìa chê thánh hiền là bất nhân, bàn không trúng là bất trí. Bất nhân, bất trí, lấy chi để gầy đức. Đức không gầy là bọn ương ngu vậy. Sao mà bàn luận giản dị thế? Xưa người nước Tề đi thuyền sang sông. Người cha ngã xuống nước, người con xách tay, chúc đầu chổng ngược để cho nước ở miệng ra mà mạng cha được sống. Kìa chúc đầu lộn ngược cha, còn gì bất hiếu bằng. Nhưng để bảo toàn thân thể cha, nếu khoanh tay giữ đạo con hiếu thông thường thì mạng cha chết mất dưới nước.

Khổng Tử nói: “Có thể cùng theo đạo, nhưng chưa có cùng quyền biến”. Đó gọi là Tùy thời mà làm vậy. Vả lại, Hiếu kinh nói: “Tiên vương có chí đức, có yếu đạo”. Mà Thái Bá cắt tóc, vẽ mình, tự theo tục của Ngô việt, trái với nghĩa thân thể tóc da. Vậy mà, Khổng Tử ca tụng, cho có thể gọi là chí đức. Trọng Ni không cho cắt tóc, mà chê bai. Do thế mà thấy nếu có đức lớn thì không câu nệ vào tiểu tiết. Sa môn vứt gia sản, bỏ vợ con, không nghe đàn, không nhìn sắc, có thể bảo là đã nhường hết thì sao lại trái với lời thánh không hợp đạo hiếu?

Dự Nhượng nuốt than, sơn mình, Nhiếp Chính lột mặt, tự vẫn. Bá Cơ dẫm lửa, Hạnh Cao cắt mặt. Quân tử cho là dũng và chết vì nghĩa, không nghe ai chê là tự hủy chết. Sa môn cắt bỏ râu tóc, so với bốn người trên, không xa chi mấy.

(10) Hỏi: - Kìa phúc không gì hơn là nối dõi, bất hiếu không gì hơn là không có con trai. Sa môn bỏ vợ con, vất của cải, có người suốt đời không lấy vợ, sao mà trái với hạnh phúc đức và hiếu tử như thế? Tự khổ mình mà không có chi là kỳ, tự cực mình mà không có chi là lạ cả!

Mâu Tử đáp: - Kìa bên trái dài, thì bên phải ngắn, đằng trước lớn ắt đàng sau hẹp. Mạnh Công Xước làm ông già nước Triệu, nước Ngụy, thì tốt chứ không thể lấy làm đại phu cho nước Đằng, nước Tiết. Vợ con, tài sản là vật thừa ở đời, thân sạch vô vi là huyền diệu của Đạo vậy.

Lão Tử nói: “Danh tiếng với thân mệnh, cái nào thân thiết hơn? Thân mệnh với của cải, cái nào quí hơn?” Lại nói: “Xem di phong của ba đời; ngắm đạo thuật của Nho, Mặc, đọc thi, thư, sửa lễ tiết, chuộng nhân nghĩa, nhìn trong sạch, người trong làng truyền lại sự nghiệp, danh dự lừng lẫy, đấy là việc làm của hạng sĩ bậc trung. Người điềm đạm không để ý đến. Cho nên trước mặt có hạt châu tùy, sau lưng có con cọp gầm, thấy mà bỏ chạy không dám lấy, tại sao? Vì mệnh sống trước đã, rồi sau mới đến lợi vậy. Hứa Do làm tổ ở trên cây, Di Tề chết đói ở Thủ Dương, Thuấn, Khổng ca ngợi là bậc hiền, nói: Cầu đạo nhân được đạo nhân vậy”. Chưa từng nghe thấy chê là không có nối giòng, không có của cải. Sa môn tu đạo đức để đổi niềm vui của đời phù du, về thục hiền để thay cho nỗi sướng vợ con. Như thế mà không lạ, còn chi là lạ? Như thế mà không khác, còn chi là khác?

(11) Hỏi: - Hoàng đế truyền xiêm áo chế phục sức. Cơ Tử bày Hồng phạm, dáng vẻ đứng đầu năm việc. Khổng Tử viết Hiếu kinh, phục sức đứng đầu ba đức. Lại nói: “Chỉnh đốn mũ áo, tôn nghiêm ngắm nhìn”. Nguyên Hiến tuy nghèo, không rời mũ Hán. Tử Lộ gặp nạn, không quên tết giải mũ. Nay sa môn đầu cắt tóc, mặc vải đỏ, thấy người thì, không có lễ nghi quì đứng, không có vẻ mặt săn đón, sao mà trái với chế độ ăn mặc dáng vẻ, ngược với phục sức của cân đai đến thế?

Mâu Tử đáp: - Lão Tử nói:“Đức cao không khoe đức, nên mới có đức, đức thấp không mất đức, nên mới không đức”. Thời Ba vua ăn thịt sống, mặc áo da, ở tổ, ổ lỗ, vì chuộng chất phác. Há lại cần mũ chương phủ, áo khúc cừu sao? Vậy mà người ta ca ngợi là có đức mà đôn hậu, đáng tin mà vô vị. Hạnh sa môn cũng tương tự thế đấy!

Hỏi: - Như lời ông nói, bọn Hoàng đế, Nghiêu, Thuấn. Châu, Khổng là đáng bỏ, không đủ dùng làm khuôn phép?

Mâu Tử đáp: - Hễ thấy rộng thì không lạc, nghe thông thì không lầm. Nghiêu, Thuấn, Châu, Khổng tu sửa cuộc đời, còn Phật và Lão chí nhằm vô vi. Trọng Ni bôn ba hơn bảy mươi nước. Hứa Do nghe nói nhường ngôi thì rửa tai ở vực. Đạo người quân tử, hoặc ra hoặc ở, hoặc im hoặc nói, không buông lòng mình, không thả tính mình. Cho nên, đạo quí ở chỗ ứng dụng, sao có sự bỏ đi?

