10/06/2011 09:54 (GMT+7)
Số lượt xem: 23863
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

PHẦN II. KHƯƠNG TĂNG HỘI - A. LỜI DẪN

 Nếu lịch sử văn học và văn hóa thành văn thời Hùng Vương còn để lại cho đến nay qua một bài "Việt ca" duy nhất đang bàn cãi[60][60] thì lịch sử văn học và văn hóa Việt Nam sau thời Hai Bà Trưng và trước Lý Nam Đế  có thể được nghiên cứu qua một loạt những tác gia lớn như Mâu Tử Bác, Khương Tăng Hội, Đạo Thanh (còn gọi là Đạo Hinh), Đạo Cao, Pháp Minh và Lý Miễu, trong đó người để lại nhiều dịch phẩm và tác phẩm nhất là Khương Tăng Hội.

 Khương Tăng Hội sinh ra, lớn lên và bắt đầu biên soạn một số tác phẩm của mình tại nước ta trong một giai đoạn khi dân tộc ta lần đầu tiên xây dựng xong một nhà nước thực chất độc lập và tồn tại trong một thời gian dài nửa thế kỷ, tức là từ năm 180 đến 228 sdl. Nhà nước này được hình thành qua một quá trình đấu tranh gian khổ khốc liệt, sau sự tan vỡ của nhà nước Hùng Vương năm 42 khi cuộc kháng chiến vệ quốc do Hai Bà Trưng lãnh đạo thất bại. Quân thù, dưới bàn tay chỉ huy của Mã Viện (17 tdl-44 sdl), đã tiến hành một chuỗi các biện pháp với ý đồ không những xóa sạch mọi tàn dư của một nhà nước Hùng Vương độc lập, mà còn hủy diệt một cách có hệ thống những thành tựu to lớn của nền văn minh và văn hóa Lạc Việt, nhằm mục đích đồng hóa và sau hết kết thúc sự tồn tại của nhóm người Việt cuối cùng ở phía nam như một dân tộc.

Chúng cho vây bắt toàn bộ những người lãnh đạo Việt Nam, mà chúng gọi là "chủ soái", đưa đi đày đọa ở Linh Lăng. Chúng thâu gom hết các trống đồng, một biểu tượng quyền uy của tầng lớp quý tộc Việt Nam, đem về Trung Quốc để nấu chảy lấy đồng đúc "ngựa pháp" dáng chừng để kỷ niệm chiến thắng. Chúng nghiên cứu luật lệ Việt Nam, phát hiện Việt luật có "hơn mười điều" trái với Hán luật và tuyên bố hủy bỏ chúng.

Song song với việc tiến hành hủy diệt có hệ thống sự tồn tại của dân tộc Việt Nam như một chủ thể độc lập có nền văn minh văn hóa riêng, có một nhà nước và cơ chế pháp luật riêng, chúng còn đưa vào Việt Nam nền văn minh văn hóa Hán, thiết lập một bộ máy cai trị và luật pháp thep quan niệm người Hán, với mục tiêu, nếu không xóa bỏ, thì nô dịch lâu dài dân tộc ta. Thế là một cuộc đọ sức bi hùng, khốc liệt, không cân xứng đã nổ ra. Nó nổ ra không chỉ trên mặt trận chính trị và quân sự nhằm dành lại chủ quyền đất nước, mà còn trên mặt trận văn hóa học thuật, để khẳng định bản lĩnh và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, làm tiền đề cho sự sống lâu dài và vĩnh viễn của một nhà nước Việt Nam độc lập.

Bắt đầu với cuộc khởi nghĩa Tượng Lâm năm 101, hơn ba mươi năm, sau anh hùng Khu Liên đã xây dựng thành công một vùng Việt Nam tự do làm hậu phương vững chắc cho các phong trào vận động độc lập ở Cửu Chân của Châu Đạt năm 158, và ở Giao Chỉ của Lương Long năm 177. Để đến khoảng năm 180 một chính quyền độc lập hình thành dưới sự lãnh đạo của Sĩ Nhiếp. Tới những năm 187 Chu Phù tuyên bố "bỏ điển huấn của tiền thánh, vứt pháp luật của Hán gia" để đi theo Phật giáo và kết hợp với Sĩ Nhiếp củng cố chính quyền độc lập do anh hùng Khu Liên mở đầu. Chính quyền này về danh nghĩa tuy chưa xưng đế xưng vương gì, nhưng về thực chất là một chính quyền Việt Nam độc lập có tính Phật giáo, bởi vì hệ thống điển huấn Trung Quốc và cơ chế pháp luật nhà Hán đã bị vứt bỏ. Thế vào chỗ đó tất nhiên có hệ thống điển huấn và cơ chế pháp luật của Việt Nam.

Vậy là cuộc đọ sức không cân xứng trên đến đây đã tới hồi ngã ngũ. Chiến thắng đã thuộc về dân tộc ta. Một nhà nước Việt Nam hồi sinh. Đồng thời với sự hồi sinh của một nhà nước Việt Nam độc lập trên mặt trận chính trị quân sự, là sự hồi sinh mạnh mẽ của hệ thống điển huấn pháp luật Việt Nam trên mặt trận văn hóa học thuật. Chính trong cao trào hồi sinh này mà đã sản sinh ra những khuôn mặt anh tài như Mâu Tử với tác phẩm Lý hoặc luận nổi tiếng viết năm 198, mạnh mẽ khẳng định bản lĩnh văn hóa Việt Nam và nghiêm khắc phê phán tư tưởng Đại Hán nô dịch.

Sinh ra trong bầu không khí tươi sáng của một nền độc lập mới hồi sinh, lại thừa hưởng được một học phong Việt Nam và Phật giáo dưới sự dìu dắt tận tình của những vị thầy như Mâu Tử, Khương Tăng Hội đã tiến hành công tác học thuật và truyền giáo của mình với những dấu ấn Việt Nam cực kỳ rõ nét. Ông là người đầu tiên đã sử dụng các kinh sách Phật giáo tiếng Việt để dịch sang tiếng Trung Quốc, mà hiện nay ta còn được hai bộ. Đó là Lục độ tập kinh và Cựu tạp thí dụ kinh. Chính trong các bộ kinh này, mà một phần nào truyền thống văn hóa điển huấn của dân tộc ta đã được bảo lưu.

Truyền thuyết trăm trứng của lịch sử khởi nguyên dân tộc ta[61][61]. Khương Tăng Hội đã giữ lại khi dịch Lục độ tập kinh tiếng Việt qua tiếng Trung Quốc. Những lời thầy giảng cho Hội đã được Hội ghi lại trong Cựu tạp thí dụ kinh. Trong các bản dịch này một số cấu trúc tiếng Việt cổ đã xuất hiện sẽ giúp ta nghiên cứu tiếng nói của cha ông mình cách đây gần 2.000 năm. Không những thế, Lục độ tập kinh và Cựu tạp thí dụ kinh chứa đựng một hệ thống điển huấn bao gồm những chủ đề tư tưởng lớn của dân tộc như nhân nghĩa, trung hiếu, đất nước v.v... làm cột sống cho chủ nghĩa nhân đạo và truyền thống văn hóa Việt Nam.

Ngoài ra, với An ban thủ ý kinh chú giải hiện còn, nó cho ta biết khá nhiều mặt. Thứ nhất, đây là một trong những tác phẩm viết trên đất nước ta được biết sớm nhất sau Lý hoặc luận đang tồn tại. Thứ hai, nó giúp ta hiểu cách lý giải kinh điển Phật giáo của người nước ta vào những thế kỷ đầu của Phật giáo tại Việt Nam. Thứ ba, nó làm chứng cho một nền giáo dục Việt Nam và Phật giáo Việt Nam phát triển tới mức đã đào tạo được những người con xứng đáng với dân tộc và nhân loại. Thứ tư, nó cung cấp những tư liệu cần thiết để nghiên cứu cụ thể tư tưởng, quan điểm và văn phong của chính Khương Tăng Hội.

Khương Tăng Hội có một vị trí xung yếu như vậy trong lịch sử dân tộc ta, chứ không phải chỉ trong lịch sử Phật giáo Việt Nam và Trung Quốc. Thế mà, cho đến nay chưa có một nỗ lực nghiên cứu nghiêm chỉnh nào về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Cũng chưa có một nỗ lực tập hợp đầy đủ nào về những tác phẩm và dịch phẩm của ông hiện còn, nhằm cung cấp tài liệu cho việc tìm hiểu nhiều mặt về Khương Tăng Hội, thông qua đó, tìm hiểu tình hình học thuật và văn hóa của dân tộc ta và Phật giáo thời ông. Chính vì chưa có những nỗ lực như thế, nên những phát biểu sai lầm này khác về Khương Tăng Hội vẫn tiếp tục.

Kể từ ngày Trần Văn Giáp dẫn lời Thông Biện trong Thiền uyển tập anh để giới thiệu một cách sai lầm Khương Tăng Hội như một trong những nhà truyền bá Phật giáo đầu tiên ở nước ta[62][62], những người viết về lịch sử Phật giáo Việt Nam tiếp theo đã lặp lại sai lầm ấy. Người thì nói Hội là một trong bốn nhà truyền bá đạo Phật đầu tiên của Việt Nam[63][63]. Kẻ thì bảo ông là “sáng tổ của thiền học Việt Nam”[64][64]. Bởi có quá nhiều sai lầm về sử kiện, dẫn đến những luận giải thiếu chính xác. Thậm chí có tác phẩm của Hội hiện đang còn như An ban thủ ý kinh chú giải thì ghi “nay không còn” (***). Rồi những gì do Khương Tăng Hội viết, mà người ta đọc được, lại bị chấm câu sai, dẫn đến những giải thích lầm lạc.

Chẳng hạn, câu đầu của bài tựa Pháp kính kinh tự trong Xuất Tam tạng ký tập 6 ĐTK 2145 tờ 46b29 và Pháp kính kinh ĐTK 322 tờ 15a3 đọc: “Phú âm giả, chúng pháp chi nguyện, tạng bỉ chi căn”. Bản in Đại chính ngày nay có chấm câu rõ ràng và đúng đắn như thế, vậy mà có người hoặc thiếu cẩn thận hoặc hiếu sự đã chấm câu thành “Phù tâm giả, chúng pháp chi nguyên tạng”, rồi dịch thành “Tâm là kho tàng căn bản của các pháp” (!!!) và giải thích Khương Tăng Hội “chịu ảnh hưởng tư tưởng duy thức” (***).Ai cũng biết "tạng bỉ" là một từ được rút từ bài thơ Ức của thiên Đại nhã Kinh thi mà Khương Tăng Hội rất quen thuộc trong Mao thi chính nghĩa 18/1 tờ 10a11-12 qua những câu:

Ô hô tiểu tử

Vị tri tạng bỉ

Phỉ thủ huề chi

Ngôn thị chi sự

Phỉ diện mệnh chi

Ngôn đề kỳ nhỉ

Và ngay từ thời Trịnh Huyền (127-200) người ta đã biết nó có nghĩa là “thiện ác”.

Vì vậy, cần có một nỗ lực tập hợp hết tất cả những tư liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Khương Tăng Hội cùng các tác phẩm, dịch phẩm hiện còn của ông nhằm cung cấp dữ kiện không những cho những người nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam, mà còn cho những người công tác trong lĩnh vực khoa học nhân văn và xã hội nói chung từ sử học, văn học, cho đến ngữ học, dân tộc học v.v... Khương Tăng Hội toàn tập đang nằm trong tay các bạn là một thể hiện cụ thể nỗ lực ấy. Nó gồm 2 tập. Tập I bao gồm một nghiên cứu của chúng tôi về Khương Tăng Hội và Lục độ tập kinh cùng nguyên bản và bản dịch tập kinh đó. Tập II chứa đựng những nghiên cứu của chúng tôi về Cựu tạp thí dụ kinh, An ban thủ ý kinh chú giải và Pháp kính kinh giải tự cùng nguyên bản và bản dịch chúng. Chúng tôi cũng cho in kèm theo Tạp thí dụ kinh cùng một nghiên cứu ngắn gọn về nó để làm tài liệu nghiên cứu bổ sung.


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp