Nghe như vầy.
Một
thời đức Phật ở nước Vương Xá, trong núi Diều. Bấy giờ Ngài cùng ngồi
với năm trăm La hán và một ngàn Bồ tát. Trong đó có Bồ tát tên A Nê Sát,
khi Phật nói pháp, thường tĩnh tâm lắng nghe, yên lặng không vọng niệm,
ý để nơi kinh. Đức Phậtbiết vậy, nên giảng hạnh cao khó bì về sáu độ vô
bờ của Bồ tát. Thế nào là sáu?
Một là bố thí, hai là trì giới, ba là nhẫn nhục, bốn là tinh tấn, năm là thiền định, sáu là hạnh cao của trí sáng vượt bờ.
Bố
thí vượt bờ ấy là sao? Là yêu nuôi người vật, thương xót lũ tà, vui
hiền, giúp người thành đạt, cứu giúp chúng sinh, vượt cả đất trời, thấm
khắp biển sông, bố thí chúng sinh, người đói cho ăn, kẻ khát cho uống,
lạnh cho mặc, nóng cho mát, người bệnh cho thuốc, xe ngựa thuyền bè, các
vật trân báu, vợ con, đất nước... ai xin liền cho. Như thái tử Tu Đại
Noa, bố thí người nghèo thiếu, như cha mẹ nuôi con, vua cha đuổi đi, vẫn
thương không oán.
1
Xưa
có Bồ tát, lòng rõ lẽ chân, thấy đời vô thường, mạng sang khó giữ, đem
hết của cải bố thí. Trời Đế Thích thấy Bồ tát thương nuôi quần sinh, bố
thí cứu người, công cao vòi vọi, đức cảm mười phương, sợ đoạt ngôi mình,
nên hóa địa ngục hiện ở trước mặt, nói rằng: “Bố thí cứu người khi chết
hồn linh đọa vào địa ngục núi Thái, muôn độc nấu đốt. Bố thí chịu hại,
Ngài còn bố thí làm gì?” Bồ tát đáp: “Há có chuyện làm phước mà vào địa
ngục núi Thái sao?” Đế Thích đáp: “Nếu Ngài không tin, có thể hỏi tội
nhân xem”. Bồ tát hỏi: “Ngươi vì cớ gì mà ở địa ngục?” Tội nhân đáp:
“Tôi xưa ở đời, đem hết cửa nhà, ra giúp người nghèo, cứu vớt người nạn,
nên nay tội nặng, ở ngục núi Thái”. Bồ tát hỏi: “Nếu người nhân từ bố
thí mà bị tai ương, thì người nhận thí thế nào?”. Đế Thích đáp: “Người
nhận của thí, khi chết lên trời”. Bồ tát đáp: “Việc ta cứu giúp, chỉ vì
chúng sinh. Nếu đúng lời ngươi thì đó chính là chí nguyện của ta. Vì
thương giúp mà chịu tội, ta cũng quyết làm, nguy thân cứu người, đó là
chí nguyện cao cả của Bồ tát.”
- Đế Thích hỏi: “Ngài có chí nguyện gì mà chuộng cao hạnh này?”
- Bồ tát đáp: “Ta muốn cầu Phật cứu giúp chúng sinh, khiến được niết bàn, không còn sinh tử”.
Đế
Thích nghe nói mục đích thánh thiện, nhân thế cúi đầu nói: “Thật không
có việc người bố thí thương giúp chúng sinh mà lìa phúc chịu họa, vào
địa ngục núi Thái. Nhưng vì đức Ngài động đến đất trời, sợ đoạt ngôi tôi
nên mới hiện địa ngục để mê hoặc ý chí Ngài. Kẻ ngu lừa dối bậc thánh,
xin Ngài tha tội nặng ấy”.
Khi đã hối lỗi xong, cúi đầu lui ra.
Hạnh thương cho vượt bờ của Bồ tát, bố thí như vậy.
2
Xưa có Bồ tát là vua nước lớn, hiệu Tát Ba Đạt, bố thí chúng sinh, xin gì đều cho, thương giúp người nạn, lòng thương xót xa.
Trời
Đế Thích thấy vua thương cho, đức trùm mười phương. Trời, rồng, quỷ,
thần đều nói: "Ngôi cao Thiên đế xưa nay thường không phải của một
người. Ai giới đủ hạnh cao, thương cho phúc lớn, khi chết hồn lên thì
làm Thiên đế. Sợ đoạt ngôi mình, Đế Thích muốn đến thử để rõ chân ngụy,
bèn sai Biên Vương rằng: “Nay vua người kia, lòng từ rộng lớn, phúc đức
vòi vọi, e có chí muốn đoạt đế vị của ta. Vậy ngươi hãy hóa làm chim bồ
câu, mau bay đến chỗ vua, giả vờ sợ hãi, xin vua kia thương. Vua ấy nhân
từ, ắt cho ngươi ở. Ta sẽ đến sau, theo vua đòi ngươi. Vua hẳn không
trả, phải ra chợ mua thịt đền cho bằng chỗ ấy. Ta không ngừng dối, còn
lòng vua thì chân chất trong sạch, chứ chẳng bao giờ sai, cuối cùng tự
cắt thịt mình cho bằng với trọng lượng chim kia. Nếu thịt cân cứ theo đó
mà nặng dần, khi thịt hết, thân đau, vua ắt hối tiếc. Lòng đã hối tiếc
thì chí nguyện không thành”.
Đế
Thích liền hóa diều hâu, còn Biên Vương hóa làm bồ câu. Bồ câu bay vụt
đến dưới chân vua, sợ hãi nói rằng: “Xin đại vương thương tôi, mạng tôi
cùng rồi”. Vua nói: “Chớ sợ, chớ sợ, ta nay cứu ngươi”. Diều hâu theo
sau tìm đến, hướng về vua nói: “Bồ câu tôi vừa đến, bồ câu là món ăn của
tôi, xin vua trả lại”. Vua nói: “Bồ câu đem mạng đến nương ta, ta đã
nhận cho nó nương nhờ rồi, ta nói ra phải giữ chữ tín, trước sau không
sai. Nếu ngươi muốn thịt thì ta tự nạp đủ nặng hơn trăm lần”.
Diều
hâu nói: “Tôi chỉ muốn thịt bồ câu thôi, chứ không dùng các thịt khác,
mong vua cho lại, chứ sao cướp món ăn của tôi?”. Vua nói: “Ta đã nhận
cho nó nương nhờ, chữ tín nặng như đất trời, thì lòng nào làm trái được.
Vậy ta phải lấy món gì để ngươi vui vẻ cho bồ câu ở lại mà ra đi?”.
Diều hâu nói: “Nếu lòng vua thương cho, ắt là người cứu chúng sinh, vậy
hãy cắt thịt vua cho bằng thịt chim bồ câu thì tôi vui lòng mà nhận”.