(12) Hỏi: - Đạo Phật nói người ta chết thì lại sinh lại, tôi không tin điều ấy đúng như thế?

Mâu Tử đáp: - Người đến lúc chết, người thân trèo lên nóc nhà mà gọi. Chết rồi còn gọi ai? Bảo là gọi hồn phách nó! Mâu Tử bảo: “Thần hồn trở lại thì sống, không trở lại, thần hồn đi đâu?”

- Thưa là thành quỉ thần!

Mâu Tử nói: - Chính thế, thần hồn vốn không diệt vậy, chỉ thân thể tự hư nát. Thân ví như rễ lá của ngũ cốc, thần hồn như hạt giống của ngũ cốc; rễ lá sinh ra ắt phải chết, hạt giống há có chung cục ư? Đắc đạo thì thân diệt vậy.

Lão Tử nói: “Ta sở dĩ có cái lo lớn là vì ta có thân, nếu như không có thân, ta còn gì đáng lo”. Lại nói: “Công thành thì thân thoái, đó là đạo trời”. Có người nói:“Theo đạo cũng chết, không theo cũng chết, có khác nhau chi?”

Mâu Tử nói: Đấy gọi là không một ngày làm điều thiện, mà đòi tiếng khen suốt đời. Người có đạo dầu chết nhưng thần hồn về cõi phúc, kẻ làm ác chết đi thì thần hồn mang họa. Người ngu mờ ám ở chỗ việc thành, người hiền trí tính trước khi chưa manh nha. Có đạo với không có đạo ví như vàng với cỏ, thiện với họa, như trắng với đen, sao không khác nhau mà còn hỏi có khác nhau không?

(13) Hỏi: - Khổng Tử nói “Chưa thể thờ người, làm sao có thể thờ quỉ; chưa biết sự sống làm sao biết được cái chết”. Đấy là điều thánh nhân không bao giờ đề cập tới. Nay nhà Phật luôn luôn thuyết về việc sống chết, chuyện quỉ thần, e rằng không phải lời nói của thánh triết vậy. Kìa kẻ sống đạo, nên hư vô đạm bạc, qui chí về chất phác. Sao còn nói lẽ sống chết làm chi để rối loạn ý chí, thuyết về quỉ thần là việc thừa vậy.

Mâu Tử đáp: - Như lời ông nói, đó gọi là thấy bên ngoài chưa biết bên trong vậy. Khổng Tử ghét Tử Lộ không hỏi gốc ngọn, nên đem điều đó ra mà dẹp đi. Hiếu kinh nói: “Làm tôn miếu để cúng quỉ thần, tế lễ hai mùa xuân thu để nghĩ đến theo thời tiết”. Lại nói: “Khi sống thờ bằng kính yêu, khi chết thờ bằng thương nhớ”. Há chẳng phải là dạy người thờ quỉ thần, biết lẽ sống chết đấy ư? Chu công vì Vũ vương cầu sinh mệnh, nói: “Đán này nhiều tài nhiều nghề, có thể thờ đươ

c quỉ thần”. Kìa thế làm gì vậy? Kinh Phật thuyết về lý sống chết chẳng phải cùng loại như thế ư? Lão Tử  nói: “Biết là con lại quay về giữ lấy mẹ thì trọn đời không nguy hại”. Lại nói: “Dùng ánh lửa quay về nguồn sáng của nó, không để tai ương cho thân”. Đó là nói về ý nghĩa của đạo sống chết, mục đích của điều lành điều dữ. Điểm thiết yếu của đạo tối cao, thực quí ở sự yên lặng. Nhà Phật há ham nói nhiều ư? Có kẻ đến hỏi không thể không đáp. Chuông trống há có tự kêu, đánh vào mới có tiếng vậy.

(14) Hỏi: - Khổng Tử nói: “Mọi rợ có vua không bằng các nước Hạ mất vua”. Mạnh Tử chê Trần Tương học cái thuật của Hứa Hành, nói: “Ta nghe dùng Hạ để biến cải man di, chưa từng nghe dùng man di để biến cải Hạ”. Ông từ nhỏ học đạo Nghiêu, Thuấn, Châu, Khổng mà ngày nay bỏ đi học cái thuật của man mọi, chẳng đã lầm rồi sao?

Mâu Tử đáp: - Đó là lời thừa khi tôi chưa hiểu đạo lớn vậy. Như ông có thể gọi là thấy vẻ đẹp của lễ chế mà không biết thực chất của đạo đức, thấy đuốc sáng, mà chưa thấy mặt trời giữa trưa. Lời nói của Khổng Tử là để uốn ngay phép đời vậy. Mạnh Kha nói vì ghét sự chuyên nhất thôi. Xưa Khổng Tử muốn ở nơi chín mọi, nói rằng: “Người quân tử ở đây thì có chi là thối nát?” Đến khi Trọng Ni không được dung thân ở nước Lỗ, nước Vệ. Mạnh Kha không được dùng ở nước Tề nước Lương, há các ngài lại làm kẻ sĩ ở nơi man mọi hay sao? Vũ đi ra từ Tây Khương mà thành thánh triết. Cổ Tẩu sinh vua Thuấn mà ương ngu. Do Dư sinh ở Địch mà làm cho nước Tần bá chủ. Quản Thúc Tiên và Sái Thúc Độ từ đất Hà Lạc mà nói phản loạn. (Tả) truyện nói: “Sao phương Bắc ở trên trời là chính giữa, ở tại người là phương Bắc”. Lấy đấy mà xem đất Hán chưa hẳn là trung tâm trời đất vậy. Kinh Phật giảng dạy, trên dưới trùm khắp,loại vật hàm huyết đều thuộc về Phật. Cho nên ta lại tôn kính mà học lấy, sao bảo là phải bỏ cái đạo của Nghiêu, Thuấn, Châu, Khổng, Vàng với ngọc không tổn thương lẫn nhau. Châu tùy và ngọc bích không hại lẫn nhau. Bảo người ta lầm khi chính tự mình lầm vậy.

