3. NHỮNG VẤN ĐỀ NGÔN NGỮ HỌC CỦA LỤC ĐỘ TẬP KINH
Trong
các tác phẩm hiện còn của Khương Tăng Hội, thì Lục độ tập kinh giữ một
vai trò xung yếu đặc biệt. Xung yếu bởi vì xuyên qua nó, chúng ta tìm
hiểu được quá trình tác động hỗ tương giữa Phật giáo và dân tộc Việt Nam
trong những ngày đọ sức gay go và khốc liệt đầu tiên này. Nó cho ta
biết những tư tưởng giáo lý gì của Phật giáo đã được truyền vào cho dân
tộc ta, và ngược lại, dân tộc ta đã tiếp thu những gì từ Phật giáo.
Không những thế, vì Khương Tăng Hội sinh ra, lớn lên và được đào tạo tại
Việt Nam, nên Lục độ tập kinh cũng để cho thấy những dấu ấn của nền văn
hóa Việt Nam, và từ đó, ta có thể tái lập lại một phần nào diện mạo của
nền văn hóa đó trong những giờ phút đọ sức gay go, khốc liệt đầy ngỡ
ngàng và không tương xứng ấy.
Lục
độ tập kinh hay Tập hợp các kinh về sáu hạnh vượt bờ của bồ tát, bây
giờ được xếp vào bộ Bản duyên và in vào Đại tạng kinh số 152. Nó được
ghi là do “Sa môn Khương Tăng Hội nước Khương Cư đời Ngô dịch”. Khương
Tăng Hội cha gốc người Khương Cư (Sogdiane) qua buôn bán ở nước ta, rồi
sinh Khương Tăng Hội, nên nói ông là người nước Khương Cư cũng không có
gì lạ. Ông dịch Lục độ tập kinh vào khoảng năm 251, tức bốn năm sau khi
ông qua truyền giáo ở Kiến Nghiệp, nên nói dịch vào đời nhà Ngô của
Trung Quốc cũng không có gì là quá đáng. Điều đáng lấy làm lạ là Lục độ
tập kinh có phải do Khương Tăng Hội dịch hay không? và nếu dịch thì ông
đã dùng nguyên bản nào để dịch ra?
Trả
lời câu hỏi thứ nhất, giáo sư Thang Dụng Đồng[91][91] của Trường Đại
học Bắc Kinh trước đây đã gợi ý Lục độ tập kinh không phải là một dịch
phẩm, vì “văn từ” nó quá “điển nhã”. Thực tế, nhận xét nầy phải nói là
đầy sáng tạo và khá hàm súc. Những ai đã từng đọc qua Lục độ tập kinh
thì không thể nào không có một ấn tượng như thế. Khương Tăng Hội đã sử
dụng lối văn bốn chữ khá sắc sảo và tương đối nhuần nhuyễn cũng như huy
động được vốn từ ngữ mang nặng màu sắc Trung Quốc cũng như Việt Nam, nên
khi đọc lên, ta nghe gần gũi, có cảm tưởng như một bản văn viết, chứ
không phải là một bản dịch từ một nguyên bản chữ Phạn hay một phương
ngôn nào đó của Ấn Độ. Một kiểm tra thực tế xác nhận cảm tưởng đó. Những
từ như “nhân nghĩa”, “hiếu thuận”, “nho đức” v.v... tất nhiên không thể
tìm thấy trong tiếng Phạn.
Và những câu:
Nam hữu vi ngẫu
Tự cổ nhiên hỉ
Nam hiền nữ trinh
Thành diệc nam tỷ
Hay là:
Phụ ly sở thiên
Chích hành nhất túc
Chúng hữu nghi vọng
Khởi huống tuần sóc
Rồi
những đoạn phê phán Nho giáo như thế nầy trong truyện 49 ĐTK 152 tờ
28a22-4 thì không thể tìm thấy trong các sách văn học Phật giáo Ấn Độ
thời Khương Tăng Hội: “Tôi ở đời đã lâu năm, tuy thấy nho sỹ chứa đức
làm thiện, nhưng há có kẻ như đệ tử Phật quên mình cứu người, ở ẩn mà
không dương danh đó sao?”. Ngoài ra, còn có những truyện được cải biên,
thêm thắt yếu tố Lạc Việt vào, như trường hợp truyện 23 nói tới trăm
trứng, mà chúng tôi sẽ bàn dưới đây[92][92]. Và có
những
truyện dứt khoát không thể có nguồn gốc Ấn Độ, như truyện 69 kể việc
người con đào mả, lấy vàng liệm trong miệng cha mình v.v... Tuy nhiên,
nếu đọc kỹ hơn, chúng ta phát hiện một sự kiện hết sức lạ lùng, nhưng
rất quan trọng và có nhiều ý nghĩa đối với không những lịch sử Phật giáo
Việt Nam, mà còn lịch sử văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Sự kiện đó là
trong một số câu của Lục độ tập kinh, Khương Tăng Hội đã không viết đúng
theo ngữ pháp Trung Quốc, mà lại theo ngữ pháp Việt Nam, cụ thể là:
1.
Truyện 13 ĐTK 152 tờ 7c13 “Vương Cập phu nhân, tự nhiên hoàn tại bản
quốc trung cung chính điện thượng tọa, như tiền bất dị...”
2.
Truyện 14 ĐTK 152 tờ 8c5 “. . . Nhĩ vương giả chi tử, sinh cư vinh lạc,
trưởng ư trung cung...” ĐTK 152 tờ 9b27: “... Lưỡng nhi đổ chi, trung
tâm đát cụ...”
3. Truyện 26 ĐTK 152 tờ16 b 2: “... Thủ thám tầm chi, tức hoạch sắt hỉ, trung tâm sảng nhiên, cầu dĩ an chi...”
4. Truyện 39 ĐTK 152 tờ21 b 27: “... trung tâm hoan hỉ”
5. Truyện 41 ĐTK 152 tờ 22 c 12: “Vương bôn nhập sơn, đổ kiến thần thọ”
6. Truyện 43 ĐTK 152 tờ 24 b 21: “... trung tâm chúng uế...”
7. Truyện 44 ĐTK 152 tờ 25 a 26: “trung tâm nục nhiên, đê thủ bất vân”
8.
Truyện 72 ĐTK 152 tờ 38 b 25: “Thần đổ tôn linh vô thượng chính chân
tuyệt diệu chi tượng lai tại trung đình, thiếp kim cung sự”.
9. Truyện 76 ĐTK 152 tờ 40a8: “Thần thiên thân lãnh, cửu tộc quyên chi, viễn trước ngoại dã”.
ĐTK 152 tờ40 b 5: “Vị chúng huấn đạo trung tâm hoan hỉ”.
10. Truyện 83 ĐTK 152 tờ 44 c 1: “Ngô đẳng khước sát nhân súc, dĩ kỳ cốt nhục vi bệ thăng thiên”.
ĐTK 152 45 tờ 45a19: “Ngô đương dĩ kỳ huyết vi bệ thăng thiên”.
11. Truyện 85 ĐTK 152 tờ 47 b 26:... trung tâm gia yên
ĐTK 152 tờ47 c 16: “... trung tâm đài yên”.
Như thế, qua 11 truyện với 15 trường hợp, ngữ pháp tiếng Trung Quốc đã không được chấp hành.
Ngược
lại, chúng đã được viết theo ngữ pháp tiếng Việt. Trong 15 trường hợp
này thì 11 trường hợp liên quan đến chữ chỉ nơi chốn “trung”.
Theo
ngữ pháp tiếng Trung Quốc thì chữ trung luôn luôn đứng sau danh từ hay
đại từ mà nó chỉ nơi chốn. Điều này hoàn toàn ngược với ngữ pháp tiếng
Việt. Cho nên, khi viết “trung tâm”, “trung cung”, “trung đình” với
nghĩa “trong lòng”, “trong cung”, “trong sân”, Khương Tăng Hội rõ ràng
đã sử dụng ngữ pháp tiếng Việt, chứ không phải ngữ pháp tiếng Trung
Quốc. Nếu viết theo ngữ pháp tiếng Trung Quốc, thì “trung cung”, “trung
tâm”, “trung đình” phải đổi lại thành “cung trung”, “tâm trung”, “đình
trung”. Và việc sử dụng “cung trung”, “tâm trung” không phải là đã không
xảy ra trong Lục độ tập kinh. Xem chẳng hạn truyện 77 về “tâm trung”
(ĐTK 152 tờ 41b17) hay truyện 15 và 50 về “cung trung” (ĐTK 152 11 b 9
và 29 a 10). “Trung đình” chỉ xuất hiện một lần, nên không có đối chứng.
Chữ
“trung” với nghĩa chỉ nơi chốn “trong” đến thời Vương Dật (k.89-158) và
Trịnh Huyền (127-200) chú thích Sở từ và Kinh thi. đã được qui định hẳn
là luôn luôn đứng sau danh từ hay đại từ nó chỉ nơi chốn. Thí dụ, khi
chú thích chữ “trung châu” trong câu mở đầu của bài Tương quân trong Văn
tuyển 32 tờ 12b12-13a1.
Quân bất hành hề di do
Kiến thùy lưu hề trung châu.
Vương Dật đã viết: “Trung châu, châu trung dã”.
Trịnh
Huyền cũng làm thế đối với Kinh thi. Hai chữ “trung cốc” của câu đầu
bài thơ Cát đàm trong Mao thi chính nghĩa 1/2 tờ 1a13:
Cát chi đàm hề
Thi vu trung cốc
Duy diệp thê thê.
Trịnh
Huyền đã chua: “Trung cốc, cốc trung giả”. Về “trung tâm” của bốn câu
cuối bài Thố ta trong Mao thi chính nghĩa 1/3 tờ 1b13-2a1 cũng vậy:
Túc túc thố ta
Thi vu trung lâm
Củ cù vũ phu
Công hầu phúc tâm
“Trung tâm, lâm trung dã”. Xem thêm 12/1 tờ 7b3-4 và 18/2 tờ 5a9
“Trung
a”, “trung chỉ” và “trung lăng” của bài Tình tinh trong Mao thi chính
nghĩa 10/1 tờ 9b10 -10a4, “trung trạch” của bài Tiểu uyển (12/3 tờ
1b3-4) và “trung điền” của bài Tín nam sơn (13/2 tờ 12a 5-6) đều được
Trịnh Huyền giải thích là “a trung”, “chỉ trung”, “lăng trung”, “trạch
trung”, “nguyên trung” và “điền trung”. Vị trí chử “trung” như một giới
từ chỉ nơi chốn đến thế kỷ thứ II sdl như vậy được qui định là ở sau
danh từ hay đại từ nó chỉ định[93][93].