Vua nói: “Tốt lắm”. Liền tự cắt thịt bắp vế để cân cho bằng thịt chim
câu. Chim câu nặng dần, vua tự cắt mình như vậy, cho đến khi thịt mình
đã hết, mà cân vẫn chưa bằng. Vết thương trên thân đau đớn vô cùng. Vua
vì lòng thương mà chịu đựng, mong cho bồ câu được sống, nên bảo cận
thần: “Ngươi mau giết ta, lấy tủy để cân cho nặng bằng thịt chim câu đi.
Ta vâng lời chư Phật, nhận trọng giới chân chính để cứu nguy ách cho
chúng sinh, tuy có bị lũ tà não loạn, nhưng cũng như làn gió nhẹ, làm
sao có thể lay được núi Thái?”
Diều
hâu thấy chí vua, giữ đạo không đổi, hạnh thương cho khó sánh, nên hiện
lại thân trước. Đế Thích và Biên Vương đều cúi đầu xuống đất nói: “Đại
vương mong muốn điều gì, mà chịu khổ não như vậy?”. Vua người đáp: “Chí
ta không muốn ngôi trời Đế Thích hay Phi hành hoàng đế. Ta thấy chúng
sinh đắm chìm trong mờ tối, không thấy ba ngôi báu, không nghe lời Phật
dạy, buông lòng nơi việc làm hung ác, quăng thân vào ngục Vô trạch, thấy
họ ngu hoặc như vậy mà lòng đau xót, nên ta thệ nguyện được quả Phật để
cứu vớt chúng sinh khỏi khốn ách, khiến chứng Niết bàn”.
Trời
Đế Thích kinh sợ nói: “Kẻ ngu này vì cho Đại vương muốn cướp ngôi mình
nên mới quấy nhiễu Ngài. Vậy Ngài có điều gì để dạy bảo tôi?” Vua nói:
“Hãy khiến vết thương thân ta bình phục như cũ, để lòng ta yêu chuộng
các hạnh bố thí cao hơn nay”. Trời Đế Thích liền sai thiên y thần dược
truyền thuốc vào người vua, vết thương liền lành, sắc mặt và sức lực còn
đẹp mạnh hơn trước. Những vết thương đầy mình như vậy bỗng chốc lành
lặn. Đế Thích cúi đầu rồi đi quanh vua ba vòng, vui vẻ ra đi.
Từ đó về sau, vua lại bố thí hơn xưa.
Hạnh thương cho vượt bờ của Bồ tát, bố thí như vậy.
3
Xưa có vị Bồ tát rất đỗi nghèo khổ, cùng các lái buôn đi đến nước khác.
Họ
đều có chí tin Phật, bố thí kẻ nghèo thiếu, cứu giúp chúng sinh. Mọi
người đều nói: "Bọn ta đều thương cho, còn ngươi định lấy gì để cho?".
Bồ tát đáp: "Thân này là thứ tạm mượn, không gì là không thể bỏ đi. Tôi
thấy cá biển, lớn bé ăn nhau, nên lòng đau xót. Vậy tôi sẽ đem thân
mình, thay cho bọn cá nhỏ, để chúng nó được toàn mạng trong chốc lát".
Bèn liền tự nhảy xuống biển, cá lớn nhờ vậy được no, cá nhỏ được sống.
Hồn linh Bồ tát hóa làm vua cá chiên, thân dài mấy dặm.
Bên
bờ biển có một nước nọ, nước ấy bị hạn, dân chúng đói khát, ăn thịt lẫn
nhau. Cá thấy vậy rơi lệ nói rằng: "Chúng sinh rối loạn, nỗi khổ đau
thay! Thân ta có thịt mấy dặm, có thể cung cấp cho dân thiếu thốn mươi
tháng ". Bèn tự phơi mình lên bãi biển nước ấy. Cả nước ăn thịt cá, mà
được toàn sinh mạng. Lấy thịt mấy tháng mà cá vẫn sống. Thiên thần hiện
xuống nói: "Ngươi có thể chịu nổi đau không? Sao không chết đi, để giải
thoát cái đau đớn ấy". Cá nói: "Nếu tôi chết đi, hồn lìa thân nát; sau
này dân chúng đói khát, lại ăn thịt nhau, tôi không nỡ nhìn, vì lòng
thương họ". Thiên thần nói:"Bồ tát ôm lòng từ khó sánh! ". Thiên thần vì
vậy đau lòng nói: "Ngài ắt thành Phật, độ cho chúng tôi".
Có
người đem búa chặt lấy đầu cá. Lúc cá chết rồi, hồn linh liền hóa làm
thái tử con vua. Vừa sinh ra đã có trí sáng bậc thượng thánh, rộng
thương bốn ân, thấm khắp đất trời, thương dân nghèo khó, nghẹn ngào lời
nói. Nước ấy vẫn hạn. Thái tử sạch lòng chay lạt, bỏ ăn nhịn hiến, cúi
đầu hối lỗi nói: "Dân chúng không lành, lỗi ở nơi ta. Xin bỏ thân này,
cho dân được mưa móc". Ngày ngày than khóc như con chí hiếu gặp tang cha
lành. Do lòng chí thành cảm đến nơi xa, nên có 500 vị Phật đến cõi nước
ấy. Vua nghe lòng vui vẻ, quên cả thân mình, cúi đầu nghênh đón, mời về
chính điện. Hoàng hậu, thái tử không ai không thành khẩn. Vua đem món
ngon, áo đẹp cúng đủ các vật thiết, năm vóc gieo xuống đất, cúi đầu lễ
bái, khóc lóc thưa rằng: "Con lòng nhơ, hạnh xấu, không vâng lời dạy đối
với bốn ân tam bảo, làm khổ hại nhân dân, tội đáng chặt thân đày nơi
hèn kém. Khô hạn đã lâu, lê dân đói khát, oán giận đau khổ thấy thương
tình. Xin trừ tai ách cho dân, hành tội các lỗi của con". Đức Phật bảo:
"Ngươi là ông vua nhân từ, có lòng thương xót nhân huệ, đức bằng trời Đế
Thích, chư Phật đều biết. Nay ban cho ngươi phúc này, hãy yên lòng chớ
lo âu, mau dạy dân đều trồng lúa".
Vua
liền y lệnh, trai gái có nghề, nhà nhà đều làm. Khi lúa trổ bông, nông
quan đem báo. Vua nói: "Hãy đợi lúa chín". Lúa trổ bông khắp nước, đều
chứa hạt lớn, có đến mấy hộc, mùi vị ngọt ngon, thơm lừng cả nước. Toàn
cõi đều vui ca ngợi đức vua. Nước thù bốn phía đều đến xưng thần. Dân
chúng thêm đông, cõi bờ ngày một mở rộng, khắp nước giữ giới, quy y tam
bảo. Vua cùng thần dân sau khi chết rồi, đều sinh lên trời.
Phật
dạy: "Người nghèo lúc ấy là thân ta. Vì nhiều đời nhân từ bố thí cứu
vớt chúng sinh, công đức không hoại diệt nên nay đắc quả làm Phật hiệu
là Thiên Trung Thiên làm bậc Đại hùng trong ba cõi."