(15) Hỏi: - Lấy của cải của cha, đem cho người đi đường, không thể gọi là huệ. Cha mẹ còn sống mà tự chết thay người, không thể gọi là nhân. Nay kinh Phật nói thái tử Tu Đại Noa đem của cải của cha bố thí cho người xa, lấy voi quí của nước đem cho kẻ thù oán, vợ con tự đem cho người khác. Không kính trọng cha mẹ mình mà kính trọng người khác thì gọi là trái lễ, không yêu mến cha mẹ mà yêu mến người khác thì gọi là trái đức. Tu Đại Noa bất nhân, bất hiếu mà nhà Phật tôn lên, há chẳng lạ thay?

Mâu Tử đáp: - Nghĩa của năm kinh là lập đích làm trưởng. Thái vương thấy chí của Xương, bèn đổi con thứ làm con trưởng mà nên cơ nghiệp nhà Chu để đến thái bình. Đúng nghĩa lấy vợ phải trình cha mẹ, Thuấn lấy vợ không trình mà nên đạo lớn. Hạng sĩ chân chính chờ được mời, bậc tôi hiền chờ vua triệu. Thế mà Y Doãn cõng vạc đến Thang, Ninh Thích gõ sừng xin giúp nước Tề. Thang nhờ thế làm vua, Tề nhờ đấy làm bá. Theo lễ thì trai gái không được gần trao. Chị dâu chết đuối thì chìa tay kéo lên, vì khẩn cấp quyền biến vậy. Khi thấy việc lớn, không câu chấp điều nhỏ, bậc đại nhân há nệ vào điều thường sao? Tu Đại Noa thấy đời vô thường, tài sản không phải của riêng mình, tự ý bố thí để thành đạo lớn. Nước của cha nhận thêm phúc, giặc thù không vào được. Đến khi thành Phật, cha mẹ anh em đều được độ khỏi thế gian, thế mà bảo là bất hiếu, thế mà bảo là bất nhân thì ai là nhân hiếu  ư?

(16) Hỏi: - Đạo Phật trọng vô vi, ưa bố thí, giữ giới đau đáu như kẻ đi ven vực sâu. Nay sa môn đam mê rượu ngon, có kẻ nuôi vợ con, mua rẻ bán đắt, chuyên làm dối trá. Đấy là việc xấu lớn ở đời, mà đạo Phật gọi đó là vô vi sao?

Mâu Tử đáp: - Công Thâu có thể cho người ta búa rìu dây mực, mà không thể khiến người ta khéo. Thánh nhân có thể dạy đạo cho người, mà không thể bắt người ta noi theo mà làm. Cao Dao có thể khép tội người ăn trộm, chứ không thể khiến kẻ tham thành Bá Di, Thúc Tề. Năm hình phạt có thể trừng phạt kẻ phạm tội, mà không thể khiến người con ác thành Tăng. Mẫn, Nghiêu không thể hóa Đan Chu, Chu công không thể dạy được Quản, Sái. Há lời dạy của Đường Ngu không sáng tỏ, đạo lý của Chu công không hoàn bị sao? Nhưng không làm gì được với kẻ ác là tại sao. Ví như người đời học thông bảy kinh mà mê tiền tài và sắc đẹp, há bảo rằng lục nghệ là tà dâm sao? Hà Bá tuy thần linh, nhưng không thể làm cho người trên bộ chết đuối được. Gió thổi tuy mạnh không thể khiến được nước sâu nổi cát bụi. Nên lo người ta không thể hành đạo, há có thể bảo đạo Phật là xấu hay sao?

(17) Hỏi: - Khổng Tử bảo xa xỉ thì không khiêm tốn, kiệm ước thì bền vững, Nếu như không khiêm tốn, thà rằng bền vững. Thúc Tôn nói: “Kiệm ước là đức kính cẩn, xa xỉ là điều ác lớn vậy”. Nay nhà Phật đem hết của bố thí làm danh giá, vét hết hàng cho người làm quí trọng. Há có phúc ư?

Mâu Tử đáp: - Kia một thời, đây một thời. Lời của Trọng Ni ghét xa xỉ mà không có lễ. Luận điệu của Thúc Tôn là chê trách cột nhà điêu khắc của Nghiêm công, chẳng phải cấm bố thí vậy. Thuấn cày ruộng Lịch Sơn, ơn không đến châu xóm. Thái công giết trâu, huệ không tới vợ con. Đến khi được dùng, ơn tràn tám cõi, huệ ra bốn bể. Nhiều của lắm hàng, quí ở chỗ cho biếu, nghèo khó bần hàn quí ở chỗ giữ đạo. Hứa Do không kham bốn bể, Bá Di không thích được nước. Ngu Khanh bớt phong ấp đi vạn nhà để cứu cấp người khốn cùng. Mỗi người một chí hướng vậy. Hy Phụ Ky có cái ơn một bình cơm mà bảo toàn được chỗ ở. Tuyên Mạnh vì cho một bữa ăn mà cứu được thân mình. Ngầm bố thí không để ý, sự báo đã rõ như ban ngày. Huống chi đem cả gia tài, dấy lên ý thiện, thì công đức vòi vọi như Tung Thái, mênh mông như sông bể vậy. Người nhớ điều thiện thì đáp lại bằng vận may. Người giữ chuyện ác thì trả lại bằng tai họa. Chưa có việc trồng lúa tẻ mà được lúa mì, làm điều tai vạ, mà lượm được phúc lộc vậy.