Riêng cụm "trung tâm" lần đầu tiên xuất hiện trong bài thơ Chung Phong của Mao thi chính nghĩa 2/1 tờ 9a10-13:
Chung phong thả bạo
Cố ngã tắc tiếu
Ngược lãng tiếu ngạo
Trung tâm thị điệu
và
Trịnh Huyền không có chú thích gì. Cụm “trung tâm” còn có mặt trong
chín bài thơ khác của Kinh thi. Cụ thể là các bài Cốc phong của Mao thi
chính nghĩa 2/2 tờ 7a4. Nhị tử thừa châu (2/3 tờ 9b 12), Vương thành
(4/1 tờ 3a7 và 4a9-11, Hữu đệ (6/2 tờ 6b12 và 7a7), Trạch pha (7/1 tờ
10b6) và, Cao cừu (7x2 tờ 3a13-b1), Phỉ phong (7/2 tờ 5b11 và 5a5), Đàn
cung (10/1 tờ 8a5, 8b11 và 9a5) và Thấp tang (15/2 tờ 7a12). Trong 9
trường hợp này, riêng bài Hữu đệ, Trịnh Huyền có nhắc lại cụm “trung
tâm” khi giải thích. Đến thời Khổng Dĩnh Đạt viết sớ cho bộ Mao thi xong
vào năm Trinh Quán 16 (638), trong số 10 bài thơ có cụm “trung tâm” thì
6 bài giữ nguyên cụm từ ấy. Đó là Chung phong, Nhị tử, Vương thành, Cao
cừu, Đàn cung và Thấp tang. Một bài là Hữu đệ, thì “trung tâm” được
giải thích là lòng trung (trung tâm với chữ trung có chữ tâm ở dưới).
Một bài, bài Trạch pha, không có một giải thích nào. Còn lại hai bài,
tức Cốc phong và Phi phong, cụm “trung tâm” được giải thích là “tâm
trung”.
Ngoài
Kinh thi, Lễ ký cũng bốn lần xử dụng cụm “trung tâm”. Một lần ở thiên
Biểu ký của Lễ ký chính nghĩa 54 tờ 12a3-4, dẫn đoạn ba của bài Thấp
tang của Kinh thi: (Mao thi chính nghĩa 15/2 tờ 7a12).
Tâm hồ ái hỉ
Hà bất vị hỉ
Trung tâm tạng chi
Hà nhật vong chi.
Ba
lần kia ở thiên Lễ vận và thiên Biểu ký của Lễ ký chính nghĩa 22 tờ
10a7 và tờ 4a7 và tờ 5a1 “trung tâm vô vi”, “trung tâm thảm đát”[94][94]
và “trung tâm an nhân giả, thiên hạ nhất nhân nhi dĩ hỹ”. Trong cả ba
lần này, Trịnh Huyền không có giải thích gì thêm, còn Khổng Dĩnh Đạt vẫn
giữ nguyên khi viết lời sớ của mình. Tuy nhiên, không phải Lễ ký không
biết đến lối viết tiêu chuẩn “tâm trung”. Cụ thể là thiên Nhạc ký của Lễ
ký chính nghĩa tờ 9b10. “Tâm trung tư tu, bất hòa bất lạc”. Đặc biệt
hơn nữa, khi giải thích chữ “trung” trong câu “lễ nhạc giao thố ư trung,
phát hình ư ngoại” của thiên Văn vương thế tử của Lễ ký chính nghĩa 20
tờ 7b13-8a1. Trịnh Huyền đã viết: “Tâm, trung tâm giả”. Như thế rõ ràng
đến thế kỷ thứ II sdl, qui định về vị trí của chữ "trung" đối với các
danh từ và đại từ được tuân thủ.
Thực
vậy, kiểm soát toàn bộ văn liệu tiếng Trung Quốc từ thế kỷ thứ nhất sdl
đến thời Khổng Dĩnh Đạt viết Mao thi chính nghĩa và Lễ ký chính nghĩa
vào năm 638, ta thấy cụm “trung tâm” rất ít khi dùng tới. Trong ba thế
kỷ từ thế kỷ thứ I -III ngoài Dương Hùng, ta chỉ gặp ba lần dùng cụm
“trung tâm”. Một là trong lá thư của Phùng Diển (k.1-65) do Lý Hiền dẫn
trong truyện của Diển ở Hậu Hán thư 58 hạ tờ 14a4-6 viết cho Tuyên Mạnh:
“Cư thất chi nghĩa, nhân chi đại luận, tư hậu hòa chi tiết, lạc định
kim thạch chi cố. Hựu tư thương tiền tào bất lương, tỷ hữu khử lương phụ
chi danh, sự thành bất đắc bất nhiên, khởi trung tâm chi sở hảo tại!”.
Hai là trong tờ chiếu cải cách lịch của Hán Chương đế viết tháng 2 năm
Nguyên Hòa thứ 2 (86) trong Hậu Hán thư 12 tờ 2a5, ta có câu “trung tâm
nục yên”. Ba là ngày Đinh Hợi tháng giêng năm Cảnh Sơ thứ 3 (240) Minh
đế Tào Duệ băng hà, Tề vương Tào Phương lên ngôi. Tháng 2, Tào Sảng nhằm
giảm bớt quyền hành của Tư Mã Ý, đã sai em là Tào Hy viết biểu đề nghị
phong Ý từ thái úy lên thái phó. Bài biểu này chép trong Ngụy thư, mà
Bùi Tùng Chi cho dẫn trong Ngụy chí 9 tờ 13a12, trong đó có câu “trung
tâm quí dịch”.
Hà
Yến và Đặng Dương cùng nhóm với Tào Sảng. Thế thuyết tân ngữ phần hạ
của quyển trung tờ 30b11-13 chép việc Yến và Dương nhờ Quản Lạc xủ quẻ.
Xủ xong, Lạc dặn phải cẩn thận. Yến lại dẫn 2 câu cuối của bài thơ Thấp
tang
Trung tâm tạng chi
Hà nhã vong chi
để
trả lời. Hai câu này, Tôn Tú cũng dùng đễ trả lời Phan Nhạc[95][95] về
mối hận với Thạch Sùng, như Thế thuyết tân ngữ phần hạ của quyển hạ tờ
38a8 đã ghi.