Hạnh thương cho vượt bờ của Bồ tát, bố thí như vậy.
4
Xưa
có Bồ tát, khi làm tu sĩ, thường ở núi đầm, chuyên cần giữ đạo, không
phạm các ác, ăn trái rừng, uống nước suối không giữ món gì, nghĩ thương
chúng sinh ngu si tự khốn, thấy ai nguy ách, liều mình cứu giúp.
Trên
đường đi tìm trái, gặp con cọp mẹ. Sau khi cho con bú, cọp mẹ mệt đuối
vì thiếu ăn, đói khát tâm cuồng, muốn quay lại ăn con nó. Bồ tát thấy
vậy, bỗng động lòng thương, buồn nghĩ chúng sinh ở đời ưu khổ không
lường, mẹ ăn thịt con, nỗi đau khó nói, nghẹn ngào rơi lệ. Liền quay
mình nhìn bốn phía tìm xem có gì cho cọp mẹ ăn, để cứu mạng cọp con,
nhưng đều không thấy, trong lòng tự nghĩ: "Cọp là loài ăn thịt". Lại
nghĩ: "Ta lập chí học đạo chỉ vì chúng sinh đắm chìm trong khổ đau nặng
nề, lòng muốn cứu vớt, khiến xa tai họa, thân mạng vĩnh viễn an vui. Sau
này ta rồi cũng già chết, thân này rốt cuộc cũng bỏ đi, chi bằng đem
lòng bố thí cứu chúng sinh để đạt thành công đức". Bèn tự đưa đầu mình
vào miệng cọp. Đem đầu cho cọp là muốn mau chết để không cảm thấy đau.
Cọp mẹ cọp con đều được toàn mạng.
Chư
Phật ca ngợi công đức ấy bằng công đức bậc thượng thánh, trời rồng
thiện thần và người có đạo đức không ai không tiếc thương. Ai tinh tấn
cần hành hoặc đắc được quả Nhập lưu, Thất lai, Bất lai, La hán, Duyên
giác, có người phát lòng vô thượng chánh giác, đem mãnh chí ấy, vượt
trước hơn các Bồ tát được chín kiếp, thể ở đời năm dơ làm thầy trời
người, độ kẻ nghịch ác, khiến tà theo chánh đạo.
Hạnh thương cho vượt bờ của Bồ tát, bố thí như vậy.
5
Xưa
có Bồ Tát làm đại quốc vương, nước tên Càn Di, vua hiệu Thiên Duyệt,
trong sáng ngoài nhân, nét mặt hiền hòa ngay thẳng công bình, dân theo
đức hóa, ngục không nhốt tù, lê dân nghèo thiếu, mặc lòng cầu xin, vua
thương cho khắp, ân sánh Đế Thích, đạo sĩ nước khác phục vua nhân từ, bố
thí theo lòng chúng muốn. Lũ tà ghen ghét, lấy ngụy hủy chân, bèn đến
cửa cung nói: "Ta nghe vua sáng, cứu dân nghèo thiếu, như ơn trời phủ
khắp". Rồi hỏi vệ sĩ: "Ngươi có thể tâu vua chăng?" Cận thần tâu lên,
vua liền đi ra, đạo sĩ xuất hiện nói: "Đức vua sáng suốt, lòng nhân thấm
đến bốn phương, các loại hữu thức, không ai không tha. Dám xin chấp
nhận nguyện vọng mà tôi muốn tâu lên". Vua nói: "Tốt lắm!". Đạo sĩ nói:
"Vua trời ưa bố thí, nếu xin chắc không trái ý. Bây giờ tôi cần đầu
người để làm một việc. Nguyện xin đầu vua, để thỏa mong ước". Vua nói:
"Đầu ta đẹp gì, mà ngươi muốn xin? Ta có các báu, cho ngươi lợi hơn".
Đạo sĩ không nhận, vua lại sai thợ làm đầu bảy báu, mỗi thứ mấy trăm để
cho đạo sĩ. Đạo sĩ nói: "Tôi chỉ muốn đầu vua thôi". Vua chưa từng trái
ý, liền tự bước xuống điện, lấy tóc cột vào cây nói: "Ta lấy đầu cho
ngươi đây". Đạo sĩ rút dao đi nhanh đến. Thần cây thấy vậy, giận người
vô đạo, giơ tay tát vào má nó, mình liền vặn tréo, mặt bị méo xẹo, buông
tay rơi dao. Vua được bình an, thần dân chúc thọ, buồn vui lẫn lộn. Chư
thiên ca ngợi đức vua: "Đáng gọi là nội thí sao?". Bốn vua trời ủng hộ,
các độc tiêu hết, trong nước không bệnh, lúa đậu trúng mùa, lao ngục
phá tan, vua tôi vui vẻ.
Đức Phật bảo các Sa môn: "Vua nước Càn Di bấy giờ là thân ta, đạo sĩ là Điều Đạt vậy".
Hạnh thương cho vượt bờ của Bồ tát, bố thí như vậy.
6
Xư
a có Bồ tát làm đại quốc vương, lấy lòng nhân trị dân quên mình giúp
người. Tháng tháng đi tuần để cứu giúp kẻ nghèo thiếu. Người cô quả bệnh
tật thì cho thuốc men cơm cháo. Mỗi khi đi tuần thú, bảo hậu xa chở đủ
các vật báu, áo mền thuốc men... người chết cho chôn. Khi thấy dân
nghèo, vua tự trách lỗi mình: "Vua nghèo đức, dân mới mghèo; Vua giàu
đức thì nhà dân đủ. Nay dân nghèo tức ta nghèo". Vua nhân từ như vậy nên
tiếng đồn khắp mười phương.
Đế
Thích thứ hai ngồi lo nóng nảy. Lòng Đế Thích sợ nghĩ: “Đức kia vòi
vọi, ắt đoạt ngôi ta. Ta phá chí nó thì hạnh ấy mới hết”. Bèn tự hóa làm
một lão phạm chí, theo vua xin một nghìn đồng bạc. Vua liền lấy cho.