(18) Hỏi: - Kìa việc làm không gì hơn lòng thành, nói chuyện không gì hơn là nói điều thực. Lão Tử bỏ lời hoa sức, mà chuộng câu chất phác. Kinh Phật dạy, không chỉ vào sự việc, chỉ rộng dùng thí dụ. Thí dụ không phải yếu chỉ của đạo, hợp khác làm giống thì không phải là huyền diệu của sự việc. Tuy nhiều lời rộng tiếng cũng như ngọc vụn đầy một xe, không lấy là báu vậy.

Mâu Tử đáp: - Việc thường cùng thấy mới có thể bảo là thật. Một kẻ thấy, một kẻ không thấy thì khó mà nói là thật được. Xưa có người chưa thấy kỳ lân, hỏi kẻ thường thấy: “Kỳ lân nó loài gì?” Người thấy bảo: “Kỳ lân như loài kỳ lân vậy”. Người hỏi bảo: “Nếu tôi được thấy kỳ lân thì đã không hỏi ông làm chi. Nay ông nói kỳ lân như là kỳ lân, há có thể hiểu được ư?” Người thấy bèn nói: “Con lân có thân mang, đuôi trâu, chân hươu, lưng ngựa”. Người hỏi hiểu ngay.

Khổng Tử nói: “Người không biết đến, mà không giận, chẳng là quân tử ư?” Lão Tử nói: “Khoảng trời đất này ví như ống bể chăng”. Lại nói: “Ví đạo với thiên hạ như biển, sông đối với ngòi lạch”. Há lại hoa sức ư?

Luận ngữ nói: “Lấy đạo đức làm chính trị ví như sao Bắc Đẩu”. Ấy là dẫn trời để sánh với người vậy.

Tử Hạ nói: “Ví như cây cỏ xếp thành khu để phân biệt vậy”. Ba trăm thơ của Kinh thi, dẫn sự vật hợp theo loại. Từ sấm vĩ của chư tử, yếu chỉ bí mật của thánh nhân, chẳng ai là không dẫn dùng thí dụ. Ông riêng ghét kinh Phật lấy thí dụ để thuyết pháp sao?

(19) Hỏi: - Người ta ở đời chẳng ai là không ưa giàu sang mà ghét nghèo hèn, vui nhân thủ mà sợ nhọc mệt. Hoàng đế dưỡng tính, lấy đồ ăn chín làm hơn hết.

Khổng Tử bảo: “Ăn không chê ít, nem không chê nhỏ”. Nay sa môn mặc áo đỏ, ăn ngày một bữa, cấm sáu tình, tự dứt với đời, như thế còn có nhờ gì?

Mâu Tử đáp: - Giàu với sang là điều người ta mong muốn, nhưng không lấy đạo đức mà được thì không nhận, nghèo với hèn là điều người ta không ưa, nhưng không lấy đạo đức để thay đổi được thì không bỏ. Lão Tử nói: “Năm màu làm cho mắt người ta lòa, năm tiếng làm cho tai người ta điếc, năm vị làm cho miệng người ta tê. rong ruổi đi săn đi bẫy làm cho tinh thần người ta điên cuồng, của cải khó được khiến cho người ta làm điều hại. Thánh nhân vì tâm phúc không vì tai mắt”. Lời nói ấy há trống rỗng sao? Liễu Hạ Huệ không vì chức tam công mà đổi hạnh mình. Đoàn Cam Mộc không lấy thân mình đổi lấy sự giàu có của Ngụy Văn. Hứa Do, Sào Phủ leo lên cây mà ở, tự cho yên ổn hơn cung điện nhà vua. Di Tề nhịn đói ở Thủ Dương, tự cho là no hơn Văn Vũ: Bởi vì ai nấy có được chí muốn của mình mà thôi, sao bảo là không có gì để nhờ cậy?

(20) Hỏi: - Nếu kinh Phật thâm thúy đẹp đẽ, sao ông không đem bàn ở triều đình, luận với vua, cha, làm ở chốn vợ chồng, thù tiếp với bạn bè, mà lại còn học kinh truyện, đọc chư tử?

Mâu Tử đáp: - Chưa đạt tới nguồn mà hỏi về dòng sông vậy. Ôi! Bầy đồ thờ ở cửa lũy, trồng cờ xí ở miếu đường, mặc lông chồn để cản nóng tháng tư, mặc vải thưa để chống lạnh tháng chạp không phải là không đẹp mà trái với chỗ của nó và chẳng phải lúc vậy. Cho nên đem thuật Khổng Tử đi vào cửa Thương Ưởng, mang học thuyết Mạnh Kha đến sân trường Tô, Trương công đã không được phân tấc, mà lỗi thì sao thì cao trượng thước vậy. Lão Tử nói: “Thượng sỹ nghe đạo thì chăm làm. Trung sĩ nghe đạo thì như còn như mất, hạ sĩ nghe đạo thì cười vang”. Tôi sợ cười vang nên không dám bàn vậy. Khát nước không chờ đến sông cái mới uống, nước giếng suối sao không giải khát được? Bởi thế nên lại xem học kinh truyện.

(21) Hỏi: - Đất Hán bắt đầu nghe nói Phật giáo là từ đâu ra?

Mâu Tử đáp: - Xưa hoàng đế Hiếu Minh (58-74sdl) mộng thấy thần nhân, thân có ánh sáng mặt trời bay vào trước điện, bèn hớn hở mừng vui. Hôm sau rộng hỏi quần thần: “Đó là thần gì?” Có thông nhân Phó Nghị nói: “Thần nghe Thiên Trúc có người đắc đạo tên hiệu là Phật, bay trên không trung, thân có tia sáng mặt trời. Có lẽ là vị thần ấy vậy”. Do thế vua hiểu, sai trung lang Thái Hâm, vũ lâm lang trung Tần Cảnh, bác sĩ đệ tử Vương Tuân, tất cả 18 người đến xứ Đại Nguyệt Chi chép kinh Phật 42 chương, cất tại gian 14 nhà đá Lan Đài. Bấy giờ bắt đầu xây chùa Phật ở ngoài cửa Tây Ung thành Lạc Dương, trên tường vẽ ngàn xe, vạn ngựa quanh tháp ba vòng. Lại ở Nam cung, đài Thanh Lương và trên cửa thành Khai Dương tạo tượng Phật. Bấy giờ, Minh đế định sửa xây thọ lăng, gọi là Hiển tiết, cũng tạo tượng vẽ Phật lên trên. Thủa ấy nước giàu, dân yên, mọi xa mộ nghĩa, kẻ học Phật do đấy mà nhiều lên.

(22) Hỏi: - Lão Tử bảo: “Kẻ biết không nói, kẻ nói không biết”. Lai nói: “Giỏi nói như ngọng, giỏi làm như vụng”. Quân tử lấy lời nói quá việc làm xấu hổ. Nếu sa môn có chí đạo, sao không ngồi mà thực hành, sao còn bàn phải trái, luận ngay cong? Tôi cho thế là giặc của đức hạnh vậy.

Mâu Tử đáp: - Xuân tới sẽ đói lớn, thu này nhịn ăn. Hoàng chung (tháng chạp) sẽ lạnh, thì nhụy tân (tháng tư) chuẩn bị áo cừu; dự bị tuy sớm, không khỏi là ngu. Lão Tử có nói là để cho người đắc đạo vậy. Người chưa đắc đạo biết thế nào được? Đạo lớn một lời, mà thiên hạ vui lòng, phải đâu nhiều nơi ư? Lão Tử chẳng đã nói đấy ư: “Công thành thì thân lui, ấy là đạo trời vậy”. Thân đã lui rồi, lại còn nói gì? Nay sa môn chưa kịp đắc đạo, sao không được nói? Lão Tử cũng còn nói nữa mà. Nếu ông không nói thì năm ngàn lời trước thuật làm gì? Nếu như biết mà không nói thì còn được. Đã không biết, lại không thể nói, ấy là người ngu. Cho nên có thể nói mà không thể làm, ấy là thầy của nước. Có thể làm mà không thể nói ấy là dụng của nước. Có thể làm, có thể nói ấy là báu của nước. Ba bậc ấy, mỗi đều có chỗ dùng, có chi là giặc của đức hạnh? Chỉ có kẻ không biết làm, không biết nói mới là giặc thôi.

(23) Hỏi: - Như lời ông nói thì chỉ nên học biện luận, tập ngôn từ, há còn tu tình tính, noi đạo đức ư?

Mâu Tử đáp: - Có chi khó hiểu lắm đâu? Ôi! Ngôn ngữ đàm luận, mỗi có thời của nó. Cừ Viên nói: “Nước có đạo thì thẳng, nước vô đạo thì cuộn lại mà ấp ủ cho mình”. Ninh Vũ tử nói: “Nước có đạo thì làm người hiểu biết, nước không có đạo thì làm người ngu”. Khổng Tử nói: “Với người có thể nói, mà không nói, thì mất người; không thể nói mà cứ nói thì phí lời”. Cho nên, trí ngu đều có thời, đàm luận mỗi có ý, làm sao lúc đáng nói bàn ngôn luận mà không làm vậy?

(24) Hỏi: - Tại sao đạo Phật rất cao rất hay, vô vi điềm đạm, mà người đời học giả nhiều kẻ hủy báng, bảo thuyết lý, văn từ nó khoác lác khó dùng, hư vô khó tin?

Mâu Tử đáp: - Vị ngon không hợp cho nhiều miệng, tiếng hay không vừa cho nhiều lỗ tai. Tấu Hàm trì, chơi Đại chương, nổi Tiêu thiều, hát Cửu thanh, chẳng ai họa vào. Gióng dây đàn Trịnh Vệ, ca tiếng ca thời tục, ắt không hẹn mà vẫn vỗ tay theo. Cho nên, Tống Ngọc bảo: “Khách ca ở Dĩnh, hát khúc Hạ lý thì người họa cả ngàn. Nhấn thương, thúc giốc thì chẳng có ai đáp”. Đó là thích tiếng tà, mà không hiểu nhạc bậc cao vậy. Hàn Phi tử đem cái thấy qua ống nhòm để bài bác Nghiêu Thuấn. Tiếp Dư đem số phận tóc tơ để châm chọc Trọng Ni. Ấy đều mê nhỏ mà bỏ lớn vậy. Ôi! Nghe tiếng thương trong mà bảo là tiếng giốc, chẳng phải lỗi của dây đàn, mà là kẻ nghe không hiểu vậy. Thấy ngọc hòa mà bảo là đá, chẳng phải ngọc bích hèn, mà do người xem không rõ. Rắn thần có thể đứt rồi lại nối, nhưng không thể cấm người ta cắt đứt được. Rùa thiêng có thể báo mộng cho vua Nguyên nước Tống, mà không thể thoát được lưới của Dự Thư. Đạo lớn vô vi chẳng phải người phàm thấy được. Không lấy khen làm quí, không lấy chê làm hèn. Dùng hay không dùng là tự ở trời, làm hay không làm là ở thời, tin hay không tin là ở mệnh vậy.

(25) Hỏi: - Ông lấy kinh, truyện, để lý giải thuyết Phật, lời nói phong phú mà ý nghĩa rõ ràng, văn chương sáng mà lý thuyết đẹp, há không phải là ông không biện luận  ư?

Mâu Tử đáp: - Không phải tôi biện luận; thấy rộng cho nên không lầm vậy.

Hỏi: - Thấy rộng có thuật gì?

Mâu Tử đáp: - Do kinh Phật đấy. Khi tôi chưa hiểu kinh Phật, tôi lầm còn hơn ông. Tuy đọc ngũ kinh, hợp lấy làm hoa, chưa nên quả vậy. Đến khi tôi đã xem thuyết của kinh Phật, ngẫm yếu lý của Lão Tử, giữ tính điềm đạm, xét hạnh vô vi, rồi quay về trông sự đời, như lên trời cao mà ngó xuống hang suối, lên Tung Đại mà thấy gò đống vậy. Ngũ kinh là năm vị, còn đạo Phật là năm thứ thóc đấy. Tôi từ nghe đạo đến nay, thực như vén mây thấy mặt trời tỏ, soi đuốc vào trong nhà tối vậy.

(26) Hỏi: - Ông nói kinh Phật như sông biển, văn nó như gấm thêu, sao ông không lấy kinh Phật đáp lời tôi hỏi, mà lại dẫn thi, thư, hợp khác làm giống vậy?

Mâu Tử đáp: - Kẻ khát tất không đợi sông bể mới uống. Kẻ đói tất không chờ kho Ngao mới no. Đạo đặt ra vì người trí, luận để cho người hiểu thông, sách để cho người sáng truyền, việc để cho kẻ thấy rõ. Tôi để cho ông biết ý nên dẫn các sự việc. Nếu nói bằng lời dạy của kinh Phật, bàn bằng yếu lý của vô vi, thì như đối người mù mà nói năm màu, người điếc mà tấu năm âm. Sư Khoáng dù giỏi, không thể gẩy đàn không dây. Lông chồn tuy ấm, không thể làm nóng người hết sinh khí. Công Minh Nghi vì trâu, đàn điệu giốc trong, trâu vẫn ăn như cũ, không phải trâu không nghe nhưng không hợp tai nó. Trái lại, tiếng ruồi muỗi, tiếng nghé mồ côi, tức thì trâu vẩy đuôi vểnh tai, lững thững bước đi mà nghe. Thế nên đem thi thư lý giải cho ông.

(27) Hỏi: - Tôi xưa ở kinh đô, vào Đông quan, đến Thái học, thấy tuấn sĩ nề nếp, nghe nho lâm bàn luận, chưa nghe tu đạo Phật làm quí, tự bớt đẹp là cao thượng. Sao ông đam mê đạo Phật thế? Ôi! Đi lầm thì đổi đường, thuật cùng thì về lối cũ, khá không nghĩ kỹ sao?

Mâu Tử đáp: - Ôi! Kẻ giỏi quyền biến thì không thể gạt bằng dối trá; kẻ thông hiểu đạo thì không thể làm sợ bằng điều lạ; kẻ khéo văn thì không thể lầm bằng lời nói; kẻ đạt nghĩa lý thì không thể lấy lợi làm động lòng. Lão Tử nói: “Danh là cái hại của thân, lợi là cái nhơ của hạnh”. Lại nói: “Bầy mưu, cướp quyền, hư vô tự quí”. Tu lễ gia đình, làm theo thời thói tục, nhằm chen vào chỗ hở, nhằm hợp đời nay, ấy là chỗ làm của hạ sĩ, chỗ bỏ của trung sĩ. Huống chi đạo lớn than thản là chỗ làm của bậc thánh trên, Mênh mông như trời, thăm thẳm như biển, không hợp với người “dòm tường”, kẻ cao mấy nhận, đó là đúng thôi. Ông thấy cửa ngõ, tôi xem cái nhà, kẻ kia hái hoa, tôi lượm lấy trái, kẻ kia cần đầy, tôi giữ cái một. Ông mau đổi đường, tôi xin cứ đi, nguyên lai của họa phúc, chưa biết thế nào vậy.

(28) Hỏi: - Ông lấy lời kinh truyện, thuyết hoa mỹ để khen ngợi hạnh Phật, xưng tụng đức Phật, cao tới mây xanh, rộng quá mặt đất, há không vượt cái vốn mà quá sự thực không? Chúng tôi chê khá đúng chỗ, chẩn đúng bệnh vậy.

Mâu Tử đáp: - Than ôi, chỗ tôi khen như lấy cát bụi mà đắp Tung, Thái, lấy sương sớm đổ vào sông bể, chỗ ông chê như cầm bầu lọ muốn vơi sông biển, đem cày bừa muốn cào Côn Lôn, nghiêng bàn tay đòi che mặt trời, cầm cục đất đòi lấp sông Hoàng. Tôi có khen, không thể khiến Phật cao hơn, ông có báng không khiến Phật thấp xuống vậy.

(29) Hỏi: - Sách Bát tiên của Vương Kiêu, Xích Tùng, Thần thơ 170 quyển, việc trường sinh cùng với kinh Phật có phải giống nhau  không?

Mâu Tử đáp: - So với loại thì như Ngũ bá với Ngũ đế, Dương Hóa với Trọng Ni. So về hình thì như gò đống với Hoa, Hằng, lạch ngòi với sông biển. So về văn thì như da hổ với da dê, vải gai với gấm vóc vậy. Đạo có 96 loại, đến như cao lớn thì không đạo nào hơn đạo Phật. Sách thần tiên nghe thì bao la ngập tai, mà tìm hiệu nghiệm thì như nắm gió bắt bóng. Bởi thế, đạo lớn không nhận, vô vi không quí, sao được giống nhau?

(30) Hỏi: - Học đạo có kẻ tịch cốc không ăn gạo, mà uống rượu ăn thịt, cũng bảo là thuật của họ Lão. Nhưng đạo Phật lấy rượu thịt làm điều cấm tối cao, mà quay lại ăn gạo, sao trái ngược nhau thế?

Mâu Tử đáp: - Các đạo đầy dẫy, gồm có 96 loại. Đạm bạc vô vi, không đạo nào hơn đạo Phật. Tôi xem hai thiên thượng hạ của họ Lão, nghe nói cấm giới năm vị, chưa thấy nói là tuyệt ăn năm thứ gạo. Thánh nhân viết văn bảy kinh không có thuật ngưng lương. Lão Tử làm năm ngàn câu văn không nói việc tịch cốc. Thánh nhân nói: “Ăn gạo là trí, ăn cỏ thì ngu, ăn thịt thì dữ, ăn khí thì thọ”. Người đời không hiểu việc ấy, thấy sáu loài chim nhịn hơi không thở, thu đông không ăn, muốn bắt chước mà làm theo, không biết rằng loài vật mỗi giống tự có bản tính của nó, như từ thạch (đá nam châm) hút sắt mà không thể di chuyển một cái lông nhỏ vậy.

(31) Hỏi: - Thóc há có thể bỏ hẳn sao?

Mâu Tử đáp: - Khi tôi chưa hiểu đạo lớn, cũng thường học đòi tịch cốc. Pháp tịch cốc kể ra ngàn trăm thuật, thực hành không có hiệu quả, làm không có trưng chứng, nên tôi bỏ. Xem ba người thầy tôi theo học, hoặc tự xưng bảy trăm, năm trăm, ba trăm tuổi. Nhưng tôi theo học chưa đầy ba năm, ai nấy đều chết mất. Sở dĩ như thế là vì nhịn gạo, mà ăn trăm quả. Nhậu thịt thì nhiều mâm, uống rượu thì nghiêng vò, tinh loạn thần hôn, hơi gạo không đủ, tai mắt lầm lạc, dâm tà không kiêng. Tôi hỏi tại sao? Đáp rằng: “Lão Tử nói: Bớt đi lại bớt, cho đến vô vi. Trò nên ngày bớt đi”. Nhưng tôi thấy thì ngày chỉ thêm mà không bớt. Bởi thế, ai nấy đều không đến biết mệnh mà chết. Vả lại, Nghiêu, Thuấn, Châu, Khổng ai nấy không sống được trăm năm, vậy mà đời sau ngu muội muốn theo tịch cốc để tìm tuổi thọ vô cùng. Thương thay!

(32) Hỏi: - Người học đạo nói có thể chống bệnh, không đau, chẳng thuốc men châm cứu mà vẫn lành, có không? Tại sao nhà Phật có bệnh thì dùng thuốc châm cứu?

Mâu Tử đáp: - Lão Tử nói: “Vật lớn thì già, gọi là trái Đạo. Trái đạo thì sớm hết”. Chỉ có kẻ đắc Đạo mới không sinh, không sinh thì cũng không lớn, không lớn thì cũng không già, không già thì cũng không bệnh, không bệnh thì cũng không thối. Bởi thế, Lão Tử cho thân thể là mối lo lớn. Vũ vương nằm bệnh, Châu công xin mệnh, Trọng Ni có ốm, Tử Lộ cầu đảo. Tôi thấy thánh nhân đều có bệnh, chưa thấy ai không đau. Thần Nông nếm cỏ, gần chết tới mấy mươi lần. Hoàng đế cúi đầu chịu cho Kỳ Bá châm cứu. Ba bậc thánh này há không bằng các đạo sĩ hiện nay sao? Suy xét lời ấy, cũng đủ để bỏ.

(33) Hỏi: - Đạo đều vô vi là một cả sao ông đem phân biệt la liệt, rồi bảo chúng khác, càng làm kẻ học nghi ngờ, Tôi cho là phí công vô ích vậy.

Mâu Tử đáp: - Đều gọi là cỏ, mà chất cỏ nhiều không thể kể xiết. Đều gọi kim loại, mà chất kim loại nhiều không thể kể xiết. Cùng loài mà khác tính, muôn vật đều thế. Há chỉ đạo thôi sao? Xưa Dương, Mặc chặn đường các nho, xe không tiến được, người không bước được. Mạnh Kha mở đường, mới biết đường theo. Sư Khoáng gảy đàn, chờ tri âm về sau. Thánh nhân chế phép, mong quân tử sẽ thấy. Ngọc đá cùng rương, Ỷ Đôn vì thế đổi sắc. Đỏ tía lẫn lộn, Trọng Ni vì thế thở dài. Trời trăng không phải không chiếu, tối nhiều che sáng. Đạo Phật không phải không chính, riêng nhiều dìm công. Bởi thế tôi chia mà biết. Trí của Tang Văn, thẳng của Vi Sinh, Trọng Ni không khen. Đấy đều lời sửa đời, có chi là phí công vô  ích?

(34) Hỏi: - Ông chê thần tiên, dẹp kỳ quái, không tin có cái đạo bất tử đó là đúng. Tại sao tin chỉ có đạo Phật mới cứu được đời? Phật ở nước khác, chân ông chưa dẫm đất ấy, mắt ông chưa thấy chỗ ấy, chỉ xem văn Phật, mà tin hạnh Phật. Kìa, xem hoa không thể biết quả, nhìn bóng không thể rõ hình. E rằng không thực.