Đến
thế kỷ thứ IV, Thế thuyết tân ngữ phần thượng của quyển hạ tờ 9a2-7
chép Chi Tuần (352 - 404), sau khi người bạn đạo của mình là Pháp Kiên
tịch, đã nói: “Tri kỷ đã mất, nói ra không ai thưởng thức, trong lòng
dồn nén, ta cũng mất thôi”. Câu “trong lòng dồn nén” là dịch cụm “trung
tâm uẩn kết”, mà sau khi viết truyện của Tuần trong Cao tăng truyện 4
ĐTK 2059 tờ 349c15-167, Huệ Hạo đã ghi lại và là một lời nhái câu “ngã
tâm uẩn kết” của bài thơ Tố quan trong Mao thi chính nghĩa 7/2 tờ 4b6.
Qua
các thế kỷ V-VI không thấy dùng nữa. Đến đầu thế kỷ thứ VII, khi viết
Biện chính luận 7 ĐTK 2110 tờ 541a20-22 vào năm 622, Pháp Lâm mới có dịp
dùng “trung tâm” trong bài thơ Thanh sơn (Núi xanh) mà bốn câu cuối
cùng đọc:
Huyên phong bạch vân thượng
Quải nguyệt thanh sơn hạ
Trung tâm dục hữu ngôn[96][96]
Vị đắc vong ngôn giả.
Như
vậy cụm từ “trung tâm” từ thế kỷ thứ VI tdl, khi Khổng Tử san định Kinh
thi, Thơ và Lễ trở về trước, đang còn được sử dụng khá phổ biến. Nhưng
từ thế kỷ thứ I sdl về sau cho đến thời Khương Tăng Hội, việc sử dụng nó
cực kỳ hiếm hoi, như ta đã thấy. Trong khoảng 300 năm, nó chỉ được sử
dụng ba lần, một trong lá thư của Phùng Diễn, một trong tờ chiếu viết
năm 86 của Chương đế và một trong bài biểu năm 240 của Tào Sảng. Những
lần do Hà Yến, Tôn Tú và Phan Nhạc dùng tới thì đều đọc lại hay nhái
theo thơ của Kinh thi, nên không cần kể ra ở đây.
Thế
mà chính trong giai đoạn đó, một tập sách ngắn như Lục độ tập kinh lại
có đến 8[97][97] trong 15 trường hợp ngôn ngữ bất bình thường dẫn trên
lại sử dụng cụm từ “trung tâm”. Việc sử dụng cụm từ ấy tất nhiên không
thể giải thích bằng việc nại đến ảnh hưởng của văn phong Kinh thi. Đành
rằng Khương Tăng Hội nắm Kinh thi rất vững, như đã tỏ ra trong khi viết
An ban thủ ý kinh tự với sự xuất hiện hai câu cuối của bài thơ Đại đồng.
Nhưng như thế thì những nhà văn, nhà thơ lớn Trung Quốc giai đoạn đó
như Trương Hành (80-141), Mã Dung (80-167), Thái Ung (130-191), Tào Thực
(192-232) v.v..., mà thơ văn ta còn gặp trong Văn tuyển, không biết đến
Kinh thi ư? Họ không những biết rất rành rẽ Kinh thi, trái lại còn vận
dụng nó một cách điêu luyện và sáng tạo. Vậy mà cụm từ “trung tâm” đã
không xuất hiện trong các tác phẩm của họ. Thế tại sao cụm từ ấy lại có
mặt một cách dày đặc trong Lục độ tập kinh?
Câu
trả lời tất nhiên là Khương Tăng Hội đã trước mắt chịu ảnh hưởng của
cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt. Chính ảnh hưởng này của ngữ pháp tiếng
Việt đã cho phép xuất hiện cụm từ “trung tâm” trên trong Lục độ tập kinh
vào một giai đoạn, mà chính bản thân người Trung Quốc không còn dùng
tới hay họa hoằn có dùng tới thì dùng một cách hạn chế tối đa nghiêm
ngặt. Điểm cần nói nữa là 8 trường hợp dùng cụm từ ấy chỉ biểu thị số
trường hợp được bảo lưu trong truyền bản hiện nay của Lục độ tập kinh.
Có
khả năng số lần dùng “trung tâm” lớn hơn nhiều, bởi vì hiện có cũng 8
trường hợp sử dụng cấu trúc “trung tâm” theo đúng ngữ pháp Trung Quốc
thời Khương Tăng Hội ở các truyện 64 (tờ 34 c1), 74 (tờ 39a13, b11 và
c4), 77 (tờ 41b17), 79 (tờ 42a19), 81 (tờ 43b23) và 82(tờ 43c26-27). Tự
nguyên ủy, những cấu trúc đó có thể là “trung tâm” chứ không phải là
“tâm trung”, như ta hiện có. Nhưng qua quá trình lưu hành bằng sao chép
từ khoảng năm 251 cho đến năm 972 - 983 khi Đại tạng kinh Phật giáo
Trung Quốc lần đầu tiên được lệnh Tống thái tổ cho khắc bản, một số câu
chữ của Lục độ tập kinh bị nhuận sắc, sửa đổi, thậm chí chép lầm và sai.
Trong số ấy có khả năng 8 trường hợp “tâm trung” vừa liệt kê.
Người
ta có thể hỏi nếu quá trình nhuận sắc, sửa đổi hay chép lầm đã xảy ra,
thì tại sao nó chỉ xẩy ra trên một nửa số trường hợp, mà không đụng chạm
đến một nửa số kia trong toàn 91 truyện của Lục độ tập kinh? Câu trả
lời là vì Lục độ tập kinh đã lưu hành dưới những dạng bản khác nhau.
Ngay thời Tăng Hựu viết Xuất Tam tạng ký tập, ông đã thống kê được 22
kinh (tức truyện) của Lục độ tập kinh lưu hành dưới dạng đơn hành bản,
như chúng tôi đã vạch ra ở trên. Cho nên, quá trình sao chép, nhuận sắc,
sửa đổi cũng không thể xảy ra một cách đồng loạt và nhất quán. Từ đó,
ta có thể giải thiết 8 cấu trúc “tâm trung” hiện nay có khả năng là một
nhuận chính theo hướng Trung Quốc hóa ngữ pháp của cấu trúc “trung tâm”
Vậy,
sự có mặt của những cấu trúc “trung tâm” này xác nhận một cách không
chối cãi ảnh hưởng của ngữ pháp tiếng Việt đối với bản dịch Lục đô tập
kinh tiếng Trung Quốc hiện nay. Chính xuất phát từ ảnh hưởng ấy, mà 2
trường hợp “trung cung” và một trường hợp “trung đình”, chúng tôi cũng
xử lý theo cách xử lý “trung tâm”, tuy biết rằng “trung cung” và “trung
đình” chỉ những sự vật cụ thể theo tiếng Trung Quốc, từ đó chữ “trung”
không có nghĩa “trong”, mà có nghĩa là “giữa”. Chẳng hạn lời tâu của Lý
Cố chép trong Hậu Hán thư 93 tờ 4b10 đề nghị vua “khá khiến trung cung
rộng chọn gái đẹp …” Hay lời tâu của Lục Khải trong Ngô chi 16 tờ 7a13
nói: “Nay trung cung số muôn không đủ người đẹp” v.v…
Chữ
“trung đình” cũng thế. “Trung đình” là “sân giữa”, đối lập với “tiền
đình” và “hậu đình”. Bài thơ Vịnh sử thứ 3 của Tả Tư trong Văn tuyển 21
tờ 3a9 có câu:
Liên tỷ diệu tiền đình
Tỷ chi do phù vân
Hay bài Kim cốc tập tác thi của Phan Nhạc trong Văn tuyển 20 tờ 22a7-8 có hai câu:
Tiền đình thị sa đường
Hậu viên thực ô tỳ.
Về hậu đình, ai cũng biết hai câu thơ nổi tiếng của Phan Nhạc trong Tây chinh phú của Văn tuyển 10 tờ 13b7-8:
Giáo diện triều nhi hoán binh
Thứ hậu đình chi ý mỵ
Về
trung đình, thiên Đàn cung của Lễ ký chính nghĩa 6 tờ 4b8 đã nói tới
việc “Khổng Tử khóc Tử Lộ ở trung đình”. Rồi Trường môn phú của Tư Mã
Tương Như (179-117 tdl.) trong Văn tuyển 16 8b6 viết:
Vọng trung đình chi cát cát hề
Nhược lý thu chi giáng sương
Ban Cố sáng tác Lưỡng độ phú trong Văn tuyển 1 tờ 6a11 cùng nói:
Liệt chung cừ ư trung đình
Lập kim nhân u đoan vi
Đến
Huệ Hạo soạn Cao tăng truyện 10 ĐTK 2059 tờ 390c4-7 đã kể việc “lô đồ”
của Bôi Độ để ở trung đình. Gần cả ngàn năm sau, Huyền Quang (1254-1334)
của nước ta trong chùm thơ về hoa cúc còn nói:
Hoa tại trung đình nhân tại lâu
Phấn hương độc tọa tự vong âu
Chú nhân dự vật hồn vô cạnh
Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu
Như
vậy, dù biết “trung cung” và “trung đình” trong tiếng Trung Quốc là
những danh từ ghép chỉ những sự vật cụ thể, chúng tôi vẫn tách riêng
chúng ra, coi chúng có cấu trúc tiếng Việt kiểu cụm từ “trung tâm” và
hiểu theo nghĩa tiếng Việt. Kết quả là ý nghĩa vẫn thông suốt, không có
một chút khiên cưỡng nào.
Bốn
trường hợp còn lại, trường hợp thứ nhất là việc dùng chữ “thần thọ”.
Chữ này nếu hiểu theo ngữ pháp tiếng Trung Quốc thì có nghĩa là “cây
thần”, như đã thấy trong Bính Nguyên Biệt truyện do Bùi Tùng Chi dẫn
trong truyện Bính Nguyên của Ngụy chí 11 tờ 16 a 2. Truyện kể Bích
Nguyên thanh liêm, đi đường gặp tiền rơi, nhặt treo lên cây bên đường.
Dân thấy cây có tiền treo “gọi là cây thần” (Vị chi thần thọ). Nếu hiểu
theo ngữ pháp tiếng Việt, nó chỉ đơn giản có nghĩa là “thần cây”. Chữ
"thọ" trở thành một tá âm. Nó cũng xuất hiện trong truyện 25 của Cựu tạp
thí dụ kinh quyển thượng ĐTK 106 tờ 515a20. Cấu trúc nó giống như cấu
trúc “tượng Phật" của truyện 31 trong Tạp thí dụ kinh quyển Hạ ĐTK 105
tờ 510a5. Nó biểu thị cho cấu trúc bổ từ đi sau chữ được bổ nghĩa mà ta
thấy xuất hiện khá phổ biến trong Lục độ tập kinh, như sẽ thấy dưới
đây.Trong những lần khác, để diển tả ý niệm “thần cây” luôn luôn được
viết một cách nghiêm chỉnh là “thọ thần”. Xem chẳng hạn truyện 5 ĐTK 152
tờ 2c13, truyện 43 ĐTK 152 tờ 24c26, và ngay trong truyện 41 ĐTK 152 tờ
22c15 vài dòng thì ta lại gặp “thọ thần”. Trường hợp thứ hai liên quan
đến chữ chỉ nơi chốn “ngoại”. Giống như trường hợp chữ “trung”, với chức
năng một chữ chỉ nơi chốn, nó phải đặt sau danh từ hay đại từ nó chỉ,
thì mới đúng theo ngữ pháp Trung Quốc. Ở đây, nó được đặt trước theo
kiểu nói của ngữ pháp Việt Nam. Hai trường hợp còn lại liên hệ đến nhóm
từ “bệ thăng thiên” với nghĩa “bệ lên trời”. “Thăng thiên” như một bổ từ
cho “bệ” thì theo ngữ pháp Trung Quốc không thể đi sau “bệ”. Một lần
nữa “bệ thăng thiên” là một kiểu nói theo ngữ pháp Việt Nam.
Việc
sử dụng bổ từ đi sau chữ được bổ nghĩa xuất hiện khá phổ biến trong Lục
độ tập kinh. Nếu hai trường hợp “thần thọ” và “bệ thăng thiên” có bổ từ
là danh từ và động từ, thì trong những trường hợp dưới đây, bổ từ là
các tính từ, mà tính từ với chức năng bổ nghĩa cho danh từ, cứ theo ngữ
pháp tiếng Trung Quốc thì phải luôn luôn đi trước danh từ, một hiện
tượng hoàn toàn trái ngược với ngữ pháp tiếng Việt. Ta nói "trời xanh"
người Trung Quốc nói "thanh thiên". Tuy vậy, trong các trường hợp dưới
đây, dù Lục độ tập kinh là một dịch bản tiếng Trung Quốc, ta vẫn gặp:
1.
“Giới cụ hạnh cao” (truyện 2 tờ 1b15 và c21, 16 tờ 11c28, 21 tờ 13c3,
49 tờ 28c5, 49 tờ 28c5, 55 tờ 32b12, 73 tờ 38c11 và 76 tờ 40b19).
2. “Chính khoan dân phú” (truyện 8 tờ 3c15
3. “Chính hà dân khốn” (truyện 46 tờ 26c17)
4. “Quốc phong dân khang” (truyện 8 tờ 4a14, 43 tờ 25a9 -10)
5. “Tính tà hạnh nghiệt” (truyện 22 tờ 13c29)
6. “Quốc phong dân phú” (truyện 15 tờ 11c3, 52 tờ 30a13)
7. “Chấp tháo bạo ngược” (truyện 10 tờ 5a23)
8. “Thân thể liêu lệ, diện xô thần đả” (truyện 14 tờ 9b3)
9. “Phước long” (truyện 2 tờ 1b15)
10. “Đức cao phước thịnh” (truyện 43 tờ 25a11)
11. “Phước long đạo thành” (truyện 53 tờ 30b14)
12. “Sơn cao cốc thâm” (truyện 31 tờ 18c1)
13. “Nam hiền nữ trinh” (truyện 45 tờ 26b21)
Rõ
ràng các bổ từ trên đây, mà chủ yếu là các tính từ, đã nhất loạt đi sau
các danh từ chúng bổ nghĩa. Trường hợp “giới cụ hạnh cao” thì truyện 17
tờ 12b11 viết đúng theo ngữ pháp tiếng Trung Quốc là “cụ giới cao
hạnh”. Một số những trường hợp khác có thể không cần coi như những phức
hợp có quan hệ bổ từ kiểu “tính từ + danh từ”, mà như những cấu trúc
mệnh đề với động từ bị lược bỏ, dù thực tế không hẳn đã như vậy, như
“sơn cao cốc thâm” và “nam hiền nữ trinh” hay “chính hà dân khốn” v.v...
Dẫu sao đi nữa sự kiện quan hệ bổ từ “danh từ + tính từ” là một đặc
trưng của ngữ pháp tiếng Việt. Và hai trường hợp sau là điển hình:
1. Truyện 46 ĐTK 152 tờ 27a3 - 4: “Cậu dĩ thế cường, đoạt ngô chúng hỉ”
2. Truyện 84 ĐTK 152 tờ 47a14 - 15: “Thất quốc sư hùng”.
Bổ
từ “cường” và “hùng” ở đây dứt khoát không được cấu trúc theo ngữ pháp
tiếng Trung Quốc, bởi vì nếu căn cứ vào ngữ pháp đó thì phải nói là
“cường thế” và “hùng sư”, chứ không phải “thế cường” và “sư hùng” như
truyện 46 và 84 đã có. Cấu trúc ấy phải nói là phản ảnh cấu trúc bổ từ
của ngữ pháp tiếng Việt cổ.
Cần
mở ngoặc ở đây để nói thêm một chút về cách đọc chữ “cường”. Chữ này ta
có thể đọc “cưỡng”, nhưng phải chấm câu lại thành ra “cậu dĩ thế, cưỡng
đoạt ngô chúng hỉ”. Song ngắt câu lại như thế, thì lối văn bốn chữ tiêu
chuẩn của Lục độ tập kinh bị phá vỡ một cách không cần thiết, tuy vẫn
có ý nghĩa. Do thế, chúng tôi vẫn giữ cách đọc chữ “cường” và coi nó như
một tính từ bổ nghĩa cho chữ “thế” đi trước và phản ảnh quan hệ bổ từ
của ngữ pháp tiếng Việt, chứ không đọc là “cưỡng”.
Truyện
22 tờ 14a9 có câu: “Do hiền lý gia huấn bỉ nhi ngoan”, tuy đây là một
mệnh đề, chứ không là nằm trong quan hệ bổ từ “danh từ + tính từ”, cũng
bộc lộ ít nhiều cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt, như khi ta nói “nuôi con
tốt, dạy con ngoan”. Số cấu trúc có dạng tương tự này trong Lục độ tập
kinh xuất hiện khá nhiều, cụ thể là bốn câu sau với đặc trưng là sử dụng
chữ "cố". mà nếu căn cứ theo ngữ vựng và ngữ pháp tiếng Trung Quốc thì
thật khó hiểu trong khi nếu theo ngữ vựng và ngữ pháp tiếng Việt thì trở
nên dễ hiểu một cách lạ thường:
1. Truyện 14 ĐTK 152 tờ 9b39 - c1: “Mẫu cố quật ấm, kỳ hãm dung nhân, nhị nhi nhập trung, dĩ sài phú thượng”
2. Truyện 50 ĐTK 152 tờ 29a9: “Đại vương cố khiển thần qui tuyên mạng, thần đẳng bất hư lai...”
3. Truyện 53 ĐTK 152 tờ 30a29: “Phạm chí cố tại hồ”
4. Truyện 85 ĐTK 152 tờ 47c7: “Ngô cố trì ẩn, suy hựu phùng yên”
Trong
bốn câu này, chữ “cố”, nếu hiểu theo nghĩa tiếng Trung Quốc, tức “cũ”,
“xưa”, “cho nên” thì khi dịch ta gặp phải những câu văn gượng ép. Thêm
vào đó, có thể dùng những chữ khác như “tiền”, “tích”, để diễn đạt ý
“xưa”, “trước đây” một cách rõ ràng và trôi chảy hơn. Trên thực tế,
Khương Tăng Hội, ở những trường hợp khác đã sử dụng chúng. Trái lại, nếu
hiểu chữ “cố” trên như một tá âm, để diễn đạt ý “có” hay “cố” của tiếng
Việt và đọc là “có” hay “cố” thì câu dịch suông sẻ một cách lạ lùng “mẹ
có đào hầm”, “đại vương có sai rùa thần truyền mạng”, “phạm chí có ở đó
không”, “ta cố chạy trốn”. Riêng câu thứ 4 dẫn trên, vế thứ hai “suy
hựu phùng yên”, một lần nữa nếu hiểu “suy” như trong “thịnh suy”, “hưng
suy” tiếng Trung Quốc, ta sẽ gặp không ít khó khăn. Ngược lại, nếu coi
“suy” như một tá âm và đọc là “xui”, thì nghĩa câu văn rất rõ ràng và
đơn giản: “Ta cố chạy trốn, xui lại gặp vậy”.
Phương thức tá âm này còn có khả năng xảy ra trong hai trường hợp ở truyện 84 ĐTK 152 tờ 46b23 và 47a2 - 4:
1. “Tự tư chi hậu, thái tử xuất nhập, vị thường biệt sắc”
2.
“Dĩ vi nhân phi, nhược tế minh ngu cát hung hảo xú, quyết do túc mạng,
thục năng nhưỡng chi, nhi bất trinh nhất, tận hiếu phụng tôn, bạc tế
hoàn quốc, hoạ chí vu tư”.
Hai
chữ "biệt" và "bạc" (hay "bạ" "bộ") đều có thể đọc là "biết" và "bỏ",
mà không cần dịch, ý nghĩa câu văn vẫn rõ ràng và thích hợp. Chữ "biệt"
này cũng xuất hiện trong các truyện 10 (ĐTK 152 tờ 6a4) và 76 (ĐTK 152
tờ 41a11).
Cấu
trúc câu văn của Lục độ tập kinh do thế không chỉ tuân thủ theo cú pháp
chuẩn mực của tiếng Trung Quốc, mà còn mang nặng dấu ấn của cú pháp
tiếng Việt. Ngay cả những câu đọc lên nghe có vẻ viết theo cú pháp tiếng
Trung Quốc, ta vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng của câu tiếng Việt. Lấy
thí dụ mấy câu sau:
1. Truyện 43 ĐTK 152 tờ 24b23: "Sơn hữu lưu tuyền, trung sinh liên hoa",
tờ 24c8-9: "Khứ tư bất viễn, hữu tiểu bồng lư, ngô thân tại trung".
2. Truyện 45 ĐTK 152 tờ 25c14: "Tọa trung hữu nhất lý gia".
3. Truyện 78 ĐTk 152 tờ 41c9: "Bách tiết giai không, trung như trúc tiết".
4. Truyện 83 ĐTK 152 tờ 44c24 - 25: "Lâu các cung điện... thiện đế xử trung..."
Và
đặc Biệt truyện 83 ĐTK 152 tờ 45a4 có một câu, mà nếu hiểu theo nghĩa
và cú pháp tiếng Trung Quốc, thì ý nghĩa không hợp lý, không hay và
không sống động bằng, nếu ta hiểu theo cú pháp và ngữ âm tiếng Việt.
Truyện kể khi hai đạo sỹ Xà Lê và Ưu Bôn đi tìm thần nữ, họ đến Hương
sơn, gặp một vị phạm chí thánh thiện. Vì có vị phạm chí này, họ không
thể bắt thần nữ được, nên bèn bàn với nhau "kết cỏ chú ếm, rồi quăng vào
nước", khiến cho phạm chí "thể trọng thiên nữ linh kiệt".
Sáu
chữ cuối cùng này, nếu dịch theo nghĩa tiếng Trung Quốc, ta sẽ có:
“khiến cho phạm chí thân nặng, thiên nữ hết linh”. Ngược lại, nếu coi
chúng như một câu tiếng Việt được dịch nửa vời qua tiếng Trung Quốc, nên
chữ “trọng” không còn có nghĩa tiêu chuẩn tiếng Trung Quốc là “nặng”
nữa, mà là một tá âm tiếng Việt để diễn tả ý “chồng lên”, ta sẽ có:
“Khiến cho phạm chí thân chồng (lên) thiên nữ, (nên thiên nữ) hết linh”.
Rõ ràng, nếu dịch theo nghĩa tiếng Trung Quốc, việc “phạm chí thân
nặng” làm sao quan hệ với sự hết linh của thiên nữ? Nó không hợp lý chút
nào. Trái lại, nếu coi chữ “trọng” là tá âm của chữ "chồng" tiếng Việt,
thì không những sự việc xảy ra một cách hợp lý, bởi vì phạm chí chồng
mình lên thiên nữ, thiên nữ mới hết linh, mà còn cho ta một hình ảnh hết
sức thú vị và sống động là việc phạm chí ôm chồng lên thiên nữ.
Cuối
cùng, cũng cần nêu ra một số từ thuần túy tiếng Việt hay đã Việt hóa
đến nghe quen thuộc. Mở đầu Lục độ tập kinh, Khương Tăng Hội đã nói tới
việc Phật ở núi Diều. Núi Diều tiếng Phạn là Grdhrakuta, sau nầy các
dịch giả khác thường phiên âm là Kỳ xà quật, hay nếu dịch thì không còn
dịch là Diều Sơn, mà dịch Linh Thứu sơn. Chữ "Diều" chắc cũng khó hiểu
đối với người Trung Quốc, cũng như chữ "Thứu" đối với người Việt Nam.
Truyện 20 ĐTK 152 tờ 13b6 nói tới những người gù được thẳng lưng. Chữ
"gù" trong Tống bản còn để nguyên, chứ các bản in Đại tạng kinh khác đều
sửa lại thành "tỵ" cho dễ hiểu. Truyện 33 ĐTK 152 tờ19a20 nói tới việc
người chủ hàng làm bè để thả bạn mình xuống biển. Chữ "bè" này, tiếng
Trung Quốc tương đương là "phiệt", mà ta thấy xuất hiện trong truyện 25
ĐTK 152 tờ15a25.
Sau
hết, phải nói tới hai chữ khá đặc biệt xuất hiện khá thường xuyên trong
các truyện của Lục độ tập kinh. Đó là chữ "thuộc" của các truyện 10 ĐTK
152 tờ 5c24, truyện 14 ĐTK 152 tờ 10ac7, truyện 80 ĐTK 152 tờ42c1
v.v... và chữ "sơ" của các truyện 13 ĐTK 152 tờ 7c4, truyện 66 ĐTK 152
tờ 35b23 và c.8-18 v.v...
Khi
làm công tác phiên dịch, chúng tôi gặp hai chữ này, cảm thấy hơi bỡ
ngỡ, vì chúng xuất hiện không bình thường, nếu hiểu theo nghĩa và ngữ
pháp tiếng Trung Quốc. Chúng tôi giả thiết chữ "thuộc" là tá âm của chữ
"chốc" và chữ "sơ" là tá âm cuả chữ "xíu" tiếng Việt: "Chốc" trong "chốc
lát", "chốc nữa" và có nghĩa "ban nảy", và "xíu" trong "chút xíu" với
nghĩa như vậy. Khi giả thiết như thế, việc hiểu và dịch các câu có hai
chữ ấy xuất hiện trở thành dễ hiểu và suôn sẻ một cách lạ thường.
Ngoài
ra, truyện 14, mà chúng tôi sẽ bàn kỹ ở dưới đây, khi tả diện mạo lão
phạm chí, đã viết: “Tỉ chính biển hổ, thân thể liêu lệ, diện sô thần đả,
ngôn ngữ khiểng ngật”. Trong đó nếu ta coi những chữ “tỉ”, “diện”,
“thần” như những tá âm tiếng Việt và đọc "mũi", "mặt", "môi", thì câu
vừa thấy có thể phiên âm thành một bài thơ tiếng Việt, mà không cần
dịch:
Mũi chính vểnh vẹo
Thân thể rệu rạo
Mặt xô môi dày
Ngôn ngữ ngọng nghịu
Qua
những phân tích trên, ta thấy Lục độ tập kinh chứa đựng một số tàn dư
của ngữ vựng, ngữ pháp và cú pháp tiếng Việt. Sự tồn tại của những tàn
dư nầy đưa ta đến những kết luận nào? Thứ nhất, như trên đã nói, Khương
Tăng Hội sinh ra, lớn lên và được đào tạo thành tài tại đất nước ta, cho
nên khi tiến hành phiên dịch và trước tác, dứt khoát không thể nào
không chịu ảnh hưởng của tiếng Việt về cả ba mặt ngữ vựng, cú pháp và
ngữ pháp. Nếu Khương Tăng Hội sử dụng tiếng Trung Quốc tới mức nhuần
nhuyễn của một diệu thủ, thì có thể hạn chế tối đa ảnh hưởng vừa nói.
Nhưng đối với những trưng dẫn trên, ta thấy ông đã chịu ảnh hưởng đó một
cách nặng nề và sâu đậm. Tuy nhiên, vì quá nặng nề và sâu đậm, nên ta
phải đi tới một kết luận thứ hai. Đó là có khả năng Khương Tăng Hội đã
sử dụng một nguyên bản Lục độ tập kinh tiếng Việt để dịch ra bản Lục độ
tập kinh tiếng Trung Quốc, mà ta hiện đang dùng làm nguyên bản để dịch
lại ra tiếng Việt, bởi vì phải có một nguyên bản tiếng Việt như vậy mới
giải thích nổi tại sao ngữ pháp tiếng Việt đã ảnh hưởng một cách có hệ
thống và toàn diện đến thế đối với dịch bản Lục độ tập kinh tiếng Trung
Quốc hiện có.
Có thể có một bản Lục độ tập kinh tiếng Việt tồn tại vào thời Khương Tăng Hội không?