Lão nói: "Tôi tuổi già xế bóng, sợ người trộm mất, vậy xin gởi vua". Vua
nói: "Nước ta không có trộm cắp." Lão lại nói: "Xin gửi vua." Vua liền
nhận giữ. Đế Thích lại hóa làm phạm chí, đến cửa cung. Cận thần tâu vua,
vua liền đi ra, phạm chi ấy than rằng: "Công huân và tiếng tăm của Đại
vương, bủa khắp tám phương, đức hạnh hiếm có, vì vậy nay tôi từ xa đến
có điều muốn xin". Vua nói: "Tốt lắm!" Phạm chí nói: "Tôi xưa bạc phước,
sinh nhà hèn hạ, nhưng thích sang quý, nên muốn xin nước này". Vua nói:
"Rất tốt". Bèn cùng vợ con lên chiếc xe nhỏ ra đi. Vua trời lại hóa làm
phạm chí, theo vua xin chiếc xe. Vua lấy xe ngựa cho rồi cùng vợ con
lên đường, tựa núi nghỉ đêm. Có vị đạo sĩ chứng năm thần thông, là bạn
của vua, bỗng nhớ đức vua, ngước xem sao trời, biết vua mất nước, bèn
tĩnh tâm thiền định, thấy trời Đế Thích tham lam tật đố, chiếm đoạt đất
nước, khiến vua suy yếu mệt mõi. Đạo sĩ dùng bước chân thần, bỗng đến
chỗ vua, hỏi: "Ngài mong cầu chi, mà chịu lao chi đến vầy?" Vua đáp:
"Chí ta muốn gì, Ngài đã biết rồi!". Đạo sĩ liền hóa ra cái xe có càng,
để đưa vua về, khi sao sớm đã mờ.
Trời
Đế Thích hóa làm vị phạm chí, lại theo xin xe, vua lại lấy cho. Dần dần
đi về nước ấy chưa tới vài mươi dặm, trời lại hóa ra vị phạm chí đầu
tiên đến đòi tiền bạc. Vua nói: "Ta đã đem nước cho người, mà quên mất
tiền của ngươi". Phạm chí nói: "Hẹn vua ba ngày trả tiền lại cho tôi".
Vua liền đem vợ con đến cầm ở một nhà nọ được một ngàn đồng bạc để trả
cho phạm chí. Vợ vua hầu cô con gái nhà ấy. Cô gái đi tắm, cởi vòng ngọc
châu và các món báu trong mình ra treo ở cái giá, trời lại hóa làm chim
ó, cắp lấy áo và châu báu bay đi. Cô gái đổ cho tỳ nữ trộm lấy, liền
bắt giam vào ngục. Đứa con vua nằm ngủ chung với con chủ nhà, ban đêm
trời đến giết đứa con chủ nhà. Nhà có con chết ấy, bắt con vua giam vào
ngục. Mẹ con đều bị nhốt, đói khát tiều tụy, kêu than không ai cứu. Cả
ngày khóc than. Khi đã định tội, đem bỏ ngoài chợ.
Vua
làm thuê được một ngàn đồng bạc, đến chuộc vợ con về. Đi ngang qua chợ
thấy vợ con như vậy liền tưởng nhớ mười phương chư Phật, tự hối lỗi
rằng: "Kiếp trước thân ta độc ác đến thế sao?" Rồi tĩnh tâm nhập định,
nhờ ánh sáng của thần thông thấy được việc của Đế Thích làm.
Lúc
ấy giữa trời có tiếng nói rằng: "Sao không mau giết đi" Vua nói: "Ta
nghe Đế Thích cứu khắp chúng sinh, lòng son thương xót, nuôi nấng hơn mẹ
hiền, dẫu loài ngậm máu phun người không ai không chịu ơn giúp đỡ.
Ngươi cũng vì không có ác duyên mà được ngôi vị Đế Thích đấy sao? Đế
Thích vì ôm lòng độc dữ, khi độc ác chín mùi thì thành tội, còn sống mà
đã đọa vào ngục núi Thái sơn". Trời người, rồng, quỉ không ai không khen
ngợi vua. Vua chúa đất liền giải tội cho vợ con vua. Hai vua gặp nhau
tìm hỏi căn nguyên, và kể rõ đầu đuôi, lớn bé cả nước ai cũng rơi lệ.
Vua chúa đất liền chia nước ra cho vua cai trị. Thần dân nước cũ, tìm
đến chỗ vua, cả nước nghênh đón. Vua tôi hai nước, bên vui, bên buồn.
Vua
khi ấy là thân ta, người vợ nay là Câu Di, đứa con nay là La Vân, thiên
đế nay là Điều Đạt, phạm chí trong núi là Xá Lợi Phất, vua nước kia là
Di Lặc vậy.
Hạnh thương cho vượt bờ của Bồ tát, bố thí như vậy.
7
Xưa
có Bồ tát làm đại quốc vương, lấy điều ngay thẳng trị dân, lòng không
thiên lệch, nhưng không đi xem xét dân tình. Vị tướng quốc tâu: "Xin vua
đi xem một lần". Vua nói: "Tốt lắm". Hôm sau liền đi. Dân chúng vui vẻ,
đều được như ý, vua thấy nhà giàu trong nước ở nhà đẹp đẽ, lợp ngói
vàng bạc, ăn mặc rực đường. Bèn nói: "Nước ta giàu thay!" Lòng rất vui
mừng, về cung nhớ lại nghĩ rằng: "Các nhà giàu này có ích gì cho nước
đâu?" Liền sai kiểm kê của cải, lấy để nuôi quân.
Có
một nhà giàu, của riêng có ba nghìn vạn, viết sớ dâng vua. Vua giận
nói: "Sao dám dối mặt ta ư?". Người ấy trả lời: "Tôi từ nhỏ làm ăn, đại
khái có ít của riêng, còn châu báu trong nhà đều là phần của năm nhà,
chứ không phải của riêng tôi". Vua nói:" Sao gọi là của riêng?". Người
ấy đáp: "Lòng nhớ sự nghiệp Phật. Miệng nói lời Phật dạy. Thân làm việc
Phật, bỏ phần của năm nhà ra dựng chùa Phật, thờ kính bậc hiền thánh,
cúng dường áo cơm, thương nuôi các loài bò bay máy cựa. Việc gì lòng
không ưa thì không đem đến cho kẻ khác. Cái phúc đức này theo ta như
bóng theo hình, nên gọi là của riêng. Còn phần của năm nhà, một là nước,
hai là lửa, ba là giặc, bốn là quan, năm là mạng chết. Thân đi, của quí
trong nhà bỏ lại cho đời, một mình ra đi, của họa phước chưa biết tới
đâu. Thấy đời như huyễn, nên không dám có. Nếu kể phần của năm nhà thì
có đến cả mười ức. Đây là sào huyệt của tai họa, thường sợ nguy mình, há
dám có của sao? Xin quân sĩ hãy chở đi, để trừ mối lo cho tôi.".
Vua
nói: "Thành thật thay lời nói ấy!" Bèn cho phép người ấy ra đi. Vua trở
về thư phòng, lắng tâm tinh tấn suy nghĩa liền tỉnh ngộ rằng: "Thân này
còn không giữ được, huống gì đất nước, vợ con, những thứ ấy có thể được
lâu dài sao?" Bèn soạn chép kinh Phật, đọc văn giải nghĩa, lòng dơ theo
đó gột sạch, tiến quan trung trinh, nhận lời can gián, đại xá cả nước,
trả của báu lại cho dân, đối xử tốt với quần thần, bàn luận việc khoan
chính. Vua gọi quần thần bảo: “Phàm người không thấy nghĩa mầu và giới
trọng của kinh Phật thì kẻ ấy là đui điếc. Người nhà giàu kia thì giàu,
chỉ có ta là nghèo”. Bèn truyền phân chia của báu cho người trong nước,
cấp đỡ người nghèo, cho dân những gì họ muốn, lập chùa miếu Phật, giăng
lụa đốt hương, dâng cơm cho các sa môn, tự thân giữ sáu ngày trai. Cứ
như vậy ba năm, bốn cõi yên tĩnh, giặc cướp đều hết, ngũ cốc được mùa,
dân hết đói lạnh. Sau khi chết vua sinh lên cõi trời thứ hai.
Đức
Phật bảo các sa môn: “Ông vua bấy giờ là thân ta, người nhà giàu là Thu
Lộ Tử (Xá Lợi Phất), người khuyên vua đi xem xét dân tình là A Nan”.
Hạnh thương cho vượt bờ của Bồ tát, bố thí như vậy.
8
Xưa
Bồ tát là một nhà giàu lớn tên Tiên Thán, của giàu vô số, thấy giáo
pháp sáng suốt của Phật, biết đời vô thường, mạng sống khó giữ, của cải
chẳng phải mình có, chỉ có công đức bố thí là không hư mất, liền báo cho
dân rằng: “Nếu ai nghèo thiếu thì cứ theo ý muốn mà đến lấy đi”. Như
vậy trải qua vài tháng.
Bấy
giờ chính sách khoan hồng nên dân chúng giàu có không ai thiếu của.
Tiên Thán nghĩ rằng: “Chỉ nên mua thuốc, giúp người đau yếu”. Liền mua
thuốc hay, cứu mạng chúng sinh, thương nuôi đến khắp, ơn cho không đâu
không tới.
Bố
thí nhiều năm, đức thơm tỏa xa, người bệnh bốn phương kéo về, từ đầu
đến cuối đều khen đức rộng thấm sánh ngang với trời. Tiền của hết sạch,
bèn tự mình đi tìm châu báu. Cách nhà hơn trăm dặm, ở trên một bờ sông,
gặp vài xe chở những người bệnh nặng đến. Tiên Thán hỏi: “Quí vị đi đâu
vậy?” những người ấy đáp: “Đến chỗ Tiên Thán, hầu được sống trọn mạng
thừa”. Tiên Thán liền quay về, mượn vua 500 lượng vàng, mua thuốc chữa
trị, những người bệnh đều được khỏi. Rồi tự mình cùng những người buôn
vào biển tìm của báu, kiếm được rất nhiều. Khi trở về nước, bèn để trên
thuyền rồi đi bộ về. Trên đường đi thiếu nước Tiên Thán gặp một cái
giếng bèn kêu mọi người đến múc, rồi tự lấy nước mà uống. Các người buôn
thấy Tiên Thán kiếm được bạch châu lóng lánh tuyệt vời, lòng tham càng
dữ, muốn hủy bậc thánh, hại người nhân, bèn cùng nhau xô Tiên Thán xuống
cái giếng ấy. Nhưng vì Bồ tát nhân đức nên cảm động đến thần kỳ, thiên
thần rước lấy, khiến không bị thương tích. Con buôn về nước. Vua hỏi:
“Tiên Thán đi đâu rồi?”. Bọn ấy đáp: “Ra khỏi nước liền biệt dạng, không
biết đi nơi nào”. Vua hỏi: “Bọn bây đã giết rồi sao?”. Bọn ấy đáp: “Dạ,
không phải”.
Tiên
Thán ở dưới giếng, thấy bên giếng có cái lỗ trống liền men theo đó mà
ra khỏi cái giếng của nhà kia. Chỉ bảy ngày là đi về đến nước mình. Vua
hỏi: “Vì sao mà về tay không vậy?”. Thán đáp: “Không kiếm được của”. Vua
yên lặng suy nghĩ rằng: “Đây ắt có nguyên do gì”. Liền vời các con buôn
lại hỏi: “Nếu các ngươi thành thật thú tội thì được sống, còn nếu dối
lừa ta thì phải chết”. Cả bọn liền thú nhận, nên bị giao cho ngục quan
định tội. Tiên Thán khóc lóc, chạy đến cửa cung, dập đầu xin tội. Vua
nói: “Điều ấy trái với chính sách”. Tiên Thán lại xin: “ Kẻ ngu thấy
sai, chưa rõ trách nhiệm, xin tha cho sự không hiểu biết của họ”. Vua
khen lòng nhân bao trùm của Tiên Thán, tha tội dữ cho bọn lái buôn rồi
ra chiếu chỉ khiến trả lại báu vật. Các lái buôn đều nói: “Nếu Tiên Thán
là người không thờ Phật, há có lòng nhân như vậy sao?” Mỗi người đều
chọn của báu để trả Tiên Thán. Tiên Thán nhận mỗi người một nửa. Các con
buôn đều cúi đầu nói: “Nhờ ơn Ngài được toàn mạng, xin đem nạp hết”.
Khi nhận của ấy, Tiên Thán đem vàng trả lại cho vua, rồi bố thí hơn nữa.
Vua cùng thần dân đem nhau đi thọ giới. Con hiếu, tôi trung, trời thần
vệ hộ, nước giàu dân mạnh, bốn cõi chịu đức, không ai không khen hay.
Đức Phậtdạy: “Tiên Thán lúc ấy là thân ta”.
Hạnh thương cho vượt bờ của Bồ tát, bố thí như vậy.
9
Xưa
có Bồ tát sinh vào nhà giàu, mới rơi xuống đất, liền nói: “Chúng sinh
muôn họa, ta phải cứu giúp, họ không thấy bóng Phật, không nghe pháp
sáng, ta phải mở tai mắt, để trừ đui điếc cho họ, khiến họ thấy nghe đạo
chính chân vô thượng, làm vua các thánh, làm nguồn cho phép tắc rõ
ràng, dụ dẫn tinh tấn bố thí, không ai là không phục tùng”.
Họ
hàng sợ hãi nói: “Từ xưa đến giờ, chưa nghe trẻ con làm vậy. Hay là hồn
linh của trời rồng quỉ thần ư? Phải bói xem sao?” Đức bé liền trả lời
với cha mẹ rằng: “Tôi từ chỗ thượng thánh hóa về, tự nhiên mang trí sáng
biết khắp, chứ không phải các loài yêu quỉ, hãy yên lòng, đừng ngờ
vực”. Nói xong liền im lặng. Cha mẹ nói: “Bé có chí lớn rộng khắp đất
trời, sẽ là bậc phi phàm ư?”. Bèn đặt tên có là Phổ Thí. Tuổi mới lên
mười mà các kinh điển Phật giáo và học thuật thế gian không gì là không
thông suốt, liền từ giả cha mẹ đi giúp mọi người, bố thí những kẻ nghèo
thiếu. Cha mẹ, nói: “Nhà ta có tiếng rất giàu, vậy con mặc lòng bố thí
người nghèo”. Phổ Thí đáp: “Không đủ đâu! Xin cho con làm sa môn, cho
con y bát cùng tích trượng, để đem cứu người thì đó làm ý nguyện cuộc
đời con”. Cha mẹ nhớ lại lời thề, lúc con mới sinh, nên không từ chối
cản trở. Liền theo ý nguyện, cho con làm Sa môn, đi khắp nơi giáo hóa.
Qua
một nước lớn, nước ấy có một nhà giàu, cũng hiểu các sách, thấy Phổ Thí
cung cách đường hoàng, mặt mày đẹp đẽ, tính tình đằm thắm, sạch như
vàng trời, có nét của bậc thượng thánh, sẽ làm bậc anh hùng ở đời. Bèn
gọi Phổ Thí hỏi: “Có muốn gì xin cứ bảo, ta sẽ làm vừa lòng thánh nhân.
Ta có người con gái hèn, xin đem cho Ngài sai sử”. Phổ Thí đáp: “Rất
tốt! Hãy đợi tôi về”.
Liền
lên đường đi đến bờ biển, xuống thuyền qua biển, khi lên bờ, bèn đi vào
núi, đến chỗ không người ở. Từ xa trông thấy một thành bằng bạc, cung
điện sáng đẹp. Bấy giờ có con rắn độc quấn quanh thành bảy vòng, mình
lớn trăm khoanh, thấy Phổ Thí đến ngóc đầu lên. Phổ Thí nghĩ rằng: “Đây
loài ngậm độc, ắt có lòng hại, ta phải khởi lòng từ không ngăn trở để
diệt độc nó. Hung dữ là lửa, nhân từ là nước, lấy nước diệt lửa, khi nào
chẳng tắt”. Liền ngồi thiền dấy lòng từ, nguyện cho chúng sinh sớm lìa
tám nạn, lòng bỏ niệm ác, gặp Phật nghe Pháp, gặp sa môn được nghe đạo
sáng vô thượng chính chân, lòng mở, uế diệt, như sự thấy biết của ta.
Dấy được định từ, độc rắn liền diệt, nó cúi đầu nằm ngủ. Phổ Thí bước
lên đầu nó vào thành. Trong thành có thiên thần, thấy Phổ Thí đến mừng
rỡ nói: “Từ lâu cảm phục thánh đức, nay Ngài ung dung đến đây, thật đúng
với bản tâm của tôi. Xin ở lại đây một thời gian chín mươi ngày”. Phổ
Thí nhận lời. Thiên vương liền đem việc triều chính giao phó cho cận
thần, tự mình dâng thức ăn uống, sáng tối tinh cần vâng giữ hạnh cao
của chư Phật về vô thường, khổ, không, vô ngã, là pháp sáng cứu giúp
chúng sanh.
Khi
ngày cúng dường đã mãn, Phổ Thí lên đường, thiên vương đem một viên
chân châu minh nguyệt tặng rồi tiễn chân nói: “Đem viên châu này theo
mình thì sáng đến 40 dặm, lòng vừa ước gì, thì các báu đầy đủ. Nếu sau
được làm Phật, tôi xin làm đệ tử, hầu hạ một bên bậc Thánh”. Phổ Thí
nói: “Được”. Rồi lại đi về phía trước, thấy thành bằng vàng, trang hoàng
đẹp hơn thành bạc. Lại có rắn độc bao thành 14 vòng, thân lớn gấp bội
con trước, ngóc đầu mấy trượng. Phổ Thí lại khởi định từ, độc rắn liền
tiêu, nó cúi đầu nằm ngủ, Phổ Thí bước lên đầu nó, đi vào. Trong thành
có thiên nhân, thấy Phổ Thí đến vui mừng nói: “Từ lâu mến phục thánh
linh, nay Ngài đến đây thật là tốt lành. Xin ở lại đây hai thời 180
ngày, tôi xin hết lòng cúng dường, chỉ xin lưu lại uy thần”. Phổ Thí
liền nhận lời, lưu lại thuyết pháp về hạnh sáng vô thượng. Khi đã hết
hạn, từ giã lui chân. Thiên nhân lại lấy một hạt châu thần ra tiễn, ánh
sáng nó chiếu xa 80 dặm, lòng vừa ước gì, các báu liền đầy cả dặm. Thiên
nhân nói: “Nếu Ngài đắc đạo, tôi xin làm đệ tử có thần túc vô thượng”.
Nhận thần châu rồi, Phổ Thí lại lên đường đi, thấy thành lưu ly, rực rỡ
hơn thành trước, lại có rắn độc, thân to rất lớn, vòng quanh thành 21
khoanh, ngóc đầu trợn mắt giữ cửa thành ấy. Phổ Thí lại ngồi, nghĩ sâu
về định phổ từ, thề cứu chúng sinh, rắn tự tiêu độc, cúi đầu. Phổ Thí
bước lên mà vào. Trong thành có thiên nhân vui vẻ, nói lời như trước,
thỉnh ở lại ba thời, nguyện cúng dường những gì Phổ Thí muốn. Hết hạn,
từ giã lên đường. Thiên lại lấy một hạt thần châu tiễn biệt, ánh sáng nó
chiếu xa đến 160 dặm, châu đến chỗ nào thì các báu vật tìm theo đầy
trong khoảng ánh sáng ấy, tùy ý mình muốn, không có gì cầu mà chẳng
được. Thiên nhân nói: “Nếu Ngài đắc đạo vô thượng chính chân, tôi nguyện
làm đệ tử, có trí tuệ rất sáng suốt”. Phổ Thí nói: “Chắc được như ý
ngươi muốn”. Phổ Thí được châu rồi nói: “Của này đủ cứu giúp chúng sinh
thiếu thốn”.
Thế
rồi trở về chỗ cũ của mình, các thần rồng biển đều bàn với nhau rằng:
“Biển lớn chúng ta chỉ cần ba viên thần châu ấy sẽ làm chúng ta vinh
hoa, nay vị đạo sĩ này được cả thì làm sao chúng ta sang giàu được? Thà
mất các báu khác, chứ không chịu mất những hạt châu ấy”. Thần biển hóa
làm người phàm hiện ra trước mặt Phổ Thí nói: “Tôi nghe nhân giả có được
của báu nhất thế gian, có thể cho tôi xem được không?” Phổ Thí lấy đưa
ra, thần biển liền đập đầu Phổ Thí để lấy hạt châu. Phổ Thí nghĩ: “Ta
trải bao hiểm trở, vượt qua biển lớn mới được báu vật ấy, muốn đem cứu
giúp chúng sinh nghèo thiếu, ngờ đâu bị thần biển này xem thấy mà đoạt
mất ư?” Liền nói: “Ngươi trả châu lại cho ta! Nếu không, ta làm khô biển
ngươi hết bây giờ”. Thần biển đáp: “Lời ngươi sao láo thế? Biển lớn này
sâu rộng khó lường ai có thể làm khô hết được? Mặt trời có thể rơi, gió
to có thể ngưng lại, chứ biển này không thể khô cạn được, cũng như hư
không, khó có thể hủy diệt được”. Phổ Thí nói: “Xưa ta trước Phật Định
Quang, nguyện được đạo lực, lập úp các biển, tay nâng Tu Di, lay động
đất trời, lại dời các cõi. Đức Phật theo ý muốn mà cho ta được như
nguyện. Ta nay đã được phép ấy, còn ngươi có cái sức tà chỉ bằng tơ tóc
của loài quỷ yêu, làm sao có thể lấn át cái thế mạnh chân chính của ta
được”. Liền nói kinh rằng:
“Ta
từ vô số kiếp nay, uống dòng sữa mẹ, nước mắt khóc than, máu chảy thân
chết, biển chẳng có nhận, ái ân khó dứt, sinh tử khôn dừng. Ta vẫn muốn
dứt gốc ái ân, dừng hồn sống chết, đời này gỡ ra không hết, thì đời đời
xin gỡ ra”.
Liền
đứng hai chân bằng lại, tháo bầu nước biển quăng ra ngoài núi Thiết Vi.
Lúc ấy có vị trời tên Biến Tịnh, ở xa nghe thấy, tự mình suy nghĩ: “Xưa
ta trước Phật Định Quang, nghe người này có được chí nguyện như vậy, ắt
sẽ làm Thế Tôn độ chúng sinh ta”. Vị trời ấy xuống giúp tháo bầu nước,
mười phần hết tám. Thần biển hối hận sợ hãi nói: “Người này là ai mà
linh thiêng vô bờ như thế? Nước biển hết rồi, chỗ ta sẽ hư”. Liền đem
các báu, trống hết các kho, ra đưa cho Phổ Thí. Phổ Thí không nhận nói:
“Ta chỉ muốn hạt châu thôi”, các thần trả lại hạt châu, còn Phổ Thí cũng
trả lại nước, rồi đi khắp đất mình, tìm đường bố thí. Nước nào Phổ Thí
đi qua, nước ấy dân không còn nghèo.
Các
nước không ai là không thay đổi tính nết, lấy năm giới và mười lành,
làm chính sách quốc gia, mở ngục đại xá, ơn thấm khắp chúng sinh. Bèn
đạt đến quả Phật.
Đức
Phật bảo các sa môn: “Phổ Thí là thân ta, người cha là Bạch Tịnh, mẹ
nay là Xá Diệu mẹ ta, nữ đạo sĩ nay là Câu Di, vị thiên thần trong thành
bạc khi ấy nay là A Nan, vị thiên thần trong thành vàng nay là Mục
Liên, vị thiên thần trong thành Lưu ly là Xá Lợi Phất. Bồ Tát nhiều kiếp
siêng năng thực hành bốn ân, thệ nguyện cầu Phật cứu vớt chúng sinh”.
Hạnh thương cho vượt bờ của Bồ Tát, bố thí như vậy.
10
Xưa
Bồ Tát làm đại quốc vương tên là Trường Thọ, thái tử tên Trường Sinh,
vua ấy nhân từ, thường mang lòng từ thương xót chúng sanh, thệ nguyện
cứu giúp siêng năng không mệt mỏi, không dùng dao gậy, dân chúng không
oán, mưa gió đúng thời, lúa quí đầy tràn.
Tiểu
vương nước bên tính nết bạo ngược, luật pháp tham tàn nên dân nghèo,
nước trống. Bèn bảo quần thần: "Ta nghe Trường Thọ, nước nó rất giàu,
cách đây không xa, nó giữ lòng từ không giết quân, không phòng bị, ta
muốn chiếm nước nó, có thể được chăng?" Quần thần trả lời: "Được". Bèn
liền khởi binh đến biên giới nước ấy. Quan giữ cửa ải, đem biểu về tâu
tình trạng, xin tìm cách phòng bị. Trường Thọ liền họp quần thần lại
bàn: "Vua kia đến đây chỉ tham nước ta đông dân, nhiều báu. Nếu đánh với
nó chắc tổn mạng dân, Lợi mình, hại dân, tham lam bất nhân, việc ấy ta
không làm". Quần thần đều nói: "Chúng thần từ lâu, luyện tập binh sĩ,
bày mưu binh pháp, xin được tự đánh diệt bọn ấy, không nhọc Thánh quân
lo nghĩ". Vua nói: "Ta thắng thì nó chết, ta yếu thì ta chết, binh nó và
dân ta đều do trời sinh dưỡng, việc trọng thân tiếc mạng ai chẳng như
thế. Nhưng để toàn thân mình mà hại dân chúng thì bậc hiền không làm".
Quần thần đều đứng ra nói: "Vua này nhân từ như trời, không thể mất
được, phải tự mình kiểm đốc đem binh chống giặc". Trường Thọ biết được,
gọi Thái tử bảo: "Vua kia tham nước ta, đem lòng độc dữ đến đây, quần
thần vì một thân ta mà muốn hại mạng dân chúng. Nay ta giao nước để dân
trời được toàn mạng, nghĩa ấy có được không?" Thái tử nói: "Dạ được".
Thế
rồi cha con vượt thành, bèn đổi họ tên, trốn nơi núi đồng. Do vậy vua
tham mới vào được nước ấy. Quần thần, dân chúng mất vua cũ mình như con
hiếu mất cha mẹ, khóc lóc vật vã, không nhà nào là không như thế. Vua
tham tìm bắt, treo giải một nghìn cân vàng và nghìn vạn quan tiền.
Trường
Thọ ra đi ngồi dười gốc cây bên vệ đường Thiền Định, thương xót chúng
sinh sống chết cần khổ, không thấy khổ, không, vô thường, vô ngã, vì bị
dục mê hoặc, khổ thật vô số. Có người phạm chí nước xa, nghe vua ưa
chuộng bố thí, cứu mạng chúng sinh, từ xa đến cũng dừng lại dưới gốc
cây, hỏi han lẫn nhau. Mỗi người kể rõ đầu đuôi việc của mình. Phạm chí
kinh hãi hỏi: "Thiên Vương vì sao đến nỗi này?". Rồi rơi lệ tự kể lể:
"Năm tàn của tôi không còn mấy chốc, nên đến xin chút gì hầu mạng thừa,
nay Đại vương mất nước thì mạng tôi cũng cùng rồi". Nói liền than khóc.
Vua nói: "Ông nghèo khổ, từ xa đến, gặp lúc ta mất nước, không biết lấy
gì để giúp ông, không đau xót sao?" Vua gạt nước mắt nói: "Ta nghe vua
mới treo giải nhiều lắm, vậy ông hãy lấy đầu ta, có thể được trọng
thưởng". Phạm chí đáp: "Không phải vậy, tôi từ xa cảm phục đức nhân của
Vua cứu giúp chúng sinh nhuần thấm như đất trời. Thế nên bỏ đất nước đến
đây mong được cứu mạng, nay Vua bảo tôi chém đầu Ngài, tôi chẳng dám
vâng lời ấy được". Vua nói: "Thân này là đồ mục nát, há dám giữ đươ
c
ư? Phàm sống ắt có chết, ai có thể còn hoài? Nếu ông không lấy, rốt
cuộc nó cũng là tro bụi mà thôi!" Phạm chí nói: "Thiên vương vung vải ơn
huệ, nhân đức như trời, ắt muốn giết mình để cứu kẻ thấp hèn, xin Ngài
buông tay cho tôi dắt đi". Vua liền đưa tay đi theo. Đến cửa thành cũ,
Vua ra lệnh trói mình lại đem tâu. Người trong nước thấy vua, khóc than
vang cả nước. Phạm chí được thưởng. Vua tham sai đem vua đến ngã tư
đường thiêu sống rồi giết đi. Quần thần đều tâu: "Vua cũ chúng thần cuối
cùng phải chết. Vậy xin cho làm bữa tiệc nhỏ để tiễn đưa linh hồn
người". Vua tham nói: "Được". Trăm quan lê dân kêu khóc nghẹt đường. Vật
vã lăn lóc, không ai là không kêu trời. Thái tử Trường Sinh cũng giả
làm người bán củi, đứng trước mặt cha. Vua thấy con, ngửa mặt lên trời
nói: "Nếu trái lời trăn trối của cha, ngậm hung ôm dữ, chất chứa oán
giận chập chồng, để tai vạ đến muôn đời. Đấy không phải là người con
hiếu. Chư Phật lòng từ bốn bậc rộng thấm, đức trùm trời đất, ta theo đạo
ấy, giết mình để cứu chúng, còn sợ không một chút của hạnh hiếu đạo,
huống làm chuyện ngỗ ngược báo thù sao? Nếu không trái bỏ lời ta mới có
thể gọi là hiếu". Người con không nỡ nhìn cha mình chết, bèn trở vào núi
sâu.
Vua
chết rồi, thái tử kêu khóc, máu chảy cả miệng, nói: "Vua ta tuy lúc lâm
chung, có lời răn hết sức nhân từ, nhưng ta ắt trái lời, phải giết kẻ
độc ác kia". Bèn ra làm thuê trồng rau cho một ông quan.
Một
hôm, quan tình cờ dạo vườn, thấy rau xanh tốt, bèn hỏi nguyên do. Người
giữ vườn đáp: "Tôi có mướn một người làm thuê rất giỏi việc trồng
vườn". Người ấy kêu đến hỏi: " Ngươi còn có khả năng gì?" Người ấy đáp:
"Trăm nghề tuyệt hảo, tôi đều đứng đầu". Quan xin lệnh vua cho vào nấu
ăn cho vua. Người ấy còn giỏi hơn cả thái quan (quan nấu ăn cho vua).
Vua hỏi: "Món này do ai làm vậy? "Quan đem sự thực ra đáp. Vua liền lấy
người ấy làm quan coi bếp, mỗi việc đều vừa lòng. Vua cất nhắc lên làm
cận thần, bảo rằng: "Con của Trường Thọ là trọng thù của ta, nay ta dùng
ngươi làm cận vệ" Người ấy liền đáp: "Thưa vâng". Vua hỏi: "Người thích
đi săn không?" Đáp: "Thần rất thích". Vua liền ra ngoài đi săn, rong
ngựa đuổi mồi bị thất lạc với mọi người, chỉ với Trường Sinh cùng ở
trong núi ba ngày, đến lúc đói khốn vua bèn tháo kiếm trao cho Trường
Sinh, rồi gối đầu đùi Trường Sinh mà ngủ. Trường Sinh nghĩ: "Nay ta đã
được ngươi rồi ư?" Bèn rút kiếm muốn chém đầu, bỗng nhớ lại lời cha dặn:
"Trái lời cha dạy là bất hiếu đấy!" Lại tra kiếm dừng lại. Vua tỉnh
giấc nói: "Ta mộng thấy Trường Sinh muốn chém đầu ta. Việc gì như thế"?
Trường Sinh đáp: "Núi có quỷ dữ, thích việc nung nấu. Thần tự chầu hầu,
còn gì mà sợ?" Vua lại ngủ nữa. Cứ vậy ba lần, Trường Sinh bèn quăng
kiếm nói: "Ta vì cha ta nhân từ mà tha mạng cho ngươi đó!" Vua tỉnh dậy
nói: "Ta mộng thấy Trường Sinh tha mạng cho ta rồi". Thái tử nói:
"Trường Sinh chính là tôi đây! Cũng vì thương nhớ cha mà theo đuổi kẻ
thù đến nay. Cha tôi khi chết, miệng còn để lại lời răn nhân từ, bảo tôi
tuân theo đạo nhẫn nhục, ác đến lành đi của chư Phật. Nhưng tôi giữ
tính cực ngu, muốn đem hai cái hung dữ luyện vào nhau. Nhưng ba lần nhớ
lại lời cha dạy, ba lần buông kiếm. Vậy xin Đại vương mau giết tôi để
trừ hoạn dữ. Khi thân chết hồn lìa, thì ý ác không còn sinh nữa".
Vua
hối lỗi nói: "Ta làm chuyện bạo ngược, không biết phải trái. Tiên Vương
của ngươi hạnh cao thuần đủ, mất nước chứ không mất hạnh. Có thể gọi là
bậc thượng thánh. Ngươi giữ tròn hạnh cha, có thể gọi là hiếu. Còn ta
là giống sài lang, giết hại sanh linh để được no ấm. Nay mạng sống trong
tay ngươi mà ngươi tha không giết, thì sau này ta há làm trái được sao.
Giờ ta muốn về nước mình, vậy phải đi đường nào?" Trường Sinh đáp: "Đây
là đường mê do tôi làm ra. Tôi sẽ đem vua ra khỏi rừng này".
Khi
gặp quần thần, vua hỏi: "Quí vị có ai biết Trường Sinh không?" Mọi
người đều nói: "Không biết". Vua nói: "Người này là Trường Sinh đó, nay
trở lại nước. Còn ta sẽ về nơi cũ của mình. Từ đây trở đi kết làm anh
em, họa phước cùng nhau".
Ngày
lập Thái tử làm vua, cả nước buồn vui lẫn lộn. Mọi người không ai là
không chúc thọ. Vua tham trở về nước mình, lại đến triều cống, trở nên
giàu mạnh thái bình.
Đức
Phật bảo các sa môn: "Vua Trường Thọ bấy giờ là thân ta. Thái tử là A
Nan. Vua tham là Điều Đạt. Điều Đạt đời đời có ý ác đối với ta, ta vẫn
cứu cho. A Nan và Điều Đạt vốn không có oán thù nhau, nên không hại lẫn
nhau. Ta đời đời nhẫn những điều không thể nhẫn, giữ ý lập hạnh, cho nên
nay được thành Phật, đấng Thế Tôn trong ba cõi".
Hạnh thương vượt bờ của Bồ Tát, bố thí như vậy!