Mâu Tử đáp: - Khổng Tử nói: “Nhìn vì sao, xem từ đâu, xét chỗ tới, người ta giấu được gì”. Xưa Lã Vọng, Châu công hỏi về chính sự thi hành, mà biết về sau vì sao chung cục. Nhan Uyên ngày ngồi xe bốn ngựa, thấy Đông Dã Tật đánh xe mà biết nó sắp đổ. Tử Cống xem Trâu Lỗ họp mà rõ vì sao mất. Trong Ni nghe Sư Khoáng gảy đàn, mà biết nết của Văn vương. Quí tử nghe nhạc, mà hiểu tục của các nước. Cần chi phải mắt thấy chân dẫm đâu?

(35) Hỏi: - Tôi thường đi chơi nước Vu Điền, nhiều lần cùng sa môn đạo nhân tiếp chuyện, đem việc tôi ra hỏi, họ đều không trả lời được mà rút lui. Nhiều người đổi chí hướng, thay ý tưởng, riêng ông sao khó thay đổi thế?
 

Mâu Tử đáp: - Lông nhẹ trên cao, gặp gió thì bay, đá nhỏ dưới khe, gặp dòng thì trôi chảy. Chỉ núi Thái không vì gió thổi mà động, đá bàn không vì nước xiết mà trôi. Mai mận gặp sương thì rụng lá, chỉ tùng bá là khó mà héo tàn. Đạo nhân ông gặp, hẳn học chưa thấu, thấy chưa rộng, nên chịu khuất phục rút lui. Lấy chỗ ngu tôi, mà ông không thể ép, huống người hiểu đạo lý ư? Ông không tự đổi, lại muốn thay đổi người. Tôi chưa nghe Trọng Ni đi theo Đạo Chích, Thang Vũ bắt chước Kiệt Trụ bao giờ cả.

(36) Hỏi: - Thuật thần tiên thì thu đông không ăn, hay nhập thất hàng tuần không ra ngoài, có thể gọi rất đạm bạc vậy. Tôi cho là đáng tôn quí, e đạo Phật không sánh kịp vậy.

Mâu Tử đáp: - Chỉ nam làm bắc, bảo mình không lầm, lấy tây làm đông, bảo mình không lòa. Đem cú vọ mà cười phụng hoàng, lấy kiến hôi mà cợt rồng qui. Con ve nhịn ăn, quân tử không quí; ếch rắn ẩn hang, thánh nhân không trọng. Khổng Tử nói: “Tính trời đất, người là quí”. Không nghe trọng ve rắn. Nhưng người đời vẫn có kẻ ăn xương bồ mà bỏ gừng quế; đổ cam lộ để nếm nước thải vậy. Lông tơ tuy nhỏ, nhìn có thể rõ; núi Thái tuy lớn, quay lưng chẳng thấy; chí có bền hay không bền, ý có sắc hay không sắc. Lỗ tôn họ Quí hạ thấp Trọng Ni. Ngô hiền Tể Bỉ mà bỏ Tử Tư. Ông có điều ngờ, không đúng lắm sao?

(37) Hỏi: - Đạo gia nói: “Nghiêu, Thuấn, Châu, Khổng, bảy mươi hai học trò đều không chết mà thành tiên”. Nhà Phật bảo người ta đều phải chết, chẳng ai có thể tránh được, là làm sao?

Mâu Tử đáp: - Đấy là lời yêu vọng, chẳng phải thánh nhân nói ra.

Lão Từ nói: “Trời đất còn không thể lâu dài, huống hồ là người”.

Khổng Tử viết: “Dù đã tránh đời, nhân hiếu vẫn còn”. Tôi xem lục nghệ, coi truyện ký, Nghiêu có rơi chết; Thuấn có núi Thương Ngô, Vũ có lăng Cối Kê, Bá Di Thúc Tề có mộ Thủ Dương, Văn vương không kịp giết Trụ mà mất, Vũ vương không thể đợi Thành vương lớn mà băng, Châu công có sách về cải táng, Trọng Ni có mộng “hai cột”, Ba Ngư có tuổi mất trước cha, Tử Lộ có lời bị ướp thịt, Bá Ngưu có văn “vong mệnh”, Tăng Sâm có lời “mở chân”, Nhan Uyên có lời ghi “chẳng may chết sớm”, lời ví “lúa không trổ đòng” đều chép trong kinh điển, lời thật của thánh nhân vậy. Tôi lấy kinh truyện làm chứng, người đời làm nghiệm mà nói bất tử há không lầm ư?

- Lời ông giải thích, thật rất đầy đủ, vốn không phải chỗ chúng tôi được nghe. Nhưng sao chỗ ông xử lý, chỉ viết 37 điều? Cũng có mẫu chăng?

Mâu Tử đáp: - Ôi! Cỏ bồng quay mà bánh xe thành; gỗ bông trôi mà thuyền bè có; màng nhện giăng mà lưới chắn bày; vết chim hiện mà chữ viết đặt. Cho nên, có mẫu thành dễ, không mẫu thành khó. Tôi xem yếu lý kinh Phật có 37 phẩm, Đạo kinh họ Lão cũng 37 thiên, nên tôi bắt chước.

Bấy giờ kẻ lầm nghe rồi, giật mình đổi sắc, xoa tay bỏ chiếu, lùi lại cúi rạp thưa: “Bỉ nhân lòa mù, sinh nơi tăm tối, dám thốt lời ngu, không lo họa phước. Nay được nghe dạy, chợt như tuyết sạch. Xin được đổi tình, rửa lòng tự nhắc. Nguyện nhận năm giới, làm ưu bà tắc”.


